jeudi 15 janvier 2015

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang viết CHỒNG EM LẨY BẨY NHƯ CAO BIỀN DẬY NON…


Kính gửi quý anh chị bài trong Blog của bác sĩ  Nguyễn Xuân Quang.
Cám ơn bác sĩ.
Caroline Thanh Hương

CHỒNG EM LẨY BẨY NHƯ CAO BIỀN DẬY NON…

Nguyễn Xuân Quang
Một chứng bệnh liên hệ tới hạnh phúc đôi lứa thấy qua câu Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non trong bài ca dao:
Con nhạn xanh chắp cánh bay chuyền,
Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.
Sớm có chồng, sao em muộn có con.
Hẩm duyên, xấu xố, em còn đứng không.
Khốn nạn thay em ăn ở với chồng!
Lưu ý khởi đầu bài ca dao này là Con Chim.

Theo Lĩnh Nam chích quái Cao Biền là danh tướng nhà Đường. Vua Đường Ý Tông phong cho Cao Biền làm Đô Hộ tướng quân, đem quân đi đánh quân Nam Chiếu (Nam Chiếu là Nam Triệu, con cháu Triệu Đà). Về sau được phong làm Tiết độ sứ thành Lĩnh Nam. Cao Biền thông hiểu thiên văn địa lý và có pháp thuật cao. Cao Biền xây thành Đại La có dòng Lô giang chẩy qua. Cao Biền gặp vị thần sông là một cụ già râu tóc bạc tên là Tô Lịch nên đặt tên dòng sông là sông Tô Lịch. Một buổi sáng Cao Biền gặp lại vị thần dùng phép yểm nhưng vị thần cười bảo:
“Ta sợ gì bùa phép”? Cao Biền chịu thua và than “Xứ này có thần linh, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Vị thần sông râu tóc bạc phơ là hình bóng Lạc Long Quân (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).
Cũng tục truyền rằng, Cao Biền có pháp thuật nên có thể rắc hạt đậu ra đất rồi làm phép biến các hạt đậu ấy thành binh lính để đánh giặc. Một lần vì cấp bách quá, Cao Biền phải dùng các binh lính đó quá sớm, còn non nớt chưa đủ cứng cáp, đủ mạnh, còn lẩy bẩy:
Lò rò như cua bò đất cát,
Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.
nên đánh giặc không được, bị bại trận, binh lính bị giết rất nhiều. Vì chúng “trở dậy” còn non nên gọi là “dậy non”. Vì “dậy non” còn run lẩy bẩy, yếu kém, không đủ “cứng cáp”, không đủ sức “lâm trận” lâu bền, dài lâu.
Đông Y gọi “dậy non” là chứng “tảo dấy”, “tinh không bền”. “Tảo” là sớm như tảo hôn là lấy vợ lấy chồng sớm, nhật tảo là mặt trời lúc sớm mai… Còn “dấy” là đứng lên, dựng lên như “dấy nghiệp”. Tảo dấy là “dậy sớm”, “dựng lên sớm”, “dậy non”. Danh từ Anh Pháp gọi chứng “Cao Biền dậy non”, “tảo dấy”, “tinh không bền” là “xuất tinh sớm” “premature ejaculation”, “éjaculation précoce”. Câu “Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” ám chỉ người chồng bị chứng xuất tinh sớm hay các chứng khác làm cho “lính” (từ lính biến âm và có một nghĩa với Ấn ngữ linga, bộ phận sinh dục nam; ngày xưa chỉ đàn ông trai tráng tức phái nam có linga mới phải đi lính) “lẩy bẩy”, “đứng dậy” không vững danh từ y khoa gọi chung là E.D (“Erectile Dysfunction”). Vì yếu kém sinh lý nên khó có con “Sớm có chồng, sao em muộn có con”. Ngày xưa phụ nữ Việt lấy chồng theo “số phận”, nếu chẳng may gặp phải một anh lính “Cao Biền dậy non” thì chỉ biết than là vì “Hẩm duyên, xấu xố, em còn đứng không”.
Nếu chẳng may lấy phải một anh lính “Cao Biền dậy non” thì cái việc ăn nằm chăn gối với chồng thật là “khốn nạn”:
“Khốn nạn thay em ăn ở với chồng!”
Qua hai từ “khốn nạn” ta thấy lời than trách này đầy ấm ức và khát tình. Chưa hết. Nhiều khi cái việc ăn nằm đã khốn nạn như thế rồi mà người nữ còn bị hành hạ nếu gặp phải một anh chồng thuộc loại “cò quăm” võ phu:
Cái cò là cái cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai.
Có đánh thì đánh sớm mai,
Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm.
Cò quăm là cò cong queo, không phải là loại có cứng, Anh ngữ gọi là “stork” ( stork biến âm với stiff, cứng). Cổ ngữ quăm biến âm với quắm, khoằm có nghĩa là cong queo. Cò quăm là cò cong queo như ta thấy qua câu:
Cây mắm cò quăm, cây xú cò queo,
Thắt lưng cho chặt mà theo anh về,
Ăn cơm với cá mòi he,
Lấy chồng Cẩm Phả đun xe suốt đời.
Hòn Gay, Cẩm Phả là hai mỏ than lớn ở miền Bắc, lấy chồng Cẩm Phả làm phu mỏ than phải đun xe than suốt đời.
Cò cứng biểu tượng cho hùng tính, cường dương trong khi cò quăm cong queo mang biểu tượng cho suy dương, liệt dương. Mấy ông cò quăm suy dương thường hay giận cá chém thớt nghĩa là thường hay đánh vợ. Ở trên ta thấy các ông cò quăm hay đánh vợ vào lúc chập tối cho nên mới được dân gian khuyên là “có đánh thì đánh sớm mai, chớ đánh chập tối”. Tại sao cò quăm lại hay đánh vợ vào lúc chập tối? Xin thưa là vì mỗi khi đêm về là đem về nỗi lo âu, buồn rầu cho cò quăm. Cò quăm ghen tương, thấy thiếu tự tin, thấy bất lực, thấy lo ngại chuyện chăn gối nên hay gây sự và đánh vợ vào lúc chập tối. Nhiều khi cố ý làm như vậy để nếu vợ “chẳng cho nằm” lại càng mừng vì được yên thân.
Ở đây xin miễn nói về triệu chứng và cách trị liệu chứng Cao Biền dậy non, chỉ xin đưa ra đây một cái bùa nhớ (mnemonics) do chính tôi sáng tác ra để tặng những ai muốn nhớ các nguyên nhân của chứng suy dương, liệt dương Cao Biền dậy non.
Những nguyên nhân của chứng suy dương liệt dương chung qui nằm trong chữ PENIS (dương vật). Từ PENIS do các chữ P. E. N. I. S ghép lại. Những chữ này là những chữ đầu của:
-Psychogenic causes: nguyên nhân do tâm lý gây ra. Trên 50% chứng liệt dương suy dương là do tâm lý gây ra.
-Endocrinological causes: nguyên nhân do tuyến nội tiết như chứng tăng hoạt tuyến giáp trạng (hyperthyroidism), bệnh tiểu đường…
-Neurovascular causes: nguyên nhân mạch máu-dây thần kinh: mạch máu bị teo hẹp, tắc nghẽn do mạch máu hay dây thần kinh gây ra như thấy trong chứng mạch máu ngoại biên ở người bệnh tiểu đường. Chứng suy dương liệt dương do mạch máu thần kinh này dùng thuốc Viagra rất hiệu nghiệm vì Viagra làm nở mạch máu.
-Iatrogenic causes: nguyên nhân do thầy thuốc gây ra như cho uống các loại thuốc trị cao áp huyết có ảnh hưởng tới tình dục, mổ xẻ như biến chứng của cắt bỏ tuyến cửa tiểu (nhiếp hộ tuyến, tuyến tiền liệt)…
-Systemic diseases: nguyên nhân do các bệnh toàn hệ (nhiều cơ quan, toàn thân), bệnh kinh niên, bệnh trầm kha (nặng) làm giảm sự dẻo dai, bền bỉ..
Tóm lại tất cả nguyên nhân liệt dương chung qui cũng chỉ tại PENIS!
Nhiệm vụ của các ông chồng và của thầy thuốc là phải làm sao đừng để các bà than trách:
“Khốn nạn thay em ăn ở với chồng”!
(Ca Dao Tiục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt ).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire