dimanche 20 septembre 2020

Ngài Viện Sĩ, Bài viết của Vo Nhat Thu từ FB Nguyễn Duy Ái.

Kính gửi quý anh chị một bài trên internet kể lại một câu truyện Áo Gấm Về Làng đầy ý nghĩa. 

Cũng qua câu chuyện này mà chúng ta nhìn thấy được kịch lý của một phái đoàn giáo dục con cháu người Việt ngày hôm nay. Trường sở không đủ chi phí để có phòng lab cho học trò mà thay vào đó được nhận quà cáp từ một học sinh bị ruồng bỏ. 

Cám ơn tác giả bài viết và bài post. 

Caroline Thanh Hương 

 

Ngôi trường làng Khuê Lãnh hôm nay như mở hội. Bởi trường có một sự kiện trọng đại: Đón ngài viện sĩ từ Anh quốc về thăm trường và khánh thành phòng Lab tiếng Anh do chính ngài tài trợ.

Mới hơn 6 giờ sáng mà sân trường đã nhộn nhịp. Đội học sinh danh dự duyệt lại đội ngũ lần cuối cùng. Đội trống ếch, tổ dâng băng khánh thành đã sắp xếp đâu vào đó. Một bục sân khấu được dựng lên trước phòng hiệu trưởng, trên nền phông màu đỏ được cắt câu chào mừng trịnh trọng màu trắng:

 

CHÀO MỪNG NGÀI VIỆN SĨ HOLEY LEE VỀ THĂM TRƯỜNG

Bên dưới là câu tiếng Anh:

“Welcome Mr Holey Lee, The academicians visiting the school!”

Phía trước bục sân khấu được bố trí dãy ghế danh dự bọc nhung đỏ dành cho viện sĩ và các quan khách. Sau lưng là các dãy ghế dành cho các thầy cô đương chức và cả các thầy cô của trường đã nghỉ hưu được mời. Cuối cùng là dãy ghế băng dành cho khối học sinh lớp chín được phân công tham dự.

Buổi lễ đón tiếp ngài viện sĩ được chuẩn bị chu đáo và trọng thị.

Thầy hiệu trưởng hôm nay mặc bộ veston màu xám tro khả kính. Thầy đến sớm hơn mọi ngày, gật đầu hài lòng với khâu tổ chức. Thầy đứng trước cổng trường đón các quan khách, niềm nở bắt tay và ân cần hỏi thăm từng thầy cô đã nghỉ hưu được mời về tham dự buổi khánh thành phòng Lab như theo đề nghị của ngài viện sĩ. Thầy vui vẻ với tổ phóng viên báo Giáo dục cũng được mời để đưa tin về sự kiện.

Ông Hoàng chia tay với ông Sự, người chở ông đến bằng chiếc xe Wave cà tàng. Ông xóc lại chiếc ba lô con cóc, nhìn đồng hồ rồi bước tới nở nụ cười chìa tay với thầy hiệu trưởng. Thầy chỉ đưa tay bắt xã giao lấy lệ trong khi mắt thầy vẫn hướng về phía đầu đường chờ mong chiếc xe của ngài viện sĩ.

Một cảm giác kỳ lạ, ông Hoàng nghe như có dòng điện chạy dọc sống lưng. Ngôi trường khác quá! Không còn nét xưa cũ nào đã từng sống trong ông bằng dòng chảy của ký ức. Tất cả đã đổi thay vì ngôi trường ngày ấy đã cũ nát, rệu rã người ta đã đập đi rồi và xây lại bằng ngôi trường mới khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Chỉ còn mỗi cây xà cừ năm xưa giờ đã thành cổ thụ là còn nét thân quen.

Đi giữa đám người hối hả và hồi hộp chờ sự xuất hiện của ngài viện sĩ, ông Hoàng chỉ là người xa lạ chẳng ai buồn để ý. Ông đến bên cây xà cừ tỏa bóng trên sân. Ông sờ vào lớp vỏ khô dày mà nghe dội lên từ bàn tay một miền ký ức.

Cái ký ức của tuổi thơ ùa về trong ông.

***

Những ngày cận kết thúc cuộc chiến, ông Quang, ba ông Hoàng không theo dòng người di tản như bao người trong cuộc hỗn loạn dù ông dư sức khi mình là một phi công. Ông đã chọn cho mình con đường ở lại. Ông bảo vợ con: “Nhà mình không đi đâu cả! Đất nước hết chiến tranh, sẽ hòa bình. Mình là người Việt Nam mình ở lại với đất nước này”.

Vậy là ông Quang trút bỏ bộ đồ phi công, đưa vợ con rời thành phố về lại với quê hương trong những ngày đầu giải phóng. Khi ngôi nhà gỗ được dựng lên trên nền ngôi nhà cũ bị đổ nát, ông Quang có tên gọi đi học tập cải tạo bởi ông từng lại một trung úy phi công. Ông vui vẻ dặn dò vợ con với niềm tin một tuần sau sẽ về như giấy gọi triệu tập.

Vậy mà đâu chỉ một tuần. Thời gian cải tạo ông kéo dài tới tận 8 năm!

Tám năm ấy gia đình ông biết bao thăng trầm. Nhà còn lại ba mẹ con, thiếu đi chỗ dựa của người cha, phải lo cho cái ăn từng ngày. Hoàng khi ấy mới 13 tuổi đầu nhưng đã phải lo những việc mà người đàn ông trong nhà phải cáng đáng. Hai anh em Hoàng buổi đi học, buổi ở nhà giúp mẹ công việc đồng áng. Mẹ Hoàng mong mãn hạn chồng về nhưng thời gian cứ đằng đẵng trôi.

Rồi Hoàng bị đuổi học vì một bài văn viết về người lính ngụy. Hoàng viết về ba mình, về người cha kính mến với lòng tự hào vì ông Quang là người cha yêu thương, trách nhiệm và yêu nước. Ông là phi công nhưng không bỏ nước ra đi như bao người khác mà quyết tâm ở lại với đất nước này. Hy vọng một ngày kia mãn hạn về, ông sẽ đem tình yêu nghị lực và lòng yêu nước xây dựng quê hương.

Bài văn không những bị điểm 0 mà Hoàng còn bị gọi lên phòng hiệu trưởng chỉnh huấn. Bởi đã là ngụy thì không có ai tốt cả. Đã là ngụy là phải viết về bản chất ác ôn, giết người, là những tên phản động, phải bị cách mạng trừng trị và giáo dục. Hoàng không chịu nổi, đứng dậy cãi tay đôi: “Ba em không phải hạng người như thầy nghĩ! Ba em tuy là phi công nhưng ông chỉ là phi công tải thương, ông không bắn ai, giết ai. Ông chấp nhận ở lại với cách mạng, ông là người yêu nước!”

Thầy hiệu trưởng như bị chạm nọc vì bị thằng con của một tên ngụy quân tát vào mặt không thể chấp nhận được. Vậy là án kỷ luật dành cho Hoàng với mức nặng nhất: Hoàng bị đuổi học.

Giáo viên không một ai dám hó hé, chỉ có cô giáo Tâm, là giáo viên chủ nhiệm bênh vực Hoàng. Cô không thể chấp nhận bản kỷ luật quá khắt khe ấy. Một học sinh thông minh như Hoàng chỉ vì viết về cha, bênh cho cha mà bị đuổi học. Cô phản ứng nhưng sự phản ứng của cô như ném đá ao bèo, không được hội đồng nhà trường chấp thuận, chẳng một ai dám giúp cô, giúp Hoàng. Ai cũng sợ.

Buổi sáng dưới cờ, hiệu trưởng tuyên bố kỷ luật, lúc sau Hoàng về lớp lấy sách vở. Im lặng nuốt nước mắt ra khỏi trường. Bạn bè không một ai dám nói với Hoàng một lời an ủi, chỉ có thằng Sự khi ấy choàng cổ tiễn Hoàng đi ra tận cổng bằng dòng nước mắt ấm ức.

***Giờ ông về lại. Rứa mà đã hơn 35 năm! Đời người nhanh thật! Còn gì thân quen ngoài cây xà cừ như người bạn thủy chung? Ông nhìn lên, cái nhánh ngang ấy ông với thằng Sự cứ thích trèo lên trong những giờ ra chơi đưa hai chân đong đưa, hay cái chạc trên kia lắm lúc hai thằng giành nhau leo lên để tìm một chỗ ngồi cao nhất. Ông tìm trong bóng cây vết chân ngây thơ ngỗ nghịch. Tuổi thơ ông bên ngôi trường này, chính xác hơn là bên bóng xà cừ này đầy những yêu thương nhưng không thiếu phần cay đắng.

Ông đi dọc hành lang, đến phòng Lab, cửa phòng khép hé, ông mở cửa bước vào. Phòng khang trang, các máy vi tính để bàn đời mới nhất với cả hệ thống âm thanh thu – phát đều đúng chuẩn. Ông gật gật đầu. Chợt bên ngoài có tiếng gắt: “Ông kia! vào đây làm gì? Đi ra!”

Ông bước ra, chỉ gật đầu với nụ cười đáp lại vẻ mặt đầy nghi ngờ của người bảo vệ trường. Ông tìm cho mình chỗ ngồi ở hàng ghế cuối.

Chợt người ta xôn xao: “Xe viện sĩ đến, xe viện sĩ đến!”

Tất cả mọi người đứng dậy. Ông hiệu trưởng hối hả đi ra. Cánh cửa xe mở ra, mọi người dán mắt. Phóng viên đang chực sẵn để ghi lại phút giây đầu tiên của vị viện sĩ khả kính. Người ta “ồ” lên, người bước ra khỏi xe với bộ đồ sang trọng lại là vị trưởng phòng giáo dục huyện nhà. Ông bước ra, thầy hiệu trưởng đến chào bằng cái bắt tay khúm núm. Ông hất hàm hỏi:

– Viện sĩ đến chưa?

– Dạ, báo cáo anh, ngài viện sĩ chưa đến, tụi em đang chờ ạ!

– Chuẩn bị tốt chứ?

– Dạ, mọi thứ đều xong xuôi ạ!

Ông đến trước dãy ghế danh dự, nhìn quanh chào một lượt rồi chỉ thị:

– Khi viện sĩ đến mọi người phải đứng dậy, đội trống ếch phải nổi trống cho nhịp nhàng nhé! – Rồi ông quay sang hiệu trưởng – Ai đảm nhiệm việc tặng hoa?

– Dạ, đây là cô Lan –  hiệu trưởng giới thiệu – giáo viên tiếng Anh, là chủ nhiệm phòng Lab sắp tới, sẽ đảm nhiệm tặng hoa và phiên dịch ạ!

– Ừ, vậy là tốt! – Ông quay sang dặn cô Lan – Cô sẽ đi sau tôi để kịp tặng hoa sau khi tôi bắt tay ngài viện sĩ nhé!

Ông Hoàng nhìn lên các dãy ghế trên, cố tìm ra ai là thầy cô cũ. Chợt ông nhận ra người ngồi dãy ghế kề trên. Ông dời lên ngồi cạnh cô giáo cũ có mái đầu bạc trắng.

– Cô Tâm!

Cô giáo Tâm giật mình:

– Xin lỗi, anh là…

Ông Hoàng nói nhỏ đủ để cô nghe:

– Dạ, em là Hoàng đây! Cô nhận ra em không?

– Hoàng nào? Tôi không nhớ….

– Dạ, Hoàng đây! Hoàng bị đuổi học đây cô!

– Trời ơi, em là Hoàng đó sao! Mấy chục năm trời em đi đâu? Răng không tin tức chi cho cô? Rứa em về hồi nào?

– Em về hồi hôm, em ở lại nhà thằng Sự, cô nhớ thằng Sự không? Dạ, đúng rồi! Thằng ở thôn hai đó! Sáng ni hắn chở em tới.

– Ủa, mà răng em biết bữa ni trường có sự kiện ni mà về thăm?

– Dạ, em có cái hẹn với trường ạ!

– Trường bữa ni đón ngài viện sĩ mà có hẹn chi với em?

– Cô ơi, ông viện sĩ ấy to lắm hả cô?

– Cô không biết nhưng ổng là viện sĩ viện hàn lâm chi đó của Anh quốc, giấy mời cô dự hôm nay viết rứa! Ổng còn đích thân tài trợ cho trường cái phòng Lab hiện đại dạy tiếng Anh nữa! Nghe nói còn tài trợ kinh phí học bổng chi nữa kia!

Chợt người ta xôn xao: “Chắc xe viện sĩ, xe viện sĩ đến!” Cô Tâm cũng nhón người đứng lên nhìn ra cổng thì thào: “Ổng đến rồi kìa!”

Nhưng chiếc ô tô ngang qua trường vẫn không dừng lại. Mọi người thêm một phen chưng hửng. Thầy hiệu trưởng nóng ruột nhìn đồng hồ. Cô Tâm cũng ngồi lại chỗ.

Ông Hoàng thì thầm:

– Cô ơi! Ông nớ có chi mà to! Có khi ổng còn gọi cô bằng cô giáo nữa đó chớ!

Cô Tâm cười:

– Có mà nằm mơ giữa ban ngày hả em?

– Giấc mơ có thật đó cô! Cô đừng ngóng nữa! Ông ấy đang ngồi bên cô nè!

Cô Tâm xô ông Hoàng ra:

– Em khéo giỡn!

– Em thiệt mà! Em là viện sĩ Holey Lee đây!

– Hả! Em là Hoàng, Lê Văn Hoàng…

Ông Hoàng ghé sát vào tai cô Tâm:

– Tên tiếng Việt em là Lê Văn Hoàng, nhưng tên tiếng Anh của em là Holey Lee. Em nhờ cô lên nói giúp là cái ngài viện sĩ mấy ông đang chờ ấy đã đến lúc 6h30 đang ngồi ở dưới.

Cô giáo Tâm đứng dậy nhìn vào ông Hoàng như không tin có bất cứ sự tồn tại nào trên đời. Ông Hoàng đưa cho cô cái card visit, cô Tâm đọc cái tên trên tấm card mới tin đây là sự thật. Cô ôm chầm ông Hoàng: “Hoàng ơi! Là em đó ư!”

Cả trường dồn mắt nhìn cảnh tượng hai cô trò ôm nhau mà không biết chuyện chi. Chợt cô Tâm buông ông Hoàng đi lên trên dãy bàn danh dự nói nhỏ mấy câu làm cả thầy hiệu trưởng lẫn đến các vị quan khách há hốc mồm nhìn về phía ông Hoàng.

Đích thân ông trưởng phòng giáo dục và thầy hiệu trưởng xuống tận chỗ ngồi bắt tay ông Hoàng trong ánh mắt sượng sùng:

– Xin chào ngài viện sĩ! Ngài đến khi nào sao không báo? Chúng tôi thật tắc trách.

– Dạ, tui đến đúng 6h30 như đã hẹn, lúc vào tui có chào thầy hiệu trưởng nhưng thầy không để ý đó thôi!

– Tui thật đáng trách, thật đáng trách! Xin ngài viện sĩ bỏ quá cho.

– Mời, mời viện sĩ lên ghế trên, mời, mời… mời cả cô Tâm nữa! – Ông trưởng phòng giáo dục huyện xởi lởi.

Tình huống xảy ra ngoài dự liệu, đến nỗi đội trống ếch không biết phải nổi trống thế nào. Cô giáo Lan tặng hoa cũng đứng như trời trồng. Nói chung chương trình đón tiếp đã bể toàn bộ không như kịch bản. Các phóng viên lúc này mới ào lên ghi lại khoảnh khắc hiếm có của vị viện sĩ như người từ trên trời rơi xuống. Các thầy cô, học sinh tham dự lúc đầu im phăng phắc rồi sau đó bắt đầu ồn ào bàn tán.

Buổi lễ bắt đầu.Thầy hiệu trưởng giới thiệu sự kiện, giới thiệu các vị quan khách, cuối cùng giới thiệu về ngài viện sĩ không khỏi tự hào vì là cựu học sinh của trường. Sau bài phát biểu, thầy mời ngài viện sĩ lên có đôi điều trong buổi lễ trang trọng này trước khi tuyên bố khai mạc và cắt băng khánh thành phòng Lab.

Ông Hoàng bước lên, nhìn ông không ai nghĩ đó là một viện sĩ của một viện hàn lâm về đại dương nổi tiếng đến từ Anh quốc. Bởi với ông lần trở về đầu tiên sau hơn 35 năm này không phải với tư cách của một viện sĩ mà là của một người con quê hương xa quê, của một cậu học trò tên Hoàng với tuổi thơ từng học trường này.

Ông trịnh trọng:

– Kính thưa thầy hiệu trưởng, các thầy cô đã và đang dạy trường này;

Kính thưa các vị quan khách cùng các cháu học sinh,

Lời đầu tiên tôi xin gửi đến quý vị lời chúc sức khỏe và lời thỉnh cầu, xin mọi người đừng gọi tôi là ngài viện sĩ mà hãy gọi tôi là Hoàng, Lê Văn Hoàng. Tôi là người con của quê hương mình, sinh ra ở đây và đã có một thời gian, dù không nhiều đã sống gắn bó và từng là học sinh của trường mình.

Thưa quý vị!

Trong lá thư tôi gửi cho thầy hiệu trưởng có yêu cầu là được khánh thành phòng Lab đúng vào ngày này. Thật tình tôi lấy làm xúc động vì sự chuẩn bị cho lễ khành thành này, các thầy chu đáo quá!

Vì sao tôi chọn ngày này? Vì đó là của mốc thời gian đầy ý nghĩa. Tôi chắc các vị không biết, hôm nay là đúng 100 năm ngày thành lập trường.

Bên dưới “ồ” lên ngạc nhiên. Mọi người xôn xao. Ông Hoàng tiếp:

– Vì sao tôi nói vậy? – Rồi ông mở cặp lấy ra trang giấy cũ vàng ố được ép plastic đưa lên – Đây là bài phát biểu của ông nội tôi trong ngày khai giảng đầu tiên của ngôi trường này. Ba tôi kể lại, 100 năm trước bằng lòng nhiệt huyết của người trí thức yêu nước, bằng trí lực của mình, ông tôi đã xin với nhà cầm quyền là chính quyền thuộc Pháp khi đó được mở ngôi trường này để đem sở học của mình truyền bá chữ quốc ngữ và khai phóng dân trí người làng mình.

Trường khi ấy nghe ba kể chỉ là ngôi nhà ba gian vách đất, lợp tranh. Sau bao biến động của thời gian và thời cuộc, ngôi trường đã thay đổi mấy lần, sau này được lợp ngói, được mở rộng nhiều phòng, nhiều lớp. Giờ cũng đã thêm một lần thay đổi khang trang hơn, đẹp hơn. Chứng nhân của trường bây giờ chỉ còn mỗi cây xà cừ mà ông nội tôi trồng khi xưa hiện vẫn còn trên sân.

Tôi trở về lần này với tâm thức của người con xa quê, của một học sinh trường cũ, thật sự bồi hồi xúc động mà lòng rất vui.

Có thể nói thế hệ ba đời gia đình tôi có duyên với trường này. Ông tôi là thầy giáo đầu tiên của trường, ba tôi là người học trò đầu tiên thành đạt của trường và tôi, người học trò đầu tiên bị đuổi khỏi trường…

Ông dừng lại mỉm cười. Lại thêm một phen xôn xao, Bên dưới cô Tâm lấy vạt áo chấm dòng nước mắt. Ông tiếp:

– Sự kiện đó với tôi chỉ còn là kỷ niệm, tôi không muốn nhắc lại lý do vì sao tôi bị đuổi. Cũng tiện đây tôi xin gửi đến các thầy cô từng dạy tôi có mặt hôm này lời thăm hỏi và biết ơn sâu sắc vì đã có tháng năm ngắn ngủi dạy dỗ tôi, đặc biệt cô Tâm đã dành cho tôi tình yêu của một người mẹ.

Chắc thầy cô đang thắc mắc số phận của cậu Hoàng bị đuổi học năm ấy đã đi đâu về đâu. Tôi xin vắn tắt.

Năm ấy, sau hai năm gia đình tôi đi kinh tế mới vào Bà Rịa – Vũng Tàu (thực ra ông không muốn nhắc, lúc ấy vì nhục nhã với xóm làng bởi Hoàng bị đuổi học mà mẹ ông đã đi kinh tế mới với gia đình bên ngoại). Ở đó tôi tiếp tục được đi học, học đến năm 12 thì ba tôi mãn hạn cải tạo, sau đó gia đình tôi được chính phủ Mỹ bảo lãnh đi diện HO đầu tiên.

Cũng đau buồn mà thông báo rằng ba tôi đã mất cách đây hai năm. Trước đó ông là chuyên viên cao cấp của NASA Hoa Kỳ.

Còn tôi, được sự tài trợ của chính phủ Mỹ mà tôi đã thành công trong việc học, là tiến sĩ về hải dương học, được Viện Hải dương Hoàng gia Anh mời về nghiên cứu giảng dạy và là thành viên của viện này. Em tôi hiện nay là bác sĩ của một bệnh viện nổi tiếng ở California, Hoa Kỳ. Mẹ tôi giờ đang sống với vợ chồng em gái tôi. Tôi xin vắn tắt đôi dòng về tôi và gia đình từ ngày xa quê là như vậy.

Tôi tài trợ phòng Lab này cho trường thực ra là tâm nguyện của ba tôi trước khi mất. Cả đời ông ông luôn trăn trở, ông muốn quay về nhưng không được. Lực bất tòng tâm, ông gửi gắm cho tôi lời di nguyện là tôi phải trở về, đem tài lực có thể để giúp quê hương. Vì quê hương và mái trường này do ông nội tôi khai sinh, với ông luôn đau đáu mình là người mắc nợ.

Tôi có hai dự án tài trợ. Trường này và trường Phú Tân nơi ngày xưa tôi tiếp tục được học sau khi gia đình vào kinh tế mới trong đó.

Tôi về đây bằng tình yêu của ông tôi, ba tôi và tôi cộng lại, muốn đem một phần tài lực để cống hiến và gửi gắm với quê hương. Ông tôi ngày xưa mở trường mong cho dân làng mình được khai hóa. Tôi và ba tôi mong cho lớp học trò hôm nay và kế cận được sớm tiếp cận với kiến thức của các nền công nghệ trong cuộc cách mạng khoa học 4.0.

Phòng Lab này được đầu tư và trang bị bằng những phương tiện nghe nhìn hiện đại nhất, các buổi tiếng Anh ngoại khóa của học sinh trường này sẽ được học miễn phí trên một giáo trình tiên tiến với mục đích tăng cường kỹ năng nghe nói tiếng Anh.

Quỹ do ba tôi ký thác cùng với sự đóng góp của tôi, sẽ được tài trợ cho phòng Lab về trang thiết bị, chi phí điều hành và trả lương cho giáo viên, tổng thu nhập của giáo viên điều hành tôi cam kết sẽ gấp 10 lần lương của giáo viên ấy được hưởng tại trường này nhưng với các điều kiện làm việc khắt khe và trách nhiệm.

Quỹ còn tài trợ các học bổng hằng năm dành cho học sinh nghèo học giỏi, dành cho các học sinh đoạt giải trong kỳ thi tiếng Anh cấp trường, cấp huyện và trên nữa. Đặc biệt, nếu học sinh trường này ra đời đủ lực du học châu Âu hay Mỹ, Quỹ sẽ tài trợ 100% học phí.

Kính thưa quý vị!

Với mục đích như trên, tôi tin rằng ông tôi, ba tôi rất vui vì chương trình tài trợ này. Mong các cháu hãy cố gắng học tập, các thầy cô hãy ra sức dưỡng dạy, đào tạo. Các thế hệ con em làng mình chúng ta có quyền tin rằng sẽ bay cao hơn, xa hơn.

Hôm nay, trong ngày ý nghĩa này tôi xin trao lại thầy hiệu trưởng bài phát biểu của ông tôi trong ngày khai giảng đầu tiên của trường mà ba tôi luôn xem như báu vật giữ suốt với cuộc đời ông.

Cuối cùng xin chúc các thầy cô, các vị quan khách sức khỏe thành đạt. Chúc các cháu học sinh chăm ngoan, học giỏi. Tôi xin hết.

Tiếng vỗ tay ào ào. Cô Lan ôm hoa tươi cùng ông trưởng phòng giáo dục lên tặng. Cô Tâm bước lên ôm chầm ông Hoàng, dòng nước mắt lăn tròn trên má: “Hoàng ơi! Ngày đó cô cứ giận mình tại sao không đấu tranh cho em được học. Giờ cô vui lắm! Tự hào lắm! Em xứng đáng là con của ba em, là cháu của ông em”.

Thầy hiệu trưởng lên phát biểu với lời cảm ơn trân trọng về sự đóng góp cho nền giáo dục xã nhà và hứa với ông Hoàng sẽ chỉ đạo để phòng Lab được điều hành đúng như tôn chỉ tài trợ. Ông đưa cao trang giấy vàng ố mà ông Hoàng bàn giao, trịnh trọng:

Cũng nhân đây tôi xin tuyên bố: Từ nay trường Khuê Lãnh sẽ lấy ngày này làm kỷ niệm ngày thành lập trường.

Tiếp đến là đến lễ cắt bằng khánh thành và khởi động hoạt động phòng Lab. Cô giáo Lan thành thạo các thao tác hoạt động của thiết bị. Cô giới thiệu trên màn hình các tính năng của chương trình tiếng Anh, các bài test kỹ năng dành cho người học và các tiện ích hiện đại khác.

Ông Hoàng tranh thủ trao đổi với cô giáo Lan bằng tiếng Anh với mục đích vừa kiểm tra kiến thức đào tạo về điều hành chương trình giảng dạy và để test khả năng Anh ngữ cô giáo. Ông hài lòng những gì trao đổi cũng như trình độ tiếng Anh của cô giáo Lan bằng cái bắt tay thật chặt với nụ cười cùng với một từ “good!”

Vậy là xong buổi khánh thành. Thầy hiệu trưởng mời ông Hoàng cùng các quan khách dự buổi chiêu đãi cơm trưa nhưng ông Hoàng từ chối. Ông bảo là phải ra Đà Nẵng gấp vì 2 giờ chiều nay có buổi hội thảo về môi trường biển do chính phủ Việt Nam mời.

Ông đến bắt tay từng người. Đến gặp thầy hiệu trưởng năm xưa ông Hoàng chào tạm biệt. Ông hiệu trưởng cũ không dám nhìn thẳng chỉ gửi một lời nhỏ: “Tôi xin lỗi em!”

Ông Hoàng ôm cô giáo Tâm lần nữa nói nhỏ: “Cô ơi! Em gấp lắm! Không về thăm riêng cô được, gặp cô mạnh khỏe thế này là em mừng lắm rồi! Em có món quà nhỏ nhờ thằng Sự sẽ đến biếu cô, cô nhận cho em vui nhé!”

Ông Hoàng giơ tay chào tạm biệt lần cuối. Chiếc taxi đang đậu sẵn ngoài cổng trường. Ông lên xe, cô Tâm nhìn theo không chớp, chiếc xe xa dần rồi khuất hẳn ở khúc quanh cuối làng. Cô thầm nói với theo: “Em hãy về nhé! Hoàng nhé! Ngài viện sĩ của cô!”

Bài viết của Vo Nhat Thu từ FB Nguyễn Duy Ái

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire