Có thể nói, cuộc đời làm vua của Tự Đức là một bi kịch của cá nhân và cũng là bi kịch của lịch sử đất nước.
Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà. Hoàng
thân quốc thích và bá quan văn võ họp tại điện Cần Chánh. Đại học sĩ
Trương Đăng Quế tuyên đọc ý chỉ lập hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm lên
làm vua. Di chiếu chưa đọc xong, người con cả là Hồng Bảo phẫn uất thổ
huyết ra một đấu, nằm ngã vật ngay giữa sân điện. Hồng Bảo không chịu
tin đó là ý chỉ của vua cha, mà cho rằng Trương Đăng Quế đã sửa đi.
Vua Thiệu Trị từng nói, Hồng Bảo tuy là
con lớn, nhưng người thô kệch, ham chơi, ít chịu học. Còn Hồng Nhậm sáng
dạ, chăm đọc sách nên được vua cha yêu hơn. Ngay từ nhỏ Hồng Nhậm
thường được vua cha cho vào chầu riêng để dạy bảo thêm. Hồng Nhậm lên
ngôi năm 19 tuổi, lấy niên hiệu là Tự Đức.
Tự Đức có dáng người nho nhã, điềm tĩnh,
nhưng thể trạng ốm yếu. Suốt đời ông ở kinh thành Huế, chỉ có một lần
duy nhất đi xa theo cha ra Bắc Hà năm 13 tuổi. Quả thực, ông là người
đọc nhiều sách, là một vị vua hay chữ và uyên bác nhất triều Nguyễn. Ông
lại là người chăm chỉ, có ý thức trách nhiệm của một vị vua đối với
"con dân", với nước. Ông mong xây dựng đất nước "quốc thái dân an" như
thời vua Nghiêu, vua Thuấn thời cổ đại. Cách sống và ứng xử của ông cũng
tuân thủ khuôn mẫu của lễ giáo xưa.
Ít có một vị vua nào hiếu thảo với mẹ
như vua Tự Đức. Cũng thật may mắn là Thái hậu Từ Dũ mẹ ông là một bà mẹ
hiền thục, hiểu biết và có lòng nhân ái thương dân. Bà sống rất giản dị,
không muốn phô trương. Triều đình muốn làm lễ tôn vinh hay mừng thọ bà,
bà đều gạt đi. Từ tấm áo, cái quạt còn dùng được bà không cho phép bỏ
đi thay bằng cái mới.
Vua Tự Đức tự quy định, hằng tháng ngày
lẻ thì thiết triều, ngày chẵn thì vào chầu Thái hậu. Thành thử, mỗi
tháng dù công việc bận bịu đến đâu nhà vua cũng chỉ thiết triều cùng các
quan nghị sự có 15 ngày! Nhà vua thường mang việc triều đình bẩm tấu
với mẹ. Vua ghi lại những lời khuyên của Thái hậu thành tập "Từ huấn
lục".
Giỏi văn nhưng kém hiểu biết về quân sự
Tự Đức từng bị bệnh đậu mùa, thân thể
suy nhược, hầu như rất ít tiếp xúc với bên ngoài, nên không hiểu được
đời sống dân tình cũng như thời thế các nước trên thế giới. Nhà vua
thường đọc sách tới tận khuya. Ông đã sáng tác một khối lượng tác phẩm
đồ sộ: 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm.
Ông còn tự tay sửa chữa, biên tập một số tích tuồng dân gian. Nhà vua
cho mở Tập Hiền Viện và Khai Kinh Diên để bàn luận về thơ phú, lịch sử
và chính trị với các nhà văn, nhà thơ. Ông chỉ đạo Quốc sử quán biên
soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục... và viết nhiều "ngự
phê" cho bộ sử lớn này.
Nhưng về mặt quân sự, nhà vua lại kém
hiểu biết nên rất ít quan tâm đầu tư. Lực lượng quân đội mỏng, vũ khí
khí tài lạc hậu, quân lương không đủ.
36 năm trị vì của Tự Đức là thời kỳ đất
nước trải qua nhiều biến động lớn. Trong nước, dân đói kém, mất mùa, các
cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi. Người anh là Hồng Bảo không được lên
làm vua nổi lên làm phản. Ở Bắc Kỳ có tới 40 cuộc nổi dậy của nông dân.
Cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Phụng và của quân Châu Chấu ở Mỹ Lương có quy
mô rất lớn. Quân Chầy Vôi nổi loạn ngay tại kinh thành. Ngoài ra, còn
có cả giặc Khách từ Trung Quốc tràn qua cướp phá và nguy cơ mất nước về
tay thực dân Pháp.
Không chịu cải cách
Chế độ phong kiến ở nước ta đã tỏ ra quá
thủ cựu và lạc hậu. Một số triều thần được cử đi sứ nước Pháp như Phan
Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Đinh Văn Điển, Bùi Viện... trở về đã dâng sớ
xin cải cách mở cửa. Đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ đã năm lần bảy lượt
kiên trì gửi tới nhà vua những bản "điều trần" trình bày hơn thiệt làm
sao cho nước ta được canh tân theo kịp các nước châu Âu.
Nhưng trong triều thế lực bảo thủ quá
lớn, lấn át tất cả mọi tiếng nói thức thời. Lại thêm chính sách bế quan
tỏa cảng càng làm cho nước ta như một ốc đảo lạc hậu với thế giới bên
ngoài. Cũng đúng vào thời điểm này, Thiên hoàng Minh Trị nước Nhật đã mở
cửa, áp dụng công nghệ, kỹ thuật phương Tây làm cho nước Nhật trở nên
hùng mạnh.
Mãi sau này, vào năm 1878, nhân xem báo
Hương Cảng tân văn, nhà vua thấy nói, muốn đưa đất nước tiến lên phải mở
mang giao thương, học hỏi công nghệ phương Tây, chế tạo tàu biển, đúc
súng ống... Và để làm việc ấy thì phải cho học ngoại ngữ và cử người đi
học ở nước ngoài.
Nhà vua đem việc ấy ra hỏi ý kiến Viện
Cơ mật, nhưng các viên quan ở đây đều bàn giùn, cho rằng không thể làm
được. Chính nhà vua lúc này đã thấy được sự trì trệ, bèn phê chuẩn phải
làm ngay việc học tiếng nước ngoài. Một số thanh niên được cử theo sứ bộ
sang Xiêm học tiếng Thái. Nhưng động thái này của Tự Đức đã quá muộn
mất rồi!
Chính vì vậy, người đời sau có thơ phê phán: "Trong nước chỉ mê thơ Lí, Đỗ/Ngoài vùng nào biết chuyện Anh, Nga" (Đỗ Văn Bàn).
Việc cấm đạo cũng tạo cái cớ cho thực
dân nước ngoài tiến hành xâm lược nước ta. Sử gia Trần Trọng Kim có lời
bàn: "Sức đã không đủ giữ nước mà cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người
ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo. Bởi
thế nước Pháp và nước I Pha Nho (tức Tây Ban Nha) mới nhân cớ ấy mà đánh
nước ta vậy".
Năm 1858, quân Pháp và Tây Ban Nha đem
tàu chiến tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lăng. Tiếp sau đó, triều đình
phải lần lượt nhường các tỉnh Nam Kỳ cho thực dân Pháp. Tự Đức cảm thấy
bất lực, chỉ còn cách cử đại thần đi sứ để xin... chuộc lại, nhưng quân
Pháp chẳng đời nào chịu nhả ra miếng mồi đã rơi vào miệng. Tự Đức quay
ra... trách phạt những người đi hòa đàm không hoàn thành nhiệm vụ được
giao! Nhà vua đành chỉ xin... chuộc lại một mảnh đất quê mẹ ở Gò Công:
"Thành mất không lo, lo chuộc ruộng/Binh hàn không biết, biết ngâm
thôi!".
Năm 1873, thực dân Pháp tấn công thành
Hà Nội, Nguyễn Tri Phương bị chết. Năm 1882, thực dân Pháp đánh chiếm
thành Hà Nội lần thứ hai. Hà Thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết...
Nhìn nhận lại mình
Tự Đức là ông vua sống giản dị, không xa
hoa. Ông thường mặc áo màu vàng, chít chiếc khăn vàng mỏng, đi đôi guốc
gỗ sơn vàng do nội cung đóng. Nhưng lại rất câu nệ trong việc xây lăng
mộ cực kỳ tốn kém cho vua cha Thiệu Trị. Ông cũng tiến hành xây lăng cho
mình với hàm ý sẽ tồn tại muôn đời nên gọi là Vạn Niên Cơ, từ năm 1864
đến năm 1867 mới xong. Đây cũng là nguyên cớ nổ ra cuộc khởi nghĩa của
quân Chày Vôi.
Là người luôn suy tư, về cuối đời, nhà
vua cũng đã biết nhìn nhận lại mình. Ông đổi Vạn Niên Cơ thành Khiêm
Cung (sau này gọi là Khiêm Lăng) và viết Khiêm Cung ký tự nhìn nhận khá
chân thực về cuộc đời của chính mình. Trong đó, có những đoạn viết: "...
Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta; dùng người
không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều
là tội của ta cả...". Bài ký này được khắc trên một tấm bia đá đặt tại
Khiêm Lăng.
Tự Đức làm vua 36 năm, dài nhất trong
các vị vua triều Nguyễn. Song có thể nói, cuộc đời làm vua của ông là
một bi kịch của cá nhân và cũng là bi kịch của lịch sử đất nước. Mặc dù
có tới 105 bà vợ, nhưng ông không có con. Và ông cũng là một con người
cô độc trong suốt 56 năm cuộc đời của mình.
Theo KIẾN THỨC
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire