mercredi 18 mars 2020

Bằng Phong và bài ký sự NHỮNG NGƯỜI LÍNH BỊ BỎ RƠI

Kính gửi quý anh chị một bài ký sự về người lính Việt Nam Cộng Hoà của một chứng nhân lịch sử.
Cũng như quý anh chị đã biết những hy sinh mất mát của rất nhiều gia đình Việt Nam, bên thắng hay thua và vì sao, sự thật cũng đã rõ.
Hôm nay chúng ta chỉ là những ngườ được nghe người trong cuộc kể lại cũng là một trang sử ký.
Cám ơn tác giả.
Caroline Thanh Hương
Résultat de recherche d'images pour "những người lính bị bỏ rơi trong chiến tranh Việt Nam"

Kỳ 1 - NHỮNG NGƯỜI LÍNH BỊ BỎ RƠI

Tác giả: Bằng Phong
Gia Đẳng, Quảng Trị ngày 7/3/1975. Hôm nay là ngày bàn giao chức vụ Trung Đội Trưởng Quân Y Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến giữa tôi và người mới đến thay thế là Bác Sĩ Thi. Khi chúng tôi bước ra khỏi hầm trú ẩn thì đã thấy Trung Sĩ Khương, Y Tá Trưởng Tiểu Đoàn cùng 21 quân y tá xếp một hàng ngang, súng M16 trên vai, nón sắt áo giáp, mặt nạ chống hơi độc, túi cứu thương, quân phục chỉnh tề sẵn sàng chờ lệnh.
Có lẽ do tình thầy trò sắp chia tay nhau nên khi thoáng trông thấy Khương là bao nhiêu kỷ niệm cũ hiện ra làm tôi cảm động, nhớ về những gian nan từng trải qua cùng anh em. Có những lần Tiểu Đoàn đụng nặng, cả Trung Đội Quân Y phải thức suốt đêm để cứu chữa thương binh, thầy trò chúng tôi tận dụng tất cả những gì đã học hỏi được để cấp cứu, cố mang họ ra khỏi bàn tay của tử thần rồi sáng sớm hôm sau chúng tôi bồn chồn lo lắng chờ đợi trực thăng tải thương đến. Có lần Khương đã nhanh tay giúp tôi cứu một thương binh mà tôi không bao giờ quên:
“Anh Thủy Quân Lục Chiến phía trước, cách tôi chừng 15m, bị trúng đạn đang lăn lộn, tôi ngập ngừng bò về phía nạn nhân thì nhiều tiếng súng tiếp theo khiến tôi điếng hồn toát mồ hôi toan quay trở lại, thì hai ba Thủy Quân Lục Chiến khác từ phía sau bò vượt qua tôi, họ loay hoay chưa biết làm gì để cứu đồng đội bị thương. Tôi cảm thấy hổ thẹn vì sự nhút nhát của mình nên quyết định tiếp tục bò nhanh đến bên các anh. Anh thương binh đang thở đứt quãng, máu miệng và mũi đang phun ra kèm theo vài cái răng. Viên đạn trúng má phải xuyên qua má trái, máu chảy vào trong miệng khiến anh không thở được, tôi biết phải làm gì thật nhanh để cứu sống anh, tôi với tay lên túi cứu thương đang đeo trên vai để lấy dao mổ thì… thất kinh, túi cứu thương đã bị bắn nát! Đang bối rối thì một bàn tay vỗ vai, tôi quay đầu lại thì Y Tá Khương đưa ra con dao mổ, tôi vội giật con dao trong tay Khương và nói nhanh: “ống thở”. Tay tôi sờ cổ nạn nhân để tìm vị trí mổ, khi dao mổ vừa rút ra khỏi cổ anh lính thì Khương nhét ngay cái ống thở vào vết mổ, cả tôi và Khương cùng mừng nhìn sắc mặt người thương binh đang đổi từ tím sang hồng”.
L’image contient peut-être : 1 personne, gros plan


































Trung Tường Lâm Quang Thi



Tiếng hô “NGHIÊM” của Trung Sĩ Khương làm tôi trở về hiện tại, tôi cho anh em thao diễn nghỉ, tôi đã định nói thật nhiều về trách nhiệm và bổn phận của người y tá ngoài mặt trận, nhưng khi nhìn những khuôn mặt rắn rỏi thân yêu, những cánh tay lực lưỡng xâm hai chữ “Sát Cộng”, lòng tôi bỗng bùi ngùi xúc động. Đã hai năm rồi chúng tôi chia ngọt xẻ bùi cùng cay đắng với nhau, nay là lúc tôi ra đi để nhường chỗ cho người y sĩ khác, sự chia tay này không dễ dàng như tôi tưởng. Tôi nghẹn ngào căn dặn anh em như một người anh cả trong gia đình:
- Bây giờ tình thế rất nghiêm trọng, cộng quân có thể mở những trận đánh quyết định bất cứ lúc nào, tôi mong anh em đoàn kết bảo vệ lẫn nhau và giúp đỡ Bác Sĩ Thi hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi bắt tay và an ủi từng người đệ tử cũ và chào ông bác sĩ mới, tôi lên ban 3 Tiểu Đoàn để chào từ giã các sĩ quan tham mưu và gọi máy C25 để từ biệt bốn ông Đại Đội Trưởng. Lại một màn giã từ đầy cảm động, tôi đã sống với Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến ngót hai năm, tình chiến hữu đã đổi thành tình huynh đệ, tôi không muốn rời khỏi Tiểu Đoàn trong tình thế nóng bỏng này. Bỗng một quyết định đến với tôi mà cho đến giờ phút này tôi cũng không biết đúng hay sai, lý do Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến bấy giờ đang trực thuộc Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến đóng tại Mỹ Thủy, Quảng Trị, nếu tôi về Đại Đội Quân Y/Lữ Đoàn 258 thì tôi vẫn có thể săn sóc thương binh của Tiểu Đoàn 9 khi trận chiến xảy ra, tôi liền mượn máy Tiểu Đoàn 9 gọi cho Tiểu Đoàn Quân Y của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến tại Hương Điền để trình bày quyết định này.
May thay Tiểu Đoàn Trưởng Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Văn Thế hiểu được nhu cầu cần thiết trên tuyến đầu nên chấp thuận tăng phái tôi cho Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn 258 trong vòng hai tuần lễ.
Con đường từ bãi biển Gia Đẳng đến bãi biển Mỹ Thủy là một chi nhánh của Hương Lộ 555, đây là một hương lộ tuyệt đẹp, một bên là cát trắng biển xanh bao la, một bên là những đồi dương liễu nên thơ, và hương lộ này cũng đã đi vào văn học lịch sử thế giới bởi nhà văn thân cộng người Pháp quốc tịch Mỹ tên Bernard Fall.

L’image contient peut-être : une personne ou plus, océan, plein air et eau
 Thuận An


Năm 1953 Bernard Fall đã đi theo đoàn quân viễn chinh Pháp hành quân trên hương lộ 555 và đã chứng kiến đoàn quân này bị Trung Đoàn 95 Việt Minh đánh bại. Về nước, Bernard viết cuốn sách “Street Without Joy” trong đó anh ta đã thần thánh hoà Tiểu Đoàn 95 Việt Minh, đây là một cuốn sách rất nổi tiếng, được dịch ra nhiếu thứ tiếng và đã biến Bernard thành một đại văn hào.
Năm 1966, Bernard Fall trở lại Việt Nam để đi theo cuộc hành quân của Tiểu Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, đổ bộ tại Gia Đẳng, tiến quân đọc theo hương lộ 555 lên phía Bắc, dồn Trung Đoàn 95 Việt cộng (Trung Đoàn 95 Việt minh dưới thời Việt Nam Cộng Hoà được gọi là Trung Đoàn 95 Việt cộng) tới bờ sông Vĩnh Định, Bích La Thôn và tiêu diệt Trung Đoàn này dưới con mắt đau buồn của Bernard. Sau khi chứng kiến Trung Đoàn 95 Việt cộng bị hai Tiểu Đoàn 1 & 2 Thủy Quân Lục Chiến dìm xuống lòng sông Vĩnh Định, Bernard Fall đã đi theo quân đội Mỹ hành quân trên hương lộ 555, nhưng quân đội Mỹ đã không bảo vệ anh như Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam mà anh ta đã không tiếc lời nguyền rủa và rồi Bernard đã đạp phải mìn bẫy của Trung Đoàn 95 Việt cộng còn sót lại và chết trên “Street Without Joy” của anh ta!
Nói đến hương lộ 555 mà không nói về Bích La Thôn thì quả là một sự thiếu sót, đây là một thôn làng xinh đẹp nằm bên bờ ngã ba sông Vĩnh Định, một con sông đẹp không kém gì sông Hương, nơi đây có một chiếc cầu thơ mộng mà dân địa phương gọi là cầu Ba-Bến. Tục truyền rằng cách nay hơn 200 năm, có một vị chúa Nguyễn đầy lòng nhân từ, trước khi qua đời ông đã ra lệnh thả tất cả các cung nữ của ông về Bích La Thôn để họ làm lại cuộc đời, không biết vì ảnh hưởng di truyền hay vì phong thủy hữu tình mà những người con gái của Bích La Thôn đều có một sắc đẹp lạ lùng, khác hẳn với các giai nhân những vùng khác của đất nước, ở đây họ sống mộc mạc nhưng vẫn giữ những tập tục của Hoàng Cung Huế. Bởi vậy tại miền Trung có câu tục ngữ: “Cau Vỹ Dạ, gái Bích La”. Đang mãi nghĩ về anh văn sĩ người Pháp ngây thơ và lãng mạng, về những người đẹp Bích La Thôn thì xe đã đến Mỹ Thủy và rẽ vào Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến.
Mỹ Thủy, Quảng Trị… Ngày 08/3/1975 đến 18/3/1975.
Đèo Phước Tường, Huế… Ngày 18/3/1975 đến 25/3/1975.
Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến có 3 Y Sĩ, ông Đại Đội Trưởng là một người sống khắc khổ và chịu đựng, hai người y sĩ phụ tá là Bác Sĩ Nhi, anh là Y Sĩ bệnh viện Lê Hữu Sanh, vì phạm kỷ luật nên bị đày ra Lữ Đoàn 258, sau 30/4/75 anh được giữ chức vụ quan trọng trong ngành y tế tại Saigon, vì anh có thân nhân làm lớn trong Mặt Trận Gỉai Phóng Miền Nam. Người kia là Bác Sĩ Duy, anh là ngôi sao đang lên của Quân Y Thủy Quân Lục Chiến, khi còn lội theo Tiểu Đoàn anh đã được gắn Anh Dũng Bội Thương và được báo Sóng Thần của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến khen, nhưng không ngờ anh lại là một tên tình báo của Việt cộng, và gần đây anh đã giải ngũ với cấp bậc Trung Tá tình báo cộng sản bắc Việt. Vì Đại Đội Quân Y đã đủ y sĩ nên tôi chỉ làm những công việc lặt vặt coi như để chờ…!
Ngày 11/3/1975, đài BBC loan tin Ban Mê Thuột bị thất thủ, tôi vội lên Ban 3 Lữ Đoàn để biết thêm tin tức thì gặp Trung Tá Huỳnh Văn Lượm, một vị Tiểu Đoàn Trưởng cũ của tôi và lúc này tôi mới biết ông đang là Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 258, (Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Nguyễn Năng Bảo), chúng tôi vui mừng chào hỏi nhau rồi anh Lượm mời tôi ăn cơm tối cùng với Đại Úy Quận Ban 2 Lữ Đoàn. Trong bữa cơm anh buồn bực nói:
“Cái ‘chiến lược’ đem lực lượng tổng trừ bị căng ra để giữ đất không khá được, trong khi Việt cộng chúng tụ quân đánh ta chỗ này chỗ khác. Đất mất mà quân còn thì ta chiếm lại mấy hồi, còn quân mất thì làm sao giữ đất?”
Tôi hỏi ông liệu có một trận đánh quyết định tại Quân Khu I thì ông trầm ngâm:
- Quân cộng sản bắt Việt bây giờ không mạnh bằng năm 1972, vì những quân tinh nhuệ của chúng đã bị ta giết gần hết rồi, bây giờ chúng thay thế bằng đám thanh niên mới thiếu kinh nghiệm tác chiến, chúng biết Quân Đoàn I/Quân Khu I có 4 Sư Đoàn thiện chiến, vũ khí đạn được tích trữ đầy đủ, dù có đánh nhau một hai năm cũng chưa hết, vì thế chúng sẽ không mở một trận đánh quyết định tại Quân Khu I mà chỉ bám sát, đợi lúc ta rút quân có sơ hở thì mới đánh.
Sự tiên đoán của Trung Tá Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến khá chính xác, vì cho tới ngày 29/3/1973 khi Quân Đoàn .I rút khỏi Đà Nẵng, đã không có một trận đánh lớn nào xẩy ra.
Ngày 16/3/1975 Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, trong đó có Tiểu Đoàn 9 rời Quảng Trị di chuyển về Đại Lộc, Thượng Đức để thay thế Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù. Tôi chưa kịp xin đổi về Tiểu Đoàn Quân Y thì ngày 18/3/1975, Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến cũng được lệnh di chuyển từ Mỹ Thủy đến đèo Phước Tường để thay thế cho Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, thế là tôi có mặt trên đèo và đã nghe đã thấy tất cả những gì xẩy ra sau đó trên Quốc lộ 1, vì đèo Phước Tường nằm trên Quốc lộ 1, phía Nam Huế và phía Bắc đèo Hải Vân.
Theo lệnh hành quân thì Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến có nhiệm vụ:
1. Bảo vệ trục giao thông trên Quốc lộ 1 để Lữ Đoàn.147 Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân, Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh, các Tiểu Đoàn Pháo Binh và các đơn vị khác của Quân Đoàn I Tiền Phương đang chiến đấu tại Quảng Trị, Huế rút về Đà Nẵng.
2. Làm lực lượng ngăn cản các đơn vị truy kích của cộng sản bắc Việt sau khi các đơn vị kể trên rút an toàn về Đà Nẵng.
3. Cùng bảo vệ Quốc lộ1 từ Huế đến đèo Hải Vân còn có Liên Đoàn 15 Biệt Động Quân từ phái Bắc đèo Phước Tường đến phía Nam Huế và Lữ Đoàn 468 Thủy Quân Lục Chiến từ phía Nam sông Truồi đến đèo Hải Vân.
Từ ngày 19/3/1975 đến ngày 23/3/1975, dân chúng Quảng Trị, Huế đổ về Đà Nẵng, họ dùng đủ mọi phương tiện, từ xe hơi, xe ba bánh, xe đạp và cả đi bộ nữa, dòng người kinh hoàng sợ Việt cộng đã chen chúc nhau trên Quốc lộ 1 ngày cũng như đêm, nhiều người quá mệt mỏi ngã gục trên đường liền bị xe sau cán qua! Quân Đoàn I đã không làm bất cứ một cái gì để giúp đỡ họ, chẳng thấy một ông lớn nào lên đài phát thanh hay bay trên trời để hướng dẫn hoặc trấn an dân chúng! Dân đi thì đặc công, du kích Việt cộng cũng giả dạng tỵ nạn đi theo, không thấy Quân Đoàn I có biện pháp nào để thanh lọc chúng. Tôi tự hỏi đã có bao nhiêu Tiểu Đoàn đặc công Việt cộng lọt vào Đà Nẵng một cách hợp pháp?
Ngày 23/3/75, dòng người tỵ nạn đột nhiên chấm dứt, một số người bị thương vì đạn AK của Việt cộng được mang đến cho chúng tôi điều trị. Theo lời kể lại của các nạn nhân thì một toán Việt cộng đã lập một cái chốt gần cầu Nong, xả súng bắn vào đoàn người di tản để ngăn chặn lưu thông trên đoạn đường này.
Tối 23/3/75, đài phát thanh Việt cộng loan báo chúng đã “diệt gọn” Lữ Đoàn 258 và Liên Đoàn 15 Biệt Động Quân và chúng đang kiểm soát Quốc lộ 1 từ đèo Phước Tường cho đến Huế (?).
Sáng ngày 24/3/75, tôi đi theo xe cứu thương để cấp cứu một anh Trung Sĩ Biệt Động Quân, anh bị trúng đạn vào vai phải, gặp tôi anh nói:
- Thiệt tức muốn chết được ông thầy, tôi canh me tụi nó từ chiều hôm qua, ai ngờ nó làm tôi trước, vì nó có súng gắn ống nhắm, nếu tôi có cây 75 ly thì hốt trọn ổ tụi nó rồi.
Tôi an ủi rồi băng bó cho anh thương binh xong rồi sai y tá đưa anh về đèo Phước Tường để khâu lại vết thương. Anh Trung Úy Biệt Động Quân có vẻ lo lắng cho đệ tử nhưng tôi bảo anh an tâm, vì vết thương của Trung Sĩ không nguy hiểm, nhân tiện tôi hỏi anh về tình hình tại cầu Nong thì anh cho biết:
- Vẫn yên tĩnh, ngoại trừ cái chốt bắn sẻ cản trở lưu thông, chặn đồng bào di tản, tôi đang chờ Trung Đội súng nặng đến tăng cường để dẹp cái chốt này.
Đoạn Quốc lộ 1 từ cầu Nong đến chân đèo Hải Vân là con đường huyết mạch và duy nhất để tiếp tế, tiếp viện và rút quân cho các đơn vị phía Bắc, mất đoạn đường này có nghĩa là các đơn vị đang chiến đấu tại Quảng Trị và Huế sẽ bị cô lập. Tối hôm trước, 23/3/75 Việt cộng đã loan tin láo khoét là chiếm được đoạn đường này với mục đích làm hoang mang tinh thần chiến đấu của các đơn vị này, vậy mà Quân Đoàn I đã không cải chính để trấn an tinh thần binh sĩ!
Từ ngày 19/3/75, quân cộng sản bắc Việt đã bám sát Lữ Đoàn 258, tiền sát viên của chúng trà trộn vào dân tỵ nạn đến gần quân ta nên chúng điều chỉnh pháo binh rất chính xác, đã có vài trái 130 ly rơi vào sân trực thăng phía sau Đại Đội Quân Y. Lữ Đoàn cho mở những cuộc hành quân đẩy lui địch về phía Tây cách Quốc lộ 1 ba, bốn km. Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn dựng một cái lều lớn trên bãi trực thăng để làm trạm cứu thương, tôi được chỉ định làm việc tại đây.
Trưa ngày 24/3/75, địch bắt đầu pháo nhiều hơn, chúng pháo từ hai ba vị trí khác nhau ở phía Tây, đạn rơi chung quanh vị trí Lữ Đoàn rồi kéo từ từ lại gần, cường độ khoảng ba bốn trái một phút. Chiều 24/3/75 tôi nghe nhiều tiếng súng lớn nhỏ từ phía cầu Nong dội về, tôi biết Biệt Động Quân đang tấn công nhổ cái chốt bắn sẻ. Một lúc sau y tá mang về cho tôi 2 thương binh Biệt Động Quân, cả 2 anh đều bị bắn
bên vai phải (có lẽ tên bắn sẻ là tay mơ, quên điều chỉnh độ dạt của khẩu súng nên hắn nhắm đầu mà cả 3 nạn nhân lại bị trúng vai phải) và các anh cho biết tên bắn sẻ đã bị hạ, bọn còn lại bỏ chạy vào rừng phía Tây, Biệt Động Quân đã nhổ xong cái chốt trên cầu Nong, địch không còn, như vậy Quốv lộ 1 đã an toàn trở lại từ chiều ngày 24/3/75.
Khoảng 6 giờ chiều ngày 24/3/75, thương binh từ mọi nơi được mang về trạm cứu thương Lữ Đoàn càng lúc càng nhiều. Có đủ loại thương tích, những vết thương nhẹ thì lấy miểng đạn ra rồi khâu vá tại chỗ, nặng thì phải làm những phẫu thuật cấp cứu đặc biệt. Có nhiều vết thương đứt động mạch, khi mở băng ra thì máu phun có vòi lên mặt chúng tôi, nhưng đó là chuyện nhỏ, chúng tôi phải cột động mạch và tĩnh mạch thật nhanh, nếu chậm trễ thì thương binh mất nhiều máu nguy hiểm.
Vì lều cứu thương ở trên một vị trí trống trải lại không có bao cát che chắn xung quanh nên tôi đành cho đặt cáng thương binh dưới đất và chúng tôi cấp cứu họ trong tư thế ngồi.
Khi màn đêm xuống, vì tránh để lộ vị trí nên chúng tôi phải làm việc trong ánh đèn bấm để chích thuốc, truyền nước biển, khâu vá vết thương, điền phiếu tản thương cho gần 50 thương binh gồm Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân. Khoảng 8 giờ tối, địch bắt đầu tấn công bằng bộ binh vào vòng đai phòng thủ của Lữ Đoàn, từng tràng M16 xen với tiếng AK47, tiếng lựu đạn, B40, M72, tiếng súng cối, pháo binh đi và đến tạo nên một điệp khúc của tử thần, vài trái 130 ly chạm nổ rơi ngay sân trực thăng, cách lều cứu thương hơn hai chục thước, miểng đạn xuyên qua vải lều, bay trên đầu chúng tôi, cũng may là chúng tôi ngồi làm việc nên không ai bị thương.
Lúc 2 giờ sáng 25/3/1975, tôi nhận được một thương binh là Thiếu Úy Thủy Quân Lục Chiến khá lì, anh bị bắn vào vai trái, sau khi y tá lau sạch, tôi chích thuốc tê vào xung quanh vết thương rồi dùng kim chọc vào theo chiều sâu vết thương, tôi định được vị trí của miểng đạn, vì biết chung quanh miểng đạn không có mạch máu và dây thần kinh nào quan trọng nên tôi dùng kẹp mổ thọc vào vết thương để kẹp lấy mảnh đạn, với sự giúp đỡ của y tá, tôi dùng dao mổ cắt những sợi thịt vướng vào cạnh của miểng đạn rồi lựa thế kéo nó ra. Mảnh đạn lớn hơn đốt ngón tay, tôi gói cẩn thận tặng lại anh để sau này “Thiếu Úy tặng cho người yêu” (lưu ý: đây chỉ là một lối mổ dã chiến ngoài mặt trận, các bạn sinh viên y khoa nếu có đọc đoạn này xin đừng làm như tôi). Khi tôi khâu lại vết mổ cho Thiếu Úy vừa xong, anh ta không tỏ ra đau đớn hay mệt nhọc gì mà hỏi ngay:
- Bác sĩ cho tôi trở lại đơn vị được chưa?
- Cần phải dưỡng thương cho vết mổ kín miệng, ông về đơn vị rồi nhiễm trùng, xưng mủ, đứt chỉ khâu lúc đó ông quay trở lại càng vất vả cho chúng tôi thêm. Nhưng sao thiếu úy lại mong trở lại chiến đấu ngay vậy?
Anh vui miệng kể cho tôi nghe chi tiết của trận đánh rồi kết luận:
- Quân chính quy cộng sản bắc Việt bây giờ không thiện chiến như năm 1972, bọn này ngờ nghệch chỉ biết dàn hàng ngang xông tới như lũ say thuốc nên lính mình quạt chúng thật đã tay, khi thấy vài đồng bọn ngã xuống là chúng đi thụt lùi. Những dịp này mà không có mặt ở đơn vị để đòi nợ chúng thì thật uổng.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 25/3/75, địch quân bị đẩy lui và bỏ chạy về phía Tây Quốc lộ 1, pháo binh địch ngưng bắn, nhưng pháo ta vẫn bắn truy đuổi. Khoảng 4 giờ sáng 25/3/1975, Trung Tá Lượm đến thăm trạm cứu thương, ông hài lòng khi thấy tất cả thương binh đều đã được cứu chữa và ở trong tình trạng ổn định để sẵn sàng tản thương, sau đó ông kéo rôi ra khỏi lều cứu thương và nói nhỏ:
- Mình sẽ bỏ nơi đây để rút về Đà Nẵng trong vòng một giờ nữa!
Tôi kinh ngạc hỏi:
- Lệnh của ai vậy thưa Trung Tá?
Ông nói:
- Đích thân Tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh và ông cho lệnh Thiếu Tướng Bùi Thế Lân phải thi hành vì Thủy Quân Lục Chiến mình đang tăng phái cho Quân Đoàn I.
Tôi thắc mắc:
- Vậy thì số phận Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến và các đơn vị ở phía Bắc sẽ ra sao một khi mình bỏ vị trí trọng yếu này?
Trung Tá Lượm thở dài như không muốn nghe tôi hỏi, rồi ông buồn rầu nói:
- Giờ này tôi không thể cho anh biết được, tôi đâu muốn bỏ chỗ này, mình dư sức giữ nó thêm vài tuần nữa mà, nhưng lệnh Quân Đội thì mình phải thi hành.
Chợt thấy bác sĩ Duy bước ra khỏi hầm trú ẩn, Trung Tá Lượm nói:
- Đại Úy Quận Ban 2 Lữ Đoàn vừa cho tôi biết vài điều về ông Bác Sĩ mới, những điều tôi vừa nói với Bác Sĩ, chỉ một mình Bác Sĩ biết thôi.
Thấy ông gọi tôi bằng Bác Sĩ nên tôi biết đây là chuyện hệ trọng nên vội đáp:
- Tôi hiểu ý Trung Tá.
Tôi đau đớn suy nghĩ, anh em chúng tôi đã đổ xương máu để giữ cứ điểm này, chúng tôi đang chiến thắng, xác địch quân vẫn chưa lạnh, tiếng súng truy đuổi địch vẫn đang nổ ròn rã, chúng tôi chưa kịp thưởng thức vị ngọt chiến thắng thì đã bị nếm vị cay chua của chiến bại! Bất giác tôi cảm thấy cay mắt, và vì không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt cấp chỉ huy, tôi vội đưa tay chào Trung Tá Lượm, ông bắt tay tôi thật lâu và thật chặt, đôi mắt ông thật buồn và long lanh ngấn lệ dưới ánh sáng hoả châu, ông cúi đầu đi chậm chạp về phía Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn.
Thật không ngờ đây là lần cuối cùng tôi gặp ông, sau 30/4/75 ông đi tù và đã bị cộng sản sát hại bằng cách đẩy ông vào chảo nước sôi, vì ông đã ví chúng như những cái máy phát thanh, vặn nút “on” lên thì đứa nào cũng nói một giọng điệu. Xin vĩnh biệt Trung Tá Huỳnh Văn Lượm, vị Tiểu Đoàn Trưởng giầu kinh nghiệm và tài giỏi của tôi.
Tôi trở lại trạm cứu thương, phân loại thương binh và phân chia nhiệm vụ cho các y tá, sau đó trở về hầm trú ẩn và tôi mới thấy mệt mỏi, căng thẳng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi thức trắng đêm để cứu chữa thương binh, lúc còn lội theo Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến, tôi đã làm việc này nhiều lần, nhưng là làm việc trong công sự chắc chắn, được đệ tử bảo vệ và tiếp sức bằng những ca café sữa nóng, điếu thuốc thơm và sau trận đánh, khi thương binh đã được tản thương, thầy trò tôi cùng các sĩ quan tham mưu Tiểu Đoàn quây quần bên ấm trà điếu thuốc, luận bàn về những kinh nghiệm. Nghĩ lại trận đánh vừa qua, có lẽ thương binh, các y tá và tôi là những người phơi mình dưới pháo địch, không hầm trú ẩn, không bao cát bảo vệ, cũng may là tất cả chúng tôi được bình yên. Tôi tự nhủ nếu sau này tôi làm cấp chỉ huy thì sẽ không bao giờ phạm vào những thiếu sót này.
Trong hơn một tuần lễ có mặt tại Phước Tường, tôi có cảm tưởng như Quân Đoàn I đã quên chúng tôi! Từ việc Quân Đoàn đã bỏ rơi đám người di tản, không lập các trạm y tế và an ninh trên Quốc lộ 1 để giúp đỡ những người kiệt sức và thanh lọc những toán đặc công Việt cộng, không cải chính tin vịt do Việt cộng tung ra để trấn an binh sĩ, không có một ông lớn nào tới thị sát chiến trường, không có một máy bay nào bay trên vùng trời này và nay ra lệnh bỏ đoạn đường này, khúc xương cổ của Quân Đoàn 1, đây có phải là một bản án tử hình cho Quân Đoàn I Tiền Phương?
Sáng 25/3/1975 lúc 5 giờ, bác sĩ Đại Đội Trưởng Đại Đội Quân Y đi họp về và chính thức thông báo lệnh bỏ Phước Tường, tôi được chỉ định đi bộ với một thành phần của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, Bác Sĩ Đại Đội Trưởng và Bác Sĩ Duy thì đi bằng GMC cùng với thương binh, còn bác sĩ Nhi thì đã rời Lữ Đoàn từ hồi nào không ai biết!
Tôi chạy về hầm trú ẩn, ăn vội mấy muỗng cơm gạo sấy còn lại từ hôm trước, đổ đầy hai bi-đông nước, đeo dây ba chạc, kiểm soát lại khẩu súng ngắn, nạp một viên vào nòng rồi khoà an toàn, ba-lô, nón sắt, áo giáp, túi cứu thương, tôi xuống đồi và sát nhập vào toán Thủy Quân Lục Chiến đang di chuyển trên Quốc lộ 1. Con đường này tôi đã đi lại nhiều lần, hôm nay là lần cuồi cùng nhưng lại là lần đầu tiên tôi đi bộ trên đó, thật là một kỷ niệm khó quên.
Qua khỏi đỉnh đèo thì một cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiện ra trước mắt tôi: nền trời xanh nhạt điểm thêm mấy sợi mây trắng hồng của buổi bình minh, hai ngọn đồi Bạch Mã màu xanh đậm sừng sững phía Tây Quốc lộ 1. Dưới chân đồi, uốn éo giữa những mảng ruộng màu xanh lá mạ trải dài tới tận chân trời là sông Truồi. Sông Truồi nhận phụ lưu của sông Đá Bạc, nước chẩy đôi dòng phản chiếu ánh bình minh như môt dải lụa trắng. Phía Đông Quốc Lộ 1 biển xanh bát ngát, sóng gọi rì rào, lác đác dưới chân đèo một vài thôn xóm vẫn còn ngủ say bên lũy tre xanh. Trong cái yên lặng của buổi chớm bình minh, một vài tiếng gà gáy sáng vọng về. Với phong thủy như vậy chẳng trách miền Trung có nhiều nhân tài, thiên thần cũng lắm mà ác quỷ cũng nhiều và những giai nhân tuyệt sắc làm nghiêng thành đổ nước.
Đại Đội bảo vệ Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn dàn đội hình tác chiến, tiền vệ hậu vệ và nhất là hai cánh phải trái đi sâu vào hai bên đường, những sĩ quan tham mưu và binh lính Lữ Đoàn đi ở giữa. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến cầu Truồi, cây cầu xinh đẹp này đã bị đơn vị canh giữ phá hủy sáng nay khiến gây trở ngại không ít cho những toán quân đi sau.
Tôi lội qua sông Truồi, nước chỉ đến đầu gối và trong như lọc, qua khỏi cầu Truồi chừng vài km, tôi gặp Thiếu Tá Trần Quang Duật, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 16 Thủy Quân Lục Chiến, anh đang ngồi trên mũi xe jeep, để đầu trần, nón sắt bên hông, tay cầm bản đồ, tay kia cầm ống liên hợp máy C25, đang liên lạc với ai đó ở xa. Khi cuộc điện đàm đã xong, vì là bạn cùng lớp thời trung học Chu Văn An nên tôi đến bên Duật hỏi:
- Duật, mày làm gì ở đây mà để đầu trần không sợ bể “gáo dừa” sao?
- Tao đang chờ tụi mày.
Rồi anh chỉ tay về phía rừng dưới chân đồi Bạch Mã nói tiếp:
- Cho ăn kẹo tụi nó cũng không dám bắn, lính cánh B* của tao đang phục ở trong đó, cũng mong tụi nó xuất hiện để hốt gọn, nhưng hình như tụi “con nít” này cố tránh Thủy Quân Lục Chiến mà chỉ bám theo đuôi, nhiều lúc tức thấy mẹ”. (* mỗi Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến có quân số từ 700-1000 và thường chia làm 2 cánh khi đi hành quân, cánh A theo Tiểu Đoàn Trưởng, cánh B đi theo Tiểu Đoàn Phó).
Duật móc bao thuốc Capstan đầu lọc đưa tôi một diếu, hai đứa hút thuốc, nhả khói gói bay về hướng Bắc, chúng tôi nhìn theo, bất giác tôi hỏi Duật:
- Mày nghĩ Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến rồi sẽ ra sao, lui về bằng đường nào?
Duật cười nhạt:
- Tao làm sao biết được mưu cao của mấy ông Tướng trong Quân Đội, nhưng tao nghĩ Lữ Đoàn 147 sẽ gặp ngàn vạn khó khăn, nếu không có Không Quân, Hải Quân và Pháo Binh yểm trợ thì sẽ có thể từ chết tới bị thương!
Tôi chán nản vứt thuốc đang hút dở xuống, lấy gót bốt-đờ-sô di di, nói:
- Thôi tao đi, mày ở lại, cẩn thận.
Nhưng rồi Duật gọi giật tôi lại như muốn nói thêm điều gì, tay đưa khăn:
- Trông mày như thương binh, lau những vết máu trên mặt và cổ đi.
- Máu thương binh tao không muốn lau, đang đánh mà bắt phải lui thì tao sợ còn phải lau nước mắt nữa kìa.
Khoảng 6 giờ chiều 25/3/1975, chúng tôi đến chân đèo Hải Vân, đây là điểm hẹn của Lữ Đoàn 258 và lúc này tôi cũng được biết Lữ Đoàn 15 Biệt Động Quân ở phía Bắc đèo Phước Tường cũng đã rút quân an toàn phía sau chúng tôi. Vì còn phải chờ những toán quân sau nên tôi vào quán nước bên đường gọi một xị rượu đế để giải sầu, trong lúc đang uống, tôi chợt thấy một thương binh Thủy Quân Lục Chiến chống nạng đứng cô đơn bên kia đường, tôi nghĩ đến Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, một thi sĩ nổi danh đời nhà Nguyễn và là chú của vua Tự Đức, khoảng 150 năm về trước, ông đã có mặt tại nơi đây và nhìn thấy một người lính của cụ Nguyễn Tri Phương bị thương khi đánh nhau với quân Pháp tại Đà Nẵng, đang chống gậy khấp khểnh vượt đèo Hải Vân để về Huế, ông đã xuất khẩu làm một bài thơ tuyệt tác để lại cho hậu thế:
Tàn Tốt:
Loạn thi tùng ý bạt thân hoàn.
Nhất lĩnh đơn y chiếu huyết ban.
Ỷ trượng độc cô sơn tửu điếm.
Tự ngôn sinh nhập Hải Vân Quan.
Tạm dịch:
Tàn Binh:
Lê chiếc thân tàn vượt đèo cao.
Một mảnh chiến y thắm máu đào.
Chống gậy cô đơn bên quán núi.
Thầm hẹn ngày về Hải Vân Quan.
Tôi mời anh thương binh bên kia đường vào quán, khi anh ngồi vào bàn cùng uống rượu với tôi thì mới biết anh thuộc Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến và là một trong những thương binh tôi cấp cứu tối hôm qua.
Khoảng 7 giờ tối 25/3, quân số Lữ Đoàn đã tập trung đầy đủ, tôi được chỉ định mang các thương binh về Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng. Thương binh được chở trên 2 chiếc GMC, có một Trung Đội Thủy Quân Lục Chiến đi theo bảo vệ, một điều ngạc nhiên là anh Trung Đội trưởng lại chính là thiếu úy bị thương mà tôi mới mổ lấy đạn ra lúc 2 giờ sáng hôm nay (25/3). Tôi thắc mắc về sự lì này thì anh đáp:
- Nhằm gì vết mổ đó Bác Sĩ, tôi bị thương tay trái còn tay phải vẫn bắn được mà.
Tôi biết anh bị thương khá nặng cần phải tĩnh dưỡng hơn tuần lễ nên ngay sau khi mổ xong anh đòi trở lại đơn vị nhưng tôi đã không cho, nào ngờ anh cãi lệnh bác sĩ điều trị và chuồn về đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Xin khâm phục tinh thần chiến đấu của anh em Thủy Quân Lục Chiến.
Tôi thầm nghĩ Trung Tá Huỳnh Văn Lượm đã quá cẩn thận khi cho cả một Trung Đội bảo vệ thương binh và tôi, nhưng tôi đã lầm, khi gần đến thành phố, tôi đã thấy khói lửa bốc lên. Khi vào trong thành phố thì cảnh tượng tết Mậu Thân tái xuất hiện trước mắt tôi, nhà cháy, xe dân sự cháy, xe nhà binh cháy, thỉnh thoảng những tiếng nổ lớn phát ra từ những đám cháy làm ngọn lửa phụt lên cao.
Dưới lòng đường, trên hè phố, từng toán năm bẩy tên, đủ mọi sắc phục, cầm súng hướng lên trời bắn những loạt đạn vu vơ. Trong ánh lửa tôi nhìn thấy những cái nhìn căm thù trong mắt chúng, những cặp mắt quen thuộc của bọn đặc công hay du kích khi trước bị chúng tôi tóm cổ trói lại, nay chúng chưa bắn chúng tôi vì chúng biết chắc chắn sẽ gục ngay bởi Trung Đội Thủy Quân Lục Chiến hộ tống. Cám ơn đại bàng Huỳnh Văn Lượm đã biết lo xa cho sinh mạng của thuộc cấp.
Thành phố này đang chết! Không bóng người dân, không cảnh sát, không quân cảnh, giờ này họ ở đâu? Đi thêm vài cây số nữa, một cảnh thương tâm hiện ra, những người dân tỵ nạn Trị-Thiên nheo nhóc nằm ngồi đầy hai bên đường, không chăn, không chiếu, chỉ còn những cặp mắt đã cạn khô nước dương lên nhìn chúng tôi!
Năm 1972, mùa Hè Đỏ Lửa tôi đã có mặt tại Quân Khu I, trong Liên Đoàn 71 Quân Y, tình trạng ban đầu cũng như vậy, nhưng từ khi Tướng Ngô Quang Trưởng ra nhậm chức Tư Lệnh Quân Khu, ông đã ra lệnh cho lực lượng an ninh, cảnh sát bắt nhốt tất cả những tên giả dạng thường dân, sinh viên học sinh để sách động quần chúng, ông ra lệnh sử bắn những tên du kích, đặc công cải trang làm lính rã ngũ để phá rối cướp bóc. Ông cho lập các trại tạm trú để dân tỵ nạn có nơi che mưa nắng, có cơm ăn áo mặc, có bác sĩ săn sóc sức khoẻ, vì vậy tình hình mau chóng yên tĩnh trở lại và các binh sĩ yên tâm, tiếp tục chiến đấu mang lại chiến thắng vẻ vang cho Quân Khu I. Nhưng giờ này, 25/3/1975, ông và các phụ tá của ông ở đâu? Tại sao không làm những việc cần thiết đó như các ông đã làm năm 1972. Trong lúc binh sĩ vẫn vững tay súng ngoài mặt trận mà quý ông để hậu phương tang thương như thế thì còn đâu tinh thần chiến đấu của anh em chúng tôi!
Chúng tôi đến Tổng Y Viện Duy Tân lúc 9 giờ đêm, cổng chính của Tổng Y Viện không có đèn và cũng không có lính gác, tuy nhiên phòng nhận bệnh còn có ánh đèn, nhìn kỹ tôi thấy mấy quân y tá đang cặm cụi làm việc. Tại đây, trong ánh đèn vàng tại cửa phòng nhận bệnh, tôi gặp Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương, một niên trưởng nổi tiếng của chúng tôi, anh hiện là trưởng khu giải phẫu của Tổng Y Viện, nhưng vì đa số các y sĩ đã bỏ đi nên anh phải đảm trách thêm công tác nhận bệnh, anh hứa sẽ săn sóc cho thương binh của tôi. Khi tôi tỏ ý bất bình về các y sĩ bỏ đi, anh Lương nói:
- Không thể trách họ được, họ là những y sĩ bệnh viện, không một tấc sắt trong tay, không có binh sĩ bảo vệ như y sĩ tiền tuyến, thành phố bây giờ đầy đặc công Việt cộng và giặc cướp, Quân Đoàn I thì chẳng có quân lệnh gì để đối phó nên các y sĩ họ…!
Anh bỏ ngang câu nói “họ…” rồi chợt vui trở lại với tôi:
- Thủy Quân Lục Chiến các cậu đã về, tôi tin tưởng tình hình sẽ khá hơn.
Nghe anh nói tôi bỗng thấy một nỗi buồn và cô đơn dâng lên, trong thế trận có tính cách chiến lược này, sự thắng bại không nằm trong tay của những người lính ngoài mặt trận, quanh năm chỉ có gạo sấy với cá khô mục như chúng tôi mà ở trong ý chí quyết chiến quyết thắng của những ông Tướng ngồi trong phòng có gắn máy lạnh tại Quân Khu I, Bộ Tổng Tham Mưu và Dinh Độc Lập. Những sự việc tôi đã quan sát từ một tuần lễ nay cho phép tôi tiên đoán sự sụp đổ của Quân Khu I, bất giác hai hàng nước mắt rơi trên má, vị mặn và tanh của máu và nước mắt kéo tôi về thực tế, tôi đứng nghiêm, đưa tay chào vị Y Sĩ quân đội đúng nghĩa và từ giã ANH để trở về với đồng đội mà không ngờ đây là lần đầu và cũng là lần cuối cùng tôi gặp ANH, niên trưởng Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương! Vì sau khi cộng sản bắc Việt vào Đà Nẵng, chúng đuổi các thương binh ra khỏi Tổng Y Viện, bắt các y sĩ vào trại tù cải tạo và anh Lương đã tự sát để phản đối chính sách tù đầy dã man vô nhân đạo của chúng!
Khi công tác tải thương hoàn tất vào lúc 9 giờ 30 đêm, qua máy C25, tôi nhận được lệnh của Tiểu Đoàn Quân Y Thủy Quân Lục Chiến phải trình diện Tiểu Đoàn ngay lập tức. Tôi đến Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang đóng tại căn cứ Non Nước vào lúc 10 giờ đêm. Căn cứ được phòng thủ cẩn thận, đèn đuốc sáng rực, Ban Chỉ Huy Tiểu Đoàn Quân Y nằm trong một cái hangar lớn sau cổng chính phía tay phải, tại đây tôi gặp hầu hết các Y Sĩ của bệnh viện Lê Hữu Sanh, Thủ Đức, họ cho biết vì Sư Đoàn không có phương tiện chở thương binh về Thủ Đức nên họ phải ra đây để điều trị tại chỗ, tôi nhìn vào trong hangar, có đến năm sáu trăm giường bệnh đầy thương binh! Tôi đến trình diện Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Văn Thế, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Quân Y sau đó.
Ngay sau khi tôi đứng nghiêm chào Tiểu Đoàn Trưởng thì anh Thế chưa chào lại mà chăm chú nhìn tôi từ đầu tới chân, vẻ mặt đầy lo lắng rồi anh hỏi:
- Toa bị thương hả, sao máu đầy người thế này?
- Không, đấy là máu thương binh nhưng tôi chưa kịp thay quân phục.
Y Sĩ Trung Tá không chào lại theo lối nhà binh mà anh nắm tay tôi thật chặt, tay kia để lên vai tôi vỗ nhè nhẹ, tôi cảm nhận được tấm lòng đầy tình đồng đội, tình anh em của người chỉ huy, nó có sức mạnh hơn ngàn lời nói hay huy chương lúc này, anh chỉ cái ghế đối diện, khi cả hai cùng ngồi, anh mệt mỏi nói:
- Hiện giờ Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến đang kẹt tại bãi biển Thuận An, vì Hải Quân không vào đón, ngày mai Sư Đoàn sẽ mở một cuộc hành quân về phía Bắc đèo Hải Vân để tiếp cứu anh em mình, nhiệm vụ của toa là chỉ huy một toán quân y tá Thủy Quân Lục Chiến và 5 xe cứu thương do Liên Đoàn 71 Quân Y tăng phái, mọi tiếp liệu và lương thực thì Đại Úy Sanh, sĩ quan tiếp liệu đã lo xong.
Tôi nhận lệnh của anh Thế với tâm trạng hoang mang, nửa mừng nửa lo. Hoang mang vì mới sáng nhận lệnh rút lui của ông Tướng Tư Lệnh Quân Khu, bây giờ lại nhận lệnh của ông Tướng khác tiến trở lại, không biết chuyện gì đã xẩy ra trong nội bộ của các ông! Nhưng rồi tôi vui vì được tham dự một cuộc hành quân giải cứu chính anh em mình, nhưng cũng hơi lo, vì tôi biết địa thế phía Bắc đèo Hải Vân rất hiểm trở, đơn vị tấn công sẽ gặp nhiều thiệt hại, không biết một mình tôi có cáng đáng nổi nhiệm vụ được giao phó hay không?
Đà Nẵng ngày 26 và 27 tháng 3 năm 1975.
Lúc 6 giờ sáng ngày 26/3/1975, toán y tá Thủy Quân Lục Chiến đã sẵn sàng trình diện, tôi kiểm soát y cụ cứu thương, thuốc men, lương thực, nón sắt, áo giáp, mặt nạ chống hơi độc .v.v… tất cả trong tình trạng hoàn hảo, riêng vũ khí cá nhân M16 thì thiếu bảo trì, tôi cho anh em 15 phút để lau chùi súng ống. Trong cuộc chiến tàn bạo này, quân y tá và y sĩ là một trong những mục tiêu ưu tiên của những tên Việt cộng bắn sẻ, y sĩ thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến có số lượng tử vong ngoài mặt trận cao nhất trong các quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, vì vậy tôi muốn súng cá nhân của họ phải trong tình trạng sẵn sàng, không hẳn là để tác chiến mà mục đích chính là tự vệ và yểm trợ cho nhau trong khi thi hành nhiệm vụ cứu thương. Sau đó tôi chia anh em ra làm 3 toán có nhiệm vụ rõ ràng: Toán thâu lượm thương, toán cấp cứu, toán tải thương. Tôi cũng yêu cầu Đại Úy Sanh trang bị nón sắt áo giáp cho các tài xế của 5 xe tải thương. Tải thương trên đường đèo mà tài xế bị thương thì sẽ gây ra những hậu quả không lường.
Đến 6 giờ 30 sáng 26/3/75 tôi báo cáo lên Tiểu Đoàn Quân Y là chúng tôi đã sẵn sàng, tôi được lệnh chờ tại chỗ, tới 11 giờ thì lệnh hành quân được hủy bỏ mà tôi không biết lý do, nhưng toán quân y của tôi thì được lệnh ra bến thương cảng Đà Nẵng để đón Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến.
Khoảng 12 giờ, tôi thấy hai chiếc tàu “há mồm” cập bến, hai chiếc tàu này chở một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh từ Chu Lai về Đà Nẵng, quân số của họ chỉ còn lại chừng ba đến bốn trăm người, quân phục nhầu nát, khi đi qua cầu tầu, một số anh vứt súng M16 của họ xuống biển! Đi sau cùng là hai Thiếu Tá bị thương nơi đầu, họ dìu nhau xuống cầu tầu, tôi và đệ tử giúp hai ông một tay và đề nghị cấp cứu cho họ nhưng cả hai ông cám ơn vì phải di chuyển ngay với binh sĩ của họ. Khâm phục trước thái độ huynh đệ chi binh này, tôi chào hai ông và chúc bình an. Nghe tôi chúc, một trong hai ông đưa tay bắt và như muốn thanh minh:
- Đã đánh đấm gì đâu, đang đi hành quân thì có lệnh rút, mà lệnh rút không rõ ràng nên anh em chúng tôi rất bực mình.
Vào lúc 2 giờ chiều thì một chiếc LCU từ từ cập bến, khi bửng tàu mở ra, tôi rất mừng vì thấy màu áo rằn ri quen thuộc, đi đầu là mấy anh em khiêng xác của 3 tử sĩ, xác họ được gói kỹ trong những chiếc poncho, một trong 3 xác này là Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến, sau đó là Đại Tá Nguyễn Thế Lương Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 147, ông bị thương ở chân, mặc dù được các quân y tá dìu xuống cầu tàu nhưng ông di chuyển rất khó khăn và đau đớn. Theo sau Lữ Đoàn Trưởng là bác sĩ Rậu, bác sĩ Khoa và toán y tá cùng khoảng 100 thương binh. Cuối cùng là khoảng hai trăm quân nhân thuộc các Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến hiện đang bị kẹt lại tại bãi biển Thuận An. Tôi nhanh chóng phân loại các thương binh rồi ra lệnh mang họ lên đoàn xe tải thương để về căn cứ Non Nước. Theo Bác Sĩ Bùi Văn Rậu Đại Đội Trưởng Quân Y Lữ Đoàn.147 thì ông dược sĩ Lữ Đoàn và 4 ông y sĩ Tiểu Đoàn được ghi nhận là mất tích tại Thuận An. Buổi chiều, sau khi tải thương xong, tôi hỏi thăm tình hình, Bác Sĩ Khoa nói vắn tắt:
- Khi Thủy Quân Lục Chiến ra đến bãi biển Thuận An vào lúc 10 giờ sáng ngày 25/3/1975 thì được lệnh dừng quân để tàu Hải Quân vào đón, nhưng chờ đến 6 giờ chiều mà không có một chiếc tầu nào vào, Lữ Đoàn 147 phải dàn đội hình phòng thủ để tiếp tục chờ tầu Hải Quân thì Việt cộng tấn công, loạt đạn đầu tiên có 4 Thủy Quân Lục Chiến tử thương, anh em mang xác họ đến Đại Đội Quân Y, nhưng sau đó thì súng nổ khắp nơi, bị thương và tử thương rất nhiều nên chết ở đâu thì chôn ở đó. Sáng ngày 26/3/1975 khoảng hơn 8 giờ khi một chiếc LCU vào đón thương binh và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn thi 4 tử sĩ được mang lên tàu, nhưng xác của Đại Úy Tô Thanh Chiêu Đại Đội Trưởng/Tiểu Đoàn 4 bị rơi xuống biển nên chỉ cỏn 3.
Tôi được giao nhiệm vụ săn sóc 20 thương binh thuộc Lữ Đoàn. 147, trong đó có một Chuẩn Úy mới ra trường, trước kia anh là giáo sư trung học, anh bị bắn vào đùi, vết thương không nặng lắm, sau khi lau chùi băng bó xong tôi ngồi lại nghe anh kể chi tiết cuộc rút quân của Lữ Đoàn.147 Thủy Quân Lục Chiến, sau đó anh phẫn uất vừa khóc vừa nói:
- Bác sĩ biết không, cả một Lữ Đoàn bị lùa vào cái rọ, một bãi cát trống, tứ bề là nước mênh mông, không có lối thoát, không có địa thế ẩn núp, làm bia cho cộng sản bắc Việt bắn, như bị trói tay dẫn ra pháp trường cát, mà người đưa Lữ Đoàn 147 này ra pháp trường cát lại những vị chỉ huy cao cấp của Quân Đội! Họ thuộc phe nào?
Nhận thấy thương binh này quá xúc động và phẫn uất, dù chỉ là cấp chỉ huy Trung Đội, nhưng đã có một cái nhìn và nhận xét khá chính xác và chân thật, tôi vỗ vai anh an ủi và nói y tá chích cho anh một mũi thuốc an thần để anh nghỉ ngơi.
Sáng 27/3/1975, tin toàn bộ lực lượng Quân Đoàn I Tiền Phương dưới quyền chỉ huy của Tướng Lâm Quang Thi* bị tan rã, trong đó có Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, như một tiếng sét ngang tai, thoạt đầu không ai tin, vẫn cho rằng cộng sản bắc Việt tung ra như đã từng rêu rao trên đài phát thanh tối 23/3 là chúng đã “diệt gọn Lữ Đoàn 258 ngụy” để làm lung lay tinh thần chúng tôi.
Không thể được, bởi vì lực lượng Quân Đoàn I Tiền Phương gồm những đơn vị thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đó là: Sư Đoàn 1 Bộ Binh gồm có 4 Trung Đoàn và Đại Đội Hắc Báo, một Sư Đoàn nổi danh đã bảo vệ vùng hoả tuyến và luôn luôn chiến thắng. Đó là Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến với 4 Tiểu Đoàn tác chiến tinh nhuệ cùng với Pháo Binh và Đại Đội Viễn Thám, một đạo quân chưa bao giờ biết lui. Đó là Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ với chiến xa M48 tối tân đã từng gây kinh hoàng cho 8 Sư Đoàn cộng sản bắc Việt năm 1972. Đó là Liên Đoàn Biệt Động Quân chỉ biết “sát Cộng” và còn bao Tiểu Đoàn pháo binh nặng nhẹ cùng các đơn vi. Địa Phương Quân và Nghĩa Quân .v.v…
Bằng Phong
(Còn Tiếp)
(Xin mời xem tiếp kỳ 2)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire