samedi 23 janvier 2016

Đọc thơ Luân Hoán phóng dịch của Thanh Thanh, Ngơ Ngác Cõi Người/ BEWILDERED ABROAD

Kính gửi quý anh chị bài thơ của tác giả Luân Hoán, đọc thêm bài viết của Nguyễn Vy Khanh và bài dịch của Thanh Thanh.

Ngoài ra, tôi tìm được trên net tranh của Kao Văn Khánh cùng chủ đề nên xin giới thiệu luôn với quý anh chị.

 Cám ơn hoạ sĩ Kao Văn Khánh.

 Cám ơn anh Thanh Thanh đã gửi bài đến groupe Cát Bụi.

Caroline Thanh Hương
Afficher l'image d'origine

 

NGƠ NGÁC CÕI NGƯỜI    

         
đời lưu lạc mỗi ngày là một tuổi  
dài vô cùng nhưng không đủ xót xa
ta hổ thẹn muốn giấu người tất cả   
giấu được người, nhưng đâu giấu được ta

thư viết cho người mấy lần không gởi       
ta đốt để nhìn làn khói trắng bay
từng chữ của ta hóa thân trong lửa
ta cũng cháy vèo sao vẫn chưa hay
                          * 
ta biết người chờ từng giây từng phút
bó gối quê nhà nhẫn nhục chờ trông
ta thẹn làm người tự do viễn xứ
ngó lại đời mình trùng điệp số không

đã hẹn với người sao ta chợt khóc
sống phải làm người xứng đáng đương nhiên
tội nghiệp thân ta trót già trước tuổi
ngơ ngác cõi người hiu hắt đuốc thiêng
xin gửi về người niềm tin chưa chết
cùng giòng thơ và chút nhớ thương
thơ hơi mặn vì hình như có máu
có lá cờ vàng đắp mặt quê hương.   
                                                                                                                           
                                    
LUÂN HOÁN   
 

BEWILDERED ABROAD

         
To an exile, each day seems one more year to drain;
Quite long, but not enough comparing with my pain.
And my shame, I want to hide it from everybody;
I can hide it from others, but from myself: in vain.

The letters many times were written but not sent;
I burnt them to stare at where the white smoke bent.
Each word of mine became in the fire incarnate:
I was burnt too, but not aware of what that meant.
                                   *
I am aware that you've been waiting each second,
At home, inactive, patiently expecting some beckon.
Feeling ashamed of being a free man abroad,
I look at my life and find a repeated zero to reckon.

I made you the promise, but why I suddenly cry?
To be a worthy being is to live up to one's good ply.
How pitiful is my condition, aged ahead of age,
Bewildered to watch the sacred torchlight stultify.
Let me convey to you my undying faith as our base,
Together with nostalgia and my rhymes to embrace:
My verse tastes salted for there appears to be blood
And the yellow flag to cover our motherland's face.
                                                                                                                           
                        Translation by
THANH-THANH
 Afficher l'image d'origine

Biến-Loạn Miền Trung  


Luân Hoán nơi Cõi người ngơ ngác 
redbar.gif (78 bytes)
Nguyễn Vy-Khanh
Ðầu năm 1985, Luân Hoán đến bờ tự do làm thân tị nạn, đã đưa theo Hơi Thở Việt Nam được xuất bản năm 1986, như một thông-điệp báo cho đồng loại biết phần nào tin tức quê nhà, nào tù đày, hãi sợ, bi cảnh, cuộc đời xáo trộn, đổi thay tận cùng của bất ngờ quay cuồng của con Tạo. Nhà thơ tiếp tục làm thơ nơi xứ người và hình như xuất hiện chính thức trên tạp-chí Văn thời Mai Thảo (số 35, 5-1985). Những tuyển tập xuất-bản sau đó, ngoại trừ đôi tập chủ trì ca ngợi tình yêu, phần lớn nói lên tiếng lòng của con người sống lưu xứ, của con người bị bứng ra khỏi đất sống, không lựa chọn. Sống lưu đày là sống trong nỗi nhớ triền miên. Nơi vùng đất mới, hình như chỉ có thời gian và không gian của ký ức, của hồi tưởng với những địa danh, nhân danh, thời danh, v.v. - những mốc điểm của một khởi hành hoặc của một trang lịch-sử !

Nỗi nhớ quê nhà

Ngay trong tuyển tập thơ đầu sáng tác ở hải ngoại, Luân Hoán đã nói nhiều đến những nỗi nhớ quê nhà. Nỗi nhớ chiếm một phần (tr. 119-150) của tập Ngơ Ngác Cõi Người (San Jose CA: Nhân Văn) xuất-bản năm 1989. Ở đây, nỗi nhớ có tên những khuôn mặt bạn bè thân yêu cùng một lúc với nỗi nhớ nhà, nhớ nước: " người ơi người ơi người ơi / ta còn hay mất bên trời lưu vong " (Cúi Mặt Chào Ðà Nẵng, tr. 9,11). Hay: "hỡi ơi bạn bè cũ / lận đận chạy về đâu / bỏ mình ta ngơ ngác / vơ vẩn nhớ đau đầu"; " nhớ gì đâu, nhớ nhớ / thương gì, mà thương thương / trái tim ta đã rớt / ở bên trời quê hương " (Gọi Tên Bạn Bè, tr 58-9).

Ðến Ðưa Nhau Về Ðến Ðâu (Los Angeles CA: Sông Thu, 1989), sống ở Montréal, xứ người, nhà thơ từ lựa chọn trở thành nạn-nhân của mơ. Lưu đày đồng nghĩa với mộng mị cho nhẹ kiếp người! Kẻ lưu-vong dễ chuốc căn bệnh ngỡ ngờ, mới trông ngoại hình đã đoán kẻ ấy xuất thân nơi mô:

"Có phải em là Công Tằng Tôn Nữ ...
vừa liếc qua ta đã nhận ra ngay
đôi mắt Huế hữu duyên vì biết háy
nét đài trang trong dáng nhíu lông mày
(...) môi muốn hỏi mắt muốn chào nhưng ngại
em nghiêm trang kiểu cách một thời xưa
quanh quẩn ngó rồi dòm ta đánh giá
thằng cha này sao nhớn nhác khó ưa? ..."
(Gặp Một Người Nghi Rất Huế, tr. 68)

Nhưng không phải ai cũng gặp may như Luân Hoán!

Rồi Cảm Ơn Ðất Ðá Trổ Thơ, Lòng Ta Hạt Bụi Vu Vơ Bám Hoài (Houston TX: Kinh Ðô, 1991) gồm 53 bài nỗi nhớ đi theo những địa danh đất nước, những "cõi ta" nhà thơ đã sống hoặc đã đi qua. Nơi đây, nhà thơ buông lời cảm ơn bằng lục bát mà tất cả các tựa trong tập đặc biệt cũng là hai câu sáu tám.

Ðà Nẵng, nơi chôn nhau cắt rún của thi sĩ, với những địa danh Hòa Khánh, Chợ Mới, Cổ Viện, chùa Bà Quảng, giếng Bộng, ... trong bài mở đầu Quê-Hương Nhắm Mắt Như Sờ Ðược...:

" (...) Hỡi những cành me cành phượng vĩ
hỡi con kiến lửa lạc bâng quơ
hỡi con chim sẻ trên vồng ngói
tôi tưởng tôi về, đâu biết mơ !
trông ra cửa kính trời mưa tuyết
ngó lại đời mình ngồi bó ta
quê hương nhắm mắt như sờ được
sao vẫn buồn xo đến thế này ..."
(tr 9&14)

Rồi Hội An với Chùa Cầu, Chùa Ông, Cẩm Sa... mà có lần đã ở Montreal xứ người Bất Ngờ Qua Cầu Champlain / Nhớ Cấu Bà Rắn Lềnh Bềnh Những Thơ (tr. 58-59) nhớ chuyện ngày xưa người bạn đời "không ưng mà mê tít" người thanh niên học trò - tức nhà thơ. Rồi Khi Không Nhớ Về Phong Lệ / Cúi Ðầu Ðụng Tiếng Thở Ra:

"(...) Phong Lệ bây chừ buồn quá thôi
ngoại ngồi rờ rẫm lá trầu hôi
dưới chân, con mực thiu thiu ngủ
chừng cả hai đang quên lững đời
( ...) ví dầu kỷ niệm thành hơi thở
cũng thổi không tan nỗi ngậm ngùi"
(tr. 45-46)

Rồi Huế của nhà thơ với những Cầu Bạch Hổ, cầu Tràng Tiền, Chợ Ðông Ba, hẻm Cầu Kho, hồ Tịnh Tâm, kiosque Lạc Sơn, quán cơm Âm Phủ...những nơi chốn đã hằn dấu biết bao nhiêu kỷ niệm của một đời người. Ở đó, đậm nét tình yêu. Ở đó, đời sống có vẻ lãng mạn dễ thương, thơ của Huế cũng có vẻ tinh nghịch của nụ cười hóm hỉnh:

"nhíu mày dòm trán đến chân
em ngoay ngoảy háy phủi quần bỏ đi
coi tề, tôi có lỗi chi
lỗi tại hột nút xuân thì sút ra "
"dụi hoài mắt nhận không ra
xanh cây xanh nước xanh tà áo bay
ánh lên trong cõi xanh này
lòng con mắt Huế sắp đầy đọa tôi "
(Cho Ta Giữ Một Chút Gì Thưa Huế, tr. 61).

Cả kỷ niệm / kinh nghiệm ngủ đò Huế, một đêm mưa trên sông:

" thút tha thút thít mưa hoài
lắc leo đèn úa sông dài bóng tôi
buông màn nghe cái tôi trôi
cùng vuông chiếu ố mồ hôi em nồng
em từ Ðại Lược Kim Long
thả đời theo những nhánh sông qua ngày?... "
(Ðò Em Vẫn Chở Nguyệt Hoa, tr. 73).

Nhớ về nơi chốn mà nhà thơ đã gửi lại một phần xương thịt của mình cho tổ quốc. "Mặt Trận Quảng Ngãi Ngày Xưa" rồi những Mộ Ðức, Nghĩa Hành, Thu Xà, ..., những chiến trường lửa khói, những đứt ruột quê hương những năm tháng miệt mài hành quân:

"... bây giờ Thi Phổ ơi Thi Phổ
ta đã ngã rồi, ngã quá lâu
trước khi xuất cảnh tìm đất sống
nhìn cõi hận xưa thương lẫn đau
bây giờ Thi Phổ ơi Thi Phổ
mười bốn năm dài biệt cách nhau
máu ta ngấm đất, tan trong đất
nên cảm được rằng em cũng đau"
(Chợt Nhớ Về Nơi Ngấm Máu Ta, tr. 100).

Nỗi nhớ còn có tên "Sài Gòn thủ thỉ gọi ta, nhiều khi ta nhớ xót xa Sài gòn"(tr. 107-109), bởi "những góc cạnh thủ đô vẫn còn trong tâm mạch" qua 19 đoạn thơ như 19 mốc nhớ (tr 110-114). Nhớ những lần đi hoang "khi ta vào tới Lăng Cha Cả / trời tối bụi mưa bén góc chân / mở báo che đầu tìm thuốc lá / nốc cốc cà phê nghẹn mấy lần ...", cả những lúc hưởng ... đời ở xóm Hòa Hưng, không trọn vẹn khi nghe tiếng pháo ròn rã:

"gặp em ở xóm Hòa Hưng
đang "đi" ta bỗng lừng khừng muốn thôi
sợ em lây cái bụi đời ?
đang lên cao độ tuyệt vời bỗng ngưng
thì ra thơ viết dở chừng
trở về phá trận tưng bừng pháo xuân"
(tr. 103).

Rồi tương tư theo bước chân tạt qua Lái Thiêu, Chợ Búng, tạt về Bến Tre" Rạch Miễu, Bình Ðại, Giòng Trôm...những Bậu và Qua: "bậu qua phà Rạch Miễu / qua lẽo đẽo theo sau / (...) bậu ơi trời dẫu rộng / nhưng đâu bằng nhớ nhung / sông rạch như gân máu / man man nỗi mặn nồng ...", từ nhung nhớ đến thốt lời: "ta may mắn được làm thi sĩ / nhờ đã phải lòng gái Bến Tre" (tr. 115, 121).

Thời gian đưa đến Cỏ Hoa Gối Ðầu (Miami FL: Sóng Văn, 1977), là tập thơ thứ 17. Cỏ hoa vì "Em là Hoa / thơ là hoa / và tôi, có thể, cũng là, biết đâu ... / một chùm, sống bám lẫn nhau / ngày xưa, hiện tại, mai sau / vẫn là / thơ là hoa / em là hoa / và tôi, có thể, đều là / phù du / phù du lộng lẫy phù du" (Hoa, tr. 9). Ðời lưu vong đó ghi dấu an nhiên của một người thơ thong dong với đời, như không tham vọng, sống thực hôm nay. Thơ tình của một người tự cho no đủ về tình nhưng vẫn vươn vói mê tình, mê đời. Quê hương và tình bạn chiếm phần còn lại. Và 10 năm ở Canada: "mười năm lớ ngớ không ngon giấc / co duỗi không qua khỏi cái giường / hít thở cầm hơi vài cơn mộng / Buồn ngấm, chừng như sắp thối xương ... " (Bài Kỷ Niệm Tròn 10 Năm Ở Canada, tr. 110).
Nỗi nhớ vẫn còn đó qua Châu Văn Tùng, người bạn thơ đã gắn liền với địa danh, khi nhắc đến Ðà nẵng là nhắc đến người bạn:

"tao sẽ chưa về thăm mày được
bởi vì, giản dị, thiếu tiền thôi
( ...) trái tim còn đập, còn thương nhớ
đợi mươi năm nữa có là bao
năm nay tao mới năm mươi tư tuổi
truyền thống ông cha thọ rất cao
gắng sống chờ tao lên chín chục
hồi hương, cụng chén, tán tào lao"
(Phúc thư Châu Văn Tùng Ðà nẵng, tr. 104& 106)

Nỗi niềm nhớ thương quê hương chất ngất đó khiến tiếng thơ của Luân Hoán vừa xa xôi vừa gần hủi, giản dị tự nhiên đến thân tình. Ðâu phải anh dụng ý làm thơ anh kể chuyện mà. Thơ Luân-Hoán chứa nhiều hình ảnh, nhân dáng, ngoài những người bạn thơ, đồng ngũ, bạn học, hai hình ảnh khác khá trội bật trong thơ ông là người mẹ và người chị. Về người chị, Luân-Hoán có hai bài thơ thật cảm động. Bài Xin Gởi Cho Em Vài Hạt Mưa:

"Mưa suốt ngày đêm suốt mùa đông
chị đang đúc bánh xèo phải không?
Chảo đen bột trắng bàn tay nhỏ
đổ hết lòng trên ngọn lửa hồng
(...) chị buồn còn hơn những hạt mưa
sầu hơn cổ nhạc tự ngàn xưa
nhớ thương em trốn vào thi khúc
sao chút lòng em vẫn cứ thừa... "
(CODDTT tr 39,40)

Bài Khiêng Nước gợi cảm hơn khi đi sâu vào vùng ký vãng:

"một cái thùng con con / một đọan tre nho nhỏ
chị thương chịu nặng hơn / lâu lâu hơi cau có
em đi trước run run / đồn nghiêng vì vai thấp
dốc đá vấp luôn luôn / thùng va vào sau gót
(...) ở đây trời đẹp lắm / sao chẳng hề thấy vui
chẳng phải vì em khổ / chợt nhớ nhà đó thôi
ước chi được nhỏ lại / như những ngày tản cư
cùng chị đi khiêng nước / bắt nòng nọc vọc chơi "
(NNCN tr 126-7).


Cuộc đời mới

Rời quê hương đã là một mất mát và quyết định ra đi đã là một khó khăn dứt khoát, cay đắng ngay từ bước đầu ly hương:

" từng người một xăn quần dở áo
thịt da vàng lở lói gì không
máu rất đỏ nhưng hồn bầm nhẫn nhục
thẹn đong đầy từng bước lưu vong
bữa cơm trưa quê người thứ nhất
có thịt gà trứng vịt khoai tây
cơm quá khô thầm chan nước mắt
nuốt nửa chừng, mửa lạnh bàn tay"
(4 Giờ Tại Phi Trường Thái Lan-NNCN, tr. 31-2)

Bắt đầu cuộc đời mới, như cõng trên lưng nỗi nhọc nhằn:

" ta cõng trên lưng cái thùng thật lớn
còn nặng hơn cái tấm thân ta
cố nghiến răng giữ cho khỏi ngã
mỗi bước chân chếnh choáng như là..."
(Nghề Nghiệp Mới, NNCN, tr. 74).

Tâm trạng lưu xứ thường u uất, yếm thế đó hiển nhiên nhất trong tập Ngơ Ngác Cõi Người:

..."Ta thẹn làm người tự do viễn xứ
ngó lại đời mình trùng điệp số không "
" cánh chim nào chợt bay qua
hồn chao động giọt mưa xa xót buồn "
" ta khuyên ta buổi sáng
ta dỗ ta buổi chiều
chớp mắt gặp ác mộng
đời cứ thế buồn thiu..."
(NNCN tr 104)

Trong tình huống không lựa chọn đó, nhà thơ hẹn sẽ về:
"... cúi xin cây cỏ đừng thổn thức
tôi sẽ trở về dù hóa ma" (NNCN tr 23).
Thê thảm nào hơn, dù có khi nhà thơ lẩn thẩn tự hỏi
..." ví như ta được thành ta nữa
thơ thẩn một đời lại thẩn thơ
bài thơ mai mốt ra sao nhỉ
có đỡ xót xa hơn bây giờ ?"

Một nơi rất xa quê, mà khoảng cách-ly chính trị, xã hội có thời rất là xa, nơi đó, nhà thơ nghĩ gì? sống ra sao? Hãy xem Ta Phỏng Vấn Ta, một bài thơ đặc biệt về hình thức thơ (- tiền thân của Tân hình thức, Rap !) lẫn nội dung tự phỏng vấn hỏi lấy mình:

" (hỏi: ) nghe đồn ngươi rất lè phè
nằm ngồi đi đứng cặp kè với thơ
lâu ngày lâm bệnh ngẩn ngơ
làm thơ đổi cái dật dờ đó chăng ?
(trả lời: ) cái ta có thể thưa rằng:/ ham chơi lười biếng, nói năng vụng về/ tĩnh khô mà gỉa như mê/ phơi thân che bóng đi về phất phơ/làm thơ là để phỉnh phờ/cái phần đã chết mà ngờ sống luôn/ làm thơ nhiều lúc như tuồng/ đi quanh một chặp giải buồn vậy thôi/ tình theo chữ thở trăm lời/ hồn theo tình mở một trời nguyệt hoa / làm thơ là để lân la/ chui từ cái nhớ chui qua cái buồn/làm thơ là để bình thường/ cái ta cứ thích đứng đường ngó em/làm thơ là để lênh đênh/ trên giòng rảnh rỗi chợt quên mất mình/ làm thơ là để làm thinh/im nghe ta tự tỏ tình với ta/ làm thơ là để dần dà/ trở thành ông thánh hóa ra ông khùng/làm thơ là sống ung dung/ để cho óc khỏi lùng bùng nôỉ điên/làm thơ là có đủ quyền/ ba hoa tưởng tượng đã ghiền mới thôi/với ta, thơ như bầu hơi/của hai lá phổi lôi thôi thở hoài/ ngày nào thơ chẳng lai rai/kể như ngày đó coi mòi muốn đau/ ..."

Nơi đất người, chốn bình yên, nhà thơ thấm thía cuộc sống Ngày Qua Ngày, tự thán, tự vọng:

"1. phải chi có con kiến / hay một hai con ruồi
ngồi nhìn chơi đỡ nhớ / đỡ lẩn thẩn ngược xuôi
ra đường mặt ngơ ngác / về nhà ngồi buồn xo
đắp mền nằm nghe nhạc / trong bụng đầy âu lo
thơ người đọc không nổi / thơ ta, ồ dở òm
hình ảnh thô, từ mộc / quờ quạng mãi phát nhàm
cúi đầu hoài đất mỏi / ngẩng mặt mây ủ ê
không người mà nghe gọi / ừ, thì mai ta về
2. ước chi có con muỗi / cho hút bớt máu buồn
ước chi ai gõ cửa / ta tặng đời ta luôn
bạn ,thằng vừa được job / tối mặt mũi kiếm tiền
đôi ba thằng lay off / lang thang làm thánh hiền
thùng thư ngày ngày rỗng / bóng mẹ mờ mịt mờ
nửa đêm mơ giài phóng / thở dài đến bao giờ ?
ngày qua ngày nhai lại / cơm thịt nuốt không vô
ngọn cây sầu xanh mãi / chùn bước đời ngựa ô"
(NNCN, tr. 42-43)

Luân-Hoán cho người đọc thơ những tường trình về cuộc sống thường nhật của ông, nào đi kiếm việc, đi làm, đi ngao du phố phường bằng xe buýt, "ngồi lê" các quán phở, tiệm ăn Việt Nam, Tây, rồi nào giặt đồ, dọn nhà, đám cưới con gái, v.v.
"Ngồi lê" ở quán phở Hòa, Mai, Huế, .. nghe tiếng hát Hoàng Oanh mà nhớ Sài-Gòn "vài trái ớt ít giọt chanh / vì cay hay nhớ long lanh lệ trào?" (NNCN tr 102)
Ði kiếm việc, mệt ngồi nghĩ bên đường: "lên đồ đi kiếm job / từ mờ sáng đến chiều / job nào cũng hứa gọi / mỏi chân ngồi đăm chiêu / (...) giữa giòng người qua lại / một mình ta nghỉ chân / lật bản đồ tìm tiếp / những đoạn đường phong trần ..." (Mỏi Chân Ngồi Bên Ðường Saint-Denis, NNCN tr. 71-2). Rồi không xa con lộ nghỉ, nhà thơ ta cũng tìm ra job: " ... sáng đi như đuổi ma, / chiều về như ma đuổi / người hai chân bôn ba / ta cẳng rưỡi giong ruỗi / cái bị nặng bên vai:/ bánh mì kẹp thịt nguội / trái pomme thay củ khoai / lon Seven-Up lạnh / lên bus, métro / đứng ngồi ta nhắm mắt / chẳng muốn thấy muốn nghe / còn gì sợ mất mặt?..." (Ði Làm Cu Li ở Ðường Iberville, NNCN, tr. 73).
Tìm được job, nhưng đến ngày Mùng Một Tết Ta, ở xứ người rơi vào bất cứ ngày nào, nhà thơ ta cũng phải ở nhà ăn Tết, job tạm bỏ một bên: "cho dù chúng có đuổi ông / hôm nay ông cũng ngồi không ở nhà / cho dù Tết chẳng ghé qua / vợ chồng con tụm đổi quà chúc nhau / mở chai rượu lạnh đã lâu / phá giới ông uống cho đầu óc quay..." (NNCN, tr. 82).

Cuộc đời mới với vai-trò xã hội, thứ bậc đổi thay như vừa nói qua cũng như đã thấy trong bài Ta Phỏng Vấn Ta ở trên. Còn job ngày ngày đưa con đi học: "Xe bus vàng sẽ đưa con đến lớp / sáng hôm nay trời ẩm ướt hơi mưa / cây còn lá nhưng đã buồn đôi chút / cỏ bên đường cũng chớm úa lưa thưa ..." (Theo Chân Lê Ngọc Hoàng Bách, NNCN tr. 62). Thiên nhiên, cảnh trí cũng đượm tâm tình con người đã "chớm úa lưa thưa". Rồi Giặt Áo Quần Cho Vợ, Luân Hoán đã viết những câu thơ nhân-sinh thật đẹp:

"trộn tình ta vào trong bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượn mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau
trông thau nước đục lờ những cáu bẩn
ta bỗng thương lớp bụi nổi màng màng
chúng là những nhọc nhằn em gánh chịu
nuôi chồng con dài năm tháng gian nan
vòi nước nhỏ chảy qua từng thớ vải
như chảy vào trong cùng tận lòng ta..."
(NNCN, trang 67).

Con người lưu đày với tật bệnh đời sống lại càng khó hơn và càng phải nhiều cố gắng. Nhà thơ nói đến Hạnh Phúc Ta của tình cảnh một chân: "ta đã từng nói trước / qua đây là bó tay / một chân làm sao chạy / theo cái đời lăn quay / ngồi không, ừ, sướng lắm / mỉa mai hoài làm chi / sống liều mạng vẫn sống / ta chừ có ra gì / và cơm cùng nước mắt / cúi mặt sợ em buồn / cổ ta không ai bóp / ăn bánh mì mắc xương ..." (NNCN tr. 51). Bi hoài hơn Tú Xương sông Vị ngày xưa !

Có lúc nhà thơ cũng liều xin vợ hiền tí tiền uống bia nuôi cái ngông buồn xa xứ, dĩ nhiên nào có được yên: "xin vợ dăm cents lẻ / dồn mua bia uống chơi / một mình ta một chiếu / xem ra vẫn thảnh thơi / bia chua hay bia đắng / nốc cạn cái cuộc đời / tại sao em đập chén / trong hồn ta em ơi / rảnh rỗi sao không viết / ngơ ngác cõi quê người / tiến lên thì bất lực / ngó lại hết đường lui / cái cần ta không đạt / cái đạt người không cần / lỡ tay đời thầy thợ / ước gì mọc lại chân / thì thôi, thôi cứ uống / không say thì gỉa say / hết bia còn nước lã / chơi cho đời biết tay"
(Một Chiếu, NNCN tr. 54).

Cuộc sống không bao giờ nguôi ngoai những trăn trở, âu lo: "... nợ nước nợ nhà chưa trả / sợ chi cái thứ nợ say / năm bảy chén sầu cạn sạch / mặt mày như thịt heo quay / rung đùi đọc thơ Nguyễn Bính..." (Bắt Chước Viết Hành Ca Lưu Vong, NNCN, tr. 98). Thơ tự nhiên, làm như "cuộc sống mình càng giàu khó khăn thì càng phải hành hạ chử nghĩa nhiều hơn" như nhà thơ có lần trả lời tạp chí Văn Học
(115, 11-1995, tr. 74).

Cuộc sống lúc nào cũng dày đặc nỗi lo sợ đánh mất con người thực của mình. Mới ba năm lưu xứ mà đã dài như lâu lắm: "ba năm lạng quạng xứ người / soi gương già khọm như mười mấy năm / thì ra sữa thịt lùi chân / trước anh địch thủ ngàn cân buồn phiền" (Thơ Mùa Xuân Con Rồng, NNCN, 106), vì từng ngày đã là những đoạn đường dài: "đêm dài dài dằng dặt / thức đái thức đái hoài / nước gì trong đôi mắt / thỉnh thoảng giọt giọt dài"
(Gọi Tên Bạn Bè, NNCN, tr. 58).

Sau ba năm ở Montréal, nhà thơ Nghêu Ngao Giữa Lòng Montréal chiếm một phần lớn số trang (tr. 34-118) của Ngơ Ngác Cõi Người, có thể xem là một kỷ lục. Luân Hoán đã thở vào đất đai, cây lá nơi ông đã chịu ơn. Hơi thở Việt Nam tìm được nơi "được cười được nói được than thở":

"đứng hát giữa lòng Montreal
trời xanh trời xanh trời quá xanh
có con chim nhỏ bay trong nắng
chở cả lòng tôi bay quẩn quanh
bỗng tưởng chừng như máu tim ta
đỏ hơn thời tù tội quê nhà
phải chăng chớm nở mầm vong bản
nhục nước phai vì bả vinh hoa
và tưởng chừng như Montreal
có ta cây cỏ càng thêm xanh
ba năm hồn rót vào thớ đất
góp cả buồn vui cho lá cành
và tưởng chừng như mây khói bay
có hơi ta tiếp nối vơi đầy
được cười được nói được than thở
không thể không yêu xứ sở này..."
(Nghêu Ngao Giữa Lòng Montréal, tr. 115-117)

Thấm thía cuộc đời xa xứ, với những bằng chứng vật lý của thời gian:

"Chiều thứ sáu về sớm hơn thường lệ
em ôm hôn như thuở mới yêu nhau
thua cháy túi riêng cuộc tình đúng lại
giữ cho lòng gắng đứng tiếp hôm sau
trong tha thiết vang lời em kunh ngạc:
ồ cái gì như tóc bạc, đầu anh
(...) không đâu em, chúng chính là đá trắng
đang xây dần phần mộ của riêng ta
hoa ngập nước lâu ngày đành phải rã
hồn ngấm sầu lâu quá phải phôi pha
luật trời đất có sinh có tử
sá chi ta mới chớm trổ sắc gìa
đời sống bám vinh danh gì nuối tiếc
kéo dài chi kiếp bỏ nước không nhà
(...) tóc chớm bạc nhưng hồn sầu đã bạc
xin nhẹ tay, ta nghe nhói cơn đau"
(Bạc Tóc, tr. 68-9)

Ðiệu buồn đến gần đây, 2003, vẫn còn đó, đậm hơn, sâu hơn, như trong bài Luận Về Nỗi Buồn ông gọi là "thơ viết chơi" đăng trên trang Luân-Hoán Internet:

"em muốn được xem nỗi buồn ta ?
nỗi buồn ta có từ hôm qua
cọng thêm chừng độ mươi năm trước
tưởng chẳng bao nhiêu hóa ra là...
(...) buồn là buồn là buồn, buồn, buồn
buồn tình nhập lại với buồn suông
hỡi ơi hạnh phúc ta giàu vậy
giàu vậy dại chi không dám buồn
em cầm đã được một làn hương ?"

Người đọc vẫn yêu thích những bài thơ tình của Luân-Hoán, là lãnh địa của chàng, nơi chàng trai xứ Quảng quen lời ăn tiếng nói, quen hành cử phóng túng tình tang! Nơi xứ người, ông vẫn đa tình, da diết, vẫn nhiều vần thơ cho tình, nhưng người đọc thơ tình ông thì lại như hụt hẫng, vì hình như thời gian và không gian của tình đã qua, đã không trở lại, nếu có chăng cũng không trọn vẹn, tự nhiên! Nhà thơ tình xứ Quảng, của Ðà Nẵng, sau 1985, Luân Hoán đã dệt những vần thơ lưu xứ đậm tình người, những điệu rất thơ, rất Việt Nam ở chỗ bi thương, những "lưu bút" đáng kể của một trang sử Việt ! So với trước 1975, đây là một thế giới thơ đứt đoạn. Nhà thơ thuộc thế hệ tị nạn tiếp sau thời những "người di tản buồn", rồi vốn đã lâu ăn ở trong ngôn ngữ dân tộc nhuần nhuyễn, nên chỗ đứng trên thi-đàn đã là điều hiển nhiên. Nếu "phân tích" hết các tác phẩm thơ thời sau của ông, giữa những chằng chịt tâm thức, tình cảm, người đọc sẽ tìm ra một xuyên suốt có tính sáng tạo, ở ngôn ngữ, tiết điệu, hình ảnh, ở cả lối kể lể có thể hiểu là "lắm lời" - oan khiên của nỗi nhớ và của đời xa! Thật vậy, ở văn chương gọi là lưu vong đó, cái thực hữu, cái thực sống, phải chăng chỉ là thế giới của ký-ức, của quá khứ ? Luồng điện ý thức đó đưa con người trở về quá vãng, đưa đến những tâm tình với hồn ma bóng quế, những con đường, góc phố đã đổi tên, đổi chủ. Tính thơ xuất hiện ở giữa những dòng chữ đó, xuất hiện từ ký ức và sáng tạo pha trộn. Mà thế giới cũng trở nên có ý nghĩa, nhờ chức năng của thi ca và sáng tạo! Nhà thơ có thành công hay không là ở tài truyền thông cái sáng tạo mới từ chất liệu hồn cũ này! Sống đời lưu xứ, đọc thơ Luân-Hoán như tìm tâm sự chính mình, vẫn là một cái thú tinh thần còn lại! Thành thử, cùng Cao Ðông Khánh và Du Tử Lê, Luân Hoán đã thành công biến Cõi Người Ngơ Ngác thành thơ và đưa tính thơ vào kiếp lưu vong ngày càng rời xa một vùng địa-lý và một trời quá khứ!

Nguyễn Vy-Khanh
11-2003
 
Lặng lẽ cõi người trong tranh Kao Văn Khánh
Dáng người thu lu, con mèo hoang ngơ ngác trong các bức tranh gam màu trầm của Kao Văn Khánh dễ chạm đến những góc khuất của tâm hồn. Ở tuổi 62, lần đầu tiên họa sĩ này có điều kiện thực hiện được triển lãm cá nhân.
23 bức tranh sơn dầu và bột màu tại triển lãm mang chủ đề Sống của Kao Văn Khánh được vẽ theo phong cách Biểu hiện – Hồn nhiên (Expressionist – Naive), giản dị và trong sáng như nét vẽ trẻ thơ, nhưng lại mang sức nặng một khối tâm sự của người từng trải qua sóng gió trong đời. Sống trong tranh của ông dường như là một cảnh sống khác, ở đó, những rườm rà, ồn ào, phức tạp và xô bồ đều được giản lược, chỉ còn lại tĩnh lặng và suy nghĩ.
Thấp thoáng là dáng người sống trên bãi rác ngồi nghỉ ngơi sau giờ làm việc mệt mỏi. Một người đàn bà cô độc bên hai con mèo gầy. Cô gái trẻ khoan thai chắp tay dõi theo cánh bướm nhỏ tung tăng… Những bức tranh của Kao Văn Khánh tỏa ra sự nhẫn nại và kiên trì thầm lặng trong dáng vẻ của các nhân vật.
Chỉ vài con người trong tranh Kao Văn Khánh có đặc trưng tương đối rõ ràng, còn lại, hầu hết là những khuôn mặt được miêu tả gần với phong cách trừu tượng. Trái với những khuôn mặt người nhạt nhòa, dáng vẻ như muốn thu gọn lại càng nhỏ càng tốt là những đôi mắt được đặc tả, mở to như muốn nhìn rõ hơn, sâu hơn vào cõi nhân gian.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM vào năm 1982, Kao Văn Khánh bước vào thế giới hội họa một cách tự nhiên và lặng lẽ. Hơn 20 năm qua, ông sáng tác hơn 300 bức sơn dầu, bột màu, theo một lối vẽ duy nhất. Là hội viên của Hội mỹ thuật Việt Nam, thỉnh thoảng khi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi ông đang sống và làm việc, có tổ chức triển lãm nhóm, ông đều mang tranh góp mặt. Những lần triển lãm tình cờ đã mang đến cho ông hai giải tặng thưởng của Hội mỹ thuật Việt Nam và kể cả việc bán được tranh.
Nhìn căn nhà đầy ắp tranh vẽ của ông tại thành phố Vũng Tàu, nhiều bạn bè khuyên Kao Văn Khánh nên thực hiện một triển lãm riêng để giới thiệu tranh rộng rãi đến với công chúng. Nhưng lần lữa mãi vẫn chưa làm được vì ông vẫn xem công việc chính của mình là mở lớp dạy vẽ tại nhà cho những học sinh chuẩn bị thi đại học kiến trúc và mỹ thuật. Còn sáng tác, với ông chỉ là cách thiền định tâm hồn.
Một lần, họa sĩ Dương Sen, người bạn thân của ông đã chụp ảnh các bức tranh của Kao Văn Khánh gửi đến phòng tranh Tự Do ở Sài Gòn. Chủ phòng tranh tìm đến nhà của Kao Văn Khánh tại Vũng Tàu và ngỏ lời giúp ông thực hiện triển lãm. "Lần đầu tiên có được một triển lãm riêng như thế này, với tôi là niềm vui quá lớn", họa sĩ tâm sự.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire