dimanche 8 novembre 2020

Caroline Thanh Hương giới thiệu chương trình thơ, nhạc với dòng thơ Trần Văn Lương, Huy Văn và nhạc Phạm Đức Nghĩa với bài thơ, Dài Tiếng Kinh Khuya, Em Cao Nguyên và Ảo Huyền.

tt

 Tại nước pháp, vào đằu tháng mười một năm hqi ngàn hai mươi lại bắt đầu vào cảnh cắm ra đường nếu không có lý do chính đáng khi bệnh Covid tàu tăng đột ngột bất bình thường.

Trong không khí cái chết rình rập mọi ngã đường, thì diển đàn chúng ta có những bài thơ, một chút nhớ nhớ thương thương về ngày xưa nào đó, có những mối tình chưa tỏ, chưa rõ nên nói hay hãy chờ đó đi nhé, rồi anh đây sẽ nói hay anh đây sẽ ôm nỗi niềm yêu đơn phương trong mấy chục năm về một người con gái không tên ở một nơi, có lẽ bây giờ cũng không còn tên.

Thế nhưng, người còn đó hay đã ra đi, ta còn đây hay sẽ ra đi, chuyện đó không quan trọng nữa, vì có ai thoát được số mệnh của mình.

Chuyện trước mắt là tôi còn nhớ về ngày xa xôi đó, về một người tình, mắt, môi, tóc , vóc đẹp như người trong tranh, trong trí nhớ vượt thời gian luôn đưa tôi về với em, người em "ảo huyền".

Kính mời quý anh chị thưởng thức hai dòng thơ trữ tình, tuyệt vọng, đau thương hay nhung nhớ về những người đã một lần ở trong tim những thi sĩ như anh Trần Văn Lương hay anh Huy Văn.


Thơ anh Trần Văn Lương với người em gái ở tuổi học trò, hai tà áo bay, chân guốc mộc...

"Nhớ vạt áo trắng dài lướt thướt, 

 Tóc huyền theo nhịp bước lung lay,

         Tiếng cười cưỡi gió nhẹ bay,

Khiến lòng trai trẻ ngất ngây bồi hồi. "

Thơ Trần Văn Lương

 

Hay người em gái Cao Nguyên của một người trai thời chiến tranh đã đi ngang vùng Cao và rồi thoáng một bóng hình đã gieo vào anh nỗi nhớ và, cũng như thi sĩ Trần Văn Lương cũng ngậm ngùi chưa tỏ bày và chưa định nghĩa được chữ Yêu.

 

Người con gái này, cũng đẹp huyền hoặc và dáng ai cũng lững lờ

 


"Chiều ra suối thấy Em ngồi giặt áo
Tóc huyền buông, vớ trắng, jupe xanh lơ
Cười thẹn thùng "...Em học trường bà Sơ
và mơ ước mai này thành cô giáo..."."
Thơ Huy Văn
 
Sau đây mời quý anh chị cùng thưởng thức bài Ảo Huyền, nhạc Phạm Mỹ Lộc do Phạm Đức Nghĩa trình bày.




Cám ơn anh Lương, anh Huy Văn và anh Phạm Đức Nghĩa đã gửi bài.

Kính chúc quý anh chị sức khỏe và bình yên may mắn.

Caroline Thanh Hương


Tiếng Guốc -- Phạm Thảo Nguyên

Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

 

Dạo:

     Trong vùng bóng tối ăn năn,

Bơ vơ nỗi nhớ, nhọc nhằn lời kinh.

 

 

Cóc cuối tuần:

 

      Dài Tiếng Kinh Khuya

 

    Trăng ngốc nghếch dòm qua song cửa,

    Người co ro, bếp lửa lạnh tanh,

         Chim khuya ngái ngủ trên cành,

Vài con ma thức đành hanh nói cười.

 

    Cây mất lá rối bời than khóc,

    Sương lạc đường lóc cóc bên hiên.

         Vật vờ một nỗi oan khiên,

Đeo theo cuống lá triền miên lắm lời.

 

    Thầm cám cảnh cuộc đời ngắn ngủi,

    Nửa kiếp người lụi hụi vèo qua,

         Mới vừa ngắm trộm sắc hoa,

Tuổi xanh thoắt đã vút xa ngàn trùng.

 

    Em đâu đó, có cùng nỗi nhớ,

    Nhớ con đường của thuở ngây thơ,

         Nhớ xưa có gã trai khờ,

Sáng chiều lóng ngóng trông chờ bóng ai.

 

    Nhớ vạt áo trắng dài lướt thướt,

    Tóc huyền theo nhịp bước lung lay,

         Tiếng cười cưỡi gió nhẹ bay,

Khiến lòng trai trẻ ngất ngây bồi hồi.

 

    Thư nắn nót, viết rồi xé bỏ,

    Lời tình nào dám ngỏ cùng ai.

         Nắng chiều cướp lối sương mai,

Mảnh hồn thơ dại miệt mài nhớ nhung.

 

    Tim rộn rã hòa chung tiếng guốc,

    Khi gót hoa quen thuộc đến gần, 

         Ngu ngơ nét mặt đỏ rần,

Đôi tay líu quýu, đôi chân ngượng ngùng.

 

    Giờ tan học, mông lung chiều xuống,

    Mắt thẫn thờ luống cuống vời theo.

         Khối tình câm nín nặng đeo,

Đêm đêm thay ánh đèn treo đầu giường.

 

    Rồi cánh phượng ven đường rực đỏ,

    Niên học vừa mới đó đã xong.

         Sân trường buồn bã trống không,

Tiếng ve trong nắng bềnh bồng xót xa.

 

    Ba tháng hạ trườn qua quá chậm,

    Lòng nôn nao đếm nhẩm từng ngày,

         Tựu trường sao chẳng đến ngay,

Để cùng ai được tỏ bày đôi câu.

 

    Nhưng khi lớp bắt đầu khai giảng,

    Chẳng còn đâu bóng dáng người thơ.

         Luống công sáng đợi trưa chờ,

Bóng chim năm cũ mịt mờ chân mây.

                             x

                         x      x

    Thời gian cất cánh bay vùn vụt,

    Nhớ thương thầm chẳng phút nào ngơi.

         Giữa bao giông bão kiếp người,

Em nay có được một đời ấm êm?

 

    Anh chỉ muốn biết em hạnh phúc,

    Không hề mong có lúc gặp nhau,

          Cũng không mơ có ngày sau,

Tránh cho mình khỏi đớn đau tấc lòng.

 

    Chẳng dám dở lại dòng lưu bút,

    Sợ lửa sầu ngun ngút bùng lên.

         Muốn cầu khẩn đến Ơn Trên,

Nhưng câu kinh cũ trót quên mất lời!

 

    Đành lẩm bẩm nhìn trời khấn vái,

    Xin cho đừng gặp lại người xưa,

          Để trong ký ức dây dưa,

Đóa hoa năm cũ vẫn chưa héo tàn.

 

    Lời than vãn lan man tiếp nối,

    Càng nguyện cầu, tiếc nuối càng thêm.

         Sương khuya dai dẳng bên thềm,

Nhọc nhằn theo tiếng kinh đêm kéo dài.

                    Trần Văn Lương

                      Cali, 11/2020

 

 Lại thêm một cô gái trong trang phục dân tộc H'Mông xinh đẹp khiến dân mạng  kháo nhau: Phải lên ngay vùng cao tìm vợ

EM CAO NGUYÊN
 
Chiều ra suối thấy Em ngồi giặt áo
Tóc huyền buông, vớ trắng, jupe xanh lơ
Cười thẹn thùng "...Em học trường bà Sơ
và mơ ước mai này thành cô giáo...".

Vui như thể đã quen nhau một dạo
Thật ngẫu nhiên và cũng thật nên thơ
Tóc em bay như sương, suối lặng lờ
mềm mại đón ánh quang từ nắng ấm.

Chốn biên phòng có Em, trời xanh thắm
mát thêm dòng suối nhỏ, dáng mây soi
Ước chi ngày dài mãi núi rừng ơi
cho cơn mộng nở hoa lòng diễm tuyệt!

Tên Em là gì, sao không cho biết!?
để tôi gọi thầm khi vượt núi, qua mương
Có mắt Em làm phương giác mở đường
tôi sẽ nhớ lối an toàn về căn cứ.

Em cao nguyên, hoa lành trên đất dữ
Nụ cười duyên làm dịu lửa chiến tranh
Tóc ôm vai, sương nở hạt long lanh
cho cỏ ướt mềm theo chân em bước.

Gặp tình cờ như chim trời, cá nước
Mai Em đi, tôi cũng sẽ về xuôi
Đồi núi ơi! Xin giữ mãi nguồn vui
của đời lính biên phòng nơi mạn ngược.
HUY VĂN
( Pleimerong/ Căn cứ Lý Thế Lợi, Pleiku 12/11/1973 )

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire