dimanche 18 octobre 2020

Đố ai đoán được Món Hàng Từ Quê Cũ trong bài thơ của anh Trần Văn Lương là món chi?

tt

 Kính gửi quý anh chị một bài thơ của anh Trần Văn Lương với một chủ đề khá mới.

Tuy mới nhưng vẫn giọng thơ buồn, khó làm ngời đọc không khỏi ngậm ngùi cho số phận người dân nhược tiểu, dù đất nước này trong bài thơ là của người Việt Nam. nhưng các nước nhược tiểu khác số phận có may mắn hơn không?

Câu hỏi này có lẽ cũng không cần câu trả lời.

Nhưng điều lạ lùng mà tôi đi tìm chi tiết món hàng lạ mà anh Lương đã miêu tả trong bài thơ, tôi vẫn nghỉ chưa ra, còn quý anh chị thì sao?

Thật ra, trong nước pháp, trừ những hội chợ quốc tế thì có thể người đi viếng cũng mua được những món đồ kỷ niệm rẻ hơn các tiệm bày bán, nhưng với thuế và những khoảng tiền mà chủ tiệm phải chịu thì giá bán đồ vật nào, dù rẻ cách mấy cũng không thể bán lỗ cho khách hàng. Vì vậy, hiện nay, thêm vào những hạn chế cách ly mà khách hàng cũng hiếm thì không ai tra tìm đồ vật mang về làm quà hay mua cho mình trang trí nhà cửa như trước lúc bị đại nạn Covid.

Sơn mài – chất liệu đặc sắc của nền hội họa Việt Nam – La Sonmai

Có lẽ ở nước Mỹ, dân chúng còn vui đùa đi shopping, chứ bên pháp đến chuyện mua bán ngày thêm khó khăn và sinh hoạt của nhà nào cũng thay đổi.

H vọng trong một tương lai gần nhất, chúng ta có được phép lạ cứu người khỏi cơn đại dịch này.

Trong khi chờ đợi, kính chúc quý anh chị luôn mạnh khỏe và cùng nghiệm về món hàng anh Lương muốn nói là món chi và nhất là lối gieo vần độc nhất vô nhị của anh luôn nhé.

 

"Liếc nhìn qua giá cả,

 

Càng buốt giá ruột gan,

Người thợ làm vất vả ở Việt nam, 

Đã lãnh được mấy phần ngàn giá bán?"

Thơ  Trần Văn Lương 


Cám ơn anh Lương và quý anh chị đã đọc bài thơ post nơi đây.

Nhờ anh Lương cho lời giải đáp luôn nhé.

Caroline Thanh Hương

 

Sơn mài dấu ấn hội họa Việt

Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

 

Dạo:

     Ngậm ngùi vật đó, mình đây,

Mai kia đều cũng vùi thây xứ người.

 

 

Cóc cuối tuần:

 

     Món Hàng Từ Quê Cũ

 

Chân rảnh rỗi tạt vào khu thương mại

Vừa được quyền mở cửa lại gần đây,

Mắt láo liên nhìn nam bắc đông tây,

Lâu lắm mới có một ngày xuống phố.

 

Tiệm bán hàng đồ sộ,

Giày, áo quần... bày khắp chỗ dọc ngang,

Khách tha hồ đủng đỉnh lang thang,

Tay mó máy món này sang món nọ.

 

Chợt thoáng thấy món hàng nằm bó rọ,

Được đến từ miền đất khổ xa xôi,

Khẽ mấp máy bờ môi,

Chân nhích lại, tim bồi hồi xúc động.

 

Thương món hàng lạc lõng

Lóng ngóng đợi tay người,

Thân phận hạt mưa rơi

Đang vất vưởng nửa vời trên đất lạ.

 

Liếc nhìn qua giá cả,

Càng buốt giá ruột gan,

Người thợ làm vất vả ở Việt nam,

Đã lãnh được mấy phần ngàn giá bán?

 

Kẻ hưởng lợi chính là bầy cướp cạn,

Lợi dụng cơn kiếp nạn của quê nhà,

Cấu kết cùng lũ tài phiệt phương xa,

Để bóc lột đến tối đa đồng loại.

 

Người dân nghèo ngắc ngoải,

Cả gia tài còn lại mỗi đôi tay,

Đành đau lòng chấp nhận mọi đắng cay,

Liều phó mặc rủi may cho số phận.

 

Các hãng xưởng mọc đầy trên đất hận,

Mà chủ nhân đứa ở tận Nam Hàn,

Đứa rung đùi đếm bạc ở Đài Loan,

Chỉ dân Việt lầm than làm nô lệ.

                       x

                  x        x

Hỡi sản phẩm đang được bày trên kệ,

Ai còng lưng lao lực để cho ngươi

Được chủ nhân xuất cảng đến xứ người,

Và tham dự vào trò chơi đắt rẻ?

 

Phải chăng là đứa trẻ,

Tuổi thơ ngây đáng lẽ được đến trường,

Mà chỉ vì lâm hoàn cảnh đáng thương,

Đành vắt sức đổi đồng lương rẻ mạt?

 

Hay cô gái đồng quê dù đói rạc,

Vẫn quyết không bán thân xác kiếm tiền,

Nên cam lòng chịu khổ cực triền miên,

Gắng lao động ngày đêm quên giấc ngủ?

 

Hay là kẻ dẫu học hành đầy đủ,

Nhưng không tiền đút lót lũ âm binh,

Vì chén cơm bát cháo của gia đình,

Việc tệ mấy cũng ép mình chấp nhận?

                         x

                    x        x

Càng khắc khoải đứng nhìn, càng uất hận,

Thương quê hương, thương số phận dân mình,

Thương món hàng từng bước nhỏ linh đinh,

Đang tiếp tục cuộc hành trình lữ thứ.

 

Người cũng thế, một "món hàng" xa xứ,

Được từ lâu "sản xuất" ở quê nhà,

Vì vận nước phong ba,

Nên đã phải ôm hờn xa đất mẹ.

 

Món hàng thật, tuy giờ còn mới mẻ,

Nhưng mai rày cũng sẽ phải tả tơi,

Cũng sẽ chung nỗi bất hạnh với người,

Cùng chua xót phút cuối đời luân lạc.

 

Vật hết kiếp sẽ vùi thây bãi rác,

Người xong đời cũng gửi xác nơi đây,

Hai số phận lưu đày,

Sẽ chẳng có dịp quay về chốn cũ.

                 Trần Văn Lương

                    Cali, 10/2020

 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire