samedi 25 mars 2017

Đông Dạ Oán, thơ Trần Văn Lương và bạn hữu Đỗ Quý Bái, Mùi Quý Bồng, Thanh Hương.


Kính gửi quý anh chị con cóc cuối tuần.

 photo Diapositive3_1.png
Dạo:
     Đông dài, đêm lạnh buốt tim,
Bóng trăng quê cũ biết tìm chốn nao.


Cóc cuối tuần:

     
,
.
,
.
                


Âm Hán Việt:

           Đông Dạ Oán
Dạ hàn, phong lãnh, vũ nông nông,
Tứ quý vị hà chỉ kiến đông.
Muộn muộn ngưỡng đầu truy cựu nguyệt,
Hắc vân đóa đóa cái trường không.
              Trần Văn Lương


Dịch nghĩa:

          Nỗi Oán Đêm Đông
Đêm lạnh, gió rét, mưa thì thào,
(Có) bốn mùa mà sao chỉ thấy có mùa đông.
Buồn bã ngửng đầu đuổi tìm trăng cũ,
Mây đen từng mảng che lấp kín trời không.

 photo Diapositive2_1.png
Phỏng dịch thơ:

       Lời Oán Đêm Đông
Đêm dài, mưa lạnh náo bên song,
Quanh quẩn bốn mùa chỉ thấy Đông.
Ngước mắt vời trông trăng chốn cũ,
Mây đen vần vũ lấp trời không.
                Trần Văn Lương
                   Cali, 3/2017


Lời than của Phi Dã Thiền Sư:
      Ánh trăng ngày tháng cũ giờ ở nơi nao?     
      Ngước mắt nhìn trời chỉ thấy mây đen vần vũ.
      Và đêm đông kia vẫn kéo dài bất tận.
      Biết nói gì đây, hỡi ơi!

  photo e4e164c8-aef5-4d97-bd41-a420a976c0da.jpg

Lại Lục Ngôn Thi đây  cho cô đọng chư vị  quý mến,

LỜI OÁN HẬN ĐÊM ĐÔNG DÀI

Dạo :

Đêm đông dằng dặc buốt tim
Trăng  quê cũ, khó mà  tìm

OÁN HẬN ĐÔNG DÀI

Đêm đông mưa lạnh ngòai song
Bốn mùa chỉ thấy mùa đông ,
Ngửa mặt tìm trời quê cũ
Mây đen lấp kín khoảng không

Xin  nhuận sắc cho , trân trọng cám ơn

LTĐQB
 photo Diapositive4_1.png



Bravo anh Bái, vị cao thủ về thể thơ 6 chữ .
Cuối tuần vui, thưa anh.


 photo Diapositive5.png

Xin góp với anh Lương con nhái con

THAN OÁN ĐÊM ĐÔNG

Dạo:
Gió lạnh, đêm buồn, mưa buốt giá
Trăng xưa, quê cũ, lạc phương nao?

Phóng Tác Thơ:

Đêm buồn, gió lạnh, mưa lâm râm.
Quê cũ, trăng xưa, nỗi nhớ thầm.
Bốn mùa, sao chỉ toàn Đông nhỉ?
Mây cuồn cuộn đen, trời tối xầm!

Mùi Quý Bồng
  photo trng ni u.png

 Bài thơ đã làm xong, nhưng chưa đưa lên Blog được vì mãi đi tìm hình cho thích hợp để post cùng với những bài thơ xướng hoạ khác với bạn hữu của anh Lương.
Bây giờ tìm được hình rất khó vì đang vào tiết Xuân, sau, tôi mới nhớ có vài tấm chụp được trong mùa đông vừa qua, nên đưa vào đây có vẻ thích hạp với chủ đề này.
Bài thơ hơi bị ép vận một chút, và thấy khó tìm được từ nào diển tả cho rõ ý hơn, nên đành post luôn như thế, tuy trong tâm không vừa ý bao nhiêu, mong anh Lương và quý anh chị bỏ qua.
Bài này muốn đưa lên Blog, tôi đã cần đến 4 giờ để thực hiện vì ấm ức với chữ "rét căm căm" không vừa ý.
Caroline Thanh Hương
 photo Diapositive6.png
Rét Đông Không Qua.


Đêm dài, gió lạnh rét căm căm
Quanh quẩn bốn mùa chỉ thấy đông.
Trăng cũ đâu rồi không thấy bóng
Mây đen che kín lấp trời trong.

Thanh Hương
25 tháng 3 năm 2017

lundi 20 mars 2017

Nghe đoc̣ truyện ngắn về xã hội Việt Nam.

Kính gửi quý anh chị những truyện ngắn được viết và đọc trên đài Việt Nam.
Các tác giả của những bài viết này là đại diện cho giới trẻ nông thôn hay vùng tây nguyên xuống thành phố để kiếm sống.
Nếu họ sống thế nào thì họ kể lại như thế ấy, không trau chuốt, giả tạo chút nào về những chuyện mà có thể người ta xem là xấu xa.
Đáng ngạc nhiên nhất là ở xã hội bao năm tự do, độc lập mà không riêng gì con gái mà cả con trai cũng phải hành nghề đặt biệt để gửi tiền về cho gia đình.
Nếu gia đình họ biết, tuy không cho phép con cái họ làm như thế nhưng chính gia đình họ cũng cần tiền từ họ.
Một đất nước nghèo, tình trạng y tế thất kém, bệnh không dám nghỉ hay không được chữa trị thì bao nhiêu khách hàng của họ quả là mối lo cho những ai muốn mua vui 1 lần.
Rất cảm động khi đọc truyện về những con người thật, về nguồn sống của giới trẻ và thật đau lòng cho tương lai những người thấp bé này.
Cám ơn tác giả những mẩu chuyện ngắn và người đọc.
Caroline Thanh Hương
 photo 29bb136d-2c81-4409-bb4c-9ab85ba666aa.jpg
 photo HanoC3AF.jpg

Giấc Mơ, chuyện kể lại.

Câu chuyện kể lại dưới đây, có lẽ chẳng ai lạ gì.
Những người ngoại quốc hay người ngoại quốc gốc Việt thì ai cũng có ít nhất 1 lần có ý tưởng đi đến Việt Nam để làm 1 cái gì đó cho người dân ở đây.
Kính mời quý anh chị đọc bài viết này tượng trưng cho tất cả những câu chuyện khác có thể nghe, biết và đã làm thử ít nhất 1 lần .
Caroline Thanh Hương


Chuyện thật

image
Trước khi gặp lại một người bạn người nước ngoài mới trở về từ Việt Nam, nó háo hức ơi là háo hức. Anh bạn này là con trai một người lính Mỹ đã từng sang tham chiến ở quê hương trong những năm 60. Anh lớn lên và được kể cho nghe về những đau khổ do chiến tranh gây ra cho người dân quê hương mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, vì muốn bù đắp lại chút nào đó cho con người Việt Nam, anh quyết định gác lại sự nghiệp riêng để sang Việt Nam .

Nhưng sau khi gặp anh bạn nước ngoài này, sự háo hức của nó bỗng trở thành nỗi buồn vời vợi. Buồn lắm vì nó là một nhà giáo trẻ đầy nhiệt huyết. Làm sao không buồn được khi anh bạn nước ngoài, sau một thời gian cống hiến ở Việt Nam, nói rằng anh không tính sẽ quay lại sống ở Việt Nam nữa, lý do chính nằm gọn trong câu nói của anh: “Dân trí ở đây thấp quá. Rất khó sống.”

Mới đầu nó tự ái lắm khi nghe câu nói ấy. Nó phản ứng ngay: “Việt Nam là một nước có nhiều người đi học, nhiều sinh viên đại học, nhiều người có bằng cấp. Làm sao bạn lại có thể kết luận cẩu thả như thế?”

Nhưng người phương tây thường nói có sách mách có chứng đàng hoàng. Bởi thế, nó chỉ còn biết im lặng mà nghe. Ngậm ngùi. Đau.

Anh bạn nước ngoài kể dài lắm nhưng một cách vắn tắt thì như thế này:

“Tôi yêu quý dân tộc của bạn. Tôi cảm thấy khổ tâm khi thấy những hậu quả của chiến tranh để lại. Mới đầu tôi dự tính sẽ sống ở đất nước bạn lâu dài, mong có thể làm được điều gì đó bù đắp lại những đau khổ do cha ông chúng tôi đã gây ra. Tôi thấy quê hương các bạn đang từng bước hội nhập vào cộng đồng quốc tế nên tôi hy vọng giúp các bạn chút vốn liếng Tiếng Anh để các bạn dễ hoà nhập hơn. Tôi không hối hận đã được cống hiến thời gian và sức lực cho các bạn sinh viên Việt Nam vì tôi thích làm điều có ý nghĩa. Nhưng thật là khó sống ở đây khi dân trí khá thấp.”
image
Anh bạn này nói tiếp: “Một lần kia tôi đang đi bộ trong một con hẻm, chợt nghe có tiếng vật gì đang rơi từ trên cao xuống. Theo phản xạ tự nhiên, tôi ngẩng đầu lên xem thì thấy một bịch rác ai đó vứt qua cửa sổ đang rơi xuống. May qúa tôi nhảy qua một bên né kịp chứ không thì…. Rồi lần khác, đang chạy xe trên đường, tôi giật mình khi thấy có người ném một con chuột từ trong nhà ra ngoài đường. Tôi hốt hoảng tránh nó xuýt nữa bị tai nạn. Vứt rác ra nơi công cộng đã là một điều kinh khủng rồi, bây giờ lại ném cả chuột ra ngoài đường. Chiều hôm đó tôi có việc phải đi lại trên cùng một con đường, con chuột đã bị xe khác cáng nát be bét. Nhìn rợn cả gai ốc! À, có chuyện này tôi hỏi bạn. Bạn đã sống ở một số nước ngoài, bạn có thấy người đi xe hay bấm còi không?”
image
“Rất ít khi, chỉ khi nào khẩn cấp thôi.” Nó trả lời.

“Đúng vậy. Còn nhiều người ở quê hương bạn bấm còi rất ồn ào bất cứ lúc nào, ngay cả những nơi cần tôn trọng sự yên tĩnh như bệnh viện, trường học. Rồi trong phòng chiếu phim, có không ít người vẫn bật điện thoại lên nói chuyện tỉnh bơ như chỗ không người Có lẽ họ không thấy chung quanh họ là người bởi vì người thì cần được tôn trọng. Bạn thấy sao?”

“À, thì chuyện đó, tôi cũng không rành lắm vì tôi ít đi coi phim.” Nó miễn cưỡng đáp.
image
“Tôi quen một cô bạn Việt Nam . Có lần tôi theo cô ấy vào bệnh viện để thăm người nhà đang nằm điều trị tại một bệnh viện công. Thân nhân của người bệnh người thì ngồi người thì nằm nghỉ la liệt dưới nền lối đi. Trong các phòng dành cho bệnh nhân, tôi cũng thấy thân nhân họ nằm dưới đất, thậm chí dưới gầm giường. Chữa trị trong môi trường ồn ào, xô bồ như thế này, làm sao mau khỏi bệnh được! Không chừng tạo ra thêm nhiều bệnh nhân mới nữa ấy chứ. Cô bạn tôi còn kể rằng nếu không có tiền mà vào bệnh viện thì dù có gặp nguy hiểm cũng vẫn phải nằm đó chờ. Tôi hỏi lỡ bệnh nhân tử vong thì sao, cô ấy đáp: “Thì chết chứ sao nữa.” Vào phòng thăm người nhà cô ấy, tôi thấy mỗi lần cô ấy muốn nhờ bác sĩ hay y tá điều gì, để cho nhanh chóng và vui vẻ thì cô ấy phải bỏ tiền vào phong bì đưa cho họ, gọi là tiền trà nước. Chẳng lẽ bác sĩ, y tá ở nước bạn cần uống nhiều trà nước vậy sao?!”
image
“À, thì chắc là khí hậu ở đấy nóng nên hay khát nước…” Nó đùa cho bớt đau.

“Bạn biết không, lúc tôi đến nước bạn lần đầu tiên, tôi đi chung với một Việt kiều. Lúc vào cửa khẩu kiểm tra hộ chiếu và thị thực, không hiểu sao anh cảnh sát cứ để bạn tôi đứng đó chờ. Cuối cùng thì bạn tôi bỏ vào hộ chiếu một tờ giấy nhỏ màu xanh xanh, “nhỏ nhưng có võ”, thế là anh cảnh sát vui vẻ cho qua liền và chúc bạn tôi kì nghỉ thoải mái. Tôi là người gốc nước ngoài, hình dáng khác, tiếng nói cũng khác nên không thấy anh cảnh sát nói gì. Chắc cùng là người Việt nên dễ “nói chuyện” hơn! Nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều ấy xảy ra ở nước tôi.
image
Đó sẽ bị coi là một hành vi hối lộ. Ở nước bạn, việc này xảy ra lộ liễu giữa ban ngày như vậy mà không sao nhỉ?”
“Tôi nhớ trước đây báo chí cũng có nói đến việc này, nhưng một thời gian sau thì lại tái diễn và chẳng thấy ai nói gì nữa.” Nó đáp.
image
“Bạn biết không, tôi sẽ không bao giờ quên mùa Giáng Sinh năm vừa rồi của tôi. Chị tôi gửi cho tôi một bánh trái cây (fruitcake) cho chính tay chị ấy làm. Chúng tôi có truyền thống ăn bánh với rượu sữa Bailey vào đêm Giáng Sinh, ngon lắm. Nhận được tin chị báo qua email, tôi mừng quá vì thèm. Nhưng đến khi tôi ra bưu điện lấy quà, người ta đòi tôi hơn 2 triệu đồng, tức là hơn 1 trăm đô-la Mỹ. Ôi trời ơi, chị tôi mất công làm bánh, tốn kém hết cỡ thì cũng chỉ hai ba chục đô-la. Cuối cùng, tuy tiếc hùi hụi nhưng tôi quyết định không nhận món quà ấy nữa vì tôi thấy quá vô lý và bị xúc phạm. Luật pháp Mỹ rất chặt chẽ về việc gửi hàng, nhất là thực phẩm, nên họ đã kiểm tra hàng gửi kỹ lưỡng Vậy mà bưu điện bên đất nước bạn lại tự ý mở bánh của tôi ra xem. Ai mà dám ăn bánh đó nữa. Lúc mở ra, biết đâu người ta bỏ cái gì khác vào đó thì sao. Thêm nữa, ở phiếu dán liệt kê các mặt hàng gửi đã ghi rõ nội dung hàng gửi rồi, tại sao bưu điện nước bạn không biết tôn trọng quyền riêng tư, uy tín của người gửi và người nhận.
image
Nếu họ thắc mắc muốn biết chắc chắn hàng gửi có hợp pháp và an toàn hay không, họ cần phải làm việc với bưu điện bên Mỹ chứ không thể tuỳ tiện mở ra được. Vả lại, một cái bánh nhỏ không thể tốn nhiều tiền như vậy. Lúc ấy, tôi rất thất vọng về sự việc này. Sau đó ít ngày, tôi còn thất vọng hơn khi biết rằng một sinh viên trong lớp tôi dạy cũng rơi vào trường hợp tương tự. Có người chị từ California gửi cho cậu ta một hộp sô-cô-la và một lọ thuốc vitamin C sản xuất tại Mỹ để chúc mừng sinh nhật. Người ta khui cả bưu phẩm ra rồi yêu cầu cậu ta đóng phí 1 triệu 6 trăm ngàn. Cậu ta hỏi tại sao lại phải đóng tiền trong khi chị cậu đã đóng tiền rồi. Nhân viên bưu điện bảo thuốc này cần phải đi kiểm tra lại xem có an toàn không. Cậu ta hỏi ngược lại: “Mỹ là nước có kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới. Các anh có trình độ kiểm tra người ta sao? Mà chỉ là một lọ vitamin C thông thường, chẳng lẽ các anh thật sự quan tâm đến sức khỏe của tôi đến nỗi đi kiểm tra độ an toàn của nó giùm tôi?” Các nhân viên phải xuống nước và giảm phí xuống còn 5 trăm ngàn, nói rằng coi như là xin tiền cà phê sáng.

Cậu sinh viên nói với tôi rằng mấy người nhân viên quèn trong đó thôi cũng đã đeo đầy vòng vàng, nhẫn vàng, họ không thiếu tiền uống cà phê sáng đâu.

“Bạn có vẻ bức xúc quá. Tôi xin lỗi!” Nó trấn an.

“Đúng, tôi bức xúc. À, còn chuyện này nữa. Hôm nọ tôi đi ăn nhà hàng với mấy thầy cô đồng nghiệp bản xứ của bạn. Lúc ăn, tôi thấy họ xả rác bừa bãi xuống sàn nhà. Sao không để gọn trên bàn hoặc cho vào thùng rác gần đó nhỉ ? Bạn thấy không, có bằng cấp cao đâu hẳn là có dân trí cao.”

Nó giật mình vì câu nói này. Hoá ra dân trí là một cái gì khác hơn là bằng cấp.
image
“Bạn biết không,” người bạn nước ngoài kể tiếp, “mới hôm qua thôi, tôi đang đi ngoài đường thì chứng kiến một vụ va quẹt xe máy. Rõ ràng là người A chạy ẩu quẹt vào người B. Vậy mà người A vừa la hét vừa đánh người B, đổ lỗi hết cho người B. Sao người A lại có thể lỗ mãng, vô liêm sỉ như thế? Có lỗi thì phải can đảm nhận lỗi chứ. Sao lại muốn đổi trắng ra đen, lật lọng như thế? À, tôi nhớ đến một vụ tai nạn giao thông khác cách đây không lâu. Người bị nạn nằm trên vũng máu trong khi cả một đám đông bu quanh để xem mà không ai động đậy một ngón tay để giúp đỡ. Trước khi đến nước bạn, tôi nghe rằng người dân ở đây có tinh thần cộng đồng cao lắm. Nhưng tôi thật sự chưa cảm nhận được.”
image
“Ui, nãy giờ say sưa nói chuyện để thức ăn nguội rồi. Nào ta ăn thôi.” Nó mời bạn.

“Đúng rồi. Mình ăn đi. Thú thật với bạn, từ ngày tôi trở về Mỹ lại, tôi mới thấy an tâm khi ăn uống. Bên quê hương bạn, quả là có nhiều món ăn rất ngon, tôi rất thích. Nhưng đáng tiếc và đáng sợ vì thức ăn của các bạn không bảo đảm an toàn thực phẩm. Chính tai tôi nghe một số sinh viên trong lớp nói rằng bây giờ ăn uống là “hên xui”. Ai “hên” thì ăn trúng thức ăn nhiều hoá chất và chết sớm trước khi có con cái. Ai “xui” thì ăn trúng thức ăn có hoá chất bộc phát chậm và để lại bệnh tật di truyền cho con cháu. Tôi nghe mà lạnh hết cả người”

“Đúng là có chuyện thực phẩm của chúng tôi có nhiều hóa chất độc hại do một số người hám lợi mà thiếu lương tâm.” Nó đồng ý.
image
“À, có một điều làm tôi rất ngạc nhiên khi nghe các sinh viên nói với tôi rằng học sinh bây giờ quay cóp trong thi cử nhiều lắm. Hơn nữa, một số người trong vị trí lãnh đạo còn mua bằng cấp chứ không phải tự trau dồi kiến thức mà có. Các sinh viên còn kể cho tôi nghe rằng nếu một sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm muốn cống hiến trí thức của mình cho các thế hệ tương lai trong một ngôi trường, họ phải đóng tiền gì đó đến cả trăm triệu khi nộp đơn xin việc. Việc họ được nhận vào giảng dạy phụ thuộc vào số tiền kia chứ không dựa trên tài năng của họ. Có thật như thế không bạn?”
image
“Ừm, tôi cũng có nghe nói đến tình trạng ấy.” Nó miễn cưỡng trả lời.

“Wow, nếu mà như vậy thì làm sao có dân trí được nhỉ?” Người bạn nước ngoài chặc lưỡi, lắc đầu.

Bây giờ thì nó hiểu ra ý nghĩa của dân trí. Dân trí là một điều gì căn bản và cần thiết cho con người hơn là việc có một tấm bằng lủng lẳng trong nhà. Dân trí không chỉ là đầu đầy chữ nghĩa nhưng là tim đầy vị tha. Dân trí gồm có sự hiểu biết những giá trị tốt đẹp và khả năng chia sẻ chúng. Dân trí đúng nghĩa phải là sự quan tâm đến ích lợi của những người xung quanh. Mình làm gì thì cũng nghĩ đến hạnh phúc của người khác. Dân trí là biết tôn trọng và tự trọng. Dân trí là sống cao đẹp. Dùng bằng cấp, địa vị xã hội chỉ cho việc tìm kiếm tư lợi thì là phản dân trí. Có dân trí là phải biết liên đới với tha nhân bằng tình yêu thương bác ái. Một xã hội dân trí là xã hội gồm có những người biết yêu thương chân thành như vậy.

“À này bạn, tôi cảm thấy thú vị về đất nước của bạn, một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc, đa lý tưởng, đa đảng phái. Thực tế phức tạp vậy mà các bạn vẫn cùng nhau tiến lên đạt được phát triển trên nhiều lãnh vực như kỹ thuật, nghệ thuật, nhân văn, y học, tâm lý, kinh tế, xã hội, chính trị, từ thiện vào bậc nhất thế giới. Theo bạn thì yếu tố nào đã giúp ổn định và phát triển đất nước bạn như thế?” Nó hỏi.
image
“Theo tôi, một trong những yếu tố giúp ổn định xã hội phức tạp của chúng tôi chính là yếu tố niềm tin. Nếu thiếu khía cạnh nền tảng này, ắt hẳn xã hội của chúng tôi đã loạn từ lâu. Đánh giá thấp vấn đề niềm tin khờ dại vất bỏ yếu tố giúp ổn định, hài hòa. Niềm tin chân chính vào một Thượng Đế Tình Yêu giữ cho chúng tôi biết sống có ý nghĩa, trung thực, tôn trọng, vị tha, cầu tiến bằng năng lực của chính mình, bác ái. Khi chúng tôi biết sống những giá trị tích cực ấy một cách tự hào, nhờ có niềm tin, một xã hội phức tạp như của chúng tôi không những giữ được thăng bằng mà còn thăng tiến nữa. Văn minh của chúng tôi là văn minh có lòng nhân ái vị tha làm nền, gọi là dân trí.”

Là người có niềm tin, nó hiểu rõ điều anh bạn nước ngoài vừa nói nên gật đầu: “Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn!”

Một Hướng Nhìn, Một Cảm Nghĩ.

Đọc bài trên net về cái khác giữa người trong và ngoài nước.
Đọc để biết tâm lý người trong và ngoài nước, giữa cái mình cho là Có và cái Không.
Có hay Không đều có ý nghĩa với một người vào thời gian nào đó.
Giàu ở nước giàu chưa chắc là đủ giàu.
Nghèo trong một nước giàu chưa chắc có ai tin.
Giàu trong một nước nghèo khác với Nghèo trong một nước nghèo thì quả thật khác xa với cái mà nhà giàu có thể biết được.
Kính mời quý anh chị đọc để có cái nhìn riêng của mình về sự đa dạng của cuộc sống và lối suy nghỉ của 2 không gian, thời gian khác nhau.
Caroline Thanh Hương


Thói Quen
Người ta thường nói thói quen là những cử chỉ hay hành động, đôi khi có thể là những câu nói cứ lập đi lập lại của con người, ngay cả con vật cũng có thói quen.
Thói quen nhiều khi còn bị ngộ nhận là bản chất. Vì người ta cho rằng do bản chất như vậy nên mới đưa đến thói quen như thế.
Chẳng hạn người đàn ông Tàu, Việt Nam, Ấn Độ (ngày xưa) thường nghĩ mình là gia trưởng trong nhà, nên thường có thói quen quát nạt vợ con. Hoặc những người có chút ít chức quyền thường hành hạ kẻ ăn người ở trong nhà, để thoả mãn tính tự cao tự đại của mình.
Những chuyện thất nhân tâm như vậy, bây giờ nhan nhản khắp mọi nơi ở xứ mình kể từ ngày quê nhà đổi chủ.
Những chuyện trái tai gai mắt chúng ta nói hoài cũng không bao giờ hết. Bởi vì muốn hết, phải có sự thay đổi, nhưng khi người ta không muốn thay đổi (do cố ý) thì chuyện không bao giờ chấm dứt là lẽ đương nhiên.
Ngày xưa khi còn ở trong nước, người ta ít bị bệnh nổ, tức là khoe khoang um sùm về mình, vì một lẽ rất dễ hiểu là những điều khoe khoang rất dễ bị lộ tẩy. Ở cùng một đất nước các chi tiết về gia phả, quê quán, nghề nghiệp, chức tước rất dễ dàng kiểm chứng.
Biến cố 30 tháng Tư năm 75 làm cho người Việt mình phải lưu vong khắp nơi trên toàn thế giới. Chuyện được sống ở hải ngoại hoàn toàn do sự may mắn tình cờ, mà theo đạo Phật, là do cái duyên của người đó, chẳng do sự tính toán của con người. Một anh chàng ở miền biển, nhà rất nghèo, chẳng được học hành gì cả. Nhưng một đêm nọ lang thang ngoài bãi biển, tình cờ gặp một nhóm người đang lui cui đào những thùng dầu chôn dưới cát. Thì ra đó là nhóm người tổ chức vượt biên, để tránh bị bại lộ, họ áp  đảo anh chàng này xuống tàu đi luôn. Chỉ có thế, nhưng về sau anh ta cứ kể lể, chuyện anh được ở đây là một sự trầy trật của gia đình. Bao nhiêu tiền bạc mất hết vì bị lừa đảo nhiều lần, cuối cùng anh mới qua được chỗ này. Anh nghe chuyện thiên hạ, để thêu dệt thành chuyện của mình. Tự tạo cho mình một quá khứ hào nhoáng. Để làm gì? chăng là để che giấu mặc cảm tự ti, vốn thua kém mọi người về phương diện học vấn. Thiệt là sĩ diện rởm, ngày xưa nghèo mạt rệp, hay giàu nứt đố đổ vách, thì ăn thua gì tới người khác. Bản thân mình có thành công không mới là chuyện đáng nói. Bản thân mình có giúp ích cho gia đình, bạn bè, cộng đồng, làng nước, mới là điều đáng kể.
Thật là quái đản khi nhiều người rất thích nổ ở những nơi công cộng.
Xa xứ ngộ cố tri. Gặp đồng hương, được nói tiếng mẹ đẻ là điều an ủi cho người già. Nhưng sau khi tay bắt mặt mừng, lại bắt đầu khoe về mình, thói quen này, hình như nhiều người hay mắc phải. Có nhiều người chỉ gặp nhau sau năm phút, là người nghe đã biết người nói có bao nhiêu căn nhà, có bao nhiêu đứa con toàn sư với sĩ. Nhưng khi kêu gọi giúp đỡ cho trẻ em nghèo, người hoạn nạn thì tự nhiên họ biến mất!
Khi Ban mê Thuột thất thủ vào đầu tháng Ba (10/3/75), những người có chức có quyền biết rằng tình hình chiến sự bất lợi. Một số tướng lãnh  hay nhân viên của Mỹ đã bắt đầu lặng lẽ rời VN. Rồi tới ngày 24 tháng Tư thì cả Tổng Thống lẫn phó TT cũng leo lên máy bay đi luôn, sau những tuyên bố hùng hồn : cùng toàn dân tử thủ đến cùng.
Sau đó khi đài phát thanh của Mỹ phát ra bài hát white Christmas, thì nhân viên của họ biết đó là tín hiệu báo động, tất cả phải di tản ngay lập tức. Dĩ nhiên ai có điều kiện thì họ đã đến những địa điểm  để ra đi an toàn.
Chỉ đến khi xe tăng bắt đầu lừng lững đi vào thành phố, thì sự hỗn loạn bắt đầu xảy ra. Tại sân bay, trên nóc nhà toà đại sứ Mỹ ở Sàigon, nơi bến tàu Khánh Hội, người ta tranh giành để vượt thoát trong giờ phút cuối cùng.
Biết bao hình ảnh tang thương để giành được một chỗ trong những phương tiện thập phần nguy hiểm đó.
Vì có lợi thế bờ biển bao quanh và sông rạch khắp nơi ở miền Nam. Sau khi hoàn hồn, người ta không ngừng hi vọng, bắt đầu âm thầm vượt thoát bằng tàu ghe từ miền Trung, miền Nam, ngay cả đường bộ.
Sau vài năm thấy nước ngoài nhân đạo, dễ dãi trong việc nhận di dân. Miền Bắc cũng bắt đầu vượt biên bằng đường biển, vì Hồng Kông quá gần với bờ biển phía Bắc. Có người còn thoát được bằng thuyền nhỏ chỉ chứa được vài người, đó là những cái thuyền giống như những cái rá vo gạo, gọi là thuyền thúng.
Thoát chết trong gang tấc, thế mà khi đã yên nơi yên chỗ, người ta lại mắc bệnh nổ. Trong 10 năm đầu ( 75-85) gặp nhau ở những nơi có nhiều người Việt, Mít ướt rất dễ nhận ra vì nghề nghiệp, nơi ăn chốn ở, diện mạo bên ngoài. Họ là những người chân ướt chân ráo mới qua. Tiếng Anh thì lúng túng, quần áo thì lùng bùng, nhà ở thì lung tung.
Trái lại Mít khô cũng là người Việt mình, nhưng họ là những người được du học từ lâu, hoặc ít ra cũng được ra đi rất sớm. Dĩ nhiên tiếng Anh của họ thì rõ ràng, quần áo thì xênh xang, cơ ngơi vững vàng.
Mít ướt Mít khô quả là khác nhau một trời một vực.
20 năm sau, không còn ai phân biệt “ ướt hay khô” nữa. Vì quá ê chề khi còn bị kẹt ở quê nhà, họ đã phải trả bằng một giá rất đắt mới có mặt ở đây. Những chuyến vượt biên đầy nguy hiểm, những ngày tù tội trong ngục tù CS. Nên khi tới được bến bờ tự do, mọi người đều cố gắng vươn lên. Chẳng mấy chốc con cái họ cũng ăn học thành tài. Rồi họ cũng có nhà cửa dù không to, nhưng cũng là nơi trú ẩn an toàn cho những ngày còn lại khi tuổi già bóng xế.
Sau năm 75, không còn phân chia ranh giới bằng tuyến 17 là con sông Bến Hải. Người miền Bắc lan tràn khắp nơi, họ vào lập nghiệp ở miền Trung và khắp miền Nam. Rồi họ lan tràn khắp hải ngoại.
Chỉ có một điều không làm sao giải thích, người miền Bắc di cư vào Nam năm 54 và người miền Bắc ở lại gọi là Bắc 75, giọng nói hoàn toàn khác biệt. Dù bây giờ họ có lấy chồng Mỹ, trở thành siêu mẫu, siêu sao theo cách gọi của họ, thì không cách gì họ thay đổi được giọng nói của họ. Thế là lại có từ Bắc Kỳ 9 nút(54) và Bắc Kỳ 2 nút( 75) xuất hiện, và nguyên tắc để nhận ra là giọng nói. Bởi vì bây giờ về VN các cô người mẫu,chân dài, chân ngắn, đại gia, đại cán( bộ) xài tiền như nước. Dẫu họ có ở biệt thự đồ sộ như lâu đài, nhưng khi nói cũng không thể giấu được nguồn gốc của họ.
Bệnh phân biệt và bệnh nổ, hình như là thói quen của người mình. Chuyện tại sao mình được sống ở hải ngoại hoàn toàn không dựa vào những tiêu chuẩn về gia thế, gia phả, tài năng… gặp nhau nơi xứ lạ quê người. Nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình lớn lên rồi làm việc, hiếm khi gặp lại nhau, những người cùng cảnh ngộ, để biết rõ về mình, để kiểm chứng những điều mình nói ra.
Thế là bệnh nổ phát ra. Người ta dễ tạo ra những huyền thoại về mình trong quá khứ. Dĩ nhiên là tưởng tượng hơi nhiều.
Có một nhà văn xứ cao bồi thường viết rất hài hước về những trái khoáy của những người đẻ gần kho đạn”. Hễ ai nói gì cũng chen mang cái tôi của mình vào. Bất cứ chuyện gì mình cũng phải đặc biệt hơn( khác) người. Ngay cả chuyện ăn trưa bằng tô mì gói. Ông pháo binh này luôn luôn có thói quen nêu sự khác biệt của mình với người khác, bằng câu mở đầu “ tôi ấy à…”.
Tôi mà ăn mì gói thì phải đập thêm 2 quả trứng vào. Ý nói sang trọng hơn người chỉ ăn mì không. Khốn nỗi trong chỗ làm chung, nhiều người ngứa tai quá. Họ đã cười nhắc khéo: bố già ơi, đây là xứ Mỹ, một quả trứng chỉ có 10 xu. Người ta không ăn vì người ta không thích, chứ không phải người ta không thể mua. Bố nói câu ấy với dân Hà Tĩnh, hay dân nghèo được cứu trợ bằng thùng mì, để họ ao ước được ăn sang như bố. Nói không đúng chỗ rồi bố ơi.
Đôi khi nghe ông tôi ấy à, khoe đi làm có kẻ hầu người hạ. Nhà ở thì to rộng thênh thang, dù chẳng biết ngày xưa ông ấy ở đâu, làm chức gì. Chỉ biết hiện nay ông không bao giờ bị kê khai lý lịch, trích dọc hay trích ngang, như hồi còn trong nước, nên người làm chung chỉ biết bây giờ ông chỉ là người quét dọn trong sở làm. Cùng là đồng hương, bán anh em xa mua láng giềng gần. Chẳng ai để ý tới chuyện ngày xưa, mình có là ông to bà lớn, hay chỉ là dân khố rách áo ôm. Tất cả đã vùi sâu trong lớp bụi thời gian. Ngoại trừ tính hay nổ, ông tôi ấy à cũng nặng nợ gia đình. Gia cảnh của ông cũng làm se sắt lòng người. Bà vợ bị stroke không thể đi làm, ở nhà nuôi hai đứa cháu ngoại mồ côi. Người ta cũng không chấp nhất gì một ông già khi gánh nặng gia đình vẫn đè nặng trên vai. Đám trẻ vẫn ngồi yên nghe ông kể chuyện, lắng nghe ông tâm tình. Đó là món quà lịch sự nhất của đám VN cùng làm ở hãng. Biết lắng nghe là nguyên tắc đầu tiên trong nghệ thuật đắc nhân tâm. Chỉ có một thằng chuyên nghề kê tủ đứng, mỗi lần nghe ông kể xong, nó cứ hỏi lại: “ bố có nói thách quá không đấy”. Ông không giận, vì chữ nói không đau, nhưng cử chỉ và thái độ người nói mới đau. Thằng kê tủ đứng, chỉ nói bâng quơ không ác ý, còn ông già cũng chỉ nói vói theo: tao còn đẻ ra được mày.
Thói quen riêng như thói quen của mỗi người gọi là thói quen cá nhân, và của một cộng đồng gọi là thói quen xã hội.
Về thói quen cá nhân như ăn mặn, ăn cay, thức khuya, dậy sớm của mỗi con người ít ai nói đến. Nhưng khi người ta vượt ra khỏi biên cương ranh giới quê nhà. Họ mang theo cả những thói quen mà khi còn ở quê huơng ít ai để ý. Bởi vì chung quanh mình, ai cũng như vậy, đâu thấy gì khác biệt .
Không ít gia đình đã đổ vỡ, vì cha mẹ ông bà được bảo lãnh qua sống chung với con cháu, vẫn mang theo những thói quen khó bỏ.
Người ta bảo rằng non sông dễ đổi, bản chất khó dời.
Từ bao đời nay, người Việt dùng đũa để ăn cơm và gắp thức ăn. Muỗng to để chan canh. Suốt mấy ngàn năm chẳng ai thắc mắc gì cả. Chẳng ai mắc bệnh vì ngồi ăn cơm chung. Bao nhiêu thế hệ sinh ra và lớn lên, mọi việc vẫn êm đềm trôi qua. Nay qua sống ở xứ gọi là Hợp chủng Quốc, bắt đầu có nhiều chủng tộc khác len lỏi vào giòng họ. Thằng con rể mắt xanh tóc vàng nói, mọi người húp nước miếng của người khác,vì dùng đũa gắp thức ăn. Đứa con dâu Ấn Độ nấu món gì cũng cho cà ri cay xé họng. Thằng cháu đích tôn thì cứ nhăn nhó sao ông bà weird quá, mặc pyjamas mà ngồi ở phòng khách xem báo. Ăn cơm xong miệng vẫn ngậm tăm xỉa răng. Bà nổi điên lên, bảo tao có ở truồng đâu mà weird. Thằng con trai thì mặt mày nhăn nhó, như đứng giữa ngã ba đường: bên tình bên hiếu, biết chọn bên nào. Mắng con cũng không được,vì nó nói đúng mà.
Ôi văn hóa Âu Tây đã làm cho người ta phải gọi dân tộc mình có nhiều thứ xấu xí, man rợ quá. Dù đó chỉ là ẩm thực : ăn thịt chó mà còn làm thơ ca tụng:
Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó.
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
Không những ăn dồi, mà còn ăn tiết canh chó. Rồi cách giết chó lại càng nhẫn tâm hơn. Trấn nước, đập đầu, dù đó là con chó thân yêu ngày đêm canh gác cửa nhà cho chủ. Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.
Thật sự ra, thói quen ăn uống mà người ta hay nói là khẩu vị, cũng chỉ là một loại phản xạ có điều kiện của cái lưỡi. Nếu từ khi sinh ra một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng những loại thức ăn toàn rau củ thực vật, thì khi lớn lên không thèm khát thức ăn có nguồn gốc động vật. Chưa kể hệ thống tiêu hóa thích ứng với những thức ăn dễ tiêu, rất khó tiêu thụ những thứ thức ăn khác.
Hãy nhìn những dân tộc chuyên ăn chay như người Tây Tạng ( đa số), hay các nhà sư  đủ mọi chủng tộc. Họ có thấy ngon miệng ( appetite) khi ăn không? Những người chuyên ăn thịt cá rụt rè hỏi. Có chứ, tất cả những đứa trẻ từ khi sinh ra, cho tới khi lớn lên trở thành những nhà sư uyên bác, không có một sự khác biệt gì, bởi các thức ăn thực vật mà họ đã ăn để nuôi thân. Và nghiên cứu khoa học bây giờ đã chứng minh các thức ăn có nhiều xơ ( thực vật) lại là những thức ăn tốt nhất cho hệ tiêu hóa.
Ngày xưa có chuyện một ông vua ăn đủ thứ sơn hào hải vị, vẫn kêu ca không thấy ngon. Có một ông trạng ( Quỳnh) xin cống hiến một món ăn sẽ giúp cho vua thấy ngon miệng. Vua mừng lắm, bằng lòng cho ông trạng thử tài. Ông trạng bắc nồi lên nấu, vua ngồi chờ. Thỉnh thoảng để vừa bớt sốt ruột, ông trạng giả bộ nếm, rồi nói chưa xong.
Vua cứ ngồi chờ, chờ mãi cho tới khi bụng đã đói cồn cào. Lúc đó ông trạng mới nói món ăn đã chín. Vua được cho ăn, nhưng chỉ một chén nhỏ. Vua ăn mà cứ nức nở khen ngon, xin thêm nhưng ông trạng từ chối.
Vua khen rối rít, muốn ban thưởng lụa là châu báu cho ông trạng, để ông chỉ cho đầu bếp của vua cách nấu món ăn tuyệt vời này.
Ông trạng không nhận quà thưởng, chỉ thưa rằng, đây là món ăn của người nghèo. Đó chỉ là cháo trắng ăn với muối. Nhưng khi đói thì ai ăn cũng thấy ngon. Sở dĩ ngài không cảm thấy ngon miệng,vì được ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu, gây khó chịu cho bao tử và ảnh hưởng tới cảm giác của lưỡi. Chứ thật ra Phật đã bảo rằng, thức ăn sau khi trôi qua cổ họng, xuống bao tử để co bóp xay nhuyễn thành chất nuôi cơ thể. Khi qua ruột già thành chất cặn bã thì cái nhà xí kia tiếp nhận, nó cũng chẳng hề biết đây là chất thải của một ông vua, hay là chất thải của một người nghèo khốn chạy ăn từng bữa.
Nhà vua đã ngộ ra một chân lý của cuộc đời, bộ máy tiêu hóa và căn nhà xí kia đối xử công bằng với mọi thứ mà nó phải phục vụ. Mà thật ra cái lưỡi cũng không có lỗi, cái có lỗi chính là cái đầu của con người.
Phật bảo rằng ai sinh ra cũng có lòng từ bi bác ái, cũng như Khổng Tử cũng từng nói: nhân chi sơ tính bổn thiện.
Phật còn nói chung quanh chúng ta, ai cũng có 6 con quỉ( lục tặc) lúc nào cũng lôi kéo con người làm điều xằng bậy tội lỗi.
Khi ăn mặn đã là một cách đối xử không công bằng với thú vật. Vì con người là sinh vật thượng đẳng cao cấp nhất trong các loài vật có sự sống. Con người có bộ óc có thể làm những chuyện, mà những con thú không làm được. Con người có thể giết thú vật để làm thức ăn. Không ngừng lại như thế, người ta còn muốn lùng sục săn những loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Không những muốn ăn những thứ quý hiếm, con quỉ ác còn xúi người ta tăng cảm giác ngon miệng bằng cách hành hạ các con vật trước khi chết, xem chúng phản ứng như thế nào. Cũng như Hitler ngày xưa đã thử nghiệm xem người ta có thể chịu đựng tới bao nhiêu mới chết. Kẻ độc tài đã dùng đủ thứ cách tàn ác: nhận chìm một người còn sống trong bồn chứa đầy đá lạnh, hay  ngăn không cho ngủ…
Tính dã man theo kiểu Hitler, người ta vẫn đem ra làm trò tiêu khiển ở VN. Nơi mà sự tàn ác vẫn nhan nhản khắp nơi. Ở các quán nhậu người ta dùng một con vịt để ăn tiết canh nhiều lần. Đầu tiên hứng máu chảy ra từ một bên đầu cánh. Sau đó mới tới phiên cánh bên kia, cuối cùng mới cắt cổ. Hoặc họ lấy mật gấu trực tiếp từ một con gấu còn sống để pha chung với rượu. Mặc cho con vật oằn lại đau đớn. Chẳng có chủ quán nhậu nào bị phạt vì tội hành hạ súc vật. Suy cho cùng chủ nhân của họ, những người lãnh đạo cũng tàn ác không kém với những người dân nghèo khốn khổ. Biển nhiễm độc, cá chết trắng bờ, lụt lội khắp nơi, người dân nghèo quê tôi biết trông cậy vào đâu?
Ngày xưa khi còn bé, tôi không thể nào chịu được tiếng kêu thảm thiết của một con dê, bị treo lên cái cột của cái mái hiên một nhà trong xóm. Người ta đánh con dê từ sáng sớm cho đến chiều tối. Họ bảo rằng đánh như vậy để con dê toát hết mồ hôi, khi ăn sẽ không còn mùi hôi của nước tiểu. Họ làm như trong cơ thể con dê có sẵn một túi mồ hôi. Trong khi nước tiểu chỉ được chứa trong bàng quang, khi xả ra thì hết. Tội nghiệp cho con dê, vì mùi đặc trưng của giống, mà nó bị hành hạ dã man bởi những con người ngu ngốc, để tăng thêm cảm giác cho cái lưỡi của họ. Có thực sự họ khoái khẩu do hành hạ con dê, hay do chính cái đầu họ nghĩ vậy!
Đông là Đông Tây là Tây.
Đúng là nhân đạo hay tàn nhẫn là do cách nhìn của con người. Bên này dãy núi Pyrenees là chân lý, bên kia là tội ác.
Bên Mỹ chỉ có giết một con sóc hoang, mà hàng xóm thấy được cũng bị vô tù.
Ngay cả cách nuôi dưỡng thú nuôi để lấy thịt, hay thú nuôi trong nhà, cũng phải có tính nhân đạo. Một nông trại nuôi gà đã bị phạt vì nuôi gà quá chật chội thiếu vệ sinh. Họ nhân đạo theo cách nghĩ của họ, ngay cả giết gà tại nhà cũng không được phép, vì cầm dao cắt cổ gà vịt rồi đem nhúng nước sôi vặt lông, thấy man rợ quá. Thôi thì khuất mắt trông coi. Những con gà, những con bò bị giết hàng loạt bằng máy móc nhanh nhấp nháy, chứ không bị hành hạ trước khi chết. Người ta cảm thấy không ghê rợn, vì cuối dây chuyền sản xuất, chỉ thấy cho ra những mảng thịt bò, những miếng thịt gà gọn ghẽ.
Những thói quen mà khi ở quê nhà, người ta coi như chuyện bình thường. Xả rác bừa bãi, phóng uế tuỳ tiện, không coi trọng của công, bứt hoa dẫm chân trên cỏ ở công viên, vẽ bậy trên tường, khạc nhổ vung vãi…
Những bãi rác khổng lồ, bên trên là tấm bảng “cấm đổ rác”.
Từ tác phẩm Người Tàu xấu xí, ta thấy người Việt mình cũng chẳng hay ho gì.
Quả thật thói quen xã hội phản ánh trình độ nhận thức của những con người sống trong xã hội đó.
Mặt đẹp, ăn mặc hàng hiệu, nhưng khi chạy xe bị cọ quẹt, thì miệng  tuôn ra những tiếng thật tục tĩu, nhuần nhuyễn như một tay giang hồ tứ chiếng. Người mẫu hay nữ sinh cũng cá mè một lứa. Những bài thơ ca ngợi thiếu nữ như “ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”,  nghe chừng như xa lạ.
Em tan trường về, anh theo Ngọ về. Bây giờ không còn nữa, nữ sinh bây giờ phóng xe ào ào. Chẳng còn e ngại “em không dám đi mau, sợ chàng chê hấp tấp. Số gian nan không giàu”. Hình như e lệ không còn là đặc tính của nữ sinh, khi trong quán nhậu người ta thấy các bà các cô cũng hò hét dô dô. Khi say thì tóc tai rũ rượi, quần áo loã lồ. Một gã đàn ông say xỉn đã coi không được, này lại là một mụ đàn bà, thì xã hội chẳng coi luân thường đạo lý là thước đo tư cách con người nữa.
Quê tôi bây giờ, người ta không còn thói quen giữ những truyền thống như xưa. Như Nguyễn Bính đã từng than thở “ hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.
Tất cả đều đổi mới đến chóng mặt. Chẳng còn các em gái vườn quê dầm mưa dãi nắng”.  Con gái dưới quê chẳng có ruộng vườn để cày cấy, họ phải đi kiếm ăn ở thành phố: bán bia ôm, làm tiếp viên trong các quán nhậu, hay lấy các ông chồng thiểu năng, tật nguyền xứ Hàn, xứ Đài.
Người ta bắt chước phương Tây đủ thứ theo kiểu trưởng giả học làm sang.
Ngày xưa nhà văn Vũ Trọng Phụng tả Xuân tóc đỏ là một thứ “ chó nhảy bàn độc”. Nhờ thời được bà me Tây mê mẩn, theo kiểu già nhân ngãi, non vợ chồng, bây giờ đầy rẫy Xuân tóc đỏ trong xã hội VN bây giờ. Chẳng biết chúng ta nên cười hay khóc.
Nhà thơ Tú Xương đã phải thốt lên “ xu hào rủng rỉnh mán ngồi xe”.
Gia đình là căn bản của xã hội. Khổng Tử đã nói rằng tề gia trị quốc bình thiên hạ. Nhưng bây giờ bức tranh gia đình quây quần vào buổi tối, mà nhạc sĩ Phạm Duy đã nói trong bản nhạc: cha tôi ngồi đọc báo, mẹ tôi ngồi đan áo, không còn nữa.
Buổi tối bố trong quán nhậu, mẹ đi nhảy đầm, con thì đàn đúm cờ bạc rượu chè hút sách. Đó là hình ảnh của xã hội VN bây giờ, bức tranh với nhiều mảng đen trắng. Một đất nước đứng đầu thế giới về lượng bia tiêu thụ, về tỷ lệ ung thư, về môi trường độc hại. Mặc kệ ai kêu gọi, mặc kệ những phi lý bất công, người ta vẫn quay cuồng hưởng thụ.
Về mặt nề nếp, quả thật xã hội Âu Tây có những điều rất đáng ca ngợi. Trẻ con đã thấm nhuần cung cách xếp hàng chờ đợi, không chen lấn la ó trước đám đông. Mọi người tuân theo mọi qui định do pháp luật đề ra. Cảnh sát là người giám sát người dân, nhưng cũng là người giúp đỡ người bị nạn. Chứ không phải cảnh sát là người chuyên rình rập để bắt bớ người, vu oan giá họa cho họ để ăn tiền tham nhũng.
Khái niệm của lòng từ bi nhân đạo cũng khác nhau tùy theo hoàn cảnh xã hội. Bên này dãy núi Pyrenees là chân lý, nhưng bên kia là tội ác.
Qua Ấn Độ, về VN bạn sẽ thấy nhan nhản trẻ con làm những việc lao động rất cực nhọc. Bê hàng chồng gạch nặng chĩu trên đôi tay gầy guộc bé nhỏ, lau chùi dọn dẹp ở những quán nhậu đến tận nửa đêm với bộ mặt phờ phạc, hoặc cắm cúi ngồi đánh giầy cho khách bộ hành. Những hình ảnh làm tê tái lòng người phương xa, nhưng lại bình thường trong trái tim những kẻ cầm quyền. Chẳng phải là bóc lột trẻ thơ, mà là giúp đỡ cho gia đình các em đó có được miếng cơm manh áo.
Nhân quyền và quyền lợi của trẻ em, người già là những khái niệm mơ hồ ở các nước nghèo đói.
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ngày xưa còn ở quê nhà, con cháu thường sống chung với cha mẹ ông bà trong cùng một mái nhà. Chẳng ai kêu ca thắc mắc, hết thế hệ này tới thế hệ khác, coi như chuyện bình thường.
Các cụ thường bảo rằng ăn thì nhiều, chứ ở chẳng bao nhiêu. Khéo ăn thì no khéo co thì ấm.
Điều này thật là trái ngược khi sống ở xứ người. Khi mua nhà, ngân hàng đã ước lượng tiền nhà chiếm1/3 tiền lương thu nhập. Chẳng ai làm chủ hoàn toàn đúng nghĩa là nhà của mình, vì dẫu trả hết tiền mượn ngân hàng, bạn vẫn phải trả tiền thuế hàng tháng cho chính phủ. Đây là số tiền không nhỏ.
Như vậy đúng lý ra ở hải ngoại người ta phải sống theo kiểu ngũ đại đồng đường, cho bớt phần chi phí về tiền nhà mới hợp lý.
Trái lại phong tục tập quán ở Âu Tây không dựa vào sự hợp lý đó. Giới trẻ sau 18 tuổi, luật pháp cho phép chúng được toàn quyền không còn bị lệ thuộc vào cha mẹ. Khi còn đi học ở trung học, cha mẹ chỉ được biết kết quả học tập của con cho đến khi 18 tuổi. Khi bắt đầu học đại học, nhà trường không còn cho cha mẹ biết con mình học hành như thế nào. Họ chỉ báo cho biết đứa con học bao nhiêu credit, có đủ để được bảo hiểm sức khỏe theo cha mẹ không. Mỗi lục cá nguyệt đậu rớt bao nhiêu credit, chứ hạng mấy thì không nói. Cha mẹ chỉ có một bổn phận duy nhất là đóng tiền học. Có rất nhiều cha mẹ ít học, chẳng biết con mình học hành như thế nào, chỉ biết ở trong nội trú. Sau vài năm trường đuổi về nhà vì rớt các môn học. Nhưng con cái sau khi học xong, có công ăn việc làm chúng cũng dọn ra ở riêng, bất kể chỉ là đứa con duy nhất, con gái cũng như con trai.
Khi còn độc thân chúng còn xử sự như thế, thì tới khi lập gia đình, chuyện cha mẹ dọn vào ở chung là điều không thể xảy ra.
Cha mẹ (người bản xứ) đôi khi cũng không muốn ở chung với con cháu. Tự do cá nhân là tiêu chuẩn đầu tiên trong mọi mối liên hệ, đó là kim chỉ nam cho mọi hành động. Ngay khi còn đi học trung học, cha mẹ cũng không được (phép) vào phòng riêng của con. Bạn có cảm thấy bị xúc phạm tới quyền làm cha mẹ cũng không được. Vì điều này luật pháp cũng hỗ trợ cho đứa trẻ.
Người già ở VN khi sống ở hải ngoại thường mang tâm trạng cô đơn. Một nhà văn đã gọi đây là xứ lạnh lùng.
Con cháu không muốn ở chung với ông bà cha mẹ, vì không chịu được những thói quen của người già. Bởi vì chúng muốn có quyền tự do  làm bất kỳ cái gì theo ý chúng, muốn đi ngang về tắt không bị ai quấy rầy.
Cha mẹ chỉ biết thở dài, nước mắt chảy xuôi hay nợ đồng lần. Đừng mang tiêu chuẩn bằng cấp ra so sánh, dẫu con là người có bằng cấp hay chức phận thì các bậc sinh thành cũng vẫn phải sống theo cách cư xử của phương Tây.
Quả thật cái tự do ở xứ này đôi khi cũng có phần quá đáng, trong cách suy nghĩ của các đấng sinh thành.
Bỗng dưng những người già nghĩ đến những ngày còn ở quê nhà. Ăn bằng đũa, mặc những bộ đồ thoáng mát dạo chơi trong xóm. Ghé nhà này nhà kia không cần báo trước. Nhai trầu bỏm bẻm cũng chẳng ai thấy ghê rợn, chưng mắm kho quẹt cũng không ai kêu hôi kêu thúi. Ôi sao mà sung sướng.
Qua xứ người muốn nuôi con gà trống để nghe nó gáy mỗi sáng cũng không được. Hàng xóm than phiền ồn ào, nuôi con chó sủa nhiều cũng có cảnh sát tới khuyến cáo hàng xóm kêu ca.Tự do của người này bị giới hạn bởi tự do của người khác.
Vậy mà người ta gọi là xứ tự do. Ngày xưa khi còn ở quê nhà, muốn đi câu thì cứ kiếm chỗ nào có nước, thả cần câu xuống. Đâu có ai tới hỏi license đi câu.
Ở VN người ta muốn làm gì thì làm! Hát karaoke ầm ĩ bất kể đêm ngày, nhà cửa muốn xây cất tùy ý chả cần phép tắc gì cả.
Hoá ra bên VN, người ta được tự do làm trong trói buộc. Vì là chính thể độc tài đảng trị.
Còn bên Mỹ, người ta bị trói buộc trong tự do. Vì là nước dân chủ tự do.
Dù không được làm mọi chuyện tuỳ tiện như khi còn ở quê nhà, người ta vẫn muốn di cư qua Mỹ. Cột đèn nếu có chân thì cũng muốn qua Mỹ. Chúng bảo rằng qua Mỹ, chân cột đèn không bị người ta tè bậy, khiến chúng lúc nào cũng toả ra mùi khó ngửi.
Người ta vẫn muốn qua Mỹ để ngày ngày nhớ tiếng gà gáy, nhưng không còn thấy cảnh người bóc lột người. Đi chợ mua rau hay trái cây không thắc mắc nghi ngờ, rau sạch hay rau bẩn. Đã có cơ quan kiểm soát thực phẩm rất gắt gao. Mạng sống của người dân xứ họ, không thể coi thường như mớ tôm, mớ tép. Khi có người bị nạn, việc đầu tiên là được mang tới nhà thương để cứu sống sinh mạng. Các cơ quan hữu trách có thể dùng bất kỳ phương tiện nào hữu hiệu nhất, trực thăng hay xe cứu thương. Không có bất kỳ thủ tục gì để hạch hỏi có tiền hay không? Người hợp pháp hay người di dân lậu. Họ chỉ biết đây là một sinh mạng con người, phải dùng mọi cách để cứu chữa.
Dù có rất nhiều trói buộc trong đời sống, để duy trì mọi trật tự của xã hội. Nhưng khi sống trong xã hội phương Tây nhân phẩm con người được tôn trọng. Khi có việc tới công sở không ai  phải khúm núm thưa trình. Không ai bị quát tháo dọa nạt.
Thôi đành dẹp những thói quen xưa, để bắt đầu những thói quen mới. Bỏ trầu, bỏ mắm kho quẹt. Không hút thuốc trong nhà tuỳ tiện như xưa.
Điều quan trọng là bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Con cháu mình là những đứa con có ăn có học. Không phải chúng bất hiếu, mà bởi vì cuộc sống ở mỗi nơi mỗi khác. Nhập gia tùy tục.
Không kêu ca than phiền, vì có biết bao người muốn “ bị trói buộc” như mình. Ban đêm ngủ không bị ai gõ cửa còng tay, vì bị gán vào những tội mà mình không làm. Thấy cảnh sát không sợ nếu mình không vi phạm luật.
Khi già nếu nghèo hay không có nơi nương tựa, cũng chẳng vất vả kiếm ăn nơi bãi rác bán mặt cho trời, bán thân cho đất.
Được cái này thì mất cái khác. Mỗi khi có thiên tai bão lụt thì chính quyền đã ra tay cứu trợ cấp kỳ. Điện cúp, nước cúp sẽ trở lại nhanh chóng. Không phải lo mỗi khi trời mưa, đường biến thành sông như ở quê nhà.
Con nít không lo thất học. Người nghèo không cần phải ngóng chờ từng bao gạo, thùng mì cứu đói. Tiền chính phủ giúp được gửi về địa chỉ nơi cư ngụ.
Không ai quát tháo khi đến các văn phòng để nộp đơn.
Tự do của bạn được bảo vệ tối đa, thì bù lại bạn cũng phải tự mình bỏ đi những thói quen tuỳ tiện.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Nhập gia tùy tục. Người ta đã gán cho chúng ta là những người may mắn. Những người đẻ bọc điều.
Phải chăng nỗi canh cánh của những người phải xa lìa quê cha đất tổ là được trở về nơi chôn nhau cắt rốn.
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa.
Nở hoa trong lòng tất cả người dân Việt trên toàn thế giới. Lúc đó chúng ta lại cùng nhau trở về quê cũ.
Về đây nghe em, về đây nghe em.
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc.
Chao ơi chỉ nghĩ thế thôi, mà lòng đã lâng lâng vui sướng. Chẳng còn than thở nước Mỹ lạnh lùng.Thay vào đó là những khuôn mặt lạnh lùng vô cảm của những kẻ cai trị người dân quê tôi. Có tai như điếc, có mắt như mù.
Chỉ vì họ không có thói quen nghe tiếng nói của lương tâm con người.
Họ chỉ mang bộ mặt người thôi, nhưng trái tim thì của loài dã thú.
Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi.
Quê hương chỉ còn là nơi để nhớ trong tâm tưởng.
Chẳng biết đến bao giờ thanh bình mới thật sự nở hoa trên quê nhà yêu dấu.
 Tác giã L.T.M.
Hội "quăng bút" hải ngoại, LHCT độc quyền phát hành