lundi 17 novembre 2014

Ca dao, tục ngữ và câu chuyện dân ta với MỘT QUAN LÀ SÁU TRĂM ĐỒNG…

Kính gửi quý anh chị đọc thêm bài viết này  để bổ túc cho bài đã post lần trước
 
Bạc Cắc Việt Nam Cộng Hoà và bài “Một quan là sáu trăm đồng Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi…”


 Caroline Thanh Hương



MỘT QUAN LÀ SÁU TRĂM ĐỒNG…

Trong sách Quốc văn Giáo khoa thư có một bài ca dao nhan đề là “Đi chợ tính tiền”:
Một quan tiền tốt mang đi,
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra.
Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, bó rau mười đồng.
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
Ba mươi đồng rượu, chàng ơi!
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn kẽo chàng hồ nghi.
Hai mốt đồng bột nấu chè,
Mười đồng nãi chuối, chẵn thì một quan.
*

Cứ cái giọng chàng, nàng trong bài ca dao này thì chắc chắn đây là một cuộc đối đáp giữa một đôi vợ chồng trẻ. Anh chồng giao cho cô vợ một quan tiền để đi chợ. Cứ theo lời cô vợ kể ra thì cô mua gà, mua thịt, mua rau, mua rượu, mua mật, mua bột nấu chè, mua gạo nếp tẻ, trầu cau, mua chè tươi, mua nước mắm, mua chuối và vàng mã tức giấy tiền vàng bạc.
Chắc là nhà có giỗ kỵ, người ta mới mua nhiều thứ như vậy. Tội nghiệp cho cô vợ trẻ, chợ thời xa mà cô gánh từng ấy thứ thì cô phải mệt lắm lắm. Chúng ta cứ tưởng tượng cảnh anh chồng trẻ năm khểnh ở nhà xem sách, những cuốn Tứ thư, Ngũ kinh tự đời nảo đời nào truyền lại, thỉnh thoảng lại vớ cái điếu, rít một hơi thuốc lào. Cả anh chồng lẫn mấy cuốn sách nhìn qua đều rất là vô tích sự. Cô vợ trẻ gánh một gánh nặng về đến. Cô chỉ vừa kịp chào ông chồng, vừa kịp lột cái khăn mỏ quạ xuống chưa kịp quạt cho ráo mồ hôi vì đường xa, gánh nặng và dĩ nhiên là chưa hết mệt thì anh chồng trẻ đã xà đến, anh lục lọi những thứ cô vợ vừa mua và dùng đôi tay khéo léo của mình chèn xếp cho vừa một gánh. Lục lọi xong, anh chồng hỏi cô vợ:
-Sáng nay tôi đưa cô một quan tiền, cô mua những gì mà hết nhẵn những một quan tiền?
Nghe anh chồng xẵng giọng, cô vợ chưng hửng, nhưng cô vẫn dịu dàng giải thích, cô kể ra từng món. Món này tiền rưỡi, món kia mười đồng. Cô kể vanh vách dịu dàng nhưng cô cũng hóm hỉnh lắm: Ba mươi đồg rượu chàng ơi! Đành rằng giỗ kỵ là phải có rượu cúng, nhưng làm gì đến những ba mươi đồng nếu không phải chạy vào miệng chàng và mấy ông bạn đàn ông vô tích sự của chàng?
Hai chén nước mắm rõ ràng
Hay bảy mười bốn kẻo chàng hồ nghi!
À, thì ra anh chồng trẻ này nghi ngờ điều chi đây. Nghi cái gì? Phải rồi! Anh nghị vợ bớt tiền đi chợ để ăn quà! Nghe qua bài toán của cô vợ, người ta có thể đoán ra được đây là một đôi vợ chồng son, chưa có con, bởi vì trong số những món quà mà nàng mua về không thấy có quà trẻ con. Đó là chúng ta đoán mò thế thôi. Còn điều này thì chúng ta biết chắc: anh chồng là người họ Tào!
Đúng thế! Không phải hậu duệ của Tào Tháo thì sao lại đa nghi như vậy! Ấy là còn trẻ, còn son sẻ, còn đẹp đấy. Mươi năm nữa anh ta còn đối xử với cô vợ ấy tệ đến mức nào! Thật là cái anh đàn ông đáng đem ra câu sấu. Nhưng may quá, cô vợ tính toán đâu ra đấy. Anh chồng họ Tào bẽn lẽn quay trở lại vớ cái điếu kéo một hơi dài rồi lại mơ màng đến Cử nhân, Tiến sĩ, bia đá bảng vàng. Còn cô vợ thì liếc xéo ông chồng một cái, cặp mắt có đuôi rồi mỉm cười một mình quảy gánh xuống bếp.
Cái lối tính toán lẹ làng đâu ra đấy của cô vợ trẻ làm anh chồng đa nghi kia biết ngay là anh đã nghi ngờ oan cho cô vợ của anh. Thế nhưng đối với người viết, cái lối tính nhẩm ấy không phải là dễ hiểu. Bởi vì cô vợ giỏi giang ấy đã dùng đến ba đơn vị tiền tệ trong khi tính toán: Quan, tiền, đồng.
Cô lại nói nhanh, món này mấy tiền, món kia mấy đồng… cộng lại là một quan! Thôi thì đành phải ghi xuống giấy rồi hậu xét. Một quan mấy tiền, một tiền mấy đồng?
Về quan tiền, thì Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim và Việt sử toàn thư của Phạm Văn Sơn đều chép rằng Hồ Quý Ly phế nhà Trần, lập nhà Hồ, đặt ra tiền giấy. Tiền giấy có 7 hạng:
-Giấy 10 đồng vẽ rêu bể.
-Giấy 30 đồng vẽ sóng nước.
-Giấy 1 tiền vẽ đám mây.
-Giấy 2 tiền vẽ con rùa.
-Giấy 3 tiền vẽ con lân.
-Giấy 5 tiền vẽ con phụng.
-Giấy 1 quan vẽ con rồng.
Chúng ta dễ đoán ra được 1 quan là 10 tiền, 1 tiền là 60 đồng. Nhưng đó là những năm đầu thế kỷ 15.
Thế gần đây hơn nữa thì sao? Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim khi viết về đời sống xã hội Việt Nam đời Nguyễn trước lúc Pháp đô hộ có đoạn:
“… Thuở ấy 1 tiền mua được 4 bát gạo… Người đi làm thuê khôn khéo lắm thì mới được mỗi ngày 1 tiền, không thì chỉ được 18 hoặc 30 đồng mà thôi…”
Cũng dễ đoán – đoán thôi – 1 tiền là 60 đồng.
Trong quyển sách “Những trò chơi ở Việt Nam thời trước” có ghi một trò chơi mang tên “Năm tiền, liền quan”.  Trong trò chơi này, trẻ con có câu: “Bán một mắt năm tiền, bán hai mắt liền quan”. Vậy 1 quan có 10 tiền.
*
Cậu học trò Trung học Đệ nhất cấp và mê thơ Nguyễn Bính thì tính toán dễ dàng hơn. Chú nhớ bài thơ “Trăng sáng vườn chè” có đoạn:
“Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi…”
Rồi chú tính tiếp: 3 tiền gà, tiền rưỡi thịt, tiền rưỡi gạo nếp, tiền rưỡi gạo tẻ là bảy tiền rưỡi. Trầu 3 đồng, cau 6 đồng, rau 10 đồng, chè tươi 6 đồng, mật nấu chè 30 đồng, rượu 30 đồng, vàng mã 20 đồng, nước mắm 14 đồng, bột nấu chè 21 đồng, chuối 10 đồng. Cộng 150 đồng.
7,5 tiền + 150 đồng = 600 đồng.
Dễ quá! Một quan 10 tiền, một tiền 60 đồng!
*
Hai học giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng đồng ý là cô vợ trẻ ấy tính toán đúng và không có bớt tiền chọ để ăn quà. Như anh chồng đa nghi kia đã nghĩ.
Tự điển Việt Nam chú thích:
Quan: Đơn vị tiền tệ thời xưa gồm 10 tiền hay 600 đồng.
Thí dụ:
Chị kia có quan tiền dài,
Có bị gạo nặng, coi ai ra gì!
(Ca dao)
Tiền: Một tiền là một phần mười của quan xưa, bằng 60 tiền kẽm.
(Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ – Tự điển Việt Nam).
Tại sao lại là quan tiền dài? “Một quan là sáu trăm đồng…”. Nếu một đồng kẽm chỉ dày 1,5 milimetre thôi thì quan tiền xưa ắt phải dài ít nhất 900 milimetres, gần một mét. Và cách gọn nhất là người ta luồn một sợi dây vào cái lỗ vuông ở giữa đồng tiền kẽm và xâu lại với nhau rồi khoác vào vai mà mang đi. Cái xâu quan tiền ấy dài lắm.
Một quan tiền dài đủ làm một cái đám giỗ, và nó có giá trị bằng mười ngày lương của thợ thường. Cho nên cái quan tiền dài và cái bị gạo nặng mới làm cho chị kia không coi ai ra gì!
*
Anh chồng này là một anh đàn ông đa nghi và tính tình có vẻ keo kiệt. Anh nghi cái gì? Anh nghi cô vợ trẻ của anh bớt tiền chợ để ăn quà!
Theo chỗ chúng ta biết thì xưa nay các bà, các cô là chúa đa nghi. Nhưng hình như sử sách lầm lẫn làm sao đó mà người ta lại khẳng định một cách rất bất công rằng ông đàn ông Tào Tháo là thánh tổ của cái nghề đa nghi.
Anh chồng trẻ hạch hỏi vợ về khoản tiền chợ tuy họ Tào và cái thói đa nghi rất đáng chê  trách, nhưng điều anh ta nghi ngờ không phải là hoàn  toàn vô lý. Chắc chắn là cái kinh nghiệm nghi ngờ cô vợ bớt xén tiền chợ để ăn quà là do bà mẹ của anh truyền cho. Còn ai rành các cô dâu bằng các bà mẹ chồng! Các bà trước khi trở thành mẹ chồng đã từng là con gái, làm dâu, rồi mới trở thành mẹ chồng. Thế thì kinh nghiệm của các bà mẹ chồng ấy toàn là kinh nghiệm thực tế!
Hãy nghe một bà mẹ chồng ở Hội An dặn con dâu khi cô con dâu này sắp cắp thúng đi chợ:
Hội An có lắm thức ngon
Nhịn mồm, nhịn miệng cho chồng con nó đặng nhờ!
Bà mẹ chồng này nói phải. Bà biết rõ, quá rõ Hội An là một cái chợ có không biết bao nhiêu là thức ngon thức khéo, và khi bà lúc còn là một cô dâu Hội An bà đã từng bớt tiền chợ để thưởng thức những món ấy!
Vậy ra ăn quà vặt ở chợ là cái ngón nghề gia truyền riêng của các bà, các cô? Có lẽ thế! Có lẽ thôi vì chẳng riêng gì ở nơi chợ búa, còn nhiều nơi khác nữa, quà bánh hình như cũng chỉ được làm ra để phục vụ riêng cho giới tóc dài, tức giới tóc uốn phi dê, tóc thề, tóc kẹp, tóc đuôi gà, tóc đuôi… ngựa.
Chẳng nói đâu xa, cứ ngay trước cửa các trường học ở một nước – nước Việt Nam Cộng Hoà – cóc, ổi, me, chùm ruột ngâm nước cam thảo chấm mắm ruốc, ô mai, đậu đỏ, bánh lọt, mười tám loại chè, hai mươi mốt loại bánh và ba mươi loại kẹo người ta không làm ra để bán cho nam sinh. Đám nam sinh chẳng bao giờ chú ý đến những quà bánh ấy. Các chú ấy, khi đến tuổi mọc được những sợi râu mép đầu tiên, tập ghép vần những bài thơ tình không tên đầu tiên thì chỉ tiêu thụ có mỗi món cà phê và thuốc lá. Lớn tí nữa, khi bị những con vi trùng dễ thương của bệnh tương tư và bệnh thất tình xâm nhập cơ thể, các chú mới thêm một thứ nữa là bia. Thế thôi!
Vậy thì ăn quà vặt là cái ngón nghề gia truyền chỉ được phổ biến giới hạn trong giới các cô, các bà từ Nam chí Bắc, từ miền ngược tới miền xuôi.
Anh chồng trẻ trong bài ca dao được in ở quyển Quốc văn Giáo khoa thư tuy có đa nghi, nhưng cái nghi ấy cũng có lý do chính đáng chứ không phải là nghi bóng, nghi gió.
*
Tuy gặp phải anh chồng keo kiệt và đa nghi, nhưng cô vợ trẻ vẫn không lấy gì làm phiền lòng. Cô vẫn dịu dàng giải thích, tính toán từng món cho ông chồng nghe. Rõ ràng là cô không bớt ra đồng nào để ăn quà – một chuyện mà hình như tất cả đàn bà trên thế giới – trừ nước Việt Nam ta – vẫn làm mỗi khi đi chợ, cô vợ trẻ đem theo một quan tiền và cô mua hết nhẵn một quan tiền, không chừa riêng cho mình một đồng nào để ăn quà!
Cô bị nghi oan nhưng cô vẫn vui vẻ. Cô lại lanh lợi, nhanh nhẹn tính toán đâu ra đấy. Cô giỏi giang hơn các cô đầm Mỹ bây giờ, chỉ năm với bảy cũng phải dùng máy tính. Anh chồng tuy nghi ngờ không đúng người mà cô vãn không trách cứ tiếng nào. “Ba mươi đồng rượu chàng ơi”… “Hai chén nước mắm rõ ràng. Hai bảy mười bốn kẽo chàng hồ nghi…” Ngọt ngào đến thế thì thôi! Cô hẳn là một cô vợ lý tưởng mà bất cứ đàn ông con trai nào của nước Nam ta cũng mơ ước.
Chả biết những cô vợ trẻ giỏi giang, lanh lợi, dễ thương như vậy thời nay có còn không nhỉ? Sao mà thời xưa các bà, các cô lại chịu khó nuôi chồng hơn bây giờ? Những anh chồng hết sức vô tích sự: “Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” thế mà cũng được các bà, các cô bấm đốt tay tính toán:
Một quan là sáu trăm dồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi…
Các cô vợ đời xưa mà nhà thơ Nguyễn Bính đã tả ra trong bài “Trăng sáng vườn chè” thật là một cô vợ đáng giá. Còn cái anh chồng dài lưng tốn vải kia mới thật là tệ làm sao. Chỉ có mỗi việc học thôi mà cũng phải đợi cô vợ:
Em hằng khuyên sớm, khuyên trưa!
Cái thứ đàn ông ấy là cái thứ đàn ông một chục ba đồng. Còn cô vợ quả là cô vợ ba trăm một chị.
Ba đồng một chục đàn ông,
Mua về ta bỏ vào lồng ta chơi!
Ba trăm một chị đàn bà,

Mua về ta trải chiếu hoa cho ngồi!
(Ca dao).
Tính cho kỹ ba trăm một chị và ba đồng một chục, người ta thấy thời ấy đàn bà đáng giá đúng một ngàn lần đàn ông. Thế nhưng tại sao cô vợ đáng giá ba trăm kia lại đi tảo tần chợ sớm, chợ trưa để nuôi báo cô một anh chồng đáng giá ba cắc bạc?
Các cô vợ khôn ngoan lanh lợi đáng giá ba trăm ấy nuôi báo cô một anh chồng ăn no lại nằm là cô vợ ấy khôn lắm. Cô ấy đợi một ngày:
Chồng em cỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
Các cô vợ ấy nuôi chồng theo kiểu người ta nuôi… heo đất ấy mà! Các cô chả dại đâu. Không có các ông ba đồng một chục dài lưng tốn vải ấy thì các cô chừng nào mới trở thành bà Tú, bà Cử, bà Bảng, bà Nghè, bà quan!
Bài thơ của ông Nguyễn Bính hay thì thật là hay, nhưng cũng có chỗ mà tất cả các ông học trò dài lưng cách đây một trăm năm trở về trước đều không thích. Đó là cái chỗ:
Em hằng khuyên sớm, khuyên trưa,
Anh chưa thi đỗ thì chưa… động phòng!
Cái điều kiện đặt ra mới ngặt nghèo làm sao! Anh dài lưng lười học đến đâu mà nghe cái điều kiện này cũng phải học đến vỡ mật!
*
Các cô nói thế thôi, ai tin thì cứ tin, ông Nguyễn Bính có tin thì tùy ông. Người viết không tin tí nào!  Bởi vì người viết bài này đi hỏi nhiều người nhưng chưa có ai trả lời một cách chính xác rằng người con lớn nhất của nhà thơ Tú Xương được sinh ra mười tháng sau khi ông Trần Tế Xương thi đỗ Tú Tài hay là đã được sinh ra trước khi đó.
Anh học trò kia cưới vợ. Đêm tân hôn anh rụt rè nắm tay cô vợ trẻ:
-Nhà nó ơi! Tôi thương nhà nó lắm! Tí… nhé!
-Không được! Nhà nó phải cố học, thi đỗ đã!
Anh chồng mới thở dài, ra phòng ngoài đốt đèn lên đọc sách. Đêm sau, đêm sau nữa cũng thế. Anh học trò tự nhủ:
-Thôi thì đành vậy, lo học để thi cho đỗ mới được!
Rồi đêm nào anh cũng chong đèn học đến ngủ gục tại bàn học, anh không màng gì nữa. Đến đêm thứ sáu, thứ bảy gì đấy, đã giờ tí canh ba mà anh vẫn còn chong đèn học. Anh học say sưa quên hết sự đời thì anh bỗng giật mình, một bàn tay đặt trên vai anh, và anh nghe một giọng nói bẻn lẻn:
-Nhà nó ạ! Khuya lắm rồi, nhà nó đi nghỉ đi chứ! Hồi sáng này em có đi xem bói. Thầy nói tuổi nhà nó tốt lắm đấy, mai sau thế nào cũng thi đỗ làm quan. Thầy nói trước sau gì nhà nó cũng thi đỗ. Thôi thì… thôi thì… Chứ tháng mười năm sau mới có khoa thi. Nhà nó, nhà nó… đi vào mà nghỉ… nhé!
Nhé thì nhé! Anh học trò vội vã xếp sách lại. Phải, đêm khuya lắm, giờ tí canh ba rồi!
Một anh học trò có căn nhà tranh ở vườn chè kể với người viết như vậy, chả biết anh có thêm thắt gì không? Chứ hôm anh kể chuyện, cái vườn chè trăng sáng lắm.
*
Trên đất tỵ nạn bây giờ vẫn có những bà đi làm assembler, làm tóc, làm nails, chắt chiu tháng tháng nuôi các ông dài lưng đi học lại bằng bác sĩ, kỹ sư. Nhưng chắc chắn chẳng còn ai đặt ra cái điều kiện chết người như xưa. Vả lại ở xứ người, nếu chịu học là sẽ thi đỗ, cái điều kiện ấy mà đặt ra thì sớm muộn gì cũng được. Đâu có phải thi cử khó khăn như thời ông Tú:
Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy!
*
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn kẻo chàng hồ nghi.
Nước mắm bảy đồng một chén. Đàn ông ba đồng một chục. Nếu chục là mười hai, tức chục đủ đầu, ba chục đàn ông mới được một chén nước mắm. Rẻ thay cái thân phận đàn ông và nặng nề thay là cái nhiệm vụ của đàn ông kiếm ngựa cho mình và kiếm võng cho vợ để:
Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau.
Có thế thì các cô mới chịu lép mà nuôi các anh học trò. Mới có cảnh anh chồng nghi ngờ bậy bạ mà cô vợ chẳng phiền lòng. Cô vợ hiền như vậy, giỏi như vậy, tính nhẩm hay như vậy, không bớt tiền chợ để ăn quà thì nhất định là chỉ nước Nam ta mới có.
Một nickel rau, 2 dimes gạo nếp, một quarter thịt, ba cents trầu, 1 dime gà, 3 nickles gạo tẻ, 6 cents cau, 2 cents giấy vàng mã, 2 nickles mật, 4 cents bột nấu chè.
Đố cô vợ Mỹ nào tính nhẩm mà làm được một bài thơ? Chỉ có đàn bà con gái nước Nam mà thôi. Các bà, các cô nước Nam giỏi thế nên đàn ông nước Nam ít thấy người râu xồm mà thường là râu quặp.
Một quan là sáu trăm đồng. Ba trăm một chị đàn bà.
Một bà mắt xanh, tóc vàng giá bao nhiêu thì chả rõ, nhưng chắc chắn là không thể hơn nửa quan, tức năm tiền, tức là ba trăm đồng. Chắc chắn như thế. Có bao giờ người ta nghe các cô ca sĩ Mỹ hát:
Trăm cents là đúng một đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi…
Chả bao giờ cả. Thế thì một quan là sáu trăm đồng vẫn hơn. Mặc dù thỉnh thoảng cũng có quan tiền dài và bị gạo nặng làm phiền đàn ông một tí, nhưng hiếm lắm. Quan tiền sáu trăm ấy vừa làm được bữa giỗ vừa để chắt chiu cho chồng đi thi.
Quí lắm đấy! Ở nước Nam mới có. Một quan là sáu trăm đồng…
LÃO MÓC
(Trích NGUYỄN THIẾU NHẪN TUYỂN TẬP, quyển sách dày trên 1,200 trang. Sách sẽ do Việt Nam Văn Bút Hải Ngoại/Tây Bắc Hoa Kỳ & tuần báo Tiếng Dân xuất bản và phát hành. Trong tháng 1 năm 2010 sẽ phát hành Tập I).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire