samedi 16 août 2014

Chương trình đọc bài Économie"In the long run, we are all dead." (Trong tầm xa, tất cả chúng ta đều chết cả.)

Kính gửi đến quý anh chị bài viết về kinh tế qua lý thuyết John Maynard Keynes

Các anh chị có bài nói chuyện số 1 với Youtube post theo đây và bài viết nới rộng của anh Đông Yên.

Khi chúng ta bắt đầu có khái niệm về nền kinh tế hoa hỳ , chúng ta sẽ biết sống sao cho đừng nghiêng ngã theo xa hội dù nó đi lên hay đi xuống,

Caroline Thanh Hương

Học thuyết John Maynard Keynes và kinh tế Hoa Kỳ
- Đông Yên
  

"In the long run, we are all dead."

(Trong tầm xa, tất cả chúng ta đều chết cả.)
  
John Maynard Keynes (1883-1946) là một kinh tế gia người Anh. Học thuyết của ông đã ảnh hưởng sâu rộng kinh tế học vĩ mô (macroeconomics) thế giới hiện đại về mặt thực hành và lý thuyết, và đồng thời có giá trị chỉ đạo đối với chính sách kinh tế của các chính phủ, nhất là Hoa Kỳ.  Keynes được rộng rãi công nhận như là một trong số những nhà sáng lập ra thuyết kinh tế vĩ mô hiên đại và là kinh tế gia có ảnh hưởng nhất của thế kỷ hai mươi. Chủ thuyết nầy đặt nền tảng trên những nguyên nhân của các chu kỳ kinh tế (business cycles). Tư tưởng của ông là nền tảng của trường phái mang tên Keynesian Economics. Trường phái nầy tin rằng, trong tầm ngắn, hoạt động sản xuất chịu ảnh hưởng của bên CẦU tổng thể (aggregate demand) trong nền kinh tế, và bên CẦU đó không nhất thiết tương đương với bên CUNG tổng thể (aggregate supply). Ngược lại, nó chịu ảnh hưởng vô số yếu tố và đôi khi hoạt động hỗn loạn, gây ảnh hưởng đến sản xuất, việc làm, và lạm phát. Chủ thuyết nầy cho rằng những quyết định trong khu vực tư đôi khi đưa đến những kết quả vĩ mô thiếu hiệu năng đòi hỏi khu vực công phải có những đáp ứng chính sách tích cực, đặc biệt là chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương và chính sách tài chánh của chính phủ nhằm ổn định đầu ra qua chu kỳ kinh tế.
  
Trường phái nầy chủ trương kinh tế hỗn hợp (mixed economy) - chủ yếu là khu vực tư, nhưng có sự can thiệp của chính phủ trong những thời kỳ suy trầm. Hoa Kỳ đã xử dụng chủ thuyết nầy như là mô hình chuẩn vào giai đoạn cuối của Cuộc Đại Khủng Hoảng (Great Depression), Đệ Nhị Thế Chiến, và thời kỳ bành trướng kinh tế hậu chiến (1945-1973), mặc dù nó đã mất đi một số ảnh hưởng theo sau đợt suy thoái trong thập niên 1970. Cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu năm 2008 đã giúp chủ thuyết Keynes trỗi dậy trở lại.
  
Những phê phán về học thuyết Keynes bắt đầu được chấp nhận vào đầu thập niên 1970 vì cho thấy được rằng những mô hình của thuyết nầy không còn phản ảnh thực tại kinh tế. Chính Keynes ít đưa ra những công thức và không hề đưa ra những mô hình toán học minh nhiên trong Tổng Thuyết của ông. Đối với những kinh tế gia như Hyman Minsky, việc Keynes giới hạn xử dụng toán học giải thích lý do tại sao ông hoài nghi khả năng những mô hình toán học trong việc nắm bắt được những hiện tượng vốn bất định như hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, các kinh tế gia của chủ thuyết nầy đã triển khai được nhiều mô hình, nổi tiếng nhất là mô hình Phillips Curve, giúp tiên đoán một tương quan nghịch (inverse relationship) giữa thất nghiệp và lạm phát. Tương quan nầy hàm ngụ rằng thất nghiệp có thể giảm xuống nhờ kích cầu kinh tế của chính phủ với rủi ro tương đối của lạm phát. Năm 1968, Milton Friedman xuất bản một tài liệu cho thấy rằng tương quan cố định hàm ngụ trong mô hình Phillips Curve là không có. Friedman cho rằng những chính sách của Keynes có thể đưa đến cả thất nghiệp lẫn lạm phát gia tăng tức thì - một hiện tượng được mệnh danh là stagflation (suy trầm lạm phát). Đầu thập niên 1970, hiện tượng stagflation xuất hiện ở cả Hoa Kỳ lẫn Anh Quốc đúng như Friedman đã tiên liệu, với những điều kiện kinh tế suy thoái trầm trọng hơn sau cuộc khủng hoảng xăng dầu năm 1973. Nhờ vào uy tín có được sau vụ tiên đoán chính xác đó, Friedman càng ngày càng thành công hơn trong việc phê phán chủ thuyết Keynes, không những thuyết phục được các nhà hàn lâm và chính trị gia mà còn nhiềuthành phần dân chúng      thông qua hệ thống truyền thanh và truyền hình của ông. Uy tín hàn lâm của chính sách kinh tế Keynes còn bị tổn thương trầm trọng hơn do những phê phán phụ họa đến từ trường phái Monetarism vốn chủ trương kiểm soát lưu lượng tiền tệ qua sự can thiệp tài chánh của chính phủ, từ Robert Lucas, Hayek v.v. Những chỉ trích nầy đã thành công đến mức vào năm 1980 Robert Lucas cho biết rằng các kinh tế gia thường khó chịu nêu bị mô tả là thuộc trường phái Keynes. Những nguyên tắc của chủ thuyết Keynes  càng ngày càng thất bại trên phương diện thực hành kinh tế. Khoảng năm 1979, chủ thuyết nầy bị thay thế bởi thuyết Can Thiệp Tài Chánh (Monetarism) được xem là ảnh hưởng chủ yếu trên chính sách kinh tế Anh-Mỹ.
  
Tuy nhiên, nhiều viên chức trên cả hai bên bờ Đại Tây Dương vẫn còn ưa thích Keynes, và năm 1984, Bô Tài Chánh chính thức bác bỏ chủ thuyết Monetarism, giúp cho những nguyên tắc của Keynes phục hồi vị trí như một ảnh hưởng trên hoạch định chính sách. Không phải tất cả mọi nhà hàn lâm đều chỉ trích Keynes. Minsky cho rằng chủ thuyết Keynes đã bị xuyên tạc khi lẫn lộn quá đáng với những tư tưởng tân cổ điển từ thập niên 1950, và không may khi những chủ tuyết như thế được tiếp tục gọi là "Keynesian". Trong cuốn The American Prospect, Robert Kuttner cho rằng không phải chủ thuyết Keynes quá khích đã tạo ra những vấn đề kinh tế của thập niên 1970 mà do sự sụp đổ hệ thống kiểm soát vốn của Bretton Woods khiến tư bản chảy từ những nền kinh tế điều tiết sang những nền kinh tế không điều tiết theo cách tương tư như định luật Gresham's Law (đồng tiền yếu đào thải đồng tiền mạnh). Bretton Woods là  hệ thống quản lý tiền tệ nhằm thiết lập những quan hệ thương mại và tài chánh giữa những quốc gia kỹ nghệ hàng đầu của thế giới vào giữa thế kỷ 20.
  
Cuộc khủng hoảng tài chánh 2007-2012 đã khiến công chúng hoài nghi vai trò của thị trường tự do ngay cả từ một số người thuộc cánh hữu kinh tế. Tháng 3, 2008, Martin Wolf, bình luận gia kinh tế hàng đầu của tờ Financial Times tuyên bố sự kết liễu của giấc mơ chủ nghĩa tư bản dựa vào thị trường tự do thế giới. Cùng trong tháng đó, kinh tế gia vĩ mô James K. Galbraith đã lợi dụng bài diễn văn hằng năm nổi tiếng của Milton Friedman để phát động một cuộc tấn công quyết liệt chủ thuyết can thiệp tài chánh và cho rằng chính sách kinh tế Keynes phù hợp hơn nhiều để giải quyết những cơn khủng hoảng đang trỗi dậy. Kinh tế gia Robert Shiller đã bắt đầu cổ xúy sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ để giải quyết khủng hoảng tài chánh, đặc biệt tham chiếu quan điểm của Keynes. Khôi nguyên Nobel Paul Krugman của tờ New York Times cũng nhiệt liệt chủ trương can thiệp mạnh theo hướng của Keynes vào nền kinh tế. Những người hậu thuẫn thuyết Keynes về chủ trương can thiệp của chính phủ để giảm nhẹ khủng hoảng tài chánh gồm có George Akerlof, Brad Delong, Robert Reich,        and Joseph Stiglitz, Robert Skidelsky,  Donald Markwell, và  Axel Leijonhufvud.
  
Hàng loạt những vụ cứu nguy lớn diễn ra trong thời gian khủng hoảng, bắt đầu vào ngày 7 tháng 9, 2008, khi chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố quốc hữu hóa hai xi nghiệp được chính phủ tài trợ vốn có nhiệm vụ quản lý hầu hết thị trường cho vay nợ xấu của Hoa Kỳ - Fannie Mae và Freddie Mac. Vào tháng mười, Bộ Trưởng Tài Chánh Anh đã tham chiếu Keynes khi thuyên bố nhưng kế hoạch  kích cầu kinh tế lớn nhằm đối phó với những tác hại xấu nhất của đợt suy thoái, dựa theo quan niệm kinh tế của Keynes.
  
Nhũng chính sách tương tự đã được các chính phủ khác khắp thế giới thi hành.  Hiện tượng nầy hoàn toàn đi ngược với hành động đối với Indonesia trong cuộc khủng hoảng năm 1997, khi quốc gia nầy bị Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) buộc phải đóng cửa 16 ngân hàng cùng một lúc, đưa đến những vụ rút tiền ồ ạt. Nhiều vụ tranh luận gần đây phản ảnh chủ trương của Keynes muốn có những phối hợp quốc tế  về tài chánh và kích cầu tiền tệ, và muốn có những định chế kinh tế thế giới như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), mà nhiều  người nghĩ lý ra đã được cải tổ theo qui chế của hệ thống Bretton Woods ngay trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Các kinh tế gia của IMF và Liên Hiệp Quốc cổ vũ một phương án phối hợp quốc tế cho kế hoạch kích cầu tài chánh. Donald Markwel cho rằng, vì thiếu một phương án như thế, nên có thể có rủi ro làm xấu đi những bang giao quốc tế và có thể khiến chiến tranh thế giới bùng nổ từ những yếu tố kinh tế tương tự như những yếu tố hiện diện trong cuộc khủng hoảng trong thập niên 1930.
  
Vào cuối tháng 12 năm 2009, tờ Financial Times tường thuật rằng "sự trỗi dậy của chủ thuyết Keynes là một đảo ngược ly kỳ của đương lối chính thống của vài thập niên qua." Paul Krugman cho rằng những điều kiện kinh tế tương tự như những gì đã thấy vào đầu thế kỷ 20 đã quay trở lại, khiến những mệnh đề của chủ thuyết Keynes thích hợp hơn bao giờ hết. Shiller và George Akerlof cho rằng chương trình kích cầu hiện nay của Hoa Kỳ là quá nhỏ vì không xem xét đến trực giác của Keynes về sự quan trọng của niềm tin và hy vọng trong việc quyết định hành xử tương lai của các doanh nhân và những tác nhân kinh tế khác.
  
Trong một bài diễn văn đọc hồi tháng ba 2009, Chu Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân Hàng           People's Bank of China công khai ủng hộ tư tưởng của Keynes về một trữ tệ thế giới (global reserve currency) được quản lý từ trung ương. Họ Chu cho rằng quả không may khi nhận ra rằng một phần nguyên nhân của sự sụp đổ trong hệ thống Bretton Woods là do không chấp nhận đồng tiền siêu quốc gia (bancor) của Keynes. Họ Chu  đề nghị nên dần dần xử dụng nhiều hơn đồng tín phiếu SDR (special drawing rights) của IMF. Mặc dù ý tưởng của họ Chu chưa được           chấp nhận rộng rãi, các nhà lãnh đạo tại Hội Nghị G-20 ở Luân Đôn đã đồng ý chó phép IMF in $250 tỉ SDR trên toàn thế giới. Theo những bản phúc trình vào tháng 6 và tháng 7 năm 2009 của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OECD và IMF, những kế hoạch kích cầu được khen ngợi  đã góp phần làm cho bộ mặt kinh tế tốt hơn mong đợi.
  
Trong khi nhu cầu của những biện pháp kích cầu được rộng rãi chấp thuận trong giới thực thi quyết định, thì có nhiều tranh cãi liên quan đến cách thức tài trợ chi tiêu. Một số nhà lãnh đạo và định chế như Angela Merkel và Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu đã bày tỏ lo ngại về tác động tiềm năng trên lạm phát, công nợ và khả năng một kích cầu quá lớn sẽ tạo ra một tiến trình phục hồi bất khả kham.
  
Giữa các kinh tế gia chuyên nghiệp, sự chia rẽ thậm chí còn trần trọng hơn nhiều về sự phục hưng chủ thuyết Keynes. Mặc dù những kinh tế gia như           George Akerlof, Paul Krugman, Robert Shiller, và Joseph Stiglitz hậu thuẫn kế hoạch kích cầu của Keynes, hơn 300 kinh tế gia đã ký tên vào một bản kiến nghị cho biết họ không tin rằng chi tiêu chính phủ nhiều hơn sẽ giúp kinh tế Hoa Kỳ phục hồi khỏi cơn Đại Suy Thoái (Great Recession). Một số kinh tế gia như Robert Lucas nghi ngờ nền tảng lý thuyết của những chương trình kích cầu. Những người khác như Robert Barro và Gary Becker nói họ không nhìn thấy bằng chứng thực nghiệm về những hệ quả tích cực của kích cầu theo thuyết Keynes. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều phiên bản hàn lâm cho thấy rằng sự nới lỏng tài chánh giúp một nền kinh tế tăng trưởng ngắn hạn, và một số dạng kích cầu tài chánh có hiệu quả đặc biệt.
  
  
Về mặt lý thuyết, kinh tế vĩ mô của Keynes mang hai đặc điểm chính:
- Giải pháp kinh tế ngắn hạn
- Chống đối can thiệp của chính phủ theo nghĩa kiểm soát chặt chẽ lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế nhưng lại hỗ trợ sự can thiệp của chính phủ theo nghĩa kích cầu kinh tế (stimulus) và cứu nguy (bailouts) các đinh chế tài chánh trong cơn khủng hoảng.
  
Chủ thuyết Keynes tự nó không hoàn toàn tốt mà cũng không hoàn toàn xấu. Tốt hay không là do người áp dụng và tùy từng giai đoạn áp dụng. Chủ thuyết nầy đúng và giúp Kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Hoa Kỳ nói riêng trong thời hậu Đại Khủng Hoảng và hậu chiến. Sự can thiệp của chính phủ bấy giờ có hiệu quả vì lưu lượng tiền tệ được nới lõng để người dân Hoa Kỳ dùng tiền đó mua sắm những sản phẩm phần lớn do người Hoa Kỳ sản xuất và giúp nền kinh tế đi lên. Ngược lại trong thập niên vừa qua và cả đến ngày nay, đồng tiền kích cầu chỉ để mua sắm những mặt hàng tiêu dùng do nước ngoài sản xuất, nhất là của Trung Quốc. Hơn nữa, đồng tiền lúc trước phần lớn là đồng tiền của Hoa Kỳ; ngày nay tiền mà người Mỹ tiêu xài là do vay nợ mà có. Như thế kích cầu không giúp đưa kinh tế Mỹ đi lên mà chỉ làm cho Hoa Kỳ vấy thêm nợ. Phần lớn những chương trình cứu nguy trong thập niên vừa qua chỉ nhằm vào những định chế không làm ra của cải thực sự mà chỉ nhằm những đơn vị kinh doanh dùng tiền để tạo ra tiền chứ không tạo ra sản phẩm (General Electric là một trong những ngoại lệ không tốt đẹp). Tệ hại hơn, những khoản tiền được bơm vào không đi vào dòng sản xuất của nền kinh tế mà đi vào các chi tiêu chính phủ, và chi tiêu chính phủ chỉ đơn thuần là chi tiêu chứ không phải đầu tư. Trong một đồng người Mỹ làm ra hiện nay, 60 cents dùng cho chi tiêu chính phủ, một guồng máy quan liêu ăn bám càng ngày càng cồng kềnh, béo phì và vô năng, thực sự không phục vụ ai khác ngoài đám chính trị gia ăn theo, các công đoàn, nghiệp đoàn nói nhảm và phá bỉnh.
  
Vì chủ thuyết Keynes chỉ thích hợp cho những giải pháp ngắn hạn nên rất được các chính trị gia dân cử định kỳ ưa thích: họ chỉ tìm cách làm thế nào cho nhiệm kỳ 4 năm hay 8 năm của họ an toàn là đủ rồi, sau đó mặc kệ. Nhưng thành bại của một hay hai đời tổng thống không là gì cả so với sự tồn vong dài hạn của một quốc gia. Ngoài Warren harding, có đời tổng thống nào thực sự nghĩ đến những giải pháp kinh tế dài tầm, vốn không có trong chủ thuyết của John Maynard Keynes?
  
Trong khung tham chiếu đó, Peter Schiff, tác giả cuốn "The Real Crash: America's Coming Bankruptcy" hoàn toàn chống đối chủ thuyết kinh tế của Keynes, chống đối những chương trình cứu nguy, chống đối chủ nghĩa đại chính phủ với những chi tiêu hoang phí, chống đối chủ nghĩa tiêu thụ bằng tiền vay nợ, chống chủ trương dùng nợ mới trả nợ cũ, chống chủ nghĩa bong bóng để che đậy sự sụp đổ trước mắt. Ông trích lại lời nói của John Maynard Keynes:

"In the long run, we are all dead."

(Trong tầm xa, tất cả chúng ta đều chết cả.)
  
- Theo ông, chủ trương thổi phồng hết bong bóng nầy đến bong bóng khác là làm ngơ những hậu quả dài tầm. Thời điểm khủng hoảng chỉ có thể trì hoãn được một giai đoạn nào đó thôi. Phồn vinh giả tạo không thể vĩnh viễn che đậy một nền kinh tế yếu kém. Nếu bạn tiếp tục thay thế bong bóng nầy bằng một bong bóng khác thì cuối cúng bạn sẽ cạn hết bong bóng. Bong bóng chính phủ là bong bóng cuối cùng. Nếu lệ thuộc vào những thằng điên để duy trì trò chơi Ponzi thì cuối cùng cũng sẽ hết những thằng điên.
- Nền kinh tế Mỹ ngày nay một lần nữa lại xây dựng trên phồn vinh giả tạo. Tựa như lầu đài xây trên cát, nó sẽ sụp đổ. Khi chuyện đó xảy ra, khi sự thể của Hoa Kỳ xảy đến, có lẽ nó sẽ tệ hại không kém Thời Kỳ Đại Khủng Hoảng.
- Xuyên suốt thập niên 1990, Liêng bang đã bơm hàng tấn tiền vào nền kinh tế, khiến thổi phồng bong bóng chứng khoán, bong bóng Internet, bong bóng tín dụng, bong bóng nhà đất…Khi những bong bóng đó nổ, chính phủ bắt đầu che giấu chúng với một bong bóng chính phủ. Chúng ta sẽ làm gì khi cái bong bóng nầy nổ?
- Theo Peter Schiff, chúng ta không sản xuất đủ hàng cho các đối tác của chúng ta mua bằng đồng dollars mà họ tích lũy. Nhưng người ngoại quốc không đơn giản ngồi yên trên đống dollars thặng dư đó - họ đang mua một thứ mà chúng ta sản xuất rất nhiều: NỢ. Câu chuyện giả tưởng về mậu dịch quốc tế nói rằng chúng ta mua TV của Trung Quốc bằng dollars, và Trung Quốc dùng dollars đó mua xe hơi của chúng ta. Nhưng, câu chuyện thực sự về mậu dịch quốc tế kết thúc không phải với việc chúng ta bán những hàng hóa thực sự ra nước ngoài mà chúng ta bán những công trái phiếu Hoa Kỳ. Chúng ta mang về những TV Trung Quốc và Trung Quốc mang về những trái phiếu (IOU). Nói cách khác, chúng ta vay nợ để mua TV.
- Hoa Kỳ không vay tiền đề đầu tư, họ vay tiền để chi tiêu. Điều đó có nghĩa là Chú Sam chỉ lún sâu hơn vào nợ nần, và lối thoát duy nhất để trả những món nợ hiện có là tiếp tục vay thêm. Vay cho đến khi đụng trần. Khi đụng trần nhà rồi thì phá trần vì con có nóc nhà. Khi đụng nóc nhà rồi thi phá nóc vì còn có trời trên cao hơn; và lúc đó thì không còn giới hạn nào nữa cả và cũng chính là lúc người Mỹ phải ra đương mà sống. Cuối cùng, theo Peter Schiff, người Mỹ phải nhìn thẳng vào sự kiện là họ không thể trả hết được tất cả những món nợ.  Về vấn đề nợ quốc gia, theo ông, chỉ có một giải pháp tốt duy nhất, và đó là một giải pháp mà không một chính trị gia nào, ủy ban đặc trách nợ nào, hay giám đốc truyền hình nào đề xướng: Hoa Kỳ cần phải tái cấu trúc (re-structure) những khoản nợ của mình. Chúng ta đã phá sản, đến lúc chúng ta phải tuyên bố điều đó.  Hoa Kỳ không có khả năng chi trả, và sẽ phải khai phá sản theo Chương 11.
(………………………..)
Xin xem trọn tài liệu trên Nguyệt San Đỉnh Sóng Số #20
  
  
Tài liệu tham khảo:
  
- "The Real Crash: America's Coming Bankruptcy" - Peter D. Schiff

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire