mercredi 29 janvier 2014

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN (chương 8 – 11)

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN (chương 8 – 11)


Hồi Ký Kale
 
Đọc lại bài trước
 
 
Được đề cập:  Làng Cô Nhi Long Thành…, Tư Sự…, Vũ Thành An…,  Lộc, đặc ủy trưởng ; Thúy, trưởng ban R (ban nghiên cứu), Phong, trưởng ban Z (ban nội chính), , )…, Hai Côn…, Lý Muối Liềm…,  Hoài Thanh…

Phần 2

Trại Cải Tạo Long Thành


Trại K1 Gia Trung
Trại K1 Gia Trung

Chương 8 . Cải Tạo

Hầu hết nhân viên của Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo không thể di tản được đều có mặt ở trụ sở trung ương sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975 nhưng lại ở ngoài sân thay vì trong văn phòng như mọi ngày.  Chúng tôi phải trình diện cho cái gọi là “Uỷ ban Quân Quản” của “Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời”.  Mọi người cố giử vẻ bình tỉnh, nhưng không ai có thể che dấu được sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt.  Mặc dù rất đông người trong sân, một sự im lặng nặng nề bao phủ khắp nơi.  Ai nấy đều thì thầm với nhau dường như sợ rằng lời nói của mình có thể bị người khác nghe được.  Không như tôi đã dự đoán, Tuân, Banh, và hầu hết những người làm việc với tôi như Nhàn, Trung, Tâm, Trí, Lâm, Vinh, đều ở lại.  Tôi nghĩ họ đều độc thân, hay gần như độc thân, việc leo lên một con tàu nào đó để đi là một việc rất dễ dàng đối với họ.  Tuy nhiên, tôi đoán rằng có lẽ họ đều đã quá tin vào kế hoạch di tản chung của Phủ.  Một kế hoạch không hoàn chỉnh đã tạo nên một tình trạng bi thảm như thế này đây!  Giờ này thì mọi người chỉ còn biết giao tính mạng mình cho sự may rủi mà thôi.

Sau khi đã điền tên vào giấy để trên bàn đặt giữa sân, vợ tôi và tôi đến gặp Linh và Lan, chị vợ tôi cùng chồng chị ấy.  Giấy tờ chúng tôi đã tiêu hủy vào tối hôm qua nên không thể nộp cho viên thư ký ngồi ở bàn theo lời yêu cầu của ông ta.  Tôi không biết viên thư ký này, nhưng vài người cho chúng tôi biết đó là trung tá Khương, trước đã từng là Chánh sở An Ninh của Phủ.  Tôi cũng không rõ ông ta là Việt Cộng hay chỉ là người Cơ Hội!  Tôi đi ngang qua Tuân và Banh; cả hai chỉ nhìn tôi gật đầu không nói lời nào.  Tôi không còn nghe tiếng cười của Tuân và Banh như thường ngày nữa.  Chúng tôi chỉ trao nhau những nụ cười chua cay để thay vào đó.

Lần đầu tiên chúng tôi phải ngồi xổm xuống đất để đợi đến phiên mình làm giấy tờ.  Long, cựu nhân viên của phòng tuyển mộ gọi tên từng người trong danh sách; chúng tôi tuần tự đến ký tên vào một tờ giấy đặt trên bàn ở gần cổng của phòng y tế, kế bên bãi đậu xe.
Những ngày từ 2 tháng năm đến 14 tháng sáu, tôi nhớ có hai lần tôi phải đến trình diện với những tên VC đã tiếp thu Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo.  Lần đầu tiên -tôi không nhớ rõ ngày nào- họ cử hai người mặc thường phục đến nhà mẹ tôi chở tôi đến một trụ sở cũ của cơ quan ở đường Trần Bình Trọng.  Chúng bảo tôi viết lại những gì tôi biết được về khoảng thời gian từ năm 1969 đến 1972 lúc tôi trà trộn trong sinh viên để tiếp cận với Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn do Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch.  Họ giữ tôi từ sáng đến sáu giờ chiều mới đưa tôi về nhà.  Tôi phải đưa tiền để mua phần ăn trưa.  Lần thứ hai, họ gửi thư gọi tôi đến trình diện tại nhà an toàn cũ của ban A17 tại đường Phan Thanh Giản, nơi đây tôi gặp Nguyễn Tá, người đã làm việc chung với tôi khi tôi còn làm ở Ban Z, Ban Công Tác Nội Chính, và cũng là người đã tiếp thu Phủ.  Tôi nghĩ lần đó chỉ vài ngày trước khi tôi phải đi trình diện cải tạo.  Tôi không phải viết gì lần này.  Nguyễn Tá khuyên tôi nên đi trình diện học tập cải tạo theo chỉ thị của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời để được sự khoan hồng của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa.
Kể từ đó, danh từ “Cải Tạo” được nghe nói đến khắp nơi!  Cải Tạo Tư Tưởng, Cải Tạo Nếp Sống, Cải Tạo Xã Hội, Cải Tạo Kinh Tế, vân vân và vân vân, được loan báo hàng ngày trên đài phát thanh và truyền hình.  Binh sĩ Nam Việt Nam trình diện cải tạo và được thả về sau ba ngày.  Hạ Sĩ Quan Nam Việt Nam được thả về sau bảy ngày cải tạo, và rồi sĩ quan từ cấp thiếu uý đến đại uý phải học tập trong 10 ngày.  Sĩ quan từ Thiếu Tá trở lên, nhân viên chính quyền từ Trưởng Ty đến Tổng Thống cũng như nhân viên tình báo trung cấp và cao cấp phải trình diện học tập trong một tháng.
Theo thông cáo của Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời, lịch trình trình diện của chúng tôi là từ ngày 13 tháng sáu đến 15 tháng sáu và địa điểm là trường Trung Học Chu Văn An.  Chúng tôi phải đóng tiền ăn trong một tháng là mười bốn ngàn đồng cho mỗi người và phải mang theo chăn màn quần áo.  Mọi việc diễn tiến rất hợp lý.  Cộng Sản chọn trường học để làm địa điểm trình diện cải tạo và quy định thời gian hợp lý cho từng cấp bậc.  Mặc dù chúng tôi không tin vào lời nói của Cộng Sản, chúng tôi cũng phải tự trấn an bằng cách hy vọng điều đó là sự thật.  Ngoài ra, chúng tôi làm được gì trong hoàn cảnh ấy, và chúng tôi có thể trốn đi đâu bây giờ?  Chúng tôi coi như đã chết rồi từ ngày 30 tháng tư.
Ngày 13 tháng sáu nhằm ngày thứ sáu, ngày xui xẻo!  Ngày 14 là Tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng năm, cũng là ngày xui đối với người Việt Nam!  Chúng tôi quyết định chọn ngày 14 tháng sáu là ngày đầu tiên đi cải tạo với hy vọng rằng hai cái xui sẽ trở thành một cái hên!  Tôi chẳng còn tiền để đóng nên đành phải cầm thế chiếc nhẩn cưới để có tiền đi cải tạo.  Điều này giống như một chuyện đùa, nhưng đó chính là sự thật mà tôi đã trải qua một cách cay đắng.
Trên chuyến xe buýt từ nhà mẹ tôi đến trường Trung Học Chu Văn An, chúng tôi gặp một ông lão, ông ta hỏi chúng tôi đi đâu vậy.  Tôi nghĩ rằng ông nhìn thấy đồ đạc cồng kềnh của chúng tôi.  Tôi trả lời rằng chúng tôi đi “học tập cải tạo!”.  Ông ta nhìn chúng tôi cười một cách khó hiểu và chúc chúng tôi may mắn.  Lúc đó tôi không hiểu được ý nghĩa nụ cười của ông ta, tôi đoán chắc ông ấy tỏ vẻ thương hại chúng tôi.  Không chỉ có hai chúng tôi đi cải tạo mà còn có cả đứa con còn trong bụng vợ tôi nữa!
Trường Trung Học Chu Văn An là trường mà tôi đã theo học vào lớp 12.  Đó là năm 1963, năm mà Dương Văn Minh được Mỹ giúp sức để làm cuộc đảo chánh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bắt đầu xáo trộn miền Nam Việt Nam ngõ hầu Mỹ có cơ hội đưa quân vào Việt Nam.  Mười hai năm sau, tôi lại trở lại trường xưa, và Dương Văn Minh, người đã vừa giúp đở VC chiếm miền Nam, đang ở trong Đại Học Xá Minh Mạng dành cho sĩ  quan từ cấp đại tá đến cấp tướng ở kế bên.
Bạn bè và đồng nghiệp của tôi đang đứng phía trước trường.  Lan và Linh, vợ chồng chị vợ tôi đã trình diện vào hôm qua sau khi giao hai đứa con trai bốn tuổi và một tuổi cho ông bà ngoại nuôi dùm.  Nhìn cái bụng vợ tôi, tôi tự hỏi làm sao cô ấy có thể chịu đựng được một tháng cải tạo cho dù đó là một tháng như họ nói.  Nhưng tôi lại nghĩ mỗi người đều có hoàn cảnh khó khăn riêng.  Hơn nữa, tôi nghĩ rằng chúng tôi coi như đã chết từ cái ngày “giải phóng”.  Phần còn lại chỉ là một cuộc sống vô vọng; ranh giới giữa cái sống và cái chết chỉ là một danh từ.  Trong ý nghĩ đó, chúng tôi bước vào ngày cải tạo đầu tiên của chúng tôi sau khi nói đùa với bạn bè rằng “ai đi sớm sẽ được về sớm.”
Trường Trung Học Chu Văn An nằm đối diện với nhà thờ Ngã Sáu, trên đường Minh Mạng thuộc quận Năm Sài Gòn.  Từ trường tôi có thể nhìn thấy trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn trên đường Hồng Bàng nơi tôi thường đến hầu như hàng ngày từ năm 1969 đến năm 1975 trong công tác.  Trường có hai dãy nhà hai tầng.  Tôi được đưa vào nhà đầu tiên, vợ tôi cũng thế.  Từ đó, tôi có thể nhìn thấy quang cảnh trên đường phố bên ngoài.  Vợ tôi vào phòng đầu tiên dành cho phụ nữ, nơi từng là lớp học của tôi mười hai năm trước.  Ý nghĩ đầu tiên của tôi là đời tôi đang diễn ra những sự trùng hợp kỳ lạ.  Tôi đứng trên ban-công của trường nhìn về phía nhà thờ nơi tôi từng chơi đùa cùng bạn bè.  Bạn tôi vẫn đang ở đấy, nhưng họ không phải là những người bạn học cũ của tôi.  Một vài người lo lắng quay về nhà; một vài người khác vội vã băng qua đường để vào “trường” sau khi từ giã thân nhân.
Lớp học nơi tôi bước vào hoàn toàn trống rỗng.  Mọi vật đã được dời đi nơi khác.  Tôi trải chiếc chiếu cói lên sàn nhà nơi được đặt bục giảng của giáo sư trước kia.  Chúng tôi chia nhau mỗi người một khoảng trống khoảng vừa một chiếc chiếu.  Cái ba-lô biến thành gối nằm và nó đi theo cùng tôi đến lúc tôi trở về mười bảy năm sau.  Trong ba-lô, tôi có 1 cái mùng nilon, một cái mền nilon nhà binh, hai quần Jean, hai áo sơ mi, cái bi-đông đựng nước uống, cái áo khoác, một pon-sô nhà binh, mười gói mì ăn liền, một gói cơm sấy, một gói thịt khô, và một gói đựng thuốc gồm Tylenol, Penicillin, thuốc tiêu chảy, Quinine, và một cuộn băng keo.  Tôi chuẩn bị cho một cuộc sống trong rừng chứ không phải trong thành phố.  Cái mà tôi quên là chiếc võng mà tôi nghĩ có lẽ sẽ rất cần thiết với tôi sau này.  Lớp học gợi tôi nhớ đến những người bạn xưa, vài người đã chết trong cuộc chiến, vài người đang ở nơi nào đó bên ngoài kia, một vài người chắc đang ở trong hoàn cảnh giống như tôi bây giờ đây.
Tôi đi qua phòng vợ tôi.  Mọi người trong phòng đã giúp vợ tôi có chổ nằm kế bên chị vợ tôi.  Ngọc, Liễu, Ba, những người đàn bà làm chung với vợ tôi trước kia ở phòng tuyển mộ cố an ủi tôi bằng cách hứa sẽ chăm sóc vợ tôi khi cô ấy cần.  Tôi rời vợ tôi sau một lúc và đi quanh tìm bạn bè.
Mọi người đang bàn tán về danh từ “cải tạo” của Cộng Sản, nhưng không ai dám nhìn nhận sự thật rằng cải tạo không gì khác hơn là trả thù.  Danh từ “tẩy não” và quyển sách “Trại Đầm Đùm” được viết bởi một nhà văn ở miền Nam là những gì mà tôi được biết về sự cải tạo của Cộng Sản, nhưng sự thật về cái gọi là “Cải Tạo” vẫn còn là một điều bí mật đối với tôi.  Chúng tôi đã được biết ít nhiều về việc cải tạo các “Cosack” ở Liên Sô sau khi Cộng Sản cầm quyền ở đây, các Cosack được đưa đi Siberia để cải tạo và chết ở đấy.  Sau khi chiếm Trung Quốc, Cộng Sản đã đưa hàng trăm ngàn người Trung Hoa Quốc Gia đi Tân Cương để cải tạo và chết ở đó.  Nhưng chúng tôi không biết gì về số phận các người Việt Nam sau khi Hồ Chí Minh chiếm miền Bắc.  Họ đã bị giết chết hay vẫn còn trong các trại tập trung ở miền Bắc Việt Nam?  Những người Cộng Sản Việt Nam đối xử thế nào với kẻ thù của họ?
Tôi không nghĩ Cộng Sản Việt Nam sẽ làm một cuộc thảm sát giống như Hitler đã làm ở các lò sát sinh vì chúng không muốn làm mục tiêu cho công luận, nhưng giết lần mòn là điều mà họ có thể thực hiện mà không sợ ai phản đối.  Đi vào trại, chúng tôi phải chấp nhận mọi điều xãy ra ngay cả điều xấu nhất, đó là cái chết.
“Tẩy Não” và “Cải Tạo” có lẽ là hai từ rất tương đương nhau!  Cộng Sản “tẩy não” kẻ thù của họ như thế nào?  Cải tạo tư tưởng là từ mà Cộng Sản dùng rất nhiều trong những ngày đầu “giải phóng”.  Chúng bảo rằng nhân dân miền Nam đã từng sống một thời gian dài với Đế Quốc Mỹ và Ngụy Quyền Nam Việt Nam cần phải được cải tạo tư tưởng để thích hợp với xã hội mới: Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa!
Nhưng cải tạo như thế nào vẫn là một điều khó hiểu.  Mỗi nơi có một cách để cải tạo.  Những thanh niên bị cắt quần ống loe, phụ nử không được mặc áo dài và không được trang điểm, cái gọi là “nhạc vàng” bị cấm triệt để, sách vở xuất bản ở miền Nam Việt Nam bị coi là “phản động và đồi trụy” và bị thiêu huỷ, dân chúng phải lao động và thu nhập tuỳ theo công sức mà họ đóng góp, vân vân và vân vân.  Đó là những điều mà Cộng Sản gọi là cải tạo xã hội.  Nhân viên của chế độ cũ phải được học tập những điều gọi là “tội ác” của Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền  cùng chiến thắng của cách mạng và của Xã Hội Chủ Nghĩa.  Đó là những điều mà Cộng Sản gọi là cải tạo tư tưởng để thích hợp vơi xã hội mới.  Mặc dù chúng tôi không tin đơn giản như vậy, nhưng chúng tôi lại hy vọng mọi việc sẽ không đến nỗi quá tồi tệ.  Điều đó cũng rất tự nhiên đối với một con người khi lâm vào cảnh khốn cùng thì luôn mong mỏi một điều gì đó khá hơn để mà tự an ủi mình.  Chúng tôi không thể đi đâu được, không thể trốn tránh được, chúng tôi đành phải đặt số phận mình vào tay kẻ thù, đi vào trại cải tạo và chờ đợi mọi điều có thể xảy ra với chúng tôi.

Chương 9. Điều Vô Lý

Vài chiếc xe van mang tên của những nhà hàng ăn ở Sài Gòn như “Bách Hỷ”, “Đại La Thiên”, “Đồng Khánh”, “Mandarin”, tiến vào trường.  Nam nữ tiếp viên mặc đồng phục trắng xếp thức ăn lên bàn đặt trong sân trước trường gần cổng chính, và rồi từ chiếc loa phóng thanh treo ở dãy nhà đầu tiên vang lên lời mời “trại viên” đi ăn cơm chiều!  Những “trại viên” vào ngày hôm qua đi đến bàn ăn một cách tự nhiên, nhưng những “trại viên” mới vào đi theo một cách lúng túng.  Tôi cùng vài người trong đội đi đến bàn ăn của nhà hàng “Bách Hỷ”, lấy một ít thức ăn vào chén rồi đến ngồi ăn chung với vợ tôi.  Chị vợ tôi nói rằng ngày hôm qua “họ” giải thích phần ăn ấy là tiền của chúng ta đóng góp.  Họ chưa có nhà bếp nên phải mua từ những nhà hàng đến phục vụ chúng ta.  Lời giải thích rất hợp lý, nhưng nhìn những bộ đội của họ đang canh gác quanh trường ăn cơm với rau muống và nước mắm trong những mâm nhôm, chúng tôi cảm thấy nghi ngờ!  Chúng đang làm gì đây?  Thật là một điều vô lý!  Có phải đó là một cách để che mắt nhân dân Sài Gòn, và đối với những phóng viên ngoại quốc ngoài kia  có lẽ đó là cơ hội tốt để loan truyền về chính sách nhân đạo của Cộng Sản!
Sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, phóng viên ngoại quốc vẫn tiếp tục quan sát và săn tin về những gì đang xảy ra sau cái gọi là “giải phóng” của Cộng Sản Việt Nam.  Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến lớn nhất sau Thế Chiến thứ hai, do đó Cộng Sản luôn tạo cơ hội tuyên truyền khắp thế giới cũng như họ đã làm như thế trong chiến tranh.  Phóng viên ngoại quốc luôn luôn là phương tiện cho họ thực hiện chiến lược này.  Ai có thể biết được những gì xảy ra bên sau bức màn sắt? Tôi không tin họ đối xử với chúng tôi như vậy mà không có mục đích gì.  Cộng Sản luôn luôn dùng một hành động này để che dấu một hành động khác.  Điều gì sẽ xảy ra cho chúng tôi sau khi họ đạt được mục tiêu tuyên truyền về chính sách nhân đạo của họ đối với kẻ thù?  Tất cả chúng tôi đang chờ đợi những điều sắp xảy ra.

Chương 10. Chuyến Di Chuyển Đầu Tiên

Khoảng sáu giờ chiều, tôi đang ngồi với vợ tôi thì có người vào gọi vợ tôi rời trường Chu Văn An để ra về với lý do là cô ấy sắp đến ngày sinh. Cô ấy đang có mang ở tháng thứ chín. Tôi nghĩ điều này sẽ tốt hơn cho vợ tôi vì cô ấy sẽ không phải sinh con trong trại, nhưng tôi lại không biết cô ấy sẽ ra sao đây khi không có tôi bên cạnh. Tôi xách túi xách và tiễn vợ tôi ra cổng với lời an ủi rằng hy vọng rồi đây chúng tôi sẽ gặp lại nhau sau 1 tháng. Tôi nhìn theo vợ tôi bước lên chiếc xích lô đạp rồi quay trở vào trường với một nỗi buồn mang mác. Tôi sẽ không thể gặp được con tôi khi nó chào đời! Tôi sẽ không có dịp để săn sóc vợ tôi, cô bé mỏng manh của tôi, khi cô ấy sinh nở!  Nhưng tôi cảm thấy như vậy là tốt hơn là vợ tôi phải chịu đựng sự đau đớn trong trại.
Mọi người ngóng theo tôi khi tôi đưa vợ tôi ra về và rồi quay lại vào trong trường. Có vài người đến chúc mừng vợ tôi đồng thời an ủi tôi vài lời, sau đó chúng tôi ngồi bàn tán về tương lai chúng tôi sau khi “họ” thả vợ tôi ra về. Trường Chu Văn An nằm cạnh bên nhà bảo sanh Hồng Bàng; nếu chúng tôi còn tiếp tục ở đây để cải tạo thì rất thuận tiện cho vợ tôi một khi cô ấy sinh đẻ. Không ai bảo ai, chúng tôi đều chuẩn bị sẳn sàng cho một sự di chuyển.
Sáu chiếc xe buýt tiến vào trường vào khoảng 7 giờ chiều. Chúng tôi được báo cho biết rằng chúng tôi sẽ được chuyển đến một trại cải tạo để có điều kiện thuận tiện hơn cho chúng tôi học tập một cuộc sống trong một chế độ mới.  Chúng tôi đã đoán điều này sẽ phải đến, nhưng lại không biết chúng tôi sẽ bị đưa đi đâu đây: một khu rừng sâu, một hải đảo như Phú Quốc hay Côn Nôn nơi đã từng là trại giam những can phạm chính trị hay trọng tội. Chúng tôi đang thảo luận về chuyến di chuyển vì hầu như mọi người đều đã sẵn sàng sau khi thấy vợ tôi rời trường.
Khoảng 8 giờ, hai người mặc thường phục đội nón cối tự xưng là “Anh Bảy” và “Anh Tư” vào gọi tên chúng tôi xếp theo thứ tự từng đội từ đội 1 đến đội 6 và cho chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ được chuyển đến một trại cải tạo, nhưng không ai dám hỏi chúng tôi sẽ đi đâu. Mọi việc xong xuôi vào khoảng 9 giờ, nhưng chúng tôi phải đợi đến nửa đêm. Những chiếc xe buýt vẫn đậu trong bóng tối ở sân trước trường. Không ai ngủ được cho dù chúng tôi đã phải trải qua một ngày căng thẳng mệt mỏi. Mọi người thì thầm với nhau dường như sợ rằng người khác có thể nghe được lời đối thoại của mình, nhưng trong sự yên lặng ấy thì ngay cả tiếng muỗi bay cũng có thể nghe rõ mồn một.  Mọi người đều lo lắng về nơi sẽ đến và điều gì rồi sẽ xảy ra ở trại cải tạo ấy.
Đèn trong sân trường đột nhiên bật sáng. Mọi người dường như đang đợi chờ giây phút ấy nên đứng ngay dậy và hướng mắt ra sân trường. Vài người mang đồ đạc của họ tiến ra ban công. Giọng của “Anh Bảy” và “Anh Tư” vang lên gọi trại viên đi đến xe buýt thuộc đội mình. Tôi leo lên chiếc xe thứ ba dành cho đội ba rồi ngồi đợi. Tôi chẳng còn gì để lo lắng nữa cả vì tôi biết rằng nếu có điều gì xảy ra thì tôi chỉ chịu một mình tôi mà thôi. Ít ra tôi không còn lo cho vợ tôi và đứa con chưa ra đời của tôi nữa.
Đoàn xe rời trường vào khoảng 2 giờ sáng về hướng ngã tư Bảy Hiền. Thành phố rất im lặng. Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi sẽ đến Tây Ninh hay vào chiến khu D của Việt Cộng, nhưng đến Bảy Hiền, đoàn xe lại đi thẳng rồi sau đó quẹo phải vào xa lộ “Đại Hàn”. Tiếp theo đoàn xe lại quẹo trái vào xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Tôi không hiểu sao “họ” không đi thẳng đường Phan Thanh Giản để vào xa lộ mà lại phải đi theo một lộ trình xa xôi như thế. Có lẽ “họ” muốn đánh lạc hướng chúng tôi. Đoàn xe cuối cùng tiến vào nơi gọi là “Làng Cô Nhi Long Thành” vào khoảng 7 giờ sáng. Phải mất năm tiếng đồng hồ để di chuyển một lộ trình khoảng ba chục dặm chỉ để dấu một địa điểm mà chúng tôi đã biết từ lâu.

Chương 11. Trại Cải Tạo Long Thành

Làng Cô Nhi Long Thành đã có một lịch sử mà hầu hết chúng tôi đều biết đến.  Từ 1968 đến 1971, một tên Việt Cộng tên là Tư Sự núp dưới lốt áo tăng lữ Phật Giáo đã sáng lập và điều hành cái gọi là “Làng Cô Nhi”.  Hắn ta dùng cô nhi để quyên tiền cho VC.  Hắn cùng đồng bọn chứa vũ khí để chống lại bất cứ ai có ý định xâm nhập vào làng.  Trong giai đoạn này, chính quyền Nam Việt Nam đã rất khó khăn để giải quyết tình hình.  Nếu tấn công vào “Làng” thì có nghĩa là chính quyền đã tấn công trẻ con.  Nếu không thì càng lúc càng nguy hiểm cho chính quyền.
Có một lần tôi đã đến Làng Cô Nhi dưới danh nghĩa của phóng viên cho nhật báo “The Saigon Post”.  Trẻ con đầu trọc chân đất phải làm việc trên cánh đồng dưới nắng nóng của mặt trời, và chúng chỉ được ăn chay vào mỗi bửa ăn trưa theo như quy định của tăng lữ Phật Giáo.  Cùng đi với chúng tôi còn có nhóm người trong “thành phần thứ ba”.  Tôi đã rất bực tức khi nhìn thấy trẻ con phải đứng dưới trời nắng nóng để đón chào những kẻ mang danh nghĩa “lãnh tụ” của cái gọi là “Lực Lượng Thứ Ba” này!  Chúng dùng trẻ mồ côi để thu thập tiền bạc từ nhiều nguồn cung cấp mà nhất là từ những hội từ thiện Mỹ, và trẻ con lại là cái lá chắn cho chúng nữa.
Sau đó, chính quyền Sài Gòn đã phải dùng quân đội và cảnh sát để tấn công vào chiếm lấy Làng, giải cứu trẻ em; “Làng Cô Nhi” đã trở thành trại cho “Nạn Nhân chiến cuộc Bình Long”.  Một lần nữa tôi đã có dịp đến đây để trao quà cho các nạn nhân chiến cuộc dưới danh nghĩa của “Đoàn Sinh Viên Khoa Học Cứu trợ Đồng bào chiến nạn”.  Tổ chức này chính là tiền thân của Ban Đại Diện Sinh Viên Khoa Học mà tôi đã thành lập đầu tiên ở trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn.
Trại Cải Tạo Long Thành nằm trên đỉnh của một ngọn đồi sát bên quốc lộ Số 1.  Không có cái bảng nào để cho biết đó là trại cải tạo ngoài một bảng kẻ khẩu hiệu “Không có gì quý hơn Độc Lập, Tự Do” mà chúng ta thường thấy khắp nơi sau ngày 30 tháng tư năm 1975.  Đoàn xe ngừng lại ở giữa con đường chính của trại.  Đó là con đường đất sét đỏ rộng khoảng năm mét và dài khoảng tám trăm mét nối từ cổng vào đến căn nhà cuối của trại.  Vì trại nằm trên đỉnh đồi nên không có cái giếng nào cả.  Nước được chuyển đến bằng xe bồn.  Khi chúng tôi đến đã thấy nhiều người cầm can xếp hàng phía sau chiếc xe bồn.  Họ vẫy tay chào chúng tôi dường như chào đón những người mới đến.
Hai bên con đường chính là mười căn nhà trệt, mỗi bên năm cái, một căn nhà khác nằm cuối đường và một cái nữa nằm cạnh cổng trại.  Mỗi căn nhà chia ra làm hai phòng giam, mỗi phòng chứa khoảng 100 trại viên thuộc 2 đội.  Mỗi phòng có bốn khung cửa cái và tám khung cửa sổ không có cánh cửa.  “Họ” chia trại viên ra thành 4 khối: Khối 1 gồm những người từng làm việc trong chính quyền Nam Việt Nam từ Trưởng Ty đến Tổng Thống.  Khối 2 gồm những người mà họ gọi là “Đảng Phái Phản Động” (tất cả các đảng phải chính trị ở miền Nam Việt Nam) với chức vụ từ Thư Ký đến Chủ Tịch Đảng.  Khối 3 gồm những người làm cho cơ quan tình báo từ trung cấp đến cao cấp.  Khối 4 gồm những sĩ quan cảnh sát từ Thiếu Tá đến cấp Tướng.  Năm căn nhà phía bên phải con đường dành cho khối 1; phía bên trái thì hai căn nhà đầu tiên dành cho khối 4, ba cái còn lại là của khối 3, căn nhà cuối đường dành cho trại viên nữ, và căn nhà gần cổng là của khối 2.  Còn một kiến trúc khác được dùng làm hội trường để họp tất cả trại viên.
Khoảng 50 trại viên trong mỗi đội được chia làm 4 tổ.  Mỗi tổ phải nằm thành hai hàng trong phòng, do đó có tất cả 4 hàng trong mỗi phòng giam: 2 hàng cạnh tường và 2 hàng ở giữa phòng.  Những trại viên nằm cạnh tường quay đầu về phía tường, còn những trại viên nằm hàng giữa thì nằm đối đầu nhau.  Khoảng trống giữa hàng giữa và hàng cạnh tường dùng làm lối di chuyển.
Còn hai phòng nhỏ ở hai đầu nhà nơi từng là phòng ăn cho cô nhi nay trở thành phòng họp cho cán bộ cùng các đội trưởng, phòng chứa dụng cụ lao động cho trại viên.
Đầu tiên, trại không có hàng rào để ngăn khu hay khối.  Đầu năm 1976, “họ” bắt đầu xây tường gạch xi măng để rào quanh trại và chia cách từng hai nhà một, tường rào ngăn giữa đường chính với từng khu, và tường ngăn cách riêng biệt khu nữ.  Cùng lúc đó, trại đóng giếng và bơm nước vào từng khu thay vì cung cấp nước bằng xe bồn.  Trại Long Thành càng lúc càng được củng cố.

(còn tiếp)

nguồn Blog Huỳnh Long An

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire