samedi 22 septembre 2012

Lời thú tội của một sát thủ kinh tế (Kỳ 3)




Lời thú tội của một sát thủ kinh tế (kỳ 2)


Lời thú tội của một sát thủ kinh tế (Kỳ 3)
Bán linh hồn cho quỉ


Một gia đình Indonesia thập kỷ 1970
TT - Một báo cáo láo được viết ra, nâng "tiềm năng" của một vùng lên nhiều lần để tiền đổ vào đó. Đằng sau mưu mô đó là số phận của những người dân nghèo, là những khoản nợ vĩnh viễn. Nhưng không sao, người viết được thăng chức! 8% = 17%!
Trong những ngày đầu tiên ở Bandung (một thành phố cao nguyên ở Indonesia), tôi thường dự các cuộc họp với Charlie và Howard Parker. Howard lúc ấy đã ngoài 70 tuổi, là người có nhiệm vụ dự báo tổng năng lượng và tải điện mà đảo Java cần trong 25 năm tới, rồi lập thành dự báo cụ thể.
Vì nhu cầu sử dụng điện liên hệ mật thiết đến tăng trưởng kinh tế nên dự báo của ông phụ thuộc các đề án kinh tế của tôi. Những người còn lại trong nhóm sẽ lập kế hoạch tổng thể về các dự báo này, chọn địa điểm và lên thiết kế cho các nhà máy điện, đường truyền và các hệ thống vận chuyển nhiên liệu sao cho đáp ứng hiệu quả nhất các đề án.


Tôi đã được Einar (phó chủ tịch Tập đoàn MAIN) lẫn Charlie cảnh báo phải coi chừng Howard, vì ông ấy "cứng đầu, thô lỗ và thù dai lắm". Sau một lần họp với Charlie, Howard gọi tôi ra nói chuyện. "Đây là nói riêng giữa cậu và tôi", Howard thì thào.
Chúng tôi đang đứng bên cửa sổ phòng làm việc, nhìn ra con kênh tù đọng chảy qua tòa nhà. "Họ sẽ tìm cách thuyết phục cậu rằng nền kinh tế này sẽ tăng vùn vụt. Charlie là một kẻ nhẫn tâm. Đừng để bị hắn lừa phỉnh", Howard nói. "Chắc chắn nền kinh tế này sẽ bùng nổ", tôi đáp, hướng mắt về phía người phụ nữ đang tắm dưới kênh: "Ông hãy nhìn những gì đang diễn ra đi". "Vậy ra cậu cũng thế!", ông lầm bầm, không để ý đến cảnh trước mắt, "Cậu cũng đã đứng về phe họ rồi phải không?".
Howard giảng giải: "Để tôi nói cho cậu nghe, cậu trai trẻ à! Cả đời tôi đã làm nghề dự đoán về tải điện, trong thời kỳ kinh tế suy thoái, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thời đại kinh tế bùng nổ và xì hơi... Và tôi dám chắc rằng không một mức tăng trưởng tải điện nào có thể đạt hơn 7-9% một năm. Mà đó là số liệu cho giai đoạn cực thịnh đấy nhé. Thông thường thì chỉ 6% là quá mức rồi!".
Tôi đáp: "Howard, đây là một đất nước mà cho đến bây giờ vẫn chưa có ai được sử dụng điện. Mọi thứ ở đây hoàn toàn khác hẳn". Ông xoay gót giày và phẩy tay như thể muốn phủi phứt tôi đi.
"Cứ việc chứng tỏ bản thân đi. Tôi cóc cần quan tâm cậu sẽ gặp những chuyện gì", ông lôi thốc chiếc ghế từ phía sau bàn ra và ngồi phịch xuống. "Tôi sẽ dự báo dựa trên những gì mà tôi tin tưởng, chứ không phải theo một nghiên cứu kinh tế hão huyền nào đó". Ông đập mạnh cây bút đang cầm trên tay xuống bàn và trừng mắt nhìn tôi: "Táng tận lương tâm! Sự thật là như thế đấy! Cậu và tất cả các người". Ông vung tay: "Các người đã bán linh hồn cho quỉ dữ. Các người làm thế chỉ vì tiền".
Tôi cảm thấy bị xúc phạm, bước ra khỏi phòng và tiến về phòng của Charlie. Được nửa đường thì dừng lại, mơ hồ về việc mình định làm. Tôi quay đầu lại và đi xuống cầu thang, ra khỏi cửa. Tối hôm đó, tôi suy nghĩ miên man về quyết định mà mình sắp thực hiện. Charlie đã nói thẳng là muốn tôi và Howard tính toán sao cho mức tăng trưởng phải đạt tối thiểu 17% một năm. Tôi phải đưa ra kiểu dự báo nào bây giờ?
(Vài ngày sau, Howard bị bệnh lị và phải trở về Boston. Trước khi đi, ông vẫn kiên quyết không chịu giả mạo số liệu trong báo cáo)
"Chúng ta có vô tội không?"
"Tôi tự hỏi Mỹ và các nước đồng minh sẽ ra sao nếu sử dụng toàn bộ số tiền duyệt chi cho các cuộc chiến tranh xâm lược - như cuộc chiến Việt Nam chẳng hạn - để phục vụ mục đích xóa đói giảm nghèo hoặc hỗ trợ giáo dục và chăm sóc y tế căn bản cho tất cả mọi người, trong đó có cả người Mỹ chúng tôi. Tôi tự hỏi thế hệ con cháu sẽ được lợi những gì nếu chúng tôi cam kết bảo vệ nguồn nước, rừng và các khu vực tự nhiên khác nhằm đảm bảo nước, không khí sạch và những thứ nuôi dưỡng tâm hồn cũng như thể xác chúng ta. Tôi không thể tin rằng cha ông chúng tôi chỉ vạch ra quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc cho riêng người Mỹ. Vậy thì tại sao chúng tôi lại đang thực thi những chiến lược để tái khẳng định một thứ chủ nghĩa đế quốc mà cha ông chúng tôi từng tranh đấu để thủ tiêu?".
(John Perkins - Lời thú tội của một sát thủ kinh tế)
Để có được dữ liệu cần thiết cho các dự báo kinh tế của mình, tôi phải thường xuyên đến Jakarta. Tôi tranh thủ thời gian rỗi ở đó để suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến viện trợ nước ngoài và viết lại trong nhật ký. Tôi thả bộ trên đường phố Jakarta, cho tiền những người ăn xin, tìm cách bắt chuyện với những người bị bệnh hủi, các cô gái mại dâm và những đứa trẻ bụi đời.
Trong những lúc ấy, tôi thử đánh giá vai trò hợp pháp của những nước phát triển trong việc giúp xóa đói nghèo ở những nước kém phát triển (LDC). Tôi bắt đầu thắc mắc khi nào viện trợ nước ngoài là thật và khi nào nó chỉ là món tiền để phục vụ lợi ích cá nhân.
Tôi chắc chắn rằng những nước như Mỹ nên có hành động dứt khoát để giúp các nước nghèo đói, bệnh tật trên thế giới, nhưng tôi cũng chắc chắn không kém rằng điều này hiếm khi nào là động cơ chính của những khoản viện trợ ấy.
Tôi đau khổ nhận ra những ngày tháng vô tội của mình đã trôi vào dĩ vãng. Tôi viết vào nhật ký:
"Liệu nước Mỹ vô tội hay không? Dù chúng ta, những người ở đỉnh chóp của kim tự tháp kinh tế, kiếm được nhiều nhất, nhưng hàng triệu người chúng ta đang lệ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc bóc lột những LDC vì sự sống của chúng ta. Nguyên liệu dồi dào và nhân công rẻ mạt nuôi sống phần lớn doanh nghiệp của chúng ta có được từ những nơi như Indonesia, và hiếm khi tình hình diễn ra theo chiều ngược lại. Các khoản vay viện trợ nước ngoài chắc chắn biến thế hệ con cháu các nước ấy thành những kẻ mắc nợ. Họ sẽ phải cho phép các tập đoàn của chúng ta tàn phá tài nguyên thiên nhiên ở nước họ và hạn chế đầu tư cho giáo dục, y tế và những dịch vụ xã hội khác để có đủ tiền trả nợ cho chúng ta... Có phải vì lý do đa số người Mỹ không nhận ra điều này mà ai cũng trở nên vô tội? Thiếu thông tin và nhận được thông tin sai lệch một cách có chủ ý, hẳn rồi. Còn vô tội, chúng ta có vô tội không?".
Về Mỹ, tôi trực tiếp báo cáo các công việc của mình tại Indonesia với Bruno Zambotti. Bruno hiểu biết về kinh tế, từng là phó chủ tịch chi nhánh điện của MAIN cũng như chịu trách nhiệm phần lớn các dự án ở nước ngoài của công ty. Một buổi trưa nọ, tôi được gọi lên phòng của Bruno.
Sau vài câu bàn thảo về Indonesia, ông ta tiết lộ một tin động trời: "Tôi sẽ sa thải Howard Parker. Không cần phải bàn nhiều về chuyện này, ông già lỗi thời quá!". Ông ta nở một nụ cười đắc ý khó hiểu trong lúc nhịp các ngón tay lên xấp giấy để trên bàn: "8% một năm. Ông ta dự đoán tải điện như thế đấy. Cậu có tin nổi không? Ở một nước đầy tiềm năng như Indonesia".
Nụ cười trên mặt Bruno vụt tắt. Ông ta nhìn xoáy vào mắt tôi: "Charlie nói với tôi là dự đoán kinh tế của cậu đạt đúng chỉ tiêu và sẽ đáp ứng tăng trưởng tải điện 17-20%. Có phải vậy không?". Tôi khẳng định với ông ta là đúng. Bruno đứng dậy chìa tay ra: "Xin chúc mừng! Cậu được thăng chức".
Lẽ ra tôi nên ra ngoài ăn mừng với các nhân viên của MAIN, nhưng lúc ấy tâm trí tôi chỉ nghĩ đến Claudine. Tôi nóng lòng muốn kể cho cô ta nghe rằng mình vừa được thăng chức, nhưng đường dây điện thoại của cô ta đã bị cắt. Tôi đi tìm Claudine. Tất cả những nơi cô ta từng ở và làm việc đều nói rằng không có hồ sơ gì về cô ta. Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi và cô đơn đến cùng cực. Tôi đã bị Claudine lợi dụng rồi vứt bỏ.
Sau "thành công" ở Indonesia, John Perkins được phái đến Panama để hoàn tất một hợp đồng sẽ trở thành kế hoạch chủ đạo đầu tiên của MAIN, nhằm biến Panama thành con nợ vĩnh viễn. Nhưng ở đó, một nhân vật xuất hiện - Omar Torrijos, người bảo vệ kiên cường cho quyền tự quản của Panama.
JOHN PERKINS (THANH TRÚC lược dịch)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire