dimanche 29 juin 2014

NHỮNG CHUYỆN LẠ "BUN BẶNG PHAY " ( tiếp theo và hết ) tác giả Trần Trọng Thiện


NHỮNG CHUYỆN LẠ


       BUN  BẶNG  PHAY
               ( tiếp theo và hết )


..... Qua những đoàn với cuộc quậy chọc bằng lời ca có vần có điệu, đi theo sau cỗ pháo là đoàn nhạc công, bước đi trầm lặng với tiếng phát âm đều đặn êm ái của cái rang nát, giàn không vông, tiếng sáo, tiếng nhị có độc một giây, tiếng khèn, thỉnh thoảng chiếc cồng lại nhịp vài ba âm thanh rộn rã, kéo bầu không khí trở lại với sự trang nghiêm, tôn kính để lạy trời mưa xuống lấy ruộng tôi cày, y như tâm trạng người dân Việt vùng thôn dã, và để mừng ngày Phật đắc đạo như một phật tử ngàn đời gắn bó với đức chí tôn của họ.

      Mãi tới 12 giờ trưa, đám rước mới đi hết vòng diễn hành để trở về vị trí cũ ở bờ sông, nơi có cây đa to cổ thụ, sửa soạn làm lễ phóng pháo vào buổi trưa. Cũng là đúng lúc để nghỉ ngơi ăn uống, hàng quán bầy bán la liệt dọc theo phía trong bên kia đường, nơi công viên rộng rãi của thành phố.
 
      Nhiều hàng giải khát với cái hộp đá bào, cục nước đá lạnh trong vắt, đặt trên lưỡi bào sắc bén, bàn tay các cô thiếu nữ xinh tươi đè xuống chạy tới chạy lui thoăn thoắt, đá bào vụn được hứng vào cái ly trong trẻo , tưới một ít si rô vào, cam, lựu, bạc hà, chanh, tùy ý thích, thêm một chút nước lã, là mình có ngay một ly nước ngọt mát lạnh làm tan đi cái nóng buổi trưa hè oi ả.
 
      Mồ hôi đang nhễ nhại, tuy gió nồng mà lại thấy mát, khỏe vì gió đã thổi khô dần những giọt nước trên người thấm qua lần áo. Đói, đã có các cô 
phu sảo ( thiếu nữ ) ngồi bán món ăn đặc sản, tạm kể :
 
          Bánh téc chuối có dừa ( làm bằng gạo nếp , chuối chín, nước dừa gói chung trong lá chuối ép dẹp bằng bàn tay, hấp chín, bánh này được gọi là
khầu niểu mạc cuội ( bánh nếp chuối ) , hay một thứ bánh khác khầu lam
đặc biệt của xứ Lào, gạo nếp ngâm nước dừa đổ vào ống tre nhỏ bằng cườm tay của em bé, dài một đốt cây tre, nung trên than lửa, lúc chín, chẻ ra, bóc lớp tre, còn lại phần gạo đã chín bọc tròn trong lớp vỏ non mỏng dính phía trong của ống, một món ăn thơm ngon, ngọt bùi, ăn rồi, không bao giờ quên được mùi vị.
 
          Món bún, khẩu pun nấu theo kiểu người Lào, có nêm thêm pa đẹc, cá mắm giống  mắm tôm của ta nhưng nặng mùi hơn, phải là người biết ăn thức gì có mùi mắm, mới thưởng thức được cái món ưa chuộng hằng ngày đã từng là niềm hãnh diện của các bà nội trợ bản xứ. Khô nai cho người thích nhậu. 
 
          Các thứ trái cây thổ sản trong mùa, mạc kiệng ( quít ) , mạc muông ( soài), mạc sỉ gia ( ổi ), mạc mị ( mít ), mạc mọi ( dưa hấu ), mạc dăm day ( nhãn ), mạc nắt ( dứa ), ọi ( mía ), chỉ xin tạm kể những món đặc biệt mà khi rời xa xứ Lào, ta còn mang nhiều nhớ tiếc .
 
   ...  Giờ khai mạc cuộc phóng pháo đã điểm, mọi người đổ xô ra đứng trên bờ sông, vì tiếng trống , tiếng reo hò đã tưng bừng nổi dậy, theo sau một giàn Bặng Phay tiến từ từ về phía cây đa. Người thì muốn đứng gần để xem lúc châm ngòi pháo, người thì cẩn thận đứng ra xa để tránh mọi nguy hiểm tai nạn, kẻ tìm chỗ thoáng để nhìn rõ lúc pháo bay và nơi pháo rơi xuống. Ồn ào,
chen lấn, xô đẩy, dành dật chỗ đứng, mãi một lúc lâu sau mới ở đâu yên đấy,
thì cũng là lúc mà cây pháo được nhiều người rước lên thang tre và từng bước, từng bước, đầu pháo được đưa lên đặt ở đỉnh giàn  phóng, đuôi pháo nằm dài vắt vẻo trên thang. Các người mang pháo lên thì kẻ hấp tấp tụt xuống đất, người vội vàng nấp sau một nhánh cây um tùm bên cạnh, trong khi ở dưới sửa soạn khai hỏa .
 
           Tiếng xòe xoẹt của ngòi pháo đã châm lửa bắt đầu từ dưới đất cháy bùng lên, lúc thì nhoáng nhoàng khi gặp đoạn vấn nhiều thuốc, lúc thì sì sì chậm chạp làm cho mọi người hồi hộp sợ đứt đoạn, khi làn khói đến gần đầu pháo thì phát hỏa mạnh hơn và ống pháo đã cháy, soẹt mạnh, lửa đỏ phụt ra đẩy mạnh cây pháo bay vút vào không trung với tiếng gào như xé không gian, pháo bay, bay mãi cho đến khi chỉ còn thấy dáng hình hỏ xíu thì bắt đầu chúc xuống, từ từ rớt vào sau đống cát gần bờ sông phía bên kia thuộc địa phận Thái Lan ( vào mùa này, nước sông đã cạn còn phơi lại bãi cát dài về phía địa hạt Lào, chỉ để sót một dòng nước sâu, hẹp, ở bên thuộc Thái Lan ).
 
         Tiếng người hò reo, tiếng trống đập inh ỏi, vang động một góc trời, mừng rỡ đón tiếp sự vinh quang của pháo, lên cao, bay xa, một thành công trong sự thúc đẩy thần quyền nhanh chóng làm ra mưa, thuận lợi cho mùa màng sắp tới.
 
         Rồi kế tiếp, đợt này đến đợt  khác, từng chiếc pháo của mỗi chùa làng :
Vặt Sỉ Sa Kệt,  Vặt Si Mương,  Vặt Pra Keo,  Vặt Ông Từ,  Vặt Chăn , Vặt Inpeng,  tuần tự được nghiêm trang rước lên giàn phóng để rồi bay đi, phô trương cái nét hiên ngang hùng dũng của cây pháo, đã mang theo tâm tư của người dân Lào muốn đến tận cửa trời dâng lời cầu mưa, phát tự lòng thành khẩn nguyện .
 
 
         Cuộc vui náo động kéo dài cho đến lúc trời đã xế chiều, phải tàn để mọi người quay về cuộc sống bình dị mà chỉ một hai tháng sau lại có ngày hội khác
tiếp nối, nâng cao lòng hiếu hỉ, tìm nguồn gốc vui trong những ngày cơ cực lam lũ với những mong đợi phập phồng : đất nước luôn mầu mỡ, ruộng lúa mãi mãi phì nhiêu, nương khoai hằng năm đầy củ, chân lý sự sống của họ là đây./.
 
 
        
 
 
                                      Trần Trọng Thiện
   
 
 
 

1 commentaire:

  1. Cám ơn anh Trần Trọng Thiện đã gửi những bài viết thật lý thú và thuật rất tường tận cách ăn, cách ở, phong tục tập quán như chính anh là người Lào.
    Thường người đi du lịch không thể biết những trò hát hò ngày hội như anh diển tả.
    Tôi rất mong được đọc tiếp những câu chuyện trên bước đường di dân của anh.
    Những đoạn văn ngắn anh post dần như thế này thật dễ đọc và dễ theo dỏi câu chuyện hơn là viết 1 bài văn dài.
    Nếu có thêm những bản nhạc Lào thì hay biết mấy.
    Caroline Thanh Hương

    RépondreSupprimer