mardi 23 juillet 2013

RỪNG LAO XAO BANMÊTHUỘT , tác giả Hùng Bi

RỪNG LAO XAO BANMÊTHUỘT
Không biết ai đã đặt cái tên nầy từ lúc nào, nhưng đọc lên có cảm giác một sự nhộn-nhịp-nhẹ-nhàng và đầy hương thơm tình ái đâu đó quanh ta. Tôi chắc là những người có tuổi trẻ ở xứ Bụi Mù trời không ai mà không biết cánh rừng ấy, nhưng có thể chưa nghe được gọi tên như thế bao giờ.
Xin mọi người hãy nhìn ngắm tâm tình của một người khác nói về nó.
Có phải do tiếng gió lao xao bay về bằng đôi cánh tình mượt mà lướt nhẹ trên những ngọn cây cao su hay cà phê xanh mướt?
Có phải do âm thanh lao xao cất lên từ những vàng phai của bước chân tình ái đang thong thả dạo chơi, thủ thỉ chuyện trò bằng những lời có cánh và vài chàng thanh niên “cả gan” vội ngậm lấy đóa hoa tình nở rộ ấy?
Có phải do tiếng đập cánh lao xao của đàn bướm trắng nhỏ bay đầy trên thảm cỏ mùa xuân như vỗ tay hân hoan reo mừng cho nụ chồi tình ái sinh sôi thành một hình thái tình cảm đẹp nhất của con người?
Có phải do tiếng đập lao xao của những trái tim tình nhân bối rối ngỡ ngàng trước hương thơm tinh khiết của sự kiện lạ lẫm đầu đời?
Hay có phải tất cả những điều trên kết hợp lại mà người ta đặt cho nó một cái tên hết sức thơ mộng: RỪNG LAO XAO!
*******
Vì sao tôi ghét tuổi mười tám?
Đây không phải là câu nói nhại theo nhân vật nữ Naoko trong truyện Rừng Na Uy của văn hào Nhật Haruki Murakami. Tuy nghe nó na ná, nhưng tính chất đằng sau câu nói lại khác nhau.
Tất nhiên hầu hết đều không đồng ý vì cho đó là cái tuổi đẹp nhất trong một đời người. Khi đó những cảm nhận trước những điều xảy ra chung quanh tương đối chín chắn hơn. Sự trưởng thành tuy còn non nớt nhưng vẫn có giá trị riêng.
Tôi cũng đâu chối bỏ điều đó, nhưng chỉ vài người mới thấu hiểu niềm riêng nầy vì họ giống như tôi.
Ai cấm được những cô thiếu nữ vừa đến tuổi cập kê hay một chàng thanh niên vừa vỡ giọng nảy sinh những tình cảm trai gái? Những tình cảm trong sáng nhưng mơ hồ như sương khói của tuổi học trò chớm nở ở một hai năm trước đó nếu còn lưu giữ đến lúc nầy sẽ biến thành một Tình yêu đúng nghĩa theo sự trưởng thành của mỗi người.
Bước qua giai đoạn chập chững học làm người lớn, từ khu rừng nầy đôi cánh ái tình đã quẹt trúng trái tim tôi. Khởi đầu cũng là một cảm giác lao xao trước một việc hết sức mới lạ, nhưng vết xước sâu quá như một cú va quệt của thiên thạch trúng phải trái đất khiến con tim tôi rỉ máu làm đau đớn mãi suốt cả một đời người.
Do vậy mà tôi ghét tuổi mười tám!
******
Ở cái Phố núi nhỏ xíu của thập niên 60, những đôi tình nhân muốn tìm cho mình một nơi thơ mộng và cách biệt để thổ lộ và chia sẻ những tâm sự để cùng đón nhận hương thơm tình ái một cách kín đáo, tránh những cặp mắt xoi mói kèm theo những lời đàm tiếu có thể tới tai những bậc sinh thành hay bạn bè cùng lớp thì còn nơi nào lý tưởng hơn cánh rừng đó?
Ngược về phía bắc trên đường đi Pleiku, sau khi đi suốt dọc chiều dài của phi trường L.19, đến ngã ba cây số 3 đi thẳng, bên phải là Chùa Dược Sư của các nữ tu trồng rất nhiều hoa thược dược đủ màu rất đẹp, bên trái là cánh rừng cao su bạt ngàn của đồn điền CHPI. Vượt lên khoảng vài trăm mét rẽ trái đi vào con đường đất đỏ, chúng ta đã lọt vào cánh rừng thơ mộng nhất của Banmêthuột. Thì gọi là thơ mộng cho riêng ai đó chứ không hẳn là chung cho tất cả mọi người. Ai cũng có sự chọn lựa riêng cho mình mà.
Một vườn cà phê rộng mênh mông được trồng kế bên rừng cây cao su tuổi đã xế chiều. Những con đường đất đỏ được phân chia đều đặn như những ô vuông trên bàn cờ khá lớn, xe hơi đi vào được để có thể vận chuyển phân bón hay mang sản phẩm về vì cánh rừng rất rộng. Cây cà phê đã cao khỏi tầm với, chen lẫn trong đó những cây keo tạo bóng mát cho chúng và cũng là cái ô che nắng cho những bước chân lang thang. Ven đường là những vạt cỏ xanh mượt nhờ hưởng ké giọt nước tưới và phân bón cà phê theo mạch đất bồi bổ sức sống mượt mà cho chúng.
Có phải điều gì nằm trên một nền xanh đều tươi mát và êm dịu cả không? Như Tình yêu nảy sinh trong cánh rừng đó đã làm xanh tươi tâm hồn những đôi lứa đang thong thả nhẹ bước quanh quanh. Nhưng nói như thế thì chẳng lẽ những bước chân tản bộ trên hè phố vắng không đưa tới một điều gì sao?
Nắng vàng mơ màng trên đầu, tiếng chim hót cao cao vọng xuống, tiếng cười khúc khích con gái kề bên, ánh mắt tình mê đắm, giọng nói…giả vờ êm nhẹ cho thanh tao, nét cương nghị chớm hình thành trên những gương mặt con trai mới lớn. Biết bao điều gom góp lại tạo nên một không gian bé nhỏ thơ mộng nhớ đời!
Có một điều hay làm chùn những bước chân buổi sáng tháng chạp rực rỡ hay buổi chiều tháng giêng mê man. Đang thong thả đếm bước, bất ngờ một màn mưa trắng xóa trải rộng khắp vùng từ những béc tưới trong những tháng mùa khô. Thế là bị phong kín đường ra lối vào, đành tìm chỗ khô ráo đứng chờ trận mưa nhân tạo ấy dứt hạt có khi dài cả giờ.
Ôi! Phải làm sao đây khi những vạt áo dài nữ sinh màu xanh bị những giọt nước vô tình làm cho lốm đốm? Dù ngày đã muộn, nhưng không thể cứ thế mà ra về thì chẳng khác chi “lạy ông con ở bụi nầy”?
Đành phải chờ cho những vệt nước mắc dịch ấy khô khô một chút trong tâm trạng thấp thỏm âu lo vì sợ bị Cha Mẹ mắng khi trời đã sụp bóng hoàng hôn.
Chàng cũng không đành lòng mà lẩm nhẩm hát vài câu trong bài hát “Tháng sáu trời mưa” thơ Nguyên Sa nhạc Hoàng Thanh Tâm:
“…Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa,
Anh lạy trời mưa phong kín đường về…”
Lúc nầy thì con chim tình đã hoảng sợ mà cất cánh bay đi đâu mất khi nghĩ đến những điều đang chờ đợi ở nhà.
Vì sao lại nói đến buổi sáng tháng chạp hay buổi chiều tháng giêng? Trong ký ức mờ nhạt của tôi, bướm trắng bay về chen lẫn với màu hoa cà phê trắng muốt trong những ngày giáp Tết. Ấy chính là mùa cây cà phê bung nở những chùm hoa trắng nuột nà thơm ngát. Chẳng biết có phải do mùi hương nồng nàn cùng những nhụy hoa ngọt ngào đã quyến rũ hay vì một nguyên do kỳ bí nào khác của thiên nhiên mà vào tiết mùa ấy từng đàn bướm trắng cánh nhỏ lại tụ về rất nhiều bay đầy khắp cánh rừng.
…Hồn hoa ơi, trong những đêm trăng sáng,
Có cùng đàn bướm trắng nhớ về ta?
Ai biết đâu cánh bướm có chơi xa?
Chỉ còn lại hoa và ta đứng ngóng.
Ban mê hoa, chẳng làm hồn dậy sóng,
Bởi chừng như chỉ màu trắng tinh khôi.
Hoa cà phê hương ngan ngát núi đồi,
Ta chết lịm trong mùi hương hoa ấy.
Trời se lạnh Tết đến gần rồi đấy,
Đỏ má hồng những cô gái thanh xuân.
Trắng thẹn thùng, hoa e ấp bâng khuâng,
Chân em bước nhẹ nhàng bên hoa đợi…
(trích Khúc cho em của s@...)
Thường những cuộc dạo chơi buổi sáng là của những bạn bè học cùng lớp trong những buổi sáng thứ năm hàng tuần được nghỉ hai giờ sau, lang thang trong những con đường kẻ ô của vườn cà phê rồi trôi qua cả những cánh rừng cao su gần đó. Có thể đó chỉ là những cuộc dạo chơi vô hại cho nhẹ bớt những căng thẳng vì bài vở học hành, cũng có thể là đã có chút hương tình vương vấn đâu đó trong những trái tim non tơ. Ai mà biết!
Buổi chiều là thời khắc của những đôi tình nhân nương nhờ nơi đó để vun đắp cho những mối tình vừa chớm nở hay đã trổ hoa. Tuổi mới lớn thì “tự điển ngôn ngữ tình” làm sao phong phú được? Nhất là ngôn-ngữ-tình-làm-bằng-dấu-đôi-tay lại là chuyện hiếm có. Thuở đó còn chưa dám nắm tay nhau nữa kìa, chỉ là những câu trao đổi bâng quơ về Thầy Cô, trường lớp, bạn bè, thời tiết, ngọn gió, đám mây…chủ yếu là được nhìn vào môi mắt nhau mà nghe những thanh âm đắm đuối gọi tình về. Còn những người trưởng thành hơn họ nói gì với nhau thì không biết. Chắc cũng là những lời nhung nhớ, yêu thương mà thôi.
Tội nghiệp cho những đầu cây ngọn cỏ bị biến thành vật hiến tế cho Thần Tình Yêu. Dạo quanh vài đoạn đường hai người dừng lại, tự nhiên cảm thấy tay chân mình thừa thãi quá! Cô gái thì vói tay ngắt vài chiếc lá tội nghiệp ngang tầm rồi chăm chú nhìn vào chúng mà bứt nhỏ ra theo nhịp bối rối của trái tim đang thổn thức trong lòng để khỏi lâm vào tình cảnh “khi em nhìn anh, từ đôi mắt đen dịu dàng, như trăng hồ thu, đợi thuyền tình anh ghé thăm…”. Chàng trai cúi đầu di di mũi giày lên những ngọn cỏ xấu số dưới chân theo nhịp điệu trái tim lạc phách vì sợ “ánh mắt bao la tình, với ý thơ xưa rằng, chí lớn trong thiên hạ, không đựng đầy…đôi mắt mỹ nhân” .
Hoặc giả đôi lúc thấy mỏi chân thì tìm một vạt cỏ êm ái ngồi xuống. Lại những ngọn-cỏ-ngơ-ngác làm vướng sợi tơ tình, lúc hai người đứng dậy thì vạt cỏ đã…bị thương.
Thêm một trò chơi thú vị là đuổi bắt những cánh bướm trắng nho nhỏ đó. Chúng cứ chấp chới vỗ cánh đậu từng đàn trên mặt cỏ xanh như chờ đợi những gót sen hồng mọc cánh tình yêu chạy ùa tới để rồi đồng loạt bay lên trắng ngợp cả một vùng. Dĩ nhiên đó chỉ là một trong những cử chỉ điệu đàng để làm dáng trước mặt người yêu thôi chứ các nàng có mong gì cầm trên tay đôi cánh trắng be bé xinh xinh ấy?
Bướm bay! Bướm bay! Em cũng muốn cất cánh mà bay lên theo đàn bướm vì hạnh phúc quá đỗi ngọt ngào anh yêu ạ! Nhưng bỏ anh lại một mình thì “tội quá” nên…đành thôi đấy!
Ngang đầu là những chùm hoa trắng tỏa hương ngào ngạt lẫn khuất trong đám lá xanh, dưới đất là những cánh bướm trắng chập chờn trên viền cỏ biếc, trong lòng em thì đầy ắp một mối tình xanh của lòng ngây thơ trong trắng. Trắng xanh xanh trắng hòa quyện vào nhau thành một bức tranh vẽ bằng những nét cọ êm mơ đẹp đến lịm người !!!
Tuổi mới lớn của tôi đã nhờ cánh rừng ấy mà chắp cánh cho những giấc mơ đầy huyễn mộng ngọt ngào.
Những cánh bướm trắng cả giấc mơ, những đóa hoa cà phê màu trắng cùng với một tình yêu cũng một màu trắng dung dị nốt vì chưa kịp thắm xanh vẫn lưu giữ mãi mãi trong tâm hồn tôi thật khó nhạt nhòa theo năm tháng.
Mấy mươi năm sau, tình cờ tôi cũng đi ngang qua cánh rừng đó với một người phụ nữ trong cơn gió mát chớm hè.
Rừng xưa đã khép! Nhưng đàn bướm trắng nhỏ với những nhịp cánh lao xao tình ái vẫn còn đó. Chúng bay từng đàn ngang đầu như gợi nhớ lại ký ức ngày nào.
Thốt nhiên tôi có cảm tưởng người phụ nữ cạnh tôi lúc đó chỉ như một cô thiếu nữ mới lớn đang cùng tôi bước vào cánh rừng lao xao ngày xưa.
Ồ! Trí tưởng tượng của con người là vô hạn thì ai cấm tôi chợt nghĩ như thế nhỉ?
Tôi không có ý mượn một hình ảnh hiện tại để gợi nhớ lại hình ảnh ngày xưa đâu.
Tôi chỉ ao ước giá như cả hai chúng tôi có thể cùng quay ngược thời gian để lọt vào cái không-gian-tình-tự ấy mà thôi.
Cũng chỉ là một mơ ước của riêng mình chứ tôi chẳng có ý rủ rê ai đi theo mình vào cái thiên đường nhỏ bé ấy cả.
HÙNG BI
(tháng sáu 2011)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire