TÒA
TỔNG-LÃNH-SỰ HOA-KÌ VÙNG I
TRONG suốt thời-gian từ Hiệp-Ðịnh
Geneva 1954 đến Hiệp-Ðịnh
Paris 1973,
nhất là từ 1962
đến 1975,
đã có khoảng vài chục người Mĩ làm
(Sĩ-Quan Liên-Lạc, Cố-Vấn, Phối-Trí-Viên,
rồi) Người
Bạn Đồng-Minh cho
tôi: đa-số họ là viên-chức cơ-quan Tình-Báo
Trung-Ương Hoa-Kì (CIA).
Mỗi người đều có những đặc-điểm nào đó,
phần lớn là tốt, về mặt công-tác chung,
hoặc về mặt quan-hệ hợp-tác giữa hai bên.
Tôi biết rằng đa-số viên-chức tình-báo Mĩ đều
mang tên giả; nhưng, người nào đã có một vai trò,
một chỗ đứng, thì đều cần có một cái
tên, để phân-biệt kẻ khác với mình.
Tuy nhiên, người đã đẩy tôi vào một cuộc
chiến-đấu gay-gắt, cùng một lúc với cả ba
kẻ thù theo nguyên-tắc tình-báo ─ đối-phương,
công-chúng, và đồng-nghiệp ─ lại là
một trong các Người
Bạn Ðồng-Minh hậu-chiến
của tôi, trong một năm rưỡi tôi được Trung-Ương
đưa trở về Miền
Trung, cũng
là giai-đoạn lịch-sử cuối-cùng của Việt-Nam
Cộng-Hòa.
Dù sao, anh bạn này cũng đã ghi lại một
dấu ấn sâu-đậm trong trí nhớ của tôi.
Người đó là Đại-Tá Kenneth
D. Ferguson.
*
Món quà đầu tiên mà Ferguson tặng
tôi là việc anh bí-mật điều-tra về liên-hệ
gia-đình của tôi. (Xem
bài “Thiếu-Tướng Nguyễn
Khắc Bình”)
Sau
đó, anh cởi-mở và tận-tụy với tôi hơn bao
giờ.
Nhưng cũng từ đó tôi phải khổ nhọc với công-vụ
hơn bao giờ, vì phải đương-đầu nhiều hơn
với cả khách ngoài ngành cũng như bạn trong
nghề, trong lúc còn phải đối-phó với quân thù
cả đằng trước mặt lẫn đằng sau lưng.
*
Sau
khi đã trắc-nghiệm cả về mặt liên-hệ
gia-đình với cộng-sản lẫn
về mặt công-tác tình-báo chuyên-môn, cũng như chính
tôi tự chứng-tỏ kiến-thức, năng-lực,
kinh-nghiệm và sáng-kiến của mình, đóng-góp
hữu-hiệu trong công-cuộc chống-Cộng và Bình-Định
& Phát-Triển chung, tôi thấy
Người Bạn Đồng-Minh và
cả Tòa Tổng-Lãnh-Sự
Hoa-Kì tại Vùng I đã
hoàn-toàn tin-tưởng và triệt-để yểm-trợ tôi.
Ngoài những điểm tôi phản-đối họ (Xem bài “Tòa
Tổng-Lãnh-Sự Mĩ”),
tôi còn giúp họ một tay trong việc giản-tiện-hóa
hoạt-động và cả bảo-vệ uy-tín cho chính
họ nữa.
*
CHƯƠNG-TRÌNH
ÁO XANH
Từ
năm 1974 qua
đến tháng 3-1975,
giai-đoạn cuối-cùng của Việt-Nam
Cộng-Hòa,
có nhiều tổ-chức tư-nhân Hoa-Kì,
tôn-giáo và xã-hội, đã đến Miền
Trung,
đặc-biệt là Đà-Nẵng,
trực-tiếp giúp-đỡ người dân địa-phương,
từ các Tỉnh khác trốn chạy cộng-sản
di-tản đến. Nổi bật trong các nỗ-lực
ấy là Chương-Trình “Áo
Xanh”,
tuyển-dụng người thất-nghiệp đi hốt rác,
vét mương, sơn tường, trồng cây, v.v... tức là
tạo ra việc làm, dù không cấp-thiết, để
trả lương cho họ sống; cũng như phân-phát
miễn-phí áo-quần, dụng-cụ, thuốc-men và
thực-phẩm định-kỳ cho các gia-đình túng
nghèo.
Đương-nhiên Mĩ phải
nhờ đến trung-gian là người Việt-Nam,
nên sinh ra lạm-dụng, gian-lận, bè-phái, bất-công,
bất-bình.
Có lần một nhóm cực-đoan đã tổ-chức
một cuộc xuống-đường lớn, đông nghẹt trước
cổng Tòa Tổng-Lãnh-Sự Hoa-Kì,
vừa công-kích gắt-gao vừa đưa yêu-sách này kia.
Nhờ tôi biết trước nên một mặt
chỉ-thị cho Đặc-Cảnh Đà-Nẵng thu-thập
bằng-chứng chứng-tỏ là bọn phá-rối mượn
cớ để sách-động đám đông ─ cũng như
cả chục Liên-Minh, Mặt Trận, Lực-Lượng,
Phong-Trào, Tổ-Chức, Tập-Hợp, Đảng, Phái,
Hội, Đoàn, v.v... họp+hành liên-miên ─ chứ
các nhân-vật từ-tâm cũng như đại-diện
của Tòa TLS Mĩ thì
chỉ có thiện-chí và vô-tư mà thôi; mặt khác tôi báo
cho họ biết trước, nên khi Tòa TLS bị
biểu-tình bao vây, phóng-viên các Hãng/Đài truyền-thông Mĩ phỏng-vấn,
phát-ngôn-viên của Tòa đã trả lời trôi-chảy,
không bị Cấp Trên hay độc/khán/thính-giả Radio/TV
chê trách điều gì.
MANG
VŨ-KHÍ VÀ LƯU-THÔNG BAN ÐÊM
Tôi đã cấp “Giấy
Giới-Thiệu” cho
một số nhân-viên của Người Bạn Đồng-Minh,
xem như phái-viên của Đặc-Cảnh, để họ đi
tiếp-xúc với các đối-tượng của họ
dễ-dàng hơn.
Tôi đã xin Đại-Tá Nguyễn
Xuân Lộc,
Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I cấp “Giấy
Phép Mang Vũ-Khí” cho
một số cộng-tác-viên của họ, để
tự-vệ khi đi hoạt-động ở vùng nông-thôn.
Tôi cũng đã liều-lĩnh xin Đại-Tá Lộc kí
các “Giấy
Phép Lưu-Thông Ban Đêm” cho
một số xe-hơi của họ ─ mặc dù
theo nguyên-tắc thì chỉ có Sĩ-Quan Quân-Trấn-Trưởng
được Tư-Lệnh Quân-Khu ủy-nhiệm mới có
quyền đó trong thời-gian thiết quân-luật hoặc
trong giờ giới-nghiêm ban đêm.
V.v...
XÂM-NHẬP
VÀO NỘI-BỘ CỘNG-SẢN BA-LAN VÀ HUNG-GIA-LỢI
Đáp
lại, Người
Bạn Đồng-Minh cũng
đã dành nhiều ưu-tiên cho tôi trong các hoạt-động
hằng ngày.
Quan-trọng
hơn hết là các công-tác của tôi, móc-nối,
tuyển-mộ thành-viên cộng-sản Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi trong Ủy-Hội
Quốc-Tế Kiểm-Soát
& Giám-Sát Ngưng Bắn (ICCS) làm nội-tuyến cho ta ─ không thuộc
nhiệm-vụ của CSQG/CSĐB hay của bất-cứ cơ-quan
tình-báo dân-sự hay quân-sự nào của VNCH, mà
chỉ do cá-nhân tôi
khởi-xướng ─ thực-hiện thành-công,
và chuyển-giao cho Người Bạn Đồng-Minh
tiếp-tục khai-dụng bên trong hàng-ngũ Đảng, Nhà
Nước, và Bộ-Đội của họ sau khi họ
về nước, nằm vùng cho Thế-Giới
Tự-Do trong
Khối Cộng-Sản Đông-Âu ,
mà kết-quả là Khối Cộng-Sản Đông-Âu
tan-rã, góp phần đưa đến sự sụp đổ
của cả toàn Khối Liên-Xô
(Xem cuốn hồi-kí “Cảnh-Sát-Hóa”
và cuốn
“Cộng-Sản
Đông-Âu”
của Lê
Xuân Nhuận sắp
ấn-hành).
Họ
trả tiền điện, tiền dùng điện-thoại Bưu-Điện,
tiền xăng, và các chi-phí linh-tinh mà phía Việt-Nam không
cung-ứng đủ cho tôi, nhất là chi-phí tình-báo.
Họ
thỏa-mãn ngay nhu-cầu của tôi di-chuyển
bằng phi-cơ Air
America,
dù là vào ngày lễ nghỉ và chỉ sử-dụng
một mình bất-cứ đi đâu và đi bao lâu (trả
tiền phi-công rất cao); họ dành cho tôi quyền kí các
phiếu trưng-vận phi-cơ Air
America, cho
bất-cứ người nào, được uu-tiên đáp các
chuyến bay thường ngày.
Và
tôi được quyền sử-dụng Phòng Khách đặc-biệt
tại trạm hàng-không; mỗi khi tôi đến là viên kĩ-sư
Trưỏng Trạm người Phi-Luật-Tân giao
ngay chìa-khóa vào phòng VIP cho
tôi.
Họ dành ưu-tiên một chỗ cho tống-thư-viên của
tôi trên bất-cứ chuyến bay nào đi/về Sài-Gòn
hay các
Tỉnh trong Vùng.
Họ
giúp cho tôi bí-mật sử-dụng một số nhân-viên
của Hãng-Thầu
Mĩ (cung-cấp
khách-sạn, tài-xế, lao-công, và các dịch-vụ
ẩm-thực, vệ-sinh, v.v...) để làm tay-trong cho Ngành
Đặc-Cảnh của tôi.
Họ cũng tổ-chức những buổi tiệc-tùng
chiêu-đãi hầu hết mọi giới tai-mắt
tại địa-phương, nhưng cốt ý là để cho tôi
có cơ-hội tiếp-xúc với các sĩ-quan cao-cấp Trưởng
Phái-Đoàn trong Ủy-Hội
Quốc-Tế Kiểm-Soát Và Giám-Sát Ngưng Bắn (ICCS),
nhất là cộng-sản Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi...
Trước khi tôi đến
làm Giám-Đốc
Ngành Ðặc-Biệt Vùng I
, chỉ có chưa
đầy $4,000.00 chi-phí
mà Người Bạn Đồng-Minh hết đòi biên-nhận
lại hỏi chứng-từ.
Với
tôi, họ đã ứng trước một số tiền lón,
bao giờ tiêu hết thì lại lấy thêm, tùy tôi
quyết-định mỗi việc là bao nhiêu tiền.
Phụ-Tá cho tôi là Thiếu-Tá Ngô
Phi Đạm [hiện
ở Silver Spring, Maryland, USA].
Tôi giao cho Đại-Úy Phạm
Khả [hiện
ở Bloomington, Illinois, USA],
Chủ-Sự Phòng Điều-Hợp, kết-toán với
Văn-Phòng NBĐM.
Mỗi tháng tôi tiêu trên
$400,000.00,
nhiều hơn
trăm lần so
với trước kia, chưa kể các khoản đặc-biệt.
(Tất-nhiên các điệp-vụ của tôi đánh vào Ba
Lan và Hung
Gia Lợi
đã có kết-quả như-í nên họ mới
chấp-nhận cho tôi tiêu tiền thả giàn như trên.)
(Tôi
có nhân dịp giúp cho một số anh+em hữu-công,
mỗi người mỗi tháng từ $1,000.00 lên đến
$10,000.00.
Nhưng tôi không lấy cho mình một xu nào. Phạm
Khả trả
tiền thuê nhà cho tôi mỗi tháng $20,000.00, trong lúc Trưởng
Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương, Chuẩn-Trướng Huỳnh
Thới Tây,
cho tôi mỗi tháng $20,000.00 để trả tiền thuê nhà ─ hẳn
cũng là tiền lấy của NBĐM, nên tôi tự cho là
đã có nhận $20,000.00 rồi ─ mặc dù
lấy thêm tôi tin là họ vẫn sẽ sẵn lòng.)
*
NỖ-LỰC
CUỐI-CÙNG
Tiếp
theo
mấy Tỉnh ở Cao-Nguyên,
tất cả các Tỉnh ở Vùng
I cũng
mất luôn.
Dân,
chính, công, quân, từ các Tỉnh thất-thểu kéo
về Thị-Xã Đà-Nẵng chật
đường.
Nhũng kẻ có súng tha-hồ phá-phách, cướp của,
hiếp-dâm, giết người.
Số-phận
của Quân-Khu
I chỉ
còn trông cậy vào tình-hình an-ninh
trật-tự tại hậu-cứ duy-nhất này.
Đối
với tôi, vận-mệnh của bất-cứ yếu-điểm
nào cũng tùy-thuộc vào quyết-định của Hoa-Kì.
Liệu Hoa-Kì có
cố-thủ, hay sẽ bỏ rơi Đà-Nẵng,
và...?
*
Như
có linh-tính báo trước, tôi đã thực-hiện
một chuyến đi quan-sát, chụp hình để làm
kỉ-niệm, từ bên này sông Thạch-Hãn (sau
khi đã mất từ sông Bến
Hai vào
đây) cho đến giáp ranh Sa-Huỳnh
Bồng-Sơn (Quân-Khu
I ─ Quân-Khu
II),
vừa kịp trước khi
quân ta rút lui khỏi các nơi này.
Tiếp
đó, tôi cũng sợ, nếu mất Quân-Khu
I thì
tôi không còn có dịp gặp lại Người
Bạn Đồng-Minh rất
thân này của tôi, cho nên vào ngày 27-3-1975,
tôi đã quyết-định gặp riêng, đề-cập
với Người Bạn Đồng-Minh của mình
một số vấn-đề thời-sự tế-nhị liên-quan
đến chính-sách của Hoa-Kì về Việt-Nam.
Như
để tỏ ra là anh chỉ chú-trọng đến việc
chống Cộng mà thôi, Ferguson mở
đầu bằng lời khen tôi đã có sáng-kiến và đã
thành-công trong việc móc-nối tuyển-dụng các thành-viên
cao-cấp trong hai Phái-Đoàn Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi làm
nội-tuyến cho ta.
Đó là những công-tác gián-điệp ở tầm-vóc
quốc-tế (chỉ có tôi ở Vùng
I đề-xướng
và thực-hành.)
Các mật-viên của tôi đã tiếp-tục cộng-tác
với các chuyên-viên Hoa-Kì,
và một số, về nước trước, đã bắt
được liên-lạc và bắt đầu làm việc tại
chỗ với các Trưởng Lưới tình-báo của Thế-Giới
Tự Do.
*
Furguson chỉ
là một cá-nhân, mà cá-nhân nào thì cũng có cả
dở lẫn hay. Anh lại là người Mĩ,
mà người Mĩ nào
thì cũng có tự-do suy-nghĩ khác người.
Anh không đại-diện cho chính-quyền Mĩ,
nhưng anh hiển-nhiên có biết ít nhiều nhận-định
kín-đáo trong nội-bộ người Mĩ về
tình-thế nói chung và các nhân-vật lãnh-đạo
nói riêng của nước Việt-Nam
Cộng-Hòa này.
Tôi
đi ngay vào vấn-đề:
− Anh với
tôi đều làm chung một việc, gồm có hai phần − tình-báo
và hành-động − nhắm chung vào một
mục-tiêu; ấy là cộng-sản, kẻ thù chung.
Nhưng, thật ra, cả anh lẫn tôi đều có ít nhất
là một mục-tiêu thứ hai, mà hai chúng ta giấu nhau;
ấy là thành-phần
thứ ba,
đối-lập hoặc nằm ngoài thành-phần đương-quyền...
Trong lúc Ferguson chưa
kịp xác-nhận hay phủ-nhận, tôi nói thêm:
− Về phía Việt-Nam thì
anh biết rồi. Chính-quyền xem như những kẻ
đối-lập cũng là kẻ thù. Ngành Đặc-Cảnh
nhiều lúc đã bị sử-dụng để
phục-vụ riêng cho những kẻ cầm quyền.
Do đó, ở phần hành-động, Ngành Đặc-Cảnh
phải đứng về phía đương-quyền. Các cơ-quan
an-ninh tình-báo là công-cụ bảo-vệ chế-độ;
mà chế-độ, theo họ, thì không phải là chính-thể
hay hiến-pháp, mà là tập-đoàn tại-quyền.
Nói chung là họ muốn mãi mãi được
quyền lãnh-đạo quốc-dân. Thế thì
mục-đích đã khác đi rồi, nhất là khác với
lập-trường của Hoa-Kì và
các nước Tụ-Do. Phải thế không, anh?
Bạn
tôi gật đầu; tôi nói tiếp:
− Còn người Mĩ thì
vừa giúp các nhà đương-quyền chống Cộng, vừa
tìm các tiềm-năng nhân-sự mới, để nếu
cần thì thay-thế, hầu mỗi ngày mỗi có
những nhà lãnh-đạo tài+đức hơn...
Ferguson vói
một tay vỗ lên và bóp nhẹ trên vai tôi.
Hồi đó, không có người nào là không thấy được
sự bấp-bênh của tình-hình.
Đã chấm dứt chiến-tranh, đã có Ủy-Hội
Quốc-Tế,
nhưng cộng-sản lại đánh phá mạnh hơn; dân quê
vẫn chết-chóc, đói-khổ; và Quân-Lực Quốc-Gia
thì thiếu đạn+bom.
Sản-lượng ít-oi; viện-trợ Mĩ nuôi
sống Nền Cộng-Hòa thì đến nay đã
giảm nhiều. Đời sống khó-khăn; công-chức
và quân-nhân không sống đủ với đồng lương.
Công-luận bị lèo-lái theo ý muốn của đối-lập
nếu không là cộng-phỉ và cộng-nô.
Giữa phản-chiến và phản-chính không
có biên-cương.
Tổng-Thống Nguyễn
Văn Thiệu bị
phần lớn báo-chí chỉ-trích, đa-số hội-đoàn
phản-đối, và các phần-tử bất-mãn
tẩy chay.
Người ta cũng quy-trách cho cả Hoa-Kì.
Tôi kéo bàn tay của viên đại-tá CIA bạn tôi ra trước
mắt, vuốt ngược những sợi lông dày và
cứng trên mu:
− Báo-chí Việt-Nam gọi
người Mĩ là
những “bàn tay lông-lá”.
− Tôi
biết.
Chính-khách Ngô
Đình Diệm là
người đầu tiên mở trang sử chính-thức và công-khai
quan-hệ với Hoa-Kì,
nên tôi bắt đầu về Ông Diệm trước.
Tôi hỏi thẳng:
− Anh nghĩ
thế nào về cố Tổng-Thống Ngô
Đình Diệm?
− Anh nói trước
đi!
Ferguson đẩy
tôi đi trước. Cũng như nhiều người Mĩ khác,
anh muốn tỏ ra là mình không can-thiệp vào
việc nội-bộ của nước người. Tôi bèn
dò í:
− Hoa-Kì không
muốn giết Diệm.
Nhưng điều chắc-chắn là Hoa-Kì không
muốn chế-độ Diệm
kèm thêm Nhu tồn-tại
lâu hơn. Kì-thị tôn-giáo là một trong nhiều
nguyên-nhân, tuy chỉ nội một cái nguyên-nhân ấy cũng
đã đủ sức thuyết-phục để Quân-Lực
phải ra tay...
− Còn
những nguyên-nhân nào nữa?
− Diệm đánh
hỏng những giá-trị tinh-thần của Mĩ mà Hoa-Kì muốn Diệm là
biểu-trưng...
− Những
giá-trị nào được xét ở đây?
− Căn-bản
là các quyền tự-do ghi trong Tu-Chính-Án
số 1 của
Hiến-Pháp Hoa-Kì―ngôn-luận,
báo-chí, tín-ngưỡng, hội-họp ôn-hòa, đạo-đạt
ý dân − mà Diệm khinh
thường. Diệm tự
cho mình cao hơn Hiến-Pháp (“Đằng
sau hiến-pháp, còn có tôi!”).
− Gì
nữa?
− Diệm phá
vỡ kế-hoạch của Mĩ thành-lập Liên-Bang
Đông-Dương và Liên-Phòng
Đông-Bắc Á-Châu.
Và Diệm hầu
như suýt dâng nốt Miền
Nam Việt-Nam cho
cộng-sản: Ổng mưu-toan thỏa-hiệp
với Bắc-Việt,
lúc ấy là một khối chính-trị và quân-sự to
lớn, thống-nhất và ngoan-cường bội phần hơn Miền
Nam,
có thừa thủ-đoạn và khả-năng tiêu-diệt thành-phần
Quốc-Gia. Ổng muốn trở lại với Pháp;
ổng muốn lạnh nhạt với Mĩ,
trong lúc đối-ngoại thì mọi việc đều
nhờ Mĩ đỡ
đầu, đối-nội thì nền kinh-tế còn
phôi-thai, cả guồng máy chính-quyền, trị-an và
quốc-phòng, v.v... đều sống nhờ vào
viện-trợ của Hoa-Kì...
− Anh
nghĩ thế nào về cái chết của Diệm?
− Ô hay, tôi
định hỏi anh thì anh đã hỏi ngược
lại tôi.
Chúng
tôi nhìn nhau rồi cả hai cùng cười. Tôi nói:
− Diệm tự
giết mình!
Ferguson trố
mắt nhìn tôi xem tôi có nói đùa hay không.
Tôi
giải-thích thêm:
− Về
mặt sự-việc: Cố Tổng-Thống Ngô
Đình Diệm,
dù muốn dù không, cũng đã trở thành một con
hổ dữ. Hé một lời-nói, lộ một
cử-chỉ mà vây-cánh ổng cho là phạm-thượng thì
khó mà thoát khỏi bàn tay tàn-độc của thủ-hạ
ổng. Huống gì, lật đổ ổng, lùng rượt
ổng, bắt trói ổng... Tôi kính-trọng Diệm,
tôi không tán-đồng việc giết Diệm,
tôi phản-đối cách giết Diệm;
nhưng tôi thông-cảm tình-cảnh của những
kẻ đã cỡi lên đầu hổ rồi.
Giết hổ hay hổ giết mình. Có thể xem
như “tự-vệ” mà
thôi.
− Còn
mặt nào nữa?
− Về
mặt tinh-thần:
“Thứ nhất: Diệm chịu
ảnh-hưởng Đạo
Nho,
muốn mình “tiết
trực, tâm hư”.
Nhưng Đạo Nho lấy “trung-quân” làm trọng; mà Diệm thì
không chịu làm một bề-tôi lương-đống, đã
phản-bội Bảo
Đại để
lên làm Nguyên-Thủ Quốc-Gia, tức đã phạm
tội bất-trung với
vua. Thế là Nho-Giáo
không dung.
“Thứ hai: Diệm lật
đổ Bảo
Đại vì Bảo
Đại bất-tài.
Điều đó đúng; tức Diệm thực-thi
chủ-nghĩa duy-ích,
một thứ đạo-đức mới. Nhưng
học-thuyết vị-lợi ấy chủ-trương nhân danh
đa-số,
để làm điều có ích lợi chung. Trong lúc đó, áp-dụng
chủ-nghĩa thực-dụng cho thiểu-số
phe mình mà thôi, chính Diệm cũng
đã biết trước là sẽ lâm-nguy. Ổng nói: ‘Tôi
chết thì trả
thù cho tôi!’ Nếu
chết tự-nhiên thì tại sao lại phải
trả thù? Và Diệm cũng
đã nêu lên tiền-lệ: mình truất ngôi người
này được, thì kẻ khác cũng lại hất
cẳng mình được, chứ sao! Các tướng
chỉ noi gương ổng mà thôi! Đó là quy-luật
sinh-tồn! Thế là đạo-đức
mới cũng quật lại ổng.
“Thứ ba: Diệm là
tín-đồ Đạo Kitô. Theo Đạo ấy thì, “Satan là
Chúa của đời này” (2
Cor 4:4). Chính “Đức Jesus cũng
gọi Quỷ Satan là
vua, chúa (kẻ
thống-trị, bá-chủ) của thế-gian
này” (John
12:31) và Thánh-Kinh xác-nhận “Cả
thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỷ, đều
nằm trong tay ma quỷ (cả
thế-giới đều ở dưới quyền
thống-trị của Quỷ-vương)”
(1 John 5:19). Với tư-cách chủ-nhân-ông của cả
thế-giới loài người, “Satan
đem Đức Jesus lên
đỉnh núi cao, chỉ cho Ngài thấy các nước vinh-quang
rực-rỡ khắp thế-giới, quyến-rũ Ngài
rằng: Ngươi
chỉ cần quỳ gối thờ lạy ta, là ta sẽ
cho ngươi làm chủ tất cả thế-gian này!” (Matt
4:8,9). Đức Jesus từ-chối;
Ngài cầu-nguyện Đức Chúa Trời: “Con
đã rao truyền lời Cha cho các tín-đồ, nên người
đời thù ghét họ, vì họ không thuộc về
thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian” (John
17:14). Lời Đức
Chúa Trời kể
rằng: “Các vua
thế-gian nổi dậy, các lãnh-tụ bàn nghị cùng
nhau, âm-mưu đối đầu với Jehovah Đức
Chúa Trời và nghịch với Đức Jesus là
Đấng chịu xức dầu của Ngài” (Ps
2:2). Do đó, Chúa dạy: “Chớ
yêu thế-gian, cũng đừng yêu (quyền-hành,
danh-vọng, lợi-lộc) bất-cứ
những gì thuộc về thế-gian”
(1 John 2:15-17). Thánh-Kinh giảng thêm: “Kết
bạn với kẻ thù của Đức Chúa Trời
tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời; kẻ
thù đó là thế-gian” (Jas
4:4). Ngay chính trong giới tín-đồ của mình,
khi “Đức Jesus
thấy
họ sắp tạo áp-lực đưa Ngài lên làm vua, Ngài
liền bỏ đi lên núi ở một mình” (John
6:15), không chịu làm vua ở thế-gian. Nói chung, ngày
nào mà Đấng
Cứu-Thế chưa tái-lâm (chưa tận-thế),
thì ngày đó “Cả
thiên-hạ (toàn thể thế-giới loài người) còn
bị Quỷ-vương hay Satan lừa dối, dỗ dành”(Rev
12:9), “làm mờ
tối tâm trí (mù lòng)” (2
Cor 4:4), và “kẻ thù
của Đức Chúa Trời”
(Jas 4:4) là “các vua
thế-gian”
(Ps 2:2).
Tóm lại, tín-đồ Đạo Chúa là người không
thuộc về thế-gian; mà Diệm
làm
Tổng-Thống tức là làm một vua ở thế-gian,
dưới quyền của Quỷ
Satan,
và chống lại Đức Chúa Trời. Hơn nữa, Đạo
Chúa cấm đoán mọi Đạo khác, theo các Điều Răn
thứ 1 và thứ 2 của Đức Chúa Trời: “Các
ngươi không được thờ thần nào khác, ngoài Ta; không
được khắc hình tượng-trưng cho bất-cứ cái
gì trên cõi đời này; không được
thờ-phụng chúng”
(Ex 20:3-5). Thế mà Diệm còn
tôn sùng giáo-lí Đức
Khổng,
dùng hình khóm
trúc làm
biểu-hiệu cho tinh-thần Nho-Giáo của mình,
khắc vào ấn-tín của mình và của cả
Quốc-Gia. Thế là Thiên-Chúa-Giáo
cũng không dung. “Quân
thù trồng rặt loại nho lấy giống từ vườn
Sô Đôm với đất từ đồng Gô Mo; trái đắng và
chua, làm thành rượu độc nọc rắn”.
Tất-nhiên Đức Chúa Trời phải “ganh
tỵ”
(Zec 1:14), vì Chúa là Chúa “phân bì” (De 32:16; PS
78:58), “động lòng
ghen” (Zec
1:14), nên Chúa phải trừng-trị, phải trả thù:
“Báo thù là việc
của ta, Ta làm cho chúng ngã nhào, tai-họa ào đến
tức-thời”
(Deut 32:32-35)...”
Ferguson ngẫm-nghĩ
một lát rồi dò-dẫm hỏi tôi:
− Chuyện đã
qua rồi, phải không?
− Cái đó còn
tùy. Nhưng có vài điều đáng nói:
“Thứ nhất, Diệm phản Bảo
Đại thì Diệm vẫn
còn mắc nợ Bảo
Đại,
vì Bảo
Đại dùng Diệm mà Diệm không
giúp ích gì cho Bảo
Đại;
nhưng các Tướng lật Diệm thì Diệm vẫn
còn mang ơn các Tướng, vì Diệm dùng
các Tướng thì các Tướng đã liều thân xông
pha trận-tiền, đánh dẹp các giáo-phái, bình-định
xứ-sở, ổn-định tình-hình cho chế-độ Diệm vững
an.
“Thứ hai, nếu Diệm có
đức, có tài, thì đó là thuộc-tính của một
người, không nhất-thiết có nghĩa là mọi người
khác đều tầm-thường mọi mặt, và không
phải bất-cứ đồ-đệ nào còn sót lại
của Diệm cũng
xứng-đáng lên làm lãnh-tụ quốc dân...”
Nghĩ rằng chừng đó đã đủ, tôi hỏi qua
chuyện mới:
− Anh nghĩ
thế nào về Tổng-Thống Nguyễn
Văn Thiệu?
− Cũng xin nhường
anh!
Thế là Ferguson lại
đẩy tôi đi trước nữa.
Tôi thấy cần phải rào-đón phần mình trước
tiên:
−
Chắc anh đã
biết là tôi đối-lập với Thiệu.
Nhưng tôi chỉ chống tính-cách quân-phiệt, tôi chỉ
phản-đối việc quân-cách-hóa Chính-Quyền, nhất
là với Cảnh-Lực; tôi đòi-hỏi thực-thi Kế-Hoạch Cảnh-Sát-Hóa,
là một quốc-sách tối-thượng mà Hoa-Kì
tặng cho để làm sách-lược hậu-chiến, nhưng Thiệu xếp
bỏ không dùng. Trong việc chống Thiệu,
tôi khác người ta.
− Người ta
chống Thiệu thế
nào?
Tôi thấy là Ferguson đang
“moi tin”
tôi, nhưng tôi cũng thử dò đường:
− “Lực-Lượng
Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc”
thì có đông-đảo quần-chúng, là giới
Phật-tử chiếm trên chín mươi phần trăm dân-số,
có sẵn ứng-viên lí-tưởng vào chức-vụ
Tổng-Thống, là Dương
Văn Minh.
Nếu là ứng-viên dân-sự thì khó lòng được
lòng mọi Tướng, nhưng Minh là
đại-tướng. Minh
hòa-hoãn
với cộng-sản, và Hà-Nội đã
bắn tiếng chỉ nói chuyện với Minh.
Đa-số đã chán chiến-tranh, lại ngán
cộng-sản, nên đặt hi-vọng vào Minh.
Nhưng Lực-Lượng này
không bạo-động, và chỉ chờ-đợi đến kì
bầu-cử Tổng-Thống vào cuối năm nay mà thôi...
− Anh cứ nói
đi!
− “Đại-Việt
Cách-Mạng Đảng”
là một chính-đảng có nhiều đảng-viên nhất,
lại được tổ-chức chặt-chẽ. Họ
có nhiều đảng-viên giữ các chức-vụ
trọng-yếu trong Chính-Quyền. Họ có
thực-lực chính-trị. Lãnh-tụ của Đảng
là Hà
Thúc Ký
nặng ký hơn Thiệu
trong cuộc chạy đua giành phiếu nay mai. Tuy
thế, có nhiều đảng-viên có thể bầu Minh.
− Xin nói
tiếp đi!
− “Việt-Nam
Quốc-Dân Đảng”
là một chính-đảng kì-cựu, có thời mạnh
hơn Việt-Minh tức Cộng-Sản Việt-Nam. Sau này
phân-hóa thành nhiều hệ-phái, phải đứng chung
với “Đảng
Dân-Chủ”
của Thiệu trong
một Liên-Minh. Hiện Vũ
Hồng Khanh,
một lãnh-tụ chính-trị mà Hồ
Chí Minh đã
phải nài-nỉ mời đồng kí tên ngang hàng với mình
trong bản thỏa-hiệp thành-lập chính-phủ
Quốc+Cộng liên-hiệp vào năm 1946,
đang nỗ-lực thống-nhất lại đảng này.
Mục đích của họ là phục-hồi uy-tín và địa-vị
của Đảng cả ở trong nước lẫn ở nước
ngoài. Họ không hoàn-toàn đồng-minh với Thiệu,
nhưng nhiều đảng-viên cũng có thể chọn Minh.
− Còn các
tổ-chức khác nữa?
− “Phong-Trào
Quốc-Gia Cấp-Tiến”
dựa vào các nhà khoa-bảng và giới học-thức
trẻ. Họ muốn cải-cách kinh-tế là
huyết-mạch của quốc-dân, vì cho rằng nhà
cầm quyền hầu như bất-chấp cán cân
mậu-dịch và vấn-đề cung cầu...
“Các đoàn-thể
khác nói chung thì chỉ đưa ra một vài í-kiến
mới, nhằm mục-đích trình-diện một vài nhân-vật
tranh-đấu cấp địa-phương, nhắm ghế
Quốc-Hội hoặc Hội-Đồng Tỉnh, Thị.
“Một số
phần-tử nặng tinh-thần dân-tộc thì cho là Thiệu quá
lệ-thuộc Hoa-Kì.
“Còn trên bình-diện
cá-nhân thì phần đông chống Thiệu theo
kiểu trưng-diện
một món thời-trang,
sợ không đối-lập
thì bị xem là lỗi-thời!”
Ferguson cùng
cười theo tôi.
Lát sau, anh dè dặt:
− Nay Huế đã
mất, nhưng những người liên-hệ với Huế thì
vẫn còn. Anh thấy hệ-lụy của nó đối
với tình-hình mới tại các Tỉnh trong Nam
sẽ như thế nào?
Người
Bạn của tôi nhắc đến những việc mà tôi
cố ý hoặc bỏ qua hoặc dành nói sau. Tôi
phải nói luôn:
− Đảng “Nhân-Xã”,
tức Đảng “Cần-Lao
Nhân-Vị”
đổi mới, chỉ hoạt-động bên trong các
giới tín-đồ Đạo Kitô và cựu cơ-sở Đảng
Cần-Lao. Bên ngoài, họ có “Phong-Trào
Chống Tham-Nhũng và Kiến-Tạo Hòa-Bình”.
Hòa-Bình thì chưa thấy có kế-hoạch
khả-thi. Tham-nhũng thì là cụ-thể, nhưng
chưa phải là yếu-tố quyết-định hàng đầu.
Theo họ, lật đổ Ngô
Đình Điệm mới
là tội-phạm tối-trọng, bất-khả khoan-dung.
Họ đã bắt đầu bạo-động.
Mục-đích của họ là thay-thế Thiệu ngay,
bằng một Tổng-Thống và Chính-Quyền rập khuôn Đệ-Nhất
Cộng-Hòa.
− Anh nghĩ
thế nào?
Tôi đáp:
− Diệm nếu
còn sống thì ổng cũng đã mãn các
nhiệm-kì hiến-định từ lâu. Người
của thời này không thể giải-quyết việc
của thời kia. Không dưng mà các cộng-tác-viên ban
đầu đã rời-bỏ, rồi các trí-thức
chống-đối, rồi nhiều thành-viên nội-các
từ-chức, rồi dân-chúng sôi-sục bất-bình,
rồi chính người nhà mà cũng chia tay. Quân-đội
bắt đầu đảo-chính từ 1960,
ném bom Dinh Tổng-Thống từ 1962...
“Việc gì
phải đến là cứ đến.
“Háo-hức
dẹp một tảng đá cản đường, không ai ngờ
trước sẽ gặp bãi
lầy tiếp
theo. Nhưng hẳn không ai muốn cho tình-hình
xấu đi...
“Lịch-sử đã
sang trang. Vấn-đề bây giờ không phải là khóc
mình, hận người, mà là làm sao để
cải-thiện tình-hình. Có ai xứng-đáng để
lên thay Thiệu không,
và, nếu thay Thiệu thì
thay cách nào?”
− Ý anh
thế nào?
− Trước
hết, nói về người thay. Tôi thấy là không,
hoặc chưa, có ai có đủ điều-kiện để lên
thay Thiệu.
Riêng đối với Mĩ,
nếu có thì tất Hoa-Kì đã
bật đèn xanh cho xuất-hiện rồi!
Ferguson cố
gắng giữ nguyên nét mặt vô-tư. Anh
tiếp-tục hỏi tôi:
− Còn
về cách thay?
Tổng-Thống là người lãnh-đạo toàn-dân.
Xuất-xứ có thể là bất-cứ đâu, nhưng đối-tượng
phục-vụ không phải chỉ là một chính-đảng,
một giáo-hội, một xã-giới, hay một gia-đình.
Về Thiệu,
tôi đã suy-nghĩ về hai trường-hợp có thể
xảy ra: ông tự giải-quyết, hoặc bị
giải-quyết.
Tôi
nói ngắn gọn:
− Thiệu đang
gặp nhiều khó-khăn: Hoa-Kì rút
ra, cộng-sản tiến vào, đối-lập lấn lên.
Lần đầu tiên người dân Việt-Nam được
tự-do xúc-phạm một nguyên-thủ quốc-gia mà không
sợ bị bắt nhốt, trả thù, như dưới
thời Diệm.
Theo tôi, Thiệu không
nên tham-quyền cố-vị. Vì chống mình
nên người ta chỉ nhắm vào việc thay mình.
Nếu mình bắn tiếng từ-chức thì
tự-nhiên sẽ nổi lên tất cả các
chuẩn-ứng-viên thay mình; dân-chúng sẽ so-sánh
lựa-chọn giữa họ với mình; và người
ta sẽ quay lại chống nhau, làm sáng tỏ ưu-khuyết-điểm
của từng người; mình dựa vào đó mà tu-chính
và quyết-định ở lại hay ra đi.
“Nếu Thiệu từ-chức,
hoặc ông bị mất trí hay mệnh-vong, thì cũng
chỉ có Phó Tổng-Thống Trần
Văn Hương lên
thay, cho đến cuối năm nay [1975]
mới hết nhiệm-kỳ. Với Hương,
có đạo-đức nhưng thiếu bản-lãnh, tình-hình
sẽ như thế nào?
“Còn
nếu muốn loại cả chế-độ Thiệu tức-thời
thì chỉ có cách là đảo-chính quân-sự − một
việc mà chắc hẳn đã có kẻ mưu
toan nhưng
không thuyết-phục được ai nên không xảy ra.
Nhưng nếu xảy ra thì Chính-Quyền cũng sẽ
chỉ nằm trong tay các tướng: Minh, Khiêm, Kỳ,
v.v... hoặc người nào khác thì cũng thế thôi.
Có khuôn mặt nào nổi bật hơn đâu?
Kinh-nghiệm Cách-Mạng
1-11-1963:
thay-đổi toàn-diện thì tình-hình sẽ như
thế nào? Tóm lại, người ta mới nghĩ đến
việc loại Thiệu,
nhưng chưa nghĩ đến tình-hình hậu-Thiệu;
hoặc cũng đã có nghĩ đến, nhưng không
thực-tế, chỉ chủ-quan, cầu-may.
Thực-tế là đã có Việt-Nam-Hóa,
không còn báo-cô Hoa-Kì như
trước được nữa, mà quốc-dân thì chưa đủ
sức tự-túc tự-tồn. Giặc đã đến
bên lưng, không còn thì-giờ để làm lại
từ đầu...”
Im
lặng một lát, rồi Ferguson hỏi
tôi mà tôi nghe như anh tự hỏi mình:
− Không còn
cách nào nữa ư?
Tôi
nói chậm-rãi:
− Đáng lẽ đã
có nhiều cách rồi!
Bạn
tôi nhướng mắt lên, đợi chờ.
− Đệ-Nhất cũng
như Đệ-Nhị Việt-Nam
Cộng-Hòa chỉ
thấy cái phần chiến-thuật
chứ không thấy cái phần chiến-lược
của các Kế-Hoạch mà Hoa-Kì đưa
ra. Ngoài ra, họ chỉ chú-trọng cái phần ưu mà
không quan-tâm đến cái phần khuyết, ở cuối
mỗi Kế-Hoạch đều có nêu lên.
“Hơn nữa, còn có hai nhược-điểm về phía Hoa-Kì.
Cố-Vấn Mĩ chỉ
là cấp thừa-hành, đâu phải ai cũng hiểu được
thâm-í khi soạn-thảo kế-hoạch của cấp
Trung-Ương hay chiến-lược-gia; thế mà họ đã
để cho Đồng-Minh Việt-Nam cứ
xem Cố-Vấn Mĩ như
thước ngọc khuôn vàng. Trong lúc đó, các cấp
Trung-Ương và ngoại-giao sành-sỏi của Mĩ thì
cứ phép-tắc lễ-nghi; đáng lẽ phải nói
huỵch-toạc ra như giữa các bên phối-tác với
nhau, thì họ lại chỉ bóng-gió xa-xôi, mặc cho
người nghe có thể không hiểu hoặc hiểu
lầm.
− Xin anh nói rõ
hơn.
− Diệm đã
phá hỏng kế-hoạch của Mĩ nên
mới hỏng bét. Bây giờ Thiệu cũng
bỏ lỡ kế-hoạch của Mĩ nên
phải dở-dang.
−
Anh muốn nói
về “Cảnh-Sát-Hóa”
và trước đó là “Liên-Bang
Đông-Dương”,
“Liên-Phòng
Đông-Bắc Á-Châu”?
− Vậy anh
muốn tôi nói về vấn-đề gì khác nào?
− Nếu còn
vấn đề gì khác, sao không nói ra?
Tôi ngưng một lát, rồi đánh bạo nói lên ý nghĩ
của mình:
− Quân-Lực
Việt-Nam Cộng-Hòa quả
thật thiện-chiến, tinh-thần rất cao, nhưng dù có
được Hoa-Kì tiếp-tục
viện-trợ và yểm-trợ thì cũng vẫn
sẽ không bao giờ thắng được Cộng-Sản
Việt-Nam!
Ferguson không
giấu nổi vẻ ngạc-nhiên. Tôi giảng
giải thêm:
− Lính phải
ngăn-chận kẻ thù đằng trước để che-chở
dân đằng sau. Đằng nầy: ở cấp Xã
thì Nghĩa-Quân thu
mình trong dăm ba chòi gác; ở cấp Quận thì Địa-Phương-Quân thủ
thế trong khuôn-viên trụ-sở Chi-Khu; còn Chủ-Lực-Quân thì
sau các cuộc hành-quân là rút về trại binh.
Cộng-sản chiếm được phần lớn không-gian và
thời-gian, nhất là ban đêm, cô-lập lính trong đồn
và chế-ngự dân bên ngoài. Lính đã không
bảo-vệ được dân thì thôi, làm sao mong dân
phải làm khiên mộc bên ngoài bảo-vệ cho lính trong
đồn?
Người bạn của tôi ngẫm-nghĩ một lát
rồi hỏi lại tôi:
− Thế còn Cảnh-Lực,
trong đó có Đặc-Cảnh của
anh, thì sao ?
−
Cảnh-Lực,
với tổ-chức và điều-hành hiện nay, không giúp
được gì đúng với mong đợi của mọi người.
Cảnh-Sát mới xuống đến Xã, các Xã “an-ninh”
mà thôi, và chỉ là Cảnh-Sát Sắc-Phục, không làm
điệp-báo, không lùng-diệt, và cũng không
chống-cự nổi nếu bị đối-phương
tấn-công. Đặc-Cảnh thì chỉ có ở
cấp Quận, và Ban Tác-Vụ chỉ có mấy người,
làm sao nắm hết các Xã, các Thôn trong khắp
khu-vực trách-nhiệm của mình, nhất là khi không
có đủ phương-tiện để tổ-chức các đường
dây, trong lúc đó thì cộng-sản cài cấy cơ-sở
từ hạ-tầng tức cá-nhân, tổ tam-tam, lên
Ấp, Thôn...
Ferguson hỏi
vặn tôi:
− Nghe anh có
vẻ bi-quan. Thế tại sao hôm trước anh lại
nài-ép tôi − và tôi đã nhiệt-thành giúp anh − bênh-vực Việt-Nam
Cộng-Hòa trước
phái-đoàn các Dân-Biểu và Thượng-Nghị-Sĩ Hoa-Kì khi
họ đến tận chỗ quan-sát tình-hình
tại Vùng
I này?
− Anh muốn tôi
cứ để mặc cho chính-thể này suy sụp sao?
Chừng thấy câu chuyện hơi găng, Ferguson liền
đổi đề-tài:
− Tôi thấy
anh có nhiều hiểu-biết và nhận-định giá-trị
hơn người. Ước chi anh là Tổng-Thống của
nước này!
Dù anh nói thật hay nói mỉa tôi, tôi cũng không
cần. Tôi đã bốc đồng:
− Tôi đợi thăng
cấp vào ngày mồng 1 tháng 6 [1975]
này, xong tôi ứng-cử vào Quốc-Hội. Tôi vào
một Khối hoặc một Ủy-Ban. Tôi ra
một tờ báo. Tôi lập một hội-đoàn.
Và tôi ứng-cử Tổng-Thống Việt-Nam Cộng-Hòa.
Anh nghĩ sao?
Ferguson trả
lời:
− Tại sao
lại không?
Tôi
muốn nhân dịp dò-xét thái-độ của anh đối
với mình:
− Nhưng điều
quan-trọng
là anh có ủng-hộ tôi hay không?
Người
Bạn Đồng-Minh đưa
ngay tay ra bắt tay tôi:
− Tại sao
lại không?
Chúng
tôi ôm nhau mà cười.
Sau đó, trở lại với chủ-đích của mình,
tôi nói:
− Tôi đã
đưa cho Watkins,
viên-chức phụ-tá của anh (người này mới được
bổ-nhiệm cách đây vài tuần
), một chiếc máy truyền-tin cầm tay, với
tần-số và mật-hiệu liên-lạc với tôi 24/24
giờ. Khi nào anh rời Đà-Nẵng thì
anh hoặc anh ấy gọi tôi.
− Watkins đã
nói cho tôi biết rồi.
Đề-cập đến sự-việc ấy, bỗng-nhiên tôi
thấy nghẹn-ngào.
Tôi
rán hỏi thêm một câu:
− Tóm lại, Hoa-Kì có
bỏ Đà-Nẵng không?
Và Hoa-Kì có
bỏ Việt-Nam không?
− Anh đã
biết câu trả lời của tôi rồi!
Thật
là một câu trả lời “khôn-ngoan”.
Rốt cuộc, tôi vẫn chẳng biết Người
Bạn Đồng-Minh Hoa-Kì Ferguson đã
trả lời tôi như thế nào.
Ngay đêm hôm ấy, Tòa Tổng Lãnh-Sự Hoa-Kì tại Vùng
I bí-mật
ra đi.
*
TÒA
TỔNG-LÃNH-SỰ HOA-KÌ RÚT KHỎI MIỀN TRUNG
Khoảng quá nửa đêm 27-3-1975,
tôi được báo-cáo là các Thủy-Quân
Lục-Chiến Mĩ canh
gác Tòa
Tổng-Lãnh-Sự Hoa-Kì tại Vùng
I đã
khóa cổng kỹ và rời khỏi trụ-sở ấy,
sau khi đã chở ra khỏi nơi đó nhiều chuyến hàng
đóng thùng, và từ giữa sân bên trong thì bốc lên
trời một cột khói đen như ai đang đốt nhiều
đồ vật gì.
Tôi gọi điện-thoại đến đó, rồi đến tư-gia
của các Người
Bạn Ðồng-Minh và
những viên-chức ngoại-giao Hoa-Kì mà
tôi quen, thì hoặc đường dây bị hư, hoặc chuông
có reo mà không có người trả lời. Tôi dùng máy vô-tuyến
gọi các Người
Bạn Ðồng-Minh Ferguson và Watkins,
nhưng cũng không liên-lạc được với ai.
*
Mờ sáng hôm sau, 28-3-1975,
dân-chúng bắt đầu vào “hôi
của”
tại tòa nhà vốn được gọi theo địa-chỉ
là 52
Bạch-Ðằng.
Lúc đầu thì đồ ăn, đồ uống,
vật-liệu văn-phòng, dụng-cụ linh-tinh; về
sau thì bàn ghế tủ giường, trang-cụ,
thiết-cụ, máy móc; cuối-cùng là các loại xe-hơi.
Tôi chen lách đám đông vào được trong văn-phòng của
Trạm Hàng-Không “Air
America”.
Nơi đây đang chuẩn-bị đợt hành-khách và hành-lí
cuối-cùng cho một số phi-cơ bán-phản-lực và
trực-thăng. Viên kĩ
-sư Phi-Luật-Tân,
Trưởng Trạm, tuy đang bận túi-bụi nhưng không quên
trao ngay chiếc chìa-khóa vào phòng VIP cho
tôi. Anh tưởng, như những lần trước, tôi mà
đến đây là chỉ để đưa hay đón các viên-chức
quan-trọng mà thôi, vì lần nào tôi cũng mượn
dùng phòng khách quan-nhân. Khi chỉ còn lại
mấy chiếc trực-thăng, anh chào từ-giã tôi,
rồi cùng với các nhân-viên khác dùng bình-xịt
xịt ra một thứ bọt trắng xóa, đẩy đám đông
lui ra xa khỏi phi-cơ. Xong họ bay lên, rời khỏi
sân bay và trạm hàng-không đặc-biệt này, sau khi nói
cho tôi biết là họ bay ra tàu-thủy đang đậu ngoài
khơi.
Thế là người Mĩ đã
thật-sự bỏ Ðà-Nẵng,
bỏ Miền
Trung,
bỏ Vùng
Chiến-Tuyến này
rồi.
*
Ngày đó, 28-3-1975,
từ trong trụ-sở của họ khói đen từ
mấy thùng đốt hồ-sơ tài-liệu tiếp-tục
bốc lên ngút trời.
Tôi tiếp-tục tìm và gọi cho đến hôm sau
vẫn không có vân mòng gì về Người
Bạn Đồng-Minh.
Và ngày 29-3-1975 được
xem là ngày thất-thủ của thủ-phủ Miền
Trung...
(Trích "Biến-Loạn
Miền Trung" trang 413-432)
Một phần bài này đã có
trong "Về Vùng
Chiến-Tuyến" 1996)
LÊ
XUÂN NHUẬN