mercredi 29 janvier 2014

Con Cò viết về bệnh Alzheimer và bài thơ bạn Con Cò gửi tặng

 
 
 .
SÁNG KIẾN NHỎ MÀ ÍCH LỢI LỚN
 

Trong đời sống hàng ngày, đôi khi một sáng kiến nhỏ nhoi cũng mang lại nhiều ích lợi to lớn. Bài này đề cập tới một mánh khóe vặt để khắc phục một trở ngại lớn trong việc săn sóc người bệnh Alzheimer.

Bệnh Alzheimer tiến triển qua nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn có những trở ngaị riêng.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ quên ngày giờ. Người nuôi có rất ít trở ngại và trở ngại cũng rất nhỏ. Chỉ cần kiên nhẫn trả lời một số câu hỏi mà người bệnh lập lại nhiều lần (có khi mười lần trong một giờ) tỷ dụ như : “Hôm nay ngày thứ mấy?”

Ở giai đoạn kế tiếp, khi người bệnh quên tới nơi chốn thì nguy hiểm bắt đầu xuất hiện. Nguy hiểm lớn nhất là đi lạc: người bệnh không biết nhà này là nhà mình và lén mở cửa trốn ra ngoài để “về nhà”. Họ có thể chết giữa nắng trưa mùa hè hoặc trong đêm lạnh mùa đông.


Tiếp theo đó là giai đoạn lẫn lộn những vật dụng và sự việc. Trở ngại đi lạc vẫn còn. Cộng thêm một một số trở ngại nữa: bỏ đồ chơi của con nít (gà, vịt bằng plastic) vào nồi để nấu cháo, giặt áo trong bồn cầu, gỡ màn gío xuống may quần v.v…Nguy hiểm nhất là nạn bật quẹt hoặc bật bếp gây cháy nhà.

Giai đoạn kế tiếp: quên người. Không nhận ra chồng, con, anh em…Ai thân nhất và gần gũi nhất thì quên trước rồi cuối cùng thì quên hết mọi người. Tất cả những nguy hiểm trên (đi lạc, đốt nhà…) vẫn còn đó, cộng thêm một số trở ngại rất khó khắc phục. Người bệnh hoang mang cực độ, bất mãn cực kỳ vì tưởng rằng tất cả những người thân đã bỏ rơi mình. Không ăn ngon ngủ yên. Không ngừng gây lộn... Không thể kể hết những phiền toái do người bệnh gây ra. Hãy lấy một tỷ dụ: không nhận ra chồng, tưởng chồng là một người anh họ, một người bạn của chồng hoặc một người hàng xóm nên từ chối không cho vào bath room giúp đỡ (lúc đi cầu hoặc đi tắm). Thế là muốn tránh được nạn bôi bẩn khắp cùng thì phải vật lộn và bị ẩu đả.

Giai đoạn cuối: quên hết mọi sự. Tuổi tâm trí (mental age) của người bệnh chỉ còn chừng một tuổi. Không tự mình ngồi dậy hoặc đứng dậy được. Không phải không đủ sức đứng dậy mà là sợ ngã không dám đứng dậy vì đã mất hết khả năng giữ thăng bằng. Toilet training không còn nữa. Phải thay tã nhiều lần mỗi ngày. Thay tã cho người Alzheimer khó khăn, vất vả gấp chục lần thay tã cho trẻ thơ vì người bệnh vừa ngoan cố vừa nặng nề mà mình thì vừa già nua vừa yế́u đuối.

Tóm lại, săn sóc một người Alzheimer vô cùng nhiêu khê. Có hàng trăm trở ngại mà trở ngại nào cũng qúa lớn đối với một người nuôi bệnh vừa già vừa yếu.  Dẫu viết cả trăm trang cũng chưa kể hết. Thế nên bài này chỉ thu hẹp vào một trở ngại nhỏ: đối phó với nạn đái dầm ban đêm.

Tóm Tắt Trở Ngại

Thay tã ban ngày cho người bệnh thì đã có người giúp việc. Trở ngại chỉ có vào ban đêm. Từ 7pm đến 8am phải thay tã hai lần mà vẫn không tránh được nạn ướt quần áo và ga giường.  Cởi quần áo ướt, tháo tã ướt, gỡ ga giường ướt rồi thay bằng quần áo khô, tã khô, ga giường khô tuyệt đối không phải là việc nhẹ nhàng đối với một lão già tám mươi tuổi. Nâng một người bệnh nặng hơn mình vài chục lbs từ giường tới ghế (để thay đồ ướt) rồi từ ghế trở về giường là một cực nhọc rất phức tạp và khó diễn tả. Sự kiện này xảy ra mỗi đêm, có khi hai lần trong một đêm, tháng này sang tháng nọ, năm nọ qua năm kia.

Khắc Phục Trở Ngại

Đã làm hai việc:

A/ Tham khảo tha nhân nhưng không ai giúp mình được điều gì thiết thực.

-Anh em, bạn bè không có kinh nghiệm về việc này nên đã không cho mình good answers.

-Ông psychiatrist điều trị cho người bệnh tuy giỏi chuyên môn nhưng không am hiểu chuyện tã ướt, giường hôi. Ông chỉ khuyên: “Đưa bà vào nursing home”.

Tới đây xin mở một dấu ngoặc để trình bày những lý do riêng tư khiến mình phải turn down ý kiến hợp lý của ông psychiatrist:

1/ Những lý do cao cả :

a/ Không muốn người thân phải sống vật vờ trong nursing home. 

b/ Không muốn lũ con có mặc cảm bất hiếu vì không giúp được bố mẹ (chúng chỉ bất lực).

c/ Muốn là̀m gương cho các con trong cách cư xử với người phối ngẫu.

c/ Cố chịu đựng cực nhọc dăm năm để̀ trả ơn cho một người đã từng chia xẻ ngọt bùi, chua cay với mình trong năm mươi năm.

d/ Đã chót hứa (cách đây hai mươi năm) khi bà thỉnh cầu rằng: “Em không sợ chết, chỉ muốn chết trong vòng tay của anh thôi”.

e/ Nếu đưa vợ vào nursing home thì mình sẽ làm gì trong 24 giờ của mỗi ngày? Thử giải một con toán số́ học nho nhỏ: 6 giờ̀ trong nursing home với vợ (kể cả đi, về), 10 giờ ở nhà để làm mọi chuyện cho riêng mình và cho gia đình, còn laị 8 giờ để ngủ. Sẽ ngủ được không? Câu hỏi này không có trả lời thỏa đáng (no favorable answer). Hậu qủa của mất ngủ trong hoàn cảnh này thì không thể lường trước được.

 

2/ Một lý do thấp hèn:

Tốn phí trong nursing home (Khoảng một trăm ngàn mỗi năm. Ai có low income và không có gia sản ngoại trừ cái nhà và cái xe thì sở an sinh xã hội sẽ trả hết tốn phí trong nursing home hoặc trả lương cho người săn sóc bệnh nhân tại gia) gấp đôi tốn phí nuôi tại nhà. Đôi lúc qúa mệt mỏi mình đã nghĩ tới giải pháp nursing home nhưng lại gạt bỏ ngay sau đó. Không phải sợ tốn thêm tiền. Ở tuổi này chả mấy ai không hiểu rằng tiền bạc chỉ là phù vân .

-Thảo luận với hai cô giúp việc (một cô đang nuôi mẹ tật nguyền và một cô đã từng làm việc nhiều năm trong nursing home) cũng chẳng nhận được ý kiến gì hay. Họ nói rằng trong nursing home luôn luôn có dăm bảy người làm việc ban đêm nên việc thay tã không bao giờ là một vấn đề. Tuy nhiên, từ cuộc thảo luận này đã nảy ra một ý kiến hay: dùng double diapers (một tã vừa khít mặc bên trong và một tã lớn hơn bao bên ngoài). Nhưng tình trạng chỉ khá hơn đôi chút: nhiều đêm nước tiểu vẫn thấm ướt áo quần.

B/ Nghiên cứu thất bại để tìm cách chế ngự

Khám xét double diapers mỗi buổi sáng thì thấy rằng khi quần áo khô thì cả hai tã đều ướt thũng. Khi quần áo ướt thì tã trong ướt thũng còn tã ngoài chỉ ướt sơ. Thì ra hai tã đã so le nhau khi người bệnh nằm lăn lở qúa mạnh. Thế nên nước tiểu, thay vì chảy từ tã trong xuống tã ngoài như mình dự liệu, đã bypass tã ngoài rồi tràn ra quần áo.

Khám xét này đã dẫn đến một sáng kiến hữu hiệu sau đây: tã nào cũng có ba lớp, lớp trong bằng giấy xốp để nước tiểu thấm qua, lớp giữa bằng bông để giữ nước tiểu lại, lớp ngoài bằng nylon để ngăn nước tiểu khỏi thoát ra ngoài. Vậy chỉ cần cắt hai lỗ nhỏ ở̀ đáy của lớp nylon của tã trong. Nước tiểu từ tã trong sẽ dễ dàng thấm xuống tã ngoài qua hai lỗ nhỏ đó, dù hai tã so le nhau. Kết qủa:15 đêm liên tiếp (và sẽ mãi mãi sau này) hai tã cùng ướt đằm mà quần áo vẫn khô queo.

Kết Luận

Chỉ một sáng kiến nhỏ nhoi (cắt hai lỗ nhỏ ở lớp nylon của tã trong) mà giúp được nhiều điều lớn lao sau đây:

1/̀ Không phải thức giấc nhiều lần giữa đêm để khám tã và thay tã. Mình sẽ ngủ ngon mỗi đêm.

2/ Không phải thường xuyên giặt ga giường và tẩy mùi hôì của nước tiểu trong phòng ngủ.

3/ Không phải đánh thức người bệnh giữa đêm khuya để thay áo quần làm cho bà nổi giận, la hét, đấm đá. Bà sẽ ngủ ngon suốt đêm và ngày hôm sau sẽ tỉnh táo, khỏe mạnh hơn.

4/ Không bị kiệt sức vì phải nhấc bổng một người nặng hơn mình hai chục lbs.

Tới đây lại xin mở một dấu ngoặc nữa để tường trình một việc làm ngớ ngẩn và nguy hiểm mấy tháng trước. Vì bản thân chỉ nặng 95 lbs mà phải nâng một ngưới nặng 115  lbs nên mình đã cố sức tập tạ ở gym. Tuy đã  thành công (nâng nổi 115lbs) nhưng rêm hết cả người. Lúc đó mới nhận ra rằng không nên liều lĩnh làm điều ngu xuẩn này.

5/ Đã bớt lo âu. Đã thấy thoải mái. Nụ cườì lại tươi trên môi. Đã biến một công việc dơ dáy thành một nghệ thuật.

6/ Hy vọng nuôi vợ tại nhà (không phải bỏ vào nursing home) cho tới lúc bà chết trong vòng tay mình (như đã hứa) đã sáng sủa hơn.

7/ Các con khỏi cần gọi bố mỗi buổi sáng để hỏi câu “Đêm qua bố ngủ ngon không?” mà chúng đã biết trước câu trả lời tiêu cực.

8/ Sức khỏe, điều trân qúi nhất ở tuổi mình, sẽ vẫn được bảo trì.

Chỉ một sáng kiến nhỏ nhoi mà gây được nhiều lợi ích lớn lao như vậy! Đó là lý do tôi muốn phổ biến bài này, hy vọng ai chung cảnh ngộ sẽ có thể dùng được.

Ngày 24  tháng 1 năm 2014

Con Cò

Cùng các  bạn bè  của Con Cò thân mến .

Bài thơ này tôi làm từ khi BS Trường huy Thiện ,Đăng huy Lưu còn sống Nghĩa là cách nay cả gần chục năm .
tính để tặng anh Bảo  (Con Cò) đó . Nhưng chưa được Lưu Lọ hoạ thì đành quên mất .Hồi đó hai anh em tôi
hay nói truyện về anh Bảo  nhưng thật sự không biết nhiều về tài văn thơ của anh .ngoài việc biết anh nhiều
con học giỏi có trên nửa tá và rất cưng chị . Đáng lẽ quên khuấy đi rồi Nhưng hôm qua đọc bài anh chia sẻ
kinh nghiệm nuôi vợ bị lú lẫn qua mẹo dùng tã đôi (*)  cho người bệnh nên lôi ra tăng làm quà tất niên cho
 vị lương- y- như- từ- mẫu Con cò đây .Xin quý vị  đọc  giết thời giờ nhé 

ĐA THỌ ĐA NHỤC ( Lão Tử )

Quý Tỵ sao không quí tị nào  ?
Quanh năm chỉ gập truyện hư hao :
Chồng đau khản cổ làm sao nói ...
Vợ yếu còng lưng chẳng thể gào...

Bẩy bốn (74) gần kề càng lận đận ....
Tám mươi chưa tới đã lao đao ...
Sống lâu chi để cho thêm nhục
Có cóc gì đâu để tự hào ?

Sau khi đọc bài anh bảo chia sẻ kinh nghiện nuôi người bi bệnh Alzheimer tôi  phục anh Bảo hết sức
Xin có  thêm bài này nữa  :



NGƯỜI CHỒNG CHUNG TÌNH
GƯƠNG MẪU NHẤT THẾ GIAN

Sự thực viết ra mong anh đừng giận !
Nằm trong chăn mới biết chăn có rận  :
Thương cho anh lận đận lẫn  lao đao  .
Ngoài tám mươi còn cố tập thể thao
Để có thể chăm lo cho vợ yếu !
Lòng chung thuỷ chỈ tăng  không giảm thiểu
 "Muốn cho em an giấc trong tay anh !"
Chín lăm (95) pounds sức vóc quá mong manh
Muốn bồng vợ nặng hơn mình chục kí (20 Pounds)
Na chuột cống mèo con không nản chí !
Còn sẻ chia kinh nghiệm với đồng bào
Dùng tã đôi (*) kết quả thực là cao
Giúp quần áo hiền thê không hôi hám
Nghe anh kể hỏi ai không thương cảm
Người Lương- Y- Từ -Mẫu  đã nêu gương
Kể từ khi anh vừa đỗ ra trường
Mở phòng mạch ngay ngã ba Chú Ía
Anh chẳng ham lầu son cùng gác tía
Nuôi bầy con thành đạt thấy vui rồi  !
Truyện tử sinh bệnh lão mặc ông trời  !
Thương đồng loại tâm hồn anh luôn giữ
Cũng có lúc bị hiểu lầm :bỉ thử 
Anh thực tâm tự nhận lỗi do mình
Thương vợ yêu anh gồng gánh hy sinh
Không chịu gửi bạn đời cho y tá
Anh vui vẻ chẳng hề lo vất vả
Mấy ngàn đêm anh săn sóc tận tình
Năm canh dài anh lủi thủi điêu linh
Chưa mở miệng kêu than dù nửa tiếng
Ngồi nhìn chị anh nghe lòng tê điếng
Anh giải phiền băng cách dịch Nam Kinh
Giòng Ly Tao thành lời Việt đình huỳnh
Cho độc giả bọn tôi thêm thán phục
Năm sắp hết bạn bè xin  cùng chúc 
Vợ chồng anh hạnh phúc mãi bên nhau
Trên Niết Bàn hay Tiên Cảnh đâu đâu
Vẫn vĩnh  viễn như Uyên Ương liền cánh

(*) anh dạy cách dùng tã lót đôi cho có hiệu quả tốt

LTĐQB : sáng hăm sáu tháng giêng Dương Lịch 2014
 


Khi chúng ta bước vào tuổi hưu , sức khỏe lúc này là điều đáng quan tâm nhất , niềm hạnh phúc và niềm vui của gia đình.

Ngày Tết sắp đến , biết niềm vui có thể không đến như điều mong muốn trong từng gia đình các anh chị, nhưng cũng hy vọng nó cũng sẽ hay hơn , vui hơn và hạnh phúc hơn khi những năm tháng tới , trong chúng ta sẽ khó kiếm lại được ngày hôm nay.

Hãy vui với niềm vui nhỏ và hãy sống với hiện tại mà chúng ta có ngày tháng này đây.
Chúc các anh chị một cái Tết đáng ghi nhớ trong đời
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire