Dạo ấy tôi trẻ và còn hăng lắm. Chưa vấp váp, chưa khổ đau,
cứ ngẩng cao đầu bước đi giữa phố. Những bước đi tự tin không biết sợ,
và thường được nhấn thêm bằng đế đôi giày da bóng lộn.
Một hôm
tôi chững chạc bước như thế trong công viên thành phố, còn thích thú di
di gót giày sau mỗi bước đi. Lúc ấy là xế chiều một ngày đầu đông nắng
đẹp. Công viên ít người, gió từ hồ Bẩy Mẫu thổi nhẹ, các luống hoa mới
được tưới tươi rói, không tỏa mùi hương, mà mùi đất hăng nồng. Vâng,
tôi bước đi như thế với cảm giác lâng lâng, yêu đời và yêu mình.
Ối! Bỗng ai đó kêu lên đau đớn.
Tôi
giật mình đứng lại. Trên ghế đá ngay bên cạnh có người đang ôm mặt
nhăn nhó. Ðó là một ông già khoảng sáu mươi lăm, bảy mươi tuổi, tóc bạc
gần hết, đeo kính mắt tròn gọng kim loại, mặc bộ vét màu lông chuột đã
cũ nhưng khá tươm tất, tuy hơi rộng so với thân hình gầy yếu của ông.
Chiếc cà vạt rất ngay ngắn trên cổ nhưng hơi nhàu. Chiếc mũ phớt dạ bóp
lõm phía trước đã sờn bóng ở các mép gờ. Chiếc ba-toong tựa bên ghế,
hơi ngắn vì dùng nhiều đã mòn, tay cầm cong cong khảm bạc. Tóm lại, vẻ
ngoài của ông toát ra cái gì đấy cổ kính một cách lạc lõng, một trí
thức cũ không muốn hoặc không thể hòa nhập với cuộc sống mới.
Tôi nhìn đôi mắt sáng ươn ướt chắc vì đau của ông già:
Thưa bác, có chuyện gì thế ạ?
Ông già ngước nhìn lên. Một khuôn mặt nhân hậu đầy nếp nhăn và những nốt đồi mồi.
Anh đang dẫm lên bóng tôi, anh bạn trẻ ạ. - Ông nói bằng tiếng Pháp. - Xin làm ơn bước sang bên!
Dẫm
lên bóng? - Tôi ngạc nhiên thầm nghĩ. - Dẫm lên bóng mà lại đau, đến
mức phải ôm mặt? Chỉ lúc ấy tôi mới để ý thấy chiếc bóng ông dưới chân
mình. Mặt trời đã ngả về tây, không bị mây che nên sáng rực, chiếc bóng
vì vậy khá dài, dù ông ngồi trên ghế. Tôi dẫm đúng vào vai chiếc bóng
ấy.
Vâng, xin làm ơn đứng xê ra hộ. Nhanh lên!
Tôi vội
lùi lại. Thật kỳ lạ. Chiếc bóng của ông bị kéo rê theo gót giày tôi,
như thể nó dính vào đấy. Trong khi đó, ông già cúi xuống, nhẹ nhàng làm
động tác luồn hai tay nâng chiếc bóng lên, kéo về phía mình. Rồi ông
nhỏm dậy bảo tôi giơ chân để ông gỡ một góc chiếc bóng khỏi đế giày. Thì
ra nó bị vướng một chiếc đinh. Thời đó, để gót giày không bị mòn vẹt,
người ta thường đóng một lớp cao su bên dưới. Lớp cao su của tôi bị sứt
một góc, để lộ mấy chiếc đinh. Chắc vì thế nó mới làm ông già đau.
Anh xem này, nó bị thủng mấy chỗ! - ông già nói rồi giơ ngón tay chỉ, nhưng tôi không thấy gì.
Tôi
nhìn ông nâng niu đỡ chiếc bóng trên tay, ngạc nhiên đến mức không
thốt nên lời. Trông nó như tấm vải phíp thật mịn, mỏng và nhẹ, màu xanh
thẫm chứ không hoàn toàn đen như thoạt tưởng.
Lần sau xin anh
nhẹ chân và cẩn thận nhìn xuống lúc đi đường . Ông già khẽ nói, vẫn
bằng tiếng Pháp, thứ tiếng Pháp của những năm bốn mươi thế kỷ trước.
Ông thận trọng trải chiếc bóng xuống đất vào vị trí cũ.
Không phải không thoáng lo sợ, tôi ấp úng xin lỗi rồi vội bỏ đi, vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì mới xẩy ra.
Nửa
tháng sau tôi lại đi dạo trong công viên, lại thấy ông già ấy ngồi
sưởi nắng trên chiếc ghế đá quen thuộc. Dưới chân ông là chiếc bóng
đang lặng lẽ nằm yên. Tôi bước nhẹ chân, cố không dẫm lên nó.
Cảm ơn , ông già nói khi nhận ra tôi, mỉm cưòi yếu ớt.
Cảm
ơn vì tôi đã tránh không dẫm lên chiếc bóng! Thấy ông thân thiện, tôi
nhìn xuống nửa ghế trống ra ý muốn ngồi cùng. Ông gật đầu. Thực ra tôi
chẳng hào hứng gì khi tiếp xúc với một người kỳ dị như ông, nhưng sự tò
mò không cho phép cưỡng lại.
Trông ông có vẻ ốm yếu hơn trước, như người đang bệnh, lưng hơi còng, đôi mắt sáng có phần đờ đẫn.
Không
ngờ cú dẫm của anh hôm nọ làm tôi đau đến thế. - Ông nói. - Nhưng tôi
không trách, vì anh chỉ vô tình. Người trẻ thường hay vô tình .
Cháu xin lỗi, - tôi đáp. - Thế... Thế cái bóng của bác lành lại chưa ạ?
Chưa. Tồi tệ hơn, vết thương còn lây sang chỗ khác. Nên tôi mới thế này .
Tôi do dự một chốc rồi rụt rè hỏi điều cứ làm tôi băn khoăn mãi:
Thú thật với bác, cháu không hiểu vì sao ai đó có thể thấy đau khi bóng mình bị người khác dẫm lên .
Ðơn
giản vì anh bạn còn trẻ. Khi người ta già, từng trải, nếm hết mọi cái
vui, cái buồn của đời, người ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn với nỗi đau của
mình và của người khác. Vì trẻ, anh chưa thấy đau, thậm chí chưa bao
giờ nghĩ nghiêm túc rằng cái bóng là một bộ phận không thể tách rời của
anh. Tôi dám chắc nhiều khi anh chẳng chút băn khoăn để bóng anh rơi
xuống chỗ bẩn?
Tôi gật đầu một cách thành thật.
*
Lần
sau vào công viên, từ xa tôi thấy ông già đang ôm ngực, cúi người trên
ghế đá. Chiếc bóng dưới chân không còn dài, màu cũng trở nên nhợt nhạt
hơn. Nghĩa là bệnh ông nặng hơn. Vết rách trên chiếc bóng chắc rộng
lắm, có thể đã lan khắp nơi. Hoặc sưng tấy, mưng mủ mà tôi không thấy.
Tôi ái ngại nhìn ông, lòng bứt rứt và không dám lại gần.
Lần sau nữa thì chẳng thấy ông đâu. Có lẽ ông đã chết. Chết vì vết thương tôi vô ý gây nên.
Từ
ấy đến nay đã nhiều năm trôi qua, nhiều đến mức bản thân tôi cũng trở
thành một ông già, thỉnh thoảng cũng ra công viên ngồi sưởi nắng. Tôi
vẫn thường nghĩ tới ông già có chiếc bóng rách ấy với mặc cảm day dứt
của người có lỗi.
Thỉnh thoảng cũng có người vô ý dẫm lên bóng
tôi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy đau. Việc này, thú thật, có làm tôi hơi
buồn. Chẳng cắt nghĩa nổi vì sao, nhưng cứ buồn. Tôi không là người mê
tín, không tin vào phép lạ và các chuyện ma quỉ. Ðến bây giờ tôi vẫn
không hoàn toàn tin chuyện đã xẩy ra với ông già kia mà tôi có phần can
dự. Nhưng cũng không hoàn toàn phủ nhận.
Chí ít thì sau cái chết
của ông, bao giờ tôi cũng nhắc mình cẩn thận không để bóng rơi vào chỗ
bẩn thỉu, không dẫm lên bóng người khác và cũng không để người khác
dẫm lên bóng mình.
Hà Nội, 2003 |
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire