mercredi 14 mars 2018

Người Lãnh Án Tử Hình (tự truyện của Nguyễn Như Ý)

Có những chuỵên tù, tù chung thân mà có khi người vào tù chẳng còn chút hy vọng tương lai thì chuyện lại xảy ra y như giấc chiêm bao theo lời bối toán của người cùng trại giam.
Nếu đó là số trời, thì trời cho mình cái đời sau bình yên khó mà tưởng tượng được.
Mời quý anh chị đọc truyện kể dưới đây.
Caroline Thanh Hương

 Résultat de recherche d'images pour "tù cải tạo"

Người Lãnh Án Tử Hình (tự truyện của Nguyễn Như Ý)



Hiển thị thư gốc
Vào ngày 15:47 Thứ Năm, 8 tháng 3 2018, thu hien

(PHAN DAU)
LTS. Sau tháng Tư 1975 tại Việt Nam , người viết loạt bài này từng lãnh án tử hình vì bị kết tội “phục quốc.” Đúng như quẻ bói đoán trước trong xà lim tử hình, người tù được giảm án xuống chung thân, hơn 8 năm sau, giảm thành 20 năm. Rồi nhà tù ăn có chính sách đổi mới, cũng đổi mới bằng cách cho tù đi phép để thâu tiền, người tù tử hình về nhà, và duyên số...
* * *
1. Án Tử Hình.
Tôi lập gia đình năm 1977, vợ của tôi là cô bạn học chung lớp từ thuở lớp 10. Từ tình bạn đồng môn ban đầu, hai năm sau, năm lớp 12, một ngày nọ, bất chợt nhìn thấy ở cuối lá thư của nàng nhờ bạn học lén chuyền cho tôi trong giờ học, nội dung thư cũng chỉ là những chuyện tào lao, ta ri...ta ra...của tuổi học trò như hàng trăm lá thư mà chúng tôi đã gởi cho nhau trước đó, nhưng ở cuối thư nàng lại chấm dứt bằng ba chữ mới tinh: Em yêu anh! Nàng đã ngỏ lời yêu tôi trước, còn tôi lại cúi đầu run run e lệ, thẹn thùng, ngoẻo đầu, cắn móng tay... chấp nhận. Quen nhau năm 70, yêu nhau năm 72, nhưng mãi hai năm sau ngày “bể dĩa, tan hàng tháng Tư 1975, chúng tôi mới cưới nhau tháng12-1977. Không may, duyên số của chúng tôi lại quá ngắn ngủi vì đến tháng 4-1979, khi con gái đầu lòng của chúng tôi mới 8 tháng tuổi thì cả hai chúng tôi đều bị bắt vì tội "Chặt tre, chống Trời" (Chính trị) !

Khi ra tòa, tôi bị lãnh một bản án kinh hoàng: Tử hình! Còn vợ tôi, tòa án xét vì cô ấy chỉ làm theo lời chồng và con gái của chúng tôi còn quá nhỏ, cần phải có mẹ nuôi dưỡng nên đã tuyên cho cô ấy một bản án tù ở bằng đúng với thời gian tạm giam cho tới ngày ra tòa, nghĩa là trả tự do ngay tại tòa ngày tuyên án.Trong biệt giam tử hình, tôi có một người "bạn tù" cùng mức án, đã ở trong đó trước tôi và chờ ngày thi hành án là chú Ba P. tức là Tr/Tá Đinh Văn P. .Sau ngày 30/4/1975, chú Ba đã không chịu ra trình diện mà còn dẫn cả một đoàn quân hỗn hợp đủ mọi quân binh chủng thuộc QLVNCH vào rừng, lập ra một chiến khu kháng chiến chống chính quyền CS.

Hơn một năm sau, vào đầu năm 1977, khi mật khu kháng chiến bị bao vây tấn công và tan rã, chú Ba bị bắt tại chiến trường, vì mải mê chiến đấu mà quên chừa lại viên đạn hay quả lựu đạn cuối cùng cho bản thân chú! Vì là bạn đồng chí & đồng cảnh nên chúng tôi rất mau chóng thân thiết nhau. Chúng tôi vẫn bình tĩnh, vui vẻ sống trong một hoàn cảnh mà giờ đây khi nhớ lại, tôi vẫn còn rợn người, không thể hiểu được vì sao chúng tôi lại tỉnh bơ khi cái chết cận kề đến như vậy? Cho đến một ngày kia, bên ngoài nổi cơn giông. Sau một hồi sấm sét rung rinh đất trời, cơn mưa tầm tã đổ xuống ầm ầm tưởng chừng như không bao giờ dứt. Tôi ngồi bó gối, ngước lên khe cửa sổ tí xíu nhìn ra ngoài trời mưa gió...nhớ lại hoàn cảnh của bản thân, nhớ tới vợ con, nhớ tới gia đình...tự nhiên tôi tuôn nước mắt trong lặng thinh.

Dưới ánh đèn bóng vàng vọt của cát-xô, chú Ba trông thấy tôi như vậy, ông buột miệng:
- Sao tự nhiên chú em có vẻ nản chí như vậy, chú em có chuyện gì mà buồn vậy?
- Sao không buồn được chú Ba, chuyện mong ước chưa thành, chưa làm được điều gì cho dân tộc mình nhờ, chưa xong bổn phận với gia đình, vợ con; mới có hai mươi mấy tuổi đầu thì bản thân cháu đã lãnh án tử, nằm chờ ngày chết ở pháp trường thì làm sao mà cháu không buồn?

Đang nằm, Chú Ba bật ngồi dậy, nhìn thẳng vào mặt tôi chăm chú một hồi rồi ông khẽ khàng nói:
- Chú em yên tâm đi, chú em không bao giờ chết vì cái bản án tử hình này đâu, đừng có nản chí.
- Trời đất, tòa đã tuyên án tử mà cháu thì không làm đơn xin tha tội chết, như vậy thì nay mai, sớm muộn gì tụi nó cũng sẽ xách cháu đem đi bắn là cái chắc rồi, làm sao mà cháu không chết vậy Chú Ba?
- Tao nói chú mầy không chết đó! Nếu muốn biết chắc chắn thì mình xích ra xa nhau một chút cho trống chỗ, tao coi cho chú mầy một quẻ là biết liền.

Sở dĩ ông nói vậy vì chúng tôi nằm trên nền tráng xi măng, cùng bị cùm hai chân vào một thanh sắt, hai tay của chúng tôi đều đeo đồng hồ Omega (còng số 8). Do căn biệt giam quá hẹp, muốn có một chỗ trống giữa hai người, chúng tôi phải dọn dẹp bớt những tư trang ít ỏi, những keo hũ lọ đựng thức ăn gia đình đã thăm nuôi mới có được một khoảng trống cỡ một mặt bàn học trò mẫu giáo. Ông kêu tôi khấn vái một câu gì đi rồi nói cho ông biết, căn cứ vào đó, ông sẽ coi cho tôi một quẻ.Và tôi đã khấn:
-Cầu xin Trời Phật, những vị khuất mày khuất mặt...cho con biết tương lai, hậu vận của con ra sao.

Chú Ba dùng chai dầu gió Song Thập viết dòng chữ này xuống nền xi măng, khoảng trống mà chúng tôi vừa tạo ra, rồi chú gạch gạch, xóa xóa, viết ra thành một dề số chi chít, kín cả tấm bản xi măng. Sau mươi phút im lặng, nhìn vào dề số chằng chịt đó, mặt ông dãn ra, tươi hẳn lên, ông thở một cái khì như cậu học trò vừa giải đúng được một bài toán khó. Chú nói:

-Chuyện đầu tiên tao muốn nói với chú mầy là tao xác định chú mầy sẽ không chết trẻ như vầy đâu. Mạng của chú em mầy rất lớn vì nhờ luôn có ông Quan Đế Thánh Quân với lại nhiều vị Ơn Trên phò hộ. Chú em mầy thọ ghê lắm, tới gần ngót nghét một trăm tuổi lận đó! Hồi nhỏ thì hơi khó nuôi nhưng càng già thì càng mạnh giỏi, không có bệnh tật gì tầm bậy tầm bạ như người khác đâu. Từ bây giờ cho tới đó, có bỏ chú em vô cối mà giã thì chú em cũng văng ra, sống khỏe re. Bây giờ là tháng tư âm lịch phải hông, tới tháng mười, tức là sáu tháng nữa thì chú em sẽ thấy kết quả cụ thể là chú em sẽ không chết. Rồi đó, coi như chú em biết mình sẽ còn sống dài dài. Hễ còn sống tới già thì còn rất nhiều chuyện phải lo, vậy chú em muốn biết thêm chuyện gì nữa đây?

Không biết có phải vì trong hoàn cảnh tuyệt vọng nên khi tôi quớ được lời phán tiên tri đầy lạc quan của Chú Ba, kể từ giờ phút đó trở đi, tôi trở nên phấn chấn, yêu đời hẳn lên vì tin chắc chắn vào một tương lai tươi sáng (đã thoát chết án tử mà lại còn sống dai nữa) đang chờ đón tôi. Tôi vui vẻ hỏi:

- Vậy chú Ba cho cháu biết chuyện gia đình, vợ con cháu sẽ ra sao đi?

Nghe tôi hỏi như vậy, Chú Ba lại cắm cúi nghiên cứu tiếp, một lúc sau, chú trầm ngâm nói:

-Chú em mầy không có duyên nợ lâu dài với vợ con lần nầy đâu! Vợ chồng, con cái đều ...khắc tử với nhau. Nếu ở gần nhau thì vợ chồng, con cái tụi bây sống chưa nát tấm chiếu là sẽ bị mất mạng đó. Con gái của hai đứa bây cũng vậy, nó khắc với cha mẹ ghê lắm. Cái số của nó là phải làm con nuôi của người ta, nó mới không gây hại số phần của cha mẹ và mới nên người được. Sau nầy khi lớn lên, nó vẫn biết chú mầy là cha của nó nhưng nó sẽ không ở chung nhà mà chạy đi, chạy về thăm chú mày thôi. Nói là con nuôi người ta nhưng những người đó cũng là ruột rà, máu mủ gần như cha mẹ ruột của nó vậy.
(Mãi sau này, tôi mới biết tin là khi chúng tôi bị bắt, vợ chồng người anh hai của vợ tôi đã đón con gái tôi từ nhà ba má vợ tôi mang về nuôi luôn, cho tới khi gả chồng năm nó 22 tuổi. Anh chị của vợ tôi chỉ có hai đứa con trai nên yêu thương, nuôi dạy nó như con ruột, nhưng khi nó vừa có đủ trí khôn, anh chị đã cho biết nó là con nuôi và đúng ra nó phải gọi anh chị là cậu mợ!)

-Còn vợ của chú mầy thì...nói thật chú mầy đừng buồn, thím nó không có số sống gần chồng con! Hiện thím được thả ra rồi nhưng không có ở gần để nuôi dạy con đâu. Thím nó đang bôn ba kiếm sống xa nhà lắm, rày đây mai đó, đầu đình xó chợ mới có cái ăn qua ngày. Chú mầy đừng buồn, đừng tự trách bản thân đã thiếu trách nhiệm với vợ con. Tao nghiệm trong lá số này, biết chú mày rất thương vợ con và rất nặng lòng muốn lo cho vợ con, nhưng chỉ tại vì cái số của tụi bay là như vậy đó. Trời định rồi, không cãi lại được đâu!

Và cũng rất lâu về sau, khi gặp mặt gia đình lúc được thăm nuôi, tôi mới biết vợ tôi khi đó đang đi theo một đoàn hát cải lương nhỏ của tư nhân, bán và soát vé vào cửa, vì vậy nên không thể mang con theo mà phải tiếp tục để nó lại cho anh chị hai nuôi và dạy học cho nó. Anh chị hai của vợ tôi trước 75 là hai nhà giáo dạy Trung học đệ nhị cấp. Anh bị động viên đi SQ Thủ Đức, cấp bậc & chức vụ sau cùng là Đ/úy chỉ huy phó Căn Cứ tồn trữ nhiên liệu Gò Vấp, cục Quân Nhu /QLVNCH. Sau ngày mất nước, anh bị đi tù cải tạo hơn ba năm, khi trở về thì nhà cửa, cơ ngơi đã bị tiếp thu nên anh phải sống tá túc trong nhà ba má vợ tôi, ngày ngày cùng chị làm những công việc lao động không tên để nuôi sống bản thân anh chị và hai đứa con trai và con gái tôi. Sau đó anh chị bị bắt buộc đi kinh tế mới tận vùng rừng sâu, nước độc Dương-Minh-Châu, Tây-Ninh. Đây lại là một câu chuyện dài có dính dáng, liên lụy tới vợ chồng, cha con tôi. Xin sẽ kể lại đoạn sau này.

Thấy tôi ngồi im lặng không hỏi thêm điều gì nữa, biết tôi đang bị nhiều điều đau đớn cào xé tâm can, chú Ba nói tiếp tới như muốn giúp tôi quên đi cái số phần quá hẩm hiu, đen đủi, oan trái của gia đình và bản thân tôi:

- Tao nói chú mầy đừng có buồn nữa, tại số Trời đã định như vậy rồi, có muốn cãi lại cũng không được đâu mà. Sau ngày mất nước rồi thì còn có biết bao nhiêu gia đình khác bị rơi vô hoàn cảnh túng cùng, khổ ải hơn nhà chú mày nhiều! Tan nhà, nát cửa, mất hết vợ con, còn bị mất mạng luôn nữa, như...tao nè! Vậy mà tao có buồn đâu, số Trời đã định rồi chú ơi. Biết như vậy rồi thì chú mày hãy yên tâm, cam phận. Nếu chịu chấp nhận số phận rồi thì nghe tao nói tiếp chuyện "con vợ sắp tới" của chú mầy nè.

Vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh tiên tri một số phận nghiệt ngã của gia đình, tôi ngơ ngác nhìn chú Ba:
- Vợ con...sắp tới là sao chú Ba, vợ con nào vậy chú Ba?

Chú Ba như không nghe câu hỏi ngớ ngẩn của tôi, chú cúi sát bản số tiên tri vận mệnh của tôi, tính toán một hồi thật lâu rồi nói chầm chậm, thật rõ như sợ tôi không chú tâm nghe:
- Tao nói trước 7 điều về người vợ sắp tới của chú mày nha:1/ Năm 36 tuổi, chú mầy sẽ gặp người vợ thứ hai.2/ Con nhỏ đó là một người lai nhiều dòng máu chứ không phải người Việt "chánh nòi" đâu.3/ Bên cánh tay trái của nó, từ bắp vai xuống tới cùi chỏ, có một cái thẹo hay cái bớt, cái vá heo gì đó dễ thấy lắm.4/ Nó ở gần nhà chú mày.5/ Nó có quen biết gia đình gia đình chú mày, quen biết luôn gia đình cô vợ hiện nay của chú mày nữa đó.6/ Con nhỏ đó chủ động tới tận nhà làm quen, chứ không phải chú mày là người tấn công nó trước đâu. Cái số của chú mày có trốn trong phòng riêng đi nữa thì cũng có đàn bà, con gái tụi nó tới ...kiếm mày hà. Tin tao đi!7/ Hai đứa tụi bay làm đám cưới khi đang có...đại tang!

Tôi suy nghĩ một lúc rồi hỏi chú Ba:
-Cháu có thắc mắc này xin chú cho cháu biết, năm nay là 1981, cháu 28 tuổi, vậy năm cháu 36 tuổi là 8 năm nữa, năm 1989 phải không? Như vậy nếu cháu "bể án" tử hình xuống án chung thân, cháu chỉ mới ở tù có 10 năm thôi (tôi bị bắt năm 1979) mà án chung thân tội chính trị thì làm gì có chuyện được tha sớm để gặp gỡ rồi cưới vợ trong năm 1989 vậy chú Ba?

-Nếu muốn biết chi tiết như vậy thì phải tính toán thêm nhiều lắm, mà cái chỗ này viết kín mít rồi làm sao viết thêm đây? Nhưng tao cam đoan 100% năm 36 tuổi chú mày sẽ có vợ, qua năm sau nữa khi 37 tuổi, chú mày sẽ có một thằng con trai. Có...chặt đầu tao, tao cũng vẫn cam đoan đúng là như vậy.

- Chú cháu mình án tử hình, bây giờ tụi nó xử bắn không hà, chứ đâu còn xài máy chém hay mã tấu nữa, Chú Ba?

Cả hai chúng tôi vô tư cười lăn ra sau câu nói đùa rùng rợn của tôi...Sau đó, tôi cũng quên hết buồn phiền, thản nhiên chờ đợi số phận, chờ đợi có một đêm nào đó, cánh cửa sắt cát-xô biệt giam này mở ra, rít lên ken két như tiếng nghiến răng của Tử Thần, tôi sẽ bị kêu tên để mang ra pháp trường khi trời chưa mờ sáng...Những năm đó, án tử hình tội chính trị có nhanh gì cũng phải 2-3 năm sau khi kêu án mới bị bắn. Không phải bởi lý do gì gì khác như chờ thẩm tra lại hồ sơ, chờ cứu xét giảm án...v.v...mà mục đích chính cho chuyện "câu giờ" này là để phòng ngừa tử tội có liên quan tới một hoặc vài vụ án khác, nếu bắn sớm quá thì e rằng sẽ bị những bị can khác đổ thừa cho tử tội đã chết mà chạy tội cho mình. Chính vì vậy mà có những tử tội bị tuyên đến hai, ba cái án tử hình! Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Câu nói đó có thể đúng với những người tù còn mong có ngày mãn án nên mới cảm thấy ngày tù quá dài. Ngược lại, người tử tù lại thấy sao một ngày trôi qua quá nhanh, cuộc đời mình sao quá ngắn ngủi. Những ngày nằm trong cát-xô tử hình, tôi "giải trí" bằng cách cố nhớ lại quá khứ, những ngày đã qua của cuộc đời mình, từ khi mới bắt đầu có ký ức của một đứa trẻ rồi từ từ lớn lên với bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn. Với những chuyện đáng tiếc trong quá khứ, tôi phân tách thật chi ly mọi khía cạnh, lỗi lầm, sai sót của tôi để suy ra phương cách hành xử hợp lý nhất cho chuyện đó kết thúc thật hoàn hảo, chứ không tệ hại như trong thực tế đã xảy ra. Với những kỷ niệm đẹp, tối cố tình "chế" ra thêm, tưởng tượng ra thêm cho nó được kéo dài như bất tận....Cứ như vậy, tôi sống những ngày trong biệt giam mà tâm trí lại bay thoát tự do ra ngoài trời cao, không còn nhà tù, không còn phòng biệt giam tù túng, chật chội, tăm tối...không nghĩ tới ngày mai tôi sẽ còn cơ hội nhìn thấy ánh bình minh ban mai nữa hay không ...
2. Nửa đêm đọc lệnh
Cánh cửa phòng cát-xô biệt giam bật mở kêu lên ken két trong đêm khuya khu biệt giam tử hình nghe thật ớn lạnh đến rợn người...Tôi và chú Ba ngồi bật dậy, hai cái vòng sắt cùm chân quá chật nghiến thịt tôi tóe máu mà tôi nào có biết đau đớn gì! Đứng ngoài cửa có ba tên cai ngục áo vàng, nón cối che sùm sụp tới tận sống mũi như sợ người tử tù trông thấy mặt rồi sau khi chết sẽ hiện hồn về đòi nợ máu vậy!

-Thằng nào "nà" Nguyễn Như Ý, đứng "nên", chuẩn bị ra ngoài, đồ đạc để "nại" đó.

Tôi đưa hai tay, đang bị đeo còng số 8, siết chặt hai tay chú Ba, run run nói:
-Vậy là cháu "đi" trước chú Ba rồi! Chú ở lại...mạnh giỏi nha chú Ba.

Chú nhìn thật sâu vào mắt tôi, rất chậm nhưng thật rõ ràng, chú nói lại câu nói ngày nào mà chú đã nói với tôi:
-Chú em yên tâm đi, chú em không bao giờ chết vì cái bản án tử hình này đâu.Tôi choàng hai tay qua đầu chú Ba rồi ôm siết chú, như thay thế một lời vĩnh biệt mà tôi không sao nói lên được.

Đó là lần sau cùng tôi còn nhìn thấy chú Ba...Ba tên cai ngục dẫn tôi vào văn phòng của tay Giám thị trưởng trại giam, nơi vẫn thường làm cái thủ tục đọc lại bản cáo trạng và bản án mà tòa án đã tuyên cho tử tội nghe, cho họ ăn một bữa ăn và hút một điếu thuốc, trước khi làm nốt thủ tục sau cùng là mang ra pháp trường.Trong phòng đã có ba tên nữa đứng dàn thành hàng ngang, chờ sẵn trước khi tôi bị áp giải vào. Tên Thượng tá trưởng trại tay cầm một xấp giấy tờ; tên Trưởng phòng chấp pháp trước kia đã từng trực tiếp "làm việc" với tôi trong thời gian lấy cung (đúng ra phải nói là khảo cung tôi) và một tay lạ mặt vận thường phục, mà sau này tôi mới biết là Thẩm phán đại diện cho tòa án. Tên Trưởng phòng chấp pháp nhìn mặt tôi rồi xác nhận tôi đúng là phạm nhân Nguyễn Như Ý và ký vô biên bản. Tôi thầm nghĩ: "Như vậy là....xong hồ sơ mình rồi!"Tên Trưởng trại lạnh lùng ra lệnh cho tháo còng tay tôi rồi nói lớn:
- Phạm nhân Nguyễn Như Ý đứng nghiêm, nghe đọc quyết định của chủ tịch nước!

Cái đầu tôi đang trống rỗng không chút suy nghĩ, bỗng làm việc lại thật nhanh: "Sao lạ vậy ta? Mình không làm đơn xin tha tội chết, sao lại có quyết định của chủ tịch nước?"Tôi chưa kịp nghĩ tiếp thì tên công an trưởng trại đã đọc một hơi cái quyết định. Thật ra hắn đọc lắp bắp, cà lăm cà lặp vì đọc chữ không thông, nhiều đoạn bị ngắt quãng, im lặng do hắn phải đánh vần thầm. Nội dung cái quyết định nhắc lại tội trạng "phản cách mạng, phản lại Tổ Quốc, phản lại Nhân Dân của tôi và tôi đã bị kết án tử hình.Lúc đó có thể vì không còn gì để mà sợ trước cái chết đang hiển hiện chắc chắn không thể thoát khỏi, tôi tự nhiên đâm ra bực bội, nổi giận vì tên này đang kéo dài thời gian chờ chết của tôi và tra tấn tinh thần tôi vì sự dốt nát của hắn. Tôi hít một hơi dài, tính yêu cầu hắn bỏ qua những phần thủ tục rườm rà, đọc ngay cái phần quan trọng nhất cho rồi, khỏi mất thì giờ!" Nhưng, xét vì tên Ý chưa gây ra nợ máu với nhân dân, chưa gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho đảng và nhà nước, chưa đến mức cách ly vĩnh viễn cuộc sống (?), còn có thể được cải tạo lâu dài nên nay chủ tịch nước quyết định ân xá cho tên Nguyễn Như Ý từ án tử hình, thành án tù chung thân kể từ ngày bị bắt! Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và công an nhân dân tỉnh....có trách nhiệm buộc tên Ý thi hành quyết định này"..........Hà Nội ngày.....tháng 11 năm 1981, Chủ tịch nước đã ký.....(Tháng 11 đương lịch là tháng 10 âm lịch năm 1981)

Tôi bị áp giải ra phòng giam tập thể ngay sau khi nghe đọc quyết định nên không thể trở về cát xô nói lời từ biệt, vĩnh biệt chú Ba, nhất là nói cho chú Ba biết lời tiên tri đầu tiên của chú cho vận mệnh của tôi là hoàn toàn chính xác.Sau vài tháng giam ở phòng giam tập thể, đầu năm 1982, tôi được chuyển ra miền Trung thụ hình án tù chung thân khổ sai tại trại tù A-20 Xuân Phước. Trại cải tạo A-20 này còn có tên do anh em tù nhân đặt cho nó là "Thung lũng tử thần" hay như KQ Đỗ Văn Phúc gọi, nó là "Tầng địa ngục cuối cùng".
*
3. Trại tù Chung Thân Khổ Sai
Trong trại tù A-20, tôi có quen biết rất nhiều các bác, chú, anh em đồng cảnh ngộ tù chính trị như tôi. Các vị đó gồm đủ thành phần trong chế độ VNCH từ một người Nông dân chân chất, anh Sinh viên, Giáo sư đại học, Luật sư, Bác sỹ y khoa, các vị SQ Hải- Lục- Không quân QLVNCH, các vị Bộ trưởng trong chính phủ, các Thầy dòng hay Linh mục, các Đại đức, các vị Mục sư, các vị Quản đạo Cao Đài, Hòa Hảo... Và trong số các "bạn tù" đó có vài người thân tình như linh mục Đ., đại đức T.T.S, Đ.Úy ĐPQ H.M.Q, Th/Tá Tiểu đoàn trưởng Công Binh H..Q.T...đã chấm cho tôi lá số Tử Vi. Có một điều lạ lùng là các vị đó đều nói y chang như chú Ba về người vợ trong tương lai của tôi.Đọc những hồi ký của cựu tù từ trước tới nay, tôi thường thấy người ta than rằng đói khổ lắm. Điều đó ai mà không biết. Đã thế chúng tôi lại là những Tù Nhân Khổ Sai, bị án chung thân, trong khi cả nước thiếu ăn thì bọn tù no làm sao được!

Năm 1986, nhà nước CSVN thay đổi, đi theo chính sách gọi là "Đổi mới", xã hội và kinh tế VN như đang hạn hán gặp mưa rào, ngoi ngóp hồi dương sau hơn mười một năm hấp hối. Kinh tế VN khấm khá hơn. Ngoài xã hội "có ăn" thì trong nhà tù cũng được...ăn có! Khoai mì lát, bo bo, cao lương đỏ, bột mì luộc...từ từ biến mất trong bữa ăn của tù nhân, thay vào đó là cơm gạo. Thức ăn mặn truyền thống "canh đại dương" (nước muối luộc rau muống) dần dần trở thành: đầu tiên là xác mắm thối kho nước muối, sau rất lâu sau đó là thức ăn mặn thật sự, dù khẩu phần rất là khiêm tốn, như cá tạp kho, thịt mỡ kho...Đã đi qua giai đoạn thèm rau xanh tới mức vặt sạch cả cỏ kiểng để ăn, tới giai đoạn đội trồng rau xanh gánh sản phẩm củ cải trắng, cải bẹ xanh tù-xậy...từ ngoài đồng về bếp trại, cân để lấy số liệu báo cáo rồi lại gánh thẳng ra...hố rác đổ bỏ vì không còn bất cứ ai nuốt cho nổi nữa.Các CA quản giáo nhận các lô đất khoán, chuyển qua trồng những loại nông phẩm thật sự có lợi ích kinh tế, nhận các ao nuôi cá, lò gạch...hay làm cai thầu nhận các đội tù nhân có tay nghề xây dựng, làm mộc ra ngoài làm thuê nhà cửa cho dân. Tù nhân đã thật sự làm giàu cho các cán bộ CA (thay vì "làm giàu" cho nhà nước) thì cách nhìn của họ đối với tù nhân cũng thay đổi, không còn cực kỳ tàn độc, bất nhân như trước....Đã có những bữa tiệc ăn nhậu thường xuyên được tổ chức trong các nhà lô của các đội với những lý do vu vơ nào đó như mừng vụ mùa bội thu, mừng cán bộ quản giáo mới tậu được chiếc xe Honda cúp (xe second hand nhập cảng từ các nước Đông Nam Á)...mà các cán bộ CA quản giáo và quản chế dẹp cất hết súng ống, ngồi bệt xuống đất chung chén, cụng ly với tù nhân. Quà thăm nuôi không còn khống chế chỉ có 3 kí lô nữa mà xả cảng, tùy theo khả năng của gia đình cho bao nhiêu thì tù nhân được nhận bấy nhiêu. Định kỳ thăm nuôi từ ba tháng một lần tăng lên một tháng hai lần. Một nhà thăm nuôi mới khá rộng rãi, khang trang, có vườn hoa cây kiểng rất đẹp được chia ra thành nhiều phòng riêng có giường ngủ, bàn ghế để cho các phạm nhân "cải tạo tốt" được ở lại thăm gặp gia đình, vợ con có khi cả tuần lễ, ăn gần hết quà thăm nuôi mới chịu trở vô.Nhà tù ăn có đổi mới. Bể ánChính nhờ chính sách Đổi mới mà đến giữa năm 1988 có một chủ trương "cách mạng" trong chính sách cải tạo là: nếu các tù nhân đã thụ án được 1/2 bản án, không có thành tích trốn trại, không bị giam kỷ luật vì phạm nội quy trại, được gia đình làm giấy bảo lãnh ...thì được phép "cải tạo không cách ly xã hội", nói nôm na là được trại giam cấp một giấy chứng nhận đang cải tạo không cách ly xã hội, mang về trình CA tại địa phương cư trú rồi ở lại nhà mình, đi làm ăn kiếm sống, nuôi gia đình như một người bình thường.Hàng tháng, tù nhân phải quay về trại đổi giấy chứng nhận và đóng cho trại một số tiền, gọi là tiền công lao động đóng góp cho quỹ của trại. Số tiền này không phải là nhỏ, nhưng có rất nhiều gia đình cắn răng ăn mắm húp dòi, chắt mót, tiện tặn để mua sự tự do (!) cho chồng con, cha anh. Chính sách cải tạo không cách ly xã hội này chỉ áp dụng cho tù chính trị phạm. Các tù nhân hình sự, dù chỉ còn dăm ba tháng của bản án cũng tuyệt nhiên không được hưởng chính sách này!Năm 1988, tôi "bể án" chung thân xuống mức án 20 năm, sau đó được giảm thêm 6 tháng vào đầu năm 1989. Tính ra từ khi bị bắt đến thời điểm đó, tôi đã thụ hình được 1/2 bản án 20 năm. Như vậy là tôi đã lọt vào danh sách đủ điều kiện "cải tạo không cách ly xã hội".
4. Tù đi phép. Vợ con. Duyên số
Sau khi má tôi đứng tên bảo lãnh và qua hàng loạt những thủ tục "đầu tiên", tôi đã cầm được tấm giấy xác nhận cải tạo không cách ly xã hội do trại giam A-20 cấp, có hiệu lực một tháng và cho phép tôi..."đi lại trên khắp lãnh thổ Việt-Nam, làm ăn mọi ngành nghề mà pháp luật CHXHCNVN cho phép"Không thể nào viết lại được niềm vui sướng tột độ của tôi khi cầm được tấm "bùa" sẽ giúp tôi trốn trại hợp pháp này. Đúng nghĩa đen là như vậy vì nhờ có được lá bùa này, đã có mấy chục anh em tù nhân chính trị trọng án như tôi, từ trại giam A-20 trốn trại, vượt biên thoát được ra nước ngoài an toàn. Sau đó họ lại nhờ tấm giấy bùa này, có đóng mộc đỏ chét của trại giam A-20, chứng nhận họ đang là tù Phản Cách Mạng, trọng án đang thụ hình mà họ và gia đình nhanh chóng được cứu xét cho đi tỵ nạn tại các nước tự do khắp thế giới. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ lại có một cơ hội như thế cho những tù nhân chính trị, gia đình và thân nhân của họ như thế nữa!

Tôi trở về ngôi nhà cũ của mình, nơi đã lớn lên cùng cha mẹ, anh chị em sau mười năm lưu đày biệt xứ. Đã có quá nhiều thay đổi, khung cảnh xưa nay đã gần như không còn lưu lại được mấy nên khi đứng trước con hẻm dẫn vào nhà mình, tôi cứ tần ngần, nhìn đi nhìn lại coi đã đứng đúng con hẻm nhà mình hay chưa? Tôi mở cửa bước vào nhà mà lòng nửa vui mừng, nửa hồi hộp tưởng như mình đang xâm nhập vào nhà của ai đó, vì ngay trong nhà tôi cũng đã thay đổi quá nhiều. Nhà trước kia rất đông người, suốt ngày rần rần, rộ rộ nên tôi không thấy nó rộng lớn, nay thì anh em tứ tán bốn phương trời, ngôi nhà vắng ngắt như tờ, chỉ còn lại thui thủi một mình má tôi nên tự nhiên sao tôi thấy nhà mình rộng lớn quá chừng, phòng đâu mà nhiều phòng quá vậy? Nhà rất rộng nhưng gần như trống trơn, không có bao nhiêu đồ đạc vì sau 75, hưởng ứng chiến dịch "Nhà sạch nhà, phố sạch phố", bao nhiêu đồ gỗ như bàn, tủ, ghế, salon đều đã bị bán sạch trơn để đổi lấy cơm gạo! Ngay cái tủ chân quỳ bằng gỗ cẩm lai thật đẹp làm tủ thờ ông bà cũng đã biến mất, thay vào đó là một cái bàn thờ chân cao bằng gỗ tạp. Tôi lặng lẽ thắp mấy nén nhang dâng lên, rồi đứng lặng im nhìn những di ảnh của những người thân yêu ngày nào, nay đã không còn nữa. Sau khi bị quy tội Tư sản mại bản và tịch thu hết cơ ngơi, tài sản, mọi xe cộ cơ giới, con cái thì bị đi tù cải tạo, ba tôi phát bệnh và mất năm 1977. Ba tôi trước 75 là một nhà khai thác lâm sản và đồng thời là thầu xây dựng cho Điện Lực Việt Nam , vì vậy nên bị kết tội "công tác với Ngụy quyền Sài-Gòn". Nhưng ngay khi thấy hình ảnh má tôi đang lúi húi nấu bữa ăn chiều sau bếp, cái cảm giác lạ nhà của tôi biến mất và tự nhủ "đúng nhà mình đây rồi"! Má tôi biết trước là tôi sẽ về nhưng bà không biết chính xác là ngày nào nên bà rất bất ngờ, vui mừng vì thật sự đã thấy thằng Út đang đứng ngay cửa bếp, im lặng nhìn bà, nó cười rất tươi nhưng trên đôi má lại ướt đẫm hai dòng nước mắt.Bữa cơm chiều được dọn ra bàn nhưng hai má con không ăn mà chỉ ngồi kể chuyện, đúng ra là tôi im lặng nghe má tôi kể lại chuyện gia đình. Khi nói đến vợ con tôi, bà ngập ngừng một lúc rồi khẽ khàng nói:
-Con gái của con vẫn đang sống với cậu mợ Hai của nó ở đâu miệt kinh tế mới Dương Minh Châu, Tây Ninh từ hồi hai vợ chồng con bị bắt cho tới bây giờ. Nó được cậu mợ Hai dắt về thăm má mấy lần, nó cũng biết mình chỉ là con nuôi của cậu mợ và biết má là bà nội nó, nhưng khi má xin "bắt" về đây mà nuôi thì nó không chịu! Má nói về đây có trường học đàng hoàng, có tiện nghi đèn đuốc đầy đủ, tiện cho nó ăn học hơn ở vùng kinh tế mới thiếu thốn, khổ cực mọi bề...nhưng nó khôn lanh giống con lắm, nó nói rành rọt như người lớn vậy. Nó nói nó sống với Ba Má Hai từ nhỏ tới giờ nên nó thương như ba má ruột, hơn nữa là Ba Má Hai là hai giáo sư hồi xưa nên dạy cho nó hay hơn thầy cô giáo trong trường nhiều. Nó nói trong trường học cái gì thì nó học cái đó, không thiếu một môn gì nhưng không có hắc ám như trong chương trình của Nhà Nước đâu nội ơi! Ba Má Hai còn dạy con tiếng Anh, tiếng Pháp nữa đó nội, trong trường học cỡ lớp của con, họ chưa có dạy nên mấy lần con thử nói chiện bằng tiếng Anh & Pháp với mấy đứa bạn bằng (tuổi) con, tụi nó hỏng biết con nói tiếng gì hết đó nội! Mà thiệt đó con, má thử hỏi nó mấy câu chào hỏi xã giao bằng tiếng Pháp, nó trả lời nhanh như két mẹ vậy, mà lại đúng giọng Parisiène nữa chứ! Ba Hai của nó là giáo Pháp Anh cho mấy trường trung học lớn ở SG trước khi ổng là Đ/úy, con biết mà phải hôn?

Thấy tôi vẫn im lặng không hề hỏi hay nói một câu gì từ đầu câu chuyện, má tôi nói tiếp:
-Còn vợ của con thì...thì...nó chết rồi! Má nghe cậu Hai nói, vợ con sau khi ra tù, nó đi theo một đoàn hát cải lương, làm nhân viên bán và xét vé vô cửa để kiếm sống. Cách đây mấy năm, đoàn hát đang lưu diễn ở miền Trung, gặp mưa bão, nó bị sưng phổi rồi viêm phổi cấp tính gì đó rồi chết.

Đoàn hát chôn nó ở ngoài đó, cả năm sau khi họ có dịp lưu diễn ở DMC, Tây Ninh mới tới nhà báo cho Ba Hai của gái con biết tin! Sau đó, tôi có tìm gặp anh hai của vợ tôi, thăm con gái tôi. Anh cho biết vợ tôi mất năm 1985, tại tỉnh Phú Yên nhưng cũng không biết chính xác vợ tôi đã được chôn cất tại nơi đâu. Ngay cả ngày tháng vợ tôi mất cũng không biết, nên có muốn cúng giỗ cũng không biết phải làm vào ngày nào.Bất chợt tôi nhớ lại lời tiên tri của chú Ba về vợ con tôi. Chú đã nói trước tám năm nhưng không sai một ly. Cái tâm trạng đau đớn, chua xót dằn xé tâm can ngày nào khi tôi nghe chú Ba tiên đoán vận mệnh cho tôi trong phòng biệt giam, bỗng bùng dậy làm đau thắt tim tôi, đầu óc tôi quay cuồng chao đảo, tự nhiên tôi thấy không ngồi vững, phải lấy hai tay bấu chặt lấy cạnh bàn. Ngày dấn thân vào con đường tranh đấu cho Lý Tưởng Tự Do, tôi đã chấp nhận ngay cả cái chết, nhưng định mệnh đã khiến tôi không chết mà lại đổ ập bao đau thương, khổ ải, ly tán...lên đầu vợ con tôi như thế này? Như vậy khi tôi thoát chết có phải là điều may mắn cho tôi?Suốt cả tháng sau ngày trở về, tôi cứ thẫn thờ ra vô trong nhà, có khi ngồi hàng giờ một mình trong phòng nhìn ra cửa sổ, đầu óc trống không. Rồi có khi giữa đêm khuya, tôi lấy xe chạy ra công viên Hồ Con Rùa, ngồi ghế đá, nhìn cảnh đêm khuya cô tịch không bóng người, tôi lại cảm thấy lòng mình nhẹ đi.Rồi từ từ tôi lấy lại quân bình tâm trí và sống trở lại với thực tế, chứ không như một người bị mộng du giữa ban ngày nữa. Tôi thấy nguy cơ sẽ có ngày nào đó bị bắt buộc quay trở lại nhà tù, giống như một con dao nhọn hoắc lơ lửng ngay trên đầu mình. Tôi vẫn còn bản án chín năm sáu tháng tù khổ sai chờ tôi trước mắt. Tôi cảnh báo với má tôi nguy cơ ám ảnh này, tới lúc đó má tôi mới nói là bà đã lo trước tôi nữa kia. Bà đã âm thầm kiếm đường "binh" cho tôi vượt biên, trốn thoát ra nước ngoài rồi, nhưng vì thấy tôi chưa tỉnh hồn, tỉnh vía nên bà chưa dám "bấm nút". Bà nói sẽ gởi cho tôi đi ngay chuyến nào gần ngày nhất có thể, nhưng bà còn đắn đo vì nếu chẳng may mà tôi bị bắt lại thì phen này bị tăng án là chết chắc! Trời Phật, Thánh Thần không thích chuyện lặp lại hai lần đâu.Từ đó, tôi đã nhiều lần vượt biên bằng ghe đánh cá, bằng đường bộ xuyên qua đất Cam-Bốt nhưng...không thoát được. Lần nào cũng bể, bị đuổi bắt quyết liệt, bị bắn hụt xém chết mấy lần! Nhưng đúng như chú Ba đã nói, mạng của tôi rất lớn nên lần bể nào cũng thoát nạn, trở về nhà bình yên vô sự. Chuỗi ngày tháng tôi cải tạo không cách ly xã hội là những chuyến vượt biên ly kỳ còn hơn trong phim nữa.
"Tận nhân lực, tri thiên mạng" Và rồi tôi đã đón nhận cái thiên mạng an bài cho tôi: gặp người vợ thứ hai!Tôi không nhớ rõ ngày nào, chỉ nhớ là sau chuyến đi vượt biên hụt, trở về nằm nhà chờ...chuyến khác thì má tôi nói:
-Con đừng buồn, con người ta có số mà. Sao má thấy con lận đận quá, trong khi mấy đứa anh em mày hễ má lo cho đi là đi một cái một hà! Hồi lúc mới trở về, mày có kể cho má nghe chuyện chú Ba nào đó có bói là mày sẽ gặp con vợ thứ hai của mày trong năm nay phải hông? Hay là tại mày chưa gặp con vợ thứ hai của mầy nên mày mới... không đi được? Dám đúng là như vậy lắm à nha! Vậy để má dẫn con xuống chợ Bà Chiểu giới thiệu cho con một con nhỏ này ngộ lắm. (Ý bà nói là đẹp lắm) Má biết nó lâu lắm rồi. Nó cũng bán ở chợ Bà Chiểu, gần sạp vải của má. Nhà nó chỉ có ba chị em gái. Chị em của nó đều chồng con lâu rồi mà nó không chịu lấy chồng, cứ ban ngày lo buôn bán rồi tối tối thả đi...nhảy đầm với bạn bè. Má hỏi nó sao gần ba chục tuổi rồi mà không chịu lấy chồng đi, nó chỉ cười rồi nói là chưa thấy ai hạp với nó hết. Biết đâu duyên số khiến nó chờ...mày đó con. À nói vậy mới nhớ, mày có nói tới vợ hai của mày là người VN lai phải hông? Con này nó cũng...lai đó con, mà lai Ấn-Độ Bom-Bai hay sao đó mà nó đẹp ghê lắm, nhất là cặp mắt nó có lông mi dài như cánh con bươm bướm dậy đó.

Bà nói say sưa một hơi không ngưng, đến khi nhìn thấy mặt tôi nhăn nhó, bà mới khựng lại.

- Má à, con đang lo muốn chết luôn đây nè! Đi không được cứ bị bể riết, quay về hoài, tâm trí đâu mà nghĩ tới chuyện khác. Hơn nữa con vẫn còn là một thằng tù chính trị trọng án, ai mà thèm hay dám quen biết với con mà má tính giới thiệu chi cho mất công? Hơn nữa nếu nó có chịu làm vợ con thì chỉ khổ thêm vì con mà thôi. Cái thân con đã lo chưa xong, còn lôi kéo thêm người khác dính vô nữa. Con không muốn làm khổ lây cho ai đâu má ơi.

-Mày nói vậy chứ một khi thương rồi thì mày có là tù đi nữa, nó cũng thương như thường con ơi. À ! Mà con nhỏ này nó cũng...vượt biên nhiều lần lắm rồi đó nha con. Nó có kinh nghiệm vượt biên lắm, bể hoài mà có bao giờ nó bị bắt đâu. Hỏng chừng số tụi bay hạp với nhau, nó sẽ...dắt con đi trót lọt thì sao? Dám đúng như vậy lắm à nha.

Bà nói xong, phớt lờ tôi cự tuyệt, bà bắt tôi phải chở bà xuống Chợ Bà Chiểu, nơi bà có một sạp bán vải trong nhà lồng, để dọn hàng ra bán phụ bà, mục đích là có dịp giới thiệu tôi với...con nhỏ lai Ấn Bom-Bai đó.Xuống tới chợ, bà dẫn tôi vô khu tầng trệt nơi có nhiều quầy bán vàng bạc nữ trang, dừng lại trước một quầy khá bề thế, không thấy có ai nên bà gọi:- Nga ơi, con đâu rồi?Từ phía sau tủ kiếng, một cái đầu tóc mô-đen xù như bờm sư-tử nhô lên và...nàng xuất hiện!
*5. Những ngày Chưa Quên
Dù thật lòng không muốn tham gia vô cái vụ giới thiệu này chút nào và tôi có đi cũng chỉ để làm vui lòng bà già thôi, nhưng ngay trong 1% giây đồng hồ khi "đọ nhỡn" với nàng, cái PC trong đầu tôi đã ô-tô-ma-tích cho ra ngay lập tức một nhận xét tổng thể về nàng: Đẹp! Đúng như má tôi nói, người con gái tên Nga này có một khuôn mặt và nhất là đôi mắt rất đẹp của những người mang trong mình hai dòng máu Việt - Ấn. Cao ráo, tướng người thon thả, nước da bánh mật, ăn vận rất hợp thời trang nhưng không quá lố lăng.Sau khi tươi cười chào hỏi má tôi, nàng nhìn qua tôi:
- Dì Sáu, anh đây là...

- Thằng C. con trai út của dì đó con! Cái thằng mà dì đi thăm nuôi nó ngoài miền Trung hoài đó. Nó về rồi nè.

Quay qua tôi, bà nói :
- Con nhỏ này là con Nga mà má nói với con đó! Nó bán gần sạp vải của má, nó mua hàng vải của má hoài nên quen, xuống nhà mình chơi...tứ sắc với má cho vui rồi nó chơi thân với con Điệp nhà mình luôn (Điệp là em gái út của tôi). Hai đứa tụi nó rủ nhau đi chơi chung hoài à.

Nàng cười với tôi rất tươi:
- Em mừng cho anh. Anh về lâu chưa, sao em gặp dì Sáu hoài mà không nghe dì nói chuyện anh được về, nếu biết thì em đã xuống nhà bắt dì Sáu mở party ăn mừng rồi.

Chuyện buồn của vợ con vẫn còn sâu nặng và chi phối tinh thần tôi chưa nguôi ngoai. Đã mang mặc cảm tự ti nặng chình chịch trong lòng, nay lại bị bà già giới thiệu cho một cô chủ tiệm vàng xinh đẹp, tôi lại càng bị sốc nặng hơn nữa. Dù rằng gia đình tôi cũng không thua kém gì gia đình nàng, còn có phần nhỉnh hơn nữa kia. Các anh chị em tôi đều ở nước ngoài, còn lại mỗi mình tôi thì "giàu út ăn, nghèo út chịu". Nhưng bản tánh tôi rất độc lập, từ nhỏ đã không muốn lệ thuộc hay ỷ lại vào bất cứ ai, kể cả cha mẹ hay gia đình. Bất chợt tôi thầm nghĩ tôi giống như một tên lưu manh, đang âm mưu đào mỏ vàng với cả hai nghĩa trắng lẫn đen luôn. Suy nghĩ như vậy nên tôi chỉ ậm ừ trả lễ một cách miễn cưỡng với nàng cho phải phép lịch sự tối thiểu, rồi tôi tảng lơ qua các quầy hàng khác. Biết ý tôi nên sau vài câu xã giao với nàng, má tôi từ giã để kêu tôi vào dọn hàng phụ với bà bên sau nhà lồng.

Trong khi hai mẹ con đang bày hàng, bà nói:
-Con Nga này ngộ lắm nha. Nhà nó ở gần nhà mình, kế bên rạp xi-nê-ma Đại Đồng đó. Nó có mua bán qua lại với bên nhà của vợ con ở gần nhà nó, nên nó có quen biết vợ con nữa mà. Không biết nó có duyên nợ gì với con hay không mà có nhiều lần nó xuống nhà mình chơi, thấy má đang nấu nướng đồ ăn hay đi mua sắm ba món đồ khô để chuẩn bị đi thăm nuôi con, thì tự nhiên nó cũng nhào vô bếp phụ xào mắm ruốc (cái món này ăn thì ngon mà làm thì cực lắm, lại quến mùi vô tóc hôi hám, tắm gội hai ba lần cũng còn mùi nữa đó) rồi kho thịt kho khô, làm thịt chà bông... lại còn đi mua kẹo bánh đủ thứ để gởi cho con nữa đó. Có một lần nó đòi đi theo má ra Xuân Phước thăm con nữa chứ. Má cản không cho nó đi vì đường xá xa xôi, đi về phải mất mấy ngày cơm hàng cháo chợ, cực khổ tội cho nó. Má phải giả bộ hù nó, nói không phải thân nhân thì họ không cho vô thăm đâu, nó mới thôi không đòi đi theo nữa. Mà nó chỉ thân quen với má và con Điệp thôi, chứ nó có biết mặt mũi của mầy ra sao đâu.

Biết là má tôi đang "châm" vô thêm nhưng tôi vẫn nín thinh không có ý kiến, ý mối gì hết. Vì thấy tôi hoàn toàn vô tâm, không để ý gì tới "con nhỏ Nga" nên sau đó hàng mấy tháng trời, má tôi không nhắc tới tên nàng với tôi, dù tôi biết rằng hàng ngày nàng vẫn gặp mặt má tôi và thỉnh thoảng có cùng bà đi hành hương chùa chiền, hoặc cùng bà làm từ thiện ở các trại tế bần, trại nuôi trẻ mồ côi nào đó. Sau khi tôi coi mắt nàng rồi trở về nhà, thì nàng cũng không còn lại nhà chơi đánh bài tứ sắc với má tôi nữa.Cho tới một buổi chiều, tôi còn nhớ rõ lắm, một buổi chiều thứ bảy thật đẹp...Tôi đang ăn cơm chiều với má thì nàng dẫn đứa cháu, con của em gái nàng, bước vào chào hai má con tôi rồi rất tự nhiên, nàng bồng đứa cháu cùng ngồi trên cái võng mắc gần bàn ăn, nói chuyện với má tôi, sau khi từ chối lời mời ăn cơm vì...con mới ăn xong ở nhà. Nàng liếng thoắng kể câu chuyện phim "Dòng sông ly biệt" của Quỳnh Dao do hai diễn viên Tần Hán và Lưu Tuyết Hoa thủ vai chính cho má tôi nghe (Trời đất! Chuyện đã hơn hai mươi năm rồi sao tôi lại còn nhớ kỹ chi tiết quá như vậy cà? Phim Tàu, diễn viên Tàu không phải là cái gu của tôi mà. Hay là vì đó là "Định mệnh đau buồn khó quên" chăng? Mong sao nàng đừng đọc được bài này, nhất là đọc được câu tự nhủ đó của tôi thì...hậu quả sẽ thật không lường cho tôi).Trong khi nàng kể rồi sau đó cùng bình phẩm truyện phim với má tôi, thì tôi vẫn im lặng lắng nghe chứ không hề góp vô một lời nào. Tôi thầm nhận xét kể ra thì cô nàng này ăn nói rất có duyên. Kể chuyện phim thuộc loại bi kịch mà lại có thể khôi hài hóa, khiến má tôi cười ngặt nghẽo (còn tôi cố làm nghiêm nhưng có lúc nín không nổi, cũng phải tủn tỉm cười theo) thì quả là nàng rất có khiếu hùng biện và vui tính.

Thấy tôi đã ăn xong từ lâu nhưng không rời bàn mà còn trầm ngâm, đăm chiêu bên ly nước, nàng quay qua.... tấn công tôi:
- Anh C. ít nói quá hén dì Sáu. Từ khi anh về tới giờ cũng đã khá lâu rồi mà em nghe dì Sáu nói anh gần như không đi chơi ở đâu, hay có quen với ai hết. Sao vậy anh? Tù túng lâu ngày quá rồi, bây giờ có được chút tự do thì mình phải tận hưởng đi anh!

Không đợi tôi trả lời, nàng tỉnh bơ cười lém lỉnh, tấn công tôi tới tấp:
- Em nghe dì Sáu kể hồi xưa anh...bay bướm ghê lắm, nhiều đào nhất nhà mà phải hông? Dì Sáu nói hồi đó anh ghiền khiêu vũ lắm phải hông? Vậy để hôm nào em mời anh cùng đi chơi với tụi bạn em nha. Dancing của Caravelle có ban nhạc chơi xây tua rất hay, lại còn chơi đèn màu đúng theo điệu nhạc nữa. Chắc là anh sẽ thích lắm vì đúng gu hồi xưa của anh chứ không rầm rầm, tán loạn như mấy tụi nhóc bây giờ đâu anh. Nếu anh không có bận công việc gì thì sáng mai, em...mời anh đi uống cà phê với em nha. Quán cà phê Hồng ở Đinh Tiên Hoàng rất ngon mà khung cảnh, trang trí bên trong dễ thương lắm đó.

Một cô nàng ngộ như vậy, khả ái như vậy, thân thiện như vậy mà lại ngỏ một lời mời chân thật như vậy, thì bụt trên bàn thờ cũng phải...phóng xuống chứ huống hồ gì là tôi.
*
6: Lời Tiên Tri Thành Sự Thật.
Sáng hôm sau, như lời đã mời, nàng chạy xe tới nhà đón tôi ra quán cà phê Hồng thưởng thức. Quả thật, khung cảnh và trang trí của quán rất dễ thương như nàng nói khiến cho ly cà phê đã ngon lại càng ngon hơn. Khi vừa nhấm nháp vài hớp cà phê thì bên ngoài trời đổ mưa. Tôi có rất nhiều kỷ niệm có liên quan tới "chủ đề mưa" nên trong khi nàng nhỏ nhẻ kể chuyện gia đình nàng thì tôi lơ đãng nghe nhưng trong lòng lại bay bổng về những khung trời kỷ niệm...

“...Ông nội em là người Ấn. Ông qua Cam-Bốt làm ăn và cưới bà nội em là người Cam-Bốt lai Tàu, sinh ra ba em. Ba em bỏ xứ qua VN sinh sống tại Long An và gặp má em tại đó. Như vậy là em lai tới 4 dòng máu lận đó anh..."

Ngoài trời, một tiếng sấm nổ vang rền khi nàng vưa nói dứt câu...Tôi bàng hoàng sực tỉnh, không phải vì tiếng sấm mà chính là do câu nói cuối của nàng. Chỉ trong tích tắc, tôi vụt nhớ lại chú Ba với 7 điều tiên tri của chú. Tim tôi tự nhiên đánh dồn dập làm tôi muốn ngộp thở. Tôi hít một hơi dài để giữ bình tĩnh rồi hỏi nàng một câu chẳng ăn nhậu gì với câu chuyện nàng vừa kể:
-Hình như bên tay trái của em, từ vai xuống tới cùi chỏ có một cái thẹo hay bớt hoặc là một cái vá heo gì đó phải hông?

Với đôi mắt mở to nhìn tôi vẻ ngạc nhiên, nàng hỏi lại:
-Sao anh biết hay quá vậy?

Nói xong, nàng vừa vén cái tay áo mô-đen dài rộng đang che tới cổ tay nàng lên tận bả vai vừa nói:
-Hồi nhỏ em trồng trái (chủng ngừa bệnh đậu mùa) bị làm độc lan rộng ra, khi lành lại thành một cái thẹo tròn quay như đồng tiền nè!

Tôi không trả lời câu nàng hỏi mà lại nhìn trân trân vào cổ áo chữ V của nàng: một mảnh vải tang màu đen nhỏ xíu đang đính trên đó.Chiều tối qua, nàng đong đưa trên cái võng hơi xa nơi tôi ngồi, lại còn bị thằng cháu nàng đang bồng che mất nên tôi nào thấy được nàng đang để tang. Hơn nữa, nàng hay mặc áo tuy mô-đen nhưng chỉ có các hoa văn đen trên nền vải trắng, phải ngồi gần và để ý, tôi mới thấy mảnh vải tang có chút chíu rất...mô đen này. Sau khi tôi hỏi, nàng cho biết đang thọ tang ba nàng từ hơn một năm qua. Còn má nàng đã mất từ khi chị em nàng còn bé.Như một người đang mộng du đột ngột tỉnh giấc và cực kỳ tỉnh táo đầu óc, tôi bàng hoàng thầm "kiểm kê, đối chiếu" 7 điều tiên tri số mệnh của tôi với thực tế trước mặt:..." Năm nay mình 36 tuổi...con nhỏ này lai nhiều dòng máu...ở gần nhà và có quen biết cả hai nhà mình và người vợ đã mất của mình...tay trái có một cái thẹo...mình đang ở nhà thì con nhỏ này tới làm quen...Trời đất ơi! Như vậy chỉ còn thiếu điều thứ 7 nữa là hai đứa sẽ làm đám cưới khi đang có đại tang là không sai một lai nào hết"...Có bao giờ ai đó đã gặp một tình cảnh tương tự như tôi chưa? Mới lần đầu tiên đi uống cà phê nghe nhạc với nhau chưa được nửa tiếng đồng hồ, trong lòng chưa hề dấy lên một tí xíu tình cảm nào chứ đừng nói chi tình yêu mà đã biết chắc chắn 100 % người bạn gái sơ giao này sẽ là người vợ "thiên định" của mình rồi.Trên đời này chúng ta phải công nhận là có những sự trùng hợp ngẫu nhiên rất bất ngờ, nhưng với câu chuyện của tôi thì phải nói là cực kỳ hiếm, có một không hai với xác xuất tiệm cận Zê-rô. Không ít trường hợp các quý bạn nam nhi vừa gặp "nửa kia của đời mình" là bị tiếng sét ái tình giáng cho một nhát choáng váng đến nỗi tối tăm cả...lý trí và "hạ quyết tâm" phải chiếm hữu vĩnh viễn cho bằng được nàng cho riêng đời mình và họ đã thành công.

Nhưng xin quý vị công tâm xét trường hợp của tôi thử xem đúng là có một không hai hay không?
-Anh ! Có chuyện gì mà anh có vẻ lo lắng quá vậy anh?

Tôi giật mình, bối rối, không biết nói sao cho nàng tin tôi đây và có nên nói hay không? Chỉ mới sơ giao mà lại đi nói một chuyện "thần thoại" như vậy với người bạn gái có phải là thời điểm thích hợp hay không? Ngay chính tôi cũng không muốn nói một tí gì cho nàng vì tuy biết trước "tương lai hậu vận" của nàng và tôi sẽ ra sao, nhưng tôi cần có thêm thời gian để tìm hiểu rất nhiều về nàng trước khi tôi xuôi tay, nhắm mắt, phó mặc đời mình cho định mệnh và duyên số đẩy đưa."Tận nhân lực, tri thiên mệnh". Đã biết con người có số thiên định rồi nhưng không có nghĩa là cứ nhắm mắt, há miệng chờ sung. Vận mệnh nằm trong tay ta. Lòng đã quyết định như vậy nên tôi kiếm chuyện đánh trống lảng cho qua luôn, không nói gì với nàng hết. Xong buổi cà phê, trở về nhà, khi tạm biệt nhau, nhìn nàng chạy xe đi mà tôi cứ bồi hồi nhìn theo, lòng tự hỏi... con nhỏ Nga đó sẽ là vợ mình sao ta? Sao lại có thể như vậy được?
*
7: Lễ Hỏi để Vượt Biên
Một người con gái như Nga đâu phải quá khó kiếm một tấm chồng, tại sao bao nhiêu năm qua vẫn chưa tìm được? Chị và em của nàng đều đã lập gia đình từ năm họ 18, 19 tuổi. Còn lại có một mình nàng, đã gần ba mươi rồi mà vẫn cứ phây phây rong chơi với cuộc đời độc thân vui tính.. Lúc đó tôi chưa biết là có rất nhiều quý ông cộm cán, có cơ ngơi, vai vế địa vị trong xã hội đã và đang rắp tâm bắn sẻ trái tim nàng (vài người trong số đó là bạn bè rất thân của nàng từ thời còn đi học chung lớp, chung trường) nếu biết được như vậy, chắc là tôi sẽ còn thắc mắc ghê hơn nữa cho một câu hỏi mà chỉ có Trời mới trả lời được.Ngoài ra, còn có một người nữa, đó là chính nàng. Mãi về sau, khi đã là vợ chồng rồi, nàng mới chịu nói cho tôi biết lý do vì sao nàng đã chấm tôi...trúng tuyển, mà lại còn chấm rất lâu, trước khi tôi trở về nhà và gặp nàng kia. Xin được dành câu trả lời này cho phần sau của bài viết sẽ phù hợp hơn.Nói thật với quý bạn, chính là xuất phát từ thắc mắc và tò mò muốn biết câu trả lời cho câu hỏi đó mà tôi đã bặm gan, liều mạng cho...tới luôn bác tài. Chứ lòng tôi vẫn chưa hề có một chút xíu nào gọi là phải lòng nàng, dù sau buổi cà phê kéo dài hết cả buổi sáng hôm đó, tôi đã thấy nàng có nhiều quan điểm, sở thích khá là phù hợp và tương đồng với tôi.Tôi đã gia tăng cường độ giao tiếp với nàng bằng vô số cuộc hẹn hò đi cà phê, xem ci-né, dancing... thậm chí còn đi coi khỉ trong Thảo-cầm-viên nữa, bất cứ lúc nào có thể. Và kết quả là các bạn bè cũ của nàng bắt đầu thắc mắc và than phiền là nàng đã quên họ và xé lẻ đi chơi riêng với ai đó, mà hỏi thì nàng dấu biến không nói. Vì trước kia, nàng luôn luôn có mặt và là MC, là cây đinh trong các cuộc tiệc tùng, vui chơi nên vắng nàng là bạn bè biết liền.Cho tới một buổi tiệc sinh nhật của một cô bạn thân tổ chức tại nhà riêng, nàng mới chịu dẫn tôi đến ra mắt bạn bè. Tới lúc đó tôi mới biết bạn của nàng ngót nghét quân số của hai đại đội.Với bạn gái đã đành, đối với bạn trai hay kể cả vợ hay chồng của bạn cũng vậy, nàng đều xưng hô mầy tao hết ráo. Chính vì vậy nên khi thấy vài người bạn trai thay đổi cách xưng hô, nàng đốp chát liền:
- Chaa.a.a....hôm nay mầy thành người lớn hồi nào dzậy? Cứ Nga Nga với mình mình hoài! Sao không đổi luôn thành anh anh, em em như tao với anh C. luôn đi. Rớt mặt nạ rồi nha con. Nhưng mà mầy chạy đua không kịp với ảnh đâu con ơi. Chờ kiếp sau nộp đơn đi con...

Khi chỉ còn tôi với nàng, tôi hỏi vì sao nàng lại đốp chát thẳng tay với bạn bè như vậy thì nàng nói:- Mấy đứa đó là bạn học với em từ hồi nhỏ, rất là thân, nhưng khi lớn lên, đứa thì đi CA, đứa thì làm cán bộ. Tiền bạc, địa vị thì có nhưng tụi nó bị đỏ rồi, chơi không vô. Em ghét tụi nó vì tụi nó cơ hội chủ nghĩa lắm.Tôi lại biết thêm một quan điểm sống của nàng.Có hôm, tôi xuống nhà nàng chơi mà không báo trước. Thấy nhà đang được sơn phết, chà rửa, trang trí lại để chuẩn bị mở thành nhà hàng ăn uống. Tôi đi ngang qua nhóm nhân công, thợ thuyền đang làm việc để lên lầu tìm nàng mà không để ý, khi nghe tiếng nàng gọi giật ngược lại, tôi mới thấy nàng mặc một bộ đồ lao động cũ mèm, không biết mới tìm ở đâu ra, đang...bò càng trên nền nhà, chà rửa chí chạp như một công nhân vệ sinh rành nghề vậy.Trong khi chờ nàng lên phòng riêng tắm gội, thay quần áo để đi với tôi, mấy cô bé giúp việc nhà của nàng... nhiều chuyện với tôi, tôi mới biết nàng sống rất hòa đồng với người ăn, kẻ ở trong nhà.

-Chị Ba (nàng thứ ba) hay phụ giúp tụi em làm việc nhà lắm. Chỉ hay xuống bếp ăn cơm chung với tụi em, chỉ nói ăn chung để giỡn với tụi em cho vui nhưng tụi em biết chỉ muốn coi tụi em ăn uống có bị thiếu thốn hay không. Chỉ cứ cho thêm tiền đi chợ để mua thêm đồ ăn cho tụi em hoài à.

Biết thêm một đức tính của nàng, ngày qua ngày, tôi...phải lòng nàng lúc nào cũng không hay biết, chỉ biết rằng tôi khó mà tìm được một người nào khác ngoài nàng ra để nâng bóp, lục túi cho tôi.Và rồi trước khi nàng dẫn tôi đi trốn trại bằng ghe đánh cá, hai gia đình đã quyết định làm lễ hỏi cho chúng tôi. Hai ngày trước lễ hỏi, gia đình nàng đã làm lễ xả tang cho nàng. Trong lễ hỏi, cả hai gia đình lại quyết định thông báo rộng rãi cho bà con biết là tháng 12 âm lịch sắp tới, sẽ làm lễ cưới cho đôi trẻ bền duyên giai ngẫu.Ngay tối hôm lễ hỏi, nàng mở party tại nhà khi đó đã thành nhà hàng Thiên Hồng, Bình Thạnh để khoản đãi bạn bè. Khi nàng đang trong nhà tắm, nhờ tôi lấy dùm cái jupe soirée trong tủ áo. Tôi bất ngờ đến hoảng hồn, xém một chút là té xỉu khi trông thấy hai bộ võ phục đã bạc màu, một của Tae Kwon Do với đai đen...ba gạch (Tam đẳng) và một của Thiếu Lâm Bắc Phái với...Bạch Đai Sư Tỷ!!!Khi tôi hỏi thì nàng mới ngỏn ngoẻn cho tôi biết nàng là Huấn luyện viên Tae Kwon Do và Thiếu Lâm của Trung Tâm Thể Dục & Thể Thao quận Bình Thạnh lâu lắm rồi... " Nhưng năm ngoái khi ba mất, em buồn quá nên thôi, không đi dạy nữa". Tới lúc đó tôi mới tá hỏa khi nàng cho tôi biết là trong các buổi party, có những người bạn gọi nàng là Sư Tỷ, những người bạn đó nguyên là võ sinh đệ tử của nàng trước kia.
Tại sao một tên tù tử hình ví dám làm chuyện "Đòi đội đá vá Trời", mà khi biết hôn thê của mình là một "Sư Tỷ" Thái Cực Đạo & Thiếu Lâm lại hoảng sợ muốn xỉu?Như đã kể, tôi bẩm sinh rất nhát gái. Nhưng Trời cho cái số phận tiền định là luôn luôn được (bị) các vị tiểu thư ...chiếu tướng. Mà tôi thì không nỡ phụ lòng người, nên nếu phu nhân tôi là một cao thủ võ lâm như vậy, sớm muộn gì cũng có ngày sẽ phải trả giá đắt, rất là đắt cho cái tánh nhân ái của tôi. Xin thú thật là cho tới ngày tôi làm đám hỏi với nàng, nàng đã phải cất công "Bình Nam, Phạt Bắc" loại bỏ khỏi vòng chiến đấu... 4 con yêu nữ đã đeo theo rù quến tôi (Nguyên văn lời nàng nói, chứ tôi tuyệt nhiên không bao giờ dám cả gan xúc phạm bất cứ ai, nhất là các tiểu thư).Nguyên do sạp vải của má tôi tuy không lớn lắm nhưng rất nổi tiếng vì thường hay có hàng độc, từ vải vóc cho tới mỹ phẩm, nước hoa .v.v. ở nước ngoài gởi về (của 6 anh chị em tôi gởi cho má tôi. Năm 1989 vẫn còn cấm gởi USD và các thứ ngoại tệ về VN nên người ở nước ngoài phải gởi quà về cho thân nhân ở VN bán lấy tiền chi dùng). Mà nơi nào có vải vóc, lụa là, y trang đẹp và độc đáo...là có các quý tiểu thư thường xuyên lui tới.Một tháng má tôi nhận được ít nhất là 3 thùng hàng. Bà thông báo cho các mối quen tới tận nhà để họ chọn lựa trước khi má tôi mang ra chợ bán. Bởi lý do đó nên nhà tôi luôn luôn nườm nượp bóng dáng giai nhân.Má tôi ra chợ bán vào buổi sáng, chiều nghỉ nên bà chỉ tiếp mối quen vào buổi chiều tối tại nhà. Ấy vậy mà từ khi tôi trở về, các mối quen lại hay đến nhà tôi vào... buổi sáng, dù biết rõ ràng là chỉ có mình tôi ở nhà, để hỏi mua đủ thứ hằm bà lằng trên đời, những thứ tối cần thiết cho người phụ nữ. Và trong một hoàn cảnh như thế, tôi sẽ không cần phải thề độc để các bạn tin tôi là đã có rất nhiều lần, các mối quen này thử các món phụ tùng rất độc...địa như các sản phẩm Victoria s Secret... ngay tại chỗ, ý tôi nói là vào phòng khác để cởi ra, bận vào. Nhà tôi có rất nhiều phòng ngủ bỏ trống từ khi anh em tôi đi nước ngoài, và nhờ tôi ngắm dùm coi có vừa vặn, đẹp đẽ hay không?Chưa bao giờ tôi lại thấy nghề bán vải vóc, mỹ phẩm và y phục của má tôi lại hạp với tôi đến vậy. Và chính là do không muốn tôi phải chịu cực, chịu khổ buôn bán, tảo tần phụ má tôi nên ngay sau khi vừa làm lễ hỏi xong, nàng đã xin phép má tôi cho nàng được gánh vác toàn bộ sinh kế của gia đình nhà chồng. Má tôi không cần phải ngồi sạp vải nữa, cứ dành trọn thời gian Ở NHÀ (xin nhấn mạnh hai chữ ở nhà. Coi như nàng nhờ bà làm...vú em trông coi, canh chừng tôi dùm cho nàng) mà điều binh khiển tướng tứ sắc cho vui thú tuổi già.Cái sạp vải muôn vàn kính yêu của má tôi, cái sạp vải đã từng nuôi sống tôi trong tù và nó vừa mới dạy cho tôi chớm biết thế nào là tình yêu lao động, cần cù tảo tần buôn bán...được nàng công khai tuyên bố với các mối quen là: Dẹp tiệm ! Nàng còn ngăn ngừa hậu họa bằng cách xin các anh em tôi không cần gởi quà về cho má tôi nữa, vì đã có nàng xung phong tự nguyện gánh vác giang san nhà chồng rồi.Cuối cùng, nàng xin phép má tôi cho nàng mua lại hết số hàng vải, mỹ phẩm, ba cái thứ Victorias Secret ác ôn... còn tồn kho mà tôi chưa kịp bán dùm má tôi để nàng nhổ cỏ tận gốc.Nàng thì như vậy đó còn tôi thì lại như đó vậy, thử hỏi làm sao tôi không chết điếng khi biết nàng tuy nhỏ nhỏ mà lại giỏi võ.

Nhưng tôi đã lầm, nàng sẽ dùng bạo lực để trừng trị tội ăn vụng, cơm nhà không ăn mà đi ăn phở. Mỗi lần tôi bị Tam hợp chiếu, tôi nhiếm kín đến nỗi nàng không bao giờ biết được. Nhưng chính cái tánh thùy mị cùng những chăm sóc, yêu thương chồng, một lòng cung cúc lo cho gia đình hết mực của nàng luôn làm tôi tự cảm thấy ăn năn, hối hận vì đã lừa dối nàng, không xứng đáng với nàng..."Anh ơi, anh nhớ...anh ơi đừng quên...anh ơi trưa nay về ăn cơm nhà nha anh, em có nấu món ăn mà anh thích đó nha ...". Nàng vẫn hồn nhiên vô tư tin vào tôi tuyệt đối và tận tụy chăm lo cho tôi từng ly từng tí, trong khi cái thằng tôi đốn mạt lại nỡ nhẫn tâm lừa dối nàng. Chịu không nổi sự ray rứt, cào xé của lương tâm, tôi đã quyết định hồi chánh, tự thú tất cả tội lỗi của tôi, xin nàng tha thứ và thề (lời thề cá trê chui ống cống) sẽ không bao giờ tái phạm nữa trước ánh mắt, thoạt đầu là mở to ngơ ngác vì bất ngờ, rồi sau đó là nhạt nhòa lệ đẫm đôi mi...Nàng chỉ khóc và khóc nức nở thôi chứ không hề bao giờ đay nghiến, nói nặng một lời nào với tôi chứ đừng nói chi tới chuyện "xử đẹp" tôi bằng bạo lực. Nhưng chính nhờ nàng cư xử như vậy nên nàng mới...gông cổ, túm dây cương con ngựa bất kham tôi được tới ngày hôm nay. Sau chuyến vượt biên...hụt, hai chúng tôi từ Cà Mau vừa trở về đến nhà tôi chừng mươi phút, thì thấy tên cán bộ quản giáo của tôi lù lù đứng trước cổng nhà bấm chuông inh ỏi. Tim tôi đau thắt lại vì biết ngay sẽ có tin dữ đến với tôi.Tháng đầu tiên là thời gian thử thách, tôi phải đi trở ra trại A-20 đổi giấy phép hết hạn để lấy giấy phép khác. Sau lần đó là cứ ngày 20 tây hàng tháng, tên quản giáo sẽ vô SG, đến từng nhà trong nhóm anh em tù nhân cải tạo tại địa phương cư trú để thu tiền hụi chết. Nhưng hôm đó mới có 5 tây mà hắn xuất hiện đột ngột như vậy là tôi biết ngay có chuyện chẳng lành rồi.
8. Tiếp tục vô tù
Quả là đúng như vậy! Hắn nói vì có thanh tra đột xuất nên trại phải thu gom tất cả các tù nhân đang cải tạo không giam giữ trở về trại gấp. Vừa nghe hắn tuyên bố như vậy, nàng nấc lên một tiếng rồi ôm chặt tôi khóc nức nở, còn tôi chỉ biết đứng chết lặng, lòng đau như cắt theo từng dòng nước mắt tuôn rơi như mưa của nàng. Hắn cười giả lả rất giả tạo, rồi gượng gạo nói:-Không có dzì đâu, chuyện thường í mà. Chỉ mất mươi hôm thôi rồi sau khi thanh tra xong, đâu nại vào đấy. Anh C. sẽ trở về nhà như thường nệ thôi. Chị đừng có no! Ngày 4/ 6/1989 xảy ra sự kiện Thiên An Môn bên Trung Công, tưởng đâu rằng anh em tù chính trị chúng tôi sẽ bị gom bi về trại để phòng ngừa một chuyện tương tự sẽ xảy ra ở VN. Nhưng rồi lần đó sóng êm biển lặng.Ngày 9/11/1989, Bức tường ô nhục Bá-Linh sụp đổ lôi kéo theo hàng loạt biến động tại Đông Âu và Liên Xô. Bên VN, trông thấy tình hình các nước XHCN anh em đang hấp hối, chính quyền HN lập tức tung ra hàng loạt đối sách để phòng ngừa hiệu ứng Domino Dân Chủ lan sang VN. CA cơ động (cảnh sát dã chiến) được thay màu áo rằn ri dữ dằn, trang bị nón sắt, khiên và dùi cui...đứng đầy các ngã tư đường của các thành phố lớn, nhất là Sài Gòn và ngay cả Hà Nội.Tôi đã biết ngay là cái quãng thời gian thần tiên thơ mộng của tôi và nàng sẽ chấm dứt. Cái bản án chín năm sáu tháng tù khổ sai lại hiện hình ra trước mắt tôi như một tên ác thần không sao tránh khỏi nanh vuốt của hắn. Tôi đã cố hết sức vùng vẫy để hòng thoát thân bằng những cuộc vượt biên đầy cam go, hiểm nghèo với nàng nhưng chạy đàng Trời cũng không khỏi số. Sau cơn xúc động, tự nhiên tôi thấy nàng trở nên bình tĩnh dị thường. Với một khuôn mặt lạnh như băng, nàng trầm giọng nói nhỏ với tôi:
- Anh vô phòng thu xếp quần áo, đồ đạc vô vali đi. Để em ở đây nói chuyện với thằng nầy một chút.

Nhìn gương mặt kỳ lạ và nhất là đôi mắt của nàng, đôi mắt to rất đẹp với đôi hàng mi cao vút đã biến thành đôi mắt cá chết của những giai nhân máu lạnh trong các phim Hollywood mà tôi đã xem. Tôi hoảng hồn đến lạnh người, toàn thân nổi gai ốc vì đoán biết nàng chuẩn bị nói chuyện gì với tên CA quản giáo của tôi. Tôi đã được nàng cho xem những tấm hình kỷ niệm chụp lúc nàng thi lấy bằng Huấn luyện viên Tae-Kwon-Do, nên tôi biết cái cần cổ của tên CA quản giáo không thể nào cứng hơn cả một chồng gạch nén Đồng Nai rắn như đá, mà nàng đã dùng cạnh bàn tay chém đứt làm hai được. Hắn có lận khẩu K-54 sau lưng nhưng chắc chắn là không bao giờ nàng cho hắn có cơ hội rút súng ra đâu. Chính nàng cũng biết hắn có súng nên nếu nàng có ra đòn, chắc chắn phải là một đòn duy nhất hạ gục hắn ngay tức khắc, mà hắn không kịp phản ứng: Đòn chết!

Tôi chụp lấy hai vai nàng, nhìn sâu vào mắt nàng, nói nhỏ thật nhanh trong hơi thở dồn dập:
-Không được đâu em! Đừng làm vậy. Còn một thằng nữa là của CA quận BT đi theo hỗ trợ cho nó, đang ngồi trong quán nước ngay trước cửa nhà mình nè. Hồi nãy ra mở cửa cho nó vô anh thấy. Nhà mình không có cửa sau, không thoát được đâu. Hơn nữa, chuyện anh đã làm, anh chịu. Anh không muốn em vì anh mà bị dính vô làm liên lụy tới em đâu.

Khi nghe tôi nói như vậy, toàn thân đang vận công căng cứng của một võ sư từ từ mềm nhũn ra, nàng lại ôm chặt rồi vùi đầu vào ngực tôi, khóc mướt trong uất hận.
-Eo ơi ! Hai anh chị mới yêu nhau mà khắn khít quá nhẩy! Chị yên tâm đi, anh C. chỉ đi vài ngày rồi nại quay về với chị ngay í mà.

Tên quản giáo vừa nói vừa cười rất xỏ lá mà không hề biết là Tử Thần vừa mới lướt qua sát đầu hắn.Cũng cái kiểu nói đó, cũng luận điệu xảo trá đó mà tháng 6/1975, mấy trăm ngàn SQ, cán bộ, viên chức VNCH đã ra đi biền biệt không biết ngày trở về, có rất nhiều người đã không bao giờ trở về! Mười bốn năm sau, tôi lại nghe cái giọng điệu y hệt không thay đổi đó ngay trong nhà tôi. Nhưng có chút khác biệt là tôi biết rõ cái vài ngày hắn nói sẽ kéo dài...chín năm sáu tháng, mức án còn lại của tôi.Thời điểm mà tôi bị tập trung trở về trại A-20 là gần cuối tháng 11/89 =>10 â.l. , như vậy chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến ngày cưới của chúng tôi như hai gia đình đã ước hẹn cùng bà con!

Nàng đã hết lời van xin, thuyết phục tên quản giáo cho nàng đi theo tôi ra trại A-20 để chờ khi nào tôi được trở ra thì sẽ cùng theo tôi về nhưng hắn vẫn lạnh lùng từ chối.Không thèm nói thêm một tiếng nào, nàng cởi tấm lắc vàng 18k là sính vật đính hôn tôi đã tặng nàng, đặt lên bàn ngay trước mặt hắn. Hắn trố mắt ngó lom lom tấm lắc, không dấu được vẻ thèm thuồng trong ánh mắt tham lam. Hắn thầm ước lượng giá trị. Hắn có ngu dốt lắm cũng phải biết là cả đời lương CA chết đói của hắn cũng không bao giờ với tới được.
Nhưng hắn làm bộ thở dài, chép miệng nói:
-Theo đúng điều lệnh của CA thì..
Hắn chưa nói xong thì thêm một sợi dây chuyền có kèm mặt saphia hình trái tim màu xanh lóng lánh được nàng đặt nhẹ nhàng bên cạnh tấm lắc.
-Nhưng thôi ! Nể tình của anh C. là chỗ...quen biết với tôi lâu năm (!) chị chuẩn bị ngay đi, khoảng 10 phút nữa sẽ có xe của trại tới đón. Tôi sẽ bảo lãnh cho chị đi theo tiễn anh C. ra trại vậy.

Vừa nói hắn vừa lấy cả hai tay hốt hai món nữ trang sính lễ, đút thật nhanh vào túi quần.Khi cùng thu xếp hành trang trong phòng với tôi, nàng nói:
- Em sẽ vọt về nhà, 30 giây sau em sẽ trở lên cùng đi với anh. Nếu xe trại có tới, anh cố câu giờ chờ em nha!
Tôi chưa kịp nói gì, nàng đã biến mất.Loáng sau nàng đã xuất hiện, gọn gàng trong bộ đồ Jean với túi hành trang đeo bên hông.
*
9. Cùng chung một...còng.
Loáng sau nàng đã xuất hiện, gọn gàng trong bộ đồ Jean với túi hành trang đeo bên hông.Nàng ngồi xuống trước mặt tên quản giáo, lấy trong túi hành trang ra ba cây vàng, nói với hắn, giọng tỉnh rụi:
-Anh cho em...đổi lại hai món đồ sính lễ mà anh C. tặng cho em nha anh. Hai món đó coi rùm beng vậy chứ chỉ đáng chưa tới một cây rưỡi đâu. Đổi như vầy là anh...lời lắm đó!

Giống như một thằng ăn trộm bị bắt quả tang, tên quản giáo run run quơ nhanh ba cây vàng nhét ngay vào túi trước rồi mới móc (rất chậm chạp, khó khăn) hai món nữ trang đặt lên bàn, miệng lí nhí:
-Dzạ !...EM xin chị ạ !

Trong khi tôi đeo trở lại cho nàng hai món nữ trang, nàng nói nhỏ đủ cho tôi nghe:
-Nếu thằng giòi bọ đó mà đòi ba chục cây, em cũng thí cho nó chứ có xá gì ba cây!

Tiếng kèn xe vang inh ỏi trước đầu hẻm cùng lúc với tiếng tên CA quận BT gọi với vào nhà. Chúng tôi ra tới thì thấy một chiếc xe đò lớn 50 chỗ ngồi đã hầu như kín người bên trong, gần như toàn bộ là những anh em tù cải tạo tại địa phương như tôi, số ít còn lại là mấy tên CA quản giáo.Lên xe mới biết chỉ có mỗi mình tôi là được ưu ái cho phép người nhà cùng đi theo ra trại A-20. Các anh em bạn tù sau khi hỏi thăm tôi, biết được nàng chỉ mới là hôn thê chứ chưa là vợ tôi, đều không dấu được niềm mến phục nhưng không kém phần ái ngại cho chúng tôi.Thử thách cho nàng hãy còn nhiều lắm, lâu lắm vì các anh em đều biết rõ bản án còn lại của tôi. Dường như nàng hiểu được ánh mắt ái ngại của anh em. Rất bình tĩnh và đầy bản lãnh, vui vẻ, thân tình, nàng nói lớn cho cả xe đều nghe:
-Thưa các anh! Nếu lần này ra A-20 rồi đều được trở về nhà thì em kính mời tất cả các ANH EM BẠN của anh C. đây vui lòng nhín chút thời gian tới dự đám cưới của tụi em vào ngày...........tại nhà của tụi em số ...........vào lúc...........giờ. Em nghĩ là các anh cũng không chấp nhứt chuyện tụi em vì hoàn cảnh nên thất lễ, không gởi thiệp mà mời miệng như vầy phải hôn?

Cả xe (ngoại trừ mấy tên CA ra vì bọn nó biết nàng chỉ nói riêng với anh em bạn tù của tôi) vỗ tay hoan hô rần rần trong sự im lặng khó chịu của bọn CA.Từ SG ra tới trại A-20 gần 600 Km, chúng tôi không được xuống xe ở các tiệm cơm đọc đường mà phải ngồi ăn cơm ngay trên xe. Nếu có đi vệ sinh thì phải đi từng nhóm 5 người có 5 quản giáo đi kèm sát bên. Thấy kiểu cách siết cứng chúng tôi như vậy, tôi biết ngay là chuyến đi này của tôi khó lòng mà có ngày trở về như mong đợi. Tuy không nói ra nhưng nhìn ánh mắt thất vọng của nàng, tôi biết là cái kế hoạch nàng đã âm thầm trù tính cho tôi trốn thoát dọc đường sẽ không thể nào thực hiện được.Xe tới Đại Lãnh chuẩn bị leo đèo Cả gần nửa đêm, đột ngột dừng lại một nơi vắng vẻ. Đèn trong xe bật sáng soi rõ những gương mặt đăm chiêu, đầy ái ngại của anh em tù.Như kế hoạch đã bàn tính trước, tất cả các tên CA ngồi bật dậy, hai tên nhảy xuống đường đứng hai bên phải và trái của xe, tay cầm đèn pin bật sáng, tay lăm lăm AK-47, phòng ngừa có người trèo cửa sổ phóng xuống đường trốn thoát. Mấy tên CA còn lại lấy còng số 8 ra còng từng cặp hai người tù lại với nhau. Nhưng khi tới tôi (ngồi băng ghế sau cùng của xe. Nàng đã cố tình xin đổi chỗ ngồi của anh em cho chúng tôi ngồi băng ghế sau xe để dễ trốn thoát) thì bị...lẻ do không còn anh em nào để còng chung tay với tôi. Nàng tỉnh bơ giằng lấy cái còng trong tay tên CA (còn đang lúng túng chưa biết xử trí ra sao) bóp vào tay tôi rồi vào tay....của nàng. Nàng đưa cao tay lên lôi theo cả tay tôi, nhứ nhứ trước mặt tên CA, nhìn thẳng vào mặt hắn, nói gằn từng tiếng:
- Như vầy anh yên tâm chưa?

Hắn càng thêm lúng túng, bối rối với hành động bất ngờ của nàng, miệng lí nhí:
- Nhưng mà ....chị không phải là....không được phép....

Nàng cười khẩy:
-Chấp nhận làm vợ của tù thì phải chấp nhận cùng chung số phận với chồng. Đeo còng vô tay chứ đâu phải đeo huy chương mà phải cần có phép vậy anh? Cả xe vỗ tay rầm rầm tưởng như không bao giờ dứt. Tên CA xớ rớ, ngần ngừ một chút rồi lẳng lặng bỏ về chỗ hắn ngồi!*
10. Cùng một tử vi duyên số.
Chuyện nàng theo tôi ra tận trại giam, nhất là hành động và lời nói khí khái của nàng trên chuyến tù xa, đã thành câu chuyện truyền miệng mãi về sau của các anh em tù chính trị trại A-20.Ra tới trại, trời vẫn chưa sáng. Xe dừng trước cổng nơi nhà thăm nuôi. Tên quản giáo gọi tôi và nàng xuống xe, dẫn vào giao cho tay CA quản lý khu thăm nuôi, nói là cho tôi được thăm gặp 24 giờ, sẽ nhập trại sau. Tên CA nhà thăm nuôi ngạc nhiên nhìn tay nàng đang bị còng dính tay tôi, cho tới lúc đó vẫn chưa được tháo ra. Thấy hắn đang trố mắt nhìn, nàng cười lớn:
-À ! Cái này là em mượn của anh N. (tên quản giáo) để giữ anh C. lại với em cho chắc ăn! Em sợ ảnh... lường gạt em, làm đám hỏi với em rồi quất ngựa truy phong đó anh. Bây giờ em xin...bàn giao ảnh lại để các anh canh chừng ảnh dùm em nha.

Tên CA nhà thăm nuôi ngớ ra một lúc vì chưa kịp hiểu ra lời xiên xỏ, chưởi khéo của nàng. Khi đã thấm ý, hắn cười mếu máo, lắc đầu, chắc lưỡi:
-Tôi chịu thua chị luôn ! Ở đâu mà anh C. tìm ra được chị thật là xứng vợ, xứng chồng quá đi.

Khi chỉ còn hai chúng tôi trong phòng thăm nuôi, nàng mất hẳn vẻ lanh lợi, sắc xảo mà trở nên mềm nhũn trong vòng tay tôi, khóc trong câm lặng. Tôi không ngờ, hoàn toàn không thể nào ngờ được nàng là một người con gái có bản lãnh khác thường như vậy. Ngay trong nghịch cảnh không lối thoát, nàng vẫn bình tĩnh ứng xử quyền biến, khôn khéo mà không phải ai cũng có thể làm được như vậy.Tôi đâu có chọn lựa và cũng không thể nào chọn lựa, chỉ nhờ duyên số tiền định mà thôi!  Một lúc sau, nàng gạt nước mắt, mở cái túi xách, lấy ra một quyển tập học trò cũ, bìa bên ngoài đã ố vàng vì thời gian, lật lật rồi chọn ngay một trang đưa cho tôi:
-Anh hãy đọc đi, đây là lá số Tử Vi trọn đời của em do một người bạn thân của ba em đã chấm và giải ra. Bác ấy là một SQ Hiến Binh thời ông Diệm chứ không phải chuyên làm nghề bói toán. Lúc em mới hai tuổi tức năm 1962, ông có tới nhà mừng sinh nhật của em. Không biết tại sao ổng bồng em một lúc rồi nói với ba em:- Mầy rán nuôi dạy con nhỏ này nha Ch. (tên ba vợ tôi), sau này khi lớn lên, nó sẽ là đứa vượt trội hơn hết trong số mấy đứa con của mầy. Số của mầy đừng mong có con trai, nhưng con nhỏ này còn hơn ba thằng con trai cộng lại nữa đó. Để tao chấm cho nó một lá số Tử Vi rồi giải ra cho mầy coi tao coi tướng nó có đúng không nha.Em đã gìn giữ lá số này bao nhiêu năm nay rồi và gần như em thuộc lòng nó luôn. Anh đã cho em biết 7 điều tiên tri số mệnh của anh rồi thì hôm nay, em sẽ cho anh biết số mệnh của em. Em muốn anh đọc ở cung Phu của em, tức nói tới người chồng của em, nhưng cái đèn dầu con cóc này lù mù lắm anh không đọc được đâu, để em đọc thuộc lòng cho anh nghe nha:# Đương số là một người rất gan dạ, bản lĩnh hơn người, cương trực, rất căm ghét sự bất công, áp bức, giữa đường gặp chuyện trái tai, gai mắt hay ra tay nghĩa hiệp, cứu người thế cô. Mạng nữ nhưng do tánh khí như trang nam tử hảo hán nên khó bề lập gia thất sớm được, phải tới năm ba mươi mới gặp được ý trung nhân. Chồng của đương số là một ...(xin phép bỏ qua vì không tiện nói về cái tôi) Do là người như vậy nên mới khắc chế, thu phục được đương số. THỜI GIAN ĐẦU, VỢ CHỒNG PHẢI GÁNH CHỊU TAI ÁCH LÀ BỊ MỘT THỜI GIAN DÀI SỐNG XA CÁCH, VỢ NAM CHỒNG BẮC HAI PHƯƠNG. Sau khi tái hợp mới hòa duyên sắt cầm, sống trọn đời hạnh phúc.

Chính tôi đây cũng đã...thuộc lòng lá số của nàng nên khi viết đoạn này, tôi gõ một mạch từ đầu tới cuối mà không cần phải mở ra đọc lại.
-Hôm vừa làm đám hỏi của tụi mình xong, anh có nhờ má kể lại cho em nghe chuyện anh đã nói trước với má 7 điều tiên tri về... em, để cho em thấy là anh không dựng chuyện. Em tức cười trong bụng lắm vì thấy sao mà lá số của anh và em giống như in khuôn với nhau vậy đó. Em muốn cho anh đọc lá số này của em rồi nhưng sợ anh nản chí. Em đã cố hết sức tận nhân lực cùng anh mong thoát số mệnh, nhưng cuối cùng thì mình cũng phải chịu thua! Thôi số tụi mình đã như vậy rồi thì anh cũng đừng buồn, đừng lo nữa. Thân cá chậu chim lồng, anh có lo cũng không có được gì đâu.
Nàng còn dặn thêm:
-Ở trong trại, em chỉ xin anh cố gắng giữ gìn sức khỏe để còn có ngày về với em. Em nghe má kể lại chuyện của anh trong trại thời gian trước khi anh về gặp em, anh rất là "cứng đầu, khó trị" nên cứ bị chiếu tướng hoài. Thôi bây giờ đã có em rồi, anh cố gắng sống sao cho phải đạo đi. Anh có thể vì nghĩ tới em mà chịu nhục, nhưng không thể vì em mà chịu hèn được. Anh cũng đừng sợ mất em. Như lá số của em đã nói thì không mong gì anh sẽ có mặt trong ngày cưới của tụi mình được đâu. Anh cứ để cho em lo, em sẽ thuyết phục gia đình hai bên cứ đúng ngày đã ước hẹn mà làm đám cưới, cho dù không có mặt... chú rể. Sau khi làm đám cưới xong, em sẽ ra đây hưởng “tuần trăng mật” với anh ở ngay nhà thăm nuôi này. Chịu hông? Cười cái đi em thương!
*
11. Án Chung Thân Mãn Đời
Nhìn cái cười méo xẹo trên gương mặt đau khổ giống như người bị bệnh trĩ kinh niên của tôi, nàng phá lên cười vang vô tư lự như không có chuyện gì bi đát đang xảy ra cho hai đứa, rồi vừa cười nắc nẻ vừa nói:
-Em nói cho anh biết nha, nhà nước kêu anh án chung thân còn giảm án rồi có ngày tha cho anh về, chứ lần này em kêu cho anh cái án chung thân thì đừng hòng em... giảm án cho anh nha. Em sẽ xiềng cổ anh tới mãn đời luôn đó.

Qua sáng hôm sau, tôi bị dẫn vào nhập trại, trở lại đội lao động khổ sai như ngày nào. Còn nàng thui thủi một mình trở về nhà báo tin dữ cho hai gia đình biết. Nàng đã thực hiện đúng như đã hoạch định với tôi đêm chia tay trong nhà thăm nuôi.Gia đình đôi bên đã tổ chức một đám cưới linh đình với đông đủ bà con, quan viên hai họ nhưng không có...chú rể! Má tôi đã đóng vai chú rể, thay tôi để theo như tục lệ, trao nhẫn cưới, bông tai, dây chuyền cùng các thứ lễ vật cưới cho nàng.

Ngay sau lễ cưới, má tôi đã dẫn nàng ra thăm tôi và xin cho tôi được thăm gặp...mười ngày để cùng nàng "hưởng tuần trăng mật" ngay tại nhà thăm nuôi của trại tù A-20! (Xin nhắc lại: nhà tù thời đổi mới rồi, chuyện gì cũng có... thủ tục đầu tiên.)  Có một chuyện đáng nhớ là trong những ngày trăng mật, tôi có nhắn lời mời anh bạn tù rất thân là Th/Tá H-Q-T. (vị Tiểu Đoàn Trưởng Công Binh QLVNCH tôi đã nói ở phần trên. Hiện anh đang định cư tại Ca. USA theo diện RD, tù chính trị) ra nhà thăm nuôi để tôi ra mắt vợ mới cưới của tôi cho anh biết mặt. Anh đã cho tôi biết từ năm 82 bảy điều tiên tri số mệnh của tôi giống y như chú Ba P. đã nói. Khi anh T. vừa an vị, tôi gọi nàng ra và nói:
- Em rất cám ơn anh đã tiên đoán 7 điều về người vợ của em từ 7 năm về trước. Hôm nay em xin được giới thiệu với anh, đây là vợ của em. Anh coi có... đúng là cô này không, hay là còn cô...nào khác để em còn liệu bề tính toán chuyện tương lai.

Anh T. phá ra cười trong khi tôi vẹo mình đi vì cái ngắt đau điếng một bên sườn non mà nàng tặng cho tôi.  Sau tuần trăng mật, cứ mỗi ba tháng một lần, nàng đều đặn lặn lội, trèo đèo vượt suối (Đúng nghĩa đen! Những anh em nào đã từng ở trại tù A-20 và gia đình của họ sẽ rất thông cảm khi thấy tôi dùng câu thành ngữ này) ra thăm nuôi tôi cho tới ngày nàng không thể đi được nữa vì... cái bụng bầu đã gần tới ngày sinh nở, nàng mới bất đắc dĩ tạm giao lại chuyện thăm nuôi cho má tôi.  Năm 1990, nàng đã sinh cho tôi một đứa con trai đúng như phần số đã định. Khi con tôi được bảy tháng, nàng bồng nó ra A-20 thăm ba của nó lần đầu tiên. Ông Giám Thị Trưởng A-20 hay tin, ra tận nhà thăm nuôi, vừa bồng bế đùa giỡn với con tôi, vừa chúc mừng chúng tôi. Ông ta nổi tiếng là không ưa trẻ con nhưng không hiểu sao lại rất thích thằng con của một tù nhân như tôi. Hễ cứ nghe vợ con tôi ra thăm là thế nào ông ta cũng có mặt làm. vú em trông coi con cho chúng tôi.  Suy gẫm lại, có thể ông ta sau lần xém chết năm 89 may nhờ có cha D. báo trước nên nay ông ta lại một lần nữa chứng kiến tận mắt chuyện "Con người ta có duyên số và định mệnh hay không" nên ông ta mới có ưu ái đặc biệt với con trai của chúng tôi chăng? Và có thể do chính tác động đó mà thay vì phải chịu chung đủ chín năm rưỡi án khổ sai, tôi chỉ phải trả nợ số kiếp thêm có... bảy năm tù! Năm 1996, nàng dẫn con trai tôi, khi đó đã được sáu tuổi, ra tận trại giam đón tôi ngày mãn án, mà nhất quyết không để cho tôi về một mình. Chắc có lẽ nàng đã biết rõ lá số của tôi rồi, nên nàng sợ có con...yêu nữ nào đó phỗng tay trên, uổng công nàng chờ đợi ròng rã suốt bảy năm trời ngày tôi trở về. Từ ngày tôi mãn bản án chung thân sau 17 năm ba tháng thụ hình, tôi vẫn đang tiếp tục thụ hình bản án chung thân của chính nàng tuyên án, mà không bao giờ mong có ngày được ân xá!  Xin chân thành cám ơn các bạn đã đọc chuyện này của tôi và qua câu chuyện dài dòng này, chắc có lẽ các bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi mà hàng triệu triệu người trên thế giới vẫn thắc mắc, không biết "Con người có duyên số và định mệnh hay không?"
Nguyen Nhu Y

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire