mercredi 26 février 2014

"Nhật ký một bạn tù!" tác giả Bác sĩ Phùng Văn Hạnh/ TÔI ĐI TÙ, tác giả Nguyễn Nhơn

Nhật ký một bạn tù!
 

Bác sĩ Phùng Văn Hạnh

 
Tôi quen biết cả hai vợ chồng anh Nam. Gia đình chị Nam là nạn nhân của cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn”. Cha chị, anh Khoa, là bạn học của tôi ở trưởng tiểu học xã. Lúc tôi làm việc ở Bệnh viện Đà-Nẵng, thì anh là xã trưởng xã Giao Hòa, gần quê tôi. Cha anh bị liệt vào hàng phú nông, đã bị du kích VC ở xã chôn sống, thời chống Pháp, chỉ vì ông chỉ trích biện pháp “tiêu thổ kháng chiến” trong đám giỗ gia đình ông. Người chỉ huy vụ thủ tiêu ông, là cháu kêu ông bằng bác, tên Cội. Cái “giỏi” của Cộng sản, là có thể khơi dậy ở người cháu lòng căm thù, để giết bác ruột. Khoa, lúc ấy, cũng là du kích, chứng kiến cái chết thê thảm của cha, mà không làm gì được. Sau đó, anh lẻn ra vùng Quốc Gia, và thề trả thù cho cha. Anh đã dẫn lính Bảo An, trong đêm tối phục kích tiểu đội du kích VC ở xã, và giết chết Cội. Thời Đệ nhị Cộng Hòa, xã Giao Hòa nằm trong vùng tranh chấp. Ban ngày, Khoa cùng Địa Phương Quân về đóng trong làng, ban đêm rút về quận. Con của Cội, lúc ấy, là “chủ tịch xã” (VC) ban đêm thường hay lẻn về đe dọa dân chúng, và thâu lúa gạo của dân.

Tết Mậu Thân, 1968, con của Cội cùng “bộ đội” miền Bắc đột nhập quận, bắt được Khoa. Chúng dẫn Khoa về làng Giao Hòa, họp dân chúng lại, mở “tòa án nhân dân” xử Khoa, chúng hành hạ Khoa rất tàn nhẫn trước khi giết chết. Chị Khoa, vận đồ tang, về làng xin xác chồng đem về chôn tại quận. Bọn Cộng sản đã không cho, lại giết chết luôn chị Khoa, chỉ vì quá uất hận, chị đã thốt lên những lời mỉa mai trong khi khóc lóc trước mộ chồng.
Hai vợ chồng Khoa chỉ có một cháu gái tên Thu, lúc ấy mới 10 tuổi. Thu bơ vơ được ông Quận trưởng Đại Lộc, Quảng Nam, nhận về nuôi cho đi học. Nam cùng quê với tôi. Cha chết sớm, vì ăn phải nấm độc, trong nạn đói thời “kháng chiến chống Pháp”. Mẹ Nam ở vậy nuôi con. Khi đồng quê mất an ninh, bà ra Đà-Nẵng giúp việc trong nhà cho tôi. Nam đậu Tú tài, vào học trường Nông Lâm Súc. Ra trường, thì bị động viên vào trường  Võ Bị Thủ Đức. Nam được chọn đi học khóa Tâm Lý Chiến, rồi về phục vị tại sư đoàn 1. Ông quận trưởng, cha nuôi Thu nay là Đại tá Trung đoàn trưởng, cấp trên của Nam. Thấy Nam chăm chỉ, hiền lành, ông đã cố ý tạo cơ hội cho Nam và Thu gần nhau, hiểu nhau. Đám cưới hai người do tôi tổ chức vào cuối năm 1974. Hai vợ chồng ông Đại tá không có con, lại có căn nhà lớn ở Đà-Nẵng, nên đôi tân hôn sống chung với ông bà.
Cuối năm 1978, Sĩ quan trại tù Kỳ Sơn chuyển lên trại “cải tạo” Tiên Lãnh. Trước đó mấy ngày, tù chính trị và phần lớn các đội lưu động chuyển đi “trại  thôn Năm”, để chỗ cho “trại viên” mới. Một chiều ảm đạm, các trại viên cũ đều bị nhốt lại trong phòng, cửa sổ đóng kín. Nghe tiếng máy nhiều xe cam nhông đổ lại trước cổng trại. Tôi lúc ấy làm y tế trại, được lệnh ra nhận thuốc Tây mà các vị Sĩ quan mang theo, để nhập vảo tủ thuốc ký gửi. Các “cán bộ” trại đang ráo riết lục soát “trại viên” mới. Từng đống áo quần treillis, giày da đi trận,  xắc đeo lưng bị tịch thu. Đồng hồ, bút máy, nhẫn đeo tay, tiền giấy phải đem ký gửi. Mỗi người nhận lại hai bộ đồ vải màu xám với một ít dồ dùng cá nhân. Công an đã đánh phủ đầu bằng cách lột sạch  di tích tù binh, và nhắc nhở một kỷ nguyên thường phạm khắc nghiệt bắt đầu. Tôi gặp lại Nam, nhìn nhau mà không dám nói một lời. Vài tháng sau, Nam được ra làm chăn nuôi, nhờ có bằng kỷ sư Nông lâm súc. Lúc đầu chỉ ra chăn nuôi ban ngày. Ban đêm phải trở về ngủ chung trong phòng giam. Nam vốn ít nói và hiền lành, lại cứu được nhiều gia súc trong một nạn dịch, nên được “quản giáo” chăn nuôi dần dần tín nhiệm, đưa ra ở hẳn trong trại chăn nuôi. Thường ngày Nam dẫn một đàn bò độ 30 con, đi ăn trên những đồng cỏ quanh trại. Tuy không có thăm nuôi, song Nam không thiếu thốn nhiều về ăn uống. Nhờ lang thang với bày bò, Nam có dịp “cải thiện” bằng cách bẫy chim và thú rừng, đào sắn. Anh cũng trồng rau, bầu bí quanh khu chăn nuôi. Mỗi khi bò đẻ, Nam lấy nhau nấu ăn. Nam cũng hay cho tôi đồ “cải thiện” mỗi khi có dịp vào trại khám bệnh.
Một lần đi đỡ đẻ cho một sản phụ ở bệnh xá dân, tôi có dịp đi ngang qua gò đất mà Nam hay đem bò ra đó gặm cỏ. Đỉnh gò có một miếu hoang, tường gạch, mái ngói, song mang dấu tàn phá của thời gian. Miếu nằm trọn vẹn dưới bóng mát của một cây đa to lớn, có nhiều rễ phụ. Bên cạnh miếu có một nghĩa địa nhỏ. Nam cho biết là có quen một giáo viên chế độ cũ (VNCH), bị đày lên dạy ở trường tiểu học gần đó. Anh nầy thường gửi thư giúp Nam qua bưu điện, khỏi sự “kiểm duyệt” của trại. Nam dẫn tôi vào miếu và chỉ chỗ kín, để khi nào có dịp ghé qua, mà không có Nam, thì giấu thư vào đấy, và Nam sẽ gửi đi giúp. Tôi đã dùng lối nầy gửi thư về nhà vài lần cho đến khi Nam được phóng thích.
Nam ra trại được hai năm, thì bỗng một hôm, nghe nói có một “trại viên” cũ, treo cổ chết ở một cây đa ngoài trai. Lúc ấy, tôi không còn làm y tế nữa, không có dịp để kiểm chứng người chết là ai, song tôi vẫn ngờ ngợ người ấy là Nam. Cho đến khi tôi dược phóng thích. Tôi trở lại chỗ miếu hoang; vào chỗ kín mà trước kia tôi giấu thơ cho Nam gửi về nhà, xem thử. Nếu quả thật Nam đã trở lại đây tự tử, chắc Nam sẽ để lại cho tôi một lá thư tuyệt mệnh. Nam để  lại cho tôi không những một lá thư, mà cả một tập nhật ký, viết trên những tờ giấy rời. Kể từ lúc Nam chết cho đến giờ đã năm năm rồi. Tập nhật ký bị mối mọt đục nhiều chỗ, phải dồn vào một bao nylon. Tôi trở ra, đứng dưới gốc cây đa, xem thử Nam đã treo cổ ở cành nào. Lá đa xanh nghít, xào xạc. Dưới chân đồi con sông lượn khúc, khói lam quyện vào mái tranh một căn nhà ven sông, vươn lên bầu trời xanh thẳm. Nam đã chọn chỗ để an giấc nghìn thu. Mộ Nam là một nấm đất nhỏ, cỏ mọc lưa thưa, trong nghĩa địa cạnh miếu. Một tấm bảng gỗ mang tên họ Nam cùng với ngày tháng chết cắm ở chân mộ. tôi quỳ xuống cầu nguyện cho Nam, mặc dù lúc sống, Nam là một Phật tử. Đang lúc suy tư, tôi nghe tiếng chân đạp trên lá sau lưng. Tôi quay lại, thì một trung niên bước tới giới thiệu. Hóa ra là ông giáo viên tiểu học, thường chuyển thư cho Nam ngày xưa. Ông với Nam đã thành bạn thân. Chính ông đã nhận là bà con với nam và xin với xã được chôn cất Nam trong nghĩa địa bên miếu. Ông kể là Nam đã ở lại nhà ông một đêm. Sáng ra Nam lên đồi và không trở lại nữa. Nam còn cẩn thận gửi cho ông giữ một số tiền vừa đủ để chôn cất Nam, trước khi ra đi. Ông cũng chôn theo Nam lon gô mà Nam đeo trên vai, bên ngoài có ghi: “tro của em yêu dấu”. Tôi cám ơn tấm thịnh tình của ông. Về Saigon, tôi giở nhật ký Nam ra xem:

“02-09-79. Hôm nay “quốc khánh XHCN”. Trước kia, miền Nam không có ngày lễ nầy, vì phe Quốc Gia mặc nhiên xem ngày đó là trò hề, khởi đầu cho “cách mạng vô sản quốc tế”, loại bỏ dần dần mọi tham gia của người yêu nước Quốc Gia. Dù chỉ là “trại viên” đều được nghỉ lao động. Riêng chăn nuôi, thì phải dẫn bò đi ăn. Nằm dưới gốc cây đa, thấy những lá non gió đẩy đung đưa trên nền trời xanh, lại nhớ bài thơ:
“Nằm im dưới gốc cây to,
Nhìn Xuân trải nhựa muôn tờ lá non:
Giữa trời hình lá con con,
Trời xa sắc biển lá thon mình thuyền.
Gió qua là gió triều lên,
Hây hây gió đẩy thuyền lên biển trời.
Chở hồn lên tận chơi vơi,
Muôn chèo của nhạc, muôn lời của thơ.
Bâng khuâng như thể bao giờ,
Lênh đênh nào biết  bến bờ là đâu!”
“Cuộc đời có lắm buồn phiền, là bể khổ. Có những phút phiêu diêu như thế này, để quên thân phận tù đày. Vẫn nhớ Thu không nguôi.  Lời bài hát “Nắng chiều” làm anh nhớ đến lúc chúng mình mới quen nhau: “Anh nhớ trước đây, dáng em gầy gầy, dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh”. Mẹ đã trở về làng cũ Túy La, sống với gia đình chú Chín, giúp chú làm tằm. mỗi năm mẹ thăm nuôi hai lần, cũng đơn sơ, đạm bạc. Mẹ cũng không có tin tức gì về Thu.
07-10-79. Gửi thư về cho Thu nhiều lần với địa chỉ nhà cũ ở Đà-nẵng, nhưng không có hồi âm. Không biết bây giờ, em trôi giạt về đâu. Chúng mình lạc nhau ngay ở bờ biển Sơn Chà (Sơn Trà) khi nhóm binh sĩ và sĩ quan Biệt động quân đứng thành vòng tròn, mỗi người trên tay một quả lựu đạn đã mở chốt. Khi họ la lên là “đồng bào hãy tránh xa”, anh và em mạnh ai nấy chạy. Nghe một loạt nổ chát chúa và hơi gió tạt từ sau đến. Họ tự tử tập thể, chắc là vì quá tuyệt vọng. Khi anh trở lại hiện trường, thấy cảnh người chết banh thây, mùi máu tanh tưởi, anh vội rời xa, vì nghĩ chắc là em đã thoát. Rất tiếc, là trong lúc hốt hoảng, anh quên không nắm tay em cùng chạy. Mặc dù lúc đó Việt cộng đang ở đèo Hải Vân bắt đầu pháo kích vào Sơn Chà, anh vẫn vừa chạy vừa ẩn núp, để tìm em. Tìm mãi em không được, anh trở về nhà cha nuôi em, song nhà vắng tanh. Anh ở lại đó, chờ em về. Song vẫn biệt tăm. Nghe lịnh “ủy ban quân quản” thành phố, anh ra trình diện, và bị tập trung  vào Vĩnh Điện, rồi Kỳ Sơn…” (nhật ký bị rách nát nhiều trang không đọc được).
“… Xa em đã gần bốn năm. Chúng mình sống bên nhau chưa đầy sáu tháng. Những kỷ niệm thân thương không hề phai nhạt:
Bốn năm trời xa em,
Chúng ta mất biết bao ân ái mặn nồng.
Nhớ đến lúc bên nhau hai đứa…
Khắng khít uyên ương, thiên đường nguyên thủy…
Anh quỳ bên em ngất ngây thờ lạy,
Vẻ mỹ miều của thân thể trinh nguyên,
Anh hôn lên vầng trán bình yên,
Lên đôi má hây hây say tình e thẹn.
Lên đôi môi nở hoa dâng hiến,
Ôi ngọt ngào là miệng lưỡi của em.
Hơi thở thơm tho, anh mãi mãi thèm…” (bài thơ lại bị mối đục thủng đoạn kế tiếp). Một mảnh giấy rời, có câu thơ còn đọc được. Bài thơ chắc dài, chỉ còn chục câu, gợi nhớ thương, lo lắng cho vợ lúc đi chăn bò.:
“Gió sớm mai mát rượi, như bàn tay yêu thương,
Biết bao giờ trở lại bên em, ôi cả một thiên đường!
Tiên Lãnh vào Thu, núi rừng đẹp lắm:
Trời lộng xanh cao, cỏ đồi dệt thảm,
Lấp lánh, lao xao, chạy theo nắng ấm,
Vẳng bên tai, chim gió, hát lưng trời.
Cảnh vật an bình, xao xuyến lòng người,
Ngồi dưới gốc cây đa, bên ngôi miếu cổ,
Nhìn đàn bò thong dong gặm cỏ,
Mà tâm hồn bay bổng, hướng về em.
Em ở nơi mô, cuộc sống có êm đềm!
Mà chẳng đến thăm anh tù đày khốn khó?
Lo cho em, chắc nhiều trắc trở,
Xin cầu Trời phù hộ cho em.
20-09-80. Được phóng thích ngày 28-08-80, nhân dịp “quốc khánh”. Trong giấy ra trại cho về nguyên quán làng Túy La. Hai mẹ con dựng một nhà tranh nhỏ, trên miếng đất ngày xưa, sớm chiều có nhau. Kỷ niệm thơ ấu, những ngày hồi cư đói khát, cha chết, không có vải làm khăn tang, trở lại trong giấc ngủ đầy ác mộng. Việc đầu tiên là tìm tông tích của Thu. Lên Giao Hòa hỏi thăm, chẳng có đầu mối gì, chỉ biết thêm là người giết cha mẹ Thu, đã vào tù vì tham nhũng, khi hắn ta làm “chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp quận”. Nghe nói, là hắn “có thể bị xử tử”.
09-10-80. Lo làm ăn, đầu tắt, mặt tối, mà chỉ đủ hai mẹ con, ngày hai bữa, ăn bắp, ghế cơm. Mẹ nhắc hồi nhỏ, mình nói ngọng, kêu bắp là bú, kêu gạo là gụ, và năn nỉ nấu “nửa bú, nửa gụ” cho dễ ăn. Nay hai mẹ con ăn “nửa bú, nửa gụ” thế là tốt rồi. Ra Đà-nẵng nhiều chuyến dò la tin tức Thu. Lúc nào cũng khấn thầm Trời Phật phù hộ tìm ra tông tích nàng. Mộng mị thấy nàng trong giấc ngủ thường xuyên. Tình cờ một hôm vào quán mì Quảng gần chợ Cồn, gặp lại Thúy, bạn học Thu, nay là giáo viên tiểu học. Thúy nói là rất mừng, gặp lại tôi, để thông báo là có thể Thu đã chết trong ngày chạy loạn ở Sơn Chà. Tôi bàng hoàng chết điếng. Em Thu! Em ra đi không một lời từ biệt! Thúy cho biết là cùng Thu chạy về mũi Sơn Chà, giữa rừng người hoảng hốt. Một quả đại bác rơi gần đó. Khi Thúy chổi dậy, thấy chung quang người chết nằm la liệt. Thu nằm bất động, rên khe khẻ, máu rỉ ra từ một vết thương trên trán. Thu thều thào nhờ Thúy báo tin cho Nam. Sau đó Thúy may mắn xuống một thuyền nhỏ ra tàu Mỹ đậu ngoài khơi, vào được Saigon. Lúc trở về Đà nẵng, thì chẳng biết tôi ở đâu để nhắn tin.
12-10-80. Có người mách là có thể đến bệnh viện Đà-nẵng xem danh sách những người bị thương và chết được xe cứu thương mang về đó trong những ngày cuối thắng 03-75. Tôi đến nhà xác bệnh viện. trong quyển sổ cũ, giấy đã vàng, tôi tìm được tên em. Phải lên nghĩa địa Hòa Khánh để tìm mộ. Song mộ lại dời đi Gò Cà trong đợt dời mộ  năm 1976 do “lệnh chung của tỉnh”. Nghĩa địa Gò Cà mênh mông, bao trùm nhiều đồi trọc cát sỏi. Cũng may, là anh ra tù sớm. Mộ bia của em, một tấm gỗ nhỏ, đã ngã nằm ra đất, chữ viết bằng loại sơn xấu đã nhòe nhoẹt dưới nắng mưa. Anh bới mộ em lên. Không nhầm lẫn được: hàm răng dưới em có em có chiếc răng cời bên trái. Trán còn mang lỗ thủng mà chị Thúy có nhắc đến. Chiếc áo lụa em bận ngày chạy loạn chưa hư nát hết. Lượm từng cái xương của em, mà nước mắt tuôn ra không ngớt. Em nhìn anh bằng cặp mắt của hư vô. Bỏ xương vào một hủ sành, anh mang về Túy La.
11-11-80. Cái thằng thôn trưởng thật hắc ám. Mỗi tuần hắn bắt trình diện một lần và khai báo, mặc dù chẳng có gì lạ. Những tạp dịch trong thôn, hắn bắt mình “xung phong” làm. Ngay chuyện gỡ mìn quanh đồn bót cũ, cũng là mình. Lúc nào cũng coi mình là “thù địch”. Trồng dâu, hái dâu, làm cỏ, nuôi tằm, công việc xoay như chong chóng. Những ngày giữ bò còn “sướng” hơn bây giờ.
Đã đốt xương em, cho vào một lon gô, để ở đầu giường, để được gần gụi em. Tối tối, lại trò chuyện cùng em. Trong lòng anh chẳng ai thay thế được em. Có nhiều cô gái trong thôn tỏ tình, nhưng anh dửng dưng, nguội lạnh. Tâm hồn giống như một ông già. Những lúc cô đơn, hay làm việc một mình, tự nhiên lại thốt lên: “đời sao buồn quá” hoặc ngâm se sẽ: “buồn ơi xa vắng, mênh mông là buồn”. Bái hát của Từ Công Phụng nói về nỗi cô đơn, khi người yêu đã mất nghe thấm thía quá: “kể từ khi em đem cô đơn mọc lên phố vắng, khi em đem nụ cười khỏi đời, từng chiều rơi, ta nghe như cõi lòng tê tái. Nghe giữa đời còn gọi tên nhau”. Đoạn giữa của bài hát đúng như lúc chúng mình đứng ở bãi biển Sơn Chà, một đêm sao sáng đầy trời, em ngước mắt nhìn anh, chờ đón nụ hôn, trong khi bài tình ca du dương, từ một quán xa vọng tới: “ngày ấy cho nhau một lần, một lần tiếng hát đồng lõa, đưa anh vào vùng trời lấp lánh, bằng những ánh sao trời vào đôi mắt ngước trìu mến”. Anh muốn tìm lại ánh mắt của em ở thế giới bên kia!
06-12-80. Những bài học về tư tưởng yếm thế hay quanh quẩn trong đầu. Có một thi sĩ Tầu không nhớ tên, đã viết:
“Tích ngã vị sinh thì,
Minh minh vô khả tri.
Thiên công hốt sinh ngã.
Sinh ngã lục hà vi?
Vô y sử ngã hàn,
Vô phạn sử ngã cơ,
Hoàn nhỉ thiên sanh ngã,
Hoàn ngã vị sinh thì”.
Tạm dịch:
“Khi tôi chưa sinh ra,
Hỗn mang nào có biết.
Trời bỏ tôi ra đời,
Ôi số phận cay nghiệt,
Không áo để che thân
Không cơm đói muốn chết,
Trả lại Trời công sinh
Trả lại tôi thời chẳng biết”.
Cuộc đời bi thảm quá. Chỉ muốn trở về với hư vô, (nhật ký rách vụn nhiều trang). Mấy trang chót còn đọc được:
15-07-82. Mẹ đã ra đi một cách êm thắm. Thường ngày mẹ dậy rất sớm. Song hôm nay mặt trời đã lên cao mà mẹ vẫn chưa thấy dậy. Lại giường mẹ xem sao, thấy sắc mặt hơi tái, sờ tay thấy lạnh ngắt. Thì ra, mẹ đã ra đi trong giấc ngủ. Mẹ lúc nào cũng sống âm thầm như chiếc bóng. Lúc giã từ vĩnh viễn, mẹ cũng không muốn quấy rầy con. Thương mẹ, thương em quá chừng. Ma tang đơn giản. Chôn mẹ cạnh mộ cha sau vườn:
Bởi con nghèo, nên mẹ chết âm thầm,
Kẻ giàu có, thì linh đình ngày xuống huyệt.
Mẹ chết rồi, con không còn gì để ràng buộc với thế gian này nữa. Con muốn trở về gốc cây đa, mà con đã trải qua nhiều giờ phút suy tư về kiếp sống con người, và yên nghỉ cùng Thu. Ở một nghĩa địa cổ Hy Lạp, người ta phát giác một bia mộ ghi những lời sau đây: “hỡi những người qua đường, hãy nhẹ chân, vì đêm nay là đêm cuối cùng ta ngủ được ngon giấc”. Ông ta lúc sống chắc trải qua những khổ đau cùng cực, nên mất ngủ triền miên. Tôi thì không đến nỗi như ông, song giấc ngủ dài yên lặng của nấm mồ, tôi thầm mong ước được như thế”.
Thì ra, nhật ký không viết cho tôi. Mà chỉ là những gửi gắm riêng tư. Nam cũng không ngờ là tôi trở lại miếu hoang nầy. Chiến tranh, chết chóc, chia ly, thời thơ ấu thiếu thốn, đau buồn đã hằn lên tâm hồn Nam nhiều đau thương!
Cha chết sớm, chưa kịp dạy Nam yêu đời. Nếu Thu còn sống, chắc Nam cũng yêu đời như ai.

Bác sĩ Phùng Văn Hạnh
(Trích trong: Tình Yêu Hiện Sinh Một Kiếp Người) 

Kính chuyển
Nguyễn Nhơn


TÔI ĐI TÙ
Lần đầu tiên mang thân tù tội


Ngày xưa ở tù là điều ô nhục trọng đại. Tuy nhiên phải làm điều tội lỗi nặng nề như trộm cướp, giết người thì mới ở tù.


Ngày nay dưới chề độ VC, ở tù là thường sự. Chỉ cần buồn lòng nhậu say, về nhà la lối vợ con là có thể được các “nhà cai trị mới” gởi đi học tập cải tạo. Mà không phải chỉ học tập, lao động năm mười bữa, nửa tháng thôi. Do thủ tục giấy tờ nhiêu khê, phần thì chữ nghĩa các quan làng mới cũng lem nhem, nên có khi ở tù cả năm, trường hợp chỉ vì say rượu la ó trong nhà. Đến nỗi ngày nay trong phim ảnh họ cũng có cảnh cha mẹ la rầy con cái không được, bèn đe dọa gởi đi cải tạo.


Nhà tù đầu tiên


Khoảng đầu tháng 6/75, nhà cầm quyền “Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam” ra thông cáo quy định việc học tập cải tạo: Thời hạn học tập dành cho sĩ quan cấp úy và tương đương là 15 ngày. Cấp tá và tương đương là một tháng. Mỗi người phải đem theo 12 ngàn tiền ăn. Ai không có tiền thì mang theo gạo, trị giá tương đương. Ngày trình diện đầu tiên là 25 tháng 6 năm 1975.


Nhà tôi bàn bạc, đi sớm về sớm, lại đầu mùa, mưa ít, đở cảm lạnh. Vậy là ngày kể trên tôi vào trình diện “đi học tập” từ trường Trung học Ngô Quyền. Lúc ấy vào khoảng 2 giờ chiều, trời mưa lất phất. Trong phòng hàng mấy chục anh em mà không khí hoàn toàn im lặng. Ai nấy đều lo âu trong lòng. Tôi men lại góc phòng nằm tạm trên băng ghế học trò, cố dỗ giấc ngủ để lấy sức đi đường, ắt hẳn là xa. Không gian vắng lặng nhưng không sao ngủ được vì trong lòng vẫn bồn chồn. Thời gian dài lê thê. Tuy nhiên rồi cũng đến lúc lên đường. Lúc ấy vào khoảng 5, 6 giờ chiều. Trời bỗng đổ mưa nặng hạt. Đang loay hoay lo che chắn chiếc ba lô cho khỏi ướt thì đã thấy xe quẹo vào cổng trại: Trung tâm cải Huấn Tân Hiệp.


Đêm đầu tiên trong tù thật là não nuột. Ngoài trời mưa tí tách. Trong phòng tất cả đều thao thức nhưng câm lặng. Hầu hết anh em đều là người địa phương nên có điều chua xót: vốn là người chức quyền địa phương, ít nhiều danh giá, nay ra thân tù tội, mà lại ở trong tù ngay chính tại quê nhà. Hơn nữa, từ khám tới nhà chỉ cách nhau hơn cây số, mà lúc này xa cách nghìn trùng. Nằm buồn nghĩ vẩn vơ, chợt lặng lẽ mỉm cười trong bóng tối. Nghĩ lại mình có nhiều duyên nợ với khám đường nầy.


Từ năm 1965, khi còn là Trưởng ty Nội An tôi đã có lần vào thăm khám nầy. Trước cảnh tù tội của một số sĩ quan trẻ, tuy là VC nằm vùng thuộc chủ trương “luồn sâu, leo cao” của địch, nhưng tình cảnh cũng đáng thương. Khi nghe họ trình bày nỗi vất vả trong tù, anh viên chức trẻ còn mang chất thư sinh, lòng cảm thấy rưng rưng. Thế mà ngày nay, bản thân vào tù, chỉ nghe viên Trưởng trại, vốn là Trung Úy nằm vùng bị giam ở đây, nay chỉ huy trại nầy, thốt ra toàn những lời thù hằn nhục mạ thôi.


Mùa hè năm 73, một cơn mưa bão gây ngập lụt trại nầy. Khi tình hình trở nên nguy hiểm, đe dọa sinh mạng cả ngàn tù nhân, tôi đã tự mình lái xe trong mưa bão vào lúc nửa đêm, đến xem xét tại chỗ tìm cách giải cứu. Cuối cùng ông Tỉnh trưởng đã liều lĩnh cho lệnh phá sập bức tường cuối trại cho nước rút đi, cứu sống hơn ngàn sinh mạng vừa tù nhân, vừa gia đình binh sĩ kẹt lại trong trại.


Mùa thu năm 74, để chuẩn bị chiến trường đánh chiếm Phước Long mấy tháng sau đó, VC mở nhiều đợt pháo kích vào phi trường Biên Hòa nhằm tiêu hao tiềm lực của SD3 Không quân. Trong một đợt pháo kích, bất đồ một trái hoả tiễn 122 ly rơi trúng ngay một phòng giam các “đồng chí” của họ, sát thương toàn bộ nhân số trong phòng. Trước mấy chục đống máu thịt bầy nhầy gọi là thi thể, mà trại lại không có ngân khoản chôn cất, tôi đành ra lệnh bất hợp pháp cho xã Tỉnh lỵ xuất công nho lo chôn cất.


Những ngày cận 30-4, nhà thầu không chịu cung cấp thực phẩm trả bằng ngân khố phiếu, đòi phải trả tiền mặt. Không đành lòng để cho tù nhân chết đói, tôi lại liều ký chi phiếu khống, tức là không có chứng từ chứng minh, để rút tiền mặt mua thực phẩm cho họ.


Nằm trong tù ôn lại dĩ vãng thấy ở đây mình đã từng gieo nhân lành, nay cớ sao gặt qủa dữ. Nhân quả bất đồng chăng? Thật ra về sau mới biết được, là “được” vào trại nầy quả nhiên là điều lành, bởi vì ở đây giữa thành phố, lại chỗ giam đông người, nên đỡ bớt rất nhiều nguy cơ kèm kẹp khảo tra cũng như nạn thủ tiêu dấm dúi. Nghĩ thật cám cảnh ơn Trời Phật!


Chiếc còng số 8 đầu tiên


Trong đời tù tội, lần đầu tiên nếm mùi chiếc còng số 8, thì trớ trêu thay lại được mang vào tay ngay chính tại quê nhà Bình Dương.


Tháng 8 năm 76, 35 anh em biệt giam thuộc trại Nhà Đỏ được lùa lên xe vận tải bít bùng chở đi. Trên xe ai nấy đều hoang mang không biết số phận đi về đâu. Vốn là người địa phương, tôi biết rõ địa điểm thủ tiêu ghê rợn: Truông Bồng Bông. Nó nằm trên quãng đường từ Phú Giáo về Bình Dương. Nay thấy xe chạy về hướng ấy nên lòng càng sợ hãi. Lúc xe ngừng lại, cố nhổm người nhìn ra. Thật là hú vía: cổng khám đường Bình Dương. Tuy nhiên tôi vẫn còn băn khoăn tại sao không vào hẳn mà lại đậu phía ngoài cổng. Chợt thấy mấy chú CA khuân ra một thùng carton. Thùng mở ra: toàn còng số 8 Smith B Wesson mới tinh. Mấy chú CA hô to: Nào từng cặp 2 người, đưa tay ra. Tôi và Đại úy Lợi CSQG liền đưa tay ra. Vậy là rắc một cái, trên tay đã mang còng gọn ơ. Lại nghe tiếng quát nạt, nhìn lại thấy hai anh H và Đ co rúm người lùi lại trong góc xe. Chú CA sấn lại giằng tay ra, rắc một cái là xong, miệng lầm bầm: chỉ bấy nhiêu mà cũng sợ. Buồn cười là hai anh nầy chẳng những gốc “phú lít” mà một người lại có tên là “Cọp”, ngươi kia là “Lớn”, đã từng quen thuộc với cặp số 8 nầy, thế mà nay sợ hãi. Vừa còng xong, ông “Cọp” thì mặt mày tái ngắt, ông “Lớn” thì nước mắt chảy dài.


Phần tôi cũng chua xót lắm, vì không ngờ trong đời có ngày ở tù, lại nếm mùi còng trói đầu tiên ngay tại quê nhà. Hơn nữa, nhớ lại ngày nào, khi còn bé theo bạn vào chơi đùa trước sân khám đường nầy. Nay tuổi gần 40, thân tù tội mang còng cũng tại chỗ nầy.


Về sau, nếm đủ mùi còng trói thì mới biết dẫu sao chiếc còng Mỹ vẫn nhẹ nhàng, tiện lợi hơn loại dây xích chó hoặc chiếc cùm sắt do thợ rèn XHCN sản xuất nhiều. Bởi vì loại dây xích chó thì nó miết vào cườm tay vừa tê, vừa đau đớn. Còn chiếc cùm sắt thì vừa nặng, vừa kềnh càng, lại thêm cạnh xù xì rỉ sét, lỡ cứa đứt tay bị phong đòn gánh như chơi.


Vừa rồi ở Mỹ nầy, có việc vào bệnh viện, bất ngờ bắt gặp một nữ cảnh sát dẫn giải một phạm nhân đi khám bệnh. Anh nầy chắc thuộc loại nguy hiểm nên trên tay là đôi còng lại thêm một sợi dây xích nhỏ nhằm hạn chế hoạt động của đôi tay. Dưới chân đèo thêm cặp còng rời có buộc dây xích đủ để bước đi. Vậy mà anh nầy vẫn thản nhiên kháo chuyện với người bạn đồng tù được cho ra làm tạp dịch gần đó.


Thế mới biết ở đâu thân tù tội cũng chịu cùm trói nặng nề. Có khác chăng, ở đây bệnh nhẹ cũng được đi bệnh viện. Còn ở bên kia thường là tù nhân chết trước khi được đi bệnh viện. Mà có được đưa đi thì phần chết vẫn nhiều hơn phần sống, bởi vì bệnh viện không có đủ thuốc cho dân thường thì lấy đâu cấp cho tù.


Vậy đành tự an ủi:


Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao


Nguyễn Nhơn
VNNB
Dec 31.91


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire