Truyện Ký
THÁNG BA ĐÓI (2)
* GS Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC
(tiếp theo)
Tiếng mõ khua lên
giữa đêm khuya thanh vắng vào lúc mọi người chưa ngủ làm ai cũng phải lắng
nghe. Ðó là tiếng mõ của chú Rong, một người mõ làng vào tuổi gần lục tuần.
“Cốc cốc cốc. Cả làng cả nước dỏng
tai mà nghe đây. Theo lệnh từ tỉnh sức về, thì làng ta phải trồng cho được ít
nhất là 100 mẫu đay lấy vỏ, các gò đống phải trồng gai lấy vỏ. Mỗi nhà chỉ để
lại năm sào trồng lúa, còn phải trồng đay hết, bắt đầu ngay mùa này. Ðến lúc
thu mua, Chính phủ sẽ cho người về cân trả tiền. Cốc cốc cốc. Ai không tuân
lệnh này sẽ bị phạt tiền và tù. Cốc cốc cốc.”
Chú mõ Rong đi hết giong này đến giong khác, xóm này đến xóm
kia để rao lệnh của phủ Xuân trường, tỉnh Nam Ðịnh, sức xuống chánh tổng, chánh
tổng đưa xuống lý trưởng các xã.
Sau khi nghe được lời rao, dân làng đều nhốn nháo cả lên.
Hai vợ chồng anh Thường đang ngồi tại phản, giữa để một ngọn
đèn Hoa kỳ bằng thủy tinh cho một ngọn lửa yếu ớt. Trên cái đĩa sành cạnh đó
còn vài miếng trầu đã têm, vỏ và cau. Cái điếu bát với mấy thanh đóm nứa cháy
dở và tàn thuốc, chiếc xe điếu gác lên bát gỗ.
Ngồi phía trong
là ông bà Thung, bố mẹ anh Thường đều đã ở tuổi sáu mươi nhưng còn khoẻ mạnh.
Những đứa trẻ con anh chị Thường đã đi ngủ sớm, nhưng người lớn còn ngồi chuyện
trò một lúc để trao đổi những công việc đồng áng sẽ làm cho ngày mai.
Vừa nghe xong tiếng mõ rao, ông Thung bảo Thường:
“Thường, vợ chồng mày có nghe gì không? Hay là tai tao điếc?
Chú mõ Rong vừa rao là phải bỏ lúa trồng đay, trồng gai. Mày chạy theo mõ Rong
nghe thêm một lần nữa xem có phải như vậy không?”
Hai vợ chồng Thường và cả bà Thung đều nói:
“Bố nghe đúng đấy. Mõ rao phải bỏ lúa trồng đay. Ðể con chạy
theo nghe thêm cho chắc ăn.”
Nói xong, anh Thường đứng lên mở cửa ra ngõ. Nhân dịp, chị
Thường đứng lên đi coi hai cái giường các đứa trẻ đã ngủ yên chưa và màn (mùng)
đã buông tử tế chưa kẻo muỗi nhiều lắm. Bây giờ đang bắt đầu mùa hè - năm 1942
- mùa cho muỗi sinh sôi nảy nở đến nỗi nhiều nơi phải buông màn hay mành mành
dầy cho trâu, cho lợn nếu không muốn bị muỗi làm thịt súc vật.
Lí do là ao hồ
nhiều; những vũng nước trâu đầm, những vũng nước trong vườn, ngay cả những bể
nước mưa, lu, khạp đựng nước, bốn bát nước kê bốn chân trạn thức ăn để ngừa
kiến, tất cả những chỗ đó muỗi đã vào đẻ trứng, trứng nở ra lăng quăng rồi
thành muỗi. Thuốc xịt trừ muỗi chưa có, nông dân thiếu học không được chính
quyền phái nhân viên về hướng dẫn nên càng ngày muỗi càng sinh sôi nảy nở ra
rất nhiều. Những loại muỗi độc (anophèle) chích cho người các thứ bệnh sốt rét
ngã nước hay sốt xuất huyết, người và cả thú vật chết quay ra mà nông dân ta
chẳng biết vì đâu. Thật là khổ sở khi còn tăm tối, dốt nát!
Chỉ khoảng ba
tuần nữa là lúa được gặt. Chị Thường nghĩ đến mà lòng thấy vui vui.
Dập lại xong hai
cái màn, chị trở lại cái phản gia đình thường ngồi để ăn cơm, cầm cái quạt đuổi
muỗi vo ve xung quanh. Anh Thường cũng vừa về tới.
“Thưa bố mẹ, bố nghe đúng đấy. Mõ rao rằng, mỗi gia đình chỉ
để lại 5 sào cấy lúa đủ ăn, còn bao nhiêu phải trồng đay, trồng gai lấy vỏ.
Người của Chính phủ Nhật sẽ về thu mua, trả tiền theo thời giá một cân đay, một
cân gai lúc đó. Bắt đầu ngay vụ tháng mười này. Ai không tuân lệnh, lí trưởng
bắt giải lên huyện, bị tù và phạt tiền rất nặng.”
Cả ba người nghe xong đều sửng sốt. Ông Thung bảo:
“Thế mày có nghe ai nói Chính phủ Nhật mua đay như vậy để làm
gì không?”
“Hồi chiều ở ngoài ruộng, con gặp anh Tuyến con bác Khắc, mới
đi tỉnh về. Anh Tuyến cho con biết tin trồng đay nhưng con chưa dám chắc nên
chưa nói cho bố mẹ nghe.
Anh Tuyến nói,
quân đội Nhật đã xâm chiếm toàn vùng Ðông Dương, lật người Pháp xuống. Pháp
hiện nay sợ Nhật lắm. Còn Nhật thì tuyên chiến với Ðồng minh Hoa kỳ, Anh, Nga,
Pháp và nhiều nước khác ở Âu châu. Nhật cùng một phe với Ðức và Ý, gọi là phe
Trục. Phe Trục muốn bá chủ thế giới. Lãnh tụ Hitler của Ðức rất độc ác, đi tới
đâu giết chóc tới đó. Lãnh tụ Ý là Mussolini, còn Nhật thì Minh Trị thiên
hoàng, theo Hitler. Ba nước đó là mối lo chung cho toàn thế giới.
Riêng Nhật xâm
chiếm Ðông dương do sự phân chia vùng trách nhiệm và chiếm lĩnh của phe Trục.
Nhật dùng vỏ đay, vỏ gai đan lưới, đan
bao để di chuyển quân dụng của họ nên cần nhiều đay lắm mà trong xứ họ
không có, cũng không trồng được vì đất hẹp.”
Ông Thung cau mày
nghĩ ngợi, những nếp nhăn càng nhiều hơn trên mắt, trên trán, trên má:
“Thế bố hỏi mày, gia đình mình cả thảy mười người mà chỉ cấy
năm sào thì sao đủ ăn?”
Bà Thung vẫn ngồi nghe,
giờ chêm vào:
“Một mẫu cũng chỉ mới tạm đủ ăn, chưa có lúa giống. Năm sào
thì cứ gọi là đói xanh mắt.”
“Con cũng đã nghĩ đến điều đó, bố mẹ. Con bối rối quá chửa
biết phải làm sao đây. Cưỡng lệnh Chính phủ, dù là chính phủ từ đâu tới đây đô
hộ mình, là ở tù, lại còn bị phạt tiền nữa. Người Pháp kia, dữ dằn như thế,
súng ống máy bay tầu bò như thế mà còn phải chịu nước lép với Nhật, anh Tuyến
nói Pháp gặp Nhật là cứ một phép như rắn mồng năm. Thế thì mình là người dân
chỉ có tay không, làm sao chống chõi được với họ, hả bố?”
Ông Thung thở dài sườn sượt:
“Tao chắc là đói đến nơi rồi mày ạ.”
Anh Thường lại nói:
“Hay con bàn với bố thế này. Vườn nhà ta phía trước phía sau,
ta không trồng rau nhiều nữa mà trồng khoai, trồng ngô. Thu hoạch được, ta trữ
trong cót để ăn dần lúc đói kém. Bố nghĩ sao?”
“Liệu mình trồng cái đó chúng có cho mình trồng không?”
“Con nghĩ là được vì hai mẫu ruộng cấy lúa, mình đã trồng đay một mẫu rưỡi, chỉ có năm sào lúa.
Trồng khoai ngay trong thổ nhà mình phải là được chứ?”
“Thôi khuya rồi. Hai vợ chồng mày đi ngủ đi sáng mai còn dậy
sớm ra đồng.”
Từ hôm lệnh trồng đay ra, cả huyện, cả tỉnh nhốn nháo cả lên.
Nhưng không phải chỉ riêng tỉnh Nam Ðịnh, các tỉnh ở vùng trung châu này như
Thái Bình, Hải phòng, Quảng Yên, Bắc Ninh, Hà Ðông, Hà nội, Hải phòng, Kiến An,
Hải dương, Vĩnh Phúc Yên, Sơn tây, Hưng Yên v.v... đều được lệnh bỏ lúa trồng
đay và gai. Phải là một kế hoạch chiến lược rộng lớn lắm thì người ta mới huy
động đến toàn cõi Bắc Việt bỏ lúa, một thứ ngũ cốc tối quan trọng để nuôi sống
toàn vùng mà trồng một thứ khác.
Kể từ đời thượng cổ khi mới có dân Lạc Việt, từ du mục biến cải sang nông nghiệp, lúa nước, tộc
Lạc Việt đã bám lấy mảnh đất cha ông để lại, cầy cấy, vun bón trên đó
để đổi lấy một đời sống khiêm nhường: tay làm hàm nhai, không dư dả là bao.
Chung qui bởi kĩ thuật trồng cấy và nông cụ còn quá thô sơ.
Nhà nông chỉ có
cái cày, cái bừa, cái cuốc, cái xẻng và con trâu. Tất cả chỉ có chừng đó, con
người phải vật lộn với đất đai, mưa nắng dãi dầu, sao cho đất sản sinh ra thực phẩm nuôi người để con người
sống còn. Nông dân Việt lúc đó không có tham vọng gì hơn là được đủ ăn, đủ mặc,
có cái nhà che nắng che mưa, có mảnh vườn trồng rau, trồng khoai tiếp tế cho
cái bếp mỗi ngày nổi lửa hai lần, đem thức ăn cho mọi người trong gia đình no
đủ. Thế là họ vui rồi, không còn ước nguyện gì hơn.
Nông cụ như nói
trên, làm bằng kim khí thì chỉ có cái lưỡi cày, những cái răng bừa, lưỡi cuốc,
lưỡi xẻng, con dao, còn thảy đều bằng gỗ, dùng tay đẽo từ một khúc cây lớn mà thành,
thí dụ như cái cày. Một chút xíu đồ kim khí đó cũng không được sản xuất qui mô.
Những thợ rèn trong làng, từ đời cha đời ông, lượm sắt vụn cho vào lò than,
dùng bễ thổi cho than cháy mạnh nướng sắt chảy ra, để lên đe, uốn nắn thành cái
lưỡi cày, răng bừa, con dao, cái kìm, cái búa. Tất cả chỉ có thế nên con người
phải đánh vật với đất đai và thiên nhiên khắc nghiệt mới kiếm được miếng ăn.
Trải cả nghìn năm, cũng như người Tàu, kĩ thuật nhà nông không tiến lên đưọc
một phân nên sản xuất vẫn kém mà nông phu vẫn cứ vất vả đầu tắt mặt tối.
Cho đến cuối thế
kỉ 20, nhiều nhà nghiên cứu Âu - Mỹ khi khảo sát về Việt Nam họ còn viết rằng,
trong căn nhà của nông dân Việt, khí cụ toàn bằng gỗ, tre, nứa, kim khí rất ít.
Nó chứng tỏ trình độ phát triển kĩ thuật quá thô sơ. Ngay như giờ đây (2004),
Việt Nam vẫn chưa làm được cái kim máy may hay kim khâu. Làm sao dân có thể
sung sướng được trong khi giữa
năm 1969, Hoa Kỳ đã đưa người lên cắm cờ trên mặt Trăng?
Ngoài nông cụ thô sơ, nông dân Việt còn phải lo đối phó với
thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên.
Cấy lúa từ thượng
cổ, người Việt đã từng có kinh nghiệm với những trận bão mùa hè, phá hoại dữ dội mùa màng, dù bông lúa mới đông
sữa hay đã chín vàng thảy đều thiệt hại không gì có thể bù lấp. Và viễn ảnh là
những ngày tăm tối, đói khát, đau khổ cho đến vụ mùa năm tới, nếu trời thương
lúa mạ được gặt.
Bởi đã kinh nghiệm nhiều vụ đói, dăm bảy năm một lần do bão
táp, lụt lội, hạn hán, gió trái mùa hoặc sâu rầy, chuột bọ tàn phá mùa màng,
người dân Bắc Việt rất sợ thiếu cái ăn mà chẳng trông vào một nguồn tiếp tế nào
khác ngoài nguồn của chính mình, do chính mình làm ra.
Nay lệnh trên sức xuống bắt bỏ lúa trồng đay, gai, ấy là những
đêm mất ngủ của các chủ gia đình.
Hồi chuông chùa và chuông nhà thờ sớm mai vừa đánh lên rổn
rảng, anh Thường đã vạch màn chui ra. Theo dự trù, ngày hôm nay, trước khi ra
đồng, anh phải xúc thóc ngâm cho nẩy mầm rồi gieo mạ để làm mùa tới. Như mọi
khi, anh phải dùng tới vài, ba gánh thóc lúa giống, nhưng tin bỏ lúa trồng đay
hôm qua làm anh sững sờ. Anh chỉ phải ngâm chừng vài thúng là đủ.
Anh Thường đi xuống bếp kiếm cái bùi nhùi rơm lấy lửa. Anh
định hút một điếu thuốc lào cho tỉnh ngủ trước khi bắt tay vào việc. Anh vừa
khom người thổi cho lửa bắt vào cái đóm thì nghe vợ anh nói ở sau lưng, như một
lời chào thông lệ mỗi buổi sáng dù lúc anh ra khỏi mùng chị đã biết:
“Mình đã dậy? Hôm nay mình có định ngâm thóc làm mạ không?”
Anh Thường ngưng thổi:
“Mình đấy hả? Tôi còn đang phân vân đây. Chắc chỉ ngâm đủ mạ
năm sào thôi. Có được cấy đâu mà ngâm lắm. Ngâm lắm rồi đổ đi à. Chắc chắn
người ta không cho mình cấy quá 5 sào rồi.”
“Tôi thấy mình thức gần suốt đêm mà tôi cũng không ngủ được.
Cơ đềm này lấy gì mà nuôi con, hả mình?”
Anh Thường nín lặng. Giọng êm ả của vợ mà như những con dao
lóc vào trái tim anh vì anh là chồng, là cha, là chủ gia đình, là người lái
thuyền trên đó có bố mẹ, và vợ con anh. Trách nhiệm của anh thực nặng nề.
Bi thuốc lào đã bỏ vào nõ,
cái đóm cháy hết anh đã lấy cái khác mà anh còn suy tư quên cả điếu thuốc như mọi
khi đã sang điếu thứ hai. Nhưng rồi theo thói quen, anh cũng hút và đứng lên,
bảo vợ:
“Mình đi xúc cho tôi hai thúng thóc để tôi đem ngâm không sáng
bạch rồi, còn phải ra đồng phát bờ để còn kịp gặt.”
“Có năm sào mà sao mình ngâm lắm thế?”
Anh Thường ngần ngừ:
“Tôi hi vọng nhà nước bỏ lệnh này vì họ nghĩ lại. May ra...
Chứ mình nghĩ ai không biết cấy năm sào thì gia đình đông đâu đủ ăn?”
“Tôi chỉ sợ ngâm nhiều rồi không được cấy phải vứt mạ, uổng
thóc đi thôi!”
“Ừ, thôi. Mình xúc cho tôi hơn thúng thôi.”
Một thúng là đủ cho 5 sào. Mọi mùa, chị phải xúc năm, sáu thúng đầy có khi vẫn thiếu phải đi vay mạ nhà
anh Tảng, rồi ngâm thóc, gieo, trả sau vì anh Tảng thường cấy trễ.
Chị Thường vào
cót xúc thóc cho chồng mà trong lòng buồn bã. Sáu đứa con của anh chị, từ lên
ba cho đến 15 là thằng lớn nhất, thằng Thương đã có thể giúp bố mẹ chăn trâu,
cắt cỏ hoặc những việc nhẹ. Kế là con Yêu, 13, con Chiều, 11, thằng Sáng, 9,
thằng Hôm 6 và con nhỏ nhất, Tí, 3 tuổi.
Trời đất ôn hòa như vài năm nay, anh chị nhờ trời cũng lo đủ cơm ăn áo
mặc cho lũ trẻ dù chẳng đứa nào được đến trường học. Nhưng nếu rút việc cấy hái
lại thì khác nào mất mùa, lấy gạo đâu cho con ăn?
Trước kia, hồi
chị mới về làm dâu ông bà Thung, gia đình còn túng bấn hơn nữa. Cả nhà vẫn
thường phải ăn cơm độn thêm ngô, khoai, có khi cả khoai ngứa, khoai môn, củ
giong, củ chóc, củ ráy cho no bởi vì gạo không thì không có đủ. Khi nào khá giả
thì ba phần gạo một phần ngô, khoai. Khi tệ nữa thì nửa nọ nửa kia. Ðã vậy lại
còn phải luộc hay xào nhiều rau hoặc nấu nhiều canh ăn với cơm cho no. Rau luộc
chấm nước mắm cáy, rau xào thì chạy qua hàng mỡ nghĩa là chỉ có chút mỡ lợn
dính đáy cho khỏi cháy xanh (xoong), muối, nước mắm, mắm tôm thêm vào cho vừa
miệng. Còn canh thì chỉ canh khoai ngứa là thường hay ăn vì nó rất được việc
trong nhiệm vụ làm đầy cái dạ dày mặc dù nó có tiếng là ngứa rách mép. Hình thù,
cây củ của nó trông tương tự như khoai môn
nhưng lớn củ hơn, thích sống gần sông hồ và cái đức ngứa thì trời can. Nhưng
được cái nó chỉ ngứa lúc gọt, lúc cắt, lúc rửa và ngứa ở mép lúc ăn chứ trong
dạ dày không cảm thấy ngứa bao giờ. Ngược lại, nó làm đầy những cái bao tử lớn,
mạnh mà không có đủ cơm hoặc các thức ăn khác.
Một loại củ khác gọi là củ giong và củ chóc. Củ giong, lá của
nó dùng gói bánh chưng ngày Tết rất thơm, rất xanh bánh; củ dài khoảng hai ngón
tay, to gần bằng ngón chân cái, suông đuột, có nhiều đốt như đốt tre, luộc lên
mầu vàng nhạt, ăn dòn dòn, nhạt nhạt, hơi ngọt, lúc no thì để ăn chơi cũng như
củ chóc nhưng lúc đói thì dùng nó để làm đầy cái dạ dầy đang sôi réo biểu tình
cấp thiết.
Củ chóc mà sau này người ta
dùng bột của nó làm miến, nấu canh cũng dai như miến làm bằng đậu xanh. Chóc
ngọt hơn giong, củ chóc trông hình thù như nhiều củ khoai môn để liền với nhau.
Nhiều củ chóc ngọt, dẻo, ăn rất ngon, nhưng chỉ ăn chơi, nếu phải dùng nó ăn
trừ cơm, bữa này qua bữa khác thì hơi ớn. Củ ráy, cũng thuộc họ khoai môn,
ngoài Bắc gọi là rọc mùng nhưng trong Nam lại gọi là bạc hà. Củ của nó ăn rất
ngứa, nhưng khi không có gì thì cũng phải ăn hơn là để bụng trống rỗng, còn rọc
r áy nấu canh chua cá.
Ngoài canh rau, món ăn mặn
tập chú vào mấy cái giậm, cái vó, cần câu, rổ xúc kiếm được con tôm, con tép gì
thì rang mặn lên, ăn cho trôi miếng cơm; hoặc giả không đi đánh, đi bắt được,
phải ra chợ mua thì cũng phải dè sẻn như thế, hơn thế.
Cái ăn đã vậy,
cái mặc cũng rất ấn tượng. Mấy đứa con anh chị Thường đâu có lành lặn gì. Mỗi
đứa vài cái quần, vài manh áo nâu nắng mưa đã bạc mà chị chưa có tiền để đi chợ
mua xấp vải về nhuộm nâu, nhuộm đen may cho mỗi đứa một bộ mới để có cái thay
đổi.
Ðang mải suy nghĩ, chị chợt nghe tiếng chồng gọi:
“Nhà ngủ ở trong ấy à?”
Chị Thường giật mình vội đáp:
“Tôi mang ra đây, mình.”
Anh Thường đi kiếm vài cái nồi chân, anh đổ thóc vào ngâm
trong đó, sáng mai anh sẽ đổ ra ủ, hột thóc sẽ nẩy mầm, rồi sau đó anh đi gieo
mạ. Từ nay cho đến ngày mốt, anh phải làm cho xong hai công việc: phát bờ phát
bụi vài thửa ruộng sắp gặt và bừa mảnh đất đã cày vỡ để gieo mạ. Anh phải huy
động vợ con đi tát nước vào ruộng vì cày khô được nhưng bừa phải có nước, nước
trong ruộng càng nhiều bừa càng dễ.
Anh chị Thường vừa ra tới cổng ngõ là cái cổng tre sơ sài thì
thấy bố mẹ ở ngoài bến sông đi vào. Anh chị chào bố mẹ, anh Thường hỏi:
“Con nghĩ bố mẹ còn ngủ.”
Ông Thung đáp nhanh:
“Ai mà ngủ được, hả mày? Mẹ mày với tao đêm rồi không ai chợp
mắt được một phút vì cái tin ghê gớm loan tối hôm qua bỏ lúa trồng đay. Khoảng
ba giờ sáng, tao bèn ra thăm ruộng lúa xem sao, có bị kẻ gặt trộm hoặc chuột
mát hay không. Mẹ mày không ngủ được nên cũng theo đi.”
“Thôi bố mẹ
về nghỉ đi kẻo cả đêm không ngủ, bây giờ mệt. Vợ chồng con đi phát bờ để chuẩn
bị gặt tuần sau.”
Người trong các ngõ đã thấy ra thấp thoáng. Những lời
chào buổi sáng và những câu hỏi về lúa mạ, cám bã, lợn gà được trao đổi với nhau nghe thân ái
như người cùng gia đình. Những con gà trống thi nhau gáy đợt chót vì trời đã
sáng rõ. Những con gà mái dẫn con đi kiếm ăn, cục cục gọi con khi chúng kiếm
được con giun hay bông thóc bị lấp dưới cỏ từ ngày mùa. Anh Thường bảo vợ:
“Đi săn chân lên mẹ Thương kẻo hôm nay trễ rồi!”
Ấy là anh chị đã dậy từ 4 giờ sáng.
Đó là bức tranh buổi sớm mai nơi thôn quê Bắc Việt vào giữa thập niên
40, lúc người Pháp còn đô hộ nước Việt Nam, trước tháng Ba đói n ăm 1945.
Khi mấy đứa trẻ thức dậy thì bố mẹ chúng đã đi cả rồi. Thằng
Thương ra chuồng dắt con nghé ra đồng
cho ăn cỏ.
Con nghé này
không phải của anh chị Thường. Nó là của ông Bá Vung cho anh Thường
nuôi rẽ.
Nuôi rẽ nghĩa là khi nó lớn, khoảng một năm chẳng hạn, lúc ấy nếu bán cho lái
trâu được bao nhiêu thì chia hai, anh Thường một phần, ông Bá có con nghé lúc
đầu cũng được một phần. Nếu anh Thường muốn giữ luôn con nghé thì trả phần của
ông Bá cho ông ấy là xong. Con trâu cái nhà ông Bá cứ thế đẻ năm một con như
thông lệ thì ông Bá lại có con nghé
khác. Tuy nhiên, con
nghé này không ở với gia đình thằng Thương được lâu dù thằng Thương cưng con
nghé lắm. Chỉ tháng sau là ông Bá bắt con nghé về, sau khi trả công cho thằng
Thương chục thùng thóc. Giả sử anh Thường có muốn giữ lại cũng không dám vì khi
thức ăn bắt đầu hiếm, con nghé sẽ dễ dàng bị kẻ gian ăn trộm, hoặc đem đi xa
bán, đổi thóc, hoặc giết thịt chia nhau.
Con bé Yêu mới 13 tuổi nhưng đã giúp bố mẹ được nhiều
việc.
Nó cõng con Tí
xuống bếp, coi nồi cám lợn. Nếu hết, nó phải nấu nồi khác, rồi xắt hoặc đâm bèo cho nhỏ ra, trộn
với cám, đổ vào máng cho lợn ăn. Bố mẹ nó nuôi một con lợn nái và hai con lợn
thịt. Lợn nái đã cấn thai, còn lợn thịt mới được sáu tháng, phải vỗ bạo cho nó
lên cân rồi mới bán được.
Con Tí mới lên 3, đói khóc nhè, ra rả trên lưng chị. Con Yêu
dỗ em, vừa làm vừa nói huyên thiên chuyện trên trời dưới đất cho con Tí nghe mà
quên đói.
Thực ra nồi cơm nguội ghế khoai lang khô sáng nào cũng còn vài
lưng nhưng Yêu có kinh nghiệm là cho con Tí ăn sớm quá, trưa nó lại đói, đòi
nữa, lấy gì mà cho. Yêu muốn cho nó ăn vào khoảng gần trưa, như vậy nó mới nhịn
được cho đến bữa cơm tối thường là vào khoảng 5 giờ.
Nhưng không phải chỉ mình con Tí, nếu ba đứa kia ở nhà thì
chúng cũng đòi cơm. Ðược cái con Chiều đi tập khâu nón ở nhà chú thím Thùng,
bữa trưa chú thím có ăn gì chắc cũng cho nó ăn một chút đỡ lòng. Củ khoai lang
cũng xong. Thằng Hôm và thằng Sáng có lẽ đã ra ruộng với bố mẹ bắt cá, bắt
lươn, bu Yêu chắc đã bới thêm cơm cho chúng.
Vừa cõng em trên lưng vừa làm, Yêu đi xúc cám đổ vào cái thùng
sắt tây rồi đổ nước gạo vào cho thành một thứ bột sền sệt. Cũng có những con
lợn quen ăn cám sống trộn với bèo nhưng mấy con lợn nhà này, vì chị Thường
chiều chúng quá, cứ nấu cám ngay từ khi chúng còn bé tí tẹo, chúng quen họng,
cứ là phải cám nấu mới ăn.
Chị Thường dành
dụm mãi mới mua được cái nồi hai mươi, nấu cám rất khéo nhưng chị không dám bỏ
ra cho con Yêu nấu. Ngớp đi một cái, mất liền, của một đống tiền, đâu có dễ sắm
nên chị bảo chồng ra chợ mua một cái thùng sắt tây, thứ dùng đựng dầu lửa, khi
người ta đã bán hết dầu, đem về cắt miệng thành ra cái nồi nấu cám.
Hồi đó dầu hỏa của
Hoa Kỳ bắt đầu vào Việt Nam với những thùng dầu bằng sắt tây; ở trên mặt và
ngang hông có hình con sò nhận nổi lên. Vài hãng thổi bóng đèn của Pháp bèn chế
ra cái đèn Hoa kì bằng thủy tinh...rồi có cả xà-phòng Trương văn Bền 72 phần
dầu, từ trong Nam theo thương lái ra Bắc.
Với cái thùng sắt
tây, anh Thường chế thêm ra bằng cách đóng bốn bên miệng bốn thanh gỗ ép lấy
miệng thùng, đã dễ nhắc lên nhắc xuống mà còn làm cho cái miệng cứng thêm.
Hơn nửa thùng cám và nước, với con bé Yêu mới 13 tuổi thì thật
nặng. Nó không thể rinh nguyên thùng như người lớn mà phải đặt thùng lên bếp
rồi lấy cái bát múc từng bát từ một cái chậu khác vào. Lát nữa khi cám đã chín,
nó cũng làm như thế, múc từng muôi lớn ra chậu đã có sẵn bèo rồi dùng hai thanh
tre như hai chiếc đũa cả thật lớn ngào cám với bèo cho khá nhuyễn.
Ba con lợn hau háu mắt đứng trong chuồng nghển cổ nhìn Yêu, ủn
a ủn ỉn. Chúng đòi ăn. Ðã đến bữa của chúng rồi. Yêu nói với chúng làm như
chúng hiểu tiếng người:
“Từ từ để tao làm chứ! Làm gì mà giục rối lên vậy? Sắp được ăn
rồi!”
Con bé Yêu làm nhiều quá đến quắt cả người đi. Nó đã 13 tuổi mà nhiều người nhìn nó cứ ngỡ nó mới
lên 10. Nhưng biết sao, con gái lớn trong nhà, năm đứa vừa anh vừa em, nó không
hết sức vậy thì bố với bu nó tha hồ là mệt.
Nằm mãi trên lưng chị, khóc mãi, con Tí lại ngủ thiếp đi lúc
nào. Khi Yêu múc xong cám cho ba con lợn và mấy con gà, nó nghĩ ngay đến bữa ăn
của con Tí. Nó lại phản, ngồi xuống, tháo vuông vải dùng làm cái địu cho con Tí
tuột ra. Con Tí bị động, mặt nhăn lại, cái miệng ngoác ra tính khóc thì Yêu
quay lại lay vào vai nó:
“Tí dậy, dậy. Cơm cơm. Yêu xong rồi. Yêu cho Tí ăn cơm!”
Làm như đã thành thói quen, con Tí mở choàng mắt, ngoác cái
mồm ra:
“Cơm, cơm. Yêu!”
Nó chưa nói được nhiều mà chỉ dăm, bảy từ:”Bố, bu, cơm, cá, và
Yêu” vì hầu như cả ngày nó có chị Yêu bên cạnh nó.
Vì ruộng hơi xa nhà nên mỗi buổi sáng anh chị Thường đều có
bới cơm theo, trưa ăn cho tiện. Nhiều nông dân khác bắt con đưa cơm nóng ra ăn
lúc 12 giờ trưa nhưng anh chị Thường chỉ có mình con Yêu, bắt nó làm quá, nó
bệnh ra đấy thì khốn. Hơn nữa còn một cái đìu là con Tí đó, nó làm gì hơn được.
Vừa coi em vừa lo cho mấy con lợn, con gà, vừa coi nhà coi cửa, đứa con gái 13
tuổi như nó đã được việc lắm.
Yêu vừa ăn vừa đút cho em. Nó lựa những hột cơm không cho em;
còn nó, nó nhai những miếng khoai, hột bắp, thỉnh thoảng cõng dăm hột cơm như
phần thưởng cho cái miệng của nó. Con Tí háu đói thường nhai trệu trạo mấy cái
rồi nuốt trửng, phần vì răng nó chưa có bao nhiêu. Nhưng Yêu không chịu, Yêu nhẹ
nhàng bảo em:
“Coi chị đây này. Chị nhai thật kĩ cho cơm với cá nát nhuyễn
ra rồi mới nuốt. Ăn thong thả vậy, cơm ngon lắm!”
Nhưng con Tí đâu có hiểu thế nào, bụng đang đói cồn cào thì nó
cứ ngốn, cứ nuốt trửng cho lẹ, cho mau đầy. Chẳng phải nó mà mấy đứa kia cũng
vậy. Chỉ có Yêu là ăn thong thả mà thôi.
Ở tuổi đó mà Yêu đã nghiệm ra, thong thả nhai, cơm ngon hơn
lên, dù là miếng khoai, hột bắp. Có những bữa chỉ còn vài con tép nhỏ xíu kho
mặn, nó phải nhường cho em; nó trộn chút nước mắm cáy vào bát cơm, cũng có khi
chỉ mấy hột muối, ấy vậy mà bát cơm vẫn ngon vẫn bổ, vẫn hấp dẫn như cơm gà cá
gỏi ở những nhà giầu.
Lại nói đến thịt gà. Họa hiếm lắm bố Yêu mới giết một con gà
vì nó què chẳng hạn, lê lết cẳng chân đi không được, hoặc đau, hoặc rù, xù lông
bỏ ăn, mình rạc đi thì bố Yêu bắt làm thịt.
Hôm ấy giống như
đại tiệc, mỗi người được dăm miếng thịt luộc, chấm với muối chanh, ai chứ Yêu
là nó phải ăn rất từ từ để cảm thấy hết cái vị ngon, vị ngọt của miếng thịt gà.
Thịt gà cơ mà, dể dầu gì có mà ăn! Bộ lòng xào đu đủ hoặc nấu chút miến (trong
Nam gọi là bún tàu) coi sang lạ.
Miến là thứ xa xỉ
nên bố Yêu bảo chỉ nấu một bát chiết yêu mời ông bà. Còn chúng mày chưa đến
tuổi ăn miến. Cũng có khi không dám luộc vì sợ hoang quá nên bu Yêu
kho mặn lên, đổ nước và muối khá khá vào. Cái nước thịt gà kho gừng này nó mới
thơm ngon làm sao! Cơm trắng mà rưới nó vào, thêm một miếng thịt nữa thì nhất,
ngày hôm đó chẳng khác đã lên thiên đường!
Có một lần con gà trống to nhất chuồng, mã rất đẹp, sáng gáy
đánh thức cả nhà, rồi đạp mái để lấy trứng cho ấp, không hiểu dẫn đám gà mái tơ
đi lăng quăng sang nhà hàng xóm kiếm ăn sao đó bị con chó hàng xóm táp một cái.
Vì không đề phòng, con gà xiểng liểng vì cú đánh bất ngờ.
(còn tiếp)
GS Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire