dimanche 13 janvier 2019

Giời ạ, bố bảo tôi cũng chẳng muốn đi đời nhà ma làm gì.

Giời ạ, bố bảo tôi cũng chẳng muốn đi đời nhà ma làm gì.
Đi bán muối mà còn giùng giằng mãi không muốn đi chỉ vì không phải tiếc rẻ cái chi hết mà vì chết còn hơn sống sao mà phải trả cái giá đắt thế.
Mời quý anh chị đọc bài viết của tác giả Huy Phương.
Cám ơn người đã chuyển bài.
Caroline Thanh Hương



“Đừng vội chết! Xin trì hoãn được ngày nào hay ngày đó, vì cái chết không rẻ như ta tưởng!”

Huy Phương/Người Việt

Người Việt Nam có sở thích dựng mộ bia đứng
và chôn gần cộng đồng người Việt - HP


Kỳ I: Cái chết không rẻ như ta tưởng!
Làm người ai cũng phải đến lúc chết, và cái chết là nhất định, nhưng không ai muốn bàn đến chuyện chết và lo cho chuyện chết được êm đẹp. Chúng ta đã từng sắp xếp cho những chuyến du lịch lâu ngày như mua vé máy bay, sắp xếp hành trang, thuê nhà trọ, yêu cầu bưu điện giữ lại thư từ.
Nhưng với chuyến ra đi vĩnh viễn, không trở về, chỉ có một số nhỏ lo mua đất chôn, sắp xếp chuyện hỏa thiêu, mua trước phần nhà quàn, nhưng ít người sửa soạn cho mình chuyện sau khi nằm xuống, thế tục thường gọi là “chuyện hậu sự,” bởi vì chuyện ấy còn xa, thậm chí đôi khi người ta còn sợ hãi mỗi lúc phải nói đến.

Chôn hay thiêu? Quàn bao lâu? Nghi thức tôn giáo? Giá cả ra sao? Ðó là những câu hỏi phải có được biết trước khi chết.
Từ một bình hoa đến một cuốn sổ ký tên, cây bút đều tính bằng tiền.

Ngày xưa có câu chuyện một anh chàng hà tiện sắp chết đuối được người ta đến cứu nhưng trả giá, thấy giá quá đắt, anh ta nói: “Ðắt quá, thà chết còn hơn!”

Sau khi đọc phóng sự này mà các bạn thấy cái chết quá đắt, nhiều chuyện không ngờ như bạn tưởng, thì hãy đừng vội chết, và nói:“Ðắt quá, thà sống còn hơn!”

Nên chết vào ngày nào?
Tuần rồi nhà văn TK Thanh Thủy vừa ra mắt hai tập truyện cười XHCN tại quận Cam, mang tên “Chết Ngoài Kế Hoạch.”

Ðó là chuyện chết ở Việt Nam thời bao cấp. Nay nói đến chuyện chết ở Mỹ, thì chết cũng phải cho đúng ngày để con cháu còn lo chuyện chôn cất. Nếu các cụ ra đi vào ngày Chủ Nhật hay Thứ Hai đầu tuần thì con cháu còn có đủ thời gian vài ba ngày lo cho cụ những chuyện “lích kích” phải làm: đăng cáo phó, lo chuyện nhà quàn, nghi lễ đưa tiễn, chôn cất hay hỏa thiêu.

Nhưng nếu cụ mất vào ngày Thứ Sáu cuối tuần thì gia đình không thể nào lo kịp, đành phải để cụ nằm trong phòng lạnh cho đến Thứ Bảy hay Chủ Nhật tuần sau, vì như lúc sinh thời thì cụ cũng biết, quàn linh cữu vào ngày thường, bà con, bạn bè bận đi làm, cũng không nhờ con cháu được, nên sự bất đắc dĩ, không ai muốn quàn cụ vào những ngày thường, rất bất tiện cho bà con thăm viếng. Nhưng quàn Thứ Bảy & Chủ Nhật thì gia đình phải trả thêm tiền phụ trội.

Nếu các cụ mất vào trước những ngày lễ lớn như Thanksgiving, Giáng Sinh, Tết Dương Lịch hay Nguyên Ðán thì cũng phải để cụ chờ qua lễ mới mở cửa nhà quàn cho bà con thăm viếng được. Cử hành tang lễ cho các cụ trong những ngày lễ lớn, vui vẻ như thế, thật lòng không phải điều kiêng cữ, nhưng không ai muốn.

Theo sự dọ hỏi của chúng tôi, nếu sau khi người chết được đưa vào phòng lạnh (danh từ nhà quàn gọi là “care center”) mà gia đình chưa thể tiến hành tang lễ như bận rộn, thân nhân ở ngoại quốc hay các tiểu bang khác trong nước Mỹ chưa về kịp, thì dù một hai tuần, nhà quàn cũng không tính thêm tiền. Cũng may là từ trước đến nay, chưa có gia đình nào “bỏ quên” thân nhân trong phòng lạnh mà không cử hành tang lễ!

Phải làm gì khi có thân nhân qua đời?
Nếu thân nhân qua đời ở bệnh viện thì thủ tục đơn giản hơn vì đã có hồ sơ bệnh lý và các bác sĩ chăm sóc. Nhưng khi có người thân mất tại nhà riêng, việc đầu tiên của gia đình là phải gọi cảnh sát thành phố. Cảnh sát thành phố khi được thông báo sẽ đến nơi làm biên bản, khám nghiệm, công nhận là một cái chết thông thường không có gì khả nghi vì già hay bệnh tật. Trường hợp có nghi vấn (nghi ngờ là án mạng hay tự tử) thì cảnh sát sẽ đưa thi hài đi để cho bác sĩ hay chuyên viên khám nghiệm.

Việc sau đó là gọi cho nhà quàn, trong vòng hai tiếng đồng hồ sẽ có nhân viên đến để đưa thi hài người quá cố vào phòng lạnh.

Gia đình có tín ngưỡng Phật Giáo có quyền yêu cầu bệnh viện để thân nhân nằm yên tĩnh trong vòng 8 tiếng hay để nhà quàn nhận xác trễ.

Chôn hay thiêu?
Một số quốc gia theo Phật Giáo Nam Tông như Tích Lan, Thái Lan, Miến Ðiện, Cao Miên, Lào và một phần của Nam Việt Nam khi có người thân trong gia đình chết, thường theo cách hỏa táng. Các quốc gia theo Phật Giáo Bắc Tông, như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam thường dùng cách chôn cất.

Trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, ở Việt Nam ít khi nghe người ta nói chuyện thiêu người chết, vì đất đai còn rẻ, nhiều gia đình chôn thân nhân của mình trong vườn nhà hay trong phần đất ruộng của mình, nhưng sau khi cộng sản vào Nam, nghĩa trang thường bị đào xới để quy hoạch theo lệnh nhà nước, có nhiều huyệt mộ, phải chạy theo lệnh nhà nước, cải táng nhiều lần, nên dân chúng thường muốn hỏa táng để tiện lợi cho gia đình.

Hỏa táng còn được xem là bảo vệ môi sinh, không phải tốn đất chôn, giảm bớt được nhiều chi phí như xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ hoặc cải táng, di dời,… cho nên việc hỏa táng càng ngày càng được phổ biến rộng rãi.

Ở hải ngoại, trừ một số gia đình giàu có đã lo mua đất chôn trước khi mình qua đời hàng chục năm, mua hai huyệt cho hai vợ chồng hay một khu chung cho cả gia đình, một số khác muốn hỏa táng (có giá rẻ hơn là địa táng) và vì lý do ngày nay ở Mỹ con cái trong gia đình ít khi được sống trong cùng một địa phương, nên không muốn chôn cha mẹ trong nghĩa trang, mà sau đó không có thời gian lui tới thăm viếng.

Mộ phần
Người Việt có câu “Sống có nhà thác có mồ!” Ai cũng mong lúc sống có nhà để đụt mưa nắng, lúc chết có mồ chôn.

“Sống vô gia cư, thác vô địa táng” là câu nói có vẻ khinh miệt đối với những kẻ lúc sống không nhà cửa, lúc chết không có được một nấm mộ chôn. Nhưng thực trạng ngày này, đất tại các thành phố lớn còn đắt hơn vàng, những gia đình nghèo ít có khả năng mua trước một miếng đất cho cha mẹ, nhất là khi bỏ tiền mua một miếng đất rồi, muốn quan tài hạ huyệt, còn bao nhiêu tốn phí nữa.

Chúng ta thử giở một mục rao vặt để xem giá một hai lô đất mà người mua trước đây vài năm, muốn nhường lại cho những ai cần:

1-Ðất trong khu đồng hương Sóc Trăng (Hazard-Beach) hai huyệt $6,000 – Ðất trong khu Thuyền Nhân (Bolsa-Hoover) hai huyệt $7,680.

2-Hai lô đất trong nghĩa trang West Lake Mausoleum, Westminster Memorial Park $21,000 (giá nghĩa trang $23,195).

3-Hai lô đất trong nghĩa trang Chúa Chiên Lành (Talbert) giá $15,900.

Nếu chúng ta mua lại được một hai lô đất chôn không phải có đất là đã xong chuyện mộ phần. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ người phụ trách nghĩa trang và nhà quàn tại Peek Family là ông Victor Vũ và ông đã cho biết giá cả của một ngôi mộ có bia đứng và ngôi mộ có bia nằm (như trong các nghĩa trang Mỹ) giá cả rất chênh lệch.

Hiện nay khi quý vị cần một phần đất với bia nằm giá sẽ là $4,395 (đất) và $775 (bia). Phần đất có bia mộ đứng (phần lớn người Việt thích loại bia này) giá sẽ là $8,395.00 + $6,000 đến $7,000 cho tấm bia.

Như vậy nếu gia đình nào hôm nay mới nghĩ đến chuyện mua cho gia đình hai phần đất và sẽ dựng bia đứng thì sẽ phải trả cho đất là $16,790.00 và khoảng $13,000.00 cho một mộ bia hai người.

Có đất không có nghĩa là đã xong
Khi bạn đã sở hữu một phần đất và dự định sẽ chôn thân nhân mình vừa mới qua đời ở đó, nhưng để cho một phần đất trở thành một huyệt mộ để có thể hạ quan (tài) xuống và lấp đất, dựng bia rồi trồng hoa trang trí thì bạn còn phải trả những chi phí sau đây:

-Công đào và lấp đất: $1,250.

-Mua kim tĩnh (phần băng xi măng để đặt quan tài vào trong) giá từ $595 đến $40,000 (còn theo dày mỏng, chất liệu và tấm đan đúc đặt trên nắp quan tài trước khi lấp đất).

-Tiền mua và khắc mộ bia ghi tên tuổi người chết như đã ghi ở trên.

Kỳ II: Sống có giai cấp, chết có thứ hạng.
Chết đơn giản: thiêu - không quàn, không có quan tài hay hoa tang
Những xác chết “vô thừa nhận” vì không có thân thích, họ hàng ngay cả bạn bè, thì cảnh sát thành phố sẽ lo liệu. Cơ quan này sẽ cho thiêu tập thể các thi hài, hay trước đó có thể dùng phục vụ trong ngành y khoa như nghiên cứu, dùng cho việc thực tập giải phẫu cho các sinh viên.

Nhiều gia đình khó khăn cũng hay muốn thực hiện tang lễ đơn giản để khỏi làm phiền đến bạn bè, bà con mất thời giờ thăm viếng, phúng điếu đã chọn một “package” đơn giản là đưa thẳng thi hài từ phòng ướp xác ra thẳng lò thiêu, không quàn, không có quan tài hay hoa tang, nhưng số tiền tốn phí này cũng không đơn giản: $2,050.00.

Con số này bao gồm các tốn phí về thủ tục giấy tờ, thùng carton để thi hài, nhưng chưa phải là con số cuối cùng, vì hũ đựng cốt gia đình phải mua mang đến trong ngày nhận tro.

Đây là con số giản tiện tối đa dành cho những gia đình hoàn toàn không có khả năng tài chánh, nhưng nếu tang gia chạnh lòng vì thân nhân chết không quan quách, muốn mua một cái quan tài để thiêu theo thì giá cả quan tài cao thấp còn tùy loại gỗ và chất liệu.

Lẽ cố nhiên ít người bỏ phí tiền bạc để thiêu theo người một quan tài giá $6,000.00 hay $8,000.00, nhưng giá quan tài “trông được” là loại “Endicott Cherry” với giá $2,995.00 và giá thấp nhất là “Pacifia” $795.00 hoặc thuê một quan tài gọi là “Beckham Rental,” khi vào phòng thiêu, nhà quàn sẽ giở nắp quan tài mang đi, và thi hài sẽ còn lại với một tấm gỗ dưới lưng.

Theo danh từ nhà quàn, quan tài đắt tiền thường được “casket,” nhưng với loại rẻ tiền giá $795.00, thì người ta dùng danh từ “container,” một loại “thùng” đựng xác. Sẽ có nhiều loại cho tang gia chọn lựa như: Pacifica Light Satin Amber Fiberwood, Oxford Rental Casket hay Beckham Ceremonial Container.

Những con số cần phải biết trước khi chết
Bao nhiêu tiền mới đủ cho việc hậu sự?

Khi đã có phần mộ mua trước cho thân nhân, các nghĩa trang thường đòi chúng ta phải trả thêm phần chi phí “endowment care” cho việc chăm sóc như bảo trì, cắt cỏ...

Nếu chưa chuẩn bị cho phần mộ, trước khi cử hành tang lễ, chúng ta phải mua những mặt hàng như mộ bia, kim tĩnh, bình cắm hoa, trả tiền đào và lấp mộ như chúng tôi đã nói trong kỳ trước.

Phần còn lại gọi là “hậu sự,” là danh từ nhà quàn dùng để mô tả chuyện quàn thi thể, đem ra chôn ở nghĩa địa hay vào lò thiêu.

Tuy luật pháp đòi hỏi các nhà quàn phải cho chúng ta những bảng giá của dịch vụ “hậu sự” khi quí vị đích thân đến gặp họ cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về giá cả, cũng như cho phép các gia đình có thể mua các loại kim tĩnh, quan tài... chỗ khác mang lại, mà các nhà quàn không được làm khó dễ với tang gia, nhưng thực tế không ai muốn gây chuyện phiền phức, và chỉ muốn mọi điều diễn ra một cách tốt đẹp, không muốn “trả giá” làm phật lòng nhân viên nhà quàn và “buồn lòng” người thân mới mất.

Sống có giai cấp, thì chết cũng có thứ hạng, một đám tang thường nói lên sự giàu nghèo chênh lệch của thân nhân. Ở Việt Nam ngày xưa, nghèo thì bó chiếu đem chôn, giàu thì cử hành tang lễ rềnh rang, giết heo làm bò, dựng rạp, che lều, có ban nhạc bát âm, quàn thân nhân nhà hàng tuần tại nhà. Tuy nhiên đối với nước Mỹ, theo luật liên bang, người chết sau 24 tiếng đồng hồ, phải đưa vào phòng lạnh (còn gọi là tủ lạnh), chuyện chôn cất phải có nơi, có chỗ như nghĩa địa là nơi có giấy phép chôn người, và nghi thức tang lễ phải cử hành tại nhà quàn (Funeral Home) là những dịch vụ có giấy phép, nên khi có thân nhân qua đời, phải nghĩ đến chuyện tốn kém là điều tất nhiên, muốn tiện tặn cũng khó thực hiện.

Dịch Vụ Hỏa Táng
Dịch vụ quàn và hỏa táng có 4 hạng theo thứ tự từ đắt đến rẻ: Legacy, Heritage, Honor và Tribute. Đắt rẻ là tùy theo giá trị của quan tài, số lượng hoa và các dụng cụ linh tinh như đèn, nhang, vải khâm liệm, sổ ký tên, thiệp cảm tạ... còn các phần khác hoàn toàn giống nhau. Nếu có những dụng cụ hay dịch vụ không cần đến, nhà quàn sẽ không tính tiền.

-Dịch vụ tối thiểu (tính chung một tang lễ) phải trả cho người phụ trách tang lễ và nhân viên của nhà quàn: $1,075.00.

-Để xác trong phòng lạnh: $895.00 (gồm tắm rửa, chải tóc, tiền phòng lạnh).

-Mặc áo quần và để người chết vào quan tài: $400.00

-Dịch vụ quàn và thăm viếng: $500.00 mỗi ngày.Thêm một ngày $500.00. Quàn vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật: Thêm $475.00 mỗi ngày.

-Tiền phục vụ của nhà quàn: $700.00 mỗi ngày.

-Di chuyển thi hài đến nhà quàn $495.00 (trong vòng 50 miles).

-Hoa trang trí xe tang: $200.00

-Tiền xe tang: $350.00.

-Tiền hỏa táng: $395.00

-Nhân viên chứng kiến hỏa táng: $395.00

-Quan tài (hỏa táng) giá rẻ nhất từ $800.00 đến $3,000.00.

-Bình đựng tro, rẻ nhất là $315.00 đến đắt nhất: $570.00

-Hoa tang, từ $370 đến $520.00 (1 tràng hoa trên quan tài, 2 bó hoa, 40 cánh hoa như huệ, “glaieul” (gladiolus) hay 20 cánh ở ngoài và một để trong quan tài).

-Vật dụng linh tinh: $395.00 gồm có 8 cây đèn cầy, 2 bình nhang, 1 ống đựng nhang, hay 1 thánh giá, sổ viếng tang, 75 tập sách nhỏ về người chết và 75 thiệp cảm tạ, hay 100 holy cards và 50 thiệp cám ơn.

Tổng cộng số tiền tang gia phải trả cho một thân nhân hỏa thiêu tối thiểu khoảng $7,130.00 (nhà quàn sẽ giảm giá toàn bộ khoảng $1,000.00). Số tiền này chưa tính thuế cho vật dụng 8%, giấy khai tử $16.00, giấy phép $11.00, và tiền nhân viên hộ tống quan tài: $175.00 cho mỗi người.

Dịch vụ chôn cất
Nếu tang gia đã mua đất sẵn thì phải nghĩ đến dịch vụ chôn cất. Giá chênh lệch giữa thiêu và chôn là phần quan tài.

Thường nếu chôn cất người ta sẽ chọn thứ quan tài tốt hơn. Theo giá của Peek Family đưa ra, quan tài đắt nhất trong “Legacy package” là $5,000.00 và rẻ nhất của “Tribute package” là $3,000.00.
Tuy vậy tùy theo gia cảnh, người ta có thể chọn những quan tài đắt tiền có giá trên $10,000 với phần trang trí, chạm trổ công phu, cầu kỳ.

Kỳ 3: Chôn đắt, nhưng thiêu cũng không rẻ
Nếu tang gia quàn quan tài người mất và thiêu hay chôn cùng một nơi đương nhiên sẽ ít tốn kém hơn. Có gia đình quàn tại Peek Family nhưng lại đưa về chôn cất ở nghĩa trang Chúa Chiên Lành Huntington Beach, Melrose Abbey Memorial Park hay Anaheim Cemetery thì việc di chuyển quan tài rất tốn kém: $495 trong vòng 50 dặm, một dặm tính thêm $2.

Chở quan tài đi các tiểu bang khác hay về Việt Nam
Theo sự tiếp xúc của chúng tôi với ông Đức Nguyễn, cố vấn hậu sự ở Westminster Memorial & Peek Family, nêu lên một ví dụ, nếu một người từ tiểu bang Florida đi du lịch hay thăm bà con ở California, chẳng may qua đời tại đây cần tẩm liệm để đưa về quàn tại tiểu bang nhà, chi phí là $1,585 (bao gồm việc nhận xác, tẩm liệm, đặt xác vào quan tài, chuyển ra phi trường, giấy phép...)

Chi phí này không bao gồm giá quan tài - theo luật định để bảo đảm cho việc di chuyển tối thiểu, xác phải đặt trong thùng gỗ “Alternative Containers” ($145.00).

Giá quan tài dành cho người lớn từ $695 đến $8,695, giá quan tài trẻ em (Infant or Child) từ $85 đến $1,895.

Xin nhắc lại giá ngày quàn tại đây: Dịch vụ tối thiểu (tính chung một tang lễ) phải trả cho:

- Người phụ trách tang lễ và nhân viên của nhà quàn: $1,075,

- Dịch vụ quàn và thăm viếng: $500 mỗi ngày (mỗi ngày thêm là $500). Quàn vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật: thêm $475 mỗi ngày,

- Tiền phục vụ của nhân viên nhà quàn: $700 mỗi ngày.

Nếu chở quan tài về Việt Nam thì phải có giấy tờ của lãnh sự quán ở San Francisco và thân nhân phải lo tiền máy bay.

Theo cô Tố Nga ở nhà quàn Melrose Abbey Anaheim (2303 S. Manchester) thì chi phí chuyển quan tài về Việt Nam giá từ $10,000.00 đến $12,000.00. Việc liên lạc với thân nhân để thông báo ngày giờ tiếp nhận tại Việt Nam sẽ do nhà quàn đảm trách.

Để bổ túc cho giá đất trong kỳ trước, giá đất của Melrose Abbey, khu bia đứng (phần đông là người Việt Nam) là $4,075 và khu bia nằm là $5,800.

Nói chung việc chôn cất hay di chuyển thi hài đi trong nước Mỹ hay ra ngoại quốc rất tốn kém và phiền phức, tuy vậy theo nhu cầu của gia đình hay ước nguyện của người quá cố, hiện nay cũng có gia đình đưa quan tài về nước để được “nằm gần với vợ hoặc chồng” hay từ trong nước sang Hoa Kỳ để được gần gũi với gia đình. Năm 2009, tôi có dự đám tang của một thân hữu bị bạo bệnh mất ở Việt Nam, nhưng được quàn và an táng tại Westminster. Ông Nguyễn Phước H., muốn về VN thăm thân nhân lần chót. Gia đình ông có hứa với ông là ông cứ yên tâm, nếu ông có mệnh hệ nào thì gia đình sẽ đem ông trở lại Hoa Kỳ.

Việc di chuyển quan tài từ Mỹ về Việt Nam hay trở lại cũng có chi phí tốn kém như nhau.

Ông Đức Nguyễn của Westminster Memorial, qua cuộc tiếp xúc, cũng trả lời câu hỏi của chúng tôi về thắc mắc của thân nhân có phải “thi hài khi tẩm liệm bị mổ lấy hết gan ruột và đóng cây sắt trong mình” không?

Ông cho biết nhân viên chuyên môn của nhà quàn chỉ chích hóa chất vào thi thể để tránh việc hoại tử sớm, cũng như để giữ vệ sinh trong lúc quàn.

Trừ trường hợp người qua đời lúc sống đã bằng lòng hiến tặng các cơ phận cho các cơ quan y tế, sẽ có các nhân viên chuyên môn đến làm việc, ngoài ra theo luật pháp, không ai có thể lạm dụng đến các thi thể này.

Tốn phí cho nghi thức tôn giáo
Nhân viên phụ trách nhà quàn sẽ thiết lập bàn thờ tùy theo tôn giáo của người qua đời, trừ lễ vật là do gia đình cung cấp.

Ngoài ra, tang gia thường mời các linh mục Thiên Chúa, mục sư Tin Lành hay các tu sĩ Phật Giáo đến để làm lễ cầu siêu hay cầu hồn cho linh hồn người thân qua đời, việc này do tang gia đảm trách. Việc này tốn kém ra sao, có lẽ chúng ta cũng phải nói tới, như một trong những tốn phí của việc “hậu sự,” không nên tránh né.

Chủ một cơ sở thương mãi ở Westminster, có cho chúng tôi biết, khi thân phụ bà qua đời, bà có mời một số linh mục quen biết đến làm thánh lễ, sau đó bà có bỏ phong bì tặng cho mỗi Cha $100 như làm quà.

Một nữ bác sĩ Việt Nam ở thành phố Oakland, trong chỗ thân tình nói:
“Khi chồng bà qua đời, bà có mời một linh mục cai quản một nhà thờ đến làm lễ. Sau đó bà có viết một tấm chi phiếu và một thiệp cám ơn, gửi đến ông. Vị linh mục này nhận tấm thiệp cám ơn nhưng gửi trả lại cho bà tấm ngân phiếu!”


Cách đây năm năm, có mấy cháu họ tôi, khi mẹ chúng qua đời, có đến một ngôi chùa ở Little Saigon mời thầy trụ trì đến tụng niệm. Thường thì nghi thức Phật Giáo có các phần cầu siêu, phục tang, cúng cơm và tụng niệm trong lễ di quan ra lò thiêu hay phần mộ để chôn cất.

Trước đó, chùa nói với tang gia:

“Tùy khả năng, tùy hoàn cảnh...”...

Nhưng khi xong tang lễ, các cháu đến chùa cám ơn và gửi chi phí cho thầy $700 thì thầy nói rằng:

“Thông thường, gia đình khác đưa $2,000.”

Các cháu thưa với thầy về trình lại mẹ các cháu, nhưng vì “tùy khả năng, tùy hoàn cảnh,” các cháu đi luôn không trở lại!

Chúng tôi mong muốn, các cơ sở tôn giáo có hẳn một giá cả cho dịch vụ cho tang lễ, để gia đình người quá cố dễ tính toán mà không bị mặc cảm ray rứt, như là có lỗi với người sống lẫn người chết!
Chôn đắt, nhưng thiêu cũng không rẻ

-Thiêu rồi đem tro đi đâu?
Đất ở Nghĩa Trang Mountain View, Oakland, California, 10 năm trước giá mỗi huyệt là $6,000 hiện nay giá lên $20,000 cho mỗi huyệt. Phần lớn là người di dân người Hoa mua cho gia đình từ 5 đến 10 chỗ.

Đất dành cho người sống càng ngày càng đắt, đất cho người chết cũng vậy! Đất chôn quá đắt thì chúng ta phải nghĩ đến chuyện thiêu!

Nếu đã có dự định sau khi chết sẽ thiêu thân xác mình, hay nếu đã có nơi chôn cất mà phút chót đổi ý muốn thiêu, nhưng thiêu rồi, tro cốt để ở đâu?

Có người ngỏ ý muốn đem hủ tro này bón cho những cây hoa hồng trong vườn, làm phân cho những vồng ớt (nếu là phụ nữ) hay để trồng cây si (nếu là đàn ông,) nhưng cho đến nay chưa ai làm việc này, vì dầu sao, khi người thân không còn, thì mớ tro cốt còn lại cũng là những kỷ vật thiêng liêng của gia đình.

Nhiều gia đình để bình tro cốt trên bàn thờ của gia đình.

Nhiều gia đình đem bình tro đi theo các chùa ra biển, trong những dịp gọi là “vớt vong” thường là vào mùa Hè, sau khi làm lễ cầu siêu,” để rải tro trên biển.

Gia đình cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã chuẩn bị chuyện hậu sự mua đất cho hai ông bà, nhưng cuối cùng, theo ước nguyện của người quá cố trước khi mất, bà Ngô Quang Trưởng đã đem tro của ông về rải trên đèo Hải Vân thuộc Vùng I Chiến Thuật, chiến trường ngày xưa, năm 2008.

Có nhiều nơi để tro cốt của người quá cố như ở các chùa, nơi đây có xây dựng những “bảo tháp” dành cho các hũ tro do thân nhân mang lại “ký gửi” với lý do là muốn cho linh hồn thân nhân gần gũi với kinh kệ.

Hiện nay chùa Liên Hoa đã hết chỗ để tro cốt, chùa Bảo Quang đang để tạm tro cốt trong một ngôi tháp nhỏ, nay mai sẽ xây tháp mới khang trang và di chuyển tro cốt về đó. Chúng tôi có đến gặp hòa thượng viện chủ chùa, nhưng thầy đi vắng, thầy “Sư Nhỏ” cho chúng tôi biết tiền gửi tro cốt vào chùa là $1,000.

Ở các nghĩa trang Công Giáo có các nơi khang trang, xây từng ngăn nhỏ, bên ngoài có khắc tên, để tro người quá vãng.

Tiền gửi tro, sở hữu một hộc đựng bình tro ở:

-Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Cemetery, Huntington Beach): $4,000.

-Nhà Thờ Kiếng (Crystal Cathedral): $7,750.

-Nghĩa trang Melrose Abbey: từ $3,500.00 đến $4,800, tùy theo vị trí.

Chúng tôi xin ghi thêm giá hộc dựng tro ở một vài nhà thờ lớn có nhiều chi nhánh khắp California như “Chapel of the Chimes,” giá ở Oakland năm 1992 là $4,500, chỉ 8 năm sau (2010) giá là $15,000.

Qua ba kỳ báo, chúng tôi đã sơ lược cho các bạn những con số chi phí đáng kể và cũng đáng sợ. Đối với những gia đình đã mua bảo hiểm nhân thọ (Life Insurance) hay giàu có muốn tổ chức tang lễ cho đúng với địa vị và hoàn cảnh, nếu chúng ta không có khả năng tài chánh hay không chuẩn bị trước, có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn bất ngờ!

Sau khi viết bài phóng sự này, tôi chỉ có một điều mong muốn gửi đến tất cả mọi người:

“Đừng vội chết! Xin trì hoãn được ngày nào hay ngày đó, vì cái chết không rẻ như ta tưởng!”

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire