vendredi 15 avril 2016

Đọc truyện ngắn của Phạm Thành Châu với tác phẩm Hứa Thôi, Ông Bạn Đồng Môn và Lá Số Tử Vi.

Gâǹ ngày kỷ niệm đau buồn của đất nước Việt Nam, tôi bắt gặp bài viết với cái giọng văn miền Trung ngộ nghĩnh pha tiếng nam, nên xin được lưu lại bài viết này nơi đây để quý anh chị đọc cho biết.

Người nào đã đi qua nhiều đau khổ tù tội và khi thóat ra khỏi cảnh đó mà còn tìm được niềm vui qua những câu chuyện cũ thành mới thật đám khâm phục.

Ai trong chúng ta cũng biết mỗi người đều có số phận của mình, ít ai thoát được, nhưng có lẽ trong giấy nhà trời, cái thoát đó có thể do chính bản thân mình muốn và hành động theo lối suy nghỉ của chính chúng ta.

Caroline Thanh Hương.

 
Afficher l'image d'origine

  


Hứa Thôi - Ông Bạn Đồng Môn


 


        Quí đồng môn khóa Đốc Sự 13 ắt còn nhớ ông bạn Hứa Thôi? Có người biết rõ hiện nay, Hứa Thôi ở đâu, nhưng tôi vẫn nhắc đến vì nhiều người khác chưa biết Hứa Thôi hiện nay ở đâu? Tôi xin kể dài dòng về anh ta để quí vị giải trí trước khi đi vào  “chủ đích” của bài nầy. Hứa Thôi quê ở Hội An, tôi cũng ở Hội An, lại học cùng trường Trần Quí Cáp. Hứa Thôi khóa Đốc Sự 13, tôi khóa 14.


         Không rõ sau khi tốt nghiệp Hứa Thôi làm ở đâu, nhưng sau nầy  “nghe đồn” anh ta làm ở Quảng Trị. Anh ta về Hội An cưới vợ rồi  “ôm vợ miết”, không chịu ra lại Quảng Trị làm việc. Ông nào đã từng cưới vợ ắt biết lý do anh ta không chịu rời vợ và quí ông thông cảm cho anh ta, nhưng ông Tỉnh trưởng Quảng Trị không thông cảm nên trả anh ta về Bộ Quốc Phòng.


         Năm 1972, tôi đi Thủ Đức khóa 1/72. Sau mấy tuần huấn nhục, tôi được đeo  “con cá” trên cầu vai, thành  “sinh viên sĩ quan”, không còn là  “tân khóa sinh” nữa. Một lần, tôi được cử đi làm  “huynh trưởng”, nghĩa là đi hướng dẫn một trung đội khóa  “đàn em" (tân khóa sinh) mới nhập trường. Không hiểu trường Võ Bị Đà Lạt có hành đàn em không chứ trường Thủ Đức thì đàn anh gặp  “tân khóa sinh” đi lớ ngớ là phạt trắng máu. Giống hệt chế độ bà gia với nàng dâu thời xưa, các huynh trưởng trước đây bị đàn anh phạt thế nào thì nay phạt đàn em y hệt. Chẳng phải trả thù mà mục đích luyện cho người quân nhân chỉ biết thi hành lệnh cấp trên, không được  “ý kiến, ý cò”. Vì thế mà tân khóa sinh sợ huynh trưởng như sợ cọp. Gặp huynh trưởng chào mà không dám nhìn, cứ nhìn thẳng phía trước.


         Bữa đó tôi đưa trung đội tân khóa sinh xuống nhà bàn (nhà ăn) đi ăn cơm. Tôi chợt thấy trong trung đội có Hứa Thôi. Anh ta cao và đeo kiếng cận dày như cái đít chai, thấy là nhận ra ngay. Khi đến nhà ăn, làm đúng cương vị đàn anh, phải la hét muốn bể làng bể xóm, tôi to tiếng  “Anh mắt kiếng kia, bước ra khỏi hàng!” Hứa Thôi giật mình thất sắc. Đàn anh bắt ra khỏi hàng là có chuyện, không nhảy xỏm cũng hít đất, mà lại vào giờ ăn nữa, kiểu nầy đói là cái chắc! Anh ta vẫn đứng trong hàng, hi vọng một tên mắt kiếng khác bước ra. Tôi nạt tiếp  “Anh kia! Nghe rõ không? Bước ra khỏi hàng”.  Hứa Thôi ríu tíu bước ra khỏi hàng, đứng thẳng đơ, nhìn thẳng phía trước (nhìn huynh trưởng là bị phạt ngay). Tôi cho trung đội vào nhà ăn rồi ra trước cửa có Hứa Thôi đang đứng thẳng đơ  “chờ lịnh”. Tôi hô  “Trước bước!” Anh ta đi trước, tôi đi sau. Sau khi  “Trái bước!”,  “Phải bước!”...Hứa Thôi cứ thế mà bước, đi xuống khu sinh hoạt, là nơi gia đình quân nhân các đơn vị cơ hữu của trường Thủ Đức ở, họ có bán thức ăn, cơm, cà phê, tạp hóa... Đến trước một tiệm ăn, tôi hô  “Nón xuống” (vô nhà phải bỏ nón xuống)  “Trước bước” (bước vô quán) Tôi hô  “Ngồi!” Anh ta hô  “Xuống” và ngồi xuống mắt vẫn nhìn thẳng. Tôi ngồi đối diện  “Biết tao không mầy?” Hứa Thôi lúc đó mới nhìn tôi. Anh ta chửi thề tôi ỏm tỏi vì đã làm anh ta một mẽ sợ. Sau khi hoàn hồn, anh ta mới cười khoái chí vì được tôi đãi nhậu một bữa. Tân khóa sinh không được đi linh tinh, nói gì xuống khu sinh hoạt, trừ khi có đàn anh đưa đi, vì đi một mình thì bất cứ đàn anh nào cũng có quyền kêu lại  “phạt chơi”, như một dịp giải trí. Thế nên trong thời huấn nhục, tân khóa sinh chỉ lấy nhà bàn làm chuẩn, cá mối với trứng luộc muôn năm.


         Sau bữa đó thì tôi không còn làm huynh trưởng trung đội của Hứa Thôi nữa và vì phải đi bãi (ra bãi tập) hoài, chẳng có thì giờ thăm nhau, nên chẳng biết anh ta đi đâu, làm gì? Xem thế thì quí vị cũng biết, tình bạn giữa tôi với Hứa Thôi cũng chẳng thắm thiết, thân ái bao nhiêu.


         Năm 1975, sập tiệm, tôi đi tù. Ra tù, tôi ở lì tại Sài Gòn. Khoảng năm 1985, tôi về Hội An thăm nhà. Lúc xuống xe ở bến xe Hội An, nhiều ông xe thồ vây quanh, nhao nhao  “Dề đâu anh?” Trong số đó tôi thấy Hứa Thôi. Chúng tôi nhận ra nhau. Hứa Thôi cười hắc hắc, vẫn mi mi, tau tau như thời còn đi học. Sau đôi kiếng cận dày như đít chai, đôi mắt anh ta vẫn tràn ngập niềm vui gặp bạn và coi bộ vẫn yêu đời, đúng ra phớt lờ cuộc đời, phớt lờ mọi sự. Chúng tôi kéo nhau vào một quán nước ngồi chuyện trò.


         Sau đó tôi (lại) không biết Hứa Thôi ra sao? Khi đi HO cũng không biết Hứa Thôi có qua Mỹ không? Hỏi ai, cả đến bạn bè gốc Hội An cũng không biết! Hôm tháng 6 - 2008, tôi qua Cali. gặp mấy ông  “dân Hội An”, mấy ông khóa Đốc Sự 13, hỏi Hứa Thôi, ai cũng ú ớ, không biết anh ta đã vô Sài Gòn hay đi đâu mà ai cũng không gặp.


         Tháng rồi, có một ông đồng hương gọi điện thoại chuyện trò. Hóa ra ông ta biết cả địa chỉ, điện thoại của Hứa Thôi nữa. Tôi không gọi điện thoại cho Hứa Thôi, vì sợ phiền chủ điện thoại, nhưng vội vã ra chợ Eden (Virginia), gửi cho anh ta 100 đô la với lời dặn, đừng gọi điện thoại hay viết thư cám ơn tốn tiền vô ích. Tôi có được cái biên nhận anh ta đã nhận được tiền là đủ rồi.


         Bây giờ thì quí vị đã biết được chủ đích của mấy giòng nầy của tôi rồi. Vợ chồng già, lại cận thị, con cái chắc gì nuôi nỗi bản thân chúng, làm sao giúp đỡ cha mẹ được!



Hứa Thôi

 83/10 đường Năm Châu, Phường 11

 Tân Bình, TP Hồ Chí Minh Việt Nam.

Điện thoại 848 - 297 - 4017.


        Năm hết tết đến. Thưa quí đồng môn, đồng khóa, đồng hương...mong quí vị gửi về cho Hứa Thôi một món quà nhỏ. Gom lại thành niềm vui lớn cho gia đình Hứa Thôi.



Phạm Thành Châu

ĐS14
Afficher l'image d'origine

Tin Hay Không Tin??? Lá Số Tử Vi – Phạm Thành Châu

Tin Hay Không Tin??? Lá Số Tử Vi – Phạm Thành Châu


Bạn tin có số mạng không? Người không tin, quạt lại “Mấy thầy tướng số có biết được tương lai bản thân mấy thầy không? Hay chỉ nói phét kiếm tiền?” Người tin với người không tin, cãi nhau, có bao giờ ai chịu thua ai!


Nay tôi xin kể, một chuyện về chính bản thân tôi, để nhờ bạn phán xét, rằng con người có số phận hay không?


Ông nội tôi là người cựu trào. Sách chữ nho ông để đầy một tủ. Ông là người nghiện sách nên suốt ngày cầm quyển sách trên tay. Khi về hưu, ông tôi làm thầy thuốc nam, thuốc bắc kiêm cố vấn cho bà con chòm xóm trong các vụ quan hôn tang tế. Ai bịnh hoạn đến mời ông tôi bắt mạch, hốt thuốc, người nào có ý xây dựng gia đình cho con cháu cũng đến nhờ ông tôi xem tuổi có hạp không, hậu vận có khá không? Hoặc có người thân vừa qua đời cũng đến thỉnh ý về ngày giờ động quan, xem hướng mồ mả. Ngay cả khi sinh con, họ cũng đến nhờ ông tôi một lá số để biết tương lai đứa bé ra sao?


Dĩ nhiên con cháu trong nhà, ông tôi đều chấm cho mỗi người một lá số, hễ người nào gặp một biến cố gì lớn trong đời, ông tôi lại đem lá số đó ra chứng minh. Ngay cả chuyện bố tôi mất tích, ông tôi cũng đã phân tích sẵn trong lá số của bố tôi nhưng không nói ra trước mà thôi.


Bố tôi là con út của ông tôi, tôi lại là con út của bố tôi, là đứa cháu trai nhỏ nhất trong gia đình nên trong nhà, tôi được coi như ông hoàng con, muốn gì được nấy.


Thời Pháp thuộc, bố tôi làm “Jeunesse,” là làm việc làng nhàng gì đó ở Ty Thanh Niên, Thể Thao của thị xã. Ðến thời kháng chiến chống Pháp, bố tôi theo kháng chiến và mất tích. Khi kháng chiến bùng nổ thì mọi người phải tiêu thổ và tản cư về vùng nông thôn, ít lâu sau hồi cư về lại thành phố.


Ðó là một thị trấn miền biển, cách Nha Trang không xa lắm. Khi lên trung học, tôi ra Nha Trang học đệ Nhị và đệ Nhất trường Võ Tánh, vì thị trấn tôi ở không có trường trung học đệ nhị cấp.


Trở lại cái lá số của tôi, ông tôi chấm rất kỹ, nhưng hình như có điều gì khác lạ nên thỉnh thoảng ông lại đem ra chiêm nghiệm, rồi giở sách ra nghiên cứu với vẻ trầm ngâm, suy tư lung lắm. Hễ nghe ai có tài chấm tử vi thì ông tôi lại đem lá số của tôi, tìm đến, nhờ xem giùm, rồi hai người lại bàn cãi, lý luận rất sôi nổi nhưng rốt cuộc cũng chịu thua, không biết có trục trặc ở chỗ nào mà tìm không ra?! Sở dĩ tôi biết được như thế là vì mỗi lần có bạn bè đến, khi bàn chuyện sách vở đông tây, kim cổ, ông tôi thường đem lá số của tôi ra làm đề tài về sự huyền bí của văn minh cổ của người Tàu. Tôi vốn không tin ở số mạng nên chẳng bận tâm.


Ðến năm tôi lên trung học thì ông tôi đã trên tám mươi, tuy là người tri thiên mệnh, nhưng ông tôi vẫn bồn chồn, ưu tư cho thằng cháu út, nên một hôm, ông gọi riêng tôi và bảo “Ông đã chấm cho con một lá số, theo như lá số, sau nầy, con có thể làm đến nhất phẩm triều đình, xưa gọi là tể tướng, tướng quốc, nay thì tệ ra cũng làm thủ tướng chính phủ, nhưng ông vẫn thấy có sự bất thường nào đó trong lá số?!”.


Tôi đáp cho vui lòng ông tôi “Không thủ tướng thì bộ trưởng cũng được, ông đừng lo cho con”. Ông tôi cười “Người ta nói, số phận an bài, đâu có kèo nài, thêm bớt được.” Tôi hỏi “Như vậy tương lai của con ra sao?” Ông tôi trầm ngâm “Cái số của con thì luôn luôn được may mắn, đi thi là phải đậu, có dịp là làm lớn ngay, không phải leo lên từng cấp bậc một. Giống như thời Chiến Quốc bên Tàu, mấy ông nho sĩ, từ cùng đinh nhảy lên tướng quốc vậy. Nhưng lá số của con có điểm mờ ảo nào đó mà ông vẫn chưa tìm ra. Dù sao thì cổ nhân có dạy “Ðức năng thắng số” sau nầy, con nên nhớ, phải cố mà giữ cho vững cái đạo của người quân tử…”. Tôi tò mò “Con thấy, chỉ cần học giỏi là làm lớn. Phải không ông?”. Ông tôi lại cười “Người xưa nói rằng ‘Nhất mệnh, nhì vận, tam âm công, tứ phong thổ, ngũ độc thư’… Ý là số phận con người còn phụ thuộc rất nhiều vào mồ mả và phước đức ông bà, tổ tiên để lại, chứ còn chuyện học hành, cố cho lắm mà không gặp thời vận thì cũng chỉ là tên cuồng nho, mọt sách mà thôi. Xưa nay có biết bao người dốt mà làm nên sự nghiệp”.


Chuyện dốt mà làm lớn, sau nầy tôi mới thấy, nhưng lúc đó tôi không tin, nhưng tôi vẫn hỏi để tỏ vẻ chú ý lời ông tôi dạy bảo “Vậy nhà mình có âm công phong thổ gì không ông?”. Ông tôi có vẻ hào hứng lắm “Về mục âm công, phong thổ thì ông đang tiến hành đây. Ông đã tìm được một cuộc đất rất tốt. Ông đã xây sẵn một sinh phần (huyệt mộ), hễ ông nhắm mắt thì đem quan tài đến đó, bỏ xuống, lấp đất lại là xong, và cứ thế mà chờ cho đến khi mộ ông kết phát…


Mấy hôm sau, ông tôi dẫn tôi đi xem cuộc đất, là nơi ông sẽ yên giấc ngàn thu. Huyệt mộ nằm trên một sườn đồi, hướng ra biển.


Ông tôi rất vui khi giải thích cho thằng cháu nội sáng giá của ông nghe nào long chầu, hổ phục ra sao, đặc biệt, huyệt mộ nằm ngay hàm của con rồng, chỉ chờ bão tố hoặc sóng thần, nước tràn lên, đất sẽ sụp lỡ, đổ ụp lên mộ, vậy là coi như con rồng đã ngậm miệng lại, lúc đó, con cháu mặc sức mà phát vương, phát tướng. Tôi làm như chăm chú và thích thú lắm để ông tôi vui lòng chứ sự tin tưởng chẳng có bao nhiêu.


Từ nhỏ đến lớn, việc dạy dỗ, học hành của anh chị em tôi trong nhà đều do ông tôi lo. Mẹ tôi phải buôn bán, làm ăn, không có thì giờ, vả lại bà rất thương yêu, chìu chuộng chúng tôi, chẳng nặng lời bao giờ nên khi ông tôi mất thì tôi như ngựa không cương, mặc sức lêu lổng, chẳng ai quản lý được cả. Ði học về là vất sách vở, nhào ra sân đá banh, đá banh chán, xuống sông tắm. Buổi tối, ăn xong là xách cây đàn guita đến nhà mấy đứa bạn hát hò, rên rỉ, nỉ non mấy bài hát mà Duy Khánh, Chế Linh thường hát.


Ðến khi đi thi tú tài một thì trong bụng tôi không có một chữ để làm “hành trang ứng thí”. Sách vở, từ đầu niên học cho đến cuối năm, bài nào tôi cũng thấy mới tinh! Con người khi gặpkhó khăn, không biết giải quyết cách nào mới nghĩ đến những đấng vô hình, năn nỉ cầu xin quí vị đó cứu giúp. Tôi tuy không tin những chuyện mơ hồ, nhưng sẵn có lá số tử vi mà ông tôi chấm cho nên tôi giao trách nhiệm thi cử cho ông tôi đảm trách, dù ông tôi không còn trên cõi đời nầy nữa.


Tôi vẫn tiếp tục lười biếng, tiếp tục ca hát một cách vô tư như con “Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè…” trong thơ ngụ ngôn của ông La Fontaine. Nhưng đến nhà bạn bè thì đứa nào cũng bận học thi và cha mẹ chúng thường đuổi khéo tôi, nên tôi về nhà hát một mình, đi cà lơ thất thểu ngoài đường phố, đến khuya, về nhà lăn ra ngủ… Thực tâm, tôi cũng muốn học như bạn bè, nhưng bài nhiều quá, học sao cho xuể? Thế là tôi đem tất cả sách vở, tài liệu để lên bàn thờ ông nội tôi, thắp nhang rồi quỳ xuống, long trọng khấn vái “Ông nội chỉ cho con bài nào sẽ ra trong đề thi, con không có thì giờ học hết”. Khi ngẩng lên, nhìn ảnh ông tôi, quả nhiên tôi thấy hình như ông tôi mỉm cười, vậy là tôi yên tâm.


Mỗi môn học, tôi lấy quyển sách hay quyển vở, vái ông tôi mấy vái và giở ra, độ năm bài, theo kiểu tình cờ và tôi chỉ học có năm bài đó thôi. Môn học nào tôi cũng làm như thế. Vậy mà đi thi, tôi trúng tủ, đậu bình thứ. Bạn bè thán phục. Chúng biết tôi đã dốt lại lười, mà đậu bình thứ, trong khi có nhiều đứa thức khuya dậy sớm, học ngày, học đêm, mặt mũi xanh lè vì mất ngủ mà vẫn rớt!? Chúng thắc mắc, tôi phét lác “Sang năm, tú tài hai, tao sẽ đậu tối ưu cho tụi bây coi”. Năm sau, thi tú tài hai, tôi vẫn mững đó mà làm. Tôi tin ở lá số tử vi của ông tôi đã chấm cho tôi – thi đâu đậu đó – và tin nhất là ông tôi vẫn ở bên tôi, phù hộ tôi, dù tôi không thấy được ông. Thi tú tài hai gồm hai đợt, đậu thi viết mới vào thi vấn đáp. Thi viết thì tôi vẫn trúng tủ, nhưng thi vấn đáp, môn vạn vật, tôi bị kẹt.


Số là, khi vào vấn đáp, giám khảo thường để sẵn một số câu hỏi trong hộp nhỏ, thí sinh bốc trúng câu nào trả lời câu đó. Ông giám khảo môn vạn vật nầy nghe nói khó tính lắm. Lạng quạng là ông ta đuổi ra và nói “Anh về học lại, sang năm đi thi. Tôi cho anh không điểm”. Buổi sáng đó, tôi để cho mấy đứa vào thi trước. Ðứa nào thi xong, bước ra, mặt cũng méo xẹo, khiến tôi mất tinh thần, bụng đánh lô tô, miệng cứ lẩm bẩm kêu cứu ông nội tôi phù hộ, độ trì. Tôi giở mấy bài tủ ra coi lại, kiểu nhứt chín nhì bù. Ðến khi không còn đứa nào nữa tôi mới rón rén bước vào. Ông giám khảo nầy trẻ nhưng coi bộ hắc ám.


Mặt hầm hầm như sắp bợp tai thằng thí sinh ngồi đối diện. Tôi trình thẻ học sinh, ông không thèm nhìn, chỉ tay vào cái hộp nhỏ đựng câu hỏi. Tôi thò tay bốc một câu, mở ra thấy “Tại sao ban đêm, không nên ngủ dưới tàng cây?”. Tôi trình câu hỏi cho ông ta. Ông ta bảo “Nói đi!”


Tôi lặng người! Câu hỏi, tôi nghĩ, không có trong sách vạn vật chứ đừng nói trong những bài tủ của tôi. Trong đầu tôi, hoàn toàn không có một chút ý niệm về chuyện đó, nó sạch bóc như tờ giấy trắng. Tôi biết rõ là vong linh ông nội tôi đang ngồi bên cạnh, nhưng chắc chắn ông tôi cũng lắc đầu, thở dài vì vô phương! Thấy tôi cứ ngồi đực ra, ông giám khảo lại nhắc “Nói đi!”. Tôi khiếp quá, tự nghĩ nên nói một câu gì đó cho không khí bớt căng thẳng, chứ hột vịt thì chắc chắn tôi đã có sẵn rồi.


Bỗng nhiên tôi liên hệ bản thân và nói “Thưa thầy, ban đêm không nên ngủ dưới tàng cây, vì khi ngủ dậy người uể oải, khó chịu!”. Ông ta ngẩng lên nhìn tôi “Sao anh biết?”. Tôi phấn khởi “Thưa thầy, buổi tối, em thường đem ghế bố ra sân ngủ, dưới mấy cây vú sữa, sáng dậy, thấy hơi mệt mõi trong người.”


Ông ta lại nhìn tôi, mặt lạnh tanh “Ðây là khoa học thực nghiệm chứ không phải khoa học huyền bí. Anh phải chứng minh bằng công thức đàng hoàng. Anh biết khí ốc xi không? Anh biết cạt bô níc là gì không? Viết công thức ra xem?”. Tôi gãi đầu, ốc xi thì tôi viết được, cả đến khí cạt bô níc tôi cũng viết được nữa, nhưng công thức viết thế nào?


Thấy đã mớm ý cho mà tôi vẫn ngồi ngẩn ngơ như người thất tình, ông giám khảo mở to mắt, ngạc nhiên, có lẽ nghĩ rằng ông đang gặp phải người ngoài hành tinh, gì cũng không biết!


Ông cầm thẻ học sinh của tôi lên, đó là cách đuổi lịch sự. Bỗng nhiên ông nhìn vào thẻ học sinh và hỏi “Anh học vạn vật với thầy nào?”. “Thưa thầy, em học với thầy Ðồng Ðen.”


Nói xong tôi mới biết mình hớ, biệt danh của các thầy cô là chỉ bọn học trò dùng với nhau để phân biệt thầy cô nầy với thầy cô khác, đây lại đem ra nói với ông giám khảo của mình, đúng là tội phạm húy! Ông giám khảo trao tôi thẻ học sinh và bảo “Gặp thầy Ðồng thì thưa với thầy là thầy Bình gửi lời thăm. Tôi cho anh bảy điểm. Còn người nào ngoài kia thì bảo họ vào ngay. Gần hết giờ rồi!”. Tôi thưa “Thưa thầy, em là người chót”. Ông giám khảo nhìn lại danh sách và gật đầu. Tôi cúi chào ông ta và đi thụt lùi ra khỏi phòng.


Bạn thử tưởng tượng xem, tôi như một người đang bị đày xuống hỏa ngục, đời đời bị lửa đốt, đau đớn mà không thể chết được, rồi thình lình có ông Phật, ông Thánh nào đó cứu ra khỏi hỏa ngục, còn cho lên thiên đường ở nữa. Trước đó, chỉ năm phút thôi, tôi thấy ông giám khảo sao ác ôn quá, ngay sau đó lại thấy ông ta hiền từ như ông Phật!


Sướng sao đâu! Tôi sướng đến độ cứ tưởng mình đang bay lơ lửng, tưởng như mình nằm mơ.


Năm đó tôi đậu tú tài hai, mà đậu vớt mới đã! Ðúng như ông tôi nói “Thi đâu đậu đó!”


Cũng chưa hên bằng kỳ thi vào trường Hành Chánh của tôi sau nầy. Tôi vào Sài Gòn học Luật và học cả Văn Khoa nữa. Sau thấy trường Hành Chánh tuyển sinh viên ban Ðốc Sự, tôi cũng nộp đơn, nghĩ rằng sau nầy mình làm lớn (?!), phải thông thạo luật lệ và rành về hành chánh. Muốn thi vào trường nầy, tối thiểu phải biết luật Hiến Pháp.


Bài bình luận chính trị có đủ điểm, trường mới chấm đến các môn thi khác. Vì tin tưởng ở lá số tử vi của mình nên tôi chả thèm để ý đến chuyện bài vở.


Một buổi tối, đi coi xi nê về, tiện tay, tôi mua tờ báo Chính Luận, về nằm đọc chờ giấc ngủ. Khi giở trang trong, tôi thấy bài luật Hiến Pháp của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông.


Không biết xui khiến sao, tôi lại học thuộc bài báo nầy, thuộc từ dàn bài đến từng chữ một. Quả nhiên, mấy hôm sau đi thi, tôi lại trúng tủ, tuy đề thi có hơi khác. Bạn nào học khóa 14 ban Ðốc Sự, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ắt còn nhớ rõ đề thi đó. Mà bạn biết thi vào trường Hành Chánh khó cỡ nào không?


Năm tôi thi tổng số hơn sáu nghìn sĩ tử, chen nhau một trăm chỗ ngồi, trong một trăm chỗ đó lại ưu tiên lấy mười sinh viên sắc tộc, mười sinh viên nữ, còn lại chỉ có tám mươi chỗ. Nếu tính tỷ lệ thì còn khó hơn thi tiến sĩ thời xưa nữa. Hên cỡ đó bảo sao tôi không tin tưởng vào lá số tử vi của mình được?


Sau bốn năm đèn sách, tôi ra trường, nhưng học dốt quá nên đội sổ (đứng chót). Khi chọn nhiệm sở, mấy đứa học giỏi chọn trước, còn lại mấy tỉnh khỉ ho cò gáy ở miền giới tuyến và trên cao nguyên cho mấy thằng cầm đèn đỏ, cỡ như tôi.


Tôi về địa phương lãnh một chức phó quận ở một quận miền núi. Ngồi trong quận đường nhìn ra chỉ thấy đồng bào Thượng, nhìn xa hơn nữa là núi cao rừng rậm, thỉnh thoảng nghe vọng về tiếng máy bay, tiếng bom đạn… Vì tin tưởng ở lá số tử vi của mình nên tôi không bao giờ buồn chán. Tôi rất cẩn thận trong cuộc sống cũng như trong công vụ. Tôi đóng đúng vai một ông quan thanh liêm, luôn thương yêu, giúp đỡ đồng bào trong quận. Nói “ông quan thanh liêm” cho oai chứ chức phó quận đâu có quyền hành gì, hơn nữa bọn trẻ chúng tôi đều có lý tưởng, chỉ nghĩ đến hai tiếng tham nhũng đã xấu hổ với mọi người rồi.


Tôi còn nghiêm khắc với chính mình. Tôi không bao giờ nhìn đàn bà, con gái dù các cô gái Thượng đã đẹp lại để ngực trần, căng cứng, nhởn nhơ đi trước mặt. Tôi cũng không rượu chè, cờ bạc bao giờ. Chẳng phải tôi thánh thiện gì, nhưng nghĩ đến tương lai sáng lạn (!?) tôi chả dại mà để cho bọn đối lập sau nầy mang đời tư của tôi ra mà bêu riếu.


Thời gian trôi qua, tôi bắt đầu sốt ruột, không hiểu phải bao lâu nữa tôi mới ngồi vào cái ghế tể tướng (thủ tướng)? Nếu cứ làm việc ở nơi hẻo lánh nầy mãi, thiên hạ làm sao biết tôi mà mời tôi ra chấp chính?! Rồi thì tôi được lệnh đi học lớp sĩ quan Thủ Ðức.


Tôi rất hài lòng khi nghĩ rằng, khi tốt nghiệp sĩ quan quân đội, tôi là người “văn võ toàn tài,” sẽ không mặc cảm khi (làm lớn) phải chỉ huy mấy ông tướng lãnh.


Mãn khóa sĩ quan, tôi được trả về nhiệm sở cũ. Tỉnh điều tôi về làm trưởng ty công vụ tòa hành chánh tỉnh, là ty chuyên việc quản lý hồ sơ, điều động cán bộ, nhân viên trong tỉnh. Tôi nghĩ bộ máy huyền bí của định mệnh bắt đầu chuyển động và con đường công danh, sự nghiệp của tôi đã mở ra một cách thênh thang đây rồi. Không ngờ ngồi chưa nóng đít ở cái ghế trưởng ty thì xảy ra vụ sập tiệm năm bảy lăm, tôi chạy thẳng một mạch vô tới Sài Gòn rồi chui vô cái rọ tù cải tạo của việt cộng.


Khi có thông cáo tập trung cải tạo, Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn ghi rõ là đem một tháng tiền ăn. Ai cũng tưởng học tập một tháng rồi về nên hăng hái xin đi học tập, chen nhau vô cổng (tù) đến độ bộ đội phải bắn súng để giữ trật tự. Ðến chiều hết giờ, nhiều người ở ngoài cổng, chưa vào kịp, phải trải chiếu nằm ngủ, chờ sáng mai được vô tù sớm! Nơi trình diện học tập, cải tạo là các trường học Gia Long, Trưng Vương, Don Bosco (?)…


Ai cũng tưởng sẽ học ở đó, không ngờ mấy hôm sau, lúc nửa khuya, bộ đội dựng đầu dậy, lùa ra xe tải, chở đi. Xe nào cũng có bộ đội, sát khí đằng đằng, súng lăm lăm chỉa vào mấy cậu ngụy, khiến mấy cậu chới với. Xe tụi tôi được đưa lên Làng Cô Nhi Long Thành, có tên mới là trại cải tạo 15 NV.


Trước đây, làng cô nhi nầy nuôi bọn trẻ mồ côi, khi tụi tôi lên thì bọn trẻ biến đâu mất cả, có lẽ đã cho tan hàng. Trại gồm hai dãy nhà dài, mỗi dãy có sáu căn, giống như sáu dãy trường học. Bọn tù được nhốt mỗi dãy khoảng trên ba trăm tù. Lúc đông nhất, cả trại có trên bốn nghìn tù.


Giai đoạn đầu, tù được thong thả, ăn xong thì làm bản tự khai, nghĩa là khai gia phả ba đời, khai làm chức vụ gì cho Mỹ, Ngụy, đã phạm tội ác gì với cách mạng và nhân dân… Khai xong nộp cho đội trưởng, đội trưởng (cũng là tù) nộp cho nhà trưởng, nhà trưởng (cũng là tù) nộp cho cán bộ quản giáo phụ trách. Ngoài việc tự khai còn lên hội trường nghe cán bộ chửi Mỹ, Ngụy rồi về làm thu hoạch, nghĩa là tù cải tạo cũng chửi Mỹ, Ngụy, càng giống cán bộ càng tốt. Buổi tối thì học hát, những bài hát cách mạng, cũng chửi Mỹ, Ngụy…


Mấy cậu ngụy ngồi hát say sưa, tưởng như bọn Mỹ, Ngụy nào đâu chứ không phải mình! Hát bài “Chiếc Gậy Trường Sơn,” bài “Bác Đang Cùng Chúng Cháu Hành Quân” cũng hả họng hát một cách vô tư, cũng căm thù, cũng tình cảm lai láng như mình là bộ đội, cán bộ Việt Cộng vừa chiếm được miền Nam và đang làm thịt quân dân cán chính miền Nam để trả thù… Mấy tên tù nầy đóng kịch, ra điều ta đây giác ngộ cách mạng để đánh lừa cán bộ coi tù, vì biết ngoài cửa nhà tù làm gì cũng có cán bộ rình.


Ðúng y bon, một lần bọn tù chúng tôi hát bài “Giải Phóng miền Nam,” đến câu “Vùng lên, nhân dân miền Nam anh hùng…” thì cán bộ Hai Sự, phụ trách dãy A, thình lình xuất hiện ngoài cửa, nạt vào “Dẹp, không được hát bài ấy nữa. Miền Bắc không anh hùng sao? Cấm hát. Ai hát bài ấy, tôi cùm đầu!”


Vào nhà tù, tôi chưng hửng! Tể tướng, thủ tướng đâu chẳng thấy mà làm thằng tù không biết ngày nào ra? Khổ nỗi, cán bộ Cộng Sản lại bảo “Ty Công Vụ” là công an, mật vụ, kết tội nặng, đày ra Bắc cho chóng chết.


Tháng đầu tiên trong trại cải tạo 15 NV được coi là thời sướng nhất trong đời thằng tù Cộng Sản. Ăn uống đã có nhà thầu Chợ Lớn lo, vì đã đóng một tháng tiền ăn. Bữa nào cũng thịt cá ngon miệng, lại sẵn căn tin, cậu nào có lận theo tiền thì mua cà phê, kẹo bánh…


Buổi chiều kéo nhau ra bên hông nhà, nấu cà phê, nhâm nhi, tán phét, tự coi như đi nghỉ hè một tháng. Nhiều cậu còn bàn chuyện sau một tháng về nhà sẽ làm gì sinh sống, vì cách mạng vô thì coi như bị thất nghiệp!? Ngây thơ đến thế là cùng! Riêng tôi thì hoàn toàn thất vọng. Cái lá số mà ông tôi đã chấm cho tôi, trước giờ rất đúng, nay bỗng nhiên lại xảy ra chuyện kỳ cục nầy?


Trong trại cải tạo nầy có rất nhiều tay rành tử vi, đẩu số. Những người có học mà nghiên cứu một vấn đề gì, tất phải rộng rãi, sâu sắc lắm. Thế nên, nhân một lúc các tay tổ tử vi họp nhau sau hè, nói chuyện tướng số, tôi mới đem cái lá số của tôi ra và thắc mắc. Ai cũng hỏi tôi có chắc là đúng ngày sinh, tháng đẻ, có đúng giờ chào đời của tôi không? Sau khi xác nhận là đúng y trăm phần trăm, họ bấm tay như mấy thầy bói mù, có người đem tờ giấy ra, vẽ ngang, vẽ dọc…


Rồi ai cũng ngớ ra, lá số tôi quả có chuyện lạ! Họ lại xúm nhau bàn tới bàn lui, cãi nhau như mổ bò, cuối cùng một ông hỏi tôi, từ trước đến giờ có đóng kịch, hát bội, cải lương lần nào chưa? Có đóng vai thừa tướng, tướng quốc, thủ tướng lần nào chưa? Tôi quả quyết là chưa.


Ông ta bảo, sau nầy tôi nên theo gánh hát và đóng vai thừa tướng thì xuất sắc lắm. Một ông khác, lớn tuổi, hỏi tôi một cách nghiêm trang “Cậu biết hiện nay cậu làm chức vụ gì trong trại nầy?”. Tôi bảo “Tôi làm đội trưởng”. “Cậu có biết, dưới tay cậu có những ai không?” Tôi kể tên mấy ông trại viên trong đội tôi… Ông A, ông B, ông C… Ông ta lại hỏi “Mấy ông đó, vì sao vô đây cậu có biết không?” “Thì ông A làm thẩm phán, ông B làm dân biểu, ông C làm giám đốc nha…”


Ông bạn tù giải thích “Thủ tướng chỉ làm xếp ngành hành pháp thôi. Ðây cậu quản lý cả ba ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp, lớn hơn thủ tướng. Vậy là cậu làm tướng quốc, tể tướng đúng với cái lá số của cậu rồi, còn phàn nàn gì nữa!?”. Tôi nổi sùng “Các ông đó đâu còn làm quan chức gì?”. “Cậu thấy, thông báo tập trung cải tạo từ phó quận đến tổng thống. Họ nhốt chức vụ vào đây chứ có nhốt tên A, tên B nào đâu. Cậu làm đội trưởng, là làm xếp mấy quan chức đó, vậy cậu không phải tướng quốc thì làm gì?”. Cả bọn cười vang, nhưng tôi không cười.


Cái thằng cha lốc cốc tử nào bên Tàu, ngày xưa, đã chơi cho tôi một cú đau điếng. Hay là con rồng chưa khép miệng để nuốt ông tôi vô bụng cho con cháu phát vương, phát tướng? Lúc đầu tôi nghĩ như thế, cho đến khi bị đày ra Bắc tôi mới hoàn toàn thất vọng. Sau một tháng, đã hết tiền ăn mà tù đã nộp, chúng tôi bắt đầu ăn “cơm” tù để hiểu thế nào là thằng tù cải tạo Cộng Sản.


Từ trại tù Long Thành, chúng tôi lần lượt, mỗi đứa được lãnh một cái bao bố, nghe cán bộ bảo để đựng vật dụng cá nhân, nhưng có mấy đứa lại bảo để có sẵn mà cho thằng tù vô bao bố, thả xuống biển cho mò tôm được nhanh gọn, hoặc khi đày lên núi rừng, nếu có biến động, cứ bắt tù ngồi vào bao bố và bắn chết và khiêng bỏ xuống hố, tiện việc nhà nước, vì thực sự, chúng tôi có đem gì theo đâu mà phải dùng bao bố?


Chúng tôi xuống tàu thủy, ra miền Bắc. Lúc lên bờ, bị đồng bào đứng chờ sẵn mắng nhiếc và ném đá nữa, nhưng khi tù lên vùng rừng núi, đi lao động, gặp đồng bào họ lại bảo “Nhân dân miền Bắc chờ các ông ra giải phóng, không ngờ các ông ra làm thằng tù!”. Tôi chẳng bao giờ để ý đến những chuyện đó, cũng chẳng suy nghĩ, lo lắng cho tương lai bản thân. Nhưng có điều lạ là đi đến trại tù nào, tôi cũng bị cán bộ chỉ định làm đội trưởng, từ chối có thể bị gán cho tội ngoan cố và bị cùm cũng nên, mà dưới quyền tôi, bao giờ cũng là các ông, trước đây là quan lớn trong các ngành hành pháp, tư pháp, lập pháp… đủ cả.


Gần mười năm tù, tôi được thả về. Ở Sài Gòn, tôi đạp xích lô, bán vé số, sửa xe đạp… sống qua ngày. Tôi cố quên cái lá số tử vi của mình, tôi cũng rất cảnh giác, tuyệt đối không bao giờ thay mặt cho ai, không trưởng toán, tổ trưởng nào cả. Tôi sống một mình, và cũng nghĩ rằng cái lá số tử vi của tôi chỉ là những chuyện rắc rối mà mấy chú ba tàu đặt ra mục đích lừa phỉnh, dọa nạt những người ngu dốt, kém hiểu biết để kiếm tiền mà thôi.


Thế rồi có vụ HO, tù được đi Mỹ. Tôi nghĩ, giỏi lắm tôi làm thằng cu li. Tiếng tây, tiếng u tôi nói như thằng ngọng thì chỉ huy được ai, nên tôi yên trí. Thị trấn tôi ở, thuộc vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ, tuy không đông lắm nhưng rất xô bồ. Ðủ thứ người. Da đen cũng có, Mễ cũng có, Á Châu cũng có. Lộn xộn, bát nháo.


Tôi ở trong một chúng cư đông người Việt, dơ bẩn, nhiều tệ đoan xã hội. Trộm cắp, hút xách, đánh lộn… ngày nào cũng xảy ra. Ðậu xe, khóa cẩn thận, nhưng chúng thấy trong xe có gì vừa ý là đập kiếng xe, lấy đi. Ðôi khi chúng ăn cắp xe để chở những thứ quốc cấm như xì ke, súng đạn hoặc để đi ăn cướp, bắt cóc… Nhà có con gái, khuya chúng đập cửa kiếng vô mò con người ta, bọn nhỏ la lên, cha mẹ chạy ra, mở đèn, chúng ngang nhiên mở cửa chính đi ra, chẳng ai dám làm gì vì sợ chúng trả thù. Bọn chúng cùng sắc tộc với nhau thì mặc kệ, nhưng vì người Việt hiền lành, chúng quậy luôn cả người Việt.


Thấy thế tôi nổi sùng, vận động đồng bào người Việt tổ chức thành một cộng đồng nhỏ, có gì binh vực, giúp đỡ nhau. Bọn bất lương động đến người Việt là tất cả đồng lòng chống trả hoặc gọi cảnh sát đến chỉ tận mặt. Kết quả là từ đó, chúng chừa người Việt, không quấy phá nữa. Các chúng cư quanh đấy, người Việt cũng theo gương mà đoàn kết lại.


Rồi nhân những dịp lễ Tết, cộng đồng người Việt họp nhau tổ chức chợ Tết, tổ chức các ngày kỷ niệm truyền thống… Sau cùng thành lập một cộng đồng lớn, bầu cử Hội Ðồng Quản Trị rồi bầu Ban Chấp Hành, xin giấy phép lập hội để đủ tư cách liên lạc với chính quyền địa phương.


Ðến đây thì tôi tự động rút lui. Tôi không muốn đại diện hay chỉ huy ai cả. Tôi ngán chức tước lắm rồi, thứ chức tước “ảo” như đội trưởng, tổ trưởng trong tù. Nhưng nhiều người lại tín nhiệm tôi, họ năn nỉ tôi tham gia Hội Ðồng Quản Trị vì biết tôi rất nhiệt tâm với đồng bào. Tôi cự nự như muốn gây lộn, họ vẫn cứ năn nỉ, tôi đành chấp nhận, cứ nghĩ mình sẽ không đến họp, không làm gì cả tất họ sẽ chán, thế nên, khi họ bầu tôi vào Ban Chấp Hành, tôi cũng không phản đối. Nhưng rồi vì một nguyên nhân mà tôi lại bon chen, cố cho được chức chủ tịch Ban Chấp Hành. Số là trong Ban Chấp Hành có một người đẹp. Với người khác, có lẽ cô không đẹp lắm nhưng với tôi, chỉ mới thấy là đã ngớ người ra, hồn vía lơ lửng đâu trên mây xanh! Người đẹp có đôi mắt và chiếc miệng đúng là “đẹp không thể tả!”. Mắt cô một mí, khi cô cười thì như nhắm lại, nhưng dưới hai làn mi đó là cả “một hồ nước mùa thu” long lanh, nếu tôi được cô nhìn và cười thì tôi “chết mê chết mệt,” mặt cứ thộn ra, ai cũng thấy rõ.


Thế là từ “lần đầu gặp gỡ” hình ảnh cô, giọng nói, đôi mắt, nụ cười của cô cứ hiện ra rõ rệt trong đầu tôi, khiến bụng dạ tôi cứ lộn xộn, lúc nào cũng náo nức muốn gặp được cô. Nói theo văn chương là tôi yêu cô, yêu theo kiểu mối tình đầu! Sở dĩ mấy ông bà mời cô ta vào hội vì cô ta rành tiếng Anh, trước đây, khi còn ở Việt Nam, cô là giáo sư Anh Văn, hơn nữa cô rất thiện chí. Mấy người đi HO qua đều được cô giúp đỡ, hướng dẫn đi xin trợ cấp, xin việc…


Cô được bầu làm phó chủ tịch ngoại vụ, lo liên hệ với chính quyền và các cộng đồng bạn. Cô còn độc thân, là con gái của một ông trung tá, gia đình cô có một nhà hàng, rất đông khách. Ban ngày hơi vắng khách nên cô có thì giờ lo việc cộng đồng.


Từ khi lên chức chủ tịch, tôi xin thằng xếp trong tiệm (tôi làm cu li, sai gì làm nấy) làm buổi tối để có dịp cùng cô làm chuyện thiên hạ. Chở người nầy đi khám bịnh, đưa người khác đi xin việc, xin trợ cấp… Ði đâu tôi cũng năn nỉ cô đi theo, viện lý do là không rành tiếng Mỹ. Cô thì lúc nào cũng vui vẻ, nhưng khi chỉ có mình tôi với cô trên xe, cô lại nghiêm trang, mắt luôn nhìn phía trước, không cười khi tôi pha trò! Coi bộ cô không có cảm tình với tôi, nhưng khi đã yêu thì kể sá gì chuyện có được yêu lại hay không! “Ai chiến thắng mà không hề gian khổ? Nghĩa là cứ nhào đại vô mà tỏ tình, không được thì cũng chả chết ai.” Nghĩ thế nên tôi tìm dịp cho cô biết tình cảm của tôi đối với cô.


Nhưng phải làm cách nào mà nếu cô có cảm tình với tôi, cô sẽ hiểu ngay, ngược lại cô sẽ nghĩ rằng chuyện đó không liên can đến cô. Nghĩ mãi tôi mới sáng tác ra được một chuyện tình để tìm cách kể cho cô nghe. Thường thì sáng nào tôi cũng đến nhà hàng của gia đình cô để uống một ly cà phê. Cô mang cà phê ra cho tôi, ngồi đối diện, nói vài câu xã giao hoặc bàn đến chuyện cộng đồng, độ mươi phút cô mới đứng lên, vào bên trong lo việc bếp núc.


Một lần tôi đề nghị cô ngồi nán lại để nghe tôi “kể chuyện nầy, hay lắm!” Cô tươi cười ngồi xuống. Tôi kể vắn tắt “Cô có còn nhớ, tuần trước tôi và cô ra phi trường đón một gia đình HO, gồm năm người, trong đó có một cô gái đẹp và có duyên đến độ tôi mới gặp mà đã đem lòng thương yêu. Cô ta có đôi mắt lá răm, miệng lúm đồng tiền, nói năng dịu dàng, vui vẻ. Tôi thường gặp cô ta mà không biết làm cách nào để tỏ tình. Yêu thầm cũng được nhưng rủi cô ấy lấy chồng thì có lẽ tôi sẽ chán đời hoặc thành người điên mất. Theo ý kiến cô, tôi phải làm gì cho cô ấy hiểu được tình tôi? Tôi có nên nói ra cho cô ấy biết không?”


Cô lặng yên một lúc rồi nói “Chuyện tình yêu của anh, anh nên hỏi một người đàn ông khác, bọn phụ nữ chúng tôi làm sao có ý kiến được, hơn nữa, phải gặp gỡ cô gái đó mới biết được ý nghĩ của cô ta…”. Nói xong cô đứng lên. Tôi không hiểu cô có biết lời tỏ tình gián tiếp đó của tôi không, nhưng sáng hôm sau, tôi đến nhà hàng của gia đình cô uống cà phê, cô không ra tiếp. Tôi đoán cô không ưa tôi, không muốn bị tôi làm phiền. Tôi buồn chán quá, thấy đời vô vị, và cô ta, trong đầu tôi, cô vẫn còn đẹp nhưng rất xa lạ, đến độ tôi ngượng, không dám gặp cô. Công việc đón tiếp, giúp đỡ đồng hương mới đến xứ Mỹ, chúng tôi cũng đi chung nhưng tôi không cảm thấy hăng hái chút nào, cô ngồi bên cạnh mà như người chưa gặp lần nào. Nhiều khi tôi đi một mình, không rủ cô đi theo. Tôi có ý định sang tiểu bang khác.


Cái Ban Chấp Hành Cộng Ðồng, thấy thì đủ các ủy viên, năm bảy người, nhưng công việc, họ giao hết cho hai đứa tôi rồi lặn đâu mất tiêu. Trước đây, tôi bon chen cho được cái chức chủ tịch là để được dịp gặp người đẹp, nay thì tôi đã chán rồi, muốn rút lui. Thế nên nhân dịp Việt Cộng đưa mấy ca sĩ tân nhạc, cổ nhạc qua miền Ðông nước Mỹ làm công tác văn hóa vận, cả Hội Ðồng Quản Trị với Ban Chấp Hành họp lại, tìm cách tẩy chay. Buổi họp có vẻ sôi nổi lắm. Lập kế hoạch, chương trình rất kỹ lưỡng, nhưng cuối cùng lại giao cho Ban Chấp Hành làm cả! Tôi họp mọi người để phân công.


Mấy ông trong ban chấp hành lại giao cả cho hai đứa tôi. Tôi quyết liệt phản đối thì các vị đó lại cười “Tụi tôi biết anh quá mà! Lúc trong tù, trực diện với cai tù, anh còn thành công, bây giờ vận động đồng bào không đến coi hát của văn công Việt Cộng, là chuyện nhỏ…”. Tôi ngạc nhiên “Sao quý vị biết tôi đi tù cải tạo?”. Các ông ấy nhao nhao lên “Anh quên tụi nầy, chỉ biết có người đẹp thôi, chứ tụi nầy vẫn còn nhớ anh. Ði chung một chuyến bao bố (tù bị đày ra Bắc, được phát bao bố), ra ngoài Bắc, đi đâu anh cũng làm đội trưởng tụi nầy”. Lúc đó nhìn kỹ, tôi mới nhớ, đó là mấy ông bạn tù ngày trước, thời gian quá lâu, hơn mười năm rồi, các ông ấy qua Mỹ lại thay đổi, nên không nhận ra, vả lại, có người đẹp bên cạnh thì tôi chẳng nhìn thấy ai khác nữa!


Lại mấy ngài quan lớn, hành pháp, lập pháp, tư pháp… ngày xưa! Và tôi vẫn lại làm xếp họ! Tôi đâu khác gì quan tể tướng? Lúc trong tù tôi không dám từ chức, nhưng ngoài đời, ở xứ Mỹ, tôi chỉ cần nói “bye!” một tiếng là xong ngay. Trước kia thì cho rằng số mệnh an bài, nay tôi cãi lại số mệnh để xem cái chức tể tướng có còn theo làm phiền tôi nữa hay không? Còn mấy vị quan quyền nầy, trước giờ cứ bắt bí tôi, gài tôi vào với người đẹp để tôi phải làm chủ tịch, thì nay tôi sẽ chơi lại họ.


Tôi sẽ qua tiểu bang khác, để xem con rắn mất đầu cựa quậy ra sao? Thế nên tôi vẫn vui vẻ sắp xếp công việc, kêu gọi quý vị ấy tiếp tay, liên lạc với các hội đoàn bạn cùng phát động chiến dịch thêm rầm rộ, hiệu quả. Dự định xong vụ nầy tôi sẽ “lặng lẽ ra đi với một quả tim nặng trĩu buồn phiền!”


Chiều hôm đó, họp xong, tôi xin cô phó chủ tịch, người đẹp của tôi, nán lại ít phút để bàn công chuyện. Tôi vào đề ngay “Cô thấy nhiệm vụ của chủ tịch Ban Chấp Hành có khó khăn, vất vả gì không?”. Cô nhìn tôi dò xét “Tôi thấy anh giải quyết chuyện gì cũng ổn thỏa cả, nên nghĩ là không khó khăn bao nhiêu”. Tôi hỏi “Thế cô có thể thay tôi làm chủ tịch được không? Tôi thấy cô đã có ít nhiều kinh nghiệm trong nhiệm vụ nầy”. Cô ngạc nhiên “Anh định làm gì mà trao nhiệm vụ nầy cho tôi?”. Tôi nói “Tôi sắp đi tiểu bang khác”. “Vì sao vậy? Có ai làm phiền anh? Hay là vì cô gái mà anh đã kể cho tôi nghe?”. Tôi làm ra vẻ suy tư “Ðúng rồi, tôi thất tình cô ta nên muốn đi xa… Tôi hi vọng, cô làm chủ tịch, sẽ được mọi người giúp đỡ…”. Cô lắc đầu “Tôi không muốn chức vụ gì cả. Tôi chỉ muốn giúp đỡ đồng bào trong lúc mới đến xứ Mỹ xa lạ, để họ ổn định cuộc sống trong giai đoạn đầu mà thôi…”. Tôi đành nói “Thôi được, tôi sẽ tính sau. Dù sao thì tôi cũng nhất quyết đi khỏi nơi nầy. Ở đây, lúc đầu thì vui nhưng bây giờ tôi chán rồi. Tôi có người bạn ở tiểu bang khác, hắn đã xin sẵn cho tôi một việc làm ở đó”.


Lúc đứng lên cô cười hỏi “Sao lối rày anh không đến uống cà phê nữa? Không có tiền thì tôi cho ghi sổ”. Tôi cũng cười bảo “Khi thất tình thì đến đâu cũng chẳng thấy vui, uống cà phê cũng hết ngon. Nhưng sáng mai tôi sẽ đến, thưởng thức cà phê do cô pha lần cuối trước khi lên đường”. Sáng hôm sau tôi đến nhà hàng của cô. Cô đích thân mang cà phê ra cho tôi còn ngồi đối diện, cười nói vui vẻ “Tôi mang đến anh một tin vui đây.” Tôi nghi ngờ “Ðang rầu thúi ruột, vui gì nổi!”. “Vui chứ! Như thế nầy. Tôi có đến nhà cô gái mà anh trồng cây si. Phải đó là cô Bé Ni không?


Tôi hỏi “Bé có thương chú Vy không?’ Cô bé trả lời “Dạ thương!” Tôi hỏi “Thương nhiều hay ít?”. Cô bé nói “Dạ thương nhiều!”. Vậy anh vừa lòng chưa? Bây giờ hết thất tình rồi phải không?”


Tôi kêu lên “Trời đất! Cái con bé năm tuổi đó thì tôi làm sao thất tình được!?”. Cô nhìn tôi hóm hỉnh “Chính anh nói yêu cô ta. Bị cô ta từ chối, anh thất tình, đòi đi nơi khác. Nay tôi hỏi lại, cô ta nói thương anh nhiều thì anh còn đi đâu nữa?”. Tôi lắc đầu, vừa chán vừa ngượng “Ðó là tôi nói ví dụ vậy thôi chứ tôi yêu người khác, nhưng cô ta không ưa tôi nên tôi…”. Cô nhìn tôi đăm đăm như chờ đợi.


Tôi không dám nhìn cô, nhưng biết rằng lúc đó mà tôi không nói thì không còn dịp nào khác nữa “Bây giờ, tôi sắp đi tiểu bang khác nên tôi liều mạng. Cô có ghét tôi, khinh tôi, cũng không làm gì được. Hôm trước tôi nói quanh co như thế, chứ thực ra tôi muốn nói là tôi yêu cô. Nhưng tôi biết cô không ưa tôi, mà tôi không nói, cứ để trong bụng, ấm ức, không chịu được. Bây giờ nói xong rồi… Chỉ xin cô đừng cho ai biết lý do tôi đi tiểu bang khác. Tôi xin lỗi cô nếu tình yêu của tôi làm cho cô bực mình…”


Cô cúi xuống, chấm ngón tay vào ly nước, vẽ linh tinh trên bàn, một lúc mới nói “Ai cũng lớn cả rồi, đâu còn con nít mà phải nói quanh. Nếu anh có tỏ tình với em mà em không đáp lại thì có gì xấu hổ cho anh đâu? Tư cách anh đàng hoàng, lại có lòng vị tha, yêu thương đồng bào… Ai cũng mến phục anh. Hôm trước, nghe anh nói, lúc đầu em tưởng anh nói thật, cứ tự hỏi.


Có cô nào mắt lá răm, miệng núm đồng tiền giống mình? Em đi tìm gia đình HO mới qua, thì chỉ có con bé Ni. Em biết ngay là anh muốn nói về em. Em cảm động lắm, nhưng ngượng quá, vừa muốn gặp anh vừa sợ anh…”


Bao năm nay, quý ngài “cựu” quan lớn đó vẫn cứ bầu tôi làm chủ tịch, làm xếp họ. Hễ kiểm phiếu, thấy tôi đắc cử, làm gì họ cũng hô lên “Hoan hô chủ tịch gia đình trị!”. Chỉ vì vợ tôi vẫn lại là cô phó chủ tịch ngoại vụ năm nào.


Bây giờ thì mời bạn cho biết ý kiến “Con người có số mạng không?”

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire