lundi 3 novembre 2014

Úc sắp hết thời may mắn

Khủng hoảng toàn cầu,  khi những đất nước còn may mắn trước đây, cũng bắt đầu  bớt may mắn...
Cám ơn bài  sưu tầm của chị Ái
Caroline Thanh Hương

Úc sắp hết thời may mắn
 



UserPostedImage


Cựu Tổng trưởng Kinh tế Peter Costello cảnh cáo rằng “quỹ may mắn” của Úc Đại Lợi đang bắt đầu cạn dần. Đây là lời cảnh cáo mà vị tổng trưởng kinh tế có thời gian tại nhiệm lâu dài nhất trong lịch sử Úc đã đưa ra tại một diễn đàn được tổ chức ở Sydney hồi đầu tháng 9 vừa qua.

Trong bài nói chuyện, Cựu Tổng trưởng Kinh tế Costello đặc biệt lưu ý đến thu nhập của người dân Úc và giá nhà hiện nay. Theo ông, lần đầu tiên kể từ thập niên 1990, thu nhập của người dân Úc được xem là ổn định, nghĩa là không gia tăng. Những người dưới 50 tuổi đã trải qua một thời kỳ với thu nhập gia tăng không ngừng. Nhưng hiện nay họ phải chứng kiến một điều hoàn toàn khác: giới thu nhập ngày càng tỏ ra lo lắng và “ngưng mua sắm”. Đồng lương “thực hữu” đang hạ giảm và mức thu nhập xem như đã đạt đến đỉnh, nghĩa là không tăng thêm nữa.

Cựu tổng trưởng kinh tế dưới thời thủ tướng John Howard giải thích rằng tỷ lệ tiết kiệm hiện nay của dân chúng Úc là 10 phần trăm. Trong khi đó trong thập niên 1990, khi kinh tế Úc bùng nổ, người dân tiêu xài thả cửa. Nay thì trái lại, dân chúng đóng thẻ tín dụng và mở trương mục tiết kiệm.

Theo ông Costello, chế xuất có thể có tương lai tại Úc, nhưng kỹ nghệ này sẽ không còn sử dụng hàng loạt công nhân địa phương nữa.

Về giá nhà đang lên hiện nay, cựu tổng trưởng kinh tế này giải thích rằng việc xây nhà tại Úc tương đối rẻ. Có mắc chăng là giá đất.

Thật ra, nếu “quỹ may mắn” của Úc Đại Lợi có cạn dần thì sự kiện này cần phải được đặt vào một bối cảnh rộng lớn hơn. Trong một bài bình luận đăng trên báo The Sydney Morning Herald, số ra ngày 27 tháng 9 vừa qua, ký giả Peter Hartcher đã chỉ ra ba lãnh vực trong đó “quỹ may mắn” của Úc Đại Lợi đang bắt đầu cạn dần. Câu Chuyện Thời Sự tuần này xin được tóm lược bài phân tích của ký giả Hartcher.


Mặt trận kinh tế

Trong ba lãnh vực mang lại may mắn nhất cho Úc Đại Lợi, phải kể đến trước tiên mặt trận kinh tế và dĩ nhiên nói đến kinh tế của quốc gia miệt dưới này là nói đến sự bùng nổ của kỹ nghệ khai thác quặng mỏ. Nhưng sự bùng nổ kỹ nghệ khai thác quẳng mỏ được xem là lớn nhất trong lịch sử Úc và đồng thời là cột trụ của kinh tế nước này hiện ngày càng đang nguội dần.

Trong những tuần lễ vừa qua, sự sụt giá các thương phẩm đã đạt đến mức báo động. Giá của quặng sắt, nguồn xuất cảng lớn nhất của Úc Đại Lợi, đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ 5 năm vừa qua.Tốc độ phát triển chậm lại của Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Úc Đại Lợi, hiện đang tạo thêm nhiều sức ép mới trên kỹ nghệ khai thác quặng mỏ. Hàng tá công ty khai thác quặng mỏ bất thần rơi vào tình trạng đình trệ. Cách đây 2 năm, giá một tấn quặng sắt là 149 Mỹ kim. Trong tuần lễ vừa qua, giá một tấn quặng sắt chỉ còn 80 Mỹ kim. Theo các nhà phân tích, ngay cả công ty khai thác quặng mỏ lớn thứ 3 Úc Đại Lợi là Fortescue Metals, chỉ còn kiếm lời hoặc lỗ mỗi tấn 2 Mỹ kim.

Nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất để đốt các lò luyện kim của Trung Quốc là than đá hiện cũng đang gặp khó khăn. Trong cuộc chiến chống lại hiện tượng thời tiết thay đổi hiện nay, một số nhà đầu tư không còn tỏ ra mặn mà với nhiên liệu này nữa. Được đốt lên để sản xuất năng lượng, than đá cho ra quá nhiều khí thải và cặn bã dơ bẩn vốn là thủ phạm gây ô nhiễm cho môi trường sống cũng như ảnh hưởng đến sự thay đổi thời tiết.
Đầu năm nay, ngân hàng HSBC ước tính rằng giá thị trường của than đá do các công ty lớn của Úc sở hữu có thể bị cắt giảm khoảng một nửa hay 20 tỷ Úc kim. Than đá hiện là hàng xuất cảng lớn thứ nhì của Úc Đại Lợi.
Hàng xuất cảng lớn thứ ba của Úc Đại Lợi là vàng cũng đã mất một phần tám giá trị kể từ khi ông Tony Abbott đắc cử thủ tướng. Còn nếu tính từ năm 2011, là năm giá vàng lên cao nhất, vàng cũng đã sụt giá đến 36 phẩn trăm.

Nhìn chung, giá cổ phần các công ty khai thác quặng mỏ Úc đã mất 6 phần trăm kề từ khi thủ tướng Abbott nhậm chức. Kể từ tháng 4 năm 2011, giá cổ phần các công ty quặng mỏ đã sụt giảm 42 phần trăm.
Cuộc biểu tình đòi dân chủ đang diễn ra tại HongKong đã làm cho thị trường chứng khoán trên thế giới sụt giá, do đó trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc và gián tiếp đến kinh tế Úc Đại Lợi. Sự sụt giá liên tục của đồng Úc kim trong những ngày vừa qua có thể là một dấu hiệu rõ ràng nhất.


Mặt trận xã hội

Muốn hay không, Úc Đại Lợi là một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa. Đây chính là yếu tố mang lại “may mắn” cho đất nước này. Nhưng hiện nay xã hội Úc đang rơi vào tình trạng bất ổn do chủ nghĩa cực đoan tạo ra. Tổ chức cực đoan và khủng bố tự xưng là “Quốc gia Hồi giáo” hiện đang tạo ra căng thẳng giữa cộng đồng Hồi giáo vốn là cộng đồng tôn giáo lớn thứ nhì tại Úc Đại Lợi và các cộng đồng khác.
Hôm thứ Sáu tuần trước, cảnh sát đã bắt giữ một người cầm dao xông vào một trường Hồi giáo. Đây là một hành động đáng lo ngại, bởi vì nó có thể dẫn đến một vụ tàn sát tập thể những người vô tội và dĩ nhiên tạo ra những hành động trả đủa đáng tiếc và cuối cùng gieo rắc hận thù, bạo động giữa các cộng đồng. Người hưởng lợi nhiều nhất chỉ có thể là những kẻ khủng bố dã man của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”, bởi vì mục tiêu mà họ nhắm đến chính là tạo sự bất ổn trong các quốc gia Tây Phương. Những căng thẳng trong xã hội đe dọa điều mà ông Noel Pearson, một luật sư tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai của người thổ dân, gọi là “kiến trúc vĩ đại tiềm ẩn của Liên bang”.

Theo ông Pearson, Úc Đại Lợi gồm có 3 phần là: (1) di sản cổ được viết lên trong lục địa và văn hóa nguyên thủy, (2) di sản Anh được thể hiện qua cấu trúc của chính phủ và (3) món quà đa văn hóa. Tính đa văn hóa là nét nổi bật của Úc Đại Lợi. Không có quốc gia nào đã có một chương trình di dân thành công như Úc Đại Lợi. Đây không chỉ là một nền văn minh mẫu mực cho các xã hội, mà còn là một đòi hỏi cho thành tựu kinh tế. Thật vậy, nếu không có làn sóng di dân trong 7 thập niên qua kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, dân số Úc ngày nay sẽ chỉ là 13 triệu thay vì 23 triệu như hiện nay. Nếu không có di dân thì trong những thập niên sắp tới, Úc Đại Lợi sẽ bị phá sản. Con số người già ngày càng gia tăng. Theo Ủy ban Năng Xuất, mỗi năm ngân sách phải tốn đến cả 100 tỷ Úc kim, nghĩa là 6.4 phần trăm tổng sản lượng quốc gia. Nợ nần chồng chất là chuyện khó tránh được. Do đó, nhận thêm các di dân có tay nghề là giải pháp thực tế nhất để đáp ứng với thách đố này. Nhưng dĩ nhiên, dân số càng gia tăng thì càng cần có sự hài hòa xã hội hơn, bởi vì không có sự hài hòa xã hội thì sự an toàn và tự do cá nhân cũng như sự thịnh vượng kinh tế đều bị đe dọa.

Để chống lại khủng bố không những phải có luật lệ nghiêm nhặt, mà còn cần phải giáo dục người dân về sự cần thiết của tinh thần khoan nhượng trong một xã hội đa văn hóa. Có lẽ đây là điều mà thủ tướng Abbott đã muốn nói đến trong bài diễn văn dọc tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc: “Chính phủ Úc Đại Lợi dứt khoát không nhân nhượng trước bất cứ điều gì đe dọa tương lai của một xã hội tự do, công bằng và đa văn hóa”.
Với những bất ổn và căng thẳng đã và đang xảy ra trong xã hội Úc Đại Lợi trong thời gian gần đây, nhất là sau khi tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” đã công khai tuyên chiến với các nước Tây Phương trong đó có Úc Đại Lợi, Úc Đại Lợi hẳn không còn là một đất nước “may mắn” về mặt xã hội nữa. Thách đố không chỉ được đặt ra do những âm mưu khủng bố, mà còn đến từ những căng thẳng không thể chối cãi được giữa cộng đồng Hồi giáo và những cộng đồng khác.


Tình hình thế giới

Kinh tế Úc Đại Lợi mà con ngựa đầu tàu là kỹ nghệ khai thác quặng mỏ đang chậm lại, tình trạng xã hội bất ổn do chủ nghĩa cực đoan tạo ra: đó là hai lãnh vực trong đó sự “may mắn” của Úc Đại Lợi đang thu hẹp lại. Nhưng trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, sự “may mắn” của Úc Đại Lợi cũng giảm đi rất nhiều vì tình hình bất ổn của thế giới do một số siêu cường hạt nhân tạo ra. Nga và Trung Quốc hiện đang bành trướng lãnh thổ của mình bất kể các nước láng giềng nhỏ bé.

Sự ổn định của thế giới là điều kiện để Úc Đại Lợi củng cố an ninh quốc gia đồng thời đẩy mạnh tự do mậu dịch và đầu tư. Trước đây, Úc Đại Lợi có thể xem Hoa Kỳ như một chỗ dựa vững chắc. Nhưng nay, chỗ dựa ấy dường như đã bị lung lay, bởi vì Hoa Kỳ không hoàn toàn cảm thấy đủ tự tin để đóng trọn vai trò này. Trong cuốn sách mới nhất của ông, tiến sĩ Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ dưới thời tổng thống Richard Nixon, đã gọi Hoa Kỳ là một “siêu cường bất định”. Sau chiến tranh lạnh, thế giới đã tưởng Hoa Kỳ có đủ sức để đóng vai trò cảnh sát bảo đảm an ninh và ổn định cho thế giới. Nhưng nay, Nga và Trung Quốc bỗng nhiên bước lên bậc thang siêu cường và ngày càng tỏ ra hung hãn hơn bao giờ hết.

Trước đây, người ta không bao giờ nghĩ rằng thế giới sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh “lấn đất giành dân” tại Âu Châu nữa. Thế nhưng nay việc Nga ngang nhiên đem quân sang xâm chiếm Crimea và một số lãnh thổ khác của Ukraine đã trở thành một hiện thực. Việc Nga đồng ý mở ra một cuộc hưu chiến bán phần tại Ukraine chẳng qua chỉ là một nước cờ của ông Vladimir Putin nhằm câu giờ để cho khối NATO(Minh Ước Bắc Đại Tây Dương) phải bỏ cuộc mà thôi.Putin không bao giờ từ bỏ tham vọng nga hoàng của ông. Và ông sẽ không dừng lại ở Ukraine.

Báo Financial Times (Thời báo Kinh tế) của Anh, trong số ra tuần này, đã cho biết: “Ba quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia và Lituania) đang ghi nhận việc Nga gia tăng hành động khiêu khích quân sự, tạo căng thẳng trong vùng mà người ta sợ rằng sau Ukraine, đây có thể là ranh giới kế tiếp trong việc khẳng định quyền lực trong vùng của Moscow”.

Trong năm nay, NATO đã cho biết các chiến đấu cơ của Nga đã bay lượn đến 68 lần dọc biên giới Lituania. Đây là số lần không tập cao nhất trong một thập niên qua. Riêng Latvia đã ghi nhận có đến 150 vụ không tập khác của Nga.

Riêng tại Á Châu, một cách tinh vi hơn, Trung Quốc tiếp tục tạo áp lực và căng thẳng trong vùng khi tuyên bố chủ quyền của mình trên 90 phần trăm Biển Đông. Với hành động ngang ngược này, Trung Quốc đang đi vào xung đột trực tiếp với 5 nước khác trong vùng.

Năm 2010, để biện minh cho hành động xâm chiếm lãnh hải các nước khác trong vùng, một viên chức của Hội đồng Quốc gia Trung Quốc đã không ngần ngại nói với một bộ trưởng Singapore: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ. Đó là một sự kiện”. Phải chăng, viên chức cộng sản Trung Quốc này ngầm ý muốn nói rằng “lý của kẻ mạnh luôn thắng thế”. Bên cạnh 5 nước nhỏ hiện đang có xung đột với Trung Quốc về Biển Đông, Úc Đại Lợi không thể là khách bàng quan đứng nhìn. Với một nền kinh tế đang lệ thuộc quá nhiều vào người khổng lồ Trung Quốc, Úc Đại Lợi không chỉ là một “nước nhỏ” về kinh tế mà cũng là một “nước nhỏ” về cả chính trị đối với Trung Quốc.

Cách đây 2 năm, Thủ tướng Julia Gillard đã rình rang cho công bố Bạch Thư về Thế kỷ Á Châu. Bạch Thư đã dự đoán rằng “toàn bộ nền kinh tế và xã hội của chúng ta” sẽ chịu tác động bởi những thay đổi lớn lao diễn ra ở “Phía Bắc”. Bạch Thư cũng cảnh cáo rằng Úc Đại Lợi sẽ dồn mọi nỗ lực để đối phó với những biến đổi kinh tế và xã hội sâu rộng như đã từng làm trong suốt lịch sử của mình.
Đối phó với những con hổ Á Châu đang lên đã đành, nhưng đương đầu với một con rồng Trung Cộng đang đe dọa nuốt trửng toàn bộ Á Châu, trong đó có cả Úc Đại Lợi, hẳn cũng phải là một thách đố đang được đặt ra cho chính phủ Úc hiện nay.

From : vietluan.com.au

Muốn hay không Úc Đại Lợi cũng đã can dự vào cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông. Đây không chỉ là “nghĩa vụ quốc tế” mà còn là quyền lợi của Úc Đại Lợi bởi lẽ sự ổn định của thế giới là điều kiện cần thiết cho sự ổn định xã hội và kinh tế của Úc Đại Lợi.
Với riêng Trung Quốc mà kinh tế Úc đã xem như một chỗ dựa, tình trạng nguội dần của sự bùng nổ kỹ nghệ khai thác quặng mỏ, dù có giảm đi một phần sự “may mắn” của quốc gia cứ “đào đất lên bán mà ăn”, cần được xem như một thách đố để đa diện hóa kỹ nghệ, kích thích óc sáng tạo và tạo công ăn việc làm. Có như thế thì Úc Đại Lợi mới mong mãi mãi là một đất nước “may mắn”.

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire