mardi 18 mars 2014

"Bí mật của thôi miên" TS Đỗ Kiên Cường


 Bí mật của thôi miên


 Thôi miên do bác sĩ Anton Mesmer người Áo phát hiện trong thế kỷ 18. Đó là “trạng thái thăng thiền giống giấc ngủ, tạo ra do những ám thị của nhà thôi miên được đối tượng chấp nhận”. Năm 1842, bác sĩ James Braid người Scotland đưa ra thuật ngữ “thôi miên”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là giấc ngủ.
Bản chất của thôi miên
Về thực chất, thôi miên là gì? Thật lạ lùng là sau gần hai thế kỷ khảo sát, giới khoa học vẫn chưa đạt được sự nhất trí trong vấn đề căn bản đó.
Khả năng ám thị và sự tưởng tượng: Có mối quan hệ trực tiếp giữa sự tưởng tượng và khả năng bạn bị một nhà thôi miên ám thị. Vì thế có người xem thôi miên chỉ là sự đóng kịch. Hơn nữa đáp ứng đối với thôi miên phụ thuộc vào hành vi thời niên thiếu của người chịu ám thị. Nếu lúc nhỏ thường bị phát nặng, khi lớn lên nhiều khả năng bạn sẽ dễ dàng tuân theo những ám thị từ một nhà thôi miên.
Quay ngược thời gian: Thôi miên có thể giúp ta nhớ lại những sự kiện quá khứ đã bị lãng quên. Khi nhập định sâu, người thôi miên có thể làm sống lại các ký ức tuổi thơ. Chẳng hạn khi được yêu cầu quay về sinh nhật lần thứ năm, một phụ nữ kể được từng người dự tiệc và từng món quà, cũng như nội dung những giấc mơ đẹp cô nằm mơ tối hôm đó. Nhiều người đi xa hơn, khi kể chi tiết những gì cha mẹ họ đã nói khi đang mang thai họ; còn một số người kể về các tiền kiếp, thậm chí từ 35.000 năm trước! Vì thế có người quan niệm sai lầm rằng, ký ức tái hiện nhờ thôi miên chính là bằng chứng của sự luân hồi.
Thôi miên và trí nhớ: Một số cơ quan cảnh sát thường dùng thôi miên để điều tra tội phạm. Cảnh sát Mỹ từng thôi miên nhân chứng để họ nhớ lại các tình tiết bị quên trong một số vụ án. Tuy nhiên phần lớn nhà tâm lý không đồng ý như vậy. Chẳng hạn theo Martin Orne, nguyên chủ tịch Hội thôi miên quốc tế, ký ức dưới thôi miên thường không chính xác, vì nhà thôi miên dễ dàng cài các ký ức sai, còn đối tượng bị thôi miên cũng rất dễ chấp nhận chúng.
Thôi miên và chứng đau: Khá lạ là đối tượng bị thôi miên vừa thấy giảm đau vừa không, như một thí nghiệm kinh điển của nhà tâm lý Hilgard, ĐH Stanford, Mỹ, chuyên gia về thôi miên, đã chứng tỏ. Điều đó càng khẳng định, thôi miên vừa là trạng thái thăng thiền vừa là trạng thái đóng thế vai
GS Charcot đang thôi miên một nữ bệnh nhân hysteria tại Paris, khoảng giữa thế kỷ 19
Người quan sát giấu mặt: Hilgard tin thôi miên là một trạng thái ý thức biến đổi, trong đó ý thức bị phân ly. Khi đó một phần tâm trí bạn hoạt động theo cách bị thôi miên và không cảm thấy đau nếu nhà thôi miên yêu cầu bạn như vậy. Nhưng một phần khác, là phần vẫn có thể giao tiếp với mọi người bằng động tác, thì không bị thôi miên, nên vẫn cảm nhận được cơn đau mà ý thức bạn đang cố nén đi. Hilgard gọi đó là “người quan sát giấu mặt”. Phần tâm trí này rất giống với sự phân ly nhân cách vẫn xảy ra với bệnh nhân tâm thần. Vì thế người đa nhân cách hết sức nhạy cảm và dễ dàng đáp ứng đối với thôi miên.
Lợi ích của thôi miên
Kiểm soát đau: Dưới thôi miên, bệnh nhân đau mãn tính được ám thị rằng, cơn đau giảm hay biến mất. Sự phân ly nhân cách dưới thôi miên như thế là một phương thức “đánh lạc hướng” các trung khu cảm nhận và giải đoán đau trong não, nên có tác dụng giảm đau tốt. Thôi miên rất có ích trong giảm đau khi sinh nở và khi chữa răng.
Cai nghiện thuốc lá: Dù không thành công trong nghiện rượu và ma túy, thi thoảng thôi miên giúp cai nghiện thuốc lá. Người đang dưới thôi miên được ám thị rằng, mùi vị thuốc rất khó chịu. Cách khác là người nghiện tự thôi miên để từ bỏ thèm muốn hay tự ám thị rằng họ có cách bảo vệ bản thân khỏi sự độc hại của khói thuốc.
Điều trị một số rối loạn tâm lý: Thôi miên thường dùng để tạo thư giãn, giảm lo âu hay sửa chữa các ý nghĩ tự hủy hoại ở một số rối loạn tâm thần.
Điều tra tội phạm: Thôi miên được dùng để nhớ lại các tình tiết vụ án mà nhân chứng đã quên. Tuy nhiên thông tin thu được thường chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không có tính pháp lý.
Cải thiện thành tích thể thao: Thỉnh thoảng giới vận động viên chuyên nghiệp dùng thôi miên để cải thiện thành tích. Chẳng hạn võ sĩ vô địch thế giới Ken Norton thường thôi miên trước lúc thượng đài, còn ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ Rod Carew dùng thôi miên để tăng sự tập trung trong thi đấu.
Kết luận
Thôi miên có thể có tiềm năng ứng dụng mạnh mẽ; tuy nhiên lợi ích thực sự phụ thuộc vào từng cá thể. Với những ai nhạy cảm và tin tưởng vào thôi miên, nó có thể mang lại nhiều lợi ích. Còn với đa số mọi người chưa từng biết đến thôi miên, dường như nó chỉ là câu chuyện lúc trà dư tửu hậu mà thôi.
TS Đỗ Kiên Cường

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire