mardi 5 mai 2015

Bích Vân viết về Những Năm Đầu Trên Xứ Đức (của tôi).

Kính gửi quý anh chị bài viết của

 

Bích Vân – Những Năm Đầu Trên Xứ Đức (của tôi)

                        

K. thân,

Wedding-Lu_An_1 (Small)Cái message hôm qua của mày trên répondeur làm cả đêm qua tao không ngủ được. Cứ nhớ lại quãng thời gian vừa nghỉ học tao lại thấy buồn, vừa buồn lại vừa tiếc. Nhưng “thế thời thế, thế thời phải thế”, ít ra là với tao lúc bấy giờ thì như thế, biết làm sao khác được. Mà tại sao Bố Già lại nhắn “mỗi đứa phải tường trình lại quãng đời hậu MD”, để làm gì hả K.? Thế mày đã nhắn cho những ai trong lớp mình rồi? Bây giờ tản mác mỗi đứa mỗi phương, mày đã “kiểm kê” được bao nhiêu con trong đàn gà của Bố Già, nhiều chưa?
K. à, tao vẫn phục (lắm) hai vợ chồng mày có nhiều nghị lực và can đảm để qua đây học tiếp tục cho đến nơi đến chốn, chapeau! Mừng cho vợ chồng nhà mày. Nghề tu-bíp vừa danh giá lại vừa lượm nhiều bạc cắc, chả nghề nào bằng!
Bây giờ để tao “báo cáo” sơ sơ, theo lệnh của Bố Già, về cái gọi là “quá trình bản thân” kể từ khi con gà mái ghẹ này bị đá dzăng ra khỏi lồng MÐ, nhé.
Tao nhớ hình như khoảng tháng Ba hay tháng Tư 77 thì phải, tao bị văn phòng trường họ kêu lên về chuyện bán bán buôn buôn, mày ạ. Vì trong sac đi học lúc nào tao cũng mang kè kè cả đống vòng cẩm thạch, nhẫn kim cương hay tiền Hồ, tiền đô..v.v… “Buôn đi bán lại là không đi đúng đường lối chỉ tiêu của trường, phi sản xuất là thế này, ăn mặc không hợp thời là thế kia…
Quê quá xá quê K. ơi, tao trốn, bỏ học luôn. Tao nghĩ chắc trong lớp mình có đứa nào thối mồm bỏ nhỏ hay sao đó, chứ làm sao mà tụi trên văn phòng họ biết được? Vả lại lúc đó, nhớ không K., đứa nào đứa nấy tinh thần hoang mang, học chữ và đi thực tập bệnh viện thì ít mà họp hành thì cứ liên miên, chán mớ đời, tao nghỉ trường quách.
Thêm một nguyên nhân nữa thúc đẩy K. à: ông xã xệ nhà tao! Ông ấy có máu nhà binh, dân KQ mà lỵ, nên rành ghê lắm cái chiến thuật đánh mau và đánh mạnh, làm tao quay cuồng cứ tít mù cả lên, đầu óc còn tỉnh táo đâu nữa mà học với lại chẳng hành? thế là tao đầu hàng ngay, chỉ sau vài tháng (vờ) õng ẹo mầu mè. Tụi tao làm đám cưới đúng đêm Noël 77, mày còn nhớ không?
Hồi vợ chồng mày đến từ giã trước khi đi “vượt biên” thì tụi tao vừa mới có thằng cháu Xù. Cuộc sống khá chật vật nên hai vợ chồng tao bàn nhau sang lại cái quán cà-phê cóc ngoài đầu ngõ nhà tao, buôn bán nhì nhằng để có tí đồng ra đồng vào, chỉ mong kiếm đủ tiền đi chợ thôi. Cũng may là nhờ có 3 đứa em gái út của tao “đi chui bán chính thức” trót lọt (nghe đâu đi cùng chuyến với Bố Già nhà mình đấy) rồi tiếp tế về nên gia đình tao cũng dễ thở hơn một chút.
Vợ chồng tao cầm cự với cái quán cà-phê cóc tới tháng Ba năm 83 thì xã xệ và gia đình ổng có giấy tờ đi Ðức theo diện đoàn tụ, cô em gái ổng bảo lãnh. Hai mẹ con tao lọt sổ phải ở lại vì lúc đó người ta chỉ cho những đứa con còn độc thân đi thôi. Qua bên đây rồi, còn lạ nước lạ cái, thế mà ổng đã lần mò đến Tòa Thị Chính lòi tờ hôn thú ra, một hai đòi bảo lãnh vợ con ngay, mày ạ.
Ông ấy đi rồi, tao bán cà-phê thêm khoảng một năm nữa thì sang lại cho người khác để có thời giờ đi học. Ối thôi tao học lung tung đủ thứ K. ơi. Này nhé, Espagnol này, tiếng Liên-sô này (theo phong trào lúc bấy giờ ấy mà), tiếng Ðức thì đương nhiên rồi. Mà học cũng thích vì nhờ có Anglais và Français tả phù hữu bật nên học rất là mau. Rồi tao còn đi học làm bánh làm trái nữa chứ, chưa kể hai ngày một lần phải lọc cọc đạp xe vô tuốt trong Chợ Lớn tầm sư học nấu ăn. Và mày có thể tưởng tượng nổi không K., tao còn học cả cắt tóc lẫn mani và pédicure nữa đấy. Lúc đó tao suy nghĩ thế này K. à, học được cái môn gì đỡ khổ cái môn đó, biết đâu chả có những lúc phải dùng tới, cứ võ trang đến tận răng cho chắc ăn. Mày biết rồi đấy, tính tao là chúa cẩn thận (hay là thiếu tự tin?)
Lẩm cẩm vậy mà lại được việc, mày ạ. Chả thế mà từ khi sang đây, trong cái tỉnh khỉ ho cò gáy nơi tao đang ở, hễ nhà ai có tiệc tùng, sinh nhật hay cưới hỏi gì đó mà cần một cái bánh vài ba tầng là tao thầu ngay, tút xuỵt. Nhờ vậy mà tao gặp lại Tr.D.D. cùng lớp bọn mình đấy. Mặc dù gia đình D.D. không ở cùng tỉnh với tao nhưng cô cháu cuả D. cũng mò tới tận nhà để còm-măng tao làm bánh đám cưới. Hữu xạ tự nhiên hương mà (cho phép tao làm tàng tí nhá).
Rồi giữa tháng Chín năm 86 hai mẹ con tao cũng đi. Bố nó lúc đó đã đi làm cho một xưởng chuyên sản xuất những vật dụng và máy móc bằng sắt hay bằng thép (chắc mày cũng biết ngành métallurgie thì Ðức là số dzách trên thế giới) cho xe hơi, cho máy bay, cho… Thợ đứng máy thôi K. à, công việc nặng làm riết cũng quen. Còn tao thì sau khóa học tiếng Ðức 8 tháng có lương trợ cấp, hết khoá học là cũng hết lương, xoay qua xoay lại chả thấy có công việc gì thích hợp với mình cả. Mày cũng biết đấy, người ngợm tao bé con con, làm việc nặng gì nổi?
köchin (Small)Kể mày nghe, có lần tao được người quen xin cho vào làm ở một lò chuyên làm bánh ngọt và bánh mì, “ca” từ 5 giờ sáng tới 11 giờ trưa. Tao mừng ơi là mừng mặc dù giờ giấc hơi tréo ngoe, vì như thế thì làm sao tao lo cho cháu Xù đi học, kiểm soát xem mặc quần áo có đủ ấm và chuẩn bị sẵn đồ ăn cho giờ ra chơi ..v.v.. Tao vào làm hình như được hai hay ba tuần gì đó, décorer chocolat hay rây đường lên mặt bánh, sau đó xếp sẵn bánh vào cageots để chờ xe tới chở đi giao cho các tiệm trong phố ..v.v.., công việc cũng nhẹ nhàng, dễ thôi, không có vấn đề gì hết.
Một hôm tao phải cắt cuống dâu (fraises) để làm bánh trái cây. Theo thói quen của dân Việt, tao dĩ nhiên thuận tay cứ cắt từ phía trong lòng cắt ra. Tao đang cắt ngon trớn thì bỗng dưng tao để ý thấy con bé trưởng toán đứng kế bên cứ trợn mắt tròn mắt dẹt lên nhìn tao mà lắc đầu quầy quậy. Rồi khi khổng khi không nó giằng lấy con dao, biểu diễn bảo tao phải gọt như thế này này. Tao điên cả tiết lên nhưng vẫn cố dằn làm theo lời nó. Ðược vài cái cuống thôi thì tao lại quen tay cứ từ trong gọt ra (dân Á châu mà lỵ), nhanh hơn và theo tao nghĩ, lại đỡ phải gồng ngón tay cái, như thế mỏi lắm mà còn nguy hiểm nữa. Thế là nó đứng bên cạnh cứ lầu bà lầu bầu nghe mà phát nóng cả mặt. Bố khỉ! tuổi cô ả chưa bằng con bé út Trang nhà tao, vậy mà hỗn hỗn là!
Nghĩ cho cùng thì cũng tại tao nữa K. ạ. Tại tao hiểu những gì nó lẩm bẩm nên mới nên chuyện. Nó cứ tưởng chắc tao mới sang nên tiếng tăm không rành, cứ yên chí sủa phứa lên, lâu lâu lại dòm chừng xem tao làm ăn ra sao. Cái nhìn soi mói ngột ngạt đến độ làm tao chia trí, mất bình tĩnh khứa luôn dao vào tay. Chỉ ri rỉ một chút máu thôi, tao băng lại liền. Thế mà con ranh con tru tréo lên, nào là “coi chừng bánh dính máu mất vệ sinh …”, lại còn hỏi xéo tao là có bị Sida không, khách hàng ăn bánh mà có chuyện gì là tao lãnh đủ ..v..v..
Ừ, thì vẫn biết là nó hoàn toàn có lý, tao cũng công nhận. Nhưng mà K. ơi, tại sao nó lại giở cái giọng cáu kỉnh như thế ra với tao, hả? Tao thù oán gì với nó cơ chứ?
Hôm đó đi làm về, mày biết không, tao khóc một trận thỏa thuê rồi nuốt cơn tủi thân xuống, tự cho là tại mình quá sensible nên bi thảm hóa sự việc, chứ khối người bằng cấp cả đống ra mà vẫn gặp nhiều tình huống còn ê chề hơn chán vạn lần, mình đã là cái thá gì nào? Tao không được quên: bây giờ mình là công nhân quèn, thiên lôi chỉ đâu đánh đó, cứ nhắm mắt lại thi hành đúng cho xong chuyện, nghĩ ngợi lắm chỉ mệt tâm mình thôi, chả ích lợi gì hết.
Thế là sáng sớm hôm sau tao lại hăng hái đi làm, “Guten Morgen” con bé mặt mẹt như bình thường, mặc dù nó không thèm dòm tao. Kệ, chả sao hết, nó ừ hử hay không ừ hử thì ông đây cũng cóc cần!! Nhưng mà K. ạ, cuộc đời không phải lúc nào cũng suông sẻ như mình mong đợi, và muốn sống yên phận nhiều khi cũng không phải dễ. Hôm đấy tao mới thấm thiá cái nghĩa Mobbing hơn ai hết.
Con bé mặt mẹt tự dưng buổi sáng hôm ấy (quelle mouche l’avait piquée?) lại chỉ định tao xếp bánh vào mấy cái khay 1mx0,5m thay vì xếp vào cageots như mọi khi. Xếp đầy bánh xong rồi thì đem từng khay bỏ lên cái kệ sắt có chia tầng. Mỗi một khay đầy bánh như thế, nó nặng như cái cùm vậy đó K. ơi! Tao ráng bậm môi lấy tấn, bưng hơn chục cái khay chất đầy mấy tầng ở dưới trước, còn những tầng cao quá đầu tao, tao bảo tao chiụ thua, không với tới mà bưng cũng không nổi (ước gì lúc đó tao là lực sĩ chuyên môn tập tạ, K. nhỉ).
Nó biểu lấy cái bục trèo lên mà đẩy cái khay vào, tại sao người khác làm được mà tao lại không làm được? Cô ả nói xỏ tao đấy mà, tao biết. Tao lẳng lặng lấy cái bục ra, bưng cái khay trèo lên và rồi thì … tự dưng tao thấy tao đang nằm sõng soài dưới đất, khay đi đằng khay bánh đi đằng bánh, văng tung toé khắp nơi. Đầu tao thì đập vào chân cái kệ sắt đau như trời giáng, tưởng long óc rồi chứ.
Nhưng đau nhất là gì mày biết không? là khi tao lồm cồm ngồi dậy nhặt từng cái bánh xếp vào lại cái khay như cũ, định trèo lên cái bục đẩy khay vào mấy cái tầng thì con bé mặt mẹt chạy a thần phù tới, không thèm hỏi han xem tao té có sao không, giựt cái khay bánh đem ngay ra cái thùng rác, démonstratif, trút hết bánh đổ đi. Còn thòng thêm vài câu chói tai nghe mà rợn tóc gáy, đại khái như: “Dân tộc tao văn minh không ăn đồ rớt dưới đất, mày cho khách hàng ăn những cái bánh này vô, họ mà bị làm sao là mày chiụ trách nhiệm đấy…”
Đồng ý là nó lại hoàn toàn có lý, again. Nhưng nó mắc cái chứng gì mà hằn học, mà kiếm chuyện với tao hoài vậy, tao hỏi mày? Tại sao chứ, hử? Tới lúc đó thì tao biết là tao không thể làm chung với nó được nữa rồi. Thế là tao xăm xăm đi ngay lên bureau ông chef chính xin nghỉ ngay tức khắc. Không đắn đo, không tiếc nuối. Có một cái gì đó buộc tao phải làm như thế, không đừng được.
Những ngày sau đó, trong khi ngồi nhà mắt mở rõ to, tai vểnh thật cao nghe ngóng xem có cái công việc gì coi bộ hợp với khả năng (hạn-hẹp) của mình không, tao làm bánh bao, há cảo và vài món bánh Việt Nam bỏ mối cho những người quen và một vài tiệm Á châu trong tỉnh. Chả lời lóm là bao K. ơi, chỉ cốt để tao có cảm tưởng là tao cũng làm ra tiền, thế thôi. Để cái ý nghĩ “ăn không ngồi rồi” đỡ đè nặng. Với lại, loay hoay cái chân cái tay như thế thì cái đầu cũng đỡ mệt, đỡ suy nghĩ lung tung. Tại lắm lúc tao tưởng sắp có thể khóc thét lên được vì “nhớ bên nhà”, mày ạ. Nhưng nguyên một năm trời cứ ngồi chờ sung rụng như thế, phát khùng lên được ấy chứ, dépression nặng.
Thế rồi ông Giời ổng cũng thương hại tao mà tha cho tao, K. à. Chắc ổng nghĩ ổng thử lửa con bé như thế là đủ rồi, hành hạ thêm ít lâu nữa không chừng tao điên thật mất. Ổng bèn khều cái đơn xin việc tao nộp đâu từ hồi đời tám tỏng ra, kêu tao lên trình diện và chia việc cho làm ngay lập tức. Tao được lãnh công việc đem về nhà làm, tiếng Ðức kêu là Heimarbeit, đúng như ý tao mong muốn. Thế là chả sợ bị ai dòm ngó, không sợ bị ai kèn cựa. Chỉ cần làm hàng xong cho kịp rendez-vous ghi trên giâý, đem vô hãng giao, rồi lấy hàng mới đem về nhà làm tiếp.
Hàng đây có nghĩa là những cái puces nhỏ tí tẹo, có công dụng là để dẫn nhiệt, tao phải gắp bằng pincette để ráp lại với nhau rồi ấn cho chặt. Những cử động đều đều, cố định, chỉ cần điều tiết mắt một chút để đừng gắp nhầm và tay dập máy phải đều đặn, thế thôi. Chỉ có cái hơi phiền là những khi hàng nhiều mà ông chef lại cho quá ít thời gian để làm, tao phải ngồi liền tù tì suốt ngày suốt đêm không kịp thở. Nhiều lúc chỉ mong Xã Xệ đi làm về là xuống “ca” bắt ổng thế chỗ để còn vào bếp cơm nước nữa chứ. Mà những ngày như thế tương đối cũng nhiều. Nhưng được cái là, làm nhiều thì… tì dĩ nhiên cũng nhiều nên… cũng đặng đặng, không dám kêu ca gì ráo trọi, lại còn khoái nữa!
Tao chả mong ước gì hơn là cuộc sống cứ bình thường như vậy hoài. Chỉ xin có nhiêu đó thôi, vậy mà ông Giời ổng cũng không cho K. ơi. Miệt mài đúng 13 năm chưa bao giờ nghỉ phép thường niên và những ngày cuối tuần hay lễ lạc trong năm cũng vẫn ngồi lụi hụi gắp gắp dập dập, hồi cuối năm ngoái hãng nó giải tán khâu Heimarbeit cho tao ra rià, đã có robot thay thế!
Sững sờ, mày ạ. Đau quắn ruột, mày ạ.
Mấy tháng đầu mới nghỉ làm, mày biết không, tao cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất hồn vậy đó. Uống Témesta rồi mà đêm vẫn không tài nào ngủ được, thế là tension tăng ào ào (tao bị hyper cả chục năm nay, hồi mới ménopause). Nhất là cái chân bên phải hình như chớm bị arthrose, nhức muốn khùng luôn.
Tao biết lỗi tại tao, mea culpa, mea maxima culpa. Lỗi tại tao mê tiền quá, tham công tiếc việc quá, cứ ngồi cặm cụi làm miết, không chiụ đi tới đi lui nên bây giờ mới ra nông nỗi. Tai hại nhất là khi nào tao có cảm tưởng sắp phát khùng lên được vì cứ hay suy nghĩ lung tung, tao đâm ra mất ngủ trầm trọng hơn nữa, ngơ ngẩn nặng hơn nữa, và dĩ nhiên “xỉa thuốc” cũng nhiều hơn nữa. Ðúng là cái vòng lẩn quẩn, tao cũng rầu tao lắm cơ!
Bây giờ thì đỡ nhiều lắm rồi K. à, đầu óc tao quân bình trở lại rồi. Tao thấy chả cần phải uống thuốc uống men gì nữa, thỉnh thoảng cái chân đòi vài miếng Salonpas, thế thôi. Nhất là từ khi tao thấy thằng cháu Xù thi tuyển đậu vào trường đại học ngành Graphic & Design mà nó ưa thích, tao như nhẹ hẳn cả người, mặc dù nó đi học xa cả 200 cây số, lo ghê lắm và cũng nhớ nó nữa (có một mống một, không lo sao được, há?) Năm nay cháu 25 rồi mà vẫn nhõng nhẽo mẹ ghê lắm cô K. ơi, week-end nào cũng chở một núi đồ dơ về cho mẹ giặt, và để được mẹ hầu món ăn Việt Nam chứ “gặm bánh mì và Pizza hoài, khô khan quá xá chời, chỉ thèm phở hay bún thang thôi!
… Voilà, gia cảnh hiện giờ của famille tao nó như thế đấy. Tao tóm tắt nhé?
1 – ông Xã Xệ nhà tao, tuổi con Trâu, vẫn ngày ngày khoác cái cày vào cổ trả nợ áo cơm (nhà cửa nữa chứ) rồi về nằm khoèo trước Télé lim dim dưỡng sức để ngày hôm sau kéo cày tiếp. Xương cốt răng cỏ đã bắt đầu lỏng lẻo với thời gian.
2 – thằng cháu Xù, tạm thời yên chí trong vòng 2 năm nữa, sau đó tính sau.
3 – còn tao thì, trong khi chờ đợi khoá chuyển nghề của Sở Lao Ðộng (tao vừa nộp đơn xin đi học một khoá Computeur), tao chỉ biết ngồi trước cái máy đọc tin tức cán chó cán mèo ở khắp nơi trên thế giới. Ngồi riết ghiền luôn. Chứ mày bảo tao còn có thể làm cái quái gì khác bây giờ, hử ???
Viết đến đây tự nhiên tao thấy có cái gì đó nặng nề trong lòng. Chả hiểu tại sao. Thôi, tao stop. Deux bisous sur chaque joue mày nhé, à ton homme aussi.
T’aime bien.
Tao, bàgiàtrầu
(Pf, vừa xong Tết Quý Mùi)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire