dimanche 19 octobre 2014

Chút lịch sử về vua Trần Nhân Tông, tác giả Kiều Văn

Bài trích từ Việt Văn Mới










TRẦN NHÂN TÔNG





ÔNG VUA ĐẠI VIỆT ĐẦU TIÊN XUẤT NGOẠI



Trong lịch sử nước ta thời phong kiến, việc một ông vua đi chu du ra nước ngoài như trường hợp của thượng hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) thật hiếm thấy.
Năm 1301, dưới triều Trần Anh Tông, nước Chiêm Thành muốn tăng cường tình hoà hiếu với Đại Việt, cử một đoàn sứ bộ ra yết kiến vua và triều đình ta ở Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ lâu vẫn thích được “đi cho biết đó biết đây”, liền nhân dịp này muốn đi du ngoạn Chiêm Thành một chuyến. Thánh ý của thượng hoàng đương nhiên được sứ bộ Chiêm Thành nhiệt liệt hoan nghênh.
Trần Nhân Tông được mời tới kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành (thuộc tỉnh Bình Định ngày nay) và ở lại cả nửa năm trời để tìm hiểu phong tục tập quán và nền văn hoá Chàm. Ông rất có thiện cảm với đất nước Chiêm và rất mến vua Chiêm là Chế Mân.
Tình giao hảo của hai vị vua đã đạt tới đỉnh cao nhất. Trần Nhân Tông hứa gả con gái của mình là công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Đáp lại, Chế Mân hứa tặng vua Trần hai châu Ô, Lí (Bình – Trị – Thiên ngày nay).
Năm 1306, lời giao ước được thực hiện. Công chúa Huyền Trân trở thành hoàng hậu Chiêm Thành, và nước non Đại Việt mở rộng thêm hàng ngàn dặm vuông.
Cuộc xuất ngoại của thượng hoàng Trần Nhân Tông đã đưa lại cho quốc gia Đại Việt một mối lợi không nhỏ!

TRÚC LÂM ĐỆ NHẤT TỔ

Chữ “Nhân” trong niên hiệu Trần Nhân Tông quả vô cùng xác đáng với vị vua giàu lòng nhân ái này. Tìm hiểu mối tương quan bên trong giữa đức “dũng” của vị nguyên thủ quốc gia, một trong những thủ lĩnh của cuộc kháng chiến thần thánh chống Nguyên Mông – tên Hung Nô của cả loài người ở thế kỷ XIII – với đức “nhân” của vị “Trúc Lâm đệ nhất tổ”, người khai sáng nên “Phật giáo cho người Việt Nam”: đó là một đề tài mang tầm vóc rất lớn về triết học và nhân văn, đòi hỏi có những công trình nghiên cứu chuyên sâu.
Tuy nhiên, xét đại lược thì vua Trần Nhân Tông là tổng hoà của ba phẩm chất căn bản của một Bồ Tát chân chính: đó là Bi – Trí – Dũng. Những phẩm chất ấy cũng thiết yếu với những con người chủ trương “hữu vi”, nhập thế theo Nho Giáo.
Lịch sử còn ghi một hành vi rất cảm động, nêu bật tinh thần “khắc kỉ, vị tha” của Trần Nhân Tông:
Năm 1284, khi giặc Nguyên do bọn Toa Đô, Thoát Hoan cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai, quân dân nhà Trần không chống nổi, Hưng Đạo Vương bị bại trận phải thu quân về Vạn Kiếp. Vua Trần Nhân Tông rất lo lắng, bèn ngự một chiếc thuyền nhỏ xuống Hải Đông (Hải Dương) cho vời Hưng Đạo Vương đến mà nói rằng:
- Thế giặc to như vậy mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là trẫm chịu hàng đi để cứu muôn dân?
Hưng Đạo Vương hiểu thấu lòng vua, đáp:
- Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng còn tôn miếu, xã tắc thì sao?...
Chỉ một câu nói ấy thôi cũng đủ cho thấy Trần Nhân Tông là một ông vua có lòng nhân đức, đã thấu hiểu chân lí “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý nhất, chế độ xã hội là thứ yếu, vua là nhẹ).
Trần Nhân Tông còn ban một chiếu chỉ đầy nhân đức khác. Nhân hai năm liền trong nước xảy ra nạn đói, nhiều người nghèo khổ phải bán mình làm nô tì cho những nhà giàu có. Vua xét thấy việc mua bán người chỉ là việc vạn bất đắc dĩ, không thể đánh sòng với việc mua bán nhà cửa, ruộng đất, tài sản được. Chiếu chỉ của vua quy định rõ: tất cả những người đã bán mình làm nô tì đều có quyền nộp tiền cho chủ để chuộc lại tự do. Luật này chỉ áp dụng cho “người” mà không áp dụng cho tài sản, ruộng đất.
Trần Nhân Tông mỗi khi đi ra ngoài kinh đô, gặp bọn gia đồng của các vương hầu, thường đều gọi chúng lại ân cần hỏi:
Chủ các cháu ở đâu?
Và ngài răn các vệ sĩ, cấm không được cầm roi đuổi chúng để dẹp đường, mà cứ để mặc chúng đi lại hoặc chơi đùa. Ngài không thích dùng cái “uy thiên tử” làm mất niềm vui của bầy con trẻ ấy. Thậm chí ngài còn dạy tả hữu một sự thực đáng lấy làm suy nghĩ:
Ngày thường thì trẫm có thị vệ, tả hữu, nhưng khi quốc gia lắm hoạn nạn thì chỉ bọn chúng (tức bọn gia nô, kẻ thường dân) là có mặt giúp rập trẫm mà thôi!
Sở dĩ vua nói vậy, vì trước đây trong lúc kinh thành thất thủ, chính ngài đã rơi vào cảnh lạc lõng bơ vơ, nếu không có những kẻ thường dân ra tay giúp đỡ thì không hiểu số phận của ngài sẽ ra sao?
Tấm lòng của vua Trần Nhân Tông đối với nhân dân thì thế, còn đối với giặc thì sao?
Trong trận Tây Kết (Hưng Yên) năm 1285, bị quân ta tấn công dữ dội, quân Nguyên địch không nổi, hai tướng Toa Đô và Ô Mã Nhi phải đem quân lên bộ chạy ra phía biển. Nhưng khi chạy đến sau một dãy núi thì chúng gặp phục binh nhà Trần đổ ra đánh. Toa Đô bị trúng tên chết tại trận. Ô Mã Nhi thoát thân chạy vào Thanh Hoá rồi lẻn xuống một chiếc thuyền con bơi ra biển trốn biệt về Tàu.
Khi các tướng Trần đem đầu Toa Đô về nộp, vua Trần Nhân Tông vô cùng xúc động khi nhìn thấy thủ cấp viên đại tướng dũng kiện và cực kì trung thành của nhà Nguyên, ngài đã buột thốt lên một lời cảm thán:
Làm bầy tôi nên như người này!
Đoạn vua cởi áo ngự bào của chính mình ra trang nghiêm đắp lên đầu viên tướng giặc rồi sai các quan dùng lễ nghi mai táng Toa Đô hết sức tử tế.
* * *
Sau khi nhường ngôi cho thế tử (Trần Anh Tông), Trần Nhân Tông xuất gia đi tu đạo Phật ở núi Yên Tử (thuộc Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh ngày nay), lấy đạo hiệu là Trúc Lâm đại sĩ, pháp danh là Điều Ngự Giác Hoàng. Ngài nghiên cứu sâu sắc đạo Phật Ấn Độ và bỏ nhiều công phu biên soạn và “chế tác” lại lí thuyết Phật Giáo cổ điển rườm rà và nhiều tư biện, tạo ra một thứ “Phật Giáo của người Việt Nam” giản dị, gần gũi con người hơn: Thiền phái TRÚC LÂM. Sở dĩ có tên Trúc Lâm vì tại núi Yên Tử có một rừng trúc rất quý (nay hãy còn) là một cảnh trí lí tưởng để các thiền sư đến đó đàm luận về đạo Phật và tham thiền nhập định.
Từ cương vị một ông vua, Trần Nhân Tông trở thành một vị Phật sống, thành Trúc Lâm đệ nhất tổ 1, thành nhà hiền triết, nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, của phương Đông, chủ trương “Tam giáo đồng nguyên” (Nho – Phật – Lão cùng nguồn gốc).
Trước khi mất, Trần Nhân Tông dặn dò Pháp Loa tất cả các việc về sau, rồi bỗng nhiên đang ngồi ở am Ngoạ Vân mà hoá. Pháp Loa thiêu xác ngài, lấy được hơn 3000 hạt xá lị (hạt tro của thân xác sau khi thiêu) mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư.
Tương truyền khi mang hộp xá lị về kinh, vua Anh Tông thấy những hạt này rất lạ mắt, có ý ngờ đấy không phải tro xác Nhân Tông. Các quan nhân đó xin bắt tội Pháp Loa đã lừa dối vua. Nhưng lúc đó hoàng thái tử Mạnh mới lên 9 tuổi đứng hầu bên cạnh chợt thấy có mấy hạt xá lị bay vào ống tay áo của mình. Thái tử bèn lấy ra, đưa cho mọi người xem. Người ta bèn kiểm lại số hạt xá lị trong hộp, quả nhiên thấy thiếu mất mấy hạt này. Anh Tông tận mắt chứng kiến sự huyền diệu ấy, xúc động đến phát khóc, tưởng như phụ vương đang tại thế, đang nhìn rõ tất cả tâm địa từng người. Pháp Loa vì thế mà được minh oan.
Có lẽ trước đây, một thi sĩ lỗi lạc nhưng ẩn danh đã lánh mình trong cô tịch của núi thiêng Yên Tử, và trong một thời gian dài đã trước tác nên những thi phẩm Nôm bất hủ về danh sơn Yên Tử. Khi trở về cõi tiên cõi phật, hồn thiêng của đấng thi nhân đã nhập vào người trần thế để truyền lại thế gian những vần thơ tuyệt tác và thâm thuý, trong đó có những vần thơ cảm thán về vua Trần Nhân Tông như sau:
Từ bỏ đài son điện ngọc ngà

Cung tần mĩ nữ, chốn kiêu xa
Linh sơn Yên Tử vua Trần đến
Kinh đô, thành cũ mỗi bước xa...
Non xanh cắt tóc dứt trần duyên,
Vua đến nơi đây để nhập thiền,
Không phải trốn đời và yếm thế,
Cứu đời, nhập thế với Phật, Tiên.

GIÁC NGỘ ĐẠO PHẬT CHO TRƯƠNG HÁN SIÊU

Rất đông các nho sĩ (đệ tử của Nho Giáo chính thống) thời phong kiến ở nước ta theo quan điểm “nhất nguyên”, chỉ tôn thờ Nho Giáo mà bài xích Phật Giáo, Đạo Giáo, và sau này, Gia Tô Giáo.
Việc các vua Lí và Trần chấp nhận Phật Giáo phải chăng là sự mẫn cảm, sáng suốt của trí tuệ Đại Việt? Nếu Nho Giáo là khuôn vàng thước ngọc để tổ chức xã hội, thể chế hoá mọi phạm trù của đời sống thì Phật Giáo đặt nền móng triết học cho phần “hồn” của con người. Trong đời sống tinh thần và văn hoá của dân tộc ta, Phật Giáo đã tỏ ra có sức hấp dẫn lạ thường, bởi nó thoả đáp nhu cầu tình cảm và tâm linh của mọi tầng lớp nhân dân.
Vua Trần Nhân Tông là người sớm “ngộ” Phật Giáo. Thế nhưng một văn thần của ngài là Trương Hán Siêu, tác giả của “Bạch Đằng Giang phú” nổi tiếng, lại là người kịch liệt bài bác Phật Giáo. Nhân Tông hiểu rằng, sở dĩ Trương Hán Siêu có thái độ đó, chẳng qua vì ông ta chưa có “cơ duyên” để ngộ đạo mà thôi! Nhà vua bèn tìm cách tạo cho Hán Siêu một “cơ duyên”... Ngài không hề gò ép, chỉ cử Hán Siêu đến làm giám tự, trông coi chùa Quỳnh Lâm (ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay).
Thế rồi không hiểu vì khung cảnh thanh u của nhà chùa, hay vì điển quang của đức Phật phóng ra phổ độ chúng sinh, đã soi sáng cả tâm thức của nhà nho, dần dần Hán Siêu thấy mình đổi khác... Ông bắt đầu đọc những trước tác uyên thâm của Phật Giáo. Trí huệ của ông ngày càng được mở rộng khiến ông có tầm nhìn bao quát hơn, triệt để hơn về vũ trụ, về nhân sinh và về phương pháp giải thoát những nỗi đau khổ của con người. Ông được chứng kiến những con người đã trở nên thiện lương hơn, sống nhẹ nhàng thanh thản hơn khi đã “ngộ” những giáo lí sâu xa của đạo Phật. Ông thấy và ông hiểu được vì sao “chúng sinh” ơ’ khắp mọi miền trong nước hành hương nườm nượp tới các chùa chiền, không hề do mệnh lệnh, chỉ dụ của một triều đình nào, mà chỉ vì tiếng gọi của tâm linh họ. Ông thực sự cảm phục tính hiền lương, cao nhã và những hành vi bác ái, vị tha của những người theo Phật Giáo. Rốt cuộc, Trương Hán Siêu đã “ngộ” Đạo.
Ông đã chân thành “tự phê phán” thái độ và quan điểm hẹp hòi, cực đoan của mình trước đây: không biết gì hơn ngoài Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc Sử... của Trung Hoa. Ông viết một câu thơ không khác gì một lời sám hối:

Đời lênh đênh trước, khác nay.
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to!
(“Dục Thuý Sơn”, Trần Văn Giáp dịch)

Những nho sĩ tiếp thụ cả Phật Giáo như Trương Hán Siêu không ít. Và lịch sử đã xác nhận: ở hai triều đại Lí, Trần, Phật Giáo được đặc biệt coi trọng bên cạnh Nho Giáo, nhiều ông vua đã tu Phật (Lí Công Uẩn, Lí Huệ Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông…). Đó cũng chính là hai triều đại lập nên nhiều chiến công hiển hách, đánh bại được cuộc xâm lược của nhà Tống, đặc biệt là ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông.


http://newvietart.com/index4.1875.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire