dimanche 15 mars 2015

Samuelson viết gì về kinh tế học ?

Kính gửi quý anh chị bài viết về
 Samuelson viết gì về kinh tế học ?



Nguồn: Robert Skidelsky, “The Fall of the House of Samuelson”, Project Syndicate, 25/01/2015
Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng
Bài liên quan: #80 – Bước ngoặt trong kinh tế học thế kỷ 20

Đọc cuốn The Samuelson Sampler trong bối cảnh của cuộc Đại Suy thoái (2007-2008) giúp ta có được cái nhìn tổng quát về lối tư duy của một thời đã qua. Cuốn sách này là tập hợp các bài viết trong chuyên mục hàng tuần của nhà kinh tế học quá cố Paul Samuelson trên tạp chí Newsweek trong khoảng thời gian 1966-1973.
Samuelson đã từng đoạt giải Nobel và là bậc lão thành trong số các nhà kinh tế học Mỹ: cuốn sách giáo khoa nổi tiếng Kinh tế học của ông đã được tái bản 14 lần ngay trong khoảng thời gian ông còn sống. Cuốn sách này đã giới thiệu cho các nhà kinh tế học tương lai trên toàn thế giới các nguyên lý kinh tế cơ bản nhất. Nếu không phải là người đầu tiên và duy nhất sáng tạo ra “hợp đề tân cổ điển” thì ông cũng là người có công truyền bá hợp đề này – một sự kết hợp của kinh tế học tân cổ điển và kinh tế học Keynes vốn đã làm nên xu thế chủ đạo của kinh tế học trong suốt 50 năm.

Dù là một nhà kinh tế học tin theo chủ nghĩa Keynes nhưng Samuelson không hoàn toàn nhất trí với mọi quan điểm của Keynes. Ông bác bỏ hầu hết các chỉ trích của Keynes đối với kinh tế học chính thống đương thời và coi những lời công kích này là không cần thiết. Ông lập luận “nếu như Keynes [bắt đầu] bằng một tuyên bố đơn giản rằng ông thấy hợp lý khi giả định tiền lương danh nghĩa … chậm thay đổi và có khả năng đề kháng trước các xu hướng giảm sút … thì hầu hết các quan niệm của ông sẽ vẫn được coi là chính xác.” Đối với Samuelson, đóng góp thực sự của Keynes là đã cung cấp cho chính phủ những công cụ nhằm ngăn chặn suy thoái.

Đọc cuốn The Samuelson Sampler, thật bất ngờ khi phát hiện ra mức độ tự tin của các nhà kinh tế học cùng thời với ông khi họ cho rằng Kinh tế học Mới (tên thường gọi của trường phái Keynes ở Mỹ) đã giải quyết được vấn đề suy thoái và thất nghiệp hàng loạt. Như Samuelsson đã đưa ra trong bài giới thiệu năm 1973 của mình “bóng ma của việc tái diễn một cuộc khủng hoảng như đã từng xảy ra trong những năm 1930 đã được giảm xuống đến một xác suất không đáng kể.”

Đúng vậy, mặc dù vẫn có những biến động nhỏ, nhưng theo như bài viết năm 1966 của ông thì “Những cuộc đại khủng hoảng – những đợt suy thoái  nối tiếp và đưa đẩy nhau – thực sự đã tuyệt chủng”. Lý do là các chính phủ hiện nay đã sở hữu các công cụ, đặc biệt là chính sách tài khóa, để kiềm chế nguy cơ xảy ra suy thoái ngay từ trong trứng nước. Năm 1970, ông nói “Điều quan trọng đối với ngân sách là nó có xu hướng gây lạm phát hay giảm phát, chứ không phải là cân bằng hay không cân bằng.” Nói cách khác, “Thâm hụt theo một hướng tích cực là điều tốt.” Liệu ngày nay có bao nhiêu nhà kinh tế học hay chính trị gia còn tin vào luận điểm này?

Bởi vì các chính phủ đã biết cách ngăn chặn suy thoái, các cử tri sẽ yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp này. Năm 1966, ông đưa ra lập luận “Nếu việc phát hành thêm tiền có thể cứu các nhà băng và các công ty khỏi phá sản, thì toàn bộ cử tri ngày nay sẽ tìm cách đảm bảo rằng bất kỳ đảng nào lên cầm quyền cũng sẽ hành động [như vậy].”

Samuelson cho rằng điều này không hề liên quan đến ý thức hệ của người cầm quyền. Richard Nixon, đại diện cho Đảng Cộng hòa, đã được bầu làm Tổng thống Mỹ năm 1968 trong nỗ lực cắt giảm các chương trình Xã hội Vĩ đại (Great Society) tốn kém của đảng Dân chủ. Tháng 11/1968, Samuelson viết “Tôi không phải là một nhà kinh tế học theo thuyết quyết định luận, nhưng tôi có thể dự báo một cách tự tin rằng Richard Nixon sẽ sử dụng thuyết Kinh tế học Mới nếu như thời thế mới bắt buộc phải dùng đến nó.”

Và mọi chuyện đúng là như vậy. Thay vì làm kinh tế bớt lạm phát, Nixon đã đưa nước Mỹ ra khỏi chế độ bản vị vàng vào năm 1971, đồng thời áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với mức lương, giá cả và nhập khẩu. Nixon tuyên bố thẳng thừng “giờ đây tôi là người theo chủ thuyết Keynes.”

Nhưng đó cũng là tiên đoán thành công cuối cùng của Samuelson. Chưa đầy một thập niên sau khi chuyên mục của ông trên tờ Newsweek kết thúc, Kinh tế học Mới, học thuyết mà ông đã ca tụng là một phần tri thức vĩnh cửu, đã bị đánh bật bởi những công kích mang tính ý thức hệ của Ronald Reagan và Margaret Thatcher. Mặc dù ông tin rằng các cử tri sẽ không cho phép xảy ra suy thoái, nhưng Thatcher vẫn thắng cử lần thứ ba vào năm 1987, ngay sau khi con số thất nghiệp ở Vương quốc Anh đạt đỉnh ba triệu, mức cao nhất kể từ những năm 1930.

Vậy điều gì đã xảy ra? Năm 1969, Samuelson đã viết “một câu hỏi vẫn được đưa ra tranh luận trong hiệp hội [các nhà kinh tế] là hiệu lực thực sự xét về định lượng của chính sách tiền tệ so với chính sách tài khóa.” Câu hỏi này cuối cùng đã được trả lời theo hướng chính sách tiền tệ có hiệu lực hơn.

Quan trọng hơn cả, như ông đã chỉ ra vào năm 1970, là “thậm chí Keynes cũng không thể đảm bảo rằng nhân loại sẽ sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Ông để lại cho chúng ta một vấn đề chưa được giải quyết. Làm thế nào chúng ta có thể đồng thời đạt được sự toàn dụng lao động và ổn định giá cả?” Samuelson đã kết luận một cách bất đắc dĩ rằng cần phải thường xuyên kiểm soát về giá và tiền lương để ngăn chặn lạm phát do chi phí đẩy. Năm 1970 ông viết “Nền kinh tế hỗn hợp của chúng ta không đưa ra một chính sách thu nhập thỏa đáng có thể hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa… Và đây chính là cương vực chưa được giải quyết trong kinh tế học hiện đại.”

Đây cũng chính là cương vực mà Friedrich von Hayek đã nghiên cứu lần đầu tiên trong cuốn The Road to Serfdom (Đường về Nô lệ) năm 1944. Hayek e ngại rằng các chính sách có chủ ý trong việc duy trì sự toàn dụng lao động sẽ làm tăng sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường tự do và tự do chính trị. Kể từ sau những năm 1980, chính nỗi e ngại này đã dẫn đến việc tháo dỡ từng phần hệ thống chính sách của các nền kinh tế hỗn hợp – trên thực tế, là tháo dỡ chính nền kinh tế hỗn hợp.

Samuelson đã đúng một nửa: Các chính phủ giờ đã biết cách để không bị trượt dốc vào một cuộc Đại Khủng hoảng (Great Depression) khác. Trên thực tế, họ đã sử dụng kiến thức này trong mùa thu những năm 2008 và 2009, đó là lý do tại sao chúng ta chỉ có một cuộc Đại Suy thoái (Great Recession) (chứ không phải một cuộc Đại Khủng hoảng như những năm 1930 – NBT).
Nhưng, trái với những gì Samuelson tin tưởng, các chính phủ hiện nay đang bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi thâm hụt ngân sách lớn. Chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ, họ không hề sẵn sàng trong việc sử dụng chính sách tài khóa để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ hậu khủng hoảng. Thay vào đó, các chính phủ lại dựa vào việc mở rộng cung tiền, về mặt chính trị biện pháp dễ chấp nhận hơn, nhưng về mặt hiệu ứng nó vẫn còn yếu ớt, bởi như Keynes đã từng dự đoán – “kết quả tưởng như chắc chắn nhưng mọi việc vẫn có thể không như dự đoán.”

Quan trọng hơn cả, các chính phủ đã từ bỏ mục tiêu toàn dụng lao động; kết quả là, chính sách can thiệp từng được cho là cần thiết để giữ nền kinh tế hoạt động trong trạng thái cân bằng đã bị đặt sang một bên. Kinh tế học Mới có thể tạm thời được khai quật để đối phó với những tình huống khủng hoảng, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã không còn sử dụng các biện pháp thận trọng để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng phát sinh nữa. Giờ đây, câu hỏi làm thế nào để có thể ngăn chặn khủng hoảng mà vẫn giữ được sự tự do và hiệu quả (của nền kinh tế) chính là “cương vực chưa được giải quyết trong kinh tế học hiện đại.”

Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire