Kiính gửi quý anh chị bài thơ của anh Trần Văn Lương.
Đọc hai câu thơ này mới thấy cảnh đời Sài Gòn trong cơn dịch Tàu thật thê thảm.
"Đâu Thiên đường, đâu tiên cảnh Bồng lai,
Kinh học lóm đọc hoài không linh nghiệm."
Thơ Trần Văn Lương
tt tt
Những đường phố vào những tháng trước đây khi bệnh dịch tràn đến nước pháp, cũng vắng tanh người, không khí cũng thật quái dị.
Tôi có xem qua những Youtube những người quay cho thấy đường phố lúc không còn xe cộ vào ban ngày thật rộng lớn so với bốn mươi bốn năm trước, nhưng xe chở thây người quàng trong những bọc plastique thì thật kinh khủng. Mỗi chiếc xe vận tải nhẹ, chở trung bình là bốn thây người.
Có video khác quay lén cho thấy xe chở xác đến những conteneur để chứa những thây người không còn chỗ chứa như những năm bên pháp cũng có nhiều người già chết vì bị nóng trong những tháng hè.
Những thây này nằm trong bọc ny lông trắng đục, cứng đờ và người ta cứ liên tục đưa vào đó cả chục thây được chất như củi.
"Nhưng đau đớn, cơn dịch Tàu ác hại,
Tưởng tạm nguôi nay bỗng lại hồi sinh.
Dân bao năm khốn khổ với Ba Đình,
Nay lại phải bỏ mình vì Vũ Hán."Một người quen của tôi ở Bình Dương cho biết, khi con đường nhà mình bị chính quyền giăng dây thì không được bước chân ra khỏi nhà.
Mất việc ngay khi con Cúm Tàu vừa bị khám phá ra trong khu vực, muốn kiếm việc làm tại nhà thì dây chận hai đầu thì đành ở nhà chịu đói, vì muốn ghi tên xin trợ cấp thì anh tổ trưởng cũng bắt đóng tiền để lập danh sách...
Cám ơn anh Lương đã gửi cho chúng ta một bài thơ thật đau lòng, hy vọng trong tương lai chúng ta có thể không còn bị một con Virus nào kinh khủng như Con Cúm Vũ Hán này.
Kính chúc anh Lương và quý anh chị sức khỏe và may mắn.
Caroline Thanh Hương
Kính gửi quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
Tro người chở đến liền tay,
Bơ vơ ngõ cụt gió lay bóng sầu.
Cóc cuối tuần:
Gió Lay Ngõ Cụt
Chiều khập khiễng, vạt nắng tàn ngoe nguẩy,
Gió cô hồn phe phẩy ghé qua sân,
Thêm một ngày sắp lặng lẽ dời chân,
Người chống nạng tần ngần nhìn ra ngõ.
Dãy nhà xưa còn đó,
Kẻ gặp may đà sớm bỏ ra đi,
Nhưng phần đông xui xẻo phải ở lì,
Gượng sống sót từ khi miền Nam mất.
Mắt đục ngầu u uất,
Lệ cạn vắt từ lâu,
Màu tang tóc bể dâu,
Phủ mái đầu bạc trắng.
Chư thiên dường đi vắng,
Nỗi buồn này biết cắng đắng cùng ai.
Đâu Thiên đường, đâu tiên cảnh Bồng lai,
Kinh học lóm đọc hoài không linh nghiệm.
Niềm vui dần khan hiếm,
Có còn chăng ít kỷ niệm tàn phai,
Nỗi bi thương theo năm tháng kéo dài,
Chút hoài bão biết tìm ai ký thác.
Bạn bè cũ đã mười phần tản mác,
Đứa vào tù, đứa lưu lạc phương xa,
Đứa vùi thây biển cả hoặc rừng già,
Đứa tàn tật chốn quê nhà lây lất.
Ngày hai bữa vì miếng ăn tất bật,
Người quen xưa, biết ai mất ai còn,
Hận giặc thù đang tàn phá nước non,
Thề quyết giữ tấm lòng son bất biến.
Chân ngần ngại chẳng dám lần ra biển,
Sợ gặp oan hồn xuất hiện khóc than,
Sợ thấy mình phải tan nát ruột gan
Nhìn xác cá chết tràn lên bãi cát.
Tự an ủi, dù trong lòng chua chát,
Vận nước đà đến lúc mạt, biết sao!
Chỉ âm thầm khẩn nguyện với Trời cao,
Cho hạnh phúc năm nào mau trở lại.
x
x x
Nhưng đau đớn, cơn dịch Tàu ác hại,
Tưởng tạm nguôi nay bỗng lại hồi sinh.
Dân bao năm khốn khổ với Ba Đình,
Nay lại phải bỏ mình vì Vũ Hán.
Đang chết dở vì chập chồng kiếp nạn,
Nay còn thêm bị cấm cản ra đường!
Lũ bạo quyền lợi dụng chuyện tai ương,
Để vét sạch túi thường dân vô tội.
Người trong xóm thương nhau bèn lặn lội,
Ghé vai cùng gánh chịu mọi khó khăn,
San sẻ từng ngụm nước đến miếng ăn,
Dù khốn đốn muôn phần vì lũ giặc.
Được phát động bởi bọn Tàu gian ác,
Dịch lan tràn, người mắc bệnh lây nhau,
Đến nhà thương, chẳng chết trước thì sau,
Xác đốt vội, tro giao về trước cửa.
Lò hỏa táng không phút nào ngơi lửa,
Các hũ tro từng bữa chở về đây,
Có đôi khi mòn mỏi đợi mấy ngày,
Nhà chết hết, chẳng còn ai ra nhặt.
Mấy tuần qua thắc mắc,
Sao bỗng dưng vắng mặt bạn bè thân,
Sao người quen trong xóm bỗng thưa dần,
Nay mới biết được số phần của họ.
Thầm nghĩ nếu mai kia mình nằm đó,
Biến thành tro trong hũ nhỏ trước nhà,
Sẽ hỏi lòng, trong trăn trở xót xa,
Là tai họa hay là cơ thoát khổ?
x
x x
Trăng nhếch nhác, bóng đêm mờ loang lổ,
Người rùng mình, chiếc nạng gỗ rời tay,
Chân run run, thoáng xây xẩm mặt mày,
Con gió tối lạnh lùng lay ngõ cụt.
Trần Văn Lương
Cali, 9/2021
Năm 2020, Việt Nam là một câu chuyện được bàn tán về việc thành công trong ngăn chận covid, thế nhưng các đợt phong toả mới nhất, khiến việc mọi người không thể bước chân ra khỏi nhà, ngay cả khi đi tìm thức ăn, đang khiến hàng chục nghìn người lâm vào cảnh thiếu đói.
Sau những lệnh cấm nghiêm ngặt nhất được áp dụng tại TP. Sài Gòn, thì cho đến nay, cô Hảo, một công nhân nhà máy, được chính quyền cho biết rằng sẽ giúp cho cô và gia đình cô phần thực phẩm đủ trong khi phải ở nhà cho vụ phong tỏa. Nhưng trong hai tháng qua, gia đình cô đã thật sự thiếu thốn đủ mọi thứ.
Cô đã bị công ty cho nghỉ việc, không lương hay trợ cấp gì từ Tháng Bảy, trong khi chồng cô, một công nhân xây dựng, đã không kiếm được việc làm trong nhiều tháng. Họ đang nợ tiền thuê nhà, cùng với một khoản thanh toán khác sẽ sớm đến hạn. “Tôi đang cố gắng cầm cự càng lâu càng tốt, nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo,” cô Hảo nói. “Tôi không biết phải nói sao bây giờ? Tôi chỉ muốn hỏi rằng: Sao chính phủ chẳng hỗ trợ gì cả? Chính phủ nói rằng họ sẽ gửi những phần hỗ trợ cho những người như tôi, nhưng tới nay vẫn không có gì cả,” cô nói. “Tất cả mọi người sống xung quanh tôi đang đối mặt với đủ thứ nguy khó”.
Nhưng cô Hảo không phải là người duy nhất. Thành phố lớn nhất của Việt Nam đang bị khóa chặt, người dân không được phép ra khỏi nhà ngay cả khi đi tìm kiếm thức ăn. Các hạn chế hiện tại có thể kéo dài đến ngày 15 tháng 9, vào giai đoạn có tin các nhà lãnh đạo thành phố đề nghị nối lại hoạt động kinh tế. Ngay cả trước khi có lệnh “ai ở đâu ở yên đó”, vào ngày 23 tháng 8, cô Hảo cũng như hàng triệu người khác, đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chính quyền cứ hứa sẽ cung cấp thức ăn cho tất cả mọi người, và đem cả quân đội vào thành phố để giúp cung cấp nguồn thực phẩm cho những người có nhu cầu, nhưng rất đông dân chúng lại không nhận được gì. Tuần trước, báo chí Việt Nam cũng đưa tin hơn 100 người dân ở một huyện trong thành phố đã xuống đường biểu tình vì quá thiếu thốn.
Chính phủ Việt Nam đã từng được ca ngợi là một câu chuyện thành công toàn cầu trong việc giải quyết đại dịch vào năm 2020. Vào lúc các quốc gia trên thế giới thương khóc những người chết vì đại dịch, và áp đặt các lệnh cấm vận trên toàn quốc, thì có vẻ như chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn virus bằng cách dựa vào các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, truy vết những người nhiễm bệnh và cô lập các địa phương.
Tính đến đầu Tháng Năm năm nay, Việt Nam đã ghi nhận có dưới 4.000 ca nhiễm và 35 ca tử vong. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, biến thể Delta đang gây náo loạn tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Trong tháng qua, cả quốc gia ghi nhận có đến 589.417 trường hợp mắc mới và 14.745 trường hợp tử vong. Ở Sài Gòn, số trường hợp tử vong chiếm 4,2% số trường hợp được ghi nhận; Hơn 200 người chết và 5.000 trường hợp mới được báo cáo hàng ngày trong thành phố. Tỉnh lân cận Bình Dương cũng có con số tương tự.
Khi các quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn được áp dụng kể từ đầu Tháng Sáu, người nghèo là những phía bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà máy và nơi buôn bán đã được lệnh đóng cửa và kéo theo hàng ngàn người mất việc. Tài xế taxi, người bán hàng rong, công nhân nhà máy và công nhân xây dựng… vốn đã cận kề mức nghèo khổ, nay lại không thể kiếm ra đồng nào trong nhiều tháng. Hơn nữa, họ lại bị mắc kẹt trong những khu nhà ở chật chội và đông đúc ở các điểm lây nhiễm Covid bùng phát.
Số liệu thống kê chính thức cho biết, chỉ riêng tại Tp Sài Gòn đã có 3-4 triệu người rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính do đại dịch.
Các tổ chức xã hội dân sự ở thành phố đang bị ngập lụt với hàng chục ngàn lời xin trợ giúp thực phẩm mỗi ngày, mà không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu. Food Bank Vietnam, một doanh nghiệp xã hội do Nguyễn Tuấn Khôi, người cũng có công việc kinh doanh riêng, đang hỗ trợ 10.000 người mỗi ngày. Trang web và các kênh truyền thông xã hội của tổ chức này xác nhận họ nhận được yêu cầu nhiều gấp đôi hoặc gấp ba lần khả năng của mình.
Các con số kêu cứu mới bắt đầu tăng vào tháng trước, nhưng giờ thì đã tăng vọt trong hai tuần qua. Khôi nói “Đại dịch này đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của mọi người. Việc phong tỏa hoàn toàn đã khiến nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn. Chúng tôi và các tổ chức từ thiện khác đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người cần sự giúp đỡ. Nhu cầu hiện nay là rất lớn ”.
Trong 20 năm làm từ thiện, Khôi chưa bao giờ trải qua chuyện như thế này. Anh nói: “Người Việt Nam đã trải qua những ngày khó khăn nhất trong vài tuần qua. Tôi chưa bao giờ thấy số lượng người chết và mất mát như vậy, điều mà tôi nghĩ là không thể nào lại có thể vậy được. Trước đại dịch, chúng ta có đói và nghèo, nhưng ít ra lương thực vẫn dễ dàng cho nhiều người. Tôi sinh ra sau chiến tranh, vì vậy những khó khăn xung quanh cái chết và cái đói là điều chúng tôi chỉ nghe kể và đọc trong sách. Giờ tôi mới hiểu được thế nào là khốn khó ”.
Saigon Children, nơi giúp đỡ những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được học hành và đi làm, đã hoàn toàn bị hút bởi nhu cầu này. Damien Roberts, giám đốc tổ chức từ thiện, nói: “Thông thường, chúng tôi đang xây dựng trường học, thực hiện những nhu cầu đặc biệt. Bây giờ 90% công việc của chúng tôi là cứu trợ Covid. Đói khổ đang lan rộng vào lúc này”.
“Tôi không biết rõ con số cần giúp là bao nhiêu nhưng chỉ trong tám tuần qua, chúng tôi đã giúp 16.000 người, nhưng cảm thấy như mình chưa làm được gì cả.”
Các ứng dụng trên điện thoại như Zalo và SOSmap.net, mỗi ứng dụng hàng ngày đưa tin ở thành phố có đến hàng chục nghìn người kêu cứu trên toàn thành phố.
Chính quyền thành phố nói rằng đến ngày 26 tháng 8, được báo cáo đã cung cấp hỗ trợ bao gồm 1,2-1,5 triệu đồng (khoảng 50 USD) và một túi thực phẩm thiết yếu cho hơn 1,2 triệu người gặp khó khăn. Nghe nói họ đang đề xuất chi thêm 9,2 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị phong tỏa.
Song song với nạn đói là hệ thống y tế trở nên quá tải. Các bệnh viện đang thiếu nhân sự, không đủ thuốc men, việc cung cấp ôxy chỉ cầm chừng. Các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những câu chuyện về những người kêu cứu mà không được giúp đỡ, cũng như những hình ảnh và video đáng lo ngại về những người xếp hàng vào lò hỏa táng và những người nằm gục trên đường phố.
Bác sĩ Trần Hoàng Đăng Khoa, bác sĩ hồi sức tích cực của một bệnh viện điều trị những ca Covid nặng nhất, phụ trách 14 bệnh nhân trong mỗi ca và nói ông đã kiệt sức. Ông Khoa kể rằng 700 giường luôn kín chỗ, mỗi ngày lại có thêm nhiều ca; Một nửa trong số những người mà anh ta tiếp nhận là không qua khỏi.
Bác sĩ nói: “Hệ thống y tế của chúng tôi không được chuẩn bị cho điều này và nguy hơn là chúng tôi còn chưa đạt đến đỉnh dịch. Chúng tôi thiếu mọi thứ – nhân viên, thuốc men và máy thở – nhưng tôi biết đổ lỗi cho ai bây giờ”.
Tình hình hiện tại, cũng phản ánh sự chậm trễ đối với chương trình tiêm chủng toàn dân của Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, một chuyên gia y tế công cộng của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Hà Nội thì “Tỷ lệ chấp nhận vắc xin cao,” cô nói, “nhưng chúng tôi không có đủ vắc xin được cung cấp trong nước. Bất kể cam kết từ các nhà cung cấp vắc xin, cũng như Covax, số lượng vắc xin đến với người dân, thực tế thấp hơn so với dự kiến ”.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 1/9, Việt Nam đã xuất ra 20 triệu liều vắc xin Covid-19. Nhưng chỉ 3,6% dân số 75 triệu người trưởng thành nhận được hai mũi tiêm. Tại Sài Gòn, với dân số ước tính từ 10 đến 13 triệu, 5,8 triệu người trưởng thành đã tiêm mũi đầu tiên và 337.134 người đã tiêm cả hai mũi. Chương trình tiêm chủng đang bị trì trệ bởi bộ máy hành chính cồng kềnh, dẫn đến sự chậm trễ, theo một tuyên bố từ Bộ vào tháng Sáu.
Các nỗ lực đang tập trung vào Sài Gòn, nhưng bác sĩ Thu Anh nói, virus đã lây lan vượt dự tính. “Vấn đề là chúng tôi đang cố gắng phân bổ vắc xin cho SÀI GÒN. Số lượng phân bổ cho các tỉnh khác là khá ít, vì vậy đó lại là một thách thức khác nữa”.
Bên ngoài các thành phố lớn, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng còn tồi tệ hơn nhiều. Các bác sĩ cũng như giới chuyên gia đang lo sợ ảnh hưởng của Covid đối với các cộng đồng ở đó.
Trong căn phòng 15 mét vuông ở Sài Gòn, cô Hảo cùng chồng và con trai 8 tuổi của cô đang mắc kẹt trong một tòa nhà , cùng hàng trăm công nhân nhà máy khác. Hảo đang tuyệt vọng chờ đợi để được trở lại làm việc. Kỳ học mới sắp bắt đầu trực tuyến, nhưng cô ấy không có máy tính và vì vậy hiện tại, việc học của con trai cô ấy sẽ phải lùi lại.
“Tôi
không biết nghĩ sao nữa về việc học của con trai tôi ngay bây giờ”, cô
nói. “Tôi còn phải lo lắng về việc kiếm bữa ăn tiếp theo của cả gia
đình, và tiền thuê nhà tháng này”.
Bên kia thị trấn, Nguyễn Lâm Ngọc Trúc, 21 tuổi, cũng nói mình cần kiếm tiền trở lại. Cô sống trong một khu ổ chuột bên bờ sông cùng với 30-40 gia đình khác. Cô bán hàng rong cho sinh viên nhưng không làm gì ra tiền từ Tháng Sáu. Ba mẹ và anh trai của cô ấy cũng mất việc. Họ sống sót lâu này nhờ gạo và mì gói được phát từ các tổ chức từ thiện và hàng xóm.
Trong khu vực lân cận của cô Trúc sống, hàng xóm cũng là một trong cộng đồng di cư khổng lồ của thành phố. Nhiều người trong số họ không có giấy tờ gì và do đó không được quản lý, và cũng vô hình đối với chính quyền trong danh sách cứu trợ.
Cô Trúc nói: “Chính phủ nên giữ lời hứa khi họ nói rằng sẽ hỗ trợ mọi người. Họ nên đưa thức ăn đến cho mọi người. Không ai nói cho chúng tôi biết khi nào thì mình được cứu giúp”.
Chuyển ngữ theo Guardian
Tên của những nhân vật trong bài đã được thay đổi
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire