dimanche 21 décembre 2014

Cuộc phỏng vấn với Nguyễn Xuân Nghĩa đài RFA về vấn đề Mối nguy Mỹ kim lên giá

Mối nguy Mỹ kim lên giá

Published on December 20, 2014   ·   
Việt Long & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2014-12-17
NgheAudio      Phần âm thanh 
000_Hkg2687325-305.jpg
Một nhân viên ngân hàng đang đếm tiền đô la Mỹ
AFP photo

usd



Nửa đêm rạng sáng Thứ Ba 16, Liên bang Nga bất ngờ nâng lãi suất ở mức rất cao là từ 10,5% lên 17% để chặn đà tuột dốc quá nặng của đồng Rúp. Vậy mà khi thị trường tài chính mở cửa tại New York báy tiếng sau, đồng bạc Nga tiếp tục mất giá. Một vụ khủng hoảng ngoại hối vừa xảy ra trước mắt chúng ta và có thể là bước đầu của cơn chấn động cho các nước đang phát triển.

Một trong nhiều nguyên do chính là việc Mỹ kim lên giá làm dầu thô mất giá còn nặng hơn nữa. Giữa loạt tổng kết về kinh tế năm 2014 và dự đoán cho năm 2015, tiết mục Diễn đàn Kinh tế sẽ phân tích nguyên nhân và hậu quả của việc Mỹ kim lên giá qua phần trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây:

Tiền Mỹ tăng giá, giá dầu sụt nặng hơn


Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong nhiều chương trình liên tiếp từ đầu tháng, tiết mục chuyên đề về kinh tế của chúng ta đang làm loạt tổng kết về năm 2014 để dự báo cho năm 2015. Với độc giả của chúng ta thì cách nay hai tháng, ông phân tích việc Mỹ kim lên giá so với các ngoại tệ khác và nói rằng việc đó có thể dẫn đến nhiều biến động cho các nền kinh tế đang phát triển. Quả nhiên là chúng ta thấy ngay một vụ khủng hoảng về ngoại hối khi vào đêm Thứ Ba Liên bang Nga đột ngột tăng lãi suất để vực giá đồng Rúp mà tiền Nga tiếp tục rớt giá khi các thị trường mở cửa. Để tiếp tục loạt bài tổng kết, xin đề nghị ông phân tích cho độc giả của chúng ta thấy nhiều khía cạnh khác nhau của việc Mỹ kim lên giá, với phần kết luận tập trung vào Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cuối năm nay, ta đang thấy hai biến động tiên báo nguy cơ khủng hoảng cho các nền kinh tế đang phát triển vào năm tới. Trước hết là việc dầu thô sụt giá nặng vì lý do cung cầu, trong sáu tháng mất gần phân nửa và gây họa cho các nước xuất khẩu dầu, trong đó có Việt Nam. Nhồi vào đấy là việc Mỹ kim lên giá mạnh so với các ngoại tệ khác, và vì Mỹ kim là ngoại tệ chính để tính giá dầu, khi tiền Mỹ tăng giá thì lại càng làm giá dầu sụt nặng hơn.

Là quốc gia lấy dầu khí làm lực đẩy cho nền kinh tế lạc hậu, Nga bị suy trầm kinh tế, nguồn thu sa sút và đồng bạc mất giá đi cùng nạn tẩu tán tài sản vì các đại gia lật đật ôm tiền tháo chạy. Hậu quả là tiền sụt giá hơn phân nửa khiến chính quyền mất gần trăm tỷ đô la trong dự trữ để can thiệp vào thị trường ngoại hối hầu bảo vệ đồng Rúp mà không xong. Biện pháp tăng lãi suất đến 6,5% là mức chỉ thấy năm 1998 khi chấn động từ Đông Á khiến Liên bang Nga bị khủng hoảng tài chính và vỡ nợ. Bây giờ thì chỉ còn biện pháp kiểm soát ngoại hối là cấm trao đổi mua bán ngoại tệ mà thôi. Đầu năm nay, Nga gây ra vụ khủng hoảng Ukraine khi chiếm bán đảo Crimea, đến cuối năm, họ bị khủng hoảng vì tác động của thị trường hơn là vì phản ứng của Tây phương.

Việt Long: Xin hỏi ông một câu rất thường thức là khi kinh tế bị suy trầm thì người ta thường phải hạ lãi suất để kích thích kinh tế như trường hợp vừa xảy ra tại Trung Quốc, Nam Hàn hay Việt Nm, Thái Lan, Singapore, chứ vì sao Nga lại tăng lãi suất?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là câu hỏi ấy rất hay vì cho thấy sự tuyệt vọng của Chính quyền Nga. Trong luồng giao dịch giữa các nước thì tỷ giá ngoại hối hay hối suất phản ảnh sự sai biệt về sức mua, đà lạm phát hay lãi suất giữa hai nền kinh tế. Liên bang Nga muốn thu hẹp sai biệt bằng cách nâng lãi suất thì cũng tựa như leo lên ghế treo sợi dây xiết cổ để mình cao hơn người.

Việt Long: Bây giờ ta mới đi vào phần chính là những rủi ro của việc Mỹ kim lên giá khi ta nghĩ đến trường hợp Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ Việt Nam có thấy vấn đề khi kín đáo thu hẹp luồng giao dịch bằng ngoại tệ nên ngược lại cũng sẽ phải trả giá cao hơn. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu vụ này.

Cách nay sáu năm, khi khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Mỹ giữa chu kỳ suy trầm kinh tế thì Hoa Kỳ đã tăng chi, hạ lãi suất và ào ạt bơm tiền để kích thích kinh tế. Hậu quả là tiền nhiều và rẻ khiến đô la sụt giá và tràn qua các nền kinh tế khác để tìm cơ hội kiếm lời cao hơn. Đồng tiền đó không có chân và tự nhiên chạy qua xứ khác mà do quyết định vay nợ, đầu tư buôn bán giữa các nước, và khi ấy ai cũng nghĩ mình khôn khi vay tiền Mỹ với giá rẻ để kiếm lời nơi có lãi suất cao hơn. Vì trong vụ Tổng suy trầm năm 2008-2009, ba khối kinh tế công nghiệp hoá là Âu, Mỹ, Nhật đều gặp khó khăn cho nên luồng tư bản nóng chủ yếu chảy vào các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Turkey hay cả Việt Nam, v.v….

Thế rồi đồng Mỹ kim đụng đáy từ năm 2010 mà ít ai chú ý. Và khi Nhật Bản cùng Âu Châu chưa ra khỏi khó khăn thì kinh tế Mỹ lại hồi phục tương đối khá hơn cả nên đô la bắt đầu lên giá và còn tăng giá mạnh, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ loan báo quyết định “vuốt nhọn chính sách tiền tệ” kể từ Tháng Năm năm 2013. Cụ thể là sẽ giảm dần mức bơm tiền qua các biện pháp bất thường gọi là QE, là “tăng mức lưu hoạt có định lượng”. Mùa Thu vừa qua, Hoa Kỳ chính thức chấm dứt việc bơm tiền và Mỹ kim tăng vọt so với các ngoại tệ chính yếu khác.

Tiền Mỹ tăng đến đâu thì dừng?

Việt Long: Xin được hỏi ngay rằng tiền Mỹ đã tăng, nhưng sẽ tăng đến mức nào và tới đâu thì dừng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra khó ai biết là đô la sẽ tăng đến đâu nhưng vẫn có cơ sở dự đoán với ít nhiều chính xác, là điều mà những người nghiên cứu phải theo dõi hàng ngày.

Người ta thường đo sức mạnh của Mỹ kim với các ngoại tệ chính qua một chỉ số gọi là DXY. Nếu nhìn vào đường tuyến biểu hiện chỉ số này trong lâu dài thì ta thấy ra hiện tượng là trong đà lên xuống của tiền Mỹ, thì từ nhiều năm nay, mỗi lần xuống lại đụng một đáy cao hơn rồi khi lên lại đụng trần cao hơn và hiện nay đang mấp mé ở số 88. Theo phép phân tích gọi là “kỹ thuật” thì đấy là chỉ dấu tiên báo đà gia tăng rất cao và nếu chỉ số DXY bung khỏi mức chặn là 100 thì Mỹ kim còn tăng vọt và có thể lên tới cái đỉnh 120 đã từng thấy năm 2002. Tức là so với hiện nay, đô la Mỹ còn có thể lên giá thêm từ 35 tới gần 40% nữa!

Đấy là kịch bản đáng sợ nhất cho các nước đang phát triển quá lệ thuộc vào đồng Mỹ kim. Kết hợp với việc dầu thô sụt giá và mối quan hệ giữa giá dầu có thể còn sụt với đồng đô la sẽ còn lên thì ta thấy ra mối nguy còn cao hơn của các nước bán dầu đang lệ thuộc vào tiền Mỹ, là trường hợp Việt Nam. Thực tế thì chúng ta đang gặp một nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu và những gì vừa xảy ra tại Nga chỉ là dấu hiệu đầu tiên.

Việt Long: Thưa ông, ngoài cái khía cạnh rất chuyên môn về đường tuyến biểu hiện giá trị của đô la như ông vừa trình bày thì thính giả của chúng ta có cơ sở gì khác để theo dõi và dự đoán không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong tiết mục tuần trước của chương trình này, chúng ta đã nói đến viễn ảnh tôi gọi là “toàn cầu dị biệt” vì hoàn cảnh và chính sách khác biệt của từng nền kinh tế. Trước đó, cũng diễn đàn này có nói tới nguy cơ của một trận chiến toàn cầu về ngoại hối khi nhiều nước thi đua phá giá đồng bạc bằng biện pháp tiền tệ để kích thích kinh tế qua xuất khẩu. Bây giờ, ta lại gặp những chuyển động trái chiều khi Mỹ kim lên giá thật mạnh. Điều đáng sợ là lắm người, kể cả giới đầu tư hay quản lý kinh tế các nước nghèo, lại ít để ý tới chuyển động ấy.

Bây giờ, khi cần theo dõi tình hình chung để suy ra hoàn cảnh riêng của mình thì tôi cho là ta nên nhớ đến một quy luật. Là khi đô la lên giá quá lâu thì hậu quả sẽ tai hại cho các nước đang phát triển bị mắc nợ quá nhiều bằng tiền Mỹ. Lý do là Mỹ kim lên giá càng làm đồng bạc của họ mất giá và đánh sụt luôn mức tín nhiệm của quốc gia khi cần vay tiền trên thị trường trái phiếu quốc tế. Hậu quả là nhiều nước nghèo sẽ hụt ngoại tệ và kinh tế bị họa. Nếu xứ này lại xuất khẩu nguyên nhiên vật liệu là các sản phẩm mất giá khi kinh tế thế giới suy trầm và đô la lên giá thì họ bị thiệt ở cả hai đầu, đó là trường hợp Việt Nam với giá dầu sụt giá.

Tình hình Việt Nam

Năm 2014 là năm có quá nhiều tai ương trong 12 tháng liền, e rằng năm tới sẽ còn nguy khốn hơn vậy cho các nước đang phát triển, kể cả Việt Nam. – Nguyễn-Xuân Nghĩa

Việt Long: Thưa ông, nói về Việt Nam thì cuối Tháng Tám vừa rồi, Việt Nam vừa vay một tỷ đô la khi phát hành trái phiếu yết giá bằng đô la với hy vọng trả phân lời thấp hơn để dùng tiền đó trả lại các khoản nợ đã vay từ năm 2010 với phân lời cao hơn. Ba tháng sau thì tình hình ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đấy là kỹ thuật người ta gọi là “đảo nợ”, nôm na là vay nợ rẻ để thanh toán nợ đắt và chúng ta đã có một chương trình về vụ đi vay để đảo nợ như vậy.

Khi ấy, chúng ta có cảnh báo, rằng “Khi đi vay thì một đô la trị giá hai vạn, khi phải trả lại phải mất hai vạn rưởi mới mua được một đô la thì ngoài chuyện phân lời đắt đỏ hơn, Việt Nam còn đỏ mắt để có ngoại tệ trả nợ đáo hạn.” Chuyện ấy đang xảy ra, cho nên ngân hàng nhà nước phải hạn chế việc cho vay bằng ngoại tệ cho doanh nghiệp, và sẽ lại gây ra vấn đề khác cho năm tới! Người ta có thể tin là tài khóa 2014 đang kết thúc với ngân sách của Việt Nam tương đối quân bình, nhưng qua năm tới thì tình hình sẽ khác. Nguồn thu nhờ dầu khí sẽ sụt vì dầu thô mất giá mà khoản nợ bằng ngoại tệ lại tăng vì Mỹ kim lên giá, trong khi đó, số công trái là nợ nần của khu vực công đã cao gần bằng ngân sách quốc gia. Năm 2015 vì vậy sẽ là năm cực kỳ khó khăn.

Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, trong hoàn cảnh nguy ngập như vậy của Việt Nam, xin đề nghị ông mở ra bối cảnh chung của các nước khi Mỹ kim lên giá.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Một trong những điều nên theo dõi để thấy ra bối cảnh bất trắc của thế giới là ta nên đọc báo cáo mới đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS, một loại ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Người ta cứ nghĩ rằng sau khi tưởng Mỹ kim sụt giá các nước đua nhau đi vay bằng tiền Mỹ rất rẻ và khoản nợ toàn cầu bằng tiền Mỹ lên tới từ hai ngàn cho đến năm ngàn tỷ đô la. Báo cáo của ngân hàng BIS vừa cho biết thêm khoản nợ ngoài hệ thống ngân hàng lại lên tới 9.000 tỷ đô la nữa. Bây giờ khi đô la lên giá thì các khách nợ xoay trở ra sao? Tức là khủng hoảng tài chính đang chờ đợi toàn cầu, kể cả Trung Quốc đang bơi giữa dòng xoáy. Khi đó ai sẽ cứu ai với những đối sách khác biệt như vậy? Năm 2014 là năm có quá nhiều tai ương trong 12 tháng liền, e rằng năm tới sẽ còn nguy khốn hơn vậy cho các nước đang phát triển, kể cả Việt Nam.

Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về những lời cảnh báo đáng sợ này!

Theo RFA

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire