jeudi 27 octobre 2016

Đoàn Xuân Thu viết truyện ngắn Chiếc Roi, văn miền nam.

Có những kỷ niệm gia đình mà không khi nào người ta quên được.

Có những câu nói mang nhiều ý nghĩa của thời thơ ấu và sau đó ghi luôn trong tâm huyết của người tuổi nhỏ.

Thời gian trôi đi, người tuổi nhỏ đã khôn lớn và trong trí óc của nó chỉ còn chờ thực hiện câu nói mà ai đó đã gieo cho nó tâm tư phải làm cái gì đó.

Dân Petrus Ky luôn tự hào là cái trường cho học trò học giỏi.

Muốn học giỏi thì cần sự thông minh và cần cù, chăm chỉ.

Thế mà cũng có những đứa cũng chỉ biết thực hiện lời người ta đã chỉ cho nó.

Kính mời quý anh chị đọc một bài viết với giọng văn miền nam, trật chính tả nhưng giàu tấm lòng thân ái.

Caroline Thanh Hương
  photo anh-mau-doc-ve-tre-em-mien-nam-trung-truoc-1975-hinh-9.jpg
Chiếc roi.




Written by đoàn xuân thu   
Tuesday, 03 March 2009 06:26
Chiếc roi .
Má về với ba khi còn rất trẻ. Ba, hai mươi tuổi. Má, mười tám tuổi. Má dứt sữa anh Nhiên không lâu thì có mang tôi. Tôi cách anh Nhiên hai tuổi.
Người khác thường gọi anh mình bằng thứ : chẳng hạn anh hai, anh ba. Riêng tôi, tôi gọi anh mình bằng tên : anh Nhiên.
Anh Nhiên là con đầu lòng, sức khỏe kém, quặt quòa quặt quẹo, nay đau, mai yếu, nay ấm đầu, mai sổ mũi. Bịnh hoạn rề rề làm anh nhỏ con, ốm nhom ốm nhách, nên đi chơi hoặc đi học thường hay bị những thằng, không biết thế nào là phải trái, xúm lại hiếp đáp. 

Một tối anh dẫn tôi đi xem truyền hình công cộng trong xóm, có thằng lớn con hơn giành chỗ, lấn tôi té xuống đất. Anh Nhiên tôi binh em, nhào vô ăn thua đủ. 
Tội nghiệp! anh Nhiên tôi nhỏ con, ốm yếu bị nó bự con, khỏe mạnh, đè gần chết. Tôi nóng mũi, binh anh mình, hốt một bụm cát vụt vô mặt nó. Thằng mắc dịch đó hét lên vì không thấy đường, lo lấy hai tay dụi mắt. Tôi thừa cơ nhảy vô đấm, đá tưng bừng, rồi hai anh em chạy tuốt về nhà. 
Bữa sau ba nó đến mắng vốn. Ba nó nói : hai anh em tôi ỷ đông đánh con ổng. Ba tôi chỉ giả lả cho qua chuyện. Sau đó ba tôi hỏi đầu đuôi gốc ngọn. 
Anh chỉ nói: “Con hổng muốn quánh nhau với nó. Mà hổng quánh hông được.”

Lớn lên, hai anh em cùng học chung trường Petrus Ký. Anh học trước tôi hai lớp. Không biết bao nhiêu lần anh bị buộc phải đánh nhau với mấy thằng bạn học hay ăn hiếp anh, tôi đều nhào vô ăn thua đủ, đến nỗi phải bị gọi lên văn phòng gặp thầy tổng giám thị. 
Thầy hỏi: “Sao hai anh em tụi bây quánh nó?” 
Tôi trả lời: “Tại nó ăn hiếp anh con”. 
Còn anh Nhiên tôi thì lại nói: “Con hổng muốn quánh nhau với nó. Con muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được.”
Một chiều, tan học, từ trong lớp tôi tà tà ra nhà giữ xe đạp bên hông trường để anh Nhiên chở tôi về. Trận đánh lộn mới vừa tan. Cái thằng học cùng lớp với anh, cái thằng vừa mới đánh anh, đã chạy mất tiêu. Mấy thằng khác chỉ đứng nhìn, không nói, không can ngăn gì hết mà còn hò reo inh ỏi trong khi anh Nhiên tôi bị đánh chảy máu mũi và bị bầm tím một bên mắt. 
Tôi tức mình quá, vừa giận vừa thương anh, nên cự nự: 
“Sao anh không đợi tui ra rồi hãy quánh” 
Anh trả lời: “Tao đâu muốn quánh nhau với nó. Tao chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được.” 

Tôi xé một tờ giấy tập, vò cho nhầu, mềm, chậm máu mũi cho anh.
Tôi giận mình sao lại tà tà ra trể. Tôi giận mấy thằng kia chỉ khoanh tay đứng nhìn, không làm gì hết, mà còn khoái chí đứng xem một đứa hung hăng, mạnh bạo bức hiếp một người yếu đuối, thế cô. Tôi giận luôn cả anh nên suốt đường về, tôi không thèm nói với anh lấy một câu.
Về nhà má tôi nấu nước sôi, pha muối, thấm vảo hai miếng bông gòn, miếng thì lau máu mũi cho anh, miếng thì chậm lên con mắt bị bầm. Anh nằm trên chiếc đi-văng, nhìn lên trần nhà bằng một con mắt, có vẽ suy nghĩ lung lắm, rồi lẩm bẩm: 
“Mình hổng muốn quánh nhau với nó. Mà hổng quánh hông được.” 
Tôi thì đi tới, đi lui, hậm hực nói: “Lần sau anh đợi tui ra tới rồi hãy quánh. Anh với tui cho nó một trận để cho nó bỏ cái tật cà khịa.”

Năm sáu tám, khi anh đang học đệ nhứt, thì Tổng công kích Tết Mậu Thân bùng nổ. Hình ảnh con nít, bà già chết còng queo trong lửa đạn, nhà cửa tan hoang cháy làm anh xúc động. 
Anh trầm ngâm, ít nói hẳn đi. Tối ngày chỉ nghe anh lẩm bẩm: 
“Mình hổng muốn quánh nhau với nó. Mình chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được.”
Anh suy nghĩ gì lung lắm - phải làm một cái gì đó -.
Một cái gì đó anh phảỉ làm là : bỏ học giữa chừng năm đệ nhứt, không thi tú tài hai và đăng lính.

Năm năm sau, năm bảy ba, anh Nhiên tôi tử trận ở Quảng Trị. Xác anh được mang về Huế, bỏ vô hòm kẽm, cò chì, đưa lên máy bay chở về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Ba má tôi nhận tin báo tử. Chỉ một đêm chờ sáng, lên nhận xác anh Nhiên mà tôi thấy ba, má tôi già háp, gầy sọm hẳn đi.

Anh Nhiên tôi chết trẻ, hai mươi ba tuổi, chưa lập gia đình, chưa vợ, chưa con. Vì không có vợ, con nên không có ai để chít cho anh một vành khăn tang trắng. Ngược lại, theo phong tục mà ông ngoại tôi biểu: trên đầu chiếc quan tài của anh Nhiên tôi có một vành khăn tang trắng dành cho anh để tang ba má.

Trước giờ di quan, ông ngoại tôi cầm chiếc roi bằng nhánh cây dâu giá giá lên chiếc quan tài của anh giả bộ làm như đánh, để trị anh tội bất hiếu : chết trước khi ba má qua đời.


Ba tôi đứng kế bên, đột nhiên dằn lấy chiếc roi dâu trong tay ông ngoại, bẻ làm hai quăng xuống đất, rồi nói: 
“ Thằng Nhiên, nó chết trận, nó đền nợ nước. Nó có tội gì đâu? mà ba lại đánh nó.” 

Nghe ba tôi nói vậy, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tôi òa lên khóc.

đoàn xuân thu.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire