dimanche 24 juillet 2016

Nghe nhạc Ai Lên Xứ Hoa Đào và đọc truyện của anh HVCTỰ TÌNH TRONG NGĂN KÝ ỨC.



Kính gửi quý anh chị một youtube của anh Hùng Lê về Đà Lạt và mời quý anh chị đọc truyện của anh Huy Văn.
Caroline Thanh Hương
  photo maxresdefault_1.jpg
Gởi chị một bài văn như đã hứa.
Chân thành cảam ơn chị đã trân trọng bài vở của Huy Văn.

HVCTỰ TÌNH TRONG NGĂN KÝ ỨC

MỘT THÁNG SAU KHI CHIA TAY
 
Không thấy em vào Sài Gòn như đã hẹn. Cũng không có tin tức hay thư từ nhắn gởi. Em đang ở đâu? Đà Lạt hay Nha Trang? Phần tôi thì những ngày chờ đợi nhập ngũ thật là vô vị: quán xá với bạn bè, thơ thẩn trên căn gác lững trong tâm trạng bồi hồi với nỗi nhớ nhung và chờ mong một lần gặp lại nhau trước khi tôi chấp nhận dấn thân. Tôi nhớ em và nhớ Đà Lạt. Nhớ những ngày vui qua mau, nhứt là buổi chiều dạo phố sau cùng và buổi sáng bịn rịn dưới bến xe. Tôi muốn gặp lại em. Tôi cần gặp lại em. Và lần này tôi sẽ không bỏ lỡ cơ hội “ cạnh tranh “ với người  quân nhân lịch thiệp đó. Còn được một tuần nên tôi vẫn hy vọng gặp lại em, và tôi vẫn đang chờ…
 
MỘT NGÀY TRƯỚC KHI TRÌNH DIỆN NHẬP NGŨ
Đọc thư đến thuộc lòng mà vẫn không thấy chán. Em vẫn lịch sự trong ngôn từ. Không có lời yêu thương nhưng bàng bạc mấy câu nhung nhớ. Vậy là không có cơ hội như mong ước. Thôi cũng đành. Cả buổi tối lê la quán xá với người bạn mà lòng cứ nghĩ vẩn vơ đâu đó. Hai mối sầu đời chia hai dòng suy tưởng mặc dù gặp nhau trong tâm trạng đồng cảnh. Mai tôi đi, nhưng hắn chờ ngày sau cùng mới chịu trình diện. “ Họ cho thời hạn 3 ngày. 72 tiếng đồng hồ. Tao chỉ cần một phút bên em cũng đủ rồi!  Trình diện sớm lỡ như em đến tìm ngay lúc mình kẹt trong Quân Vụ Thị Trấn hay trên Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ trên Hóc Môn thì uổng công chờ đợi lắm.  Mà sao mày không chờ ngày cuối rồi trình diện chung với tao?!... “  Hắn nói nghe có lý. Nhưng tôi không thấy lưu luyến gì nữa. Có thêm một, hai ngày cũng không mang lại nguồn vui đích thực trong tôi và cho cả những người thân trong gia đình. Vã lại…Em cũng đang ở thật xa. Định phận đã sẵn dành. Tôi vui lòng chấp nhận. Ngày mai, 17-07-1972 sẽ là ngày tôi nhập cuộc.
 
MỘT CHIỀU TRÊN BÃI CHIẾN THUẬT
Biển đang xậm màu. Nắng nghiêng bóng núi. Toàn cảnh  “… Em nằm xỏa tóc đợi chờ anh “ của dãy núi đủ nói lên vẻ đẹp của quân trường nơi miền thùy dương cát trắng. Đã có gió mát làm dịu cơn nóng nung người sau một ngày cắm lá ngụy trang lúp xúp chạy, bò. Giờ nghỉ ngơi để chờ buổi học ban đêm là dịp tốt để cả đám “ Gian Thương Nhập Môn “ ngồi quây quần kể cho nhau nghe những câu chuyện buồn vui của thời “ Đại Học Sĩ  “ trên Đà Lạt. Chuyện giảng đường và hội học của trường Chánh Trị Kinh Doanh nói hoài không chán. Vài tên tình cờ nhắc lại lớp đàm thoại Anh Ngữ mà em và tôi đã góp mặt từ ngày đầu cho đến lúc cuối. Thật là một ngẫu nhiên tuyệt vời để tôi thêm nhớ em vì mới hôm qua tôi nhận thư em từ " thành phố sương mù ". Trong thư, em nói ông thầy người Mỹ gốc Thanh Niên Thiện Chí có tình cờ gặp em và sẵn dịp từ giả trước khi qua Phi dạy bên đó. Các bạn tha hồ hỏi han nhau về những gương mặt trong nhóm của họ, trai cũng như gái, còn tôi thì gối đầu lên nón sắt nằm nhìn trời, ngắm mây, vừa nghe cả nhóm cười nói vừa nghĩ về em và khung trời đại học để tạm quên hiện tại nhọc nhằn. Giờ này em đang làm gì nhỉ?! Mới giữa tháng 9. Viện Đại Học còn nghỉ hè sao lại lên Đà Lạt? Hay là anh Thưởng và chị Nga cần giúp gì trên đó chăng?
 
MỘT SÁNG CUỐI TUẦN TRÊN PHỐ BIỂN
Thấm thoát đã xong thời gian huấn nhục. Ngày phép đầu tiên, dù chỉ vài tiếng, cũng đủ cho tôi hăm hở xuôi ngược phố phường rồi ra Duy Tân trải lòng mình với biển. Biển vào thu hiền hòa gợn sóng. Điệp khúc rì rào quen thuộc làm tôi tạm quên em và Đà Lạt để nhớ về Vũng Tàu và thời mới lớn. Phải chi em chưa lên Đà Lạt để chuẩn bị cho niên học mới thì thật là … Cứ như trò chơi cút bắt! Trọn mùa hè chưa được gắn “ con cá “ nên không được đi phép cuối tuần. Còn bây giờ thì tôi làm “ con bà phước “, hết dạo phố đến ra biển ngắm cảnh cho qua ngày giờ. Nắng tháng 10 vẫn còn gay gắt, nhưng gió quyện từng cơn làm tôi thấy dễ chịu. Bãi vắng, người thưa. Rải rác đó đây là những màu áo tiểu lễ của Đồng Đế bên cạnh những mái tóc dài đưa chân trên bãi cát, hay chụm đầu trong hàng quán, dưới rặng dừa hoặc hàng dương rậm mát. Biển trưa ngập tràn ánh nắng. Trời quang, thanh thóat như trong tranh vẽ. Sóng nước tràn bờ, vỗ nhịp nhàng như khúc nhạc. Ước gì ngủ được một giấc ngay trên bãi thì tuyệt vời!...Bước chân trở về Độc Lập lại đưa tôi đi ngang qua cửa hàng tạp hóa của mẹ em ở gần chợ Đầm. Bà không nhận ra tôi. Và tôi cũng không dừng lại chào hỏi. Chỉ gặp nhau một lần. Dễ gì nhận ra nhau!? Huống chi mấy tháng trước tôi là bạch diện thư sinh, còn bây giờ thì đen như tượng đồng trên Hòn Khô, lại đang mặc đồ tiểu lễ để dạo phố. Khác biệt nhiều quá! Làm sao bà cụ nhớ tôi là ai!?
 
MỘT THOÁNG MÔNG LUNG GIỮA ĐÊM…” HỜI “
Đêm mang hơi lạnh từ Trường Sơn về ngang quận đường. Đêm yên lắng để những tâm hồn yêu văn nghệ của Chi Khu Hòa Đa quây quần nghe  “ mấy đứa em Sinh Viên hát nhạc thính phòng …” Người Thiếu Tá Quận Trưởng luôn ưu ái và trân trọng gọi chúng tôi như thế. Thì cũng vẫn là Nguyễn Duy Tân với Bao Giờ Biết Tương Tư, Ngô Quốc Thắng và Lâm Hoài Nam với Giờ Này Còn Gần Nhau và tôi thì lúc nào cũng Mộng Dưới Hoa mà em đã từng nghe đúng một năm về trước, tại giảng đường Tri Nhất. Vô hình chung chúng tôi đã hát lại những bài trong đêm văn nghệ Giáng Sinh của Khóa 8 Chánh Trị Kinh Doanh để nhớ mùa hội học và cũng để tăng thêm nôn nao trong lòng mọi người, nhứt là Tân, Thắng, Thưởng, Lộc, Thìn, khi sáng mai nhóm bạn Đà Lạt sẽ về cao nguyên còn tôi trở lại SàiGòn với tấm giấy phép đầu tiên trong đời Lính do Thiếu Tá Dụng Văn Đối cấp cho đi một tuần. Một nghĩa cử đẹp của Đàn Anh dành cho nhóm Sinh Viên Sĩ Quan Đòng Đế đến Bình Thuận và tham gia công tác Chiến Tranh Chính Trị tại quận nhà!
- Sao mày không lên Đà Lạt với tụi tao? Hai ngày cho Đà Lạt cũng đủ để mày thăm “ Nàng “ rồi. Thời gian còn lại dành cho gia đình cũng được!
Nguyễn Ngọc Thưởng rủ rê và tôi đã có lúc phân vân suốt từ chiều đến giờ. Nhớ em nhưng tôi cũng nhớ nhà. Phần lớn là vì không rõ em còn trên Đà Lạt với anh chị hay đã về Nha Trang khi Viện Đại Học đóng cửa ăn Noel và Tết Dương Lịch suốt hai tuần lễ. Không có em thì Đà Lạt sẽ lạnh càng thêm lạnh và chắc chắn là tôi sẽ không chịu đựng được nỗi cô đơn trong đêm thánh vô cùng cho dù gia đình Thưởng luôn xem tôi như người trong nhà. Thôi thì tôi còn những ngày phép Nha Trang và em có một tháng nghỉ Tết sắp đến. Chắc chắn sẽ gặp em ở phố biển để tâm tình và kể chuyện giảng đường cho nhau nghe. Ngày mai tôi sẽ xuôi nam còn Thưởng và các bạn ngược bắc, ra Phan Rang để lên Đà Lạt. Hy vọng lá thư nhờ Thưởng mang về sẽ kịp đến tay em trước khi chúng tôi trở lại nơi này đúng vào ngày đầu năm dương lịch.
 
MỘT NGÀY TRƯỚC THỀM XUÂN CHIẾN DỊCH
Gần trọn ngày phép cuối tuần dành cho các bạn bị L19 “ vớt đầu “ trên đường về từ Phan Thiết. Bốn người đã tỉnh lại và hồi phục sau đó. Chỉ có một bạn không may đã hôn mê trong tình trạng nguy kịch rồi từ giã cõi đời sau một tuần trì trệ với tử thần. Từ Quân Y Viện Nguyễn Huệ về lại phố chính, tôi cứ hình dung gương mặt của em và tưởng tuợng về những câu chuyện sẽ trao đổi. Mấy bạn rủ đi quán nhâm nhi cà phê và nghe nhạc cho đã trước khi về lại quân trường nhưng tôi tách riêng để về chợ Đầm. Và tôi hụt hẫng khi mẹ em cho biết là “… Ngày mai em nó mới về đến nhà!...” Ngày mai!? Thật tiếc quá! Ngày mai khi em đổ đèo Ngoạn Mục thì tôi đã phải vượt đèo Cả trên đường ra Qui Nhơn. Không hẹn mà nên,16 tên lãng tử tình nguyện tăng phái cho Khóa đàn anh đang thiếu người, và chọn Đồ Bàn làm nơi đón Tết trong khi toàn bộ Đại Đội SVSQ của chúng tôi sẽ nhận công tác Chiến Tranh Chính Trị đợt 2 ngay tại Khánh Hòa và Phú Yên. Tôi chỉ “ Dạ! “ mà không thêm được lời nào khi mẹ em vui vẻ mời  “ … Cháu nhớ ghé ra đây ăn Tết với cả nhà nghe!...” Là định mệnh sẵn dành hay là tôi và em không hữu duyên trong trò chơi tình cảm?!
 
MỘT ĐÊM NGOÀI PHỐ NHA TRANG
Tôi đeo "quai chảo" đúng 24 tiếng đồng hồ. Quân Lực VNCH vừa có thêm một Chuẩn úy “ sữa “ . Giấy phép mãn khóa có hiệu lực vào ngày mai, nhưng từ ban chiều, khi nhận phép là tôi và vài bạn khác đã vác túi quân trang đi vòng bãi tác xạ để ra quốc lộ 1 đón xe Lam vào Nha Trang. Tôi ghé qua thăm mẹ em và được biết vì sao em không thể dự ngày lễ và đêm văn nghệ mãn khóa như đã hứa với tôi và các bạn Đà Lạt. “…Em nó vừa về đây là đi ngay ra Quân Y Viện Duy Tân ngoài Đà Nẵng. Cháu Phước bị thương nặng lắm…” Lá thư ngắn với lời giải thích nhờ mẹ em trao lại chỉ là một dấu nhấn để xác định vị trí của tôi trong cuộc đời của em. Một vị trí rất khiêm nhường nếu không muốn nói là mơ hồ trong vườn hoa tình ái. Thật đúng là định mệnh! Và em thì không thể không có bổn phận với người Trung úy vui tánh mà tôi đã gặp đúng một năm về trước.
Đêm Nha Trang nhộn nhịp và rộn ràng. Phố biển vẫn sôi nổi với những sinh hoạt cố hữu. Bạn rủ đi nhậu tại một quán quen trên đường Hoàng Tử Cảnh, nhưng  chưa bao lâu là tôi rút sớm để tìm ra Duy Tân ngồi ngắm biển đêm và nhớ em rồi nhớ cả quân trường mà tôi vừa mới rời khỏi sau gần 10 tháng ngân nga câu “ …Thao trường đổ mồ hôi… Chiến trường bớt đổ máu”. Sẽ còn trở lại Nha Trang vì tôi phải trình diện Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở Dục Mỹ ngay sau khi hết hai tuần phép mãn khóa. Có thể tôi sẽ tìm thăm em. Cũng có thể tôi sẽ không ghé lại nơi này. Có lẽ nên thả nổi tình cảm như hiện nay để giữ hoài cho thật đẹp những kỷ niệm xưa: kỷ niệm của thời trọ học huy hoàng và dễ thương của đời sinh viên.
Biển đêm vẫn thì thào lời sóng. Nha Trang vẫn trữ tình như muôn thuở. Nhưng lòng tôi đang man mác một nỗi buồn lo. Buồn cho hiện tại, lo cho tương lai. Tiếng thở dài theo khói thuốc tan loãng vào cánh gió. Trong khi lòng tôi quặn thắt từng hồi thì biển vô tư giữ hoài một điệp khúc: đều đặn và thong thả đến lạnh lùng. Đêm nay tôi lại nhớ em trong nỗi bồi hồi nghĩ về Đà Lạt. Gĩa từ Đồng Đế. Tạm biệt Nha Trang. Ước gì có em đêm nay, ơi mái tóc Khánh Ly của mù sương núi đồi và nắng hồng phố biển!
 
MỘT CÁNH THƯ MUỘN MÀNG
Tôi nhận thư em ngay lúc Đà Nẵng đang lâm vào tuyệt lộ. Đọc thư em mà thầm lo cho đồng môn xưa và thành phố cũ. Đà Lạt cũng đang lên cơn sốt chiến tranh nhưng em và các bạn vẫn cố gắng hoàn tất học trình. Tôi thông cảm cho em và bạn bè. Bốn năm theo học không thể bỏ dở dang vào phút cuối. Mặc dù không hy vọng Quân Bưu sẽ còn hoạt động hữu hiệu vì Đà Nẵng đang vô cùng hỗn loạn, nhưng tôi vẫn hồi âm vội vàng. Ngoài lời nguyện cho em và các bạn được mọi sự an lành và hoàn thành mơ ước, thì lá thư mang lời chính thức tỏ tình, sau gần 3 năm chỉ có Thân và Thương lúc mở đầu hay kết thúc. Đã đến lúc phải nói thật Lời tim và Ý tình mặc dù em đã đoán biết từ lâu. Em sẽ phải trả lời “ tối hậu thư “  nếu cánh thư bay về tận phố núi. Ngược lại thì coi như tôi nợ em một lời hồi âm và có thể sẽ giữ mãi câu bày tỏ trong lòng vì ngày mai của tôi, của đơn vị, và của Đà Nẵng cùng quân dân vùng 1 Chiến Thuật coi như đã được tính sổ.

MỘT LẦN VỀ THĂM PHỐ NÚI
10 năm! Thấm thoát mà đã 10 năm! Đà Lạt vẫn đẹp và trầm lắng như ngày xưa mặc dù hoàn cảnh và cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi. Tôi bồi hồi đưa chân qua những đường xưa, dốc cũ mà cứ ngỡ như đang chập chờn trong cơn mộng du của hiện thực. Kỷ niệm được dịp bừng dậy, nồng nàn, mãnh liệt, khi nhìn lại khung trời thân quen của thung lũng, núi đồi, phố xá, khuôn viên Đại Học và gặp gỡ những đồng môn kiêm đồng đội quân trường. Bốn ngày du lịch đủ để sống lại trọn mùa trọ học, đủ để tôi lâng lâng với cảnh vật và con người, nhưng không đủ thời lượng để tôi xác định tình cảm đích thực dành cho em sau đúng 10 năm xa cách. Tình cảm xưa dành cho em vẫn còn, nhưng hoàn cảnh đã thay đổi đến cùng cực. Mặc cảm của một kẻ lỡ thời, thất thế, đang trĩu nặng trong lòng đã làm tôi chùng bước. Thà để kỷ niệm vẫn đơm hoa theo từng nỗi chạnh lòng, hay bồi hồi, lâng lâng của hoài cảm luôn trở thành mộng mơ trong từng cơn hạnh phúc khi nhìn lại những gì tôi đã trìu mến nhứt, còn hơn gặp nhau để rồi không biết tình cảm sẽ dẫn về đâu, tương lai sẽ ra sao khi tôi chỉ là một “ phó thường dân ” của chế độ mới. Thà giữ mãi kỷ niệm trong lòng để mái tóc Khánh Ly và tà áo dài mềm như sương của giảng đường Spellman và trong những chiều tan trường sẽ là hình ảnh đẹp muôn đời trong tôi khi nhớ về Đà Lạt và thời trọ học. Thật là mâu thuẫn phải không em?!
 
MỘT CÁNH THIỆP HỒNG
Cám ơn em đã có giải pháp cho trò chơi cút bắt trong tình cảm dành cho nhau. Tấm thiệp cưới không có gì đặc biệt, nhưng mảnh giấy kèm theo làm tôi chạnh lòng. Chỉ võn vẹn có mấy dòng nhưng là cả một khung trời sâu thẳm của đáy lòng em. Đọc xong tôi cảm thấy buồn. “ Người xa thì đã thật xa. Người gần thì cũng không gần hơn người đã xa. Qúa khứ nhạt nhòa. Tương lai vô định. Chỉ còn hiện tại. Mà hiện tại thì cứ như một canh bạc, trong đó nhà cái và nhà con cũng chỉ là một người. Phức tạp quá phải không?!...” Mà thôi! Dù sao thì em cũng đã chọn cho mình một con đường. Dẫu vô định thì cũng còn chiếc bóng chung đôi để dò dẫm bước. Còn tôi… Tôi vẫn loay hoay trong định phận với hy vọng sẽ có chút ánh sáng ở cuối đường hầm dẫn đến một ngày mai yên bình để tự an ủi mình trong từng ngày lây lất sống.
 
MỘT THOÁNG TỰ TÌNH
Bây giờ thì tôi đã cách Đà Lạt đúng nửa vòng quay trái đất. Đã có lối thoát.  Đã có một ngày mai như lời nguyện ước. Nhưng tôi phải trả bằng một chuyến ly hương không có vé khứ hồi. Chiều nay, buổi chiều cuối tuần đầu tiên nơi xứ người đã làm tôi chợt nhớ em, nhớ đồng môn, bè bạn, trường lớp, và tất cả những gì thuộc về Đà Lạt ngay khi vừa hít thở không khí đang vào Thu của vùng đông bắc Hoa Kỳ. Cũng là cơn lạnh vừa đủ kéo cao cổ áo. Cũng là sương trắng nhẹ giăng buổi sớm mai, màu nắng hiền dịu lúc chiều tà. Cũng những đồi núi nhấp nhô với từng rặng thông xanh biếc. Nhưng buồn thay! Đà Lạt bây giờ đang ở ngoài vạn dặm. Còn chăng chỉ là những hình ảnh trong ngăn k‎ý ức đang tuần tự lướt qua trong đầu như một khúc phim chiếu chậm của vô thức. 25 năm về trước, bước chân trọ học dẫn tôi đến giảng đường để gặp em. Còn bây giờ bước lưu vong đang khuấy động hồn tôi trong từng ngày hội nhập. Tôi lại đổi đời. Lại phải thích ứng với hoàn cảnh. Nhưng là hoàn cảnh của một trời tự do và hạnh phúc đích thực. Không phải thứ ngục tù bao la mà em còn đang chịu đựng. Đà Lạt là em. Em là Đà Lạt, là kỷ niệm ngàn đời không phai. Vì vậy tôi vẫn hoài nhớ em. Em có hiểu điều này không, ơi mái tóc Khánh Ly của một mùa trọ học?!
 
HUY VĂN

Flag of South Vietnam.svg 

Xin lưu ý với các bạn hữu Blogger, Website nào muốn trích đăng bài sưu tầm hay bài viết, thơ, nhạc của groupe chúng tôi về Blog, WordPress, Google Plus,​ của các anh chị, xin vui lòng đợi
 1 tuần ​sau khi bài trong Blog của chúng tôi đã đưa ra public.
Riêng phần tiếp chuyển, thì xin cám ơn quý anh chị đã giới thiệu dùm đến người thân quen.​

Caroline Thanh Hương
HUONGXUAN2016: Caroline Thanh Huong giới thiệu chương trình văn chương, văn nghệ tháng 7 của groupe Hương Xuân 2016.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire