mercredi 25 juin 2014

" TỜ BẠC GIẢ " truyện ngắn. Thái Bá Tân


          
    


                           Truyện ngắn. Thái Bá Tân

    Đang giữa trưa, trời tháng Sáu nắng như đổ lửa. Con đường đất từ làng Đọi đến làng Dừa vắng tanh. Không khí bị hun nóng, run run như nhảy múa trước mặt. Hai bên là những thửa ruộng nứt nẻ, trơ những gốc rạ quăn héo.

- Sắp đến Đền Nghè chưa cháu? - bà cụ hỏi.

    - Dạ, bà chịu khó chút nữa thôi ạ. - Con bé đáp, dù Đền Nghè còn xa, tận làng Dừa, mà bây giờ hai người mới ra khỏi làng Đọi một quãng.
Gọi là đền chứ thực ra đó chỉ là chiếc miếu hoang tuềnh toàng, ban ngày làm nơi che nắng mưa cho lũ trẻ chăn trâu và dân làng đi làm đồng hoặc đi chợ Si về, ban đêm thường là chỗ tụ tập của bọn người bất hảo. Bây giờ nó là cái đích trước mắt của hai người.Ở đó ít ra họ có thể nghỉ cho đến khi nắng dịu để đi tiếp về làng Dừa.

    Con bé đi trước, dắt bà nó theo sau bằng chiếc gậy trúc nhỏ vì bà lão mù. Nó bé loắt choắt, gầy đét, khoảng mười tuổi, mà cũng có thể hơn nhiều. Mồ hôi nhễ nhại khắp khuôn mặt gầy nhọn của nó. Cả chiếc áo đen bạc màu cũng ướt đẫm. Còn bà lão thì cả người khô cong vì không còn mồ hôi mà ướt. Con đường đất mấp mô những vết bánh xe hằn sâu khô cứng, thế mà thật lạ, bà lão không vấp lần nào. Hai bà cháu cứ chậm chạp bước đi, không ai nói với ai thêm nữa. Những gì cần nói, họ đã nói hết từ lâu.

    Cả vùng ai cũng biết chuyện hai bà cháu ăn mày này. Trước kia, chính xác là cách đây ba năm, bà lão cũng có một gia đình bình thường như người khác, thậm chí còn hơn vì có chồng làm công ăn lương cho nhà nước. Ông bà sinh được hai con, không may đều chết từ nhỏ. Ông làm công nhân bẻ ghi ở ga Mỹ Lý, về hưu dăm năm thì chết, để lại cho bà ngôi nhà ngói tử tế, khoản tiền tiết kiệm chính xác không biết bao nhiều nhưng chắc cũng kha khá. Còn lại một mình mù lòa (bà bị mù hàng chục năm trước đó do một căn bệnh quái ác), đáng lẽ có thể yên ổn sống nốt phần đời còn lại bằng tiền của chính mình và sự giúp đỡ của hàng xóm. Khốn nỗi, bà lại dại dột nghe theo lời tán ngon ngọt của vợ chồng đứa cháu xa, rồi dọn về ở hẳn với chúng. Hai đứa này máu mê cờ bạc, một thời gian sau lại dính vào ma túy nên nhanh chóng tiêu hết số tiền tiết kiệm kia cùng tiền bán nhà của bà. Rồi một hôm thằng chồng thẳng tay đuổi bà ra khỏi nhà. Thế là thành ăn mày. Bà chống gậy ra đi vào một hôm mưa gió, chiếc nón rách trên đầu và chiếc bị cói bên vai. Chỉ đứa bé này, đứa con đầu của vợ chồng thằng cháu thất đức, là còn thương bà nó. Ra đến ngõ, bà lão ngã vì đường trơn. Nó chạy lại đỡ dậy rồi dắt bà đi. Đi luôn. Bố mẹ nó chẳng thèm gọi con quay lại...

    Tất nhiên mọi người lên án vợ chồng đứa cháu. Tất nhiên mọi người thương bà, giúp đỡ bà. Tiếc rằng tình thương ở chốn thôn quê nghèo khổ chóng cạn. Một thời gian sau hai bà cháu chẳng nhận được gì ngoài những cái chép miệng ái ngại. Hàng ngày họ dắt nhau đi xin ăn ở chọ Si và các xã lân cận. Tối về ngủ trong kho hợp tác bỏ không ở làng Dừa, cách làng cũ khá xa nhưng cùng chung một xã.

    Mấy năm nay liên tiếp mất mùa, người bình thường kiếm được cái ăn đã khó, hai bà cháu ăn mày thì khỏi nói. Nhiều khi đứa cháu phải giấu bà lẻn đi moi trộm khoai non, về nói dối được người ta cho. Có ngày họ dắt nhau hết làng này đến làng khác mà tối đến vẫn bụng đói ôm nhau nằm ngủ. Hôm nay cũng vậy. Hai bà cháu xách bị ra đi từ mờ sáng đến giờ vẫn chưa xin được gì. Ở những làng họ đến, chỉ lũ chó đói ra tiếp bằng những tiếng sủa uể oải. Người gác cổng chợ Si không cho họ vào bên trong, thế là mất cơ hội kiếm được những mẩu thức ăn thừa ít ỏi. Ngoài cổng chợ thì người ăn xin còn đông hơn người mua bán.

Cuối cùng, con bé dắt bà tới chùa Bãi Sú bên bờ sông Bùng, dù chẳng hy vọng kiếm được cái gì ở đó. Chùa vắng tanh, không người lễ, không cả hương khói và tiếng cầu kinh đều đều của ông sư già nghễnh ngãng. Có lẽ chính sư cũng đang bỏ đi đâu đấy kiếm cái cho vào bụng.

    Họ ngồi tựa lưng vào bức tường nhà chùa tróc loang lổ, đói và mệt đến mức không cử động, không nói, hình như cả thở cũng không.

    - Bà có đói không bà? - cuối cùng đứa cháu lên tiếng.

    - Không, bà còn no. Bà chẳng muốn ăn tí nào. - Bà lão đáp, dù từ chiều hôm qua đến giờ chưa được ăn gì.

    - Nhưng cháu thì đói lắm, - đứa bé buột miệng nói rồi vội lấy làm hối hận vì biết nói thế bà nó sẽ buồn.

Đôi mắt mù trắng dã của bà lão ươn ướt, rồi từ đó chảy ra hai giọt nước mắt lớn đùng đục. Nó thương bà, thương đến phát khóc, đến mức nhiều khi muốn chạy lại cào cấu những người nó gặp, kêu khóc, quát mắng sao không cho bà cháu nó, nhất là bà nó một củ khoai, một bát cơm nguội hay mấy hào bạc. Tất nhiên nó chỉ nghĩ trong đầu thế thôi chứ chẳng bao giờ dám làm gì, vì tính nó nhút nhát và cam chịu. Trước ở với bố mẹ cũng chẳng hề sung sướng. Chỉ ít bị đói hơn, nhưng bù lại thường hay no đòn, vì bố nó là một đứa vũ phu.

Nó thương bà vì bố mẹ nó mà đến nước này. Mỗi lần xin được cái gì đó, nó thấy bà vui hẳn lên. Có thể nó không biết bà vui vì nó chứ không phải vì mình. Lúc nào bà cũng nhường nó ăn phần nhiều, luôn miệng bảo: “Bà no rồi. No lắm!” Thương bà, nó cũng bắt chước nói những câu tương tự. Nó phải sống để dắt bà đi xin ăn, còn bà nó thì không thể chết để con bé bơ vơ một mình. Thành ra hai con người tội nghiệp này cứ nhường nhịn, đưa đẩy nhau, vì nhau mà sống. Bây giờ thì chẳng có gì để nhường nhịn. Hôm nay nó buột miệng kêu đói. Điều này làm bà nó rất khổ tâm. Nó cũng buồn.

    - Bà để cháu chạy ra đồng xem có gì không, - nó nói rồi vội bỏ đi, nhưng lát sau đã tay không trở lại. Thậm chí không cả một mẩu khoai sùng hay bắp ngô non.

    Bà nó vẫn ngồi bất động, lưng tựa vào tường, đôi mắt mù nhìn trân trân phía trước. Nó đi một vòng quanh chùa nhưng chẳng thấy gì, ngoài một tờ giấy bạc âm phủ loại một trăm nghìn đồng không hiểu sao chưa bị đốt cháy đang nằm dưới đất bên chiếc lư hương bằng sành ám khói đen xịt. Tờ bạc giả bám đầy bụi bẩn, quăn cứng vì nắng nóng. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Con bé cúi xuống nhặt nó lên rồi đi về phía bà, giọng vui sướng:

    - Bà ơi, cháu vừa gặp được ông tốt bụng, cho cháu những một trăm nghìn đồng đây này! - Nó nói rồi đưa tờ bạc giả cho bà. Bà lão mân mê tờ giấy trên tay, mặt rạng rỡ.

    - Những một trăm nghìn đồng cơ à? Thế thì phúc đức quá. Chiều về cửa hàng lão Mốc bà cháu mình tha hồ ăn no.

    Con bé mừng vì thấy bà vui, nhưng nó lấy làm ngạc nhiên là bà nó không phát hiện thấy đây là tiền âm phủ. Bà nó thường tinh nhạy lắm. Nó thầm lo không biết chiều về đem ra mua hàng, bị mọi người cười diễu, thậm chí mẵng chửi, bà nó sẽ buồn thế nào. Không sao, lúc ấy sẽ hay.
Rồi hai bà cháu, được tiếp thêm sức bởi tờ giấy lộn, đứng dậy đi tiếp về phía làng Dừa theo con đường đất gồ ghề giữa cái nắng tháng Sáu gay gắt.                  

      *                         
Khi hai người tới làng Dừa thì trời đã xế chiều. Trước đó họ nghỉ lại khá lâu ở Đền Nghè. Ở đấy con bé ngủ thiếp đi và mơ một giấc mơ kỳ lạ. Nó bị đưa tới đâu đấy rất xa, nơi có hàng đống khoai non, ngô non và vô số thức ăn thừa ngon lành muốn ăn bao nhiêu tùy thích. Ngoài ra ở đấy còn có rất nhiều tiền, những tờ loại trăm nghìn mới cứng, mà toàn tiền thật. Nó mừng rỡ vội lấy một tờ, định sẽ lén thay đồng tiền giả kia thì bỗng bị ai đó đánh mạnh vào tay. Nó sợ quá kêu lên và chợt tỉnh. Những thức ăn thừa nó nhét đầy các túi áo mang về cho bà cũng biến đi đâu mất.   

Cửa hàng lão Mốc là một căn nhà ngói ba gian, trước là căng-tin xã, nay do bố con lão kinh doanh, hàng tháng “nộp thuế” cho mấy ông chính quyền dưới dạng quà cáp hoặc mua đôi ba thứ không phải trả tiền. Anh con dùng tiền đi xuất khẩu lao động ở I-rắc về mua lại cửa hàng, gồm cả nhà, đất và những thứ ế ẩm sót lại. Việc buôn bán, sổ sách do đích thân lão Mốc đảm nhận, do vậy mà của hàng mang tên lão. Lão người thấp béo, hơi lác, da không mốc mà sần sùi ủng nước và có màu nâu xạm như da người chết đuối lâu ngày. Cửa hàng lão bán đủ thứ, từ đồ điện tử Trung Quốc nhập lậu đến các loại hàng lặt vặt và thực phẩm đủ loại.

    Bà lão ngồi xuống cạnh cửa hàng, nghỉ một chút cho lại sức rồi bảo cháu:

    - Cháu vào mua hai chiếc bánh chưng loại một nghìn đồng. Hôm nay được nhiều tiền, hoang một chút cũng không sao.

    Con bé lo lắng nhìn bà nó rờ túi lấy tiền, tức là tờ giấy bạc âm phủ nó đã lừa bà. Bây giờ thì mọi chuyện sẽ lộ, chắc bà không mắng nhưng sẽ rất buồn. Nó đứng lặng không biết phải làm gì, với vẻ mặt phạm nhân hồi hộp chờ quan tòa tuyên án, dù biết trước bản án nhưng vẫn cứ hồi hộp lo sợ.

    - Đây, cháu vào mua đi. - Bà lão chậm chạp moi tờ giấy bạc ra, đưa cho nó, rồi bà hạ giọng nói thêm: -  Nhớ đếm kỹ tiền thối, lão Mốc là gian lắm đấy.

    Đó là tờ giấy bạc loại một trăm nghìn đồng. Có điều không phải giả mà tiền thật. Con bé trố mắt ngạc nhiên. Sao thế nhỉ? Nó nhìn kỹ lần nữa. Đúng, tiền thật, giấy cứng, màu tươi và in rất rõ. Nó đứng lặng người, nửa mừng nửa sợ. Bà nó không có tiền. Đó là điều chắc chắn. Năm trăm đồng cuối cùng đã đem mua ba củ khoai chiều qua, cũng ở cửa hàng này. Khi nướng ăn xong, bà nó còn xuýt xoa ước gì có thêm hai trăm để mua vài củ nữa. Nó giữ chặt tờ giấy bạc, mân mê mãi trên tay, bối rối không tin vào mắt mình, mà hỏi thì nó không dám, sợ lộ chuyện lừa dối kia.

    - Vào mua đi cháu. Bây giờ thì bà cũng đói rồi. Cầu trời phù hộ cho con người tốt bụng đã cho bà cháu mình một lúc chừng ấy tiền.

    Tần ngần thêm một lúc, con bé rụt rè đi vào cửa hàng lão Mốc.

    - Ăn cắp được à?  - Lão nhìn nó, nghiêm mặt hỏi, sau khi xem xét tờ giấy bạc rất kỹ như nó trước đấy.

    - Dạ không. Một ông Hà Nội thương tình cho bà cháu...

    - Một lúc cả trăm nghìn?

    - Vâng ạ. Cho tờ này.

    - Lạ thật. Tao không tin. - Lão nói, nhưng cũng lấy bánh đưa cho nó, rồi thong thả đếm tiền thừa trả lại. Lão đưa thiếu ba nghìn. Con bé biết nhưng không dám nói.

    Mấy người rỗi việc cạnh đó thấy có chuyện, ghé lại xem. Họ nhìn theo con bé đang cầm bánh chạy đi, rồi bảo nhau:

    - Chừng ấy tuổi mà đã giỏi ăn cắp.

Tuy nhiên, ánh mắt và giọng nói của họ không có vẻ lên án, mà chỉ thầm tiếc họ chưa bao giờ may mắn ăn cắp được nhiều tiền như thế. Trong khi đó con bé và bà lão mù vội ăn nghiến ngấu chiếc bánh chưng những một nghìn đồng, một sự xa xỉ hiếm có mà chỉ cái đói sau hơn một ngày chưa được ăn gì mới biện minh nổi.

Lúc này con bé gần như tin rằng quả thật đã có một ông Hà Nội cho nó số tiền kia. Nó cảm động đến phát khóc rằng trên đời vẫn còn những người tốt như vậy.

Tuy nhiên, nó không biết và không thể biết được rằng ngay tối hôm ấy, do có người mách, thằng bố khốn nạn của nó đã từ làng Thượng Lộc mò đến làng Dừa, dí chiếc dao nhọn sáng loáng vào cổ cô hắn rồi cướp hết số tiền còn lại. Sau đó hắn đi về phía Đền Nghè, nơi con vợ hắn và những đứa cặn bã như chúng đang đợi...

                        *                           
Thật buồn rằng trên đời vẫn còn những thằng bố, những đứa cháu như vậy. Đó là một sự thật mà muốn hay không chúng ta vẫn phải chấp nhận. Chắc các bạn nghĩ thằng kia khi đem tiền tới Đền Nghè thì hóa ra đó là tiền âm phủ? Và hắn sẽ lăn đùng ra chết, sùi bọt mép? Không. Chúng đã dùng số tiền ấy, tiền thật, mua rượu và thịt chó bù khú, bài bạc với nhau suốt đêm. Chẳng đứa nào bị trời Phật bắt tội. Chúng còn sống đến tận bây giờ và tiếp tục gây ác cho đời. Nghĩa là cái thuyết nhân quả của Đức Phật từ bi không linh nghiệm với chúng? Có thể. Cũng có thể chúng sẽ bị trừng phạt ở kiếp sau, nếu quả có kiếp sau như người ta nói. Còn hai bà cháu ăn mày tội nghiệp thì ngay hôm sau đã dắt nhau đi đâu mất. Không ai biết gì thêm. Ta chỉ còn biết thầm mong rằng qua tay họ, những tờ giấy bạc âm phủ người đời hào phóng vứt đầy đền chùa sẽ biến thành những tờ bạc thật. Và họ sẽ không còn bị ai dí dao cướp chúng lần nữa.

                                         Hà Nội, 24.7.2002

Ờ BẠC GIẢ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire