dimanche 8 avril 2018

Trần Văn Lương giới thiệu bài thơ Nghẹn Ngào Gió Muối.

tt
 Có lẽ thời gian thường là liều thuốc trị những nỗi đau.
Nhưng có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau mất nước, vì dù đất nước đó nghèo hay giàu, không ai quên được cội nguồn của mình.
Từ cuộc nội chiến mà người miền Nam bất lực khi bị miền Bắc xâm chiếm, đến năm này là thêm nỗi đau còn đó chưa nguôi.
Cho dù vì lý do nào đó, người đã bỏ nước ra đi hay người còn ở lại, cho rằng đất nước bên kia bờ đại dương là một đất nước hoàn hảo sau khi chiến tranh chấm dứt hay không?
Tại sao dòng người mới âm thầm ra đi, dưới nhiều hình thức khác lúc vượt biên chui, bán chính thức hay đi theo diện con lai hay bảo lãnh, hay HO, có dám tỏ rằng chúng ta đã mất nước?
Lớp người tỵ nạn thủa ban đầu, nay đã ra đi vì tuổi cao, người còn lại, tay run, mắt mờ, tuổi ngày một cao,còn hy vọng ở thế hệ sau này hay không?
Niềm tuyệt vọng không lời vì mảnh đời ở ngoại quốc cũng cần chạy theo miếng cơm, manh áo mà ngaỳ một thêm xa chuyện trở về trên một đất nước hạnh phúc tự do.
Kính mời quý anh chị đọc một bài thơ của anh Trần Văn Lương, để xem còn tìm thấy mình trong câu chữ bơ vơ, thống hận không nhé.
Nghẹn ngào nhất là mấy câu thơ dưới đây

    "Quê hương cũ giờ đây xa lạ,
    Người dần quên hết cả cội nguồn,
       Tập tành rặt thói con buôn,
Bày mưu tính kế lách luồn lừa nhau."
trích thơ Trần Văn Lương


Kính chúc quý anh chị luôn vạn an.
Caroline Thanh Hương





Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
      Dập dồn gió muối biển khơi,
Trên môi mặn chát lệ người xa quê.

Cóc cuối tuần:

     Nghẹn Ngào Gió Muối

    Chiều ngắc ngoải, nắng chuồi trơn tuột,
    Tháng Tư về giá buốt hồn câm.
       Mây loang đáy nước tím bầm,
Trùng dương vẳng tiếng khóc thầm gọi nhau.

    Manh áo cũ đượm màu gió muối,
    Người tần ngần, tiếc nuối bâng quơ,
       Mắt nhìn quanh quẩn ngẩn ngơ,
Thương bầy sóng nhỏ lên bờ phơi thây.

    Buồn ngẫm lại từ ngày mất nước,
    Biết bao người cất bước ra khơi,
       Trời không cho được tới nơi,
Đành cam đáy biển ngậm cười xót xa.

    Thân may mắn vượt qua bão tố,
    Cuối cùng đà đến chỗ bình an.
       Dù xa cách vạn quan san,
Vẫn nghe đòi đoạn ruột gan sớm chiều.

    Kể từ lúc đánh liều tránh loạn,
    Giữ lời thề tỵ nạn sắt son,
       Bao lâu lũ giặc vẫn còn,
Thì đành đất khách mỏi mòn lất lây.

    Quê hương cũ giờ đây xa lạ,
    Người dần quên hết cả cội nguồn,
       Tập tành rặt thói con buôn,
Bày mưu tính kế lách luồn lừa nhau.

    Đất nước đã do Tàu làm chủ,
    Chỉ bạo quyền no đủ giàu sang,
       Mặc dân đói khổ trăm đàng,
Hằng mong chóng được nhẹ nhàng xuôi tay.

    Biển quê mẹ nay đầy xác cá,
    Thay xác người vốn rã từ lâu.
       Bốn mươi năm lẻ bể dâu,
Biết bao nhiêu nước dưới cầu đã qua.
                            x
                       x        x
    Hạnh phúc vẫn còn xa hun hút,
    Dù mong chờ từng phút từng giây.
       Run run bóc tấm lịch dày,
Mơ trong tuyệt vọng ngày xoay cơ trời.

    Chữ Quốc Hận ngàn đời mãi nhớ,
    Nợ máu này muôn thuở nào quên,
       Dân Nam kiếp nạn triền miên,
Vừa ngơi khói lửa, đã liền cùm gông.

    Bao ước vọng, mười không được một,
    Mượn tiếng cười gượng đốt cơn đau.
       Bạn bè đầu trắng phau phau,
Gặp nhau chỉ lúc tiễn nhau về trời.

    Định mệnh chẳng thương người dân Việt,
    Để giặc thù giết chết non sông.
       Tháng Tư đến, mắt cay nồng,
Chừng nghe tiếng gió biển Đông triệu hồn.

    Nhìn sóng nước, bồn chồn ngơ ngác,
    Chợt thấy mình chẳng khác u linh,
       Ngày ngày câm điếc lặng thinh,
Khập khà khập khiễng một mình lang thang.

    Chỉ còn lá Cờ Vàng ấp ủ,
    Năm canh ru giấc ngủ tật nguyền,
       Chập chờn nửa tỉnh nửa điên,
Con tim vất vưởng tận miền xa xôi.
                            x
                       x        x
    Nghe mặn chát bờ môi nứt nẻ,
    Phải chăng là lệ kẻ ly hương,
       Hay là gió muối trùng dương,
Về khơi lại nỗi nhớ thương một đời?
                    Trần Văn Lương
        Cali, đầu mùa Quốc Hận 2018



Bao ước vọng, mười không được một,
    Mượn tiếng cười gượng đốt cơn đau.
       Bạn bè đầu trắng phau phau,
Gặp nhau chỉ lúc tiễn nhau về trời.



Mỗi tứ tuyệt là một niềm thống hận
Bởi giờ đây Người đã bạc đầu!

Thời gian còn lại bao lâu?
Hay như con nước qua cầu...biệt tăm!?


Góp với Sư Huynh vài vần điệu để thay lời đồng cảm.
Rất thân ái
HUỲNH VĂN CỦA


Sự thật chiến tranh Việt như thế nào và vai trò báo chí truyền thông Mỹ  qua tin tức Người Việt.

 

 Tìm hiểu OBOR là gì, con đường tơ lụa mới và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.


2 commentaires:

  1. Kính gửi anh Lương và anh Huy Văn đường dẫn để vào xem bài đã lưu
    lại trong Blog.
    Bài thơ của 2 anh cảm động vô cùng.
    CR

    RépondreSupprimer
  2. Thanh Vân cũng cùng ý nghĩ với Carol TH. Những bài thơ hay và cảm động.

    RépondreSupprimer