jeudi 2 octobre 2014

Thăm Bệnh, tác giả Nguyễn Mây Thu



Đọc bài viết rất cảm động, xin chuyển đến các anh chị  và chúc người bệnh mau được về nhà.
Caroline Thanh Hương

THĂM BỆNH


                                                                              Nguyễn Mây Thu


        Hôm ấy, chủ nhật 28-09-2014, là một ngày rất đẹp. Tưởng như đang mùa xuân, chỉ cần khoát chiếc áo nhẹ mỏng manh, nhưng thật sự trời đã bắt đầu vào thu. Trên mấy hàng cây hai bên đường, những chiếc lá lấp lánh ánh bạc trong màu nắng thu, thỉnh thoảng la đà, bay lượn một vài chiếc trong không trung.  Chúng tôi nhà thơ Đỗ Bình, nghệ sĩ Thúy Hằng, nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh và Mây Thu, hẹn nhau đến thăm nhà văn nhà báo Tô Vũ tại nhà riêng. Ông cư ngụ trong một khu chung cư mười một tầng, bên trong khang trang, cách kiến trúc của thang máy rất đặc biệt, nó ở lưng chừng giữa hai tầng lầu và rất nhỏ hẹp. Muốn đến tầng lầu 6, nơi ông cư ngụ, thang máy phải dừng ở tầng thứ 5, rồi bước ra ngoài đi bộ nửa đoạn lên tầng 6, hoặc ngược lại. Khi đến nơi, chúng tôi ngạc nhiên thấy cửa đóng im lìm, thường thì ông chỉ khép hờ để các thân hữu gần xa có thể đến thăm. Hỏi ra mới biết ông được đưa vào bệnh viện khẩn cấp gần nhà vào lúc 5 giờ sáng, và đang nằm trong phòng hồi sinh.  Quá bất ngờ và lo lắng cho tình trạng sức khỏe của ông nên chúng tôi quyết định đến bệnh viện thăm ông.

Trong khi ấy, nhà thơ Phương Du dù là một bác sĩ nhưng tuổi đã quá 92 cũng chẳng có cách gì giúp cho mình khỏe hơn, nhất là phải lên xuống thang bộ nhiều lần nên cảm thấy mệt, ông cần phải ngồi nghỉ tại xe ngoài bãi đậu,  không thể cùng vào bệnh viện thăm nhà báo Tô Vũ. Trong giới sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Paris, nhà văn nhà báo Tô Vũ là một khuôn mặt nổi tiếng, ông là tác giả cuốn tiểu thuyết Dược Sĩ Hạnh , Những Biến Động Chính Trị VN Từ Năm 1945 đến 1975, phụ trách chương trình tiếng Việt đài radio Asie Paris từ năm 1988 đến 1992. Là người điềm đạm, nhã nhặn lại vui tính, ông thích bông đùa. Ông phụ trách mục CÀ KÊ trang báo mạng Cộng Đồng Quốc Gia tại  Pháp, ông chăm nom  rất hăng say, chỉ khi nào phải nhập viện báo mới tạm ngưng, nếu không, mỗi tháng các bạn hữu đều nhận được "món quà tinh thần" của ông gồm đủ các thể loại: văn, thơ, nhạc, truyện ngắn, tin tức trong nước và hải ngoại…
   Ông nằm thiêm thiếp trong căn phòng để ít ánh sáng. Khi chúng tôi bước vào phòng và giới thiệu từng người, ông kêu rú lên mừng rỡ. Gương mặt xanh xao, điểm lấm tấm những đốm đồi mồi của ông bỗng tươi hẳn lên với mái tóc dầy và dài trắng như cước, trông ông vẫn dáng nghệ sĩ. Ông than vãn: "Tôi mệt quá! Tôi chỉ muốn về nhà! Nằm đây tôi khổ quá! Ở nhà thương không được uống rượu khổ quá!...". Ông nằm co người như muốn ngồi dậy, nhưng không dậy được ! Ông nhờ anh Đỗ Bình đấm vào lưng cho đở mỏi, rồi không ngớt kêu anh đưa tay cho ông nắm, giọng nói ông thật tha thiết: " Tôi rất quý anh Đỗ Bình, tôi 92 tuổi rồi, sắp chết, gặp nhau đây là quý lắm rồi, biết chừng nào được nắm tay anh như thế này!". Ông nhắc đến những người bạn văn, bạn thơ cùng thời với ông, những người bạn tuổi hoa niên và ước ao được uống một ly rượu ngon. Tuy nằm bệnh nhưng tâm trí ông rất minh mẫn, cách nói chuyện của ông cũng rất khôi hài, dí dõm làm cho khung cảnh ảm đạm trở nên vui nhộn, không ai nhớ rằng đang cùng nhau đến thăm một người bệnh trong phòng hồi sinh. Ông nói: "Số ông đỏ… còn có người để ý. Ông kể về một người đàn bà, mới tập tành làm thơ và làm rất nhiều, bà ấy đến xưng là Thi sĩ, muốn kết đôi với ông để mau nổi. Bà ấy trên bảy mươi nhưng vẫn còn tươi đẹp lắm ! Chắc là phải sửa sắc đẹp, và ít nhất cũng phải mất hai trăm đồng tiền trang điểm! Tôi nhìn không ra bà nữa, phải hỏi người ngồi kề bên ! Tôi trả lời : Tôi trên chín mươi rồi, lấy vợ làm gì nữa!" Ông cười nói : "Cái danh hão Thi sĩ làm cho người ta mê mẩn đến mụ người!". Sau đó, ông  mong ước được gặp nhà thơ Phương Du đang chờ ngoài xe…
    Khi bước vào phòng, nhà thơ Phương Du ôm hôn rất thân tình, ngồi kế bên giường. Trước kia, nhà thơ Phương Du và nhà báo Tô Vũ là hai người bạn quen nhau từ tuổi ấu thơ ở lớp tiểu học. Nhìn khung cảnh này, ai mà không chạnh lòng bùi ngùi. Ở vào buổi hoàng hôn của cuộc đời, hai mái đầu đều bạc như nhau, bước đi không muốn vững. Bây giờ trong gian phòng nhỏ hẹp, nặng mùi thuốc men và ống tiêm, nơi đất khách quê người, họ cùng nhau ôn lại kỷ niệm, kể lại câu chuyện xưa, quê xưa, cảnh xưa. Những hình ảnh của tuổi thơ, những vòng bánh xe đạp quay tròn trên con đường năm xưa chung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm… những điều từng nằm im sâu trong ký ức nhiều năm tháng nay bỗng dưng quay về trong chốc lát như một đoạn phim ngắn. Mặc dù với số tuổi đã cao, nhưng khoa học mỗi ngày một tiến bộ. Tất cả những ai từng đến thăm ông, đều nuôi hy vọng và mong ước cho ông mau bình phục, bởi vì nhà báo Tô Vũ là một người rất lạc quan yêu đời. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, đời sống cũng luôn luôn thắm tươi.

Nguyễn Mây Thu

(Paris, 30-09-2014)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire