mardi 30 juin 2015

Hoàng Đức viết Tôi Đọc Sách.

Kính gửi quý anh chị bài sưu tầm.

Caroline Thanh Hương


Tôi đọc sách

Hoàng Đức



Blaise Pascal, triết gia người Pháp thế kỷ thứ 17 đồng thời cũng là một nhà toán học và vật lý học thời bấy giờ đã ngôn rằng: “Le Moi est haissable” một nhận định mà hậu thế xem như khuôn vàng thước ngọc và do đó mà ít ai dám nói về mình, về “cái tôi đáng ghét”như Pascal đã quan niệm vì khi đã nói về mình thì không nhiều cũng ít muốn nói tốt về mình, muốn khoe khoang một chút với đời cho “vui đời tỵ nạn”.
Tôi chẳng có gì để “nổ” vì vốn ở xa kho đạn Long Bình nên nhớ gì viết nấy, viết cho “vui thôi mà”. Tôi mê quá trời ba chữ “Vui thôi mà” của cố thi sĩ Bùi Giáng vì có thể áp dụng vào mọi hoàn cảnh, nhất là rất “effet” khi muốn “chạy tội”. Thi sĩ lúc sinh tiền đã mặc áo quần đàn bà, ngự trên ô tô buýt và chưởi Việt cộng, chưởi luôn cả “Cáo già dân tộc” chỉ để “vui thôi mà”.Thế nhưng tôi nghe kể lại rằng mấy tên cán ngố ngồi trên xe buýt đã không lấy thế làm vui và chúng đã hè nhau đánh đập dã man thi sĩ của chúng ta. Đúng là bọn chó chết!
Vâng, tôi viết về cái chuyện “Tôi đọc sách” để vui thôi mà:
Tôi biết đọc sách từ khi học lớp Ba trường làng, lúc tuổi đời mới được 9 que, còn thiếu một que mới đủ một bó. Đúng ra, tôi phải nói là “đọc truyện” vì hình như sách và truyện là hai thứ khác nhau vì trong sách không có chuyện mà chỉ trong truyện mới có những chuyện đáng để xem, để đọc. Như vậy thì bài viết này phải có nhan đề là “Tôi đọc truyện”. Nhưng thôi, đã lỡ rồi thì cứ dùng chữ “Sách” cho rộng, cho thoáng vì suy cho cùng, sách hay truyện thì cũng “mắm sốt”, “xêm xêm” giống nhau vì cũng là chữ, là nghĩa, là giấy, là mực, y chang như nhau khi nhìn bên ngoài, mà nhìn bên ngoài thì khỏe trí, không mệt người và an toàn hơn là nhìn bên trong dễ mắc vòng tù tội, “vác chiếu hầu tòa”. 
Chương trình lớp Ba bậc Tiểu học, học sinh đã phải viết những bài luận văn ngắn tả cảnh, tả vật, tả người. Để cho tôi học cách viết văn, để tránh những câu văn ngây ngô đại loại như: “Tôi có một cái thôn quê ở ngoài làng”, hay: “Nhà tôi có nuôi một ông Nội”.
Mẹ tôi bắt tôi đọc những truyện ngắn mà Bà bảo người Pháp gọi là “Sách hồng” (Livre rose) dành cho thiếu nhi, gồm những chuyện như “Cô bé quàng khăn đỏ”, những chuyện thần tiên như “Bạch Tuyết và 7 chú lùn”, những chuyện luân lý đạo đức, những bài thơ ngụ ngôn như: “Con quạ và con chồn”, “Con ve và con kiến” vv… của nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng, người Pháp, La Fontaine, những truyện ngắn của Perrault. Những truyện mà bây giờ ngồi nghĩ lại thật là ngây ngô và buồn cười như “Những bất hạnh của Sophie” (Les malheurs de Sophie), một cô bé dễ thương nhưng vụng về khê khét, đụng đâu vỡ đó, cô ta không làm nên cơm cháo gì trong tất cả công việc được mẹ cô giao phó. Hết thất bại này đến tai họa khác! Thật tội nghiệp cho cô bé! 
Đọc truyện này tôi đâm ra thương cô bé Sophie và ước mong được gặp cô ta ngoài đời thật, để mà… làm gì nhỉ, mới 9 tuổi đầu thì biết cái chi chi. Thế mà đã biết thương rồi đó! Ảnh hưởng của sách truyện là thế đó! Tôi nhớ đọc một truyện bằng tranh dịch ra từ Pháp ngữ nhan đề là “Một phát 7 thằng” kể chuyện một anh chàng, một hôm ngồi tẫn mẫn bắt ruồi và đúng là chó ngáp nhằm ruồi, anh ta quơ tay và chộp được ngon lành 7 con ruồi nằm chết dí trong lòng bàn tay. Thế là anh ta thuê người viết cho anh ta một tấm biểu ngữ mang giòng chữ: “Một phát 7 thằng”. Anh quàng tấm biểu ngữ bằng lụa ngang từ vai qua ngực và ra đi giang hồ dọc đường gió bụi. Rất tiếc là tôi đã không nhớ được một kỳ công hay chiến công nào của anh ta mà chỉ nhớ rằng anh ta ngông cuồng khoe khoang thần lực một phát 7 thằng của anh và vì “thánh nhân hay đãi kẻ khù khờ” nên anh ta gặp toàn những vận may khiến tên tuổi của anh nổi dậy như cồn và câu chuyện kết thúc bằng một đám cưới như chuyện thần tiên. Những truyện nhi đồng gần như có cùng một mẫu số chung, bao giờ cũng kết thúc bằng một hôn lễ huy hoàng và các cô gái nhỏ đẹp hiền dịu mỗi khi ngồi khóc là y như rằng một ông Bụt sẽ hiện ra và cho cô ta những điều ước kiểu “Aladin và cây đèn thần” và bao giờ cũng là 3 điều ước, tôi chẳng hiểu tại sao mà chuyện thần tiên khoái con số 3 như vậỵ. 
Hết loạt truyện thiếu nhi, loại “sách hồng”, tôi đâm qua ghiền loại truyện Tàu hay đúng hơn là dã sử Tàu pha màu huyền thoại, thần thông biến hóa, nội dung vô thưởng vô phạt, không hại cũng không lợi, thuộc loại truyện huề vốn, xét theo quan niệm luân lý đạo đức, nên tôi được phép đọc. Mẹ tôi cho phép đọc loại truyện này, mà nhà trường, nơi tôi học nội trú cũng cho phép lũ học trò chúng tôi đọc để giải trí như loại truyện bằng tranh Tintin và con chó Milou hay như truyện “Thằng Người Gỗ”, một thời lũ trẻ chúng tôi chuyền tay nhau đọc say sưa thích thú. Dã sử Tàu đời nhà Đường với dòng họ Tiết như “Tiết Đinh San chinh Đông”, “Tiết Nhân Quý chinh Tây”, rồi “Thuyết Đường” với đệ nhất anh hùng Lý Nguyên Bá ném chùy lên đánh trời vì căm giận Lão Tặc Thiên rồi đến “Tàn Đường”. Thời nhà Tống thì các danh tướng dòng họ Dương như Dương Văn Quảng, Dương Lệnh Công với “Thập Nhị Quả Phụ”, “Anh hùng náo Tam Môn Giai”, “Tống Địch Thanh”, “Nhạc Phi”. Đời nhà Hán thì “Hán Sở tranh hung” với Lưu Bang chém rắn dựng nên vương nghiệp, với Hạng Vũ cử đỉnh ngàn cân, với Hàn Tín lòn trôn thằng hoạn lợn, với tiếng sáo Trương Lương đánh tan muôn vạn quân nước Sở. Thời Xuân Thu thì “Phong Kiếm Xuân Thu”, “Xuân Thu Oanh Liệt” với hai nhân vật huyền thoại Tôn Tẩn, Bàng Quyên và Quỷ Cốc Tiên có tài thần toán để sau này các nhà bói toán Việt Nam được gọi là Lốc Cốc Tử do tên của vị tiên ông sư phụ của Tôn Tẩn và Bàng Quyên. Thời nhà Châu thì có “Phong Thần” với Khương Tử Nha ngồi buông câu chờ thời bên sông Vị, với Trụ vương mê đắm Đắc Kỷ hồ ly lưu danh dâm ô trụy lạc cho người đời sau dùng chữ “trụ” để nói đến người tham sắc dục. Chữ “trụ” mà đi chung với chữ “tam đợi” thành ra “Trụ tam đợi” thì thật là hoang dâm ba đời, hết nước nói.
Đọc Phong Thần tôi mới biết nguồn gốc của thành ngữ “Phản chủ đầu trâu” là do sự tích danh tướng nhà Thương, Hoàng Phi Hổ vì vợ bị Trụ vương bức tử nên đã làm phản, bỏ vua Trụ về phò nhà Châu tức là “Phản Trụ đầu Châu” và dân gian đọc trại ra là “phản chủ đầu trâu” tức là những tên chăn trâu, đầu trâu mặt ngựa phản chủ. Đọc truyện Tàu như Thủy Hử để biết tham quan ô lại bị anh hùng Lương Sơn Bạc thế Thiên hành đạo trừng trị như thế nào, để biết Võ Tòng đã hổ, để cùng dzô 100% ăn nhậu thịt chó với sư hổ mang Lỗ Trí Thâm. Phải đợi đến lúc trưởng thành tôi mới đọc Kim Bình Mai, để biết xã hội Tàu suy đồi trụy lạc với Tây Môn Khánh đại gia và Phan Kim Liên tẩu tẩu của Võ Tòng, để người đời sau khoan khoái ngồi xem tuồng hát bội sự tích Võ Tòng sát tẩu. Tôi đọc Hồng Lâu Mộng để thấy xã hội phong kiến Tàu xa hoa đồi trụy, văn chương thi phú phục vụ cho khoái lạc trần gian và không nhiều thì ít cũng ao ước vẩn vơ sống cảnh giàu sang phú quý cho say men đời.
Mẹ tôi kiểm soát chặt chẽ các sách truyện tôi đọc lúc tôi còn bé. Chỉ có những truyện Người đã đọc qua hoặc những truyện của các tác giả quen thuộc với Người, tôi mới được phép đọc, chẳng hạn như: “Những kẻ khốn cùng” (Les misérables) của Victor Hugo, “Ba người ngự lâm pháo thủ”, Les trois mousquetaires) “Hai mươi năm sau”, (Vingt ans après), “Tử tước Bragelonne”, (Vicomte de Bragelonne), “Bá tước Monte Cristo” (Comte de Monte Cristo), vv…của văn hào Alexandre Dumas. Nhưng không phải tác phẩm nào của các nhà văn quen thuộc này Mẹ tôi cũng đều cho phép tôi đọc mà tôi chỉ được đọc những truyện vô thưởng vô phạt có nội dung đứng đắn như truyện của nhà văn Lê Văn Trương thì tôi chỉ được đọc “Trường Đời”, “Thằng Còm phục thù”, “Tôi là Mẹ”, chứ những truyện “người lớn” (“Người lớn” không phải các loại truyện thuộc loại dâm thư nhan nhản trên các websites bây giờ đâu!) như “Trà Hoa Nữ” Của Alexandre Dumas, hay “Cánh sen trong bùn” của nhà văn Lê Văn Trương tôi chưa được phép đọc. 
Phải đợi cho đến lúc tôi đủ lông, đủ cánh (nghĩa đen và nghĩa bóng) và Mẹ tôi đã không có đủ thì giờ để kiểm soát sách tôi đọc vì tốc độ đọc sách của tôi đã gia tăng và số lượng truyện tôi đọc cũng vượt mức bình thường so với các bạn đồng trang lứa, tôi mới được mó tới. Tôi đọc lung tung Tự Lực Văn Đoàn với những truyện tình lãng mạn như “Đôi bạn”, “Đoạn tuyệt”, “Thế rồi một buổi chiều”, “Nắng thu”, “Hồn bướm mơ tiên”, “Nửa chừng xuân”, vv… Rồi tôi tha hồ mà mơ mộng mà yêu thương viễn vông, tưởng mình là Dũng để phiêu bạt giang hồ, để yêu Loan, tưởng mình là thư sinh đa tình phóng đãng yêu ni cô, tưởng mình phiêu lưu tình cảm yêu một cô gái câm đẹp mỹ miều, tưởng mình là trai tứ chiến yêu gái giang hồ, thương hoa tiếc ngọc, ngậm ngùi cho thân phận những gái làng chơi hết thời như trong “Cánh sen trong bùn” và nhiều nhiều tưởng tượng khác nữa. 

Ngoài những tiểu thuyết lãng mạn, tình yêu diễm tuyệt, loại ba xu, thực ra là 1 đồng một cuốn truyện mà nội dung chỉ vỏn vẹn dài 16 trang xếp lại thành một tập nhỏ, tôi mua hàng tuần từ nhà sách Bình Minh gần chợ Đông Ba, các truyện gửi ra từ Sài Gòn tràn ngập thị trường sách báo thập niên 1950. Loại truyện tình ái lăng nhăng này rất được các “sến nương” và các học sinh lứa tuổi choai choai chúng tôi đang tập tễnh yêu đương tìm đọc. Tôi lại còn khoái đọc loại truyện chưởng, kiếm tiên hiệp khách, thuộc loại rẻ tiền về phẩm cũng như về lượng, nghĩa là cũng chỉ 16 trang giá bình dân 1 đồng. Những “Quỳnh Hoa đại nương”, “Không Không sư tổ”, “Kình Thiên đại khách”, vv… là những “tác phẩm” tôi đọc say mê. Tôi nhịn tiền ăn quà vặt để mua những “món ăn tinh thần” ôi thối mà thời đó tôi cho là ngon lành, cao lương mỹ vị. 
Trước thời kỳ này, tôi đã bỏ tiền ra mua hay thuê những truyện kiếm hiệp dịch ra từ truyện Tàu hay do các tác giả Viêt Nam viết mà tôi còn nhớ một vài tên truyện như “Chu Long Kiếm”, “Lục Kiếm Đồng”, “Nhỡn kiếm đạo”, “Bích Liên giáo chủ”, “Võ hiệp kỳ án” của Văn Tuyền, bút hiệu của nhà văn Phạm Cao Cũng khi ông viết truyện kiếm hiệp. Nhân vật thám tử Kỳ Phát của ông cũng hấp dẫn tôi không kém với những lập luận trinh thám thông minh kiểu Sherlock Holmes của nhà văn viết truyện trinh thám người Anh, Conan Doyle. “Vết tay trên trần”, “Đảng đầu lâu máu”, hay “Đảng sọ người” gì gì đó (Tôi không nhớ rõ) của Phạm Cao Cũng đã một thời làm tôi mê như điếu đổ. Một ông nhà văn khác của ta, bút hiệu Thanh Đình khi viết truyện trinh thám với “Vũng máu đào”, “Người Nhạn Trắng”, vv… cũng là tác giả được tôi mến chuộng. 

Những nhân vật của Thanh Đình như ba anh em Hồng Quốc Văn, Hồng Quốc Vũ, Hồng Bích Nga vẫn còn đậm nét trong ký ức của tôi vì đã làm thỏa mãn tính giang hồ vặt trong tôi khi nghe kể chuyện họ sang Nhật du học và học được võ nghệ của xứ Phù Tang, Nhu đạo, Nhu thuật, Quyền Anh, bắn súng lục bách phát bách trúng, bắn nhanh như gió. Tôi hâm mộ Hồng Quốc Vũ oai dũng trên võ đài quốc tế hạ gục các “bốc xơ” Mỹ, Cuba lúc họ sang Việt Nam. Tinh thần dân tộc của tôi lên cao ngùn ngụt, tự ái dân tộc được thỏa mãn đến tận cùng, lúc Người Nhạn Trắng điểm huyệt võ sư Mỹ trên võ đài, kết thúc trận đấu trong oai hùng, trong vinh quang của xứ sở mà võ công của tiền nhân đã một thời làm khiếp vía bọn giăc Tàu như Liễu Thăng, như Toa Đô, như Ô Mã Nhi. Truyện Kiếm hiệp của Thanh Đình mà bút hiệu là Lý Ngọc Hưng (Tôi không nhớ rõ, xin bạn đọc đừng quá bận tâm vì “vui thôi mà”) như “Bồng Lai Hiệp Khách”, “Giao Trì Nữ Hiệp”, “Long Hình quái khách”, vv… cũng đã chiếm của tôi rất nhiều thời giờ trong lứa tuổi thanh thiếu. Chẳng hiểu vì sao mà tôi lại có thể còn nhớ những tên truyện, đúng lý ra phải trôi vào quên lãng khi chất xám đã hao mòn cùng năm tháng. 

Bây giờ, gặp lại người quen đã chơi quần vợt với tôi hàng ngày mà có lúc tôi phải lục lọi trí nhớ đến mờ cả người mới nhớ được tên của anh ta.Vậy mà tôi vẫn còn nhớ Nhất Chi Mai con của Mộ Hùng Chương, hiệp khách kết bạn với 13 người nữa để lập nên một nhóm 14 vị anh hùng hiệp nghĩa cứu khốn phò nguy. Mỗi khi di chuyển, 14 vị kiếm khách này tung lên trời 14 cái mâm bằng đồng bóng loáng và họ nhảy lên đứng trên những chiếc mâm này bay đi như đằng vân giá vũ chẳng khác gì các tay chơi “Skateboarding” bây giờ, bay lượn như hát xiếc (lắm lúc cũng ngã lăn quay!). Tôi cũng còn nhớ truyện “Huyết Hùng tráng sĩ” với một nữ ma đầu, mỗi khi phi hành thì thân thể lõa lồ vì áo quần bỗng dưng biến thành “see through” trong suốt. Y hẳn là bắt chước theo lối Cân đẩu vân của Tề Thiên Đại Thánh trong Tây Du vì mỗi khi dùng lối đằng vân này, vị đại thánh hầu vương này cũng trở thành lõa thể vì thế mà không bao giờ Tề Thiên Đại Thánh dám thi triển Cân đẩu vân trước mặt Phật Bà Quan Âm vì sợ vô lễ. Biết bao nhiêu chuyện nhảm nhí tôi đã đọc như “Lỗ Hoa Nương”, “Tráng Sĩ Cụt Chân”, “Máu tuôn xóm liễu”, “Hỏa thiêu Lâm Thiền Tự”, “Càn Long du Giang Nam”, vv… Nay nghĩ lại thật buồn cưòi nhưng giá như tìm lại được những cuốn truyện đó tôi nghĩ là tôi cũng sẽ đọc say mê như “những ngày xa xưa đó”.
Tiểu thuyết võ hiệp mà sau này được gọi chung là truyện chưởng được đăng thành truyện “feuilleton” trên các nhật báo đã một thời thịnh hành vào thập niên 1960 đã cuốn hút tôi vào cõi đam mê sách báo. Tôi ngẩn ngơ buồn những ngày báo Sài Gòn không đăng truyện hay vì lý do thời tiết, máy bay không đem báo Sài Gòn ra miền Trung cho tôi thỏa mãn cơn ghiền đọc truyện. Cô Gái Đồ Long, cuốn truyện chưởng đầu tiên tôi đọc được của Kim Dung đã thực sự lôi cuốn tôi vào cơn lốc đam mê truyện chưởng và thế là tôi không bỏ qua một tác phẩm nào của Kim Dung. 
Tôi ghiền Kim Dung đến độ chỉ xem qua vài trang là biết truyện của Kim Dung thật hay Kim Dung nhái vì khó có thể bắt chước Kim Dung để viết được những bộ truyện xuất sắc như “Anh hùng xạ điêu” với anh chàng trâu nước Quách Tĩnh và Hoàng Dung thông minh xinh đẹp, “Thần Điêu đại hiệp” với Tiểu Long Nữ trong vòng tay học trò Dương Quá, “Tiếu ngạo giang hồ” với nhân vật Lệnh Hồ Xung hào hoa, khoáng dật, với ngụy quân tử Nhạc Bất Quần và anh chàng “Gay” Đông Phương Bất Bại, “Lộc Đỉnh Ký” với thằng nhóc Vĩ Tiểu Bảo lưu manh nghĩa khí, “Lục Mạch thần kiếm” với anh hùng hiệp nghĩa Kiều Phong, với Đoàn Dự si tình bám váy giai nhân lê bước giang hồ vv… Đọc thật nhiều truyện chưởng Tàu vì ham hố muốn đọc nhiều, chứ thực ra tôi chỉ mê Kim Dung và Cổ long với loạt truyện về nhân vật hào hoa có bốn hàng lông mày, Lục Tiểu Phụng. 
Truyện chưởng hấp dẫn không phải vì đánh nhau ầm ầm, ào ào, huyết lưu mãn địa như “Lệnh xé xác” của Lã Phi Khanh (đọc chán chết!) mà chỉ cần vài thế võ độc đáo lâu lâu mới có dịp thi triễn như “Hàng Long thập bát chưởng” do Hồng Thất Công truyền cho Quách Tỉnh, “Đã cẩu bổng”, Cái Bang bang chủ dạy cho Hoàng Dung, “Độc cô cửu kiếm” của Dương Quá được Độc Cô Cầu Bại truyền thụ, “Vô chiêu thắng hửu chiêu” của Lệnh Hồ Xung do sư thúc tổ Phong Thanh Dương chỉ dạy, “Linh tê nhứt chỉ”, hai ngón tay thần kỳ mà Lục Tiểu Phụng chỉ đưa ra để kẹp lấy binh khí của đối thủ những lúc thậm nguy chí nguy.
Trước loại truyện chưởng này đã xuất hiện trên các nhật báo một loạt các tiểu thuyết do nhà văn Lê Minh Hoàng Thái Sơn sáng tác mà tôi còn nhớ hai cuốn: “Lời nguyền trên máu”, truyện võ hiệp lịch sữ thời nhà Tiền Lê và cuốn “Đoàn Ó Biển”, truyện trinh thám võ hiệp thời nay với nhân vật Triệu Duy am hiểu nhiều loại võ công Âu Á nhất là Nhu đạo và Nhu thuật của Nhật. Anh ta bắn súng nhanh như chớp và cua đào, hào hoa không thua gì Điệp viên 007 hay Văn Bình Z28.Tôi mê Triệu Duy nhưng may mắn là không có tiền chứ nếu không thì tôi đã bị ông Lê Minh lừa bịp đóng tiền cho ông ta để ông tổ chức du lịch sang xứ Phù Tang, một cú lừa ngoạn mục khiến Hoàng Thái Sơn bị nằm tù một thời gian nhưng dân chúng và độc giả của ông vẫn còn nhớ mãi chiêu bài “Đi và sống” của ông ta. 
Sau Lê Minh Hoàng Thái Sơn là tác giả Phú Đức với loạt truyện trinh thám, đánh võ, bắn súng và đua xe với nhân vật Mít Xi Ma và Bách Xi Ma hào hùng không thua gì Văn Bình Z28. Loạt truyện của Người Thứ Tám đã làm say mê độc giả một thời qua những điệp vụ của thế giới tư bản chống cộng sản. Những màn đấu trí và đấu súng hấp dẫn đến cao độ như trong phim ảnh James Bond với sự so tài kinh thiên động địa giữa những cơ quan mật vụ KGB, CIA, Deuxième Bureau, Scotland Yard mà nổi bật nhất là điệp viên Văn Bình của Việt Nam dưới sự điều khiển thần kỳ của ông Hoàng, một ông già điệp viên từng chen vai thích cánh với các điệp viên quốc tế trên hoàn vũ.
Tôi cũng không quên những tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của Hoàng Ly lấy bối cảnh biên giới Việt Nam, Trung Hoa như “Thập Vạn Đại Sơn Vương”, và “Giặc Cái” vv…
Và, thời kỳ đất nước chinh chiến điêu linh, tôi chuyển hướng theo văn chương thời thượng tìm đọc những tiểu thuyết, những truyện ngắn liên quan đến chiến tranh. Không phải đợi đến bấy giờ tôi mới thích loại truyện này mà thực ra tôi đã ghiền những tác phẩm ngoại quốc có bối cảnh Thế Chiến Thứ Hai như “Một thời để yêu, một thời để chết” (Le temps d’aimer et le temps de mourir”, như “Mặt trân miền tây vẫn yên tỉnh” (À l’ouest rien de nouveau) của văn hào Ẻrich Maria Remarque.
Người ta thì “Con nhà lính, tính nhà quan”. Riêng tôi thì không phải con nhà lính nhưng tính nhà binh. Có lẽ vì tôi hơi nhát, chọn nghiệp văn thay vì ngành võ nên tôi đã tự dối lòng, muốn tỏ ra mình cũng “hùng” như ai, nên tôi đi vào chiến tranh bằng tâm tưởng, bằng cách đọc sách báo liên quan đến chiến tranh. Để thỏa mản tự ái dân tộc hay chính xác hơn là để hãnh diện làm người dân miền Nam trong chiến tranh Quốc Cộng, tôi đã say mê, thích thú tìm đọc những tiểu thuyết liên quan đến chiến cuộc đang xảy ra trên quê hương.
Tôi hồi hộp, tôi xúc động khi đọc “Vòng Tay Lửa” của Nguyên Vũ. Tôi sống với những hiểm nguy của các chiến binh thuộc Lực Lượng Biệt Kích trên đường xâm nhập đất Bắc trong những điệp vụ tưởng chỉ có trong trí tưởng tượng của nhà văn nhưng kỳ thực đã xảy ra trên thực tế trong cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc của đất nước. Tôi hứng tình với những pha “cụp lạc” của người lính khi họ rời chiến trường về lại thành phố, yêu cuồng, sống vội vì không biết ngày mai sẽ còn hay mất. Tôi khoái chí, tôi thích thú khi nghe những câu chửi thề tục tĩu biểu lộ sự tức giận hay thân tình giữa các chiến binh xem trời bằng vung. Tôi nghe trong ngôn ngữ bình dân đó một cái gì oai hùng, một tính chất vong mạng không kém phần lãng mạn. Tôi thuộc lòng những từ ngữ chuyên môn của “Nhà Banh” như “Zoulou”, “Hỏa Long”, như “tần số”, “âm thoại viên”, như ”im lặng vô tuyến” vv… Tôi thực sự khoái những danh xưng như Đại Bàng, như Thẩm Quyền, những danh hiệu bay bướm của các sĩ quan lúc hành quân như Tango, Alpha, Thiên Nga, Bạch Hạc, Phán Phu Nhân, Thái Dương vv… Những tên truyện lãng mạn và oai hùng như “Anh hùng bạt mạng”, “Đời Pháo Thủ”, “Mùa Hè đỏ lửa”, “Khung cửa chết của người tình si” “Tháng Ba gãy súng” đã khiến tôi quên ăn, bỏ ngủ để theo dõi câu truyện. 
Cảm ơn những tác giả Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Thi Vân, Thế Uyên, Cao Xuân Huy vv… đã đưa tôi vào chiến trường trong tâm tưởng khi tôi sống yên bình nơi thành thị. Một niềm cảm phục, một niềm thương mến dâng lên trong tôi, khi đọc những chiến công chưa được ghi vào Quân Sử của các anh hùng vô danh. Cũng vì nỗi đam mê sách truyện chiến tranh này mà tôi “tham gia” vào Tập San Biệt Động Quân. Cứ 4 tháng một kỳ, bao giờ cầm Tập san Biệt Động Quân trên tay, tôi cũng trước tiên “mò” vào đọc những tường thuật các trận đánh mà các anh hùng Mũ Nâu đã tham chiến để cùng sống lại với họ những oai hùng, những cam go, những đau thương mất mát để rồi cảm thương ngập tràn… Dù đây chỉ là những hoài niệm, những trang chiến sử đã đi vào quên lãng và đượm chút gì xót xa khi nghĩ đến sự chiến bại chung cuộc một cách oan uổng, tôi vẫn thích đọc những hồi ức chiến tranh này. Tôi xúc động thực sự và buông tâm tư sống cùng với các chiến binh oai hùng đem máu xương gìn giữ quê hương. Tôi cảm phục những anh hùng vô danh này vì:
“Họ là những anh hùng không tên tuổiSống âm thầm trong bóng tối mông lung”.
Thử hỏi độc giả nào không thấy tâm hồn xao xuyến, yếu mềm trong cảnh chiều hôm nơi chiến địa:
“Trời đã về chiều. Buổi chiều Tây Nguyên ngày 9 tháng 5 năm 1972, từng tảng mây đen từ đỉnh Trường Sơn lặng lẽ kéo về, chụp xuống vùng núi rừng sâu thẳm một bầu không khí ảm đạm thê lương. Xanh ngẩng mặt nhìn lên khoảng không gian mịt mù sương khói, như muốn gọi một cánh chim tròi bạt gió nào đó, nhưng biết gọi ai bây giờ. Danh hiệu nào, giờ này, bắt được tần số thầm lặng của anh. “Ơi, những Lạc Long, Sơn Dương, Thần Tượng, KingBee, Bắc Đẩu… các bạn có nghe Thái Dương gọi không, trả lời? ”Tiếng gọi thầm lặng mà sao nghe như vang dội cả một bầu trời tang tóc…

Chiều hôm bắc tay làm loa gọiGọi ai nơi viễn xứ sa trườngGọi ai giữa sơn cùng thủy tận
Ai người thiên cổ chốn biên cương”
(Trích “Lần… xuôi biên tái” Trần Ngọc Nguyên Vũ, Tập san Biệt Động Quân số 30)
Cảm ơn Tập San Biệt Động Quân, cảm ơn những cây bút nhà binh, những chiến binh anh hùng thuộc mọi binh chủng, Mũ nâu, Mũ xanh, Mũ đỏ, Mũ đen, qua những hồi ký chiến trường thật sống động, đã cho tôi chia xẻ những giây phút hào hùng, sống bằng tâm tư hoài vọng những mãnh đời trôi dạt điêu linh, vì tôi đã không đủ khí phách để trực tiếp xông pha vào nơi lửa đạn:
“Giã nhà đeo bức chiến bàoThét roi cầu Vỵ ào ào gió thu”
Gần đây, từ ngày định cư trên đất Mỹ, tôi đã thích thú tìm đọc những tiểu thuyết võ hiệp lịch sử Viêt Nam của Bác sĩ Trần Đại Sỹ, những cuốn truyện vừa chính sử vừa huyền sử đã đưa người đọc vào lịch sử Việt Nam oai hùng. Đọc Trần Đại Sỹ, độc giả sẽ thấy niềm tự ái dân tộc được thỏa mãn đến cùng cực khi biết những chiến công oai hùng của các Anh Hùng Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định, các danh tướng thời nhà Lý như Lý Thường Kiệt, Tôn Đản phá Tống bình Chiêm, và không biết bao nhiêu chiến công hiển hách khác trong lịch sử nước nhà trải qua nghìn năm bị giặc Tàu đô hộ. Các bạn sẽ hãnh diện khi thấy danh tướng Địch Thanh của nhà Tống khi sang nước ta đã chẳng là cái “đinh” gì đối với các võ sư của chúng ta thời bấy giờ.
Xin mượn lời của Đồng Nai Tư Mã Duyên Anh để nói lên những cảm nghĩ, những xúc cảm và nỗi niềm thích thú của tôi lúc đọc những tác phẩm của nhà văn kiêm bác sĩ Trần Đại Sỹ như “Động Đình Hồ Ngoại Sử”, “Cẩm Khê Di Hận”, “Anh Hùng Lĩnh Nam”, “Thuận Thiên Di Sử”, “Anh Hùng Tiêu Sơn”, “Anh Hùng Bắc Cương”, “Nam Quốc Sơn Hà”, “Anh Linh Thần Võ Tộc Việt”, “Anh Hùng Đông A Dựng Cờ Bình Mông”:
“Ta say mê đọc. Lòng chan chứa cảm xúc. Võ nghệ và tư tưởng của ta phải xuất chúng thì mới giữ được nước khỏi bị đồng hóa bởi Trung Quốc hiếu chiến, mạnh gấp triệu lần. Cứ gẫm chuyện Lý Thường Kiệt phá Tống, Trần Hưng Đạo bình Mông, Lê Lợi dẹp đuổi Minh, Quang Trung đánh Mãn là đã đủ tự hào để khẳng định rằng ta không thua Trung Quốc, không thua bất cứ ai.”
(Cảm khái của Duyên Anh thay cho lời tựa viết cho tác phẩm Anh Hùng Lĩnh Nam của Trần Đại Sỹ)
Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc, nên sang đến xứ Cờ Hoa, tôi chứng nào vẫn tật nấy, vẫn mê sách nên cứ cuối tuần là phóng xe ra chợ trời tìm mua sách truyện cũ, mỗi cuốn chỉ từ $1 đến $2, tuy gọi là sách cũ nhưng còn mới nguyên, thơm mùi giấy, bìa giấy cứng, ấn loát tân kỳ, đẹp mỹ miều.Tôi mê truyện của Sidney Sheldon vì ông viết loại truyện trinh thám tình tứ ướt át, na ná như loại “Đi và Sống” của Lê Minh Hoàng Thái Sơn nơi quê nhà thuở trước. Tác phẩm của ông đã được quay thành phim thật nhiều.Tôi bê về nhà gần như trọn bộ các tác phẩm của ông, đọc ngấu nghiến say sưa. Một tác giả khác được tôi mến mộ là Stuart Woods. Ông này viết truyện trinh thám thuộc loại “Series” và nhân vật chính là một trung úy cảnh sát, con rể của một bố già Mafia, hợp tác với một vị luật sư hào hoa, chuyên môn khám phá những vụ án ly kỳ trên khắp nước Mỹ. Chuyện hấp dẫn từ đầu đến cuối với những cuộc tình chớp nhoáng của anh chàng luật sư đa tình. Stuart Woods vừa là nhà văn, vừa là nhà sản xuất phim ảnh tại Hollywood.
Nhà văn thứ ba mà tôi ưa thích là John Grisham chuyên viết những truyện liên quan đến ngành Luật. Các truyện của ông ta đã được quay thành phim và rất nổi tiếng, chẳng hạn như “The Chamber”, và gần đây nhất là “The Pelican Brief” với hai tài tử thượng thặng của Hollywood, Julia Roberts và Denzel Washington. Phim kể chuyện một nữ sinh viên luật khoa, tính mạng bị đe dọa vì tình cờ biết được sự thật sau cái chết của hai vị thẩm phán Tòa Án Tối Cao.
Tôi đi chợ trời nằm trên bãi đậu xe của Golden West College tìm mua tất cả những truyện của 3 nhà văn tôi mến mộ nêu trên, và vừa rồi, làm tổng vệ sinh nhà cửa, tôi đã ngậm ngùi đưa tiễn ra thùng rác các cuốn truyện bìa cứng, láng, đẹp như tranh vẽ, từng được tôi mân mê, nâng niu, vì các kệ sách của tôi không còn chỗ chứa và nhắm để lại cũng vô ích vì các con tôi không hề mó đến. Xin mở một dấu ngoặc để nói thêm về “cái sự đọc sách” của tôi: Để có thể đọc được những sách truyện tiếng Anh, tôi đã “luyện” Anh văn theo một phương pháp khá đặc biệt. Sau 1975, chuẩn bị cho những ngày định cư tại Mỹ, tôi đã ra chợ trời bán sách báo cũ đường Bùi Quang Chiêu, Saigon, lục mua những truyện có nội dung “erotic”, loại “truyện người lớn” về luyện chữ nghĩa. Những cuốn truyện này đầy dẫy những pha cụp lạc mà đã cụp lạc thì rất hấp dẫn những độc giả ma bùn như tôi, và muốn hiểu rõ những mô tả “ngoạn mục” từ A đến Z thì chỉ có cách tra cứu từ điển, tìm hiểu từng chữ một, chứ không thể lười biếng được và nhờ vậy mà vốn ngữ vựng Anh văn càng ngày càng tăng trưởng. Phương pháp luyện đọc Anh văn này, không biết có nên phổ biến không nhỉ? 
Dĩ nhiên, ngoài những lợi ích tinh thần được hưởng trong lúc tôi đọc sách, tôi không thể phủ nhận rằng tôi chịu khá nhiều ảnh hưởng xấu từ niềm đam mê đọc truyện. Gần như trong tất cả các truyện Tàu, truyện chưởng, truyện võ hiệp không có truyện nào mà lại không có những pha mùi mẫn hấp dẫn. Chuyện các nhà sư hổ mang bắt gái đem về chùa hành lạc, các nữ ma đầu bắt trai tơ về cưỡng hiếp. Tôi phải thú nhận rằng lúc đọc những đoạn truyện này lòng tôi đã rạo rực, bản năng đã ùn ùn trổi dậy, lòng dục nung nấu khiến tôi đã phải tận dụng lý trí để khỏi sa vào vòng tội lỗi. Nếp sống phóng túng của tôi, tình ái lãng mạn, lăng nhăng, tôi vốn đa mang, đã không nhiều thì ít, chịu ảnh hưởng không mấy tốt đẹp của việc đọc sách truyện lung tung không chọn lựa kỹ càng. Nào là Cánh hoa huệ trong thung lũng (Le lys dans la vallée) của tiểu thuyết gia Pháp Balzac với anh chàng nhà văn trẻ say mê một nữ công tước đã “toan về già” nhưng nhan sắc vẫn còn mặn mà, nào là các tiểu thuyết thuộc trường phái Hiện Sinh như “La Nausée”, “Le mur” của sư tổ Hiện sinh Sartre. Nào là “Buồn ơi chào mi” (Bọnjour tristesse), “Một nụ cười” (Un certain sourire), “Gối chăn xô lệch” (Le lit défait), vv… của Sagan, nhà văn nữ người Pháp sống thác loạn suốt cuộc đời. Nào là “Yêu”, “Loạn” của nhà văn Chu tử và nhiều nhiều các tác phẩm khác cổ súy yêu cuồng, sống vội.
Cũng may là bên cạnh những cái xấu của sách truyện cũng có những điều hay, những gương tốt để quân bình giữa cái lợi và cái hại của sự đọc sách và nhờ nếp nhà mà tôi còn giữ được một chút gì có thể gọi là chung chung không tốt cũng không xấu như tính ngang bướng, khí khái và quân tử Tàu, tạo được một sự huề vốn trong luân thường đạo đức để còn có thể ngẩng mặt nhìn đời. Một chút khoe khoang về cái tôi! Mong được khoan thứ!

1 commentaire:

  1. THANH -HƯƠNG ƠI ,
    CHO TÔI XIN CẢM ƠN ĐẾN """HOÀNG -ĐỨC """ ĐÃ KỂ LẠI NHỮNG TÊN TRUYỆN XA XƯA MÀ TÔI CŨNG TỪNG ĐỌC QUA KHI CÒN Ở THỜI SƠN TRẺ. .......VÀ NAY NHỚ LẠI ....!!!
    THÀNH THẬT CÁM ƠN NHIỀU NHIỀU NHÉ THANH HƯƠNG CÙNG HOÀNG ĐỨC.
    Sen Nguyen

    RépondreSupprimer