vendredi 28 décembre 2012

Nhạc Sĩ Trần chí Phúc và Chiều Winnipeg



Nhạc Sĩ Trần chí Phúc và Chiều Winnipeg

alt

Winnipeg vào đông


CHIỀU WINNIPEG
(Để nhớ Nguyễn Thành- người bạn Winnipeg.)

Tôi đến Winnipeg vào một ngày thượng tuần tháng 4 năm 1979. Sau khi được lên máy bay cùng mấy chục thuyền nhân từ trại tị nạn chuyển tiếp ở Kula Lumpur Mã Lai đến Toronto vào nữa đêm, ngủ một đêm khách sạn và trưa hôm sau, những thuyền nhân chia nhau nhiều nhánh đi về những thành phố khác nhau và chỉ một mình tôi được đưa về thành phố Winnipeg.
Một anh sinh viên du học thời trước 1975, trong nhóm người thiện nguyện giúp đỡ người tị nạn, tiễn tôi tận cửa máy bay. Cả hai cùng vẫy tay chào giã biệt, cảm giác bùi ngùi. Một thóang bơ vơ trong lòng vì lần đầu tiên kể khi vượt biển ra xứ lạ, đây là lần đầu mình ngồi trên chiếc phi cơ giữa bao nhiêu hành khác ngọai quốc bay trên bầu trời Canada.


Nhìn qua cửa kính, những đám mây trắng như bông lơ lững, những dải đất phủ đầy tuyết trắng mênh mông bên dưới, lần đầu tiên trong đời nhìn thấy tuyết.
Máy bay đến Winnipeg, một bà già bản xứ cầm cái bảng ghi tên tôi đứng đón và bà lái xe đưa về một khách sạn để tạm trú, bây giờ nhớ lại tên là Balmoral. Chúng tôi không nói với nhau lời nào vì tiếng Anh mình chẳng biết. Trời tháng tư nhưng Winnipeg vẫn còn lạnh, tuyết rơi lất phất. Và cũng là lần đầu trong đời sờ chạm tới tuyết. Cảm giác háo hức đặt chân xứ người ngọai quốc xen lẫn cái buồn ảm đạm của bầu trời u ám lạnh lẽo tuyết bay.
Ngày hôm sau, một cô sinh viên Tàu du học nằm trong nhóm nhà thờ thiện nguyện chở tôi đi mua đôi giày chống lạnh và chiếc áo khóac mùa đông. Sau đó có mấy người Việt Nam ở tại đây trước tới thăm hỏi, đa số là những người đi từ tháng tư bảy lăm, có mấy anh từng là phi công VNCH vì chán Mỹ bỏ rơi miền Nam nên chọn định cư tại Canada thay vì Hoa Kỳ.
Ở tại khách sạn Balmoral mấy ngày thì nhân viên của Sở Nhân Lực ( Man Power) cử người đến dẫn đi làm giấy tờ và mướn nhà. Tôi chọn một căn phòng nhỏ trong một chung cư đường Kennedy, có cái bếp nhỏ bằng điện và tủ lạnh. Anh Nguyễn Thành, một phi công VNCH đến làm quen và giúp đỡ mọi thứ từ thông dịch tiếng Anh cùng những chuyện cần thiết trong đời sống trong những ngày đầu bơ vơ xứ lạ.
Đến Winnipeg được khỏang mười ngày thì Sở Nhân Lực tìm việc làm cho tôi, trong hãng may áo khóac mùa đông. Người ta nhồi lông ngỗng, lông vịt vào bên trong chiếc áo và tôi dùng cái cây đập áo để lông nằm đều trong áo. Tôi đập và bụi cùng lông bay tứ tung. Họ đưa tôi may những đường chỉ cho cái mũ của áo , tôi đạp bàn may điện và cầm chiếc mũ vải lạng qua lạng lại theo đường chỉ, đầu óc tưởng tượng như đang lái chiếc Honda chở người yêu trên đường phố Saigon.
Tôi may hư nhiều quá và bị cho nghỉ việc, mức lương đầu tiên trong đời xứ Canada tháng 4 năm 1979 là 2 đô 75 xu tiền Canada. Người bạn kiếm cho một việc khác làm găng tay da, cũng mức lương 3 đô la. Tôi làm việc mà đầu óc thẫn thờ trong nỗi buồn tha hương, nỗi nhớ nhà, năng suất rất chậm đến nỗi ông già người gốc Do Thái làm chủ nói với một anh kia rằng nếu tôi không phải là người tị nạn Việt Nam thì đã bị đuổi từ lâu. Lúc đó báo chí truyền thông thế giới nhắc nhiều đến thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam, danh từ Boat People được đặt ra và trở thành cái tên phổ biến.
Winnipeg là một thành phố của tỉnh Manitoba, được coi là nóng và lạnh nhất của đất nước Canada. Ngày còn ở trại tị nạn chuyển tiếp Mã Lai, có người cho biết là tôi được định cư ở đây, tôi cứ tưởng là thành phố Quebec với Montreal nổi tiếng, người dân nói hai thứ tiếng Anh và Pháp.
Nhờ quen với anh Nguyễn Thành và một số anh cựu phi công VNCH mà tôi được an ủi trong tình đồng hương. Những ngày tháng tư vẫn còn tuyết, qua tháng năm thỉnh thỏang tuyết vẫn rơi đến nỗi tôi nói đùa với bạn rằng cái câu hát " không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi" ( Không Bao Giờ Ngăn Cách- Trần Thiện Thanh) là không đúng. Tháng năm ở Việt Nam trời mùa hè nóng bức nhưng ở đây Canada tuyết rơi.
Và mùa lạnh giá băng hết nhường cho mùa hè. Những ngày nắng ấm ở Winnipeg trong năm không nhiều nên người dân rất yêu quý cái nắng của mặt trời, lúc này tôi mới hiểu được ý nghĩa của những bài hát ca tụng ngày chủ nhật đẹp có nắng, khác với cái nắng oi bức của Việt Nam làm mồ hôi nhễ nhại.
Ở đây càng hiểu thêm cái câu mùa đông ngày ngắn đêm dài và mùa hè ngày dài đêm ngắn. Buổi chiều tới nhà bạn, cùng ra công viên ngồi ăn uống, mãi đến chín mười giờ đêm mà nắng chiều vẫn còn lưu luyến.
Ở Winnipeg, thành phố tôi đặt chân thưở ban đầu tị nạn dù chỉ 6 tháng nhưng để lại nhiều kỷ niệm khó phai. Năm 1979, Hoa Kỳ và Việt Nam chưa bang giao nên mọi liên lạc thư từ đều bị cấm, chỉ có Canada là nước trung lập nên được gởi thư, gởi quà, điện tín, điện thọai. Khi đến đây tôi đã gởi hai bức điện tín về cho gia đình và người yêu báo tin đã định cư nơi đây.
Một buổi chiều đi làm về tới nhà bạn, nhận được lá thư của người yêu từ Sài Gòn gởi qua. Nét chữ run run quen thuộc kể nỗi tiếc nuối một thời bên nhau đã qua, một cơn bão nào đó lướt qua để những trận mưa gió đổ xuống thành phố. Tôi đọc lá thư cả trăm lần, mỗi lần cho cảm giác ngất ngây. Cảm giác tuyệt vời đó đã tạo nên cảm hứng viết thành ca khúc Sài Gòn Em Ở Đó có câu : " Sài Gòn còn mưa bão, đưa em đi phương nào".
Đi làm bằng xe buýt và nhà gần phố nên tôi hay đi bộ lang thang phố xá và những con đường dọc theo công viên. Những người da đỏ bản xứ cũng lang thang giữa phố, họ rất hiền lành, được hưởng trợ cấp trọn đời của chính phủ vì mảnh đất này của họ đã bị dân da trắng và các sắc dân khác tới chiếm cứ.
Tôi nhìn đám mây trên trời và thốt ra câu hát : " Ta đứng đây nơi thành Winnipeg. Trời chiều xanh xanh tới dáng quê xưa. Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại. Sài Gòn ơi thôi hết những chiều mưa." Lẩm nhẩm trong đầu và tìm những lời , một ca khúc đang hình thành, đó là bản Chiều Winnipeg.
Tôi đến nơi này tháng 4 và sau đó liên lạc được với Nguyễn Ngọc Ngạn ở Vancouver, nơi ấm áp hơn và có những sinh hoạt văn nghệ vui vẻ hơn nên tôi quyết định từ giã Winnipeg vào khỏang tháng 10, 1979.
Tôi leo lên chiếc xe Greyhound, xe búyt dài chạy về hướng tây đất nước Canada, xuyên qua dãy núi Rocky Mountain hùng vĩ để đến Vancouver. Mấy anh cựu quân nhân định cư trứơc từ năm bảy lăm cùng nhau ra tiễn tôi tại nhà ga. Dù chỉ mấy tháng sinh họat với nhau nhưng để lại nhiều kỷ niệm, người Việt tại thành phố này chừng vài trăm thời đó nên quen biết nhau coi như trong xóm trong làng.
Hôm nay đúng 30 năm kể từ ngày tôi đến Winnipeg, Canada. Thấm thóat thời gian như giấc mơ. Tôi chưa hề trở lại thành phố dễ thương này và tôi cũng không thấy lại những đồng hương VN thuở đó. Chỉ có anh Nguyễn Thành sau này dọn về Vancouver, chúng tôi có gặp nhau và hai năm trước nghe tin anh đã qua đời vì bệnh ung thư.
Xin chép lại lời bài hát Chiều Winnipeg, một kỷ niệm về một thành phố ghi dấu nỗi bơ vơ tị nạn, nỗi buồn xa xứ, để tặng những anh ở thành phố này và những ai có chung tâm trạng tha hương. Bài hát được Ngọc Trọng, Jo Marcel, Thảo My, Duy Quang và Thanh Lan trình bày, có một vài lời không đúng nguyên bản của tác giả.
Ta đứng đây nơi thành Winnipeg. Trời chiều xanh xanh tới dáng quê xưa. Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại. Sài Gòn ơi thôi hết những chiều mưa.
Mây vẫn trôi mang hồn tên viễn xứ. Về nơi đâu đây đất khách quê xa. Gió lá bay buốt lòng thân trơ trọi. Em hỡi em có biết chăng nỗi nhớ nhà.
Winnipeg lạnh lùng tuyết trắng xóa mênh mông, giá băng cho thấm thía nỗi mùa đông. Winnipeg chiều hè dài nắng đổ, màu nắng hanh người hỡi có còn mơ.
Mơ thấy em một ngày sang đất mới. Để cùng nhau chung kiếp sống phiêu linh. Mơ thấy quê hương một ngày thanh bình. Ta vẫn mơ ta mãi mơ mơ suốt đời.

San Jose- 10-4-2009
Kỷ niệm 30 năm đến Winnipeg


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire