samedi 31 mai 2014

Nguyễn Tài Ngọc viết về Saigon

Saigon

Nguyn Tài Ngc






Thứ Hai 14-April-2014: Máy bay từ Seoul trở lại Saigon vào 10 giờ đêm tối hôm qua. Xe chở chúng tôi về khách sạn Park Hyatt gần Hotel Continental cũng gần 11 giờ. Bỏ ra vài giờ tắm rửa và lục đục đóng valise để ngày mai trở về Mỹ, vợ chồng tôi vừa đặt lưng lên giường thiếp ngủ thì còi báo động cháy. Tiếng phát thanh inh ỏi khắp khách sạn bằng ba thứ tiếng Việt, Hoa, và Anh: "Xin Chú Ý, Xin Chú Ý: Còi báo động cháy vừa mới hú. Xin quý khách yêu cầu ngừng tất cả động tác ái ân, chạy gấp ra khỏi khách sạn, xuống dưới đường đứng. Phải chạy gấp, đừng mặc lại quần áo dù rằng trần như nhộng. Tính mạng quý khách quan trọng hơn bộ quần áo".

Bây giờ tuổi tôi đã chồng chất, UNESCO sắp phong cho tôi chức "di tích lịch sử", dễ gì tôi để cho người nói haut parleur đó gạt gẫm tôi dễ dàng như vậy? Xuống dưới đường không mặc quần áo, cả trăm khách khách sạn sẽ không để ý đến ngọn lửa mà để ý đến kỳ quan thứ tám của tôi thì tôi làm gì còn uy tín với bạn bè? Vớ lấy cái robe trong tủ, đưa một cái khác cho vợ  tôi, chúng tôi choàng vội vào mình rồi đi bộ từ trên tầng thứ 8 xuống. Vừa xuống dưới đất thấy khoảng trăm khách khác cũng đã di tản xuống trước tôi, thì tôi lại nghe loa phóng thanh phát lên: "Xin Chú Ý! Xin Chú Ý! Chúng tôi đã tìm được nguyên do còi hụ: khói xuất phát từ một xe hơi ở dưới hầm garage. Xin quý khách an tâm trở lại về phòng".

Nếu trì hoãn một tí, đừng nghe lời cái ông " Xin Chú Ý! Xin Chú Ý ", vợ chồng tôi đã chẳng phải nhọc lòng đi bộ xuống, để rồi bây giờ lại đi bộ trở lên tầng thứ tám, thêm một tầng nữa là tầng cao nhất! Nếu viết lại những ý nghĩ của tôi về sự di tản sợ cháy hotel trong khi tôi thiếu ngủ trầm trọng thì bảo đảm tôi phải tự ý đục bỏ kiểm duyệt vài trang giấy, vì thế,  tôi chỉ viết là chúng tôi lại đau khổ lê từng bước từng bước thầm lên cầu thang trở lại đến tầng thứ tám rồi vào phòng ngủ tiếp.




5 giờ rưỡi sáng tôi thức giấc. Chuyến bay về Los Angeles của tôi là 5 giờ chiều. Anh tài xế đã hẹn sẽ trở lại vào lúc hai giờ rưỡi trưa đưa tôi ra phi trường. Tôi còn chín giờ đồng hồ tận hưởng thời gian ở quê hương cũ trước khi về Mỹ. Mặc vào cái quần xà-loỏn lực sĩ Thế Vận Hội của năm 1928, tôi xuống tầng 3, ra hồ bơi ngâm nước. Thời vàng son oanh liệt ngày nào của tôi bơi nhanh hơn tiềm thủy đĩnh mắc cạn của Nga-Sô, bơi nhanh hơn cá lòng tong ở nước sông phù sa Cửu Long, nay đã đi qua đời tôi không bao giờ trở lại.


Nước mát của hồ bơi bao bọc thân thể trong cái nóng hừng hực của tháng 4 ở Việt Nam làm tôi thật dễ chịu. Cả một hồ bơi to lớn chỉ có một mình tôi, không một người nào khác. Tôi thật thích cái cảm tưởng này, như tôi là người chủ duy nhất. Có lẽ khi còn trẻ hai năm đi bơi ở hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đô Thành nhung nhúc những người, lần nào cũng vạch nước mới thấy người (toàn là đực rựa, không có được một em), tôi bị khủng hoảng tinh thần tột độ nên cái dư âm khiếp sợ đó vẫn nằm trong tôi cho đến bây giờ.

Tôi nhớ vào năm 2004, tôi  hẹn gặp nhau ở SàiGòn với một cặp vợ chồng bạn Trung học cũ ở Sydney. Chúng tôi ở Hotel Continental, cặp vợ chồng đó ở đây, Park Hyatt. Hai vợ chồng dẫn chúng tôi lên phòng xem, lúc bấy giờ tôi thích ngẩn tò te vì khách sạn quá sang trọng. Mười  năm sau, bây giờ  vợ chồng tôi có dịp ở đây nhưng rất tiếc vì lần này đặt phòng ba đêm thì chúng tôi ở chỉ có hai, và ở thì chỉ tối khuya mới về ngủ, ban ngày không có dịp quanh quẩn trong khách sạn thưởng lãm.




6 giờ rưỡi sáng bơi xong, để mặc vợ tôi còn ngủ, tôi xuống nhà lấy taxi đợi sẵn trước khách sạn để đi về nhà cũ của tôi ở chợ Bàn Cờ, gần trường Phan Đình Phùng. Ngồi vào xe, tôi chào anh tài xế, nhìn trông còn trẻ, khoảng 35 tuổi. Với giọng Bắc Kỳ đặc sệt của người miền Bắc, anh ta chào lại tôi.

Nhà tôi từ hướng cà phê Năm Dưỡng trên đường Nguyễn Thiện Thuật vào cũng được, thật sự hẻm nhà tôi là 16 Nguyễn Thiện Thuật nên khi ngồi vào trong xe, tôi muốn anh tài xế chở tôi đến góc đường Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự cũ (bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai). Thế nhưng bị dựng đầu dậy vào trong đêm vẫn còn ảnh hưởng đến đầu óc, tôi bỗng nhiên không nhớ tên đường Hồng Thập Tự mới (bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai)! Suy nghĩ một lúc, tôi biết sau 30/4/1975, Cộng Sản đổi nhiều chữ Hán như "bảo sanh viện"  thành "xưởng đẻ", nên dùng suy luận này, thay vì nói anh tài xế chở tôi đến góc đường Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự - mà tôi biết chắc tên này không còn dùng-, tôi ung dung bảo anh tài xế:

-Anh cho tôi đến góc đường Nguyễn Thiện Thuật và đường Chữ Thập Đỏ.

Anh tài xế đang chăm chú tập trung tư tưởng chờ khách nói địa điểm để chở khách đi thì sửng sốt quay lại nói với tôi:

-Làm gì mà có đường Chữ Thập Đỏ anh?

Tôi nhủ thầm trong bụng là cái anh trẻ tuổi này láo, ở ngoài Bắc vào không biết đường xá trong SàiGòn, đường Chữ Thập Đỏ dài như thế mà không biết, vậy mà cũng làm nghề tài xế taxi!, nhưng rồi tôi tự "kiểm thảo", đoán chắc là tôi dỏm, anh ta đúng vì đường Hồng Thập Tự có lẽ đổi sang một tên khác, không phải là Chữ Thập Đỏ.

Vì thế, tôi đổi ý kiến, nhờ anh ta chở đến trường Tiểu học Phan Đình Phùng, rồi đến nhà cũ của tôi bằng lối đó:

-Anh biết đường Nguyễn Đình Chiểu chứ?
-Dạ biết.

-Thế thì anh cho tôi đến Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thiện Thuật.


Ngồi trên xe nói chuyện, tôi biết là anh đẻ ở Bắc Ninh, nhưng trước sống ở Hà Nội. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là anh nói giọng Bắc bình thường như những người trước 1975, có nghĩa là không nói giọng Bắc lai Trung dấu sắc đọc thành dấu hỏi như hầu hết những người Bắc trong Nam hiện nay, ngay cả phát ngôn viên TV. Tôi hỏi lý do tại sao anh còn giữ giọng Bắc ngày xưa, khác với những người Bắc nói dấu sắc lai Trung bây giờ, thì anh ấy không biết tại sao. Tôi hỏi tại sao anh vào SàiGòn kiếm sống thì anh nói ở SàiGòn tìm việc dễ hơn, và vui nhộn nhiều hơn ở Hà Nội.

Đến con hẻm chùa Kỳ Viên Tự trên đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi xuống xe và bắt đầu thả bộ hai tiếng rưỡi đồng hồ ngắm cảnh và đồng thời chụp ảnh.

Khi xe taxi chạy ngang Hotel Continental, tôi để ý ở Saigon các cặp vợ chồng sắp cưới buổi sáng sớm ra đường chụp hình. Ba bức ảnh sau đây tôi chụp ở Hotel Continental, Nhà Hát (Quốc Hội cũ), và Vương Cung Thánh Đường:



 
Khi tôi bước ra khỏi taxi trước chùa Kỳ Viên Tự, một bà đứng bán chim phóng sanh. Bà ta nói bán dùm cho người ta. Họ bắt chim và đưa lồng cho bà ấy bán. Một con là 10,000 đồng ($1 US dollar = 21,000 đồng). Tôi mua thả năm con, và hỏi bà ta có bán hết chim được không. Bà ấy nói bán hết (bà ta có 200 con).


Trường Phan Đình Phùng xưa tôi học tiểu học nhộn nhịp sáng trước khi vào học. Phụ huynh đưa con em đến và chung quanh trường đầy những hàng quán. Ngắm mấy em mặc đồng phục, tôi thấy ngồ ngộ khi nghĩ đến đó là tôi hơn 45 năm trước, và hình ảnh này tôi chỉ thấy khi trở về quê hương cũ của tôi.
 





Chợ Bàn Cờ còn quá sớm nên chưa hội họp. Những căn nhà đối diện chợ Bàn Cờ bên này đường lợi dụng địa thế, cũng bày bán trái cây, bánh mì, quán cà-phê. Căn nhà bên tay phải trong bức ảnh thứ ba dưới đây ngày xưa có cây mận mà ban đêm hai giờ sáng khi gác Nhân Dân Tự Vệ, chúng tôi cử thằng Bình Tu cho nó leo lên hái (nhà này đã xây lại mới, ngày xưa chỉ có một tầng).  



Trong bóng đêm tối thui, nó vừa leo lên xong thì nhà đối diện bên tay trái có một bà mở cửa sổ, ánh sáng đèn trong nhà hắt ra chiếu sáng con đường. Bà ta hỏi trong đêm:

-Nhân Dân Tự Vệ đó hả tụi bay?

Chúng tôi lật đật thằng nào thằng nấy tìm chỗ núp để khỏi lộ diện quân địch, bụng đánh lòng tong lo té đái vì quân địch phát hiện Nhân Dân Tự Vệ phá làng phá xóm. Ai ngờ bà già nói tiếp:

-Tụi bay hái hết mận của nhà đó cho tao. Hồi chiều tao mới cãi lộn với cái nhà mắc dịch đó.

Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi bước ra lộ diện, vẫy tay chào bà già như để trấn an bà đừng lo vì đã có chúng tôi, Nhân Dân Tự Vệ anh hùng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ dân lành.

Những người đi vòng vòng trong hẻm rao bán vẫn còn, nhưng hiện đại hơn. Chiếc xe đạp này không rao bán mà có một máy phóng thanh điện phát thanh liên tục: "Bánh giò đây! Bánh giò đây!".


Xóm cũ của tôi, 16/47. Đi bộ ra hẻm chính 16 Nguyễn Thiện Thuật, nhìn cột đèn đường mà tôi quả quyết chắc chắn là nếu tôi có trở về SàiGòn sống, không bao giờ tôi làm nghề thợ điện:


Bên kia đường của hẻm 16 Nguyễn Thiện Thuật, bên tay phải ngày xưa là Cà-phê Năm Dưỡng, rất nổi tiếng với giới uống cà phê. Nhà anh ca sĩ Hùng Cường ngày xưa ở trong con hẻm bên tay trái, đối diện Cà-phê Năm Dưỡng.


Ở SàiGòn vô số người bán vé số, $10,000 đồng một vé. Tôi không hiểu làm sao họ có thể sống với thu thập lời từ bán vé số. Tôi luôn luôn mua vài tờ vé số khi có người hỏi, nhưng không bao giờ lấy vé. 

Ở tất cả công viên trong SàiGòn, sáng sớm nào cũng rất đông người tụ họp tập thể dục. Một trong những môn thể thao được yêu chuộng nhất là vũ cầu, công viên nào cũng có người đánh. Đây là công viên Âu Lạc ở Ngã Sáu, giữa đường Hùng Vương và Trần Phú (xưa là Nguyễn Hoàng).


Trường Pétrus Ký cũ (bây giờ là Lê Hồng Phong)


Khoa Học Bách Khoa cũ (bây giờ là Đại Học Khoa Học Tự Nhiên) 




Building đối diện trường Pétrus Ký. Tôi ngồi uống nước vì nóng quá.




Bùng binh ở Ngã Sáu. Phụ nữ mười người khi ra đường thì họ đeo găng tay, áo tay dài, mang khẩu trang cả mười. Trong khi đàn ông, mười người thì có lẽ chỉ có hai hay ba người đeo khẩu trang.







Tôi có quay một đoạn video clip ở bùng binh này:

Đi bộ trên đường Phạm Viết Chánh thì tôi thấy một món mà tôi thèm chẩy nước miếng: bánh ướt. Giá chỉ có 15,000 đồng, khoảng 75 cents. Quá rẻ, so với ăn sáng ở Park Hyatt, 25 US dollars. Tôi nói cô hàng cho tôi một đĩa rồi ngồi xuống cái ghế đẩu. Khi cô ta mang đĩa bánh cuốn, tôi đưa cô ta tờ giấy 50,000 đồng, nói cô giữ lấy, khỏi cần thối. Cô ta nói cám ơn, và rồi quay trở lại bàn tôi, gắp cho đĩa của tôi thêm một miếng chả!



Chị này bán hàng rong ngồi kế hàng bánh cuốn. Chị ta người ngoài Bắc, vào SàiGòn sinh sống với cô con gái. Cô con gái đang học Đại học, không ở chung. Chị nói với tôi chị đang ở chung một phòng bốn người, một ngày chị ấy trả tiền phòng là 15,000 đồng. Chị ấy nói một ngày bán được vào khoảng 150,000 đồng (tôi quên hỏi trừ vốn, tiền lời là bao nhiêu). Tôi mời chị ấy ăn bánh cuốn, và đồng thời cho chị một số tiền.


Bảo sanh viện Từ Dũ lúc nào cũng có nhiều hàng quán và xe ôm.





Chợ Thái Bình (góc Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão, đối diện rạp ciné Khải Hoàn ngày xưa)


Nhà thờ Huyện Sỹ.


Một lô khách Âu Mỹ đi xích lô cùng một lúc.


Đi bộ quá nhà thờ Huyện Sỹ hai block, về hướng chợ SàiGòn để trở về khách sạn, thì một ông lái xe ôm kè theo tôi năn nỉ đi dùm. Tôi thật sự muốn đi bộ để chụp hình, nhưng vì ông nài nỉ mãi, tôi nói OK, chở tôi ra chợ Bến Thành. Đoạn đường thật sự rất ngắn khoảng bốn blocks, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi ông ta nói chỉ có 10,000 đồng. Đội mũ an toàn, leo lên xe, tôi phát giác đây là phương tiện nhanh và rẻ nhất để di chuyển. Đến nơi, tôi đưa cho ông ta tờ giấy 20,000 đồng, chỉ là một dollar!


Đứng ở bùng binh chợ Bến Thành chụp hình, nhìn tượng ông Trần Nguyên Hãn mất một chân bên phải (xây trước 1975), và mới đây nhất nghe Phu Văn Lâu ở kinh thành Huế bị sập một góc vì mối ăn gỗ, tôi khám phá ra giải đáp cho câu thắc mắc của tôi: ở Trung quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Thái Lan... quốc gia nào cũng có những chùa chiền hay công trình kiến trúc nhỏ có, lớn có, duy trì cả trăm năm, sao nước Việt Nam mình không có?  

Câu trả lời là nước người ta họ bỏ tiền để trùng tu di tích cổ xưa lại cho mới, trong khi Việt Nam mình, thứ nhất vì chiến tranh tàn phá và thứ hai, chẳng ai xem việc bảo tồn văn hóa là trọng (hoặc là không đủ kỹ thuật để bảo tồn). Những di tích cổ xưa do đó sụp đổ vì không có ai trùng tu. Tượng ông Trần Nguyên Hãn nếu không sửa lại thì ông ta sẽ đi xe lửa tốc hành từ thương phế binh đến nghĩa địa Đô Thành chỉ trong vài năm nữa.



Tượng Quách Thị Trang, xây trước 1975, vẫn còn đứng vững, chưa suy suyển. Cô Trang bị lính  bắn chết khi là sinh viên biểu tình chống đàn áp tôn giáo vào năm 1963 ở chợ Bến Thành. Lúc ấy cô ta mới được 15 tuổi.


Đường Pasteur và Lê Lợi


Khu rạp ciné Eden, mới được tân trang thành khu shopping


Vỉa hè trên đường Lê Lợi, trước Quốc Hội cũ.


Những ảnh sau đây tôi chụp khi Kim Hồng, cô bạn học lớp 11 cũ của tôi ở trường Hùng Vương, lái xe gắn máy đến khách sạn chở tôi đi. Về SàiGòn tôi không muốn quấy rầy bạn bè nhưng Kim Hồng biết tính tôi thích lang thang xem cảnh trí nên đã tình nguyện chở tôi đi sáng hôm nay đến những nơi tôi muốn đi xem. Tôi nói với Kim Hồng là sáng nay tôi chủ ý muốn đi xem lại những trường trung học.

Lasan Taberd, bây giờ là trường Trần Đại Nghĩa:


Nhà Thờ Đức Bà


Bưu Điện


Tòa Đại sứ Mỹ. Vài phụ nữ biểu tình chống đối Phó Chủ Tịch Quận Thủ Đức bán đất đai của họ


Thảo Cầm Viên


Trường Võ Trường Toản




Trường Trưng Vương



Quốc Gia Âm Nhạc


Trường Colette

Trường Marie Curie





Trường Regina Pacis cũ






Đường Trần Tế Xương cạnh Regia Pacis


Bệnh viện Mắt Saint Paul


Trường Gia Long, bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai







Chùa Xá Lợi


Tôi phải dừng uống nước mía vì nóng quá


Ngã Sáu Phù Đổng Thiên Vương


Bệnh viện Đa Khoa



Đường Nguyễn Huệ


Chùa Vĩnh Nghiêm


Quán 38 Bánh Căn




Dinh Độc Lập cũ


Quán nhạc này quảng cáo Giao Linh và Thái Châu hát


sau cùng, ngồi ở Lounge trong phi trường Tân Sơn Nhất, đợi máy bay về lại Mỹ


Ngồi trên máy bay về Mỹ nhớ lại lúc đi xe ôm, tôi nẩy ra ý định buôn bán, thế nào cũng làm tôi giầu to: ở Việt Nam cái gì cũng có ôm, có phụ nữ để dụ khách hàng: tắm ôm, bia ôm, tại sao lại không có xe ôm phụ nữ lái? Đàn ông được dịp ôm eo ếch người đẹp chở đi trên xe gắn máy, bảo đảm bao nhiêu tiền cũng có mấy ông sẵn sàng trả. Tôi sẽ mở một business xe gắn máy ôm ở SàiGòn, tài xế do mấy em lái. Bảo đảm tôi sẽ giầu nhanh chóng chẳng mấy lúc. Ban đầu vốn ít thì tôi tính hãng tôi chỉ có một em làm tài xế thôi.

Tôi sẽ bảo vợ tôi nghỉ việc bên Mỹ về Việt Nam chạy xe ôm cho công ty tôi mới mở.

Giám Đốc và nữ tài xế đầu tiên của công ty tân lập xe ôm (ảnh chụp năm 2008)

Nguyễn Tài Ngọc
May 2014  
          
Tài liệu tham khảo:
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phu-van-lau-o-kinh-thanh-hue-bi-sap-goc-2991046.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire