dimanche 18 novembre 2018

For Rent, Cho Thuê, theo Duyên Anh là gì? và nghe đọc truỵên Con Sáo Của Em Tôi.

Một bài viết của Duyên Anh thời sau năm 1975, khi ông còn ở Việt Nam, và một bài chỉnh sửa để người đọc dễ cảm nhận với từ ngữ đúng với cái thời thủa đó.
Cám ơn tác giả đã gửi lên net để chúng ta cùng cảm nhận, những người cùng thời đã qua.
Caroline Thanh Hương

tt

Lời giới thiệu của người sưu tầm:

Đồng Nai Tư Mã” cũng là một bút hiệu khác (tương tự như Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ…) mà Duyên Anh (DA) dùng để viết các bài biếm luận. 
.
Bài này Duyên Anh viết vào khoảng tháng 8 năm 1986.  Nội dung bài, phần lớn nói về “trí thức thân cộng” và một số trí thức mà Duyên Anh gọi là loại “chồn lùi” dưới thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.  Tôi nhận thấy tuy là bài có lời lẽ chống cộng, nhưng Duyên Anh lại viết I (ngắn) thay cho Y (dài) y như kiểu “nhất thể ‘I’ ngắn của văn hóa vi-xi sau 1975…  – tuy vậy, nhiều có chỗ  DA lại viết Y (dài) như cũ?! –  Ngoài ra có rất nhiều câu (paragragh) viết quá dài (cả 2-3 trang giấy) .  Do đó, để bài viết trong sáng, dễ đọc hơn, tôi mạn phép sửa một số chữ có I ngắn và Y dài theo như ngữ vựng VNCH trước 1975; đồng thởi cũng cắt các câu quá dài thành nhiều câu ngắn cho hình thức được nhẹ nhàng hơn.

Xin cảm ơn trước về sự rộng lượng của quý vị.
 .
Trần Văn Giang.

*

Trí thức hay khoa bảng? Người Việt Nam thường vơ tất cả các ông tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, dược sĩ, bác sĩ, luật sư… vào một tụ và bảo rằng đó là trí thức. Hiểu một cách giản dị thì trí thức là những người có từ bằng cấp tú tài lên đến thạc sĩ. Và những người có bằng cấp là những người khoa bảng. Nhưng trí thức và khoa bảng khác nhau, hoàn toàn khác nhau. Khoa bảng đầy bằng cấp mà chưa hẳn đầy kiến thức. Trí thức, có thể, thiếu bằng cấp mà lại thừa kiến thức. Xưa, người ta định giá trị trí thức như vầy:

“Thượng thông thiên văn, hạ tường địa lý, bách gia chư tử, tam giáo cử lưu.”

Đấy đấy, cái sở học của trí thức là phải hiểu mệnh trời, hiểu lòng người, hiểu thời đại của mình thì mới mưu đồ được hạnh phúc cho dân, làm giầu cho nước. Thêm vào nữa, vẫn theo tinh thần xưa, trí thức phải biết soi sáng sự hiểu biết của mình ra bốn phương. Cái đạt của học vấn là tạo dựng những công trình tốt đẹp cho tổ quốc, cho dân tộc, không bao giờ là miếng đỉnh chung hèn mọn, là chút danh vọng phù phiếm. Cao Bá Quát đã mỉa mai thứ kẻ sĩ “mỏi gối quì mòn sân tướng phủ” đấy, thứ kẻ sĩ chỉ biết phục vụ chế độ để vinh thân phì gia. Buồn thay, sĩ khí đã “rụt rè gà phải cáo” sau một phán xét cay đắng của Trần Tế Xương rồi chết dần chết mòn. Hoạt cảnh “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt, Dưới sân ông cử ngổng đầu rồng” cáo chung sĩ khí. Và câu ca dao “Ngày xưa ta cũng có vua, Bây giờ mất nước, Bonjour Toàn quyền” đánh dấu sự phá sản trí thức. Bút lông thay thế bằng bút chì. Trí thức bút chì, hạng trí thức giá áo túi cơm, trí thức tiếp nối giòng sông hèn mọn của Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải…

Từ đó, chúng ta thiếu trí thức, chúng ta chỉ có khoa bảng cầy cáo tay sai và khoa bảng cơm áo. Chẳng còn sứ mạng của sự đi học nữa. Đi học để mưu sinh dễ dãi hoặc phè phởn. “Phi cao đẳng bất thành phu phụ” là miếng mồi hấp dẫn khích lệ lũ học trò nấu sử đun kinh… “gô loa!” Ông ký, ông thông, ông phán, ông huyện, ông phủ, ông… bồi đã làm sáng danh trí thức. Những vùng dậy của dân tộc ròng rã trăm năm nô lệ, sau Phan Đình Phùng, không thể kiếm nổi một khuôn mặt khoa bảng biểu tượng. Đội Cấn đâu phải bác sĩ? Nguyễn Thái Học đâu phải dược sĩ? Phạm Hồng Thái đâu phải kỹ sư?

Đối với tổ quốc và dân tộc và đối với chữ nghĩa, cái gọi là trí thức nô lệ đã phản bội, đã làm ươn hèn ý nghĩa của sự đi học. Và trí thức tự biến thành đám “cho thuê bản thân.” Những kẻ cho thuê bản thân tiếp tục cho thuê bản thân. Họ đem bản thân của họ phục vụ chủ mới là cộng sản sau khi đã cúc cung phục vụ chủ cũ là thực dân. Rồi, như một cọng rác, bỏ vào thùng nào cũng được, khoa bảng Việt Nam ngốn hết ớt của dân tộc, lột lưỡi hót câu “For Rent” phục vụ đế quốc. Cả ba kẻ thù của dân tộc: Thực Dân, Đế Quốc, Cộng Sản đều là chủ của khoa bảng! Không dám vơ đũa cả nắm mà chỉ nói đa số. Và đa số đó là một thực thể não nùng để nhận diện trí thức và phân biệt ngụy trí thức với chân trí thức. Ngụy trí thức “For Rent” bệ rạc hơn ngụy trí thức “A Louer.” Hãy kiểm điểm thành tích của họ sau hai mươi năm phục vụ chủ Mỹ xem họ đã giúp ích gì cho dân tộc?

Hãy nhìn từ tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, biểu tượng mới và thuần khiết “For Rent!” Từ những đại trí thức đi giật lùi trước mặt ngài “thượng thư” tổng thống Ngô Đình Diệm (danh từ trí thức chồn lùi có ở giai ­đoạn này) đến những đại trí thức khoanh tay trước mặt đám võ biền Nguyễn văn Thiệu; từ những đại trí thức gia nô quốc hội đệ nhất cộng hòa đến những đại trí thức gia nô quốc hội đệ nhị cộng hòa; từ bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn đến bác sĩ Nguyễn Quang Luyện, họ đã giúp ích gì cho dân tộc? Không giúp ích gì cả. Họ cho thuê bản thân giá rẻ, họ có thể bán dân tộc họ lấy chức thủ tướng như Phan Huy Quát nhắm mắt để Mỹ ùa sang Việt Nam mà không dám ký kết một quy chế nào giới hạn “tự do” của lính Mỹ ở hậu phương. Họ có thể, như Vũ văn Mẫu, quỳ lạy mấy ông sư vô học, xưng con với mấy ông sư nhãi ranh để trở thành nghị sĩ. Họ có thể, họ có thể hết, kể cả nhận đại sứ Bunker làm bố nuôi để trở thành người giầu thứ 10 Việt Nam.
(Tuần báo Newsweek đã nêu rõ tên tuổi 10 người giầu nhất Việt Nam cộng hòa nhờ chiến tranh, trong số đó, một nửa là đại trí thức lưu manh và một vị là con nuôi của Bunker).

Trí thức “For Rent,” trong mọi lãnh vực hoạt động, đều nham nhở, vô liêm sỉ. Khi ông bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, tổng trưởng văn hóa giáo dục, tuyên bố: “Chính sách giáo dục của chúng tôi là vô chính sách,” có nghĩa là… vô giáo dục. Do đó, ở đại học luật khoa, các giáo sư thạc sĩ tranh nhau dạy năm thứ nhất. Tại sao? Vì rằng Luật khoa và Văn khoa là hai nơi người học trò có thể trở thành sinh viên sau khi đã trượt thi vào Y khoa, Sư phạm, Khoa học, Quốc gia hành chánh… Sinh viên luật khoa năm thứ nhất đông lắm, đến nổi, muốn có chỗ ngồi nghe thầy Thúc, thầy Mẫu giảng dạy, phải tới giành chỗ từ 5 giờ sáng!

Nỗi thương tâm của tuổi trẻ Việt Nam là không làm sinh viên thì làm sĩ quan trừ bị. Làm sinh viên thì được hoãn dịch. Muốn hoãn dịch cho đến ngày tốt nghiệp đại học thì đừng để bị… đánh trượt. Và kẻ trượt năm thứ nhất, sẽ không bao giờ lên năm thứ hai luật khoa nếu không mua “cua” của các giáo sư thạc sĩ! Sự bất lương của trí thức bậc thầy trong phạm vi văn hóa, giáo dục quả là đê tiện. Mà trường luật là tiêu biểu. Tưởng tượng các bậc thầy đã từng làm Tổng trưởng ngoại giao, Quốc vụ khanh, Thống đốc ngân hàng lại tự xuất bản “cua” bán với giá cắt cổ sinh viên nghèo! Thầy bóc lột trò. Thầy cạnh tranh thương mại trò… in “cua” ronéo. Sách của thầy có chữ ký. Mỗi năm thầy sửa sang, thêm bớt một tí gọi là “cập nhật hóa” dù luật đã thành luật. Trò mua “cua” của thầy xuất bản được bảo đảm không trượt nếu thuộc “cua” thầy. Trò sợ đi lính đành tuân lời thầy. Thầy bắt bí trò. Thầy buôn bán cò con. Sự sa đọa của trí thức trẻ sau này có một xuất xứ rõ rệt. Và rõ rệt nhất là cái Làng Đại Học ở Thủ Đức. Chín mươi chín phần trăm các danh gia khoa bảng Việt Nam được ưu tiên mua vi la rẻ mạt của Quốc Gia đã đem cái ân huệ đó cho Mỹ, Đức, Đại hàn, Phi luật tân mướn. Trí thức “For Rent” thật sự mất giá. Trên bảng giá trị giai cấp mới không còn giai cấp trí thức nữa.

Nhất đĩ
Nhì xi
Tam sư
Tứ tướng

Suốt trong hai thập niên “For Rent,” đĩ, tắc xi, sư và tướng thay phiên đứng đầu Top. Trí thức lâu lâu mới lên trang nhất của nhật báo bằng bác sĩ dân biểu Nguyễn Quang Luyện buôn vàng lậu, bác sĩ dân biểu Trần Duy Tự buôn lịch gái cởi truồng… Thuở xưa, hai giai cấp sĩ và nông tuần tự trên bảng giá trị của xã hội:

Nhất sĩ
Nhì nông
Hết gạo chạy rông
Nhất nông
Nhì sĩ

Nhưng khi xã hội thêm những thành phần mới thì sĩ chiếm địa vị độc tôn: Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh. Từ Kẻ Sĩ đến Trí Thức đã có một dâu biển phũ phàng, dâu biểu tham vọng cá nhân, ích kỷ, rời xa tình tự dân tộc dấy lên tự chính tâm hồn trí thức và lấp mất sứ mạng trí thức. (Xin nhắc thêm lần nữa để tránh ngộ nhận: Bài này đã xác định có hai loại trí thức. Mọi phân tích và phán xét dành cho trí thức “A Louer,” trí thức “For Rent” là ngụy trí thức, tác giả không đề cập tới chân trí thức). Bởi tham vọng cá nhân, bởi sự vọng ngoại, trí thức càng ngày càng ươn hèn. Đến giai đoạn cộng sản lùa hết vào cái chuồng “Hội Trí Thức Yêu Nước” thì bản chất trí thức là “A Louer,” trí thức “For Rent” lộ nguyên hình cầy cáo mà thẩm phán Trần Thúc Linh là biểu tượng sáng chói khi ông ta rạch miệng ca ngợi luật bầu cử Việt cộng và pháp chế Nhà nước Việt cộng trên đài truyền hình Sàigòn.

Những đại trí thức “For Rent” nào nữa? Giáo sư Lý Chánh Trung vội vã viết bài tâm cảm trên Tin Sáng: “Xin được gọi Hồ chủ tịch bằng Bác.” Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Khoa trưởng đại học Văn khoa, người đã hiên ngang viết loạt bài “Việt cộng, người anh em của tôi” trên tạp chí Đất Nước trước 30-4-1975 thì lăng xăng như gà mót đẻ, một nửa hy vọng được “cách mạng chiếu cố,” một nửa sợ hãi “cách mạng” liệt vào thành phần “ngụy quyền.” Giáo sư thạc sĩ Vũ Văn Mẫu, cựu Bộ trưởng ngoại giao dưới chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm, kẻ tự gọt trọc đầu cáo quan trả ấn vào lúc 12 giờ thiếu 3 phút, cựu nghị sĩ dưới chế độ “tổng thống” Nguyễn văn Thiệu,” cựu Thủ tướng dưới chế độ “tổng thống” Dương Văn Minh thì dư can đảm mặc áo sơ mi chim cò diễu phố, miệng cười toe toét trên và trong nổi đau đớn, ê chề của thủ đô bị xâm lăng. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn văn Hảo vẫn lái xe DS 19, vẫn chơi quần vợt và rồi ra Hà nội tham quan tình hình để đóng góp vào sự “phồn vinh của tổ quốc.” Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh vung vít chi những bài tham luận kinh tế và cố vấn cho đồng chí Võ văn Kiệt. Đó, những khuôn mặt trí thức đại khoa bảng “bất tri vong quốc hận.” Còn rất nhiều, không kể hết. “A Louer” biến thể “For Rent” và lột xác. Bây giờ là trí thức “Yêu Nước.” Cuộc đổi đời tạo ra đủ thứ “Yêu nước”: Nhà văn yêu nước, Ký giả yêu nước, Công giáo yêu nước, Phật giáo yêu nước vân vân… Nhưng ngoạn mục nhất vẫn là “Điếm yêu nước” và “Trí thức yêu nước,” trong hai ngoặc kép, dĩ nhiên!

*

Đến đây, chúng ta bàn về trí thức “Yêu Nước” quốc nội rồi sẽ trí thức “For Rent” lưu vong. Rồi sẽ bàn về giá trị đích thực của trí thức, thái độ của trí thức để tìm ra người trí thức chân chính của chúng ta và để chứng minh rằng chúng ta rất khao khát chân trí thức. Hãy tạm chia trí thức “For Rent” làm hai hạng. Hạng thứ nhất không làm việc cho chính quyền, chúng ta gọi là trí thức “độc lập.” Hạng thứ hai làm việc cho chính quyền, tức là công chức, chúng ta gọi là trí thức “thư lại.” Những chính quyền Việt Nam cộng hòa đã dành cho trí thức “For Rent” rất nhiều đặc quyền, đặc lợi.

Cảnh sát đặc biệt của ông Thiệu tra tấn những người bị tình nghi Việt cộng không tiếc tay nhưng đã không dám động đến lông chân giáo sư Nguyễn Văn Trung, người công khai nhận Việt cộng, kẻ bị Hiến pháp Việt Nam cộng hòa gạt ra ngoài vòng pháp luật, là “anh em của tôi”; không dám động đến lông chân những ông trí thức đối lập cả với… tổ quốc, những chuyên viên giật giây xuống đường làm nản lòng quân đội theo lệnh của tòa đại sứ Mỹ. Trí thức “độc lập” thừa mứa tự do, dân chủ mà vẫn cố tình phá rối đất nước trong cái thế chỉ có một con đường chọn lựa là tiêu diệt cộng sản trước đã.

Cộng sản còn đang là một đe dọa nguy hiểm của miền Nam. Nó ở phía trước. Nó ở phía sau. Nó ở bên phải. Nó ở bên trái. Nó nằm trong các cơ cấu quốc gia. Chưa thể có tự do, dân chủ tuyệt đối. Tự do, dân chủ tuyệt đối là tự diệt, tự hiến dâng tổ quốc cho cộng sản. Và nữa, trong chiến tranh, có nhiều thứ tự do cần giới hạn. Trí thức “đ­ộc lập” được hưởng tự do miễn cầm súng đánh giặc bảo vệ quê hương và hưởng luôn tự do phản chiến, tự do công kích quân đội. Có ông đại trí thức nào “đi­ vào nơi gió cát” đâu? Có ông đại trí thức nào “xếp bút nghiên theo việc đao cung” đ­âu? Quí ngài ấy được chế độ cho động viên tại chỗ để đối lập tổ quốc và đòi hỏi “hòa bình ngay lập tức.”

Cái kiến thức cộng sản của đại trí thức không đầy cái lá đa. Xin đan cử một thí dụ cụ thể: Giữa tòa án quân sự vùng 3 chiến thuật, bào chữa cho thân chủ của mình can tội chủ trương hòa bình thân cộng, luật sư Lê Văn Mão đã anh dũng tuyên bố: “Tôi nghiên cứu cộng sản qua báo Science et Vie”! Bởi vì, chỉ nghiên cứu chủ nghĩa và hành động cộng sản bằng báo Tây “Science et Vie” nên trí thức “For Rent” đã đâm sau lưng chiến sĩ chống cộng, những nhát dao tàn nhẫn. Trí thức “độc lập” đối lập cũng khiếp đảm lắm. Tại sao họ đối lập? Vì ông chủ Mỹ đã không thuê họ làm đầy tớ lớn. Vì đầy tớ lớn của Mỹ không mời họ nắm giữ vai trò then chốt của quốc gia. Những kẻ đối lập ở miền Nam đã đ­ược mô tả như những con hổ đói lồng lộn đòi ăn. Nếu người ta ném cho chúng thịt bầy nhầy, thịt thối đủ no bụng, hổ sẽ nằm im. Nguyễn Văn Thiệu đã bố thí những địa vị bậc trung cho đại trí thức. Cái ghế bộ trưởng không bộ nào tức là quốc vụ khanh đã làm hả hê bậc thạc sĩ. Và bậc thạc sĩ đã không tiếc lời suy tụng tổng thống anh minh, ủng hộ lập trường hòa bình công chính của tổng thống. Sự trở mặt của trí thức “đ­ộc lập” khiến chúng ta xấu hổ. Cái Tối Cao Pháp Viện quy tụ rặt đại trí thức… hổ đói.

Ông Nguyễn Cao Kỳ đã công khai kể chuyện nhà trí thức đối lập Trần Ngọc Liễng sau khi mất chức Ủy viên xã hội (Bộ trưởng xã hội) của Nội các chiến tranh: “Ông Trần Ngọc Liễng nói với tôi: Xin Thủ tướng cho con của EM sang Pháp du học!” Còn phò ông nhà binh không tú tài thì luật sư Trần Ngọc Liễng xưng em ngọt xớt, hết phò thì trí thức Trần Ngọc Liễng đối lập Nguyễn Cao Kỳ diều hâu. Trần Ngọc Liễng, qua tư cách của ông, chúng ta có câu phán xét chính xác về trí thức “đ­ộc lập,” chi thứ nhất của trí thức “For Rent.” Có lẽ nên kể thêm trí thức đứng hoan hô gà chọi của ông chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, hầu mã tước ông chủ tịch, trí thức dâng vợ cho Hoàng Đức Nhã để “ổn định” cái ghế phụ tá . Vân vân và vân vân…

Chi thứ hai, trí thức “thư lại.” Đây là hạng công bộc quốc gia, chế độ nào cũng phục vụ miễn rằng đừng sa thải. Thư lại không có tư tưởng đấu tranh và chỉ biết bảo vệ cơm áo và lương hưu trí của mình. Trí thức “thư lại” tham vọng nhỏ nên lưu manh không lớn và hèn thì cũng in ít thôi. Đa số trí thức “thư lại” trong giới luật học, từ tòa án đến văn phòng luật sư là bọn hôi hám nhất, đê tiện nhất. Lũ tòa án lạm quyền tha, bắt; tù nặng, tù nhẹ thông đồng với đám luật sư lột tiền cả nguyên cáo lẫn bị cáo. Không còn gì tởm hơn ông chánh án ngồi xoa mã tước suốt đêm chủ nhật để sáng thứ hai ngồi xử tên đánh bài cào! Cái đám trí thức này bảo mã tước là trò chơi thông minh khác hẳn xóc đĩa, xì phé! Do vậy, người bình dân mới có câu:

Miệng nhà quan có gang có thép
L..n kẻ khó vừa nhọ vừa thâm

Cái miệng của trí thức “thư lại” xứng đáng so với cái “l..n” của kẻ khó. Phải công nhận rằng đám trí thức “thư lại” tòa án là đám làm mờ ám công lý, tạo ra đầy rẩy bất công và đẩy dân nghèo về phía cộng sản. Đám trí thức tòa án quan liêu, phong kiến và phản bội cách mạng từ tác phong đến văn từ. Nếu lần nào đó, có dịp ra tòa làm nhân chứng, chứng nhân sẽ nhận được cái “Trát hầu tòa” như bị cáo hèn hạ. Chứng nhân là ân nhân của công lý. Nhưng mà ân nhân của công lý đã bị miệt thị: “Truyền cho tên X phải có mặt…!”

Đất nước ta đã vô số cách mạng. Riêng ở pháp đình, trí thức “thư lại rặt lũ cặn bã quan liêu.” Người giầu và người nghèo đều bình đẳng trước pháp luật.” Đồng ý. Đó là lời ông chánh án, ông biện lý, ông dự thẩm, diễn thuyết tranh cử. Và không bao giờ là lời vàng ý ngọc của các ông ấy dành cho dân ABC bị chủ phố đuổi nhà, đuổi đất. Trí thức “thư lại” chuyên nghiệp không nên đếm xỉa nhiều. Họ cầu an, hưởng thụ nhỏ và chống đối âm thầm. Ở một xã hội mà hành pháp, lập pháp, tư pháp là một thì đừng nên đòi hỏi sự phản kháng của trí thức tòa án. Chưa hề thấy ông tòa nào từ chức cả. Chỉ thấy các ông Tối cao pháp viện cam đành làm khuyển mã cho hành pháp, các ông luật sư trẻ cúi đầu làm đầy tớ cho Hoàng Đức Nhã để ứng cử nghị sĩ dễ dàng. Bởi thế, luận về trí thức “thư lại,” chỉ nên xoáy vào đám trí thức pháp đình, thứ hò hét công lý khi mặc áo đen và tránh né cách mạng khi mặc áo trắng.

Một loại trí thức “thư lại” khế ước cũng rất đáng bàn tới. Thí dụ trí thức Đặng Tiến, cử nhân văn chương giáo khoa. Tại sao đưa Đặng Tiến làm thí dụ điển hình? Vì ông ta là biểu tượng của trí thức phản bội, bệ rạc. Đặng Tiến thi vào ngành tham vụ ngoại giao. Ông ta toại nguyện. Khăn gói sang Pháp phục vụ ở Tòa đ­ại sứ Việt Nam cộng hòa, Đặng Tiến thỏa chí bình sinh. Trước năm 1963, Đặng Tiến là “lãnh tụ con” của đám sinh viên Đắc Lộ chống đối chế độ Ngô Đình Diệm mà ông bảo là chế độ độc tài, gia đình trị. Đã đút đơn tính phò Cao Xuân Vĩ rồi lại xấu hổ rút đơn. Tưởng chê Ngô Đình Diệm độc tài thì suốt đời đóng vai ẩn sĩ cách mạng, ai dè mót danh lợi, đành muối mặt theo hầu kẻ võ biền Nguyễn Văn Thiệu và chịu quyền chỉ huy của thứ mật vụ ngoại giao Phạm Hữu Giáo tự Mặc Giao.

Chưa hết đâu. Đánh hơi thời thế rất nhậy, trí thức Đặng Tiến đào nhiệm, tình nguyện làm đứa ăn cơm quốc gia thờ ma Việt cộng. Trí thức Đặng Tiến trúng mối. Ông ta anh dũng về Sàigòn buôn bán tem phiếu Imex, áp phe xuất cảnh và tình ái. Mỗi lần về Sàigòn của Đặng Tiến là mỗi lần qua Pháp sửa nhà, đổi xe. Cái bản chất của Đặng Tiến là bản chất của trí thức phản bội dân tộc. Ông ta cho thuê bản thân giá rẻ. Giống hệt lũ Nguyễn Ngọc Giao, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Văn Giàu… Cái điều ghê tởm là, núp trong báo Đoàn Kết của Việt cộng dưới nhiều bút hiệu, Đặng Tiến hô hoán cách mạng và chửi rủa Mỹ Ngụy! Trí thức từ Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Khắc Viện, Thanh Nghị đến Trương Như Tảng có xứng đáng không? Cái trí của họ đâu và cái thức của họ đâu? Tinh hoa của đám Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Văn Giàu… đã dâng hiến cho một tập đoàn khát máu sát hại nhiều lương dân trong mùa cải cách ruộng đất 1956, đã suy tôn tên gián điệp KGB Hồ Chí Minh, đã đồng hóa với những tên ăn cướp ăn cắp.

Tội nghiệp những tên trí thức phục vụ cộng sản. Họ phải thành khẩn đầu hàng giai cấp vô sản. Mà vẫn bị khinh bỉ. Mà vẫn bị Mao Trạch Đông phán xét: “Giá trị của trí thức không bằng cục phân!” Họ đau đớn mà không dám phẫn nộ. Họ ngao ngán mà không dám thở dài. Để khi chết còn được huân chương lao động hạng nhất. Dương Quỳnh Hoa, Thanh Nghị, Trương Như Tảng vân vân chỉ là đám theo đóm ăn tàn, theo voi ăn bả mía. Họ không biết nhìn xa, cũng chẳng hiểu nhìn gần. Nổi ngậm ngùi của những Nguyễn Mạnh Hà, Tôn Thất Tùng không làm xúc động họ. Sự than vãn của Nguyễn Khắc Viện không làm lay động cái bóng tối phủ kín lương tri trí thức của họ. Và quyền bính khiến họ bằng lòng biến thành “cục phân,” thứ phân thiếu giá trị của phân bón lúa, bón rau xanh, thứ phân Bộ trưởng Bộ y tế, Bộ văn hóa, Bộ tư pháp trong cái gọi là Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam, cái chuồng yêu nước mang nhãn hiệu cộng sản.

Bỏ Ngụy theo Phỉ không phải vì Ngụy tà. Biết rõ Phỉ tà gấp nghìn lần Ngụy, vẫn cứ cúi đầu làm tôi tớ. Là bởi vì Phỉ biết cách bố thí quyền bính giả tạo. Chỉ cần cái ghế Bộ trưởng Tư pháp bù nhìn, Trương Như Tảng đã mãn nguyện rồi, ông ta hồ hởi gọi tên gián điệp KGB Hồ Chí Minh là Bác và xưng tụng Đảng là Mẹ. Tổ quốc đã hiến dâng cho ông ta có cơ hội thành trí thức, ông ta tự tìm cơ hội thành “cục phân,” thứ cỏ­ đuôi chó theo chủ nghĩa thời cơ mà cộng sản rất đổi khinh bỉ. Những người trí thức thời cơ chủ nghĩa không hiểu điều này: Cộng sản thù hận những ai dám can đảm chống họ công khai nhưng vẫn không dám khinh bỉ kẻ thù của họ. Nếu những ai đã dám can đảm chống cộng sản công khai, khi đầu hàng họ, họ trọng vọng, đãi ngộ đúng mức.

Còn những kẻ xu thời, cộng sản xếp vào loại giẻ rách, loại chó ghẻ, thẩy cho miếng thịt ôi để khỏi sủa bậy và để làm cảnh cho nền dân chủ, cho sự hòa hợp xảo trá của họ. Bọn trí thức ăn phó mát và bơ ở nước Pháp mấy chục năm nay và hoan hô Đảng và Bác mấy chục năm nay chính là bọn cây cảnh của chế độ cộng sản. Họ đâu biết không có biểu tượng trí thức – nhất là trí thức xa lìa tình tự dân tộc, trí thức tỏ lòng yêu nước bằng tiếng Tây – trên mầu cờ vô sản. Búa và Liềm. Búa đủ khả năng đập nát Liềm. Công nhân mới là lực lượng cơ hữu của chủ nghĩa, của chế độ. Nông dân còn thèm quyền tư hữu nên vẫn bị ghét. Nông dân còn bị ghét thì trí thức, dù đầu hàng, chẳng bao giờ nở mày nở mặt nổi trong sự nghiệp vô sản giải phóng toàn thế giới. Trí thức luôn luôn là “cục phân” dưới mắt lạnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông. Trí thức đã lêu bêu từ sau mùa quy định thành phần giai cấp 1950 như Nguyễn Mạnh Hà, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khắc Viện, Trần Huy Liệu… đấy, ngay cả những hạng trí thức có cha mẹ, anh em bị cộng sản sát hại, thủ tiêu, xử bắn ngay từ 1945 mà đầu hàng cộng sản, cúc cung phục vụ cộng sản, cộng sản hơn cả cộng sản, đã anh nào được làm tới chức huyện ủy, nói chi lọt vào Trung ương Đảng.

Như đã nói, có khoa bảng chưa hẳn là có kiến thức, trí thức và tri thức khác nhau, do đó, thiếu gì khoa bảng trí thức tự biến thành “cục phân” để phục vụ cộng sản. Bọn trí thức này sẵn trí nhớ mà thiếu trí tuệ. Từ Marx lí tưởng đến Lénine sắt máu đã một lần dâu biển Marxisme. Từ Lénine đến hôm nay, Marx đã bị các đệ tử chôn vùi. Marx lạc hậu rồi. Tư bản luận của Marx chỉ còn là cuốn kinh vô giá trị trong thời đại các tư tưởng biến hóa khôn lường trên giây đu tiến hóa.

Một kẻ thất phu cũng đủ sáng suốt để nhận định rằng, cái quá độ của chiến tranh ý thức hệ đã chấm dứt. Bây giờ, chỉ còn lại sự tranh giành quyền lực giữa hai cường quốc. Liên xô là cộng sản nghèo. Hoa kỳ là cộng sản giầu. Khi Liên xô giầu, cộng sản biến hóa thành tư bản cá thể thay vì tập thể. Và, khi ấy, loài người sẽ bị chế ngự, sẽ bị cai trị bởi đồng rúp, bỉ ổi và tàn bạo hơn đồng đ­ô la. Những kẻ ảo tưởng nghĩ rằng mình phò vô sản chống tư bản là ước mơ một thế giới đại đồng, một thế giới không còn người bóc lột người, một thế giới rạng rở ý muốn của Jésus “Tất cả đều là anh em,” sẽ vở mặt. Nếu kinh nghiệm Nam tư, kinh nghiệm Trung hoa chưa đủ chứng minh sự bẽ bàng của “mùa không biên giới”; nếu kinh nghiệm anh em Liên xô vĩ đại, sau chiến tranh biên giới Nga Hoa, đòi nợ viện trợ huynh đệ cho anh em Trung hoa vĩ đại sát ván đến nổi tiêu chuẩn một quần xà lỏn cho một người dân Trung hoa trong một năm chỉ còn một miếng vải và quần xà lỏn rách vá phải chắt chiu “trả nợ ngay, trả nợ hết” chưa đủ chứng minh sự phũ phàng của “nghĩa vụ anh em quốc tế”; nếu kinh nghiệm anh em Trung hoa đòi nợ anh em Việt cộng năm 1977 (vì anh em Việt cộng chọn lựa thân thiết với anh em Liên xô sau chiến tranh) quyết liệt đến nổi 50 triệu dân phải ăn sắn, khoai, bo bo chào mừng hòa bình, dành lúa gạo trả nợ chưa đủ chứng minh lòng hào sảng của cộng sản thì, ít ra, sự “dạy dổ Việt Nam một bài học” của Trung hoa bằng súng đạn tàn phá khủng khiếp những tỉnh lỵ làng xã biên giới phía Bắc, sự xâm lăng Cao mên của Việt cộng phải làm bọn ảo tưởng suy nghĩ về ảo vọng của họ.

Tiếc thay, họ không dám suy nghĩ, không có thái độ trí thức. Họ vẫn cúi mặt phục vụ kẻ mà họ biết chính xác là tội đồ của dân tộc và nhân loại. Có người sợ hãi sự phản tỉnh đeo thêm lời nguyền rủa “sớm đầu tối đánh.” Có người sợ hãi sự phản tỉnh mất quyền lợi về Việt Nam thăm quê hương và áp phe vặt vãnh! Và đó là tâm trạng của trí thức Việt Nam hải ngoại hầu hạ Việt cộng. Cũng có người thay chiếc áo cũ mặc chiếc áo mới cùng nhãn hiệu. Đó là Trương Như Tảng. Trương Như Tảng chỉ là một tên thèm quyền bính. Sự phản tỉnh của nhà trí thức chồn lùi này là sự phản tỉnh cay cú quyền bính bị tước đoạt. Đừng lầm tưởng Trương Như Tảng ngây thơ trong chọn lựa quốc hay cộng. Một kẻ bất tài vô tướng như ông ta, muốn làm Bộ trưởng, chỉ còn một cách theo Việt cộng. Cái gian ngoan của Việt cộng là họ biết dùng Trương Như Tảng đúng lúc. “Cứu cánh biện minh cho phương tiện,” châm ngôn cộng sản. Dùng Trương Như Tảng một giai đoạn nào đó rồi liệng Trương Như Tảng vào sọt rác. Trương Như Tảng thừa hiểu thế. Ông đã nghĩ cái ngày Việt cộng liệng ông ta vào sọt rác còn lâu. Tự thâm tâm, chẳng bao giờ Tảng mơ ước có ngày 30-4-1975. Ông ta sẽ đi vào lịch sử “chống Mỹ cứu nước” bằng phè phởn trong rừng già Nam Bộ, ngoài Hà nội và đôi khi, công du ngoại quốc. Cho tới khi được truy điệu như một liệt sĩ. Bất hạnh cho dân tộc và cho “riêng” Trương Như Tảng, ngày 30-4-1975 đã xẩy ra. Toàn ban bù nhìn của gánh hát Mặt trận giải phóng miền Nam và Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam xuất hiện tại Sàigòn dưới sự quản chế của Hà nội.

Thực quyền của miền Nam nằm ở Sàigòn, do Ủy ban quân quản thành phố chuyên chế. Trần Văn Trà cũng chỉ là thứ hình nộm. Trương Như Tảng có thể phản tỉnh từ lúc đó, từ lúc Ung Văn Khiêm lếch thếch ngoài Hà nội vô… Nam kỳ quốc, mất chức Bộ trưởng nội vụ từ khuya, từ lúc Hà nội ào ạt vào tiếp quản các cơ cấu quốc gia của chế độ cũ, từ lúc cán bộ miền Bắc “nắm” trọn vẹn quyền chỉ huy, từ lúc Thông cáo của Nhà nước ra lệnh nộp hết vũ khí tịch thu của Mỹ Ngụy, dù kẻ tịch thu là Giải phóng quân. Nhưng nhà trí thức Trương Như Tảng đã không dám phản tỉnh. Vì sợ hãi cộng sản. Ông ta vẫn còn thèm quyền bính bù nhìn. Quyền bính nó giống hệt thuốc phiện. Đã chơi thuốc phiện, sẽ nghiền. Đá nắm quyền bính sẽ tham quyền cố vị. Quyền bính khiến Trương Như Tảng ở vào cái thế cố đấm ăn xôi tội nghiệp. Ông ta lú lẩn quên rằng, không phải là người vô sản, không đấu tranh gian khổ, không ở tù ra khám, không bao giờ có quyền bính đích thực. Ông ta hiêu hiêu tự mãn ngồi tại Bộ tư pháp cũ, đường Thống nhất, Sàigòn và nhiệm vụ là… can thiệp cho bà con bị Việt cộng Hà nội tiếp quản nhà đất! Cái thân phận bù nhìn của Trương Như Tảng đã chưa làm vở lẽ sống, vở cái tri thức của trí thức.

Phải đợi đến năm 1976, Hà nội tuyên bố thống nhất tổ quốc, giải thể Mặt trận giải phóng miền Nam, Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam, Trương Như Tảng mới ngẩn ngơ. Nguyễn thị Bình còn đó, Bộ trưởng giáo dục thay vì Ngoại giao và Giáo dục ở Sàigòn thôi; Nguyễn Hữu Thọ tạm thế chỗ Tôn Đức Thắng chết già; Huỳnh Tấn Phát Phó thủ tướng không… phủ; Thanh Nghị Bộ trưởng văn hóa về coi thư viện! Vân vân… Trương Như Tảng bị sa thải. Chỉ cần được giữ lại và giao cho chức Giám đốc sở văn hóa thành phố Hồ Chí Minh thôi, Trương Như Tảng sẽ không vận động sang Pháp và tuyên bố phản tỉnh đâu. Phản tỉnh của trí thức Trương Như Tàng là gì? Ông ta không phản tỉnh để trở về với dân tộc. Hẳn nhiên. Bỏ thằng Ngụy (vì nó không bố thí cho mình chức vụ Bộ trưởng) đi theo thằng Phỉ (vì nó bố thí cho mình chức vụ Bộ trưởng). Một lần phản tỉnh. Bỏ thằng Phỉ thân Liên xô (vì nó sa thải mình) đi theo thằng Phỉ thân Trung cộng (vì nó cung cấp phương tiện vật chất chống lại dân tộc mình và hứa hẹn Bộ trưởng nữa). Hai lần phản tỉnh. Cả hai lần, Trương Như Tảng đều nổi đình đám. Vẫn nhãn hiệu cộng sản dưới cổ áo, Trương Như Tảng đầu quân dưới trướng Hoàng Văn Hoan, chỉ đánh tập đoàn Lê Duẩn và vẫn dùng xác chết Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp đấu tranh. Không hiểu “For Rent” tiếng Bắc kinh đọc ra sao?

Ôi, những hạng trí thức hết “For Rent” bán thân cho chủ Pháp, chủ Nhật, chủ Mỹ, chủ Liên xô, chủ Tầu mà cứ gang họng đòi tạo hạnh phúc cho dân tộc, sao mà tởm thế! Ấy vậy mà Trương Như Tảng vẫn huyễn hoặc được một đám các nhà… trí thức trẻ ở Paris, các nhà trí thức chưa hiểu Nhâm Diên là ai, Tích Quang là ai, chưa hiểu tại sao “Đồng trụ triệt Giao Chỉ diệt,” chưa hiểu tại sao tổ tiên mình phải “lên rừng kiếm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai?” Chưa hiểu tại sao Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa về Tầu… Các nhà trí thức này, 20 năm chiến tranh gian khổ trên đất ở quê hương thì yên ổn học hành ở Pháp, 10 năm dân tộc quằn quại dưới gót thống trị cộng sản thì ồn ào tranh đấu làm dáng. Và cứ ngở mình là cái rốn của vũ trụ, là đỉnh cao của trí tuệ lưu vong, hiêu hiêu tự đắc, mục hạ vô nhân, lấy sự nhẩy đầm làm lối về quê xưa, mượn bước disco theo người đi chiến đấu. Các nhà trí thức miệng còn hôi mùi sữa này, mắt chưa nhìn rõ Tầu phù sang Việt Nam 1946, tai chưa nghe thủng Đặng Tiểu Bình dọa dẩm “cho Việt Nam thêm bài học thứ hai,” cắm cúi hậu thuẩn lũ Lê Chiêu Thống Hoàng Văn Hoan và tung hô Trương Như Tảng. Nghĩ thật bẽ bàng. Chẳng còn gì ngu xuẩn hơn đi phò kẻ đầy tớ Tầu, mượn vũ khí Tầu diệt kẻ đầy tớ Nga trên nước mình. Đấy chiến tranh biên giới Hoa Việt đang tiếp diễn, có thằng Ủy viên Bộ chính trị Việt cộng nào chết chưa? Hay chỉ có máu và nước mắt người Việt Nam khốn khổ? Câu hỏi lại đặt ra, trí thức là cái gì?

*

Trí thức Việt Nam, viết về họ chẳng có gì hấp dẫn cả. Cực tả cái thân phận bèo bọt của họ chỉ khiến đau lòng và gây nhiều ngộ nhận. Kể từ quyền bính thống trị được ngoại nhân trao cho đám võ biền vô học, trí thức mất giá. Nhiều kẻ tình nguyện làm gia nô để phục vụ guồng máy cai trị tay sai của ngoại nhân. Và đón gió đã là một thái độ rực rỡ của một loại trí thức thèm khát quyền bính. Nhưng đón gió, cái thái độ bệ rạc ấy, không còn thiêng khi Việt cộng chiếm đoạt toàn bộ quyền bính thống trị miền Nam. Trí thức không đi giật lùi nữa. Họ đi thẳng hàng, nghiêm chỉnh vào cái chuồng của bạo lực mang tên Hội Trí Thức Yêu Nước. Sự ngoan ngoãn của thức trí thức ồn ào cấp tiến khiến lợm giọng. Lợm giọng hơn, thứ trí thức tuần chay nào cũng có nước mắt. Ngày xưa, về quê hương “nhờ ơn tổng thống anh minh và đảng cần lao nhân vị” rồi vẫn “nhờ ơn tổng thống và cách mạng 1-11.” Ngày nay, về quê hương “nhờ ơn Bác và Đảng.” Xem chừng âm nhạc cổ truyền dân tộc đã vướng vài sợi cỏ đuôi chó! Nghĩ mà thương hại cái đàn bầu, đàn nguyệt. Hởi ơi công lao nghiên cứu, hởi ai giáo sư tiến sĩ, tài năng thế mà chẳng chịu bọc lấy vàng son, cam đành theo triết lý của Mạ Nhy (?) để được… yêu nước. Yêu nước, sợ Đảng và nạt nộ nhân dân là thái độ của trí thức đầu hàng và được phục vụ cộng sản. Hãy đi xem sinh hoạt của trí thức đầu hàng cộng sản trong cái chuồng Hội trí thức yêu nước ở đường Nguyễn Thông. Những người này khoa bảng đầy mình. Họ giỏi nhưng họ ngu. Ở chỗ quên cái gốc gác giai cấp tiểu tư sản của mình và chưa bao giờ nghe giai cấp vô sản chửi mình:

Tiểu tư sản thường mắc cái bệnh kinh niên sợ đấu tranh giai cấp, nên thường thích ‘hòa cả làng.’ Vốn là giai cấp bấp bênh, sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình, nên thường không thấy, mà cũng không dám thấy sự thật gay gắt của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội, giữa cách mạng và phản cách mạng. Khi cá nhân bị động chạm, thì ‘hăng lên’ một lúc, có thể rất ‘tả’ nhưng khi được thỏa mãn phần nào, hoặc khi vấp ngã đau, thì lại lập tức chùn lại, rất sợ cái gì ‘đổ vỡ’ Cái ‘hăng’ đấy nhiều khi chỉ là biểu hiện của cái ‘sợ.’ ‘Miệng hùm gang sứa’ chính là tính chất của người tiểu tư sản… Người tiểu tư sản ghét hay yêu người nào thường không phải vì người đó ghét hay yêu cách mạng, ghét hay yêu Đảng và quần chúng, mà trước hết là vì người ấy ghét hay yêu cá nhân mình, hợp hay không hợp với cái tính riêng, cái ‘khẩu vị’ của mình. Anh ta không cần biết tính chất chính trị xã hội của những người mình quen biết, là cách mạng, không cách mạng hay phản cách mạng. Phân biệt ‘con người xã hội’ và ‘con người riêng,’ anh nghĩ: ‘Con người xã hội’ có thể phản động, nhưng ‘con người riêng’ có thể rất tốt, chơi được, không ‘thành vấn đề gì.’ Vì vậy, anh đã cảm động với những sự ‘săn sóc’ nho nhỏ của bất cứ ai, dù là phản động, nhất là khi thiếu thốn buồn phiền… Người tiểu tư sản rất sợ bọn thù địch, và trái lại, rất thích nghe những lời tán tụng phỉnh nịnh mình là ‘đương kim vô địch,’ là ‘đệ nhất,’ là ‘thiên tài.’ Vân vân…“(*)

Không có tư bản tài phiệt ở Việt Nam mà chỉ có bọn tư sản mại bản. Điều này, ông Vũ Tài Lục đã xác định trong cuốn “Những khuôn mặt tài phiệt“(**) Trí thức Việt Nam, đa số, xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản thành thị. Lại xin thanh minh thêm: Bài này tuyệt nhiên không đả động gì tới Trí Thức (viết hoa) là trí thức tinh hoa của dân tộc, lương tri của con người, trí thức mà chúng ta đốt đuốc tìm lại và soi sáng giá trị của họ. Đại biểu của giai cấp vô sản, của Đảng cộng sản đã miệt thị trí thức tiểu tư sản từ tháng 6 năm 1958. Ngót hai mươi năm sau, và có lẽ, đến tận hôm nay, người trí thức tiểu tư sản vẫn chưa vỡ óc. Nói theo Trần Tế Xương:

Tụng kinh cứu khổ ba trăm cuốn,
Ơ hẳn còn quên một phép phù.”

Phép phù ấy, cộng sản nói toạc móng heo: “Sợ đ­ấu tranh; sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình; không dám thấy sự thật gay gắt; thích nghe những lời tán tụng…”(****)

Khi chúng ta, những người quốc gia nói lên những điều mà cộng sản sẽ nói về trí thức, thì họ lồng lộn, tức tối và luôn luôn đem khoa bảng ra khỏa lấp dư luận, lấy cái sự quí trọng kẻ sĩ của quần chúng để giương danh. Họ không dám tra vấn cái sứ mạng của kẻ đi học và sứ mạng thắp sáng quê hương nghìn năm u tối của họ. Tội nghiệp họ, vì ngoài kiến thức chuyên môn, họ còn biết gì đến cái mênh mông của biển học. Họ bằng lòng “sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình.” Ông luật sư không dám giáo dục quần chúng hiến pháp và luật pháp để quần chúng tôn trọng hiến pháp, luật pháp để hành xử quyền tự do, dân chủ và­ đòi hỏi công lý. Ông ta chỉ ham mở văn phòng kiếm ăn bởi sự ngu dốt và ham kiện tụng của quần chúng. Ông ta đã tiếp tay với thống trị đàn áp bị trị. Đất nước ta đầy rẩy những ông đạo, ông thầy sát hại bệnh nhân bằng nước lạnh, tàn nhang, liếm, vuốt… Nhưng các ông bác sĩ tập trung ở thành phố cả bầy. Mỗi ông cố xoay sở một cái phòng mạch. Đã là y sĩ quân đội, y sĩ nhà nước, vẫn cứ ăn cắp thì giờ và thuốc của lính, của dân cho mưu đồ cá nhân.

Tỷ lệ bao nhiêu ngàn nông dân không một bác sĩ là vết ô nhục của Y sĩ đoàn Việt Nam! Dân nghèo trị bệnh bằng vỏ cây, côn trùng. Dược sĩ cho thuê bằng cấp. Dược sĩ đứng bán thuốc nhập cảng. Thế thì giá trị của luật sư tương đương anh viết đơn mướn trước cổng tòa án; của bác sĩ tương đương ông lang băm; của dược sĩ tương đương gã bán cao đơn hoàn tán. Cùng một mục đích: Cơm áo. Thì giờ thừa thãi không phải để nghiên cứu, học hỏi thêm. Mà cờ bạc, gái nhẩy. Và nhi nhô chính trị. Mục đích của kẻ đi học không phải vì để dấn thân vào đời sống mà để ngồi chót vót trên ngọn đỉnh đời sống. Những kẻ “sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình” đâu dám đấu tranh, đâu dám nhìn sự thật. Cộng sản nó nguyền rủa, nó ví như “cục phân.” Thì câm nín, dù ở ngoài quỹ đạo của nó.

Đến khi ở trong quỹ đạo của nó thì không dám hó hé phản kháng, thì ngoan ngoãn đi vào chuồng Hội Trí Thức Yêu Nước. Tưởng những ông trí thức ba mươi năm quê người cũng nên truy nã thân phận tôi mọi cho cộng sản của mình. Đừng nghĩ cộng sản ve vuốt mình là trí thức dân tộc mà phổng mũi. Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị, Đào Duy Anh,… đã là trí thức dân tộc. Mà vẫn bị khinh bỉ là “giai cấp bấp bênh, không dám thấy sự thật.” Dưới nhãn quan phát xít, không có trí thức dân tộc, chỉ có hạng trí thức lột người (dùng chữ của Xuân Diệu) mất nhân tính để đặc xịt thú tính và Đảng tính. Nói rõ rệt, trí thức mang huyết thống tiểu tư sản, lãng mạn tiểu tư sản, tài hoa tiểu tư sản. Mà tiểu tư sản là giai cấp thù địch số một của giai cấp vô sản. Những người trí thức “thích nghe những lời tán tụng” của cộng sản, phục vụ chúng không lương, quả là đã bị cộng sản cấy sinh tử phù. Bấu víu kẻ thù mà vẫn bị kẻ thù nguyền rủa, ngờ vực, trí thức đó là trí thức gì nhỉ? Ở trong chuồng Hội Trí Thức Yêu Nước, họ lăng xăng cải tạo tư tưởng. Lâu lâu, họ được bố thí một đêm chiếu phim bán vé cho nhân dân coi, lấy tiền “bổ xung” cantine đặng cantine bán phở, bán hủ tíu, bán bún bò giá “quốc doanh” cho trí thức yêu nước.

Hình tưởng những ông trí thức yêu nước… Việt cộng sáng sáng chầu chực điểm tâm giá rẻ mạt ở cantine, mỗi ông đeo một cái túi vải thời trang trong đựng toàn thuốc tây của thân nhân “phản quốc và phản động” từ Mỹ từ Pháp… gửi về! Hình tưởng, hãy hình tưởng các ông ấy hỏi giá “thị trường thuốc hôm nay,” ăn no bụng rồi tản mạn khắp chợ trời! Thỉnh thoảng có buổi họp học tập tư tưởng Mác Lê nin, học tập quan điểm nhân dân vô sản, học tập đấu tranh chống tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy, học tập cả sự lên án các nhà trí thức chân chính vì can đảm chiến đấu cho quyền sống con người mà bị vào tù ngục cộng sản. Vài ông cở Ngô Viết Thụ được đưa sang Liên xô tham quan thì về hót Liên xô, hót Đảng ầm ĩ. Nhưng khi an toàn leo lên máy bay đi “đoàn tụ gia đình” qua Mỹ, qua Pháp lại lột lưỡi chống cộng sản triệt để nhất thế giới! Sự lương thiện của trí thức biến mất. Cuối cùng, cách đây hai năm, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức liên hoan tất niên chào mừng hai “đồng chí” Lê Duẩn và Trường Chinh, trí thức yêu nước được gọi tới hoan hô. Đồng chí Lê Duẩn tuyên bố:

“Người ta bảo cách mạng không cần trí thức là sai, Bác Hồ đã là trí thức. Đồng chí Trường Chinh đây là trí thức. Tôi tuy mới học hết lớp ba, nhưng nhờ học hỏi nhân dân, tôi cũng là trí thức.”

Các nhà trí thức yêu nước vổ tay hồ hởi. Để vinh danh câu nói của Mao Trạch Đông: “Giá trị của trí thức không bằng cục phân!” Trí thức trong chuồng Hội Trí Thức Yêu Nước vậy đó. Vài nét “đ­an thanh” thôi. Nói thêm sợ buồn nôn, nhất là nói về lũ bác sĩ cầy cáo run rẩy ở khoa thần kinh Chợ Rẩy và Chợ Quán mà điển hình là tên Tiếp điếc. Với bố Việt cộng thì y khúm núm, sợ hãi. Với dân chúng muốn thoát khỏi địa ngục đỏ bằng cách xin xuất ngoại trị bệnh điên thì y hạch hỏi, la lối. Tỷ lệ phản động đìu hiu nhất ở Sàigòn, được đánh giá là trí thức khoa bảng. Sự dấn thân tích cực luôn luôn là sinh viên học sinh.

Quốc nội đã thế, quốc ngoại ra sao? Vụ án bẩn thỉu Medi-care, Medi-Aid do một số các ông bác sĩ, dược sĩ bên Mỹ gây ra đã đủ dấy nhơ lên cộng đồng Việt Nam tị nạn cộng sản khắp thế giới chưa? Dấu tích ô nhục ấy bao giờ rửa sạch? Sự ra đi để về giải thoát dân tộc khốn khổ của trí thức nó bệ rạc vậy ư? Cơn lốc oan nghiệt 30-4-1975 chưa thức tỉnh người trí thức cái lẽ phù ảo của danh vọng, tiền bạc ư? Hoặc là theo triết lí mới “Ăn cắp nhanh để gây dựng lại của cải bị ăn cướp”? Ôi tiền nhân Nguyễn Gia Thiều, ngài đã dạy rằng: “Mồi phú quí nhử làng xa mã, Bả vinh hoa lừa gã công khanh” mà trí thức không học, không học luôn cả Luân lí giáo khoa thư! Nên tinh thần ăn cắp lấn át tinh thần dân tộc. Kẻ khước từ quốc tịch, giòng giõi mình thì vênh vang khao vọng. Đứa ăn cắp báo của người khác thì mở tiệc liên hoan. Thánh nhân Trần Hưng Đạo đã là Mr. Đao Hung Tran, Tự Do của ông Phạm Việt Tuyền nghĩa lý gì. Một tên ăn cắp công khai, nhiều tên toa rập cổ võ. Toàn là trí thức cả đấy. Cho nên, những gã lái buôn chữ nghĩa có ăn cắp công trình sáng tạo của các nhà văn chỉ làm công việc noi gương. Trí thức khoa bảng quả là bọn sống không sáng tạo. Ở bất cứ thời đại nào, họ cũng đứng về phía thống trị đàn áp bị trị cho quyền lợi vật chất và công danh của họ.

Máu nào ròng rã chảy hai mươi năm chiến tranh bảo vệ tổ quốc? Không hề có máu khoa bảng. Nước mắt nào ròng rã chảy hai mươi năm chiến tranh quần nát quê hương? Không hề có nước mắt khoa bảng. Nhưng, những người lính dũng cảm, mình mẩy đầy thương tích chiến đấu, trái tim se sắt vì nổi đau mất nước, muốn làm lại tổ quốc thì bị trí thức khoa bảng ngoảnh mặt chê bai không xứng đáng hợp tác cứu nước! Họ cứ muốn chơi riêng và độc quyền hội đoàn. Mà họ có biết chơi đâu. Chính trị của họ là thứ chính trị hạng bét. Chiến đấu của họ là thứ chiến đấu tro nguội. Báo chí của họ là thứ báo chí học trò, mỗi tháng vài trang, rặn hoài chữ nghĩa vẫn thiếu. Mà khoái giăng kẽm gai rào dậu. Đúng là bọn “sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình.” Bản chất hèn mọn của họ thể hiện rõ rệt khi họ khước từ hợp tác với lính mà lại hợp tác với tướng. Tướng oai hơn lính, dù tướng hết là tướng trong cái thế lưu vong.

Một số khoa bảng đã giúp ông tướng hề Hoàng Cơ Minh múa rối trò chơi kháng chiến. Hoàng Cơ Minh vùng vẫy. Hoàng Cơ Minh tác yêu tác quái. Đến ngày “chiến hữu” của Hoàng Cơ Minh là Phạm văn Liễu, Phạm Ngọc Lũy lột mặt nạ gian dối của Hoàng Cơ Minh, họ câm nín, không dám can đảm nhận tội đồng lõa lừa gạt tiền lạc quyên của lưu dân, hủy diệt niềm tin chống cộng của đồng bào. Họ được chia chác tiền bá tánh, chia ghế quyền bính ảo tưởng, lên tiếng sợ thẹn hay ngậm ngùi “tay đã nhúng chàm” cho nhúng thẩm hơn? Những kẻ thiếu thái độ sống luôn luôn hèn nhát và sợ hãi sự thật. Những kẻ ấy sẵn sàng thỏa hiệp, “miệng hùm gan sứa,” chỉ biết tỏ chính kiến trong bóng tối và chụp mũ thiên hạ. Hiếm họa, họ cũng học đòi đóng góp ý kiến bảo vệ “gìn giữ quê mẹ” và lớn họng yêu cầu người khác thực hiện cái này, cái nọ. Nhưng góp mỗi anh chút đỉnh thì họ lờ tịt. Đấy, “đã coi đồng bạc to hơn núi, lại học đòi theo thói Mạnh Thường.”

Chẳng còn gì thảm não bằng một ông khoa bảng hô hào con trẻ nói tiếng Việt mà con ông ta chỉ biết nói tiếng Tây. Đất nước khốn khổ của chúng ta đã tuyệt vọng chuyện đầu tư khoa bảng. Từ ngót nửa thế kỷ nay, đã một tên khoa bảng nào làm rạng danh xứ sở ở nước Pháp? Cái truyền thống của bọn xuất dương du học là địa vị và cơm áo. Về nước, họ tỏ ra bất tài mà lại ham ăn trên ngồi trước. Do đó, họ đã cúi mặt phục vụ thống trị bù nhìn. Ở lại quê người, họ cũng chỉ làm cu ly đầu óc. Danh sách những di dân làm đẹp cho nước Pháp, không thấy ông Việt Nam nào cả! Nhưng chủ tịch các thứ hội đoàn lem nhem thì vô số khoa bảng. Có ông chơi bạo, đem cái tiến sĩ đệ tam cấp vớ vẩn lập Hàn Lâm Viện Việt Nam hải ngoại, làm chủ tịch luôn và… phát giải cho bá tính mới khiếp chứ! Lại có ông muối mặt định lãnh giải về thành tích “giàn đại bác thường xuyên nã vào cộng sản” đấy. Bên cạnh đám khoa bảng đười ươi còn lũ trí thức gian manh, lâu lâu mò về thăm Sàigòn dụ dổ gái tơ, lột cả trinh tiết lẫn vàng bạc của các thiếu nữ thèm khát tự do bên Âu châu rồi quất ngựa truy phong, không bao giờ làm giá thú, vất nạn nhân rên xiết trên đất khổ.

Tình nghĩa đồng bào của họ là thế đó. Đem mồi tự do bịp bợm con gái ghét cộng sản. Ôi, thú vật trí thức! Giữa đười ươi và gian manh là đám trí thức nhện nướng, tài không có mà cứ học đòi độc quyền yêu nước, chí không có mà cứ học đòi một mình chiến đấu. Ngu lại lên mặt hổn, chưa vở lẽ nhện nướng đã ngở mình lão thành, dám ngông nghênh vây hãm cha chú. Uống sữa Tây từ lọt lòng mẹ, dấu hỏi ngã còn viết sai, tiếng Việt Nam chưa sỏi, vẫn thích tranh luận chuyện ngục tù cộng sản. Đám này nói tiếng Tây giỏi song chưa viết nổi văn Tây. Hai, ba chục năm ăn học bên Tây mà nói tiếng Tây không giỏi thỉ măng giê ca ca cho rồi. Đấy n­ó, đười ươi, gian manh, nhện nướng đang thao túng mọi sinh hoạt cộng đồng Giao Chỉ tị nạn ở cái thủ đô Paris của người Pháp.

Bên Tây đã vậy, bên Mỹ thế nào? Ta sợ buồn bút, đau giấy đành ngưng lại. Để câu hỏi nằm thổn thện tại đó. Chỉ xin luận vài dòng về mấy anh tiến sĩ xế chiều. Mấy anh này, xưa ở Việt Nam đã nhí nhô giáo sư, giáo sư loạn cả lên. Qua Mỹ, mấy anh… đi học. Tốt lắm, nếu học để phục vụ dân tộc và nhân loại. Không, mấy anh chỉ cốt có tiến sĩ in luận án, chụp hình và viết báo khoe bằng, thứ bằng giẻ rách. Mấy anh càng khoe tiến sĩ, tuổi trẻ càng khinh bỉ. Vậy chứ xưa các anh dạy học bằng bằng… bịp à? Tiến sĩ có nhiều hạng. Hạng tiến sĩ mấy anh xế chiều là hạng vô hạnh. Có học mà vô hạnh kể như vô học. Thỉnh thoảng, còn tiến sĩ vô giáo dục nữa. Nếu manh áo không làm nên thầy tu, cái bằng tiến sĩ cũng không làm nên giá trị con người. Cần “cho ra cái giống người” đã.

*

Chân trí thức không bao giờ là Ngụy trí thức. Như quốc gia và cộng sản. Như hoa thơm và bùn thối. Bài luận này không hề xúc phạm tới trí thức. Mà chỉ bàn về những hạng chiên ghẻ trong hàng ngũ trí thức. Vậy khỏi đốt đuốc tìm trí thức. Đuốc đã đốt rồi, kẻ thất phu cũng có thể nhìn rõ người trí thức chân chính.


Đồng Nai Tư Mã
(8-1986)
_______
Ghi chú:
(*) Mấy bài học lớn, Tố Hữu. Tạp chí văn nghệ, Hà nội tháng 6-1958.

(**) Xuất bản tại Sài gòn trước 1975

(***) Tố Hữu. Bài đã dẫn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire