samedi 22 septembre 2012

Lời thú tội của một sát thủ kinh tế - Kỳ 4.


 Đọc lại bài trước
Lời thú tội của một sát thủ kinh tế (Kỳ 3)

Sat Thu Kinh Te (4)

Lời thú tội của một sát thủ kinh tế - Kỳ 4
Panama và người hùng Omar Torrijos


Cảng Gatun của kênh đào Panama năm 2000 - Ảnh tư liệu
TT - Tôi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tocumen của Panama vào một tối tháng 4-1972. Qua màn mưa, đèn đường làm nổi bật các chân dung một người đàn ông đẹp trai, trán cao và đôi mắt lấp lánh sáng. Tôi nhận ra đó là người anh hùng của Panama - Omar 
Torrijos.  

Lịch sử sai lầm
Như lệ thường, chuẩn bị cho chuyến đi này, tôi tìm tới thư viện Đại học Boston. Tôi biết được một trong những nguyên nhân khiến Omar Torrijos nổi tiếng là vì ông đã bảo vệ kiên cường cho quyền tự quản của Panama và cho việc nước này sở hữu kênh đào Panama.


Khi kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps điều hành việc xây dựng kênh đào Suez quyết định xây một kênh đào ở eo biển Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Panama là một phần của Colombia.
Đầu thế kỷ 20, Mỹ đòi Colombia ký thỏa thuận chuyển eo biển này cho Tập đoàn Bắc Mỹ nhưng Colombia từ chối. Năm 1903, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt gửi tàu chiến Nasville tới đây. Quân Mỹ bắt giết chỉ huy dân quân nổi tiếng vùng này và tuyên bố Panama độc lập.
Chính phủ bù nhìn được dựng lên và ký thỏa thuận đầu tiên về kênh đào, thiết lập khu vực của người Mỹ ở hai bên kênh đường thủy tương lai, hợp pháp hóa cuộc xâm lược của quân Mỹ và bảo đảm cho Mỹ quyền kiểm soát quốc gia "độc lập" mới này.
Hơn nửa thế kỷ tiếp đó, Panama được một số nhân vật giàu có, quan hệ vững chắc với Washington điều hành. Là những nhà độc tài cánh hữu, họ làm tất cả những gì cho là cần thiết để phục vụ lợi ích Mỹ.
Họ ủng hộ CIA và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) trong các hoạt động của chúng chống lại những người cộng sản trên khắp bán cầu, hỗ trợ những doanh nghiệp lớn của Mỹ như Standard Oil của Rockefeller và United Fruit Company. Quân đội Mỹ không ít lần can thiệp vào Panama từ khi Panama tuyên bố độc lập cho đến năm 1968.
Torrijos - người hùng
Mưa hắt vào cửa kính, đèn xanh sáng lên và tài xế nhấn còi khi cho xe lao về phía trước. Tôi trầm tư về vai trò của mình.
Người ta gửi tôi tới Panama để hoàn tất một hợp đồng sẽ trở thành kế hoạch chủ đạo toàn diện đầu tiên của MAIN.
Kế hoạch này phải bảo đảm cho những khoản đầu tư hàng tỉ USD của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ và Cơ quan Viện trợ Mỹ đổ vào ngành năng lượng, giao thông, liên lạc và nông nghiệp của đất nước nhỏ bé nhưng rất cốt yếu này.
Dĩ nhiên đó chỉ là trò dối trá, một phương tiện để biến đất nước này thành con nợ vĩnh viễn và bằng cách đó đưa nó trở về tình trạng bù nhìn.
Vào năm 1968, khi tôi đang là nhân viên của Tổ chức Hòa bình Mỹ (Peace Corps) làm việc tại Ecuador, lịch sử Panama bất ngờ thay đổi. Sau một cuộc binh biến, Arnulfo Arias - nhà độc tài cuối cùng của Panama - bị lật đổ. Tướng Omar Torrijos lên lãnh đạo đất nước.
Torrijos được tầng lớp dân nghèo và trung lưu Panama đặc biệt kính trọng. Xuất thân từ gia đình nhà giáo, ông nhanh chóng thăng tiến trong đội cận vệ quốc gia - một đội quân ưu tú của Panama và rất được người nghèo ủng hộ vào thập kỷ 1960.
Torrijos nổi tiếng vì chịu lắng nghe những người cùng khổ. Ông đến với họ trong những khu nhà ổ chuột, tổ chức họp ở những nơi mà các chính khách khác chẳng bao giờ đến, quyên góp tiền cho những gia đình có người ốm đau hay gặp nạn.
Torrijos còn nổi tiếng là một lãnh đạo có thể giải quyết những tranh chấp của các nhóm phái khác nhau trải khắp Mỹ Latin: Honduras, Guatemala, El Salvador, Nicaragua, Cuba, Colombia, Peru, Argentina, Chile, Paraguay...
Torrijos muốn đấu tranh cho sự độc lập khỏi nước Mỹ nhưng lại không liên minh với những kẻ thù của Mỹ. Ông đồng thời chống lại việc đặt tại vùng kênh đào Panama hai cơ sở là Trường châu Mỹ và Trung tâm huấn luyện chiến tranh nhiệt đới của Bộ chỉ huy miền Nam quân đội Mỹ.
Người dân châu Mỹ Latin căm thù những trung tâm này, ngoại trừ một số gia đình giàu có trục lợi từ chúng. Người ta biết ở đó đào tạo những binh đoàn tử thần và đao phủ cho những chế độ cực hữu. Torrijos tỏ rõ ông không chấp nhận những trung tâm huấn luyện này trên lãnh thổ Panama và kênh đào phải nằm trong biên giới của Panama.


Omar Torrijos - Ảnh tư liệu
Những tên cướp biển vùng kênh đào Panama
Một ngày sau khi đến Panama, nhà cầm quyền Panama cử một người hướng dẫn tham quan tới chỗ tôi. Anh tên Fidel, cao ráo và không che giấu việc anh tự hào về đất nước mình. Anh nói tiếng Anh, nhưng khi biết tôi nói được tiếng Tây Ban Nha, anh rất vui: "Nhiều người các ông sống ở đây hàng năm mà không chịu học tiếng".
Fidel lái xe đưa tôi qua một khu vực nguy nga của thành phố mà anh gọi là "Panama mới". Khi chúng tôi đi ngang những tòa nhà chọc trời hiện đại bằng kính và thép, Fidel nói rằng Panama có nhiều ngân hàng nước ngoài hơn bất cứ nước nào ở khu vực.
"Chúng tôi thường được gọi là Thụy Sĩ của châu Mỹ, chúng tôi đặt rất ít câu hỏi với khách hàng của mình", Fidel nói.
Cuối ngày, chúng tôi dừng chân ở một công viên thơ mộng với hoa giấy bò trên những phế tích. Một tấm biển ghi tại đây khi xưa từng là một pháo đài bảo vệ khỏi cướp biển Anh. Một gia đình nào đó chuẩn bị picnic.
Bỗng dưng tôi thèm được đắm chìm trong không khí thanh bình của họ. Khi chúng tôi đi ngang họ mỉm cười, vẫy tay và chào bằng tiếng Anh. Tôi tò mò hỏi họ có phải du khách không, họ cười vang và một người đàn ông tiến tới chỗ tôi.
"Tôi đại diện cho thế hệ thứ ba của gia đình chúng tôi ở vùng Panama. Ông cố tôi tới đây chỉ ba năm sau khi việc xây kênh đào hoàn tất. Ông ấy điều khiển những con la và máy kéo đưa tàu qua cửa kênh. Cha tôi là kỹ sư và nay tôi tiếp bước ông ấy", ông kể.
Tôi hỏi ông có phải là người Mỹ không. Ông ta hoài nghi nhìn tôi và đáp: "Dĩ nhiên, kênh đào Panama là lãnh thổ của Mỹ".
Khi chúng tôi vào thành phố, Fidel đưa tôi tới khu ổ chuột. "Đây không phải là nơi khủng khiếp nhất, nhưng ông có thể biết được gì đó", Fidel gợi ý. Những căn nhà gỗ và những con mương tù đọng chạy dọc con đường.
Những túp nhà tạm bợ làm người ta liên tưởng tới những chiếc thuyền cũ mục ngập ngụa trong những hố rác hôi thối. Mùi rác và cống tràn vào ôtô cùng với những đứa trẻ bụng ỏng đang chạy theo chiếc xe.
Chúng gọi tôi là "uncle" (chú) và xin tiền. Trên những bức tường đầy hình vẽ, có vài hình trái tim bên trong lồng tên những người yêu nhau, nhưng phần lớn là các khẩu hiệu với nội dung căm thù Mỹ: "Cút về nhà, Gringo", "Chú Sam - kẻ chiếm hữu nô lệ"...
"Bây giờ qua phía bên kia", Fidel bảo, "Tôi có giấy tờ hợp pháp, còn ông là công dân Mỹ nên đi được". Dưới bầu trời ửng đỏ, chúng tôi tiến vào vùng kênh đào. Tôi tưởng là mình đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng không.
Tôi không thể ngờ có sự hào nhoáng như thế: những tòa nhà trắng đồ sộ, những bãi cỏ được cắt tỉa gọn gàng, những căn nhà sang trọng, sân golf, cửa hiệu và nhà hát.
"Đấy, cho ông thấy những sự kiện trần trụi", Fidel nói, "Tất cả những gì ở đây là tài sản của người Mỹ. Những xí nghiệp tư nhân, siêu thị, hiệu tóc, mỹ viện, nhà hàng, tất cả chúng đều không cần tuân thủ luật Panama và không đóng thuế. Bảy sân golf 18 lỗ, chi nhánh bưu điện Mỹ phân bố tiện lợi khắp nơi, tòa án và trường học Mỹ. Một quốc gia thật sự trong một quốc gia...".
"Thật sỉ nhục", tôi lên tiếng, "Chúng tôi có thể làm gì?". Fidel lắc đầu. Tôi hiểu rằng Torrijos đang cố làm điều gì đó mà tôi nghĩ có thể là việc giành lại kênh đào Panama...
Đến Panama làm việc với tư cách là chuyên gia kinh tế của MAIN hoạch định các kế hoạch phát triển Panama, thực tế "sát thủ" Perkins được mật giao nhiệm vụ hấp dẫn nhà cầm quyền bằng những chỉ tiêu phát triển được thổi phồng.
Số phận kênh đào Panama sẽ ra sao? Mời bạn đọc theo dõi hai cuộc gặp thú vị giữa Perkins với Tổng thống Omar Torrijos và nhà văn Graham Greene, hai con người đã ít nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ của "sát thủ".
JOHN PERKINS (DUY VĂN lược dịch

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire