mardi 18 mars 2014

"Đi dọc là lên, đi ngang là xuống? "Nhà văn Đỗ Kh.

 

 

Đi dọc là lên, đi ngang là xuống? Afficher l'image d'origine  

      
Nhắm mắt lại mà thính ngoạn thì giọng hát tuy không phải Chế Linh, Duy Khánh nhưng cũng chẳng kém Trường Vũ, Mạnh Đình. Nhất là nếu vào chiều ngày 30.04.05 ở Tượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ (Westminster, California) thì không những Rừng Lá Thấp xôn xao mà Tâm Sự Người Lính Trẻ cũng phải rạt rào.
Mở mắt ra thì chung quanh là những ông già chĩu nặng chiến tranh và trên sàn diễn là một thanh niên vai năm tấc rộng, thân 6’2” chiều cao (1m88), hoàn toàn mang ngoại hình một người Mỹ gốc Phi châu. Điều đó không cản được quần chúng xúc động trước lời ca tiếng nhạc do một ca sĩ gần với vóc dáng của một cầu thủ football hay một gangster rapper hơn là với Nhật Trường yêu mến. Nhưng, không hiểu và liệu có thể nói tiếng hát Randy (cũng như Việt Ấn, cũng như Quốc Anh, cũng như… Dalena và Lynn-Công Thành, Thanh Hà…) là ngã rẽ, bước ngoặc của ca nhạc Việt Nam hay không?
***

Nếu những vị vừa mới kể trên là những thành tựu đáng quý trong lãnh vực hát hò thì trong lãnh vực của họ, những nhà văn da màu cũng có những đóng góp đáng kể với văn chương của chốn định cư, Anh Pháp Mỹ hay là gì đó. Việc này gợi cho tôi một số câu hỏi mà phần tôi không có trả lời.
Nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ da màu có cần chỗ đậu xe gần lối ra vào như những người khuyết tật hay không? Mỗi nhà xuất bản ở các nước phát triển phải xây một đường lên đường xuống cho các tác giả da màu (dùng xe lăn) hay không? Các tác giả này ốm yếu, có chịu đựng được cảnh màn trời chiếu đất, hay là phải vào bằng được căn lều của chú Tom? Nâng đỡ, gia ân là chuyện của bề trên, chấp nhận hay không là chuyện của những người phận thấp.
Cho đến giờ, việc trao đổi ngang tầm vẫn còn hiếm hoi. Trong lãnh vực kinh tế chẳng hạn, một số làng ở Senegal sống về ngư nghiệp có mùa trúng mẻ cá lớn lại không biết làm gì, để cho ươn, đến khi sóng to biển xấu thì lại đói. Họ có thể xin người Âu xây giúp cho phòng đông đá, phòng lạnh hay nhà máy đóng hộp, dĩ nhiên để những thứ này hoạt động thì cũng phải xây dựng luôn nhà máy điện và có chuyên gia quốc tế để bảo trì, có nhiên liệu nhập cảnh, vật tư mua từ các nước phát triển v.v… Giải pháp của các chuyên gia Việt Nam (của UNDP), là chỉ cho những ngư dân này cất nước mắm và nước mắm made in Senegal đã là một thực tế, không phải để xuất cảng sang… Thái Lan mà là để dùng tại chỗ. Đây là một thí dụ thành công của hợp tác giữa các quốc gia Nam Bán Cầu, khiến nếu đã có ngư dân Senegal ăn nước mắm thì chẳng bao lâu nữa sẽ còn có cả Tết Congo!
Nhưng trong lãnh vực văn hoá, những thí dụ này lại càng hiếm, chưa có nhà văn Việt nào được dịch sang tiếng Swahili hay là ngược lại. Ngay cả sang tiếng Khmer, tiếng Xiêm, tiếng Miến Điện cũng đã không thấy, nói gì Phi châu. Những tác giả Thái mà tôi được đọc, trước khi đến tôi, người đọc Việt, đã phải vòng vo đổi tàu ở Lausanne, Thuỵ Sĩ hay là Anh quốc, London. Những đường bay văn hóa cho đến giờ chỉ có đi lên và đi xuống, chưa hề đi ngang và đi thẳng.
Một trăm năm Pháp thuộc, ta ăn bánh mì và uống sữa đặc. Phải gần nửa thế kỷ độc lập, một số ít người Senegal mới biết ăn nước mắm. Khi nào thì người Việt mới ăn bơ dậu phọng và đọc văn chương wolof (thổ ngữ Senegal-Gambia-Cape Verde)? Tôi đề nghị foodstamps (phiếu trợ cấp xã hội dành cho thực phẩm) khi phát cho người Việt chỉ được dùng mua thực phẩm Caríb và ngược lại.
***
Con đường nhựa như một đường ngôi bóng đâm thẳng tắp vào phía núi chập chờn xanh. Hai hàng dừa như vừa mới ở tiệm Nails ra xộc những ngón mềm lơi lả lên trên rặng mái đỏ của con phố chải chuốt. Ở đây sạch, nếu không như Thụy Sĩ thì cũng như một Đan Mạch miền nhiệt đới, cô nhân ngư (tỉ lệ ½) của cảng Copenhagen ngồi trong hồ nước ở đầu phố ngoan ngoãn, khép hai đùi. Khúc này những cửa hàng kim hoàn (“Giá rẻ nhất vùng Carib”), Rolex, Tag-Heuer, Longines, nhiều hơn cửa hàng
t-shirt và đồ lưu niệm. Nhưng con tôi, đứa 11 tuổi, vẫn có điều gì như lo ngại. Nó nhìn quanh quẩn, những thảm cỏ cắt đều và tường vôi vàng mới quét, những chiếc xe hai trục đời mới đậu ngay ngắn bên lề nắng loáng nước sơn. Charlote Amalie, thủ phủ của St Thomas, quần đảo Virgin thuộc Mỹ, vẫn tranh chức “Địa dàng thế giới” mỗi lần tự giới thiệu, với vịnh Maagens giành ngôi hoa hậu toàn cầu. Thằng con tôi mắt trước mắt sau, nó nghiêng về phía tôi hỏi nhỏ “Bố ơi bố, đây có phải là khu người da đen?”
Thì đây vẫn là Mỹ, bãi Trunk ở St John bên kia uốn éo khoe mình là bãi đẹp nhất của quả đất, các du thuyền bạc triệu có lẳng lơ qua lại trên biển thì cũng vậy, vấn đề không tránh khỏi vẫn là chuyện da màu.
Người da màu đầu tiên mà tôi có dịp quan sát gần là lúc lên 3 tuổi ở Việt Nam. Đây là một ông Ấn Độ Sết ti, thu ngân hay thủ quỹ cửa hàng gì đó, ngồi đằng sau một cái quầy kiên cố, có bọc chấn song sắt tứ bề, chỉ chừa ra một cái lỗ hở nhỏ chắc là để đút thức ăn (lúc đó tất nhiên là tôi chưa hiểu giá trị của đồng tiền, đây là cửa sổ để trao bạc). Bé bèn ngây thơ hỏi mẹ “Đây là con gì ở trong chuồng vậy?” Thì có lem nhem cũng con người và quả báo, sau này tôi lấy (con) vợ trông cũng Ấn độ không kém, nhìn ắt phải lầm. Ông Ấn kiều kia có viết văn hay không thì tôi không biết nhưng giờ lại quả báo tiếp, tôi ngồi viết ở một nơi mà mỗi một cộng đồng da màu đều được hưởng một cái chuồng không ai buồn ra khỏi, lý do là ngồi trong sở thú thì mới có người đến coi?
Về Văn chương Da màu ở Hoa Kỳ tôi không rõ mấy, một ông Mỹ đen viết văn mà tôi có đọc thì lại ưa sống ở Pháp (James Baldwin), một ông Mỹ đen lập thuyết mà tôi có xem lại thích sống ở Guinea-Conakry (Stokely Carmichael). Bà Sandra Cisneros tôi đặt ở đầu giường mấy tháng nay, cứ lật 3 trang là tôi ngủ, thật tình tôi chẳng biết gì về văn chương này. Nếu văn chương Việt ở Mỹ được liệt vào Văn chương Da màu thì tôi lại càng lơ mơ, như mọi người Việt ở đây, tôi vẫn tưởng là tôi… da trắng, ai cũng có bằng đại học, con em đều valecditorian và Bolsa là thủ đô của Bắc Mỹ hay chí ít cũng là trong dòng chảy (chính) của hội nhập. Da màu là Kẻ khác, Rợ Cao Ly phía Bắc đường Garden Grove, Man Mexico phía Nam đường McFadden (thương thay những Huyền Trân Santa Ana).
Đáp xe buýt từ Brea Mall, quận Cam (Cailfornia), ra tới Manhattan Beach ở quận Los Angeles, chỉ trong 3 tiếng ta có thể đi ngang 22 ghetto sắc tộc, bằng ấy tòa soạn báo “Người Philipin” và “Tagalog Báo Kinh Tế”, Tiểu Delhi và Tegulcigalpa nhỏ hay thủ đô tị nạn Bengali. Nhưng bà Monica Ali hay bà Jhumpa Lahiri đến với chúng ta phải qua nhà xuất bản London- New York hay NewYork-London và phải viết bằng tiếng Anh như là Andre Dubus, Ha Jin hay là Monique Truong.
Vai trò của văn chương da màu là phục vụ da màu hay da trắng? Tôi viết cho người Việt hay là tôi viết cho Tây? Đó là một lựa chọn, không phải là một chiều hướng bắt buộc và tất yếu. Tôi cũng thích đọc Tây đen nữa nhưng khổ nỗi, như vừa đã nói, tôi chỉ đọc được những Tây đen đã được Tây trắng xoa đầu. Xoa đầu thì cũng tốt, còn hơn là bị đánh. Nhưng giờ có cách nào tôi tìm ra những ông Tây đen bị Tây trắng đánh?
Có dịp trước 1975 tôi đi viếng một đồn điền cao su ở Việt Nam. Tôi chẳng hiểu gì về cao su cả và tôi đi với ông Giám đốc đồn điền là người Pháp. Vào nhà máy, ra rừng cây, muốn hỏi gì chị phu hay là anh thợ, tôi phải hỏi ông Giám đốc bằng tiếng Pháp. Ông này ra hiệu cho ông trợ lý người Việt để ông ta dịch thắc mắc này của tôi cho đương sự. Đương sự trả lời, ông trợ lý bèn dịch lại cho xếp người Pháp và ông Giám đốc quay sang tôi mà lặp lại. Tôi thấy là tôi oai dễ sợ trước những anh bắt vít lấm lét và những cô cạo mủ trầm trồ. Giờ, muốn người Lào đọc hay muốn đọc người Lào cũng như vậy, cũng phải qua ông Giám đốc (Xuất bản) Pháp và ông trợ lý (dịch thuật) Lào. Là người viết thì tôi oai ra phết, và nếu là người đọc thì tôi thấy ông/bà nhà văn Lào oai thật, đi bên cạnh ông Tây. Nhưng cái oai cũng có cái khổ, trong văn chương như là trong trường hợp đồn điền cao su. Trường hợp chót này, tuy oai nhưng tôi không cách nào mà hỏi tên cô cạo mủ làm quen, hẹn 6 giờ chiều ra bờ sông để tôi tặng cô một cành hoa dâm bụt.
Trong văn chương da màu nhược tiểu đại loại thì cũng thế. Khi tôi gặp bà Taslima Nasreen (nhà văn Bangla-Desh da màu-bánh mật- và lưu vong Thụy Điển), bà đang ngồi uống nước trong bar của KS Atrium tại Praha. Lúc đó bà đang mang án tử hình của quá khích Hồi giáo nên tôi có đôi phần thiện cảm sẵn. Bà lại là một phụ nữ dũng cảm, tuy bị đe dọa nhưng không mặc áo giáp mà còn ngang nhiên mặc áo… hở rốn (cũng màu bánh mật) nên đôi phần thiện cảm của tôi tăng lên thành những ba hay bốn. Tôi mỉm cười, nữ sĩ cũng mỉm cười, và tôi tiến lại quầy, định sẽ mời bà ly rượu, mặc 2 ông cảnh sát lầm lì đứng bên bảo vệ lăm lăm dù thường khi tôi rất sợ công an. Nhưng 5 bước này tôi chưa vượt kịp, từ đâu đã hiện ra một “trợ lý” hỏi tôi muốn gì? Tôi bảo tôi có chuyện muốn nói với Nasreen. Bà trợ lý này thấy mặt tôi nghiêm trọng (?), sợ tôi rủ rê tác gỉa của bà vào con đường văn chương bất chính nên chìa ngay danh thiếp, chuyện gì thì ông cũng phải liên hệ qua Nhà Xuất Bản! Vậy cho nên đến ngày nay tôi vẫn còn nợ Taslima Nasreen một ly gimlet ít gin và nhiều angostura.
***
Một năm Hội nghị Thượng đỉnh Pháp thoại, tôi vinh dự được mời tham gia vào Ủy ban Soạn thảo Cái gì (tôi không rõ) về Văn chương Pháp thoại cho các Bộ trưởng Văn hóa đồng ký thuận tại Hội nghị. Ủy ban làm việc tại trụ sở Trung ương ở Paris. Ngày đầu tiên, tôi không phải là người duy nhất đến trễ vì các thành viên khác có người từ Lebanon, từ Bờ biển Ngà, Senegal mới đáp máy bay qua, có người sáng sớm lấy tàu cao tốc từ nước Bỉ. Trong các thành viên, một phần là Giáo sư, Khoa trưởng Đại học đây kia, một phần Giám đốc NXB hay Trung tâm Văn hóa này nọ và một phần là Nhà văn gì đó. Chúng tôi đến từ Âu Á Mỹ Phi Trung đông và đại diện như thế là đầy đủ cả. Việc đầu tiên sau buổi họp giới thiệu là việc hành chánh, những vị từ xa có vé máy bay, vé tàu nhưng không có quỹ ăn ở và di chuyển tại Paris. Họ to nhỏ với Ban Tổ chức một lúc, cô thư ký đến hỏi trường hợp cá nhân tôi (vì có lẽ ở cấp thừa hành cô không rõ lý do tôi được mời). Tôi tượng trưng cho Viễn đông Pháp thoại rất tiện lợi vì tôi ở ngay Paris, không tốn quỹ đi lại, khách sạn, và tôi dùng xe tôi đi họp nên cô khỏi hoàn cả linh tinh vé tàu điện, tiền taxi! Chỉ có buổi ăn trưa chung với mọi người là do tổ chức phải đài thọ. Sau đó, an tâm rồi về phần tốn phí, chúng tôi mới đắc lực mà làm việc văn hóa được. Nhưng tôi vẫn nghe than phiền xầm xì của các thành viên lao động văn hóa, nhờ thế mà nhà hàng dùng cơm trưa được thay đổi mỗi ngày và thuộc vào cấp khá.
Sau tuần lễ tốt đẹp này, tôi vẫn thỉnh thoảng liên hệ với các bạn quốc tế trong Ủy ban cũ, thường là thông tin về sắp họp cấp này ở Bamako, Mali còn vài xuất, hay trường kia ở Louisianna cần “nhà văn tạm cư” trong một khóa, đã có tao một Madagascar rồi còn thiếu mày một nhà văn châu Á. Dĩ nhiên, họp ở Mali thì quỹ tổ chức là của Canada hay là Luxemburg, còn Đại học Lebanon chẳng hạn nếu có quỹ tự túc thì họ lại mời nhà văn…Pháp! Những lúc đó tâm hồn tôi len lén một nỗi buồn khó tả hoang sơ.
Trong văn chương và nghệ thuật, vẫn không có hệ thống hàng ngang vì khác với thí dụ kinh tế về nước mắm, người ta vẫn chưa thấy có ích lợi gì. Người viết vẫn thích được Tây cho đi thang máy, bấm vào nút là nó bay lên vùn vụt trong những nhà cao ốc nguy nga. Người đọc vẫn lấy đó làm ngưỡng mộ tràn trề và được cả cái sang lây. Giải pháp nào đây? Văn chương da màu thì tôi không biết nhưng ca nhạc thì cũng khá giản dị. Khi nhắm mắt lại và thả hồn theo tiếng hát, thì Randy tôi cũng những bồi hồi.

Mời xem trang mới: Nhà văn Đỗ Kh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire