mardi 29 décembre 2015

Trần Văn Lương viết Đau Ngày Tháng Rụng, thơ bạn hữu và câu chuyện về ngôi miếu lịch sử bị bỏ hoang.



Kính gửi đến quý vị trưởng thượng và quý anh chị con cóc cuối tuần.

Dạo:
       Tuổi đời chất mãi chồn tay,
Xót ngày tháng rụng, cay cay mắt chiều.


Cóc cuối tuần:

 Đau Ngày Tháng Rụng
 
Đêm vuốt mòn trăng,
Dăm thằn lằn chắt lưỡi.
Con nhện già rách rưới,
Buồn vá lưới thời gian.
 
Mây tối lang thang,
Ngỡ ngàng trông hướng gió.
Đèn lay lay bóng cỏ,
Sầu phố nhỏ lăn tăn.
 
Chân bước nhọc nhằn,
Lưng hằn trăm dấu vọt.
Kiếp người bèo bọt,
Dĩ vãng lót đường rong.
 
Cô gái nhỡ chưa chồng,
Thầm mong ai lạc lối,
Mắt rà lên tóc rối,
Giận dỗi trách chiều hoang. 
 
Con sóng ngáng đò ngang,
Vỡ toang trên ghềnh đá.
Hạ tàn rơi lả tả,
Lá vất vả chờ thu.
 
Giọng hát âm u,
Gượng ru đời viễn xứ,
Gập ghềnh đường lữ thứ,
Quá khứ trốn xa dần.
 
Tuế nguyệt xoay vần,
Người phân vân giữa chợ.
Chuyến tàu say tiếc nhớ,
Làm lỡ phút đăng trình.
 
Xác chết lạnh trơ mình,
Lời kinh chưa kịp tụng.
Bầy quạ què lúng búng,
Ăn vụng chốn đồng không.
 
Hoa héo đắm bờ sông,
Sương đông oằn lau lách.
Bóng ai còn đậm vách,
Người đã cách ngàn khơi.
 
Cơn địa chấn rời,
Sỏi đá rơi lầm chỗ.
Rung rinh tòa miếu đổ,
Tượng gỗ khổ chia tay.
 
Mái ấm hôm nay,
Mai đây thành gác trọ.
Nỗi buồn xưa đứng đó,
Cau có chuyện vơi đầy.
 
Cung nhạc đắng, lời cay,
Đau đau ngày tháng rụng.
Con trâu già vô dụng,
Khóc sũng vũng bùn khuya.
        Trần Văn Lương
            Cali, 8/2010 




Bài thơ này  buồn quá anh Lương
Xin gửi anh tia hy vọng.
CR

 Ngày Mai Nắng Mới.


Xin ngày mai nắng mới
Cho mặt trời thật cao.
Cho con đường đi tới
Người ngẩng mặt nhìn nhau
.

Dù chất chứa thương đau
Không đánh mất tự hào.

Dù cuộc đời viễn xứ
Mình người Việt năm nao.

Thanh Hương




Afficher l'image d'origine
Chiều Viễn Xứ
Tác phẩm của hoạ sĩ Ái Lan

TH mến,
Cám ơn mấy vần thơ chia sẻ thật hay của TH.
Cầu mong tia hy vọng không bao giờ tắt .
L


Hoài Niệm


       THỜI GIAN MÒN RUỖNG


Đau Ngày Tháng Rụng rã rời

Đau con nhện vá lưới đời rách bươm

Thằn lằn chắc lưỡi thêm buồn

Bóng đêm cúi mặt vuốt mòn ánh trăng


Mây giang đôi cánh lỡ lầm

Núi đồi hiu hắt ướt dầm mặt sương
Phố buồn mấy giọt mưa vương

Ánh đèn thắp nến tạ hồn người xưa


Tiếng chim khập khiễng vào mùa

Thương cô gái lỡ thì chưa có chồng

Đường chiều mái tóc xổ tung

Chờ ai, ai nhớ nát lòng thương đau


Thời gian xoáy nát chân cầu

Xoay vần tuế nguyệt bạc màu sóng qua

Quán khuya ngồi lại mình ta

Nhạc tình đưa tiễn đôi tà áo bay

       Trầm Vân


Hoài Cảm

  Xin gửi bài họa thơ " NGÀY MAI NẮMG MỚI " của chị ThanhHương để :



GÓP  LẠI  NIỀM  TIN

Thời gian luôn đổi mới
Đưa cuộc đời lên cao
" Hi vọng ", chưa đạt tới
" Tin tưởng " , giữ lòng nhau
" Yêu thương ", xoá đớn đau
Thời thế đẻ anh hào
Nhân loại nơi tứ xứ
Vẫn chờ đợi chẳng nao


          Trần Trọng Thiện


Giấc Trưa Hè




Trăng Tháng Ba


Những hình ảnh trong bài cũ được diễn tả lại một cách uyển chuyển và
tự nhiên qua tiết tấu êm dịu của vần thơ lục bát .
Ngoài ra những hình ảnh như "Mây giang đôi cánh lỡ lầm" hay "Thời gian xoáy nát chân cầu" quả là độc đáo .
Đa tạ .
L


Qua thời gian và cùng với sự thờ ơ của con người, miếu Bà hàng trăm năm tuổi ở làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đang xuống cấp nghiêm trọng.
Qua trao đổi với ông Đặng Dùng, người được dân làng Nam Ô ví như “kho sử sống” của làng, chúng tôi có dịp hiểu rõ hơn về ngôi miếu Bà còn chứa nhiều bí ẩn. Theo dân gian, ngôi miếu này có hàng trăm năm trước, thờ vọng Huyền Trân Công Chúa, người được vua Trần Nhân Tông gả cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lại hai châu Ô, Lý về Đại Việt.
Theo ông Dùng, việc truyền tụng ngôi miếu này thờ vọng bà Huyền Trân Công Chúa xuất phát từ nhiều yếu tố. Bên cạnh miếu quay mặt về hướng Bắc (vọng quốc), có di tích mộ tiền hiền chư phái tộc làng Nam Ô được cho là mộ của một vị võ tướng đánh chặn, ngăn không cho quân Chiêm áp sát để Huyền Trần Công Chúa cùng đoàn tháp tùng thoát ra biển về Đại Việt. Sau này, dân làng nơi đây ghi nhận tấm lòng anh dũng của vị võ tướng, đồng lòng suy tôn thành “Tiền hiền triệu cơ” của làng. Chưa có một sử liệu nào, kể cả những lưu truyền trong dân gian xác định được danh tính, quê quán về vị võ tướng này. Tại ngôi miếu có thờ 6 thần vị, đến nay chưa ai xác định rõ ràng các thần vị này có nội dung thể hiện danh tính của người (hay danh tước) được tôn thờ nên chưa thể khẳng định ngôi miếu chỉ thờ vọng Huyền Trân Công Chúa.
Về câu chuyện xoay quanh cuộc chạy thoát khỏi giàn thiêu nước Chiêm của Huyền Trân Công Chúa và ngôi mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô đến nay đã gần thiên niên kỷ, dẫu ngôi miếu có thể chưa hẳn thờ Huyền Trân Công Chúa như tương truyền trong dân gian, nhưng giá trị lịch sử, kiến trúc của ngôi miếu là xác thực. Chưa kể trong ngôi miếu được lót bằng đá Chăm, ngói, gạch Chăm nên giá trị kiến trúc cũng như quá trình, thời gian xây dựng cần được quan tâm nghiên cứu. Cuối tháng 3-2012, đoàn cán bộ nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng đã tổ chức báo cáo tổng kết việc điều tra, khảo sát di sản khảo cổ học tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó đề cập đến việc giữ gìn ngôi miếu thờ bà Bô Bô (cũng là ngôi miếu tương truyền thờ vọng Huyền Trân Công chúa) nằm trong quần thể di tích như Giếng cổ, Lăng thờ cá Ông, chùa làng Ba Sơn, miếu thờ Bà Liễu Hạnh. Hiện tại, theo ông Phạm Trưng, cán bộ văn hóa phường Hòa Hiệp Nam, tình trạng xuống cấp ngôi miếu Bà đã thấy rõ. Tuy nhiên, với vấn đề trùng tu, tôn tạo thì địa phương không đủ thẩm quyền, cũng không có nguồn vốn. Nguyện vọng của dân làng là muốn lưu giữ, trùng tu vì yếu tố tâm linh, cũng là cách mà họ luôn hướng và nhớ về nguồn cội.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire