vendredi 2 janvier 2015

Tài liệu đọc về Chiến lược dầu lửa trên thế giới, để làm gì , ai có lợi và bất lợi...

Kính gửi quý anh chị bài đọc phân tích dưới đây để suy ngẫm về chiến lược kinh tế, chính trị trên thế giới hiện nay.
Cám ơn dongtam đã tiếp chuyển cho tôi nhiều bài vỡ thật hay.
Caroline Thanh Hương
(Mở bài này để đọc với Internet Explorer)


Saudi Araba và trận chiến với đá phiến Hoa Kỳ

Hùng Tâm/Người Việt


Trong vụ dầu thô giảm giá, đại gia Saudi mưu tính những gì?


Từ ngày mùng 10 tháng 6, trong sáu tháng qua giá dầu thô trên thế giới đã giảm mạnh, như trên thị trường NYMEX tại New York, từ hơn 102 Mỹ kim một thùng nay mấp mé 60, sụt 40%.


Về lý do thì kể ra rất nhiều, nhưng tóm tắt cho dễ nhớ thì chỉ vì số cung tăng mà số cầu lại giảm. Cách nay hai tháng, trên cột báo này, “Hồ Sơ Người Việt” đã có bài giải thích chuyện đó (”Khi Dầu Thô Sụt Giá - Ngã giá chiến lược bằng dầu thô,” ngày 15 tháng 10).
Hôm Thứ Tư, mùng 10 tháng 12, giá dầu cho kỳ hạn tháng 1 năm tới trên thị trường NYMEX còn tuột thêm 4% và gây chấn động với chi số Dow Jones mất gần 270 điểm vì:
1- cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (US Energy Information Agency hay EIA, khác International Energy Agency IEA của tổ chức OECD) cho biết tồn kho của Mỹ (dự trữ có sẵn) lại cao hơn dự đoán và
2- khi tổ chức OPEC của 12 quốc gia xuất cảng dầu thô dự báo là số cầu của thế giới cho năm tới sẽ còn giảm.
Chúng ta đều có thể suy đoán rằng giá dầu mà giảm thì các nước hay các nhà sản xuất đều thiệt. Và ngược lại, quốc gia hay giới tiêu thụ lại có lợi. Nhưng ta nên tìm hiểu thêm rằng vào hoàn cảnh đó, các nhà cung cấp mưu tính những gì? Vì dầu thô là sản phẩm có tính chất chiến lược - thiếu là không được - từng được sử dụng như một vũ khí vào các năm 1972, 1979, 2008 - sự tính toán ấy cũng trở thành chiến lược: nó bao hàm các yếu tố kinh tế (cung cầu), kinh doanh (lời lỗ) và chính trị (được thua trong quan hệ quốc tế).
Trong trận chiến dầu thô hiện nay, một đại gia xuất cảng là Liên Bang Nga bị tê liệt và chịu trận, có khi lâm vào khủng hoảng kinh tế rồi chính trị. Một đại gia khác là Vương Quốc Saudi Arabia thì trường vốn hơn nên lại có mưu khác. Trong cách tính đó cũng có ý đồ là làm nản chí đại gia mới nổi là Hoa Kỳ.
Hoàng gia Saudi nhắm vào các doanh nghiệp dầu khí Mỹ đang dùng kỹ thuật “fracking” để nâng số cung. Giá mà quá hạ thì các doanh nghiệp này hết lời nên bỏ cuộc chơi và trả lại vị trí thống trị cho Saudi...
Câu chuyện lý thú ấy thể hiện ra sao và có hậu quả thế nào?

Bối cảnh chung của chiến trường
Thị trường năng lượng có nhiều sản phẩm khác nhau như dầu thô, khí đốt, than đá, nguyên tử, quang năng, phong năng, thủy điện, v.v... Có ảnh hưởng nhất vì được sử dụng nhiều nhất hiện nay vẫn là dầu và khí. Trong lãnh vực dầu khí thì dầu thô có tính chất dẫn đạo vì giá cả khí đốt được tính từ giá dầu thô.
Trên thị trường dầu thô, người ta đếm thực lực của nhà sản xuất là sức cung cấp mỗi ngày, sản lượng một ngày, hay nhật lượng. Nhật lượng ấy được tính bằng một đơn vị phổ biến - không duy nhất - đã tiêu chuẩn hóa cho các thị trường. Đó là ngàn thùng dầu, mỗi thùng có dung tích là 42 gallons của Mỹ, cho dễ nhớ thì tương đương với khoảng 160 lít. Báo chí chuyên đề thường dùng ký hiệu “bpd” - barrels per day.
Nói về cách điểm quân tính số xong thì ta bước vào bàn cờ.
Tính đến cuối năm ngoái, thế giới có năm khu vực sản xuất lớn nhất. Do tổ hợp BP tính ra theo thứ tự từ cao đến thấp thì đấy là:
1) Trung Đông gồm Saudi, Kuweit, Iran, Iraq, v.v... (nhật lượng hơn 18 ngàn thùng);
2) đại lục Âu Á, từ Bắc Âu qua Liên Bang Nga đến Trung Á (hơn 17 ngàn);
3) Bắc Mỹ gồm Canada, Hoa Kỳ và Mexico (gần 17 ngàn);
4) Phi Châu, từ Algérie qua Libya, Ai Cập tới các nước miền Nam (gần chín ngàn);
5) Á Châu Thái Bình Dương, từ Tàu, Úc tới các nước Đông Nam Á kể cả Việt Nam (hơn tám ngàn); và sau cùng,
5) là Nam Mỹ (hơn bảy ngàn).
Trên đại thể thì vậy, thực tế thì ba đại gia tại ba lục địa đang dẫn đầu thế giới về sản lượng là 1) Saudi Arabia (nhật lượng 11 ngàn 525, 11.525 ngàn thùng),
2) Liên Bang Nga (nhật lượng là 10.788 ngàn thùng) và
3) Hoa Kỳ (10 ngàn thùng). Đó là tình hình của 2013. Chứ bây giờ, nhờ kỹ thuật gạn cát ra dầu, Mỹ vừa qua mặt Nga và đang đuổi kịp Saudi.
Và tình hình đó thay đổi hàng tháng khi ta đếm thùng dầu hàng ngày.
Thực lực cũng là phép tính trừ
Đấy là về sản lượng.

Về sức tác động thì người ta phải tính đến số xuất cảng, tức là sai biệt giữa sản xuất và tiêu thụ. Như về khía cạnh đó, dù có nhật lượng là hơn bốn ngàn thùng, Trung Quốc sản xuất không đủ cho nhu cầu nên chẳng xuất cảng một giọt mà còn qua mặt Hoa Kỳ thành quốc gia nhập cảng nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, Mỹ thường xuyên cải tiến hiệu năng tiêu thụ từ mấy chục năm qua nên mới thành đại gia có ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu. Chỉ cần bơm thêm dầu - và nhập cảng ít hơn - kinh tế Hoa Kỳ cũng mặc nhiên nâng số cung trên thế giới và ảnh hưởng đến giá cả.
Ngoài khả năng xuất cảng, có một cách nhìn khác về thực lực trên chiến trường dầu hỏa là nền kinh tế nội địa của từng quốc gia sản xuất lệ thuộc đến mức nào vào nguồn tài nguyên này? Đấy là chuyện “trời cho,” đi cùng phép “nhân tạo.”
Nhờ trời cho, dầu thô của Saudi Arabia có đặc tính hóa chất là “ngọt” và “nhẹ” hơn dầu thô của Nga nên tốn chưa bằng một phần ba phí tổn của Nga là có được một thùng dầu. Nhờ yếu tố nhân tạo là hợp tác với Tây phương tại một trung tâm địa dư về dầu khí, Hoàng Gia Saudi cũng cải tiến kỹ thuật và có hiệu năng sản xuất cao hơn.
Một cách tính về khả năng đó là “điểm hòa vốn,” bán dầu cỡ giá nào trở lên thì bắt đầu có lời? Hoặc dầu sụt giá tới đâu thì bắt đầu lỗ? Điểm hòa vốn của Nga là 102 đô la một thùng, của Saudi là 95 đồng. Bi thảm nhất là Venezuela hay Libya với “tử điểm” là 140 hay 148 đồng.
Nhưng tính như vậy vẫn chưa đủ tinh.
Vẫn biết rằng cả Saudi Arabia và Nga đều sống nhờ dầu khí - nguồn thu đáng kể cho ngân sách - nhưng hai xứ này có dự trữ ngoại tệ cao thấp khác nhau, khả dĩ cầm hơi cho đến ngày dầu lại lên giá quá trăm bạc. Dự trữ của Saudi là 740 tỷ đô la, của Nga thì chỉ có vỏn vẹn 444 tỷ.
Vì vậy, trong ba đại gia Mỹ, Nga và Saudi, nước Nga coi như khó thở. Ngân sách 2014 của Tổng Thống Vladimir Putin trù tính là giá dầu sẽ ở mức 117 đồng, nếu sụt tới 90 đồng là xứ này sẽ tá hỏa như đã bị đúng năm năm về trước. Hôm nay, giá dầu chập chờn ở sáu chục bạc, cho nên Putin đang ôm đầu rầu rĩ. Còn lại là Hoa Kỳ.
Nhưng Saudi không đứng một mình. Đấy là trưởng tràng của hiệp hội OPEC quy tụ 12 quốc gia xuất cảng dầu.
OPEC nhập trận
Trước hội nghị thường niên của OPEC vào ngày 27 tháng trước tại Vienna, Saudi từ chối lời dụ của Nga là cùng giảm sản lượng để vì thăng bằng cung cầu mà làm dầu lên giá. Nhờ trường vốn hơn, Saudi cũng bác bỏ đề nghị đó của nhiều thành viên OPEC khác mà lại còn... đổ thêm dầu vào lửa. Họ xác nhận là sẽ bán dầu cho Mỹ rồi các nước Á Châu với giá rẻ hơn.
Vì sao họ tính ngược như vậy?
Lý luận sách vở của OPEC, một liên minh làm giá, là điều tiết sản lượng để ổn định giá dầu... trên đỉnh cao. Khi dầu lên giá quá cao thì tăng số cung để hạ giá, nếu không, kinh tế của các xứ mua dầu sẽ khốn đốn và họ nhập ít hơn thì OPEC cũng khốn khó. Đó là phép khôn ngoan của kẻ không muốn giết con gà đẻ trứng vàng. Ngược lại, khi dầu thô sụt giá thì ta phải hãm vòi bơm để nâng giá. Các thành viên khốn đốn của OPEC như Venezuela hay Nigeria đều đề nghị như vậy mà bị Saudi bác khước.
Trước đây, nhiều nước thành viên đã khôn ngoan xé rào khi OPEC giảm số cung bằng cách bơm lén và bán lậu. Saudi Arabia biết chuyện đó từ xưa mà nay lại còn tính xa hơn.
OPEC chỉ kiểm soát được gần một phần ba của số cung toàn cầu mà thôi. Nếu dầu OPEC cao giá quá thì các nước tiêu thụ sẽ tìm nguồn cung cấp khác. Như khi bị OPEC bắt bí vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Hoa Kỳ đã từng tìm như vậy khi lên đào dầu tận Alaska buốt giá hay xuống tới đáy biển của Vịnh Mễ Tây Cơ. Ngày nay, Mỹ còn tìm dầu như vậy ở ngay... trong nhà.
Chiến lược của Saudi với chiến xa OPEC là vẫn cố bán dầu cho rẻ để khỏi mất khách và duy trì được thị phần, phần thị trường. Nhờ có sẵn dầu và tiền, Hoàng gia Saudi có thể nín thở qua sông, và mặc cho các thành viên yếu đuối của OPEC bị chết chìm. Họ mà chết rồi, Saudi sẽ lại mở rộng thị phần và thế lực của mình.
Nhưng trong trận đánh này, Saudi còn ma mãnh hơn vậy vì nhắm vào Hoa Kỳ. Vào các doanh nghiệp đã tốn kém rất nhiều để gạn cả tấn đá phiến mới ra một thùng dầu.
Hoàng gia Saudi và các chuyên gia dầu khí của họ đều dầy dạn kinh nghiệm Tây phương về phép kinh doanh. Khi giá dầu cứ ngất ngưởng trên đỉnh trăm mốt (110 đồng một thùng) trong nhiều năm liền thì các doanh nghiệp Mỹ bèn khai triển kỹ thuật “fracking” mà họ đã biết từ lâu. Họ bơm rất mạnh một dung dịch có nước cùng hóa chất và nhiều thứ quái khác thật sâu xuống lòng đất vào các tầng đá phiến để giải phóng các phân tử nhiên liệu như dầu thô và khí đốt. Dù có tốn thì cũng đáng giá khi dầu đắt giá.
Bây giờ, trong cái đầu của các đại gia dầu khí Saudi, nếu dầu thô sụt giá quá thấp và quá lâu thì chuyện gạn cát ra dầu theo kiểu Mỹ sẽ hết phần hấp dẫn. Nhưng dù tính vậy, họ vẫn đánh giá sai đối thủ.....

OK Corral bên giếng dầu
Lý do đầu tiên là các doanh nghiệp dầu khí của Mỹ đều thuộc bài địa chất học. Họ biết rõ mỗi giai tầng đá phiến ở từng nơi trong lãnh thổ và ngoài khơi của nước Mỹ. Ngoài hai trung tâm nổi danh tại North Dakota và Texas, họ còn biết về rất nhiều nơi khác.
Song song, vừa làm vừa học và cải tiến, các doanh nghiệp dầu khí của Mỹ đã triệt để làm giảm giá thành, tức là hạ thấp cái điểm hòa vốn sinh tử trong kinh doanh. Như năm ngoái, phí tổn trung bình để có một thùng dầu bằng kỹ thuật mới còn ở mức bảy chục, năm nay thì chỉ còn 57 đồng. Và sẽ còn hạ nữa!
Nhiều quốc gia khác đều có thể biết kỹ thuật gạn dầu như vậy (Âu Châu, Canada hay cả Trung Quốc), nhưng chẳng xứ nào lại có nhiều giai tầng đá phiến và kỹ thuật tiên tiến như nước Mỹ. Mà kỹ thuật đó đang được thường xuyên cải tiến.
Huống hồ, đây mới là chi tiết giết người: Phí tổn đầu tư kiểu này thật ra lại rất thấp. Các đại gia cổ điển đều phải tính từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đô để đào ra dầu sau dăm ba năm đầu tư và xây dựng hạ tầng cho một giếng dầu bát ngát. Kỹ thuật mới là tìm ra một túi dầu trong núi đá con con “ở sau nhà,” mất chừng một hai triệu để cắm xuống một dàn khoan là... tuần sau có kết quả!
Nói cho thiết thực thì với đà này, nếu dầu thô sụt tới mức ba bốn chục đồng một thùng, nhiều doanh nghiệp đào dầu theo kiểu “mì ăn liền” vẫn còn lãi chán. Dĩ nhiên là trong khi đó cũng có cơ sở phá sản vì cải tiến không kịp, làm các nhà báo lại than trời.
Nhìn cách khác, các doanh nghiệp Mỹ đang cạnh tranh với nhau, chứ không chỉ cạnh tranh với Saudi, để tìm dầu thật nhanh và thật rẻ. Trường cạnh tranh đó cũng là một đấu trường khốc liệt.
Và chúng ta đụng tới một quy luật khác của trận đấu toàn cầu về dầu khí.
Từ nay, mỗi khi dầu thô lên giá trên thế giới thì nước Mỹ lại bật cái lò xo để xả sức ép về giá cả. Bằng cách bơm thêm dầu ở những nơi tạm bị tắt đèn bít lỗ vì chưa có lời. Và Mỹ sẽ nâng sản lượng trong vài tuần. Đấy mới là yếu tố thật sự ổn định giá cả cho thiên hạ!


Kết luận ở đây là gì?
Từ bốn chục năm nay, dầu thô đã là vũ khí chiến lược của nhiều quốc gia.
Việt Nam Cộng Hòa gián tiếp là nạn nhân của trận đánh kinh hoàng về dầu khí trong các năm 1972-73, mà nhiều khi dân ta không hay và chỉ biết oán chính quyền tại Sài Gòn.
Trong trận đấu lần này, một đồng minh chiến lược của Mỹ là Saudi Arabia lại dàn trận với doanh nghiệp Mỹ trước sự im lặng của chính quyền Mỹ. Mà có thể bị thị trường Mỹ đánh bại.
Nói cho tháng sau, sau khi Đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc Hội, dự án Keystone XL lập ống dẫn dầu từ Canada qua Mỹ tới Vịnh Mễ Tây Cơ sẽ được Quốc Hội khóa tới thông qua. Số cung từ Bắc Mỹ sẽ tăng vọt và giá dầu còn rớt thê thảm. Hãy xem Hoàng gia Saudi tính sao...


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire