dimanche 6 mars 2016

Những thú vui đỏ đen ở Sài Gòn và hình ảnh trường đua Phú Thọ với những chốn ăn chơi khác.


Phú Thọ một thời để nhớ và còn chăng là kỷ niệm...

Tôi chỉ nghe nói đến lúc còn ở Việt Nam khi đi thăm bạn bè ở Cư Xá Lữ Gia, chứ chưa bao giờ vào trong đó để xem.

Trong quá trình sưu tầm lại tài liệu xưa, một thời tuổi nhỏ, kính gửi đến quý anh chị chút hình ảnh hiếm hoi cho những ai biết đến.

Sau đó, mời quý anh chị đọc bài  sưu tầm Sài Gòn Tứ Đổ Tường rất hay về đời sống cũ trước đây. và cũng xin lưu ý là baì viết dưới cái nhìn riêng tư của từng cá nhân, chứ chúng ta không thể vơ đỡu cả nắm mà nói tất cả người Sài gòn đều sống như thế nhé.

Caroline Thanh Hương

 

Trường đua Phú Thọ - chốn 'đỏ đen' một thời của dân Sài Gòn

Được người Pháp xây năm 1932, Phú Thọ từng là trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á mà giới ăn chơi thượng lưu vùng Nam kỳ Lục tỉnh thường xuyên lui tới.
Năm 1893, nhóm người Pháp lập "Hội đua ngựa Sài Gòn" và xây trường đua nhỏ (Vườn Bà Lớn) ở góc ngã tư đường Verdun với Le grand de la Liraye (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM). Vào ngày cuối tuần, các sĩ quan và binh lính Pháp thường tổ chức những đợt tập dượt mã quân với sự tham gia của đội kèn để thúc nhịp.
 photo phutho.jpg
Trường đua Phú Thọ được người Pháp xây dựng từ năm 1932. Ảnh tư liệu
Năm 1906, thương gia người Pháp Jean Duclos đem loại hình đua ngựa từ quê nhà sang kinh doanh. Ông mang 8 con ngựa giống Ả-rập tốt mã, lớn con, chạy đua giỏi đến vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn, tổ chức đua. Giới ăn chơi thượng lưu ở Sài Gòn bắt đầu làm quen với môn chơi quý tộc này rồi say mê theo kiểu cờ bạc. Trò đua ngựa của Duclos đã tạo cơn sốt khi có gần 200 cuộc đua chỉ trong vòng nửa năm, mang về cho thương gia này rất nhiều tiền.
Khi xảy ra chiến tranh Thế giới lần I (1914-1918), trường đua ngựa tạm ngưng hoạt động cho đến năm 1920. Dù nhiều người đã tán gia bại sản do ham hố đua ngựa, song cơn sốt trường đua không vì thế mà suy giảm. 
Năm 1932, thấy người Việt ở Nam kỳ Lục tỉnh rất "máu me" môn thể thao quý tộc này, Hội đua ngựa Sài Gòn mua khu đất rộng hơn 44 hecta tại khu vực Phú Thọ (thuộc các tuyến đường Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, quận 11 ngày nay) để xây dựng trường đua mới. Đây là khu đất nghĩa địa, sau khi mua xong, hội cho bốc dỡ hài cốt đem cải táng nơi khác. 4 năm sau trường đua mới hoàn thành và trở thành địa điểm lui tới quen thuộc của dân Sài Gòn và Nam kỳ Lục tỉnh.
Trong tác phẩm Ở theo thời viết năm 1935, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã miêu tả rất rõ cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Phú Thọ xưa: "Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa".
 photo phutho1.jpg

Từ ngày được xây dựng, trường đua Phú Thọ thu hút rất nhiều người đổ về xem đua ngựa và cá cược. Ảnh tư liệu
Nói về cảnh cá cược ở trường đua, ông mô tả: "Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm".
Ngựa đua theo các cự ly 800 m, 1.000 m, 1.200 m, 1.700 m, 2.400 m và dài nhất là 3.000 m. "Đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ", nhà văn Hồ Biểu Chánh viết.
Lúc bấy giờ Phú Thọ được xếp hạng là một trong những trường đua lớn nhất nhì châu Á. Vào những ngày tổ chức thi tài, người ta nô nức đến xem nghẹt cứng khán đài. Đến năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý trường đua và giao cho ông Bùi Duy Tiên quản lý.
Dân cá cược ở trường đua được gọi là "tuyệt phích" (tức “turfiste”: tiếng Pháp, nghĩa là dân cá ngựa). Họ cá theo hai kiểu: Cá cặp, tức là cá con nhất con nhì; cá chiếc, tức là cá một con nào đó về nhất.
Trước khi cuộc đua bắt đầu, các "nài lang" dắt ngựa vài vòng chào khán giả, cho dân cá cược so chân. Nài ngựa không được nặng quá 40 kg, mặc đồng phục như kỵ sĩ, đội nón kết. Nài ngựa phải có tính can đảm, gan lì và kinh nghiệm trận mạc. Khi lượt đua bắt đầu, nài oai phong với áo màu, quần trắng... cầm roi quất liên tục giục ngựa lao về trước. Chỉ trong vòng hơn một phút, ngựa cán đích. Nài chiến thắng được tung hô. Dân "tuyệt phích", chủ ngựa săn đón nài như một ngôi sao.
Các tờ thông tin số trận tham gia, thành tích của ngựa được bán nhan nhản cho dân "tuyệt phích" ở lối vào trường đua, nhằm lựa chọn con mà mình ưng ý để cược. Thế nhưng để thắng không là chuyện đơn giản.
Thời ấy, giới cá cược người Hoa ở Chợ Lớn được cho là thắng thế ở trường đua Phú Thọ. Bí quyết của họ là "Phóng tài hóa, thu nhân tâm", nghĩa là hào phóng ban phát tiền bạc và hàng hóa để chinh phục lòng người. Với họ, chinh phục giới nài và chủ ngựa là một trong những bí quyết để thắng lớn mỗi khi đến trường đua.
Theo thống kê, những năm 60, trường đua Phú Thọ có khoảng 200 ngựa đua chính hiệu với nhiều lượt đua, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của dân "tuyệt phích". Để duy trì hoạt động hàng tuần, người ta phải thuê thêm ngựa cỏ kéo xe ở các nơi để tổ chức cho đủ 10-12 ngựa mỗi đợt.
 photo phutho2.jpg
Trường đua Phú Thọ trước năm 1975 nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu
Đến năm 1975, trường đua tiếp tục bị gián đoạn vì thời cuộc. 14 năm sau nơi này được phục hồi dưới tên gọi CLB thể thao Phú Thọ, lợi nhuận mang lại cho TP HCM mỗi năm khá lớn. 
Đến tháng 6/2011, theo chủ trương của UBND TP HCM, trường đua bị đóng cửa để xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Sau 80 năm ra đời, trường đua một thời được xếp hạng nhất nhì châu Á cùng quá khứ lẫy lừng của nó giờ chỉ còn trong ký ức người Sài Gòn.
Trung Sơn


                                                                                 

Ý kiến bạn đọc ()
Ai về Phú Thọ Trường đua
Mà nghe vó ngược mùa xưa rộn ràng
Bao nhiêu giấc mộng kê vàng
Tan tành sương khói mơ màng bụi bay

Bao người ngả ngựa trắng tay
Tan nhà nát cửa vì sai nước cờ
Hồng Kim kè Bạch Ngu Cơ
Mà mua Xích Thố kỵ rơ đường trường

Thấy con tuấn mã Trương Lương
Tiền đỏ vô hết dây cương bỗng chùng
Cớ sao gặp cảnh lạ lùng
Con ngựa về ngược lùng bùng lổ tai ! 
quá hay! đọc thơ bạn mình cảm nhận được lịch sử của trường đua cũng như hình dung tướng mạo của các chú ngựa khi chuẩn bị thi thố!
Nhà tôi ở ngay cư xá Lữ Gia P15 Q11 sát trường đua ngựa . Năm 1975 tôi hay sang trường đua ngựa ngay cổng trên đường Lữ Gia hái rau lang và xem ngựa nhảy giống . Những năm 80 -90 thì chuyển qua đua xe ,,,!.
chữ cổ đó. tiếng Việt lun dần dần thay đổi theo thời cuộc mà
đây cũng là ngôi trường mà tôi dã theo hoc (DHTDTT Từ Sơn chi nhánh TP HCM) và giảng dạy ( sơ cấp/nghiệp vụ/ năng khiếu TDTT nằm bên cạnh 1977-1981) nhớ nhưng lần tập "" diễu binh..1..2 " dưới cái nắng và bụi bằm khủng khiếp... nhứng buổi ăn ...  
Đọc bài này lại chạnh nhớ bạn xưa. Dưới nắng trưa sài gòn, bỗng đổ mưa bất chợt, bạn đưa mình đi xem trường đua.
Đường vào trường đua có 9 lần thua có 1 lần huề!
bây giờ trương đua ngựa thế nào
Bây giờ là sân đá banh, vòng đi bộ, khán đài thì được xây lại nhìn cũng không khác mấy. Có dịp thì bạn có thể đi đường Lê Đại Hành ghé vào thì quan sát rõ hơn.
rongtrang13 - 12:13 09/02
  Trả lời  | Thích   6 | Vi phạm | 


Sài Gòn tứ đổ tường (3) – Cờ bạc


Thứ Bảy, ngày 01 tháng 9 năm 2012
Sài Gòn tứ đổ tường (3) – Cờ bạc
Vé số (năm 1962)
Một số người Việt, đặc biệt là người Sài Gòn xưa, thường có trong mình dòng máu ‘đỏ đen’ của thần đổ bác. Ngày xưa, các cụ thường ngồi ‘xoa’ mạt chược, chơi tổ tôm, đánh chắn hoặc chơi tứ sắc, đánh tam cúc… Rồi văn minh hơn với bộ bài tây 52 lá dùng để chơi xì phé, xì dzách, xì-lác, các-tê sang đến binh xập-xám.Có một dạo, người ta đánh bạc ngay tại ngoài đường: đánh cá bảng số xe chạy qua trước mặt với tổng số cao nhất là 9 nút và thấp nhấp là ‘bù’ (10 nút). Ngay cả những hiện tượng như mưa nắng trong ngày, dân Chợ Lớn cũng có thể cá cược ăn tiền với nhau.
Theo tôi, xổ số cũng là một hình thức “cờ bạc có tổ chức” mặc dù trên danh nghĩa ‘từ thiện’ như Trần Văn Trạch ngày nào vẫn thường hát: “Kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta, xây đắp bao người, dựng nên cửa nhà… Triệu phú đến nơi, chỉ mười đồng thôi, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi…”.
Từ xổ số lại biến thể sang số đề, đây là hình thức cờ bạc rõ nét nhất. Trước năm 1954, ở Sài Gòn – Chợ Lớn, có hai chỗ đánh bạc rất nổi tiếng, đó là các sòng Kim Chung (Casino Cloche d’Or) và sòng Đại Thế Giới (Casino Grande Monde). Trong số các trò chơi đỏ đen đó, có một trò gọi là Xổ số đề, tức là xổ các cặp số đã được đề trên các tấm vé.
Mỗi vé có hai con số, từ 00 đến 99. Cứ sau khi bán hết một đợt vé người ta lại “xổ”, có nghĩa là bắt thăm xem vé nào trúng và nếu trúng thì một đồng ăn bảy mươi đồng. Như vậy là người tổ chức (nhà thầu hay nói khác đi là nhà cái) thu lợi 30% mỗi lần xổ. Giả sử mỗi vé ghi giá 1 đồng thì thu được 100 đồng, nhà cái chỉ phải trả 70 đồng cho người trúng và thu về 30 đồng tiền lời.
Khi thông báo số trúng, để tăng thêm phần hấp dẫn, người ta treo những tấm bảng thật lớn đã cuộn tròn sẵn giống như những cuộn lịch, treo thật cao trên các cây cột để mọi người nhìn thấy. Chẳng hạn, xổ ra số 35 trúng, họ hô lên trên loa bằng cả tiếng Tàu lẫn tiếng Việt: “Xập Xám Ửng… Ba Mươi Lăm…”. Lúc đó, một người ở trên cao dùng kéo cắt hoặc đốt sợi dây cột tấm bảng mang số 35, dưới hai con số đó có kèm theo hình vẽ một con dê đực, hai sừng cong lên cùng với chòm râu dê!
Vì sao có hình vẽ con dê? Một số người giải thích vì người Hoa thời đó ít người đọc được các con số dùng trong tiếng Việt, mà dân cờ bạc người Việt cũng có nhiều người dốt, một chữ cắn làm đôi cũng không biết. Do vậy, người ta cẩn thận kèm theo mỗi con số là một hình vẽ, để ai muốn coi số cũng được mà nhìn hình cũng xong.
Ví dụ: số 35 họ vẽ con dê, số 09 họ vẽ con cá lớn, số 11 họ vẽ con cá nhỏ, số 14 vẽ con chó, số 16 vẽ con bướm, v.v… Trong các chiếc vé cũng vẽ như vậy. Đây chỉ là những hình vẽ vô tình, dùng lâu thành quen vậy thôi, chứ giữa con số 35 và con dê không có liên quan gì đến nhau cả. Có thể cũng vì lẽ đó, kho tàng ngôn ngữ của người Sài Gòn về sau có thành ngữ “35 dê” để chỉ người đàn ông ưa tán tỉnh phụ nữ?
Kim Chung và Đại thế giới đều có Xổ Đề mỗi ngày. Cứ mỗi chiều vào khoảng bốn, năm giờ, tuy kết quả xổ đề không được thông báo trên đài phát thanh nhưng chỉ độ nửa giờ sau khi đề xổ, người dân toàn thành phố đã biết đích xác đề xổ con nào qua ‘đài phát thanh truyền miệng’. Đề vừa xổ, chỉ cần hai, ba ông đạp xích lô đi ngang là cả một đường phố dài, kể cả những khu lao động trong các hẻm, đều đồng loạt biết hai con gì được xổ trong ngày.
Ngày nay, số đề dựa theo kết quả của xổ số và hầu như tỉnh nào cũng phát hành vé số nên người ta có cảm tưởng cả nước đang đắm chìm theo thần đổ bác, quanh năm 365 ngày! Cứ vào giấc chiều, gần tới giờ xổ số, tại một số đại lý hay các quầy bán vé số dọc lề đường thường tập trung rất đông người. Kẻ đứng, người ngồi, xe dựng trên lề có khi lan ra cả lòng đường gây trở ngại giao thông. Ai có trách, mặc kệ! Xe cộ có bóp còi, họ cũng chẳng quan tâm. Bởi lúc ấy, họ chỉ tập trung vào kết quả… xổ số!
Có thể nói, với dân đã ‘lậm’ số đề, bất cứ mọi giấc mơ, mọi sự việc, mọi hành động trong sinh hoạt thường nhật, đều có thể… ‘số hóa’, không chỉ một mà có khi còn suy ra cả chục con số để đánh đề. Thấy tai nạn giao thông trên đường vội ghi số… xe để đánh đề, gặp hỏa hoạn, cháy nổ hay các vụ việc có liên quan tới lửa thì đánh đề số 27 – 67…

Mua vé số 
Số đề chỉ là một hình thức cờ bạc ‘tép riu’ trong khu Đại Thế Giới, tên Tây là Casino Grand Monde, một trong những sòng bạc lớn nhất Đông Dương trong thế kỷ 20 do người Pháp lập ra vào năm 1937. Mãi đến năm 1955 mới bị đóng cửa dưới thời Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Trước khi Đại Thế Giới xuất hiện, người Tầu thao túng việc bài bạc tại khu vực Chợ Lớn. Để giành lại mối lợi này, chính quyền Pháp tại Nam Kỳ đứng ra bảo trợ và thành lập sòng bạc Đại Thế Giới nhằm thu hút các con bạc khắp khu vực Saigon-Cholon. Hàng năm chính quyền bảo hộ thu được nguồn thuế rất lớn từ sòng bạc này. Ngoài bài bạc, Đại Thế Giới còn là tụ điểm ăn chơi, hút sách, trai gái nổi tiếng khắp cả nước thời Pháp thuộc.
Đại Thế Giới được người Pháp chính thức cho thành lập với các lý do: thà cho cờ bạc công khai, có lấy thuế, còn hơn để kiểu cờ bạc lén lút nhưng tràn lan vừa thất thu thuế, vừa xúc phạm đến quyền lực của chính phủ bảo hộ Pháp. Đồng lúc thành lập Đại Thế Giới còn có sòng bạc Kim Chung ở khu vực Cầu Muối (nay là Khu Dân Sinh, phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1). Kim Chung có qui mô kém hơn, đối tượng chơi thuộc loại bình dân, nên mỗi khi nhắc tới casino tiêu biểu của Saigon, người ta hay nói đến Đại Thế Giới.
Sau 1975, đã có một thời gian tôi ở tại đường Hàm Tử, Quận 5, nơi chỉ cách Đại Thế Giới ngày xưa chừng vài phút đi bộ. Tôi thường dẫn các cháu ngoại đến Trung tâm Văn hóa Quận 5 (số 105 Trần Hưng Đạo B, phường 6) để chơi các trò ‘thú nhún’ (trẻ con ngồi trên những con thú có lò so nhún nhảy khi khởi động bằng điện). Tại đây còn có công viên nước mang một cái tên gợi nhớ: Đại Thế Giới.
Đại Thế Giới ngày xưa nằm trên đường Gallieni chiếm một khuôn viên rộng lớn của Trung tâm Văn hóa ngày nay. Khu đất rộng mênh mông, vòng rào xây tường cao, cửa ra vào có bảo vệ mặc đồng phục canh gác cẩn mật. Người ta ra vào tự do, nhưng không phải ai cũng mạnh dạn bước vào, bởi muốn bước vào phải có tiền và bởi cái ‘Sát Khí’ của Thần Đỏ Đen luôn vừa quyến rũ thiên hạ, lại vừa hù dọa mọi người.
Trên cổng lớn sáng rực ánh đèn néon, hàng chữ Grand Monde như một lời xác nhận với mọi người dân Sài Gòn thời đó rằng nơi đây là sòng bạc được nhà nước bảo trợ, cứ mặc tình mà sát phạt. Giấy phép hoạt động là của nhà nước bảo hộ cấp, nhưng sòng bạc lại do tư nhân điều hành.

Casino Grande Monde xưa trên đường Gallieni  (nay là Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn)
Ngay từ đầu khai trương, chủ thầu là một tay đầu nậu casino, Lâm Giống, từ Hồng Kông đến. Sở dĩ người Pháp cho các tay Hồng Kông trúng thầu vì họ hiểu rằng, chỉ những người từng am tường về tổ chức sòng bạc tầm cỡ thì mới có khả năng đưa Đại Thế Giới lên ngang tầm với các sòng bạc ở Á Châu.
Lâm Giống vốn xuất thân từ các sòng bạc ở Macau, đã sành sỏi về tổ chức casino, do đó ông ta đã rập khuôn từ mọi hình thức đến mọi mánh khóe. Cùng kéo sang ‘miền đất hứa’ Sài Gòn với chủ còn có những cô ‘hồ lì’, người đứng điều khiển cuộc chơi của từng môn đỏ đen, theo cách gọi của người Trung Hoa. ‘Hồ lì’ lúc nào cũng xinh đẹp và sành điệu, thừa sức làm vui lòng khách chơi, dù có bị thua cháy túi.
Ngay từ lúc mới mở cửa, Đại Thế Giới đã thu hút ngay số khách đỏ đen ở mức kỷ lục: những tuần lễ đầu có đến hàng ngàn người tới thử thời vận mỗi ngày, nhà chứa bạc thu vô không dưới một triệu đồng (một triệu đồng bạc Đông Dương hồi đó hết sức lớn, bằng bạc tỷ bây giờ). Tiền thuế nộp cho nhà nước cũng không ít, từ 200.000 sau lên 300.000 và có lúc lên đến 500.000 đồng một ngày. Thế mà chủ chứa vẫn hốt bạc nhiều hơn bất cứ ngành kinh doanh nào khác.
Khách chơi lúc đầu còn giới hạn trong giới trung lưu, đến người nhiều tiền, lần hồi thu hút tới những giới bình dân, cả phu kéo xe, phu bốc vác bến tàu, vì có đủ hình thức chơi, từ hốt me, tài xỉu, đến ru-lét… Người chơi không cần phải động não nhiều, và cũng không cần có nhiều vốn. Nhiều thua nhiều, ít thua ít, chỉ không đánh mới không thua! Vậy mà Đại Thế Giới như có bùa, như ma túy gây nghiện, nó có thứ ma lực lạ lùng càng lúc càng lôi cuốn người Sài Gòn như con thiêu thân trước ánh đèn.
Đã xảy ra nhiều cuộc chiến từ Đại thế giới. Cuộc chiến giữa khách chơi và nhà cái, cuộc chiến giữa bản thân người chơi và gia đình họ, và cuộc chiến cực kỳ quyết liệt giữa những thế lực để giành quyền chi phối sòng bạc.
Từ ngày Đại Thế Giới mở ra, đã có không biết bao nhiêu thảm cảnh gia đình. Có người là công chức cao cấp cao nhà nước, giàu sang tột bực, vậy mà chỉ trong vài tuần ‘làm quen’ với Grand Monde đã nướng hết sản nghiệp vào đó, và tất nhiên là nướng cả cuộc đời. Có những người vợ, những cô này bà nọ, chỉ vì ham vui, vào thử vài lần rồi bắt bén vào tiếp và….. cuối cùng lột hết vòng vàng nữ trang, lấy cắp cả tiền nhà, cúng sạch, và sau đó cũng cúng luôn cả cái ngàn vàng của mình! Thời đó cầu Bình Lợi được xem là nơi kết liễu những cuộc đời bất hạnh, sau một đêm cháy túi ở Đại Thế Giới….
Cả Sài Gòn và vùng phụ cận, cả Nam Kỳ Lục tỉnh và cũng không thiếu người ở những miền xa của đất nước đổ xô về Đại thế Giới lập lòe ánh sáng ma quái, để chơi, để khóc và… để chết. Trong khi đó, một cuộc đổ xô khác, ở phía những thế lực muốn nắm Đại Thế Giới, cũng đến hồi quyết liệt.
Đại Thế Giới như rồng gặp mây khi Đức Quốc Trưởng Bảo Đại, vị vua cuối cùng triều Nguyễn, được người Pháp giao lại nguồn lợi như một món quà ân thưởng. Phòng Nhì Pháp sau khi chiêu hồi Bảy Viễn (Lê Văn Viễn), thủ lĩnh Bình Xuyên, về thành đã gắn cho ông lon đại tá.

Cựu hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn
Theo hồ sơ về tỷ phú Hoa kiều Lý Long Thân do Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa lập, hiện lưu trữ tại Cục lưu trữ Việt Nam, thì để cầu thân với Bảy Viễn, Lý đã bỏ số tiền hơn 4 triệu franc để tổ chức tiệc chiêu đãi Bảy Viễn và đàn em tại hý trường Đại Thế Giới. Sau đó, Lý còn đề nghị Bảy Viễn đứng ra thầu lại sòng bạc Đại Thế Giới dưới sự hỗ trợ về tài chánh của chính mình (500 ngàn đồng Đông Dương một ngày) và sự bảo trợ của Quốc trưởng Bảo Đại.
Năm 1951, Bảo Đại đặt mua một chiếc Jaguar Mark II to đùng, phía trước mũi xe có gắn một con báo Nam Mỹ bằng đồng. Đây là chiếc ‘con báo’ duy nhất có mặt tại Việt Nam trong cùng thời điểm. Bảo Đại mua nó vì thích, sau đó dự định sẽ để dành làm quà sinh nhật cho hoàng tử Bảo Long. Nhưng cuối cùng lại nổi hứng, ông đã đem tặng nó cho viên tướng lục lâm Lê Văn Viễn, như quà mừng vì tay này đã thâu tóm được sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn, hàng tháng đem lại cho Bảo Đại một số tiền cống nộp kếch xù.
Vào năm 1955, nhằm thống nhất các lực lượng Quốc gia, cắt đứt nguồn tài trợ của Bảy Viễn cũng như xóa bỏ lối sống đồi trụy tại đây, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh đóng cửa Đại Thế Giới. Đầu năm 1955 đánh dấu ngày tàn của Grande Monde, khi ông Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh dẹp sòng bạc lớn nhất Đông Nam Á. Phần đông người Sài Gòn thở phào nhẹ nhõm mỗi khi đi ngang qua nơi xưa kia vốn vừa là Thiên Đàng vừa là Địa Ngục. Tuy nhiên, các đệ tử của Thần Đổ Bác chắc hẳn phải… buồn năm phút!
Ngày nay, Việt Nam có một casino duy nhất tại Quảng Ninh mang tên Casino Đồ Sơn chỉ dành riêng cho người nước ngoài. Đây là casino được tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế và theo luật mới, muốn đầu tư vào casino phải có tối thiểu 4 tỷ đô cho một dự án. Tại các khách sạn lớn ở Sài Gòn như New World, Equatorial, Duxton, Legend… giải trí đỏ đen được tổ chức dưới dạng câu lạc bộ (club) trang bị các loại slot machines để phục vụ nhu cầu khách quốc tế.
Ngày xưa, người ta gọi những máy đánh bạc này qua một cái tên khá ngộ nghĩnh, One-armed Bandit, vì mỗi máy có cần gạt để kéo. Bây giờ tiến bộ hơn, máy chỉ dùng toàn nút bấm. Không biết giới đỏ đen đã có từ nào để thay thế cho ‘tướng cướp một tay’?

Tác giả thử thời vận với ‘Tướng cướp một tay’ ở Las Vegas
Các club đánh bạc tại khách sạn chỉ hoạt động cầm chừng vì khách đến Việt Nam chủ yếu là khách du lịch, nếu ghiền cờ bạc thì họ đến những casino ở Macau, Monte Carlo hay Las Vegas chứ loại ‘tép riu’ như các club ở Việt Nam đâu có gì hấp dẫn. Trái lại, người Việt ta vốn mang trong người dòng máu ‘đỏ đen’ nên nhìn các club trong khách sạn sang trọng một cách… thèm thuồng.
Ông chủ các câu lạc bộ cũng nhận thấy điều đó nên họ ‘xé rào’ để các con bạc Việt Nam vào nướng tiền. Công an cũng thấy chuyện đó (nghề của chàng mà!) nên có những vụ đột kích club đánh bạc tại khách sạn và cất được những ‘mẻ lưới’ lớn. Báo chí cho biết, có con bạc đã hơn 40 lần ‘lạc’ vào đây, đổi tổng cộng trên 1,6 triệu đô ra ‘phỉnh’, ngoài vô số lần ‘cháy túi’, lần thắng cao nhất chỉ khoảng 7.000 đô!
Cấm trong nước thì họ đem tiền ra nước ngoài chơi. Người ta còn ‘vượt biên’ sang Campuchia, gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) hoặc Xà Xía (Hà Tiên) để đánh bạc. Hơn 95% người đánh bài ở đây là người Việt. Trong tương lai sẽ có hàng loạt nước láng giềng mở casino và người Việt chắc chắn sẽ siêng đi du lịch nước ngoài hơn…

Hà Tiên Vegas Casino & Hotel (Campuchia) cách cửa khẩu Xà Xía ở Hà Tiên (Kiên Giang) vài trăm mét
Huyện Bavet tỉnh Svây Riêng (Campuchia) có tới 7 casino nằm gần nhau như hàng xóm nhưng chưa bao giờ phải lời qua tiếng lại vì khách vào nườm nượp. Những cái tên như Sun City, Full House, Le Macau, Las Vegas… vốn đã nằm sẵn trong lịch trình của hàng ngàn người từ các tỉnh ở miền Nam đi thử vận đầu năm. Từ sáng sớm đến tối mịt, mọi câu chuyện đều xoay quanh baccarat, rolex, xì dzách hay xập xám…
***
Từ năm 1932, Sài Gòn đã có trường đua ngựa Phú Thọ nổi tiếng vùng Đông Dương và cũng là một trong những ‘tử địa’ của dân máu mê cờ bạc. Dân chơi đua ngựa thuộc nằm lòng câu hát ‘Đường vào trường đua có trăm lần thua, chỉ một lần huề…’ và một tay chơi có thâm niên đã khẳng định: “Bắt độ ngựa mà chỉ tin vào may rủi thì… không còn quần xà lỏn mà mặc!“.

Trường đua Phú Thọ (1948) có mặt cả lính Pháp
Ngựa đua tại Phú Thọ được chia làm 4 hạng A, B, C và D, xếp theo tuổi và chiều cao của ngựa. Ngựa nổi tiếng một thời phải kể đến những cái tên rất kêu như Đạm Phi Tiên, Đại Anh Hùng, Long Sơn Hiệp, Nữ Thần, Mã Thượng, Thái Dương, Thoại Lan… Lại còn có những ngựa mang tên những người đẹp như Lý Lệ Hoa, Dương Quý Phi…
Ngựa nổi tiếng nhất lịch sử trường đua Phú Thọ có lẽ là Thoại Lan. Trong các năm 1970-1972, Thoại Lan gần như không có đối thủ, và hiếm có khi về nhì. Cho đến năm 1973 khi có đợt ngựa mới như Thuận Hùng, Hoàng Lộc, Astro Boy… Thoại Lan mới chịu “nhường ngôi”.

Trường đua Phú Thọ (1948) với người tham gia từ hạng … cá kèo
Trường đua Phú Thọ là một xã hội thu nhỏ và khép kín. Trong cái cộng đồng đó, ông chủ ngựa làm… ‘vua’ vì có khi cả 10 con ngựa trên đường đua đều cùng một chủ, việc phân hạng nhất nhì đều nằm trong tay chủ ngựa từ trước cuộc đua. Rất hiếm ông chủ không ‘làm độ’ vì trên thực tế nếu về nhất, chủ ngựa chỉ được thưởng vài triệu đồng nhưng nếu có ‘móc ngoặc’ thì thu nhập sẽ tăng đến mức 10 lần, chưa kể những quyền lợi ‘chính đáng’ khác từ phần trăm tiền vé và từ các mối quan hệ khác.
Chủ ngựa dù không muốn ‘làm độ’ cũng bị móc làm độ hoặc bị ép làm độ. Khi đã ‘làm độ’ thì phải hết sức bí mật vì nếu để lộ, tiền thưởng trong vé, sẽ giảm xuống. Chẳng hạn như ngựa Dương Quý Phi được mua 1.000 vé, nếu một người trúng sẽ được 1 triệu đồng, nhưng nếu 10 người cùng trúng thì mỗi người chỉ còn 100.000 đồng. Cũng vì thế, ngay cả cha con, anh em, họ hàng một khi ‘làm độ’ cũng phải giấu nhau.
Ở trường đua Phú Thọ có cha con ông Bảy, một đại ca có máu mặt của khu Cây Da Xà trước năm 1975, đã từng choảng nhau vì bố ‘làm độ’ mà con không biết, vẫn đánh cho ngựa của bố đến nỗi phải chịu thua tan tác.
Cách làm độ như sau: có bốn ông chủ ngựa lớn đại diện cho các vùng Đức Hòa – Long An, Bà Điểm – Hóc Môn, Gò Vấp và CLB đua ngựa sẽ họp nhau để… ‘bàn về ngựa’. Con nào được cả bốn ông bầu chọn về nhất sẽ được gọi là ngựa “4 sao”. Nếu có một ông không đánh giá cao, con ngựa đó sẽ rớt xuống “3 sao”.
Nhìn vào “sao” của ngựa, dân cá cược bắt đầu đặt tiền làm độ. Dân chơi lớn mua một lần vài nghìn đến cả chục nghìn vé cho con ngựa mình chọn, mỗi vé mười nghìn đồng. Đối với chủ ngựa, chỉ đầu tư nhiều vé khi có cơ sở để tin rằng ngựa của mình có khả năng thắng ngược, song những tay độ lớn ít chơi với phòng vé hoặc mua ít vé cho người ta khỏi để ý. Cốt tử là những trận đánh độ nảy lửa hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng được dàn xếp kín đáo giữa những tay chơi lớn, đó gọi là… cá lậu. Khi đã đầu tư số tiền khủng khiếp như vậy, các tay cá lậu bắt đầu dùng thủ đoạn để thắng cuộc.
Để có được một kết quả làm độ như ý, những đại gia ‘cá lậu’ tổ chức một hệ thống ngầm quy mô, chặt chẽ với chủ ngựa, nài ngựa, thậm chí có cả sự móc ngoặc của một số trọng tài trường đua. Ngoài trọng tài trên đường đua còn có trọng tài chuồng, kiểm tra bước chuẩn bị xuất phát của ngựa. Nếu vị này không công tâm, những chiến mã có thể bị ‘đứng chuồng’ (xuất phát chậm).
Trọng tài sẽ quyết định nếu trọng lượng của nài nhẹ hơn quy định phải buộc đeo thêm chì. Nếu móc ngoặc được với vị này, con ngựa chở nài nhẹ cân không bù chì hoặc bù không đủ số lượng sẽ chạy nhanh hơn. Còn trọng tài trên đường đua sẽ xử lý các hành vi phạm luật như: chạy cắt mặt, lấn đường, ép nhau, níu cương…
Trên đường đua, ngoài việc trọng tài công tâm, một con ngựa thành công phụ thuộc vào 3 yếu tố: đường chạy, khả năng của chính nó và tài năng của nài ngựa. Theo kinh nghiệm của một số chuyên gia về ngựa thì nài ngựa giỏi đóng góp đến 80% chiến thắng. Đối với những con ngựa hay thì việc chiến thắng là điều dễ dàng, nhưng ngựa thì thường hay giở chứng, để điều khiển được con ngựa bất kham, điều cần thiết phải có một nài ngựa giỏi.

Nài ngựa
Thường thì giới bao cá lậu rất ít khi tiếp xúc được với nài ngựa, chúng chỉ thông qua chủ ngựa hoặc chính người thân của nài như cha mẹ, anh em ruột thịt, dùng tiền mua chuộc để họ tác động đến nài ngựa. Chính những tác động từ chủ ngựa, từ gia đình của nài nên không ít nài ngựa đã có những biểu hiện tiêu cực làm thay đổi kết quả trận đấu.
Ngoài việc mua chuộc, lôi kéo, hăm dọa các chủ ngựa, trọng tài, nài… để làm độ, các ‘đại gia’ trong làng cá độ lậu còn áp dụng nhiều thủ đoạn để hại ngựa nhằm giành phần thắng.
Các chủ ngựa khi làm độ muốn ngựa mình thua cũng áp dụng nhiều trò xấu với ngựa của mình như: chích thuốc ngủ cho ngựa, phải là tay chuyên nghiệp mới làm được điều này vì nếu canh thuốc không chuẩn, con ngựa chưa vào đường đua đã xỉu thì rất dễ bị phát hiện và trừng phạt nặng theo luật đua; có ngựa còn bị chích ma túy, cho uống thuốc xổ, bỏ đói…
Còn muốn ngựa thắng thì người ta chích thuốc bổ, thuốc kích thích… Bởi vậy sau mỗi cuộc đua, ngựa bị nghi ngờ có thể sẽ phải thử nước tiểu để rõ trắng đen. Cũng có trường hợp chủ ngựa đã nhận bán độ, cố làm cho ngựa thua nhưng con ngựa do quá sung vẫn phóng ầm ầm, lúc đó nài ngựa sẽ ghì cương cho nó chạy chậm lại. Theo luật của thế giới ngầm, nếu đã nhận độ nhưng không ‘làm tròn trách nhiệm’ sẽ phải bồi thường gấp 3, nếu ‘chống án’ sẽ bị xử theo luật giang hồ!
Nạn cá lậu hiện chiếm 2/3 doanh số cá cược ở mỗi độ đua, một mặt gây thất thu ngân sách hoạt động của trường đua, mặt khác gây phức tạp như làm cho các cuộc đua mất đi giá trị đích thực của hoạt động thể thao, gây tâm lý bất ổn cho người làm nhiệm vụ trọng tài, nài ngựa và cả chủ ngựa. Vó ngựa trường đua, đối với những người ham mê cá độ, có sức quyến rũ chẳng khác gì ma túy!

Nài và ngựa trên đường đua
Cờ bạc là bác thằng bần, thế nhưng lời răn đe đó hình như không có tác động nào đối với những người trót mang trong mình dòng máu đỏ đen. Thời nào cũng vậy, hình như cờ bạc là một con đường ngắn nhất để làm giàu đối với một số người. Có điều đó là một con đường của ảo tưởng, của thân bại danh liệt và của thất vọng ê chề…
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4 – Thời quân ngũ)
http://chinhhoiuc.blogspot.co.nz/2012/09/sai-gon-tu-o-tuong-3-co-bac.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire