vendredi 12 décembre 2014

Tại sao có chuyện lạ thế này ? “hòn than mà biết nói năng, thì ghế chú cuội trên cung trăng cũng chẳng còn”.

Rất lạ lùng về hiện tượng mình bán than của mình rồi nhập lại than này với cái giá cắt cổ.
Tại sao
(xuất 3,87 triệu tấn than với giá trị 229,9 triệu USD; nhập 0,385 triệu tấn than với giá trị kim ngạch gần 100 triệu USD)
CRTH

Bắc thang lên hỏi ông trời….về 60 tỷ đô la Mỹ

TS Nguyễn Thành Sơn: Hòn than mà biết nói năng…
Theo Đất Việt – 9 Dec 2014 – Thành Luân
Với phương châm “dê làm khổ bò” vốn có ở TKV, đến nay sau 20 năm, nguồn sở hữu toàn dân (gần 3 tỷ tấn than-PV) đã bốc hơi hơn 30%.
(GNA: Với giá trung bình $60. một tấn xuất khẩu, “sở hữu toàn dân” vừa bốc hơi 60 tỷ đô la Mỹ. Ai nhặt được đồng rơi đồng rụng, giơ tay cho biết…)
nguyen thanh sonnts_965226
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng – Vinacomin đã trao đổi thẳng thắn và tâm huyết với Đất Việt xung quanh việc Việt Nam ký nhập khẩu 20 triệu tấn than/năm.

PV: - Việt Nam vừa ký nhập khẩu 20 triệu tấn than/năm với một số công ty than của Indonesia, Australia, Nhật Bản và Australia. Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2016, Việt Nam phải nhập khẩu 3-4 triệu tấn, năm 2020 khoảng 35 triệu tấn và tới năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.
Như vậy, Việt Nam đã phải nhập khẩu chính thứ mình đang bán ra. Tại sao lại có sự lạ đời như vậy, thưa ông?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Sự “lạ đời” này có cội nguồn từ sự “lạ đời” khác, đó là cung cách và tư duy quản lý ngành than nói riêng, và quản lý lĩnh vực năng lượng nói chung, của Bộ Công Thương. Đã nhiều năm nay, câu hỏi tương tự đã được đặt ra trên các phương tiện thông tin đaị chúng nhưng, Bộ Công Thương và Tập đoàn TKV cùng một giọng “ca” bài xuất khẩu than là cần thiết, là hiệu quả, là đương nhiên, là xuất than tốt không dùng đến v.v… Rất tiếc là trong thể chế quản lý kinh tế của Việt Nam chưa có quy chế truy cứu trách nhiệm nói sai của những người có chức có quyền như vậy.
Lĩnh vực xuất-nhập khẩu than cho thấy rõ nhóm lợi ích: khi giá dầu cao thì đào than lên để xuất khẩu với bất kỳ chi phí nào, khi giá dầu thấp thì mặc kệ các ngành có sử dụng than tự xoay sở nhập khẩu than về để dùng. Miếng mồi xuất khẩu than ngon ăn thì TKV đòi bằng được độc quyền. Cục xương nhập khẩu than khó nhằn thì TKV đã nhanh miệng xin Chính phủ “mở cửa”.Trong tương lai, việc nhập khẩu than không đủ, nhưng TKV hình như “vô can”.
Không ít hơn 1 lần, Chính phủ đã chính thức giao cho TKV nhiệm vụ nhập khẩu than để đảm bảo cân đối đủ than cho các ngành kinh tế. Cũng không ít hơn 1 lần, TKV cứ “ngậm miệng ăn tiền” xuất khẩu than, còn nhiệm vụ cung cấp đủ than cho nền kinh tế được giao thì “hãy đợi đấy”.
Khi mới được “ra ở riêng” (thành lập năm 1994), Chính phủ đã ưu ái giao cho TKV một nguồn tài nguyên gần 3 tỷ tấn than thuộc sở hữu toàn dân làm “của hồi môn”. Với phương châm “dê làm khổ bò” vốn có ở TKV, đến nay sau 20 năm, nguồn sở hữu toàn dân này đã bốc hơi hơn 30%, chỉ còn lại chưa đến 2 tỷ tấn thuộc loại cực kỳ khó khai thác (phải khai thác với chi phí cực kỳ cao- cao nhất thế giới). Nhưng, chẳng có ai chịu trách nhiệm, vẫn vui cả làng và hòa cả làng.
PV: - Nhiều năm qua Trung Quốc là thị trường xuất khẩu than chính của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất khẩu than đá của Việt Nam sang Trung Quốc giảm cả về lượng và kim ngạch. Theo Tổng cục Hải quan, so với 10 tháng năm 2013, xuất khẩu than sang Trung Quốc đạt 3,87 triệu tấn, giảm gần 50%, với trị giá 229,9 triệu USD. Cũng theo đơn vị này, năm nay Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than từ Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2014, Việt Nam đã nhập trên 385.000 tấn than đá từ Trung Quốc, giá trị kim ngạch đạt gần 100 triệu USD.
Rõ ràng Việt Nam khai thác tài nguyên để bán cho Trung Quốc với giá rẻ rồi lại nhập về chính loại than mà chúng ta đã và đang tích cực xuất khẩu với giá cao. Ông có bình luận gì trước những con số này?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Bộ Công Thương và TKV từ xưa đến nay vẫn báo cáo Chính phủ và giải thích trên các phương tiện thông tin đại chúng là chỉ “xuất than tốt” ở VN không dùng đến. Con số trên (xuất 3,87 triệu tấn than với giá trị 229,9 triệu USD; nhập 0,385 triệu tấn than với giá trị kim ngạch gần 100 triệu USD) cho thấy điều ngược lại: xuất than xấu (giá khoảng 60 USD/tấn), nhập than tốt (giá lên tới gần 260 USD/tấn).
Chẳng thể có bình luận gì khác ngoài câu “hòn than mà biết nói năng, thì ghế chú cuội trên cung trăng cũng chẳng còn”.
PV: Trong khi TKV cứ đào than đi bán thì những tập đoàn nhà nước như EVN, PVN lại đang cố tìm kiếm nguồn than ngoại để nhập khẩu. Tại sao lại có sự lệch pha như vậy, thưa ông? Nếu kéo dài tình trạng này sẽ gây ra tác hại thế nào?Ai là người được hưởng lợi?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Câu hỏi này có vẻ “ngô nghê” nhưng cũng hay. Công tác quy hoạch (chức năng chủ yếu thuộc Bộ Công Thương) và chiến lược phát triển ngành than của Việt Nam (chức năng chủ yếu thuộc TKV) từ xưa đến nay rất bất cập.
Chất lượng của các qui hoạch ngành than nói riêng và lĩnh vực khoáng sản nói chung rất thấp.Phần lớn các qui hoạch đều bể ngay từ khi vừa phê duyệt.Ví dụ, Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được phê duyệt 09/01/2014, chưa kịp triển khai thì đến 09/06/2014 Bộ Công Thương đã phải có văn bản 5075/BCT-TCNL “điều chỉnh quy hoạch”.
Vấn đề ở đây là “sự lêch pha” trong tư duy/tầm nhìn của các nhà quản lý thuộc Bộ Công Thương và cách tiệm cận “khó hiểu” của lãnh đạo TKV từ xưa đến nay.
Nếu kéo dài tư duy “lệch pha” và cách tiệm cận “khó hiểu” này, cộng với nhiều thứ khác thì lĩnh vực năng lượng của Việt Nam về cơ bản và lâu dài sẽ phụ thuộc tiếp vào việc nhập khẩu than và nhập khẩu điện năng từ Trung Quốc – nước láng giềng có mức độ/qui mô sản xuất/tiêu dùng năng lượng hàng đầu thế giới.
PV: - Nhiều nước phát triển bảo vệ tài nguyên trong nước bằng cách nhập khẩu tài nguyên từ các nước khác thay vì khai thác nguồn tài nguyên của nước mình như Mỹ nhập khẩu dầu, Na Uy nhập khẩu gỗ… Ngay cả Trung Quốc cũng đóng cửa hàng loạt mỏ than. Trong khi đó, ở Việt Nam, với những con số xuất nhập khẩu như trên, ông có dự báo thế nào về nguy cơ phụ thuộc nước ngoài của Việt Nam?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Việt Nam đang đối mặt 3 vấn đề nan giải:
(i) Nguồn cung về năng lượng của Việt Nam ngày càng giảm (nguồn thủy điện khai thác hết, nguồn năng lượng hóa thạch- dầu mỏ, khí đốt và than đang cạn kiệt nhanh, nguồn năng lượng mới và tái tạo không kịp phát triển và có giá thành cao);
(ii) Nhu cầu năng lượng để phát triển nền kinh tế ngày càng tăng;
Và, (iii) hiệu suất sử dụng năng lượng ở Việt Nam rất thấp. Cả 3 vấn đề này đang làm cho nguy cơ mất an ninh về năng lượng của Việt Nam rất lớn.
Chúng ta đã từng là nước xuất khẩu năng lượng, nay đang chuyển sang phải nhập khẩu năng lượng với mức độ ngày một tăng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Còn dự báo về ngành than trong tương lai của Việt Nam có thể thông qua một kịch bản tóm tắt thế này:
(i) Nếu giá dầu mỏ duy trì ở mức trên 65 USD/thùng, sau 30-35 năm nữa ngành than sẽ đóng cửa 95-100% các mỏ ở vùng Quảng Ninh; Nếu giá dầu mỏ hạ xuống dưới 50 USD/thùng, thời gian đóng cửa mỏ sẽ sớm hơn 10-15 năm;
(ii) Vì không được cung cấp đủ than với giá hợp lý: Các dự án nhiệt điện chạy than BOT lớn ở vùng Mông Dương sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam để bán sắt vụn; Các dự án nhiệt điện chạy than ở Phả Lại, Mạo Khê, Uông Bí, Đồng Rì, Hòn Gai phát được tối đa 50% công suất; Các dự án điện chạy than được xây dựng ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghi Sơn, Vũng Áng v.v. phải cải tạo lò hơi để dùng than nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Úc, Nga, Mỹ, Nam Phi; Các dự án nhiệt điện Cao Ngạn và An Khánh không chạy hết công suất và sẽ phải đóng cửa sớm;Dự án nhiệt điện Na Dương sẽ phải dịch chuyển địa điểm (cách vị trí hiện nay 2000m) để mở rộng mỏ than Na Dương;
(iii) Bể than đồng bằng sông Hồng được khai thác ở qui mô thương mại bằng công nghệ khí hóa than ngầm (vào năm 2030) và bằng công nghệ vi sinh (vào năm 2050).
Thành Luân

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire