mercredi 6 décembre 2017

Tìm hiểu OBOR là gì, con đường tơ lụa mới và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong chương trình tìm hiểu tình hình kinh tế toàn cầu với những ảnh hưởng về sự trao đổi thương mại có tính toán hay không tính toán của một số quốc gia có liên quan nhiều ít với Trung Quốc.
Từ xa nhìn qua hội nghị Apec và sau đó có những thỏa thuận được ký kết giữa những quốc gia để trao đổi hệ thống tiền tệ như Trung Quốc với Việt Nam hay mới nhất là Trung Quốc với nước pháp.
Trở lại chuyện cách đầy mấy tháng vào mùa hè, trên các báo chí internet đã có nguồn tin về con đường tơ lụa đã được thiết lập của TrungQuốc.

Quan hệ ngân hàng vừa được ký giữa nước pháp và Trung Quốc.


Bao nhiêu người nghe và thờ ơ trước chuyện OBOR, vì có lẽ nhiều người dân không quan tâm đến chuyện ở xa và khi nó đến gần thì có lẽ ai biết cũng thế thôi, chúng ta đã vào cái mạn lưới khổng lồ đã giăng ra từ bao năm nay và đang được thắt chặt lại dần.
Để bắt đầu, chúng ta sẽ quan tâm đến tin đã đăng trên RFI bản tin sau đây.
Kế tiếp là những giaỉ thích trên net được sưu tầm để quýa anh chị có thể đọc bằng tiếng pháp hay tiếng việt.
Bên phải của bài post trong Blog, quý anh chị có dụng cụ thông dic̣h để quý anh chị chọn đọc bằng thứ tiếng nào mình đã quen sử dụng.
Nên nhớ kinh tế và xã hội luôn là hai yếu tố trong một quốc gia và khi từng gia đình trong các nước cần việc làm thì chúng ta cũng cần nhìn vào tình hình kinh tế toàn cầu hay kinh tế và sự lèo lách của chính phủ mà đất nước các anh chị đang sinh sống.
Chúng ta còn có sự lưạ chọn nào khác hơn không?
Kính chúc quý anh chị luôn vạn an.
Caroline Thanh Hương


Trung Quốc có thể làm bá chủ thế giới ?

mediaQuân đội Trung Quốc tại cảng quân sự Trạm Giang, Quảng Đông ngày 11/07/2017.REUTERS/Stringer
Mùa hè đến, trang bìa các tuần báo Pháp được dành cho những đề tài nhẹ nhàng. L’Obs nói về cách « Ăn uống tốt hơn », Le Point dành hẳn cho chuyên đề New York, còn L’Express mô tả « Cuộc sống mới thường nhật tại điện Elysée » của tân tổng thống Emmanuel Macron. Liên quan đến châu Á, hồ sơ của Le Courrier International tuần này đặt câu hỏi « Trung Quốc, bá chủ thế giới ? ».
Trong một thế giới bất định mà nước Mỹ đang dần dà rút lui, Trung Quốc bỗng dưng có vẻ đáng tin và biết điều hơn. Cam kết về khí hậu, rồi đến dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ dọc theo « Con đường tơ lụa mới », Tập Cận Bình sẽ là người đứng đầu một đất nước viễn kiến, một mô hình mới cần phải theo ?
Trump đã nhường đại lộ thênh thang cho Tập
Trước hết, tờ báo Pháp trích dịch một số báo nước ngoài để tìm cách lý giải « Làm thế nào Donald Trump đã nhường lại cả một đại lộ cho Trung Quốc ». Thứ nhất, theo The New York Times, thì qua việc từ bỏ Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà người tiền nhiệm Obama đã mất năm năm để tạo dựng.
Cây bút xã luận Thomas Friedman sau một chuyến đi châu Á đã nhận xét : « Trump không phải là nhà thương lượng tài ba, mà là một người vô tích sự đã làm giảm sút ảnh hưởng Mỹ tại khu vực này, giúp cho Trung Quốc tìm lại sức mạnh. Nay ông Trump cố gắng một mình một ngựa điều đình với Bắc Kinh việc mở cửa cho thương mại, thay vì với tư cách nước đứng đầu cả một khối 12 quốc gia dựa trên các giá trị Mỹ, và chiếm đến 40% trọng lượng kinh tế thế giới. Khó thể tưởng tượng ra điều gì ngu ngốc hơn ».
Động thái thứ hai, là quyết định rút khỏi hiệp định khí hậu Paris. Theo trang Politico, đây là « món quà mang tính chiến lược to lớn nhất dành cho Trung Quốc, đang khao khát lấp đầy khoảng trống mà Washington bỏ lại ». Nhưng Bắc Kinh có xứng đáng không ? Trung Quốc vẫn đang là nước thải khí carbonic nhiều nhất hành tinh, và còn xuất khẩu, tài trợ cho khoảng một trăm nhà máy điện chạy bằng than đá tại các nước liên quan đến « Con đường tơ lụa mới ».
Thứ ba, là có thái độ nhập nhằng về Biển Đông. Chuyên gia hàng hải Mark J.Valencia trên Straits Times nhận định khu vực này là nơi cạnh tranh nhằm thống trị về quân sự. Ông Trump tuy vẫn tiếp tục chính sách bảo vệ tự do hàng hải của ông Obama, nhưng lại là một chiến lược « tùy cơ ứng biến ».
Bắc Kinh không thể bỏ lỡ dịp may
« Tất cả tập hợp lại phía sau Bắc Kinh », đó là lời kêu gọi của Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), đăng trên tờ Lianhe Zaobao của Singapore cho rằng, cộng đồng quốc tế chờ đợi Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong thế giới toàn cầu hóa. Theo nhà chính trị học gốc Hoa này, phương Tây đang gặp khủng hoảng, thế nên chiếc ghế « anh cả » dành cho Bắc Kinh là logic.
Tác giả cho rằng Trung Quốc không nên bỏ qua cơ hội tuyệt vời để nhảy lên hàng đầu trên trường quốc tế. Xu hướng hiện nay -  tập trung cho tăng trưởng trong nước - tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây, là do chưa giải quyết xong những khó khăn nội tại từ làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất. Nhưng hiện tượng này sẽ không kéo dài, và phương Tây một lần nữa sẽ quay lại với toàn cầu hóa.
Theo ông Trịnh Vĩnh Niên, nay đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới và cường quốc thương mại hàng đầu, nếu Trung Quốc không đủ năng lực thì còn ai khác ? Trung Quốc đã từng cất cánh nhờ vào đầu tư nước ngoài trong hai thập niên cuối của thế kỷ 20. Cho dù ngày nay vẫn còn cần đến tư bản ngoại quốc để nâng tầm kỹ nghệ, tuy nhiên một số lãnh vực đang bão hòa, sản xuất thừa khiến Bắc Kinh cũng nên đầu tư ra nước ngoài.
Tác giả khuyến dụ, cần phải có một cái nhìn thực dụng thay vì chìm đắm vào ý thức hệ, vì trật tự kinh tế thế giới tự do có lợi cho Trung Quốc. Trong quá khứ, các nước phương Tây cũng đã từ giai đoạn thiếu vốn chuyển sang dư thừa, và để giải quyết, họ dùng chính sách ngoại giao đại bác, buộc các nước khác mở cửa để khai thác nguồn lợi thiên nhiên, và thế giới trở thành thị trường của mình. Nhưng thời buổi thực dân đã qua lâu rồi.
Nếu trước đây, phương Tây dùng đến sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề trật tự kinh tế, thì nay hầu hết các nước tuân thủ những quy định và luật lệ của các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trung Quốc nay là thành viên và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các tổ chức này, nên cần phải tranh thủ.
Con đường tơ lụa mới : Kế hoạch Marshall kiểu Trung Hoa ?
Liên quan đến dự án « Một vành đai, một con đường », viết tắt là OBOR và được mệnh danh là « Con đường tơ lụa mới », nguyệt san Hồng Kông Chengming cho đây là « Một sự bành trướng không hề là dòng sông êm đềm ». Kế hoạch khổng lồ này nhằm đánh bóng cho quyền lực Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ rơi vào khoảng không bất định.
Tờ báo nhận định, OBOR (One Belt, One Road) là công trường xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhất trong lịch sử nhân loại, thu hút nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Úc tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB theo tiếng Anh, BAII theo tiếng Pháp) do Trung Quốc thành lập. Thực tế thì Tập Cận Bình muốn để lại dấu ấn trong lịch sử, muốn qua OBOR mở rộng được ảnh hưởng, khiến Bắc Kinh hất cẳng Mỹ càng sớm càng tốt để trở thành lãnh đạo thế giới, đồng thời giảm căng thẳng trong nước.
Dự án « Một vành đai, một con đường » thường được coi là một loại kế hoạch Marshall của Trung Quốc, vì đây là chương trình duy nhất có thể đem ra so sánh. Tuy nhiên, sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay thua xa Hoa Kỳ thời hậu chiến. Hơn nữa, OBOR phức tạp hơn kế hoạch Marshall rất nhiều, và cần đầu tư đến 890 tỉ đô la, so với Marshall là 130 tỉ đô la nếu tính theo giá trị bây giờ.
Các nước được hưởng kế hoạch Marshall nằm tập trung trong một khu vực địa lý, sở hữu một nền công nghiệp phát triển, một hệ thống an sinh và an ninh công cộng tốt, cũng như môi trường văn hóa có chất lượng, bên cạnh đó là khả năng trả nợ. Còn Trung Quốc thì ngược lại, cho đến nay vẫn chưa dám ca ngợi khả năng sinh lợi, chẳng hạn như hàng mấy chục tỉ đô la đổ vào Venezuela chẳng mang lại lợi lộc gì.
Nguy cơ xung đột, ô nhiễm, độc tài : Bắc Kinh khó tranh bá đồ vương
Financial Times có đăng ý kiến cá nhân của một số quan chức cao cấp Trung Quốc, coi OBOR là một chiếc bẫy mà Bắc Kinh có nguy cơ sa vào : tranh chấp quốc tế, mất vốn đầu tư, xung đột khu vực. Trong số những quốc gia mà « Con đường tơ lụa mới » chạy qua, có nhiều nước nghèo, cơ sở hạ tầng tồi tệ, căng thẳng chủng tộc và tín ngưỡng.
Chẳng hạn như hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một trong những công trường quan trọng nhất của OBOR được Bắc Kinh tài trợ 62 tỉ đô la, đã gây phẫn nộ cho Ấn Độ vì chạy qua vùng Cachemire tranh chấp giữa Ấn và Pakistan. Trong diễn đàn « Con đường tơ lụa mới » gần đây, Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng hai nhà máy thủy điện lớn nằm trên thượng nguồn sông Indus tại Cachemire trị giá 27 tỉ đô la, và thế là Bắc Kinh rơi vào trung tâm xung đột Ấn-Pakistan. Cùng với nhịp độ phát triển của OBOR, những khó khăn loại này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Liệu Trung Quốc đã có chuẩn bị chưa ?
« Một ngân hàng phục vụ cho vấn đề khí hậu ? » Trang Chinadialogue có trụ sở ở Luân Đôn đặt câu hỏi. Bắc Kinh cam đoan sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc áp dụng hiệp định khí hậu Paris. Nhưng không có gì bảo đảm rằng ngân hàng AIIB được thành lập để tài trợ cho « Con đường tơ lụa mới » thực sự là « xanh ». Trong hội nghị thường niên lần thứ hai từ 16-18/6 vừa qua, AIIB vẫn nêu ra khả năng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện dùng than đá với một số điều kiện, gây lo ngại cho các tổ chức bảo vệ môi trường.
« Chủ nghĩa bảo hộ và sự độc tài » cũng khiến giấc mộng tranh bá đồ vương của Trung Quốc khó trở thành hiện thực, theo tác giả Guan Jian của nguyệt san Dongxiang ở Hồng Kông, mà việc giải Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba bị tù tội cho đến chết là ví dụ mới nhất, khiến Bắc Kinh bị thế giới chỉ trích.
Trung Quốc muốn trở thành bá chủ thế giới, hay nước lãnh đạo toàn cầu hóa ? Nhà phê bình Xu Zigan trên tờ Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông cho rằng đây là hai việc khác nhau. Theo chỉ số KOF về toàn cầu hóa của Trung tâm nghiên cứu trạng huống ở Thụy Sĩ, Trung Quốc đứng thứ 71/187 nước trong năm 2017, tức là chỉ ở mức trung bình. Còn muốn là « lãnh đạo thế giới », thì phải hùng mạnh về quân sự, nhưng Trung Quốc còn thua xa Hoa Kỳ. Về kinh tế, thì cần phải có đồng tiền chuyển đổi quốc tế.
Thái Anh Văn, người không ngại đương đầu với Trung Quốc
Cũng về châu Á, tuần san L’Express trong loạt bài mùa hè đã khắc họa chân dung của nữ tổng thống Đài Loan « Thái Anh Văn, người nổi dậy ».
Không giống với các nhà lãnh đạo nữ khác ở châu Á như bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện hay Indira Gandhi của Ấn Độ, người phụ nữ đầu tiên trở thành tổng thống Trung Hoa Dân Quốc không xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị hoặc quân sự. Học tập ở Hoa Kỳ, đoạt được bằng tiến sĩ ở một trường đại học danh giá Luân Đôn, năm 1998 bà Thái Anh Văn về nước, làm cố vấn cho chính phủ Đài Bắc trong việc thương lượng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và bắt đầu tham gia chính trường.
Trở thành tổng thống, bà tỏ ra can trường trước áp lực ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc. Hai trong số những đồng minh cuối cùng của Đài Loan là Sao Tomé-et-Principe và Panama vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao, lượng du khách từ Hoa lục giảm đến 42%, và lần đầu tiên một nhà hoạt động nhân quyền Đài Loan bị Bắc Kinh bắt giam. Mười tám tháng sau khi đắc cử, tỉ lệ tín nhiệm của bà Thái Anh Văn đã bị giảm sút, tuy nhiên có đến trên 56% mong muốn nữ tổng thống không nhường bước trước Bắc Kinh.
G20 ở Hambourg : Vừa tốn kém vừa chẳng được gì
Tại châu Âu, nhật báo Đức Der Spiegel ở Hambourg phân tích « Các lý do thất bại của G20 ». Hội nghị thượng đỉnh các cường quốc diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7 vừa qua mang lại ấn tượng xấu với các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Theo tờ báo, một thành phố như Hambourg không sẵn sàng để tổ chức một sự kiện như thế. Những người biểu tình đến từ khắp châu Âu tự cho là nhà đấu tranh chính trị cực tả, chống phát-xít, chống tư bản…nhưng thực ra chỉ nhằm phá hoại theo kiểu côn đồ. Lực lượng cảnh sát bị quá tải, đôi khi sử dụng đến bạo lực.
Rốt cuộc thì chẳng được gì : Hoa Kỳ không động móng tay để chống biến đổi khí hậu, tự do mậu dịch thì chẳng ai cãi…Tóm lại theo Der Spiegel, một cuộc hội nghị qua truyền hình cũng đủ. Đã hẳn là cách đây một năm không ai đoán trước được G20 sẽ phải đón tiếp một nhân vật như Donald Trump, nhưng có lẽ cần nghĩ ra một phương cách nào khác để gặp gỡ và trao đổi, thay vì bắt cả một thành phố làm con tin, cứ như bị phong tỏa trong thời chiến.
Macron và Trump, tương đồng và khác biệt
Một hồ sơ khác trên Le Courrier International được dành cho « Macron và Trump, hai địch thủ tốt nhất ». Chuyến viếng thăm nước Pháp nhân dịp Quốc khánh 14/7 của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chứng tỏ ý hướng xích lại gần nhau của hai nguyên thủ, mà trên lý thuyết thì tất cả đều trái ngược. Nhưng báo chí Mỹ cho rằng các lợi ích chung và một số điểm giống nhau sẽ gắn kết cặp đôi khó hình dung được này.
Trong bài « Liên minh của những đối nghịch », tạp chí Foreign Policy nhắc lại cú bắt tay dữ dội và lời kêu gọi « Làm cho trái đất vĩ đại trở lại » của Emmanuel Macron sau khi Donald Trump rút nước Mỹ « vĩ đại trở lại » của ông ra khỏi hiệp định khí hậu Paris. Hai vị tổng thống Pháp-Mỹ hết sức khác biệt.
Cho dù từng làm việc trong lãnh vực tư nhân, nhưng Emmanuel Macron đã nghiên cứu triết học và có thể dẫn thuộc lòng những câu của Molière, còn Donald Trump nguyên là ngôi sao truyền hình thực tế, thích dùng ứng dụng Twitter ngắn gọn. Tầm nhìn thế giới cũng đối nghịch. Macron ủng hộ châu Âu, tự do mậu dịch ; còn Trump muốn đóng cửa biên giới, theo chủ nghĩa bảo hộ và « nước Mỹ trước hết ».
Tuy vậy, Macron không phải là Hillary Clinton, và cũng là khuôn mặt mới trong chính giới, cũng thực dụng như ông Trump. The Washington Examiner nhấn mạnh, việc tổng thống Pháp mời đồng nhiệm Mỹ dự lễ Quốc khánh là đánh trúng vào tâm lý thích những gì liên quan đến quân sự của Donald Trump. Ông Trump được làm khách mời danh dự trên lễ đài thủ đô nước Pháp, trong lúc ở Mỹ ông đang lao đao vì hồ sơ Nga, và bị cô lập trên trường quốc tế.
Khi triển khai phi cơ tiêm kích, xe tăng, bộ binh, Macron thỏa mãn một Donald Trump đang đòi hỏi NATO phải tăng ngân sách quốc phòng. Hai bên cũng đồng ý sẽ « chung sức đáp trả », nếu Bachar Al Assad lại sử dụng đến vũ khí hóa học. Tờ báo Mỹ nhắc lại, Paris từng rất bực tức khi bị ông Obama cho leo cây vào tháng 8/2013, khi các phi cơ Pháp đã sẵn sàng cất cánh tấn công Syria ; và kết luận với ông Trump, Macron nhắm vào quan hệ đối tác xây dựng hơn là đối đầu

Kế tiếp chúng ta thử tìm hiểu OBOR là gì.


Một vành đai, Một con đường

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
One Belt One Road.png
Một vành đai, Một con đường (tiếng Trung: 一带 一路; bính âm: Yídài yílù; Hán-Việt: Nhất đới, nhất lộ), còn được gọi là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường là một khuôn khổ cho tổ chức phát triển kinh tế đa quốc gia của Trung Quốc thông qua hai kế hoạch thành phần, trên đất liền "Vành đai Kinh tế Con đường tơ lụa và và Đường hàng hải" Con đường tơ lụa trên biển. Sáng kiến ​​này đã được công bố bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thông các kế hoạch cho Vành đai và Con đường tơ lụa này lần lượt trong tháng 9 và tháng 10. Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng đường vành đai và trong các báo cáo công việc của chính phủ.[1]

Tiến trình

  • Tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh của diễn đàn Vành đai và Con đường từ ngày 12-ngày 14 tháng 5 năm 2017 về dự án cơ sở hạ tầng liên lục địa "Một vành đai, Một con đường" có đại diện từ 100 quốc gia, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia tham dự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sẽ dành vào khoảng 124 tỷ USD cho dự án. [2] [3] Tuy nhiên, có 6 nước châu Âu gồm: Đức, Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào bản thông cáo chung công bố ngày 15-5 khi Hội nghị bàn tròn kết thúc. Các nước châu Âu từ chối đặt bút ký do văn bản này không quan tâm đúng mức đến "các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu". Đây là những chuẩn mực mà Liên minh châu Âu (EU) luôn đòi hỏi trong hợp tác với Trung Quốc trong thời gian qua và do Trung Quốc không thực sự mở cửa thị trường nội địa của mình. Sự phản ứng trên được cho là bắt nguồn từ bộ trưởng kinh tế và năng lượng của Đức, bà Brigitte Zypries. [4]

Chú thích

  1. ^ Tian Shaohui biên tập (ngày 28 tháng 3 năm 2015). “Chronology of China's Belt and Road Initiative”. Xinhua. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2017.
  2. ^ “Pekinger Gipfel zur "Neuen Seidenstraße" eröffnet”. Deutsche Welle (bằng tiếng Đức). 12 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2017.
  3. ^ “Bundespräsidentin in China – Doris Leuthard will die Freundschaft stärken”. SRF (bằng tiếng Đức). 13 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2017.
  4. ^ Tú Anh (ngày 16 tháng 5 năm 2017). “​Vì sao 6 nước châu Âu từ chối ký kết ở Bắc Kinh?”. tuoitre.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 7 năm 2017.

Cùng chủ đề

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire