mardi 11 octobre 2016

Đọc tài liệu Lessons From The Viet Nam War, auteur Văn Nguyên Dưỡng.



 Kính gửi đến quý anh chị bài viết của Văn Nguyên Dưỡng.

Chiến tranh đã tàn lụi, nhưng ký ức người viết thì may mắn còn ghi lại cho người đời sau một chút gì của người đời trước.

Lịch sử là quá trình lập nước và giữ nước.

Gìn giữ được hay không mảnh đất ấy còn tùy vào lòng người và tùy vào nhiều yếu tố khác.

Những yếu tố đó có khi không nằm trong tay người dân mà nó hoàn toàn được chủ động từ nơi nào đó và người dân chỉ còn biết tuyệt vọng đi tìm tương lai của một đất nước mà mình chỉ còn trong mộng tưởng mà thôi.


Caroline Thanh Hương




Đọc trọn bài bằng tiếng anh tại đây.

 

                                             LỜI PHI LỘ

        Tác giả của bài Tham luận "Lessons From the Vietnam War" từng là một mục đồng ở một làng quê đất mũi, tận cùn của đất nước Việt Nam, khi tản cư bị tàu bay của Pháp bắn trên Sông Trẹm, không chết; từng là một trong hàng nghìn chiến sĩ tử thủ An Lộc, trận chiến lớn nhất chiến cuộc VN, đội hàng vài ngàn quả  đại bác hàng ngày, ba tháng liền, không chết; từng là một tù binh trong các trại tập trung ác nghiệt của CSVN, từ Suối Máu Miền Nam ra tận núi rừng Tây-Bắc Miền Bắc, dọc theo dòng Sông Lô, triền núi Hoàng Liên Sơn, lao lực khổ sai, đói khổ từng ngày trong mười ba năm liền, không chết. Rồi lưu vong ở xứ người một phần tư thế kỷ, quá thừa thời gian để suy gẫm về kiếp sống của một đời người và sự biến thiêng của một đất nước. Là con phù du bềnh bồng theo con nước những dòng sông nhỏ trôi ra biển lớn, cách xa tổ quốc bằng một đại dương mà sao lòng vẫn dạt dào thổn thức từ tấc lòng riêng đến mảnh tình chung của giống nòi. Tưởng nhớ gì, thương tiếc gì...nữa đây khi thời gian trong thoáng chốc của giấc mộng dài nhuộm mái tóc xuân xanh thành đầu bạc tàn đông ?!.
        Hình ảnh cậu bé mười tuổi học lớp ba trường làng, mùa nghỉ hè tung tăn trên cánh đồng xanh, cánh đồng vàng, thả diều bắt dế buổi sáng, tắm sông nghịch bùn buổi trưa để chiều đến nghe tiếng lúa reo theo gió đùa cuốn thành những đợt sóng vàng óng ánh dưới nắng ngã bóng hoàng hôn, hay nhìn từng đàn cò trắng giăng hàng chữ V chấp chới bay về cuối chân trời xa... vẫn sống động trong trí nhớ như tiếng chày giã gạo của trai gái trong làng trong những đêm trăng thanh... Rồi một mùa Thu, cậu bé ngỡ ngàng khi bước chân lên quận lỵ Cà-Mau, học lớp Nhì. Cậu vui vẻ với bạn bè mới nhưng luôn vương nỗi buồn êm nào đó...vì ngày ngày không còn được nghe tiếng hò đối đáp trên các cánh đồng mạ non của các anh chị nông dân, hay tiếng mưa đêm trên các tào cau, đọt chuối rợp, quanh vườn ở nhà quê...vì hàng buổi sáng chiều đến lớp học, nghe tiếng hát hào hùng vang dội của bạn học mới và
của chính mình "Toàn dân...nghe chăng sơn hà nguy biến. Mưa rơi đăng đăng lên đường chinh chiến..." và "Ôi Bặch Đằng Giang, sông hùng dũng, khua nòi giống anh hùng, giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, Nam Bắc Trung..." Phải, đất nước Việt Nam tự nghìn trước đến muôn sau, bất cứ thời điểm nào thanh thiếu niên cũng có thể nghe tiếng kêu sơn hà nguy biến và luôn luôn sẵn sàng xếp bút nghiên theo việc binh đao.  Vì đất nước ta nằm sát cạnh với tên xăm lăng giặc Tàu phương Bắc khổng lồ.
           
          Mùa Thu năm 1945 đó, hùng khí xông lên ngất trời. Thanh thiếu niên, thiếu nữ được tổ chức thành đội ngũ "Thanh niên Tiền Phong" và "Thiếu niên Tiền phong".
Cậu mục đồng vừa ra phố thị bị cuốn hút ngay vào dòng người tuổi trẻ yêu nước, tập tành võ nghệ, luyện rèn kiếm cung, hát hò vang dội, như sắp lên đường ra chiến địa tới nơi vậy. "Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường, kiếm nguồn tươi sáng... Ta nguyền đồng lòng điểm to non sông... từ nay ra sức anh tài..."  Rồi tiếp theo là "Mùa Thu này ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến..." 

        Mà thật, họ lên đường...rút vô bưng biền thật. Mà chỉ có cán bộ trong ủy ban hành chánh kháng chiến và mấy cậu, mấy anh du kích thôi, còn các thanh thiếu niên xung phong, thì mười cậu hết tám cậu tản cư chạy...giặc theo gia đình, vì họ...ra lệnh "tiêu thổ kháng chiến" mà, noi gương của Uỷ Ban Hành chánh Kháng Chiến Nam bộ. 
Ngày chinh thức họ rút vào bưng biền An Phú Đông là ngày 23/9/1945. Vì vậy mới có câu hát trên.  Còn ở thị trấn Cà-Mau cư dân tản cư sau hơn... Không chạy tản cư thì
cũng không có nhà mà ở, vì du kích đốt hết. Không chạy thì chỉ có nước chết. Nhưng lạ một điều là cư dân thị trấn chẳng những tản cư chạy trốn giặc Pháp mà cũng trốn du kích Việt Minh luôn vì có rất, rất nhiều người bị gán cho danh từ "Việt gian". Mà là
"Việt gian" thì sẽ bị cho đi "mò tôm", tức là bị trói chặt tay chân, buộc đá rồi ném xuống sông cho chết ngộp từ từ, hay bị đâm loài ruột bằng tầm vông vạt nhọn, hoặc
chôn sống. Nhiễu nhương...bắt đầu và kéo dài đến ba mươi năm sau.
    
       Cho đến ngày người tác giả này tìm hiểu rõ được cỗi nguồn và sự thật của cuộc chiến tang thương đó thi đầu đã bạc phơ rồi. Mắt đã nhìn biết bao nhiêu sự tàn phá, chết chóc, hợp tan. Lòng chưa tan ngọn lửa đấu tranh muốn giành độc lập, tự do cho tổ quốc, nhưng hỡi ơi sức đã cùn, lực đã kiệt rồi. Thôi, chỉ còn biết giữ chút tàn hơi viết lại nhưng kinh nghiệm đã trải qua và những bài học đáng giá về chiến tranh VN cho thế kệ mai sau, đọc mà suy gầm và hành xữ cho phải đạo làm người và xứng danh là người Việt Nam bất khuất.

        Ngày 23/9 sắp đến, là đúng bảy mươi năm kể  từ 23/9/1945, hay bảy mươi mùa Thu. Người ta đã khóc lá vàng đến đỏ mắt, đỏ mặt, đỏ trời rồi... Còn bao nhiêu mùa
Thu nữa mới thấy lại lá vàng reo vui trên các sân trường của quê hương!..

        VĐ-NVD
        VĂN NGUYÊN DƯỠNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire