vendredi 17 avril 2020

Chia buồn và cám ơn những người bác sĩ đã chết vì bệnh Coronavirus.

Tôi tuy không quen biết những vị bác sĩ này, nhưng cũng thành thật chia buồn với gia đình của các bbác sĩ trên toàn thế giới.
Kính gửi quý anh chị một tin buồn về sự ra đi của người bác sĩ bị nhiễm Coronavirus tại Canada.
Cùng bài có nhắc đến một người bác sĩ đã báo động lần đầu tiên trên mạng và cũng đã âm thầm ra đi.
Những bài viết dưới đây đã được đăng trên các báo trên net, không do tôi viết.
Caroline Thanh Hương


Báo Journal de Montréal đưa tin về bác sĩ gốc Việt Đào Huy Hào.
 
Được biết, vị bác sĩ gốc Việt này cũng thuộc nhóm những người trẻ tuổi nhất tử vong do COVID-19 tại tỉnh bang Québec của Canada, theo báo Jounal de Montréal.
 
Ngày 16/4 vừa qua, giới chức y tế Canada đã xác nhận trường hợp nhân viên y tế đầu tiên tử vong do nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) tại tỉnh bang Québec; đó là bác sĩ gốc Việt Đào Huy Hào (Huy Hao Dao), 44 tuổi, từng công tác tại cơ quan y tế cộng đồng vùng Montérégie.
 
Theo đài CBC của Canada, bác sĩ Đào còn là giáo sư giảng dạy tại khoa Khoa học Sức khỏe Cộng đồng của trường Đại học Sherbrooke, Longueuil, Québec.
 
Trong 2 năm 2016-2017, bác sĩ Đào từng làm việc tại Viện Y tế Cộng đồng (INSPQ) - hiện là cơ quan dẫn đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại tỉnh bang Québec nói riêng và tại Canada nói chung.
 
Giám đốc Cơ quan Y tế Cộng đồng của tỉnh bang Québec, Tiến sĩ Horacio Arruda, đã thông báo về trường hợp của bác sĩ Đào trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh tại địa phương hôm thứ 5 (16/4) vừa qua, và cho biết trong khoảng thời gian trước khi phát bệnh và qua đời, bác sĩ Đào không làm việc trong các bệnh viện và các cơ sở y tế, mà đã mắc COVID-19 từ một nguồn bên ngoài.
 
Thông qua trường hợp của bác sĩ Đào, ông Arruda cũng nhắc nhở rằng virus corona có thể tấn công bất kỳ ai, và mọi người cần tuân thủ những quy định nhằm ngăn ngừa virus lây lan.
 
Hiện giới chức y tế địa phương đang gấp rút điều tra nguồn lây bệnh và những người có liên quan, tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ Đào.
Một vị bác sĩ tâm huyết với nghề
 
Báo Journal de Montréal (JdM) ngày hôm qua (16/4) đã đăng tải bài viết có tiêu đề "COVID-19: Mort en voulant sauver des vies" (tạm dịch: 'COVID-19: Ra đi khi ước mơ cứu người còn dang dở') nói về vị bác sĩ gốc Việt này.
 
Theo thông tin của JdM, trong vài tuần gần đây, bác sĩ Đào là một trong số 3 bác sĩ thực hiện công tác điều tra dịch tễ học tại địa phương. Mặc dù vị bác sĩ này không tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm COVID-19, nhưng công việc bắt buộc anh phải xác định và truy dấu nguồn lây bệnh ở những bệnh nhân dương tính hoặc đã qua đời sau khi nhiễm bệnh.
 
Báo JdM đã miêu tả bác sĩ Đào là một người tâm huyết và đam mê đối với lĩnh vực y tế cộng đồng, đáng tiếc là anh đã qua đời khi tuổi đời còn khá trẻ. Thực tế, theo số liệu thống kê của tỉnh bang Québec, bác sĩ Đào thuộc nhóm đối tượng những người trẻ tuổi nhất đã qua đời vì COVID-19 tại bang này.
 
Bác sĩ người gốc Việt Đào Huy Hào (44 tuổi) là nhân viên y tế đầu tiên ở tỉnh bang Québec, Canada qua đời vì COVID-19. Ảnh: Facebook
Bác sĩ người gốc Việt Đào Huy Hào (44 tuổi) là nhân viên y tế đầu tiên ở tỉnh bang Québec, Canada qua đời vì COVID-19.
 
Thông tin về việc bác sĩ Đào đột ngột qua đời vì COVID-19 đã khiến nhiều người trong ngành vô cùng bàng hoàng và tiếc thương.
 
"Việc anh ấy qua đời đã tạo ra một làn sóng chấn động trong đội ngũ quản lý y tế cộng đồng. Chúng tôi đều rất đau buồn trước sự ra đi của người đồng nghiệp vô cùng kính mến này", bác sĩ Julie Loslier, một đồng nghiệp của bác sĩ Đào cho biết.
 
Không chỉ gây chấn động trong giới y tế cộng đồng, mà giới nghiên cứu cũng bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của vị bác sĩ trẻ.
"Tất cả những điều anh ấy làm đều xuất phát từ niềm đam mê", Nathalie Simard, một người từng cộng tác nghiên cứu với bác sĩ Đào cho biết.
 
Cô Simard chia sẻ, mặc dù bác sĩ Đào có đủ kiến thức và năng lực để làm việc trong một bệnh viện và có thu nhập cao hơn, nhưng anh đã quyết định cống hiến trong lĩnh vực y tế cộng đồng.
 
Được biết, bác sĩ Đào đặc biệt quan tâm đến việc tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng về chất gây nghiện từ lâu đã trở thành vấn nạn tại Canada, và năm ngoái anh đã nhận được một khoản tài trợ nghiên cứu từ chính phủ.
 
Anh đã để lại ấn tượng tốt trong mắt những người từng tiếp xúc với mình. Khi chia sẻ với phóng viên của Journal de Montréal, họ nói rằng bác sĩ Đào là một người thông minh, và không chỉ yêu thích công việc nghiên cứu, anh còn rất đam mê bộ môn cờ vua.
 
"Cậu ấy từng làm thực tập sinh trong phòng thí nghiệm của tôi. Đó là một chàng thanh niên rất tận tụy, rất tốt tính và hòa đồng. Cậu ấy rất đáng tin cậy và có năng lực nghiên cứu tốt", Tiến sĩ André Marette, giáo sư y khoa tại Đại học Laval, cho biết.

 


Bác sĩ Lý Văn Lượng đã góp phần cứu Đài Loan khỏi đại dịch Covid-19 như thế nào?

An An |

Bác sĩ Lý Văn Lượng đã góp phần cứu Đài Loan khỏi đại dịch Covid-19 như thế nào?
Ông La Nhất Quân chia sẻ về cảnh báo sớm của bác sĩ Lý Văn Lượng. Ảnh: YND

Theo quan chức y tế Đài Loan, cảnh báo sớm của bác sĩ Lý Văn Lượng trên một diễn đàn trực tuyến đã giúp đảo này nhanh chóng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cảnh báo sớm từ bác sĩ Lý Văn Lượng
Mới đây, truyền thông Đài Loan đã đồng loạt đưa tin về việc nhờ cảnh báo sớm của bác sĩ Lý Văn Lượng mà đảo này có thể kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Hãng tin CNA (Đài Loan) ngày 16/4 đưa tin, trong cuộc họp báo hàng ngày, Phó trưởng nhóm phản ứng y tế thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đài Loan (CDC Đài Loan) La Nhất Quân cho biết, sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng chia sẻ thông tin về dịch bệnh trong nhóm trò chuyện riêng thì thông tin này đã được lan truyền ra ngoài.
Một người dùng mạng đã đăng tải cảnh báo sớm của bác sĩ Lý và hai thông báo khẩn cấp về tăng cường điều trị bệnh viêm không rõ nguồn gốc của Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán lên diễn đàn trực tuyến PTT (Đài Loan).
Vào khoảng 3h sáng ngày 31/12/2019, một bác sĩ Đài Loan đã đọc được và chia sẻ lại thông tin trên diễn đàn PTT vào nhóm thảo luận của CDC Đài Loan.
Ông La Nhất Quân cho biết: "Từ góc độ chuyên môn, tôi nhận thấy tiết lộ này khác hẳn những tin tức thông thường khác. Các hình ảnh trong bài viết không phải là tài liệu chính thức mà là hình ảnh chụp màn hình tin nhắn".

Những thông tin cảnh báo về đại dịch Covid-19 được chia sẻ trên diễn đàn PTT.
Ông này chỉ ra, trong hình ảnh được chia sẻ cho thấy, bác sĩ Lý Văn Lượng cho biết, tại chợ hải sản Hoa Nam Trung Quốc có 7 ca bệnh có liên quan đến SARS và gửi kèm báo cáo xét nghiệm, ảnh chụp cắt lớp vi tính vùng ngực của bệnh nhân.
Báo cáo xét nghiệm được thực hiện bởi một cơ sở xét nghiệm tư nhân, chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân giống với người mắc bệnh SARS, ngoài ra còn phát hiện vi khuẩn trực khuẩn mủ xanh. Xét nghệm này được thực hiện bằng phương pháp sàng lọc thông lượng cao (HTS), có thể cùng lúc xét nghiệm ra nhiều mầm bệnh, có thể không gây tử vong nhưng vì sự xuất hiện của SARS nên cũng khiến bác sĩ xét nghiệm đặc biệt cảnh giác.
Tuy nhiên, do báo cáo xét nghiệm không ghi rõ ngày xét nghiệm và con dấu chính thức nên ông La Nhất Quân cho rằng, vị bác sĩ sau khi nhận được báo cáo xét nghiệp đã ngay lập tức thuận tay dùng điện thoại di động chụp lại và gửi vào nhóm thảo luận, sau đó đoạn thảo luận này được lan truyền ra ngoài. Chính điều này khiến ông khẳng định, những thông tin này có độ tin cậy nhất định.
Ngoài thông tin được đăng tải trên diễn đàn PTT, ông La cũng tìm thấy thông tin được lan truyền từ nguồn tin khác cho thấy, các bác sĩ, nhân viên y tế Trung Quốc đại lục khác dự đoán có khả năng dịch bệnh sẽ truyền nhiễm trong bệnh viện.
Nhận thấy điều này, ông đã ngay lập tức cung cấp thông tin liên quan cho nhóm phòng chống dịch bệnh của CDC Đài Loan. "Vô cùng cảm ơn người thổi còi đại lục, đặc biệt như bác sĩ Lý Văn Lượng và người đã thu thập thông tin đăng lên diễn đàn PTT", ông La phát biểu.
Đài Loan nhanh chóng triển khai kiểm soát dịch bệnh
Sau khi nhận được thông tin từ ông La Nhất Quân, ngay trong ngày hôm đó (31/12/2019), Đài Loan đã lên công tác chuẩn bị ứng phó dịch bệnh.
Sáng cùng ngày, Đài Loan đã gửi thư tới Trung tâm kiểm soát bệnh tật Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới WHO, yêu cầu cung cấp thêm thông tin.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đại lục chỉ gửi cho Đài Loan một bản thông cáo báo chí của Ủy ban Y tế Thành phố Vũ Hán, xác nhận có 27 ca nhiễm bệnh viêm phổi không rõ nguồn gốc, gồm 7 ca bệnh nặng. Trong khi, WHO trả lời rằng, "đã gửi thông tin cho các đồng nghiệp chuyên gia".
Mãi đến ngày 15/1, Bắc Kinh mới tuyên bố "không loại trừ khả năng chủng virus mới lây từ người sang người ở mức độ hạn chế" và thực biện biện pháp mạnh nhất là phong tỏa tâm dịch Vũ Hán vào ngày 23/1 và thắt chặt hạn chế di chuyển trên toàn quốc.
Theo CNA, thời điểm đó, Đài Loan nghi ngờ dịch bệnh này có hiện tượng lây từ người sang người nhưng cả Trung Quốc và WHO đều không cung cấp thông tin cụ thể.
Do đó, một cuộc họp báo đã được tổ chức ngay lúc 18h chiều tối ngày 31/12, thông báo sẽ tiến hành kiểm tra y tế đối với các hành khách trên các chuyến bay thẳng từ Vũ Hán, bắt đầu từ ngày 1/1/2020 nhằm phòng tránh sự lây lan của virus.
Vào giữa tháng 1/2020, Đài Loan đã cử các chuyên gia đến Vũ Hán để tìm hiểu tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống dịch bệnh, lịch sử phơi nhiễm bệnh nhân.
Như vậy, nhờ nắm bắt thông tin sớm và kịp thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phải gần một tháng, từ ngày nhận được cảnh cáo của bác sĩ Lý Văn Lượng 31/12/2019 đến ngày 21/1/2020, Đài Loan mới ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan ghi nhận 395 ca nhiễm, bao gồm 340 ca nhập ngoại.

2 commentaires:

  1. Vị bác sĩ này trẻ qúa, sinh ra sau tháng Tư Đen một năm mà cũng bị Covid 19 lấy mạng. Ghê gớm thiệt!
    ÔC

    RépondreSupprimer
  2. Con xin nguyện cầu cho linh hồn BS trẻ được an nghỉ nơi Vĩnh Hằng!

    Have A Wonderful Day
    Love & Peace & Happiness
    Thinh Tran

    RépondreSupprimer