caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 24 avril 2014

LÀNG NHƠN ÁI 200 NĂM KHAI KHẨN, tác giả Lê Hữu Uy bài 3

Lê Hữu Uy
LÀNG NHƠN ÁI 200 NĂM KHAI KHẨN
Bài 3
VI. LÀNG NHƠN ÁI ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
Làng Nhơn Ái có nhiều gia đình trung lưu cho con du học bên Pháp hay ra Hà Nội học cao đẳng, nhất là bắt đầu thập niên 1920. Trung học thì gởi xuống Sóc trăng học trường La San, hay qua Mỹ Tho học Collège de My Tho, hoặc lên Sài Gòn học Pétrus Ký. Đến năm 1927 Cần Thơ mới có trường Collège de Can Tho (Sau này là Trường Phan Thanh Giản) thì học sinh ở Cần Thơ mới học trường này.
Truyền thống “nề nếp”  học hành đó tạo nên một số con cháu sau này mà người ta gọi Nhơn Ái là vùng địa linh nhân kiệt.
Làng Nhơn Ái có các giòng họ có nhiều người nổi tiếng, cứ nhìn vào sự hưng thịnh của họ mà người ta có thể biết được làng thăng trầm như thế nào.
A . Các giòng họ:
Các giòng họ có đông đảo con cháu và thành công nhất đó là hai họ Lê và họ Trần.

1- Gia tộc ông Lê Tam: Đến đời thứ 4 do ảnh hưởng của ông Hội Đồng Giáp nên một số con cháu theo ông làm ăn. Mua bán lúa gạo, mở công ty xuất nhập cảng, công ty dịch vụ trong lảnh vực thương mại. Họ trở thành những thương gia giàu có như: Ông Lê Hữu Thuận, Lê Hữu Sáu, Nguyễn Duy Thăng, Lê Hữu Trí, …Đổ đạt thì có các ông Lê Hữu Chính (Bác vật Chính), Lê Hữu Thượng (Kỷ sư), Diệp Thị Nguyên (con gái út của ông Hội Đồng Giáp) đổ Thạc sĩ, làm Tổng Thư Ký tòa đại sứ Việt Nam tại Paris. Cô Lê Hữu Như Khuyên, một võ sư Vovinam trẻ nhất môn phái, đoạt nhiều huy chương vàng toàn quốc, được phong danh hiệu “Kiện Tướng Quốc Gia”.
Con cháu ra nước ngoài theo hai đợt: 1954 qua Pháp và 1975 qua Mỹ. Số còn lại sau 75 bị các đợt đánh tư sản mại bản qua chiến dịch đổi tiền:
-         Chiến dịch X1, tháng 9/1975,
-         Chiến dịch X2, tháng 5/1978,
-         Chiến dịch X3, tháng 9/1985.
Theo chiến dịch đánh gục tư sản của chính quyền cộng sản Việt Nam, một số đông họ thực sự bị ngã gục.
2- Gia tộc ông Lê Đăng Chánh: Họ là những nhà nho cấp tiến. Khi phong trào Cần Vương, Văn Thân, Đông Du liên tiếp thất bại, dân làng Nhơn Ái nhất là con cháu ông Lê Đăng Chánh ủng hộ lập trường của ông Phan Chu Trinh theo Tây học, nâng cao dân trí, cải tạo xã hội để rồi lột ách thống trị của thực dân. Do đó làng Nhơn Ái có nhiều cậu công tử theo Tây học và du học tại Pháp. Nhờ khuynh hướng này nên đã đưa làng Nhơn Ái trở thành giàu có nhất Nam Kỳ trong đầu thập niên 1940. Đáng lưu ý ở 2 sự kiên:
* Ông Lê Quang Huính (chữ “Huính” viết i ngắn) do thư ký làm khai sanh viết sai chính tả, theo đúng là “Huýnh”. Ông Lê Quang Huýnh tham gia phong trào của ông Phan Chu Trinh bị Pháp bắt đưa qua Pháp học vì còn là học sinh vị thành niên dưới 18 tuổi, nếu không đi sẽ bị ở tù. Cùng đi đợt này có hai người nữa là ông La Dolce Vita (không nhớ tên Việt) khi về nước ông viết những quyển sách ngắn lấy bút hiệu là Vị Tâm. Một người nữa không nhớ tên khi về nước mở trường tư thục dạy học (theo lời kể của bác sĩ Lê Hiếu Để là con của ông Huýnh). Ông vai chú của Thủ Tướng Lê Văn Hoạch.
* Ông Trương Duy Toản, (xin xem ông Trương Duy Toản ở phần sau) cũng có quan hệ với ông Cường Để và ông Phan Chu Trinh.
Trong gia tộc ông Lê Đăng Chánh có nhiều người nổi tiếng như: Bác sĩ Lê Văn Hoạch làm Thủ Tướng, ông Lê Quang Hộ làm Bộ Trưởng Nội Vụ, ông Lê Quang Trường làm Tổng Trưởng Tài Chánh, ông Lê Quang Huýnh làm Tổng Giám Đốc Nha Ngoại Thương, ông Lê Quang Minh Giám Đốc Nghi Lễ Phủ Thủ Tướng sau làm Tham Vụ Ngoại Giao tòa Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ, các Bác Sĩ: Lê Quang Tuấn, Lê Hiếu Để, Lê Hữu Chí, Lê Thị Ngọc Dung, Lê Thị Hải Yến, Lê Thị Bích Liên ... Chuẩn Tướng Lý Bá Hỷ, Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô, gọi Bác sĩ Hoạch bằng cậu ruột.
3- Gia tộc ông Trần Văn Chiến: Hai anh em ông Trần Văn Chiến là tướng võ thời vua Minh Mạng quê ở quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, bỏ vào Nam lập nghiệp. Người em đi lạc nên định cư ở Cai Lậy tỉnh Mỹ Tho. Gia tộc này cũng là một giòng họ lớn, giàu có và cũng có nhiều nhiều người khoa bảng: Ông Trần Ngọc Lân, làm giám đốc Hợp Tác Xã Nông Nghiệp miền Tây Nam Phần, sau này nâng lên cấp toàn quốc trong chương trình viện trợ của Hoa Kỳ. Các bác sĩ Trần Ngọc Bá, Trần Ngọc Thành, ông Trần Ngọc Thượng Thanh Tra Giám Sát Viện, các Kỷ sư: Trần Văn Gia, Trần Ngọc Tín, Trần Ngọc Trí, …
Cả hai giòng họ Lê và họ Trần cùng một số gia đình khác đều có con cháu ở hải ngoại khoa bảng và thành đạt trong lảnh vực kinh doanh trở thành triệu phú. Đến nay con cháu của 3 giòng họ này đến đời thứ 10. Chúng tôi chỉ ghi lại một số con cháu sinh vào thập niên 40 tại làng Nhơn Ái, hay sĩ quan từ cấp Trung Tá trở lên và những người rời làng thì không kể.
B. Một số họ khác:
- Họ Phạm, ông Phạm Tân làm Lảnh sự của Pháp tại Vân Nam Trung Hoa, một người khác đổ Tiến Sĩ, …
DHXVI_NTG_Oct11_AN_IMG_1294.jpg- Họ Thái, ông Thái Văn Dành là tổ tiên của ông Bá Hộ Nhiêu (Thái Văn Nhiêu) ở cách vàm Trà Ếch khoảng 2 Km, có các con cháu là Bác sĩ Thái Ngọc Ẩn ( Ảnh bên trái), Trung Tá Thái Lê Trương, quận Trưởng quận Hồng Ngự (Cao Lảnh), Thái Kim Anh Giáo sư, …
C. Một số khác cũng là con cháu làng Nhơn Ái:
1. Thời Pháp:
- Ông Lê Bá Cang (con nuôi của ông Lê Quang Chiểu) và ông Huỳnh Ngọc Bỉnh (rể ông Lê Quang Nho) làm Hội Đồng quản hạt.
- Đốc Phủ Ngân, tỉnh Trưởng Vũng Tàu trước năm 1945 (gánh họ Nguyễn ở Rạch Chuối gần Thánh Thất Cao Đài).
2. Thời Việt Nam Cộng Hòa:
- Đại Tá Nguyễn Vạng Thọ, Chánh Án tòa án quân sự đặc biệt.
- Dược sĩ Nguyễn Thị Sương (em Đại Tá Thọ).
- Đại Tá Nguyễn Lễ Trí, theo ông Dương Văn Minh.
- Đại Tá Nguyễn Lễ Tín. Hai ông Đại Tá Trí và Tín là con của ông Nguyễn Lễ Nghi.
- Đại Tá Hồ Văn Thành, chỉ huy trưởng Quân Vận vùng 3.
- Trung Tá Hồ Văn Khải.
- Trung Tá Nguyễn Thời Rê, Tỉnh Trưởng tỉnh Long Xuyên.
- Trung Tá Lê Quang Phát, Pháo Binh.
- Tiến sĩ Khoa Học Trương Quang Sĩ (con ông Trương Quang Liêm).
- Ông Đinh Ký Ngọ, Bí Thư Nha Tổng Thư Ký Bộ Công Chánh. Ông còn là Trọng Tài túc cầu. Nói đến đá banh thì ai cũng biết đến Huyền Vũ và trọng tài Ngọ.
- Ông Tám Thọ, họ Lương, thuyền trưởng tàu viễn dương (hàng hải dân sự), con ông cả Phúc ở vàm mương Điều.
- Dược sĩ Lý Thu (không rỏ chữ lót) con ông Lý Hà một Hoa Kiều du học và tốt nghiệp tại Pháp.
- Bác sĩ Huỳnh Hữu Cữu, quê ở làng Nhơn Ái vì gia đình đông anh em nên được người dì ở Cái Răng nuôi cho ăn học đổ Bác sĩ Nhản Khoa.
- Ông Liêu Quốc Nhỉ, nhà dịch thuật nổi tiếng dịch các tác phẩm của Quỳnh Dao tiếng Tàu sang tiếng Việt.
- Soạn giả cải lương: Điêu Huyền. …
3. Sau năm 1975, thời chính quyền Cộng Sản:
- Họ Trần có ông Trần Ngọc Đăng, Thứ Trưởng Bộ Y Tế.
- Họ Lê có ông Lê Vũ Hùng, Thứ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo, ông Lê Hữu Phẩm Giám Đốc Ngân Hàng, ông Lê Quang Đệ Chánh sở Nông Nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.
- Đại Tá Huỳnh Thanh Phương, Tham Mưu Trưởng Tỉnh Đội.
Ba ông Đại Tá Khác không rỏ họ:
- Đại Tá Bé (tự Tám Giấm) tỉnh đội trưởng Cần Thơ.
- Đại Tá Chà (Bảy Chà, con thầy Sang) làm Văn Phòng tổng kết chiến tranh tỉnh Cần Thơ.
- Đại Tá Nghĩa, Giám Đốc cảng Trà Nóc.
- Thiếu Tướng Huỳnh Thủ, Tư Lịnh quân khu 9.
- Ông Trịnh Quang Hưng, Giám đốc sở Văn Hóa.
- Thạc sĩ tin học Trần Quang Thông.
- Tiến sĩ Nguyễn Học Sĩ, dạy Đại Học Sư Phạm Cần Thơ.
- Ông Sáu Hóa, nhạc sư đàn tranh đoạt huy chương vàng toàn quốc. ..
Có lẽ còn nhiều thiếu sót, xin được các con cháu làng Nhơn Ái bổ túc thêm.
D. Vài nhân vật nổi tiếng:
Vài nhân vật có nét đặc biệt và được quan tâm nhiều đó là anh hùng Đinh Sâm, Cai Tổng Lê Quang Chiểu, ông Trương Duy Toản, Thủ Tướng Lê Văn Hoạch, ông Lảnh Sự Phạm Tân và ông Liêu Quốc Nhỉ .
1- Anh Hùng Đinh Sâm:
Năm 1868 trước gót giày xâm lăng củ giặc, khắp nơi dân chúng hừng hực khí thế đấu tranh chống ngoại xâm. Ông Đinh Sâm một nông dân ở rạch Trà Niềng làng Nhơn Ái là một người hào sảng, giỏi võ, đứng lên qui tụ dân làng đánh giặc Pháp. Dân chúng ủng hộ rất đông có trên 200 nghĩa quân từ Ba Láng chạy dài vô tới Cầu Nhiếm Ba Se là địa bàn hoạt động của ông. Hay tin ông Vĩnh ghé thăm ông Cai Tổng Mười ở gần vàm Ba Láng, nghĩa quân tổ chức phục kích: giăng dây luộc xéo ngang sông, nước ròng chãy xiết, chiến thuyền của ông Vĩnh vướng dây tấp vào bờ. Người cận vệ của ông làm nội ứng, nghĩa quân dùng câu liêm tấn công, thiếu phòng bị nên ông Vĩnh bị giết chết. Sau đó quân Pháp từ Cần Thơ kéo vô bắn giết, đốt phá làng để trả thù. Ông Đinh Sâm có lần định đánh tòa Tham Biện (Dinh Tỉnh Trưởng) ở Cần Thơ nhưng kế hoạch không thành. Sau những trận chống trả sự càn quét của giặc, thế cô sức yếu nhất là yếu kém về vũ khí nên nghĩa quân thất bại. Ông bị bắt và bị giặc giết. Một số nghĩa quân rút về vùng Thất Sơn. Cuộc khởi nghĩa của ông Đinh Sâm tuy không thành công nhưng dân làng Nhơn Ái cũng cho giặc Pháp một phen phải kinh hồn.
Được hung tin anh hùng Đinh Sâm đền nợ nước ông Phan Văn Trị có làm hai câu đối:
Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu huyết hận
Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đoái sầu nhan!
Tạm dịch là:
Võ kiếm lòa trời, Ba Láng vàm kia còn máu hận
Văn tinh rơi đất, Trà Niền thôn ấy đượm màu sầu!
LHUy_moOngLeQuangChi_u.jpg2- Ông Cai Tổng Lê Quang Chiểu (1852-1924) (mộ bên trái): Là chắt của ông Lê Đăng Chánh, là ông nội của ông Tổng Trưởng Tài Chánh Lê Quang Trường. Khi còn trẻ, Ông là người hiếu nghĩa, hào phóng và ưa thích văn chương. Sau đó làm Cai Tổng tổng Định Bảo. Trong thời gian này Ông có quen biết ông Phan Văn Trị nên kết bạn làm bạn vong niên. Ông tự nhận là học trò của ông Trị chớ vốn liếng thơ văn của ông Chiểu học từ gia đình không phải học với ông Phan Văn Trị. Vì khi ông Trị tản cư đến làng Nhơn Ái thì ông Chiểu đã trưởng thành, làm Cai Tổng và đã nổi tiếng giỏi thơ văn rồi (theo lời kể trong giòng họ). Ông cũng có làm 10 bài thơ liên hoàn, họa lại 10 bài thơ của ông Tôn Thọ Tường với lập trường và khuynh hướng như ông Phan Văn Trị.
Bài họa lại thơ Tôn Thọ Tường của ông Lê Quang Chiểu:
“Rèn lòng đinh sắt hãy còn đây
Nín mẫm cho qua cái hội này
Hạc lộn bầy gà thương nỗi kẻ
Chồn mang lớp cọp gớm cho bây
Lỡ duyên cả nước đang chờ vận
Gặp lúc rồng mây há chẳn ngày
Sớm tính che phên ngừa gió cả
Cột rường chống chỏi sẽ lung lay”.
Mặc dù là Cai Tổng nhưng không tích cực làm việc cho thực dân Pháp. Sau đó Ông rủ áo từ quan, Ông cũng có làm mấy bài thơ châm biếm những tay sai đắc lực cho Pháp như các bài thơ “Con Bò”, “Chó cắn trộm”, Khóc quan Tổng Đốc Cái Bè” (chửi xéo ông Trần Bá Lộc) … Năm 1903, Ông xuất bản tập thơ “Quốc âm thi hiệp tuyển” của nhiều tác giả, là một trong những tập thơ bằng chữ quốc ngữ in sớm nhất nước ta. (Chúng tôi sẽ trình bày đến quý bà con những tài liệu, tác phẩm của ông Lê Quang Chiểu khi có dịp). Nữ sĩ Trần Ngọc Lầu, vợ thứ hai của ông Chiểu cũng giống như chồng tôn ông Phan Văn Trị là thầy chớ không có học với ông Trị. Vốn liếng thơ văn của bà học từ thân phụ là cụ Thủ Khoa Trần Xuân Sanh ở Vĩnh Long.
3- Ông Trương Duy Toản: Hiệu là Mạnh Tự, quê ở Vũng Liêm, Vĩnh Long. Ông làm chủ bút tờ báo Trung Lập. Là một nhà văn, nhà báo tiền phong, Ông cũng còn là một soạn giả sớm nhất có công soạn nhiều bài ca ra bộ.
Năm 1913, Ông Toản theo ông Cường Để xuất du nhiều nơi như Hồng Kông, Trung Hoa, Đức và Pháp để vận động cách mạng. Ông Toản nhận sứ mạng đem thơ của ông Cường Để gởi chính phủ Pháp cho ông Phan Chu Trinh để nhờ chuyển giao. Lúc đó Đức - Pháp đánh nhau nên các ông Trương Duy Toản cùng đi có ông Đổ Văn Y và ông Phan Chu Trinh bị Pháp bắt giam vào nhà tù La Santé. Sau đó chính phủ Pháp xét thấy không có gì liên quan tới Đức nên được trả tự do. Nhưng hai ông Toản và ông Y bị trục xuất về nước. Ông Toản bị đưa về quản thúc tại làng Nhơn Ái. Ở đây Ông kết giao với những người có tinh thần chống Pháp và suốt thời gian lưu ngụ ở làng Nhơn Ái Ông chú tâm phát triển phong trào đờn ca ra bộ, tiền thân của ngành ca kịch cải lương miền Nam nên được xem là ông tổ của ngành Cải Lương.
Ông gởi gấm tâm tình mình qua các tác phẩm, bộc lộ nổi câm hờn và khát vọng của người dân bị trị qua một bài hát thể điệu hành vân:
“Mật anh hùng, mật yên hùng
Giống Triệu Thường Sơn
Đường cung kiếm, cái chí nam nhi
Núi sông là phận.
Từ đây quyết vẫy vùng cho sóng dậy trần ai .
Rền một trời đùng đùng xao động.
Tài oanh liệt mấy ngọn gươm vàng
Rạch một sơn hà, mặc dầu ngang dọc
Giửa trời đây sợ ai ?
Công hầu vương bá,
Thả giửa giang hồ, cây núi tưng bừng
Mặc sức tung hoành, chơi hoành chơi .
Ngang triều đình đứng riêng một nơi,
Công hầu khanh tướng, làm chi cho nhọc tấm thân”.
(Đề cao nhân vật Từ Hải trong truyện kiều, soạn vào khoảng năm 1918-1922).
LHUy_BSLeVHoach.jpg4- Thủ Tướng Lê Văn Hoạch (1886-1978) (Ảnh trái): Ông tốt nghiệp Y Khoa ngành Nhản Khoa tại Hà Nội. Sau khi đổ đạt, thành danh làm đến Thủ Tướng Chính Phủ thời Nam Kỳ Quốc. Bác sĩ Hoạch là Bảo Sanh Quân, chức sắc cao cấp trong đạo Cao Đài. Ông là ông Cả cuối cùng của làng Nhơn Ái vì từ năm 1945 làng Nhơn Ái không còn ông Cả nữa. Năm 1945 Ông làm Trưởng Ty cảnh sát tỉnh Cần Thơ.
Trong thời gian làm Thủ Tướng Nam Kỳ Quốc, ông Hoạch có phái ông Nguyễn Bá Chưởng vào tiếp xúc với Việt Minh. Trọng tâm công tác điệp báo này là móc nối với Trung Đoàn Tây Đô, bí số là 122 (?) về với phe Quốc Gia. Công tác thất bại, ông Nguyễn Bá Chưởng bị Việt Minh giết ở ngọn sông Cái Bé, Rạch Giá. Trung Đoàn Tây Đô là một đại đơn vị võ trang duy nhất của Việt Minh. Có lần đánh nhau với một Trung Đoàn của Pháp ở tỉnh Sóc Trăng, cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề. Đơn vị của Pháp do ông Dương Văn Minh chỉ huy tơi tả chạy về Sóc Trăng (lúc đó ông Minh mới là sĩ quan cấp tá, sau này lên đến Đại Tướng). Trung Đoàn Tây Đô do ông Huỳnh Thủ chỉ huy tan rả xóa tên. Từ đó, lực lượng võ trang của Việt Minh không còn thành lập đại đơn vị cấp trung đoàn mà chỉ cấp tiểu đoàn, rút kinh nghiệm từ trận đánh này, đại đơn vị dễ bị lộ khi hành quân làm mục tiêu cho không quân và pháo binh của Pháp gây tổn thất nhiều.
Thời Đệ II Cộng Hòa Ông làm Quốc Vụ Khanh. Trong thời gian này, chính phủ Miền Nam có phái ông Hoạch vào tận chiến khu D để mật đàm với giới chức chỉ huy của cục R là cơ quan đầu não của Cộng Sản tại Miền Nam. Nội dung của cuộc mật đàm không được tiết lộ. Chỉ có các vị lảnh đạo cao cấp Miền Nam và Cục Trung Ương Tình Báo Sài Gòn mới biết mà thôi. (Xin quí vị nào biết về vụ đó hãy vén màn bí mật nho nhỏ của trang lịch sữ này).
Bác sĩ Hoạch không phải chỉ giỏi về nhản khoa mà còn giỏi về môn giải phẩu nữa. Có lần giải phẩu ung thư vú cho bà Lê Hữu Trọng, lành bệnh và còn sống đến ngày nay tại Phong Điền. Nếu có cuộc giải phẩu quan trọng thì bác sĩ Hành và bác sĩ Diêu từ Cần Thơ vào phụ. Có ông y tá Mẹt làm phụ tá thường trực tại bệnh xá. Vùng hoạt động của Ông rộng lớn, nhiều bệnh nhân đến từ xa như: Cầu ngang (Vĩnh Bình), Vĩnh Châu (Bạc Liêu), Châu Giang (Châu Đốc), …Có lần bác sĩ Hoạch giải phẩu mắt bị mù cho ông Bang Tộ, chủ hảng rượu Công Xi (còn gọi là rượu máy) Trà Ôn. Để đền ơn bác sĩ Hoạch làm cho Ông sáng mắt lại, ông Bang Tộ mua tặng chiếc xe hơi thể thao đắt tiền nhất thời bấy giờ hiệu Amica.
5- Ông Lảnh Sự Phạm Tân:
Có lẽ Ông là người Việt Nam đầu tiên giử chức vụ cao cấp trong chính quyền thuộc địa của Tây. Ông làm tới chức Lảnh Sự của Pháp tại Vân Nam Trung Hoa (Lảnh Sự chớ không phải nhân viên tòa Lảnh Sự).
Trước kia đỗ Tú Tài, Ông làm công chức cho Pháp. Ông có dáng cao lớn như người Pháp nên hay bị chế diễu: “To con như vậy mà đi xách cạc-táp cho Tây!” Ông quyết chí đi du học cho Tây xách cạc-táp cho Ông, và Ông đã làm được. Được tin Ông về làng Nhơn Ái, từ các quan cấp Tỉnh đến các quan địa phương, thân hào nhân sĩ, có cả ban quân nhạc của Pháp … chuẩn bị đón tiếp Ông tại cầu tàu (bến chợ Phong Điền củ). Nhưng chờ hoài không thấy Ông đâu cả. Thì ra Ông đã đón ghe chèo về nhà ở rạch Vông, rồi từ nhà đi bộ ra gặp quan chủ Tỉnh (Tham Biện/Tỉnh Trưởng). Ý Ông muốn làm một con cháu làng Nhơn Ái về thăm mà thôi. Các quan Tây, quan Ta lớn nhỏ bèn lục đục giải tán.
6- Ông Liêu Quốc Nhĩ:
Một người Hoa tại chợ Phong Điền, là nhà dịch thuật nổi tiếng được nhiều người biết đến, Ông đã dịch một số sách của Quỳnh Dao từ chữ Tàu ra chữ Việt.
E . Vài chú rể làng Nhơn Ái:
Làng Nhơn Ái có 3 chú rể khá nổi tiếng: Ông Phan Văn Trị, Ông Diệp Văn Giáp và Ông Huỳnh Công Miêng.
1- Ông Phan Văn Trị: Người Tỉnh Gia Định, sinh năm 1830 và mất năm 1910 tại làng Nhơn Ái. Ông đậu Cử Nhân năm 1849, không ra làn quan. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông Ông lui về Bến Tre hợp cùng ông Đồ Chiểu cố vấn cho nghĩa quân chống Pháp. Trong khi đó ông Tôn Thọ Tường là một nhà nho ra hợp tác với Pháp. Ông làm thơ kêu gọi sĩ phu ra làm việc với tân trào:
LHUy_MoOngPVT_cor.jpg
 Ảnh: Mộ Ông Phan Văn Trị
Tự thuật
Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây
Trời đất xui chi đến nổi này
Chớp nhoáng thẳng bon đường thép kéo
Mây tuôn đen kịt khói tàu bay
Xăng văng chậm tính thương đòi chổ
Khấp khởi riêng lo biết những ngày
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
Khuyên đàn con trẻ chớ thài lay!
Ông Phan Văn Trị họa lại bài thơ trên mở đầu cho cuộc bút chiến lôi kéo nhiều sĩ phu tham gia, Ông Phan được mọi người tán thưởng nể phục.
Tự thuật
Hơn thua chưa quyết đó cùng đây
Chẳng đã nên ta phải thế này
Bến nghé quản bao cơn lửa cháy
Cồn rồng dù mặc bụi tro bay
Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở
Bủa lưới săn nai cũng có ngày
Đừng mượn hơi hùm rung nhác khỉ
Lòng ta sắc đá há lung lay!
Sau khi Pháp chiếm Vĩnh Long (Bến Tre còn thuộc Vĩnh Long) Ông Trị tản cư về làng Nhơn Ái. Ông kết giao với các ông Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, … tiếp tục yểm trợ tinh thần cho nghĩa quân ở Miền Hậu Giang (Trích Đặc San Tiền Giang- Hậu Giang).
Ông mất 1910, được mai táng trên đất ông Cai Tổng Chiểu, nay là phần đất của ông Lê Quang Thừa (cháu nội ông Chiểu) tại ấp Nhơn Lộc I, làng Nhơn Ái. Năm 1985, mộ ông được trùng tu khá khang trang.
Theo gia phả họ Đinh vợ ông Trị là người trong giòng họ ông Đinh Sâm (có người phải đổi họ Trần để tránh sự truy lùng của quân Pháp, sau cuộc khởi nghĩa của ông Đinh Sâm) một lảnh tụ kháng Pháp (1868) tại vàng Ba Láng chạy dài đến Cầu Nhiếm - Ba Se.
Ông Đinh Văn Sử là cháu ông Đinh Sâm, vợ là bà Huỳnh Thị Thu, có 8 người con:
1-    Ông Đinh Văn Hậu,
2-    Bà Đinh Thị Phượng, vợ ông Lê Túc (con ông Lê Tam)
3-    Bà Đinh Thị Hương, vợ ông Lê Ý Mỹ (con ông Lê Đăng Chánh)
4-    Ông Đinh Văn Trung, có 2 người con là:
-         Bà Đinh Thị Thanh, vợ ông Phan Văn Trị.
-         Bà Đinh Thị Nhàn.
5-    Ông Đinh Văn Hiếu
6-    Ông Đinh Văn Hớn
7-    Ông Đinh Văn Thoại
8-    Ông Đinh Văn Tú, là ông nội của ông Mười Bé hiện đang sống tại rạch Trà Niềng.
Ông Phan Văn Trị có 4 người con: Bà Phan Thị Đào, Ông Phan Văn Tòng, Ông Phan Văn Đường, và Bà Phan Thị Mai. Cháu, chít của ông Phan Văn Trị hiện nay cũng đang sinh sống tại làng Nhơn Ái.
*Trên tuần báo Tri Tân số 75 ra ngày 10 tháng 12 năm 1942, nhà báo Kiều Thanh Quế đăng bài “Hoài niệm vong linh Cử Trị” có đoạn:
“ … Tưởng ít ra cũng là một ngôi mả tầm thường, nhưng hởi ơi! Không mộ bia, không tam cấp đá, không có gò đất đấp vun lên, chỉ bằng phẳng một thảm cỏ xanh rì! Chú thủ bộ thừa làng Nhơn Ái, chắc ngày nay không còn ai mà làm sao biết được đó là nơi yên nghĩ ngàn thu của một thi tài lỗi lạc, một trung thần nghĩa sĩ của bản triều Pháp-Nam sơ giao như Cử Trị …” (Trích Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn trang 30).
*Có hai cụ ở làng Nhơn Ái biết ông Phan Văn Trị và kể lại cho ông Lê Quang Diệp là ông Lê Hòa Hiệp và ông Hương Hòa Khiết (1892-1992). Ông Khiết ở gần Thánh Thất Cao Đài. Hai Ông đều kể lại với tôi (Lê Quang Diệp) rằng: “Ông Phan Văn Trị đi nhậu với bạn bè Ông thường cởi áo dài vắt lên vai, ca hát nghêu ngao trên đường về …”. Qua bài báo Kiều Thanh Quế và lời kể của Ông Lê Hòa Hiệp và ông Hương Hòa Khiết thì cuối đời ông Phan Văn Trị sống trong cảnh thanh bần.
2- Ông Diệp Văn Giáp (Hội Đồng Giáp):
Hương lộ dọc theo sông Cần Thơ gọi là lộ Phong Điền được trải đá. Các điền chủ, nhà giàu khác thì đi ghe hầu 4 chèo, 6 chèo hay 8 chèo, có chạm trổ sơn son thếp vàng mà thôi. Có lẽ chiếc xe hơi thường chạy tới chạy lui trên lộ này là của ông Hội Đồng Giáp.
Ông Diệp Văn Giáp là người gốc Hoa. Tổ tiên Ông lập nghiệp vùng Sóc Trăng. Ông có nhiều ruộng đất ở các quận Đại Ngãi, Long Phú, Lịch Hội Thượng (Gòi) và cù lao Dung, khoảng 25.000 mẩu. Tuy ruộng đất có nhiều nhưng còn thua ông Trần Trinh Trạch, cha của công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Qui), người có trên 30.000 mẩu, là người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ. Ngoài ruộng đất, ông Giáp còn kinh doanh một số ngành nghề có liên quan đến lúa gạo từ việc trồng lúa đến xuất cảng như cất nhà máy xay lúa, sắm ghe chài, cất phố cho thuê, rạp hát, lập công-xi rượu (hảng rượu máy), công ty xuất nhập cảng lúa gạo,...Cảng Bải Xàu là nơi xuất cảng lúa gạo của vùng Ba Thắc (Sóc Trăng - Bạc Liêu) có khi có đến 150 chiếc thuyền buồm Hải Nam đậu chờ để lấy hàng. Khi nạn đói miền Bắc tháng 3 năm Ất Dậu (1945) làm hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói thì tại cảng Bải Xàu có tổ chức một đoàn ghe buồm Hải Nam 10 chiếc chở đầy gạo đi cứu đói, nhưng chỉ có 2, 3 chiếc là ra đến Bắc. Số còn lại bị phi cơ đồng minh bắn chìm trên đường đi dọc theo ven biển vì lầm tưởng là đoàn vận tải của quân Nhật. Ông Hội Đồng Giáp thường về làng Nhơn Ái vì đó là nhà vợ Ông là bà Lê Thị Nghiệm, con gái ông Hương Sư Lê Hữu Thành Thành.
3- Ông Huỳnh Công Miêng:
Là con của Lảnh Binh Huỳnh Công Tấn, du học và tốt nghiệp tại Pháp. Về nước làm việc cho Pháp vài năm thì từ quan sống cuộc đời miễn tử lưu linh. Ông có người vợ là bà Lê Thị Túy, em gái ông Lê Quang Chiểu, một người nổi tiếng là tiểu thư khuê các lại văn hay chữ tốt. Ông Miêng không đi bằng ghe hầu như các nhà quyền thế khác mà đi bằng ghe chài. Ông võ công rất cao, từ ghe đậu giửa sông Ông rún chân nhảy nhẹ nhàng lên bờ hoặc biểu diển nhảy từ dưới sân lên mái nhà dễ dàng.
LHUy_HopDDien.jpg
LHUy_HDGiapva.jpg
Ảnh trên:Ông Hội Đồng Giáp: Hai người quay lưng (bên phải) ông Diệp Văn Lương, con ông Giáp, (bên trái) ông Nguyễn Văn Vĩ, chồng bà Lê Thị Kỉnh. Từ trái sang phải: ông Lê Hữu Trọng, ông Lê Hữu Nghĩa, ông Diệp Văn Giáp, Bà Lê Thị Nghiệm (vợ ông Giáp), Bà vợ ông Lê Hữu Lễ, Cô Lê Thị Thơ (hiện là Bà Võ Lê Thơ, lúc đó mới 16 tuổi), cô Déla (con Bác Vật Chính, sau này chồng của cô là ông Trương Vĩnh Khánh, cháu nội Học giả Trương Vĩnh Ký),
Câu chuyện treo cô Hai Sáng lên cột buồm là chuyện để đời. Khi đến cầu Nàng Mao thuộc tỉnh Chương Thiện ngày nay, vì ganh ghét tiếng tăm của cậu cô Hai Sáng cho đàn em hất đổ bàn đèn hút thuốc phiện nên cậu bắt cô Hai Sáng treo lên cột bườm ghe chạy đến vàm Nàng Mao mới thả xuống. Sau đó về Sài Gòn, cậu Hai Miêng bị cô Hai Sáng phục thù rửa hận. Cô Hai Sáng cũng là tay bản lảnh, cô huy động hơn 40 sát thủ đều là hàng cao thủ đương thời, nhờ có ông Bang người Tàu ở Chợ Lớn đứng ra hòa giải nên cậu Hai Miêng mới thoát nạn.
Cuộc đời ông Huỳnh Công Miêng được viết thành một quyển sách nổi tiếng “CẬU HAI MIÊNG”.
VII. CHUYỆN KỂ LINH TINH:
1- Cai Tổng Nguyễn Văn Vĩnh: Trong khi tinh thần chống Pháp, không hợp tác với Pháp âm ỉ trong lòng người dân làng Nhơn Ái thì có ông Nguyễn Văn Vĩnh ra làm Cai Tổng. Thầy Cai Tổng này (không hiểu sao không gọi quan Cai Tổng như quan Phủ, quan Huyện mà gọi là Thầy) bị dân Phong Điền, Láng Hầm, Tầm Vu theo ông Đinh Sâm giết chết. Ông Vĩnh đi công tác chỉ đem theo vài vệ sĩ, bị một toán nghĩa quân bất ngờ xông ra đánh, thiếu phòng bị nên tử thương. (Theo lời kể của con cháu ông Đinh Sâm và con cháu ông Vĩnh đều trùng hợp nhau). Đầu thầy Cai Tổng bị nghĩa quân chém văng xuống sông mất phải làm cái đầu bằng sáp mà chôn (1868). Chính quyền Pháp treo giải thưởng ai tìm được cái đầu ông Cai Tổng Vĩnh thì thưởng 1.000 đồng, là cả một gia tài kết xù đối với người nông dân thời bấy giờ. Có một bà cụ rất nghèo van vái: “Ông thần làng Nhơn Ái linh thiêng hãy cho bà tìm thấy cái đầu của ông Cai Tổng để bà lảnh thưởng cho đở cảnh nghèo khó”. Làng Nhơn Ái có đình thờ ông Thần Hoàng, hể ai có việc gì thì người ta đến đó van vái hay thề thốt: “ Tui mà có gian dối cho ông Thần làng Nhơn Ái văn họng”. Vậy mà bà cụ được “ông Thần làng Nhơn Ái linh thiêng” ban phước cho bà. Bơi xuồng ngang vàm Ba Láng thì bà vớt được cái đầu ông Cai Tổng lờ đờ trôi gần xuồng bà, bà lảnh thưởng và cái đầu thì trả về cho gia đình ông Cai Tổng.
Lần đó, lảnh Binh Huỳnh Công Tấn là người hiểu rỏ đường đi nước bước dẫn quân Pháp và lính Mã Tà (Cảnh Sát) càng quét vùng này. Chỉ có dân chúng phải kinh hoàng vì nghĩa quân rút đi hết từ lâu đâu còn ở đó nữa.
2- Ông Lê Bá Cang (hay ông Cai Cang): Ông Cai Cang làm Hội Đồng Quản Hạt, nổi tiếng là đại điền chủ tại Cần Thơ. Sau kinh Xáng đào ngay ruộng đất của Ông từ kinh Xà Xo đến kinh Ô Môn dài hơn 20 km, lấy tên Ông đặt cho con kinh, gọi là kinh Cai Cang. Ông Lê Bá Cang là con một tá điền nghèo bị mướn đi du học thay thế cho con một nhà điền chủ. Chính sách của Pháp thời đó khuyến khích nhưng thật ra gần như bắt buộc con nhà khá giả qua Pháp du học. Ông Cai Cang sau đó đổ đạt và trở nên giàu có. Ngôi nhà của Ông là ngôi nhà đồ sộ, sang trọng. Có máy bay riêng, trên bộ có xe hơi, dưới bến sông có ca-nô … Ông Lê Bá Cang có giúp một nhà điền chủ khác, cho mượn bằng khoáng nhà, đất thế chấp cho chà Chetty để vay bạc. Năm 1929-1930, thời kỳ khủng hoảng kinh tế nên lúa mất giá, chủ nợ trả không nổi, do đó nhà cửa ruộng đất của Ông bị chà Chetty thi hành (tịch biên). Ông đành phải ở trong một căn phố hẹp trong chợ Phong Điền (củ).
3- Ông Hai Giỏi: Ông là một người nông dân hiền lành trong làng. Người ta nói hai ông bà khắc khẩu nên hay cải nhau, mà mỗi lần cải nhau thì đánh nhau tưng bừng dậy xóm! Một phen đám con nít (đến nay năm 2001, đám con nít này ở vào lúc tuổi … thất thập cổ lai hy) bu quanh coi như đi coi “hát Sơn Đông”. Bà đánh roi rất giỏi, có lẽ gốc Bình Định mà! Không cần phải:
“Ai ra Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định đi roi, đi quyền”
Vì ở làng Nhơn Ái cũng có nữa … Hai cụ đánh nhau bằng roi là cây tầm vong, dài non 2 mét dùng làm cây gài cửa. Bà có ý nhường ông và chọc tức ông thôi, nên chống roi nhảy qua hàng rào cây xương rồng trồng quanh nhà cao khoảng 2 mét. Ông tức quá nhưng phải chạy vòng qua cửa để rượt bà. Bà lại nhảy qua rào trở ra, thì ông lại phải chạy vòng qua cửa lần nữa để trở ra. Một lần khác, hai cụ đang bửa củi mà cải nhau, ông giận quá lấy củi phan bà . Nhưng bà bình tỉnh chụp lấy từng cây củi chất thành một đống ngay ngắn. Khi ông hết củi để phan thì bà quát: “Bây giờ đến phiên tôi đây nghe! Đở nè …!” Quí vị có biết ông phản ứng ra sao không? Ông áp dụng kế 36 của Tôn Tử là “Dĩ đào vi thượng”.
Các cụ làng Nhơn Ái có nhiều người giỏi võ, nổi tiếng nhất là ông Lê Hữu Lễ và ông Lê Quang Hiển thuộc phái Tây Sơn, Bình Định.
4- Cậu Mười Hai hay ông Cai Dư: Cậu Mười Hai tên là Lê Hữu Dư, con Út thứ 12 của ông Hương Sư Thành. Ông học hết ban Trung Học, không chịu đi du học, không chịu làm việc cho Pháp. Con Út trong một gia đình giàu có làm cậu công tử phong lưu là chuyện thường, khác với cách phong lưu của công tử Bạc Liêu đem cả bao tiền để thi đua đốt giấy bạc 100 đồng đung sôi nồi nước! 100 đồng thời bấy giờ là 2 lượng vàng. Muốn phong lưu như ông Trần Trinh Qui cũng không được vì diện tích cả cái làng Nhơn Ái chỉ bằng khoảnh đất nhỏ của ông mà thôi. Phong lưu ở đây là không phải quỵ lụy đồng tiền, biết “bao” cho bạn bè, em út, xài tiền rộng rải, trọng cái tình, cái nghĩa hơn của cải vật chất. Cậu Mười Hai thích đá gà, hốt me là mấy môn cờ bạc thịnh hành thời bấy giờ. Cậu cũng còn mê võ thuật, cũng là môn thể thao phổ thông thời đó, Cậu thường lên đánh võ đài. Khi trưởng thành người ta gọi cậu là ông Cai Dư. Cai ở đây không phải cai đội hay Cai Tổng mà là một “Ông Trùm” - một tay chơi nổi tiếng được mọi người nể mặt. Ông cùng người anh là ông Bác Vật Chính lập đội banh làng Nhơn Ái.
Có một việc ông Cai Dư đảm trách nhưng ít người biết, ông mạo hiểm vô U Minh để đưa thầy thuốc Nhung (Nha sĩ Nguyễn Văn Nhung) đang là Ủy Viên của Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ về Sài Gòn giử chức vụ Tổng Trưởng Kinh Tế trong chính phủ Nguyễn Văn Tâm dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại. Nhận thấy được dã tâm của người Pháp, ông Nhung từ chức sau 3 tháng tham gia Nội Các. Người ngạc nhiên không biết bằng cách nào mà ông Nhung từ U Minh về Sài Gòn một cách bí mật và an toàn.
5- Ông Hồ Viết Nghị: Ông Hồ Viết Nghị là rể ông Cai Tổng Vĩnh, một nhà giàu có, dưới bến sông có trồng hai cây kè từ chợ Phong Điền lên hướng Cầu Nhiếm khoảng 500-700 mét.
Khi xưa còn xài tiền kẻm Gia Long (1 quan là 600 đồng). Tiền phải ví bồ chứa như chứa lúa, khi đi mua sắm phải có người gánh tiền đi theo. Ông Nghị giàu đến đổi tiền đổ vô bồ xài hoài không hết nên lớp dưới bị rỉ mục phải cho người nhà lúc ban đêm (sợ người ta thấy) gánh xuống ghe đem ra vàm Trà Niềng mà đổ ..!!!
Ở sau nhà có một hầm nuôi cá sấu, mua đến hai ghe cá sấu từ miệt dưới (Sóc Trăng - Cà Mau) đem lên bán, lớn nhỏ có đến 70-80 con. Nuôi cá sấu làm kiểng coi chơi … Thỉnh thoảng bắt một con làm thịt ăn trở bửa, heo gà ăn hoài cũng ngán…!
Đến khi ông mãn phần, con cháu cực kỳ bày tỏ lòng hiếu thảo nên đám ma ông rình rang, linh đình và quàng đến 6 (sáu) tháng mới đem chôn. Mỗi đêm đều có gánh hát bội hát, vật heo gà cơm nước đãi khách suốt nửa năm trời! Thấy thương ông bầu gánh hát hơn hết! Thoạt tiên thấy hợp đồng hát liên tiếp sáu tháng lại trả tiền hậu nữa thì ham. Nhưng đào kép làm sao hát nổi 180 đêm liền, chưa kể đến tuồng không đủ để hát, phải hát đi hát lại làm người ta chán bỏ về … Lúc đầu là mùa khô, gặt hái xong rảnh rang có nhiều người đến. Vài tháng sau sa mưa vào mùa cấy lúa ai cũng bận, lại mưa dầm, gió lạnh, nên khách thưa dần … lúc đó ông bầu gánh hát bội xin chủ nhà cho ngưng hát. Không biết hai bên điều đình thế nào mà gánh hát vẫn tiếp tục trình diễn. Thế là đào kép khan cổ rồi tắt tiếng … không hát được nữa. Ông bầu bèn lạy gia chủ xin hủy hợp đồng.
VIII. NHỮNG NĂM KHÓI LửA:
(Xin xem tiếp Bài 4- Hết)
VIII. Những Năm Khói lữa .
IX. Ý Nghĩa Làng Nhơn Ái .

VIII. NHỮNG  NĂM  KHÓI  LỮA:
(Sẽ post vào tuần tới)
IX. Ý NGHĨA LÀNG NHƠN ÁI
Nhơn là Người, Ái là Tình. Nhơn Ái là Tình Người.
Khi làng đông dân tách ra lập làng mới thì đặt tên là làng Nhơn Nghĩa để vùng đất này được gọi là vùng đất “ Tình Nghĩa Con Người”. Đây không phải chỉ có trên cái tên của làng, mà thể hiện cách sống của dân làng Nhơn Ái . Nó trở thành truyền thống từ buổi khai hoang lập ấp. Những người đến trước đã an cư lạc nghiệp thì thực hiện câu “Lá lành đùm lá rách” . Người dân ở vùng đất mới này thích khôi hài nên mới thêm một câu nữa: “Lá rách đùm lá tả tơi”. Họ không nói suông. Trong những năm mất mùa đói kém, hay loạn lạc, ở dưới bến sông của mấy cái nhà ngói có cái chòi lá nhỏ trong đó có một khạp gạo và một hủ muối, đôi khi là một hủ mắm nghĩa tình, đở lòng cho những ai lở bước khi đi khẩn hoang hay đói khổ trong lúc chạy giặc … Cảnh khốn khổ đó mà tổ tiên hoặc chính họ đã từng trãi qua. Giá trị con người không ở tiền bạc hay huyết thống, nhưng là ở thái độ tích cực: “ Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (Đối với đồng loại). “ Bần tiện chi giao mạc khả vong” (Đối với bạn bè). Cung cách xử thế đó mang đậm nét tình người.
Trong gia phổ gia tộc ông Lê Đăng Nguyệt, nguồn gốc Qui Nhơn nơi xuất phát
phong trào Tây Sơn: “ … vì loạn lạc Tây Sơn nên mới di cư vào Nam Việt …”. Một triều đại lẩy lừng nhưng sao gọi là loạn lạc Tây Sơn? Đó là vì vào những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, cuối triều đại Tây Sơn, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bất hòa đánh nhau. Khi Nguyễn Huệ mất (1792), con là Quang Toản lên nối ngôi mới 10 tuổi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Nguyễn Nhạc mất, con là Nguyễn Bão lên nối ngôi bất mãn với vua Cảnh Thịnh nên bị vua Cảnh Thịnh bắt giết đi. Vua Cảnh Thịnh còn quá nhỏ không đủ uy quyền để ổn định triều đình. Tướng lảnh và các quan đại thần giết hại nhau tranh giành quyền lợi nên triều đại Tây Sơn chỉ tồn tại có 14 năm (1789-1802). Thế sự này làm cho sĩ phu thời bấy giờ phải suy ngẫm!
Ba cây sao được trồng từ lúc mới khai hoang, phải chăng để nhắc nhở con cháu làng Nhơn Ái ngàn năm sau ghi nhớ câu:
“ Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
(Ca dao)
Dù là một triều đại lẩy lừng cũng phải sụp đổ trong chốc lát chỉ vì thiếu đoàn kết mà họ đã chứng kiến!
Gia Tộc Ông Lê Tam, cạnh cố đô Huế (Huyện Phong Điền. Tỉnh Thừa Thiên) thì tại sao phải ra đi? Khi Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn lập nên nhà Nguyễn (1802) là vua Gia Long, ban hành luật lệ khắc khe, cho phép trừng phạt cả họ hàng đến ba đời . Hình phạt thì vô cùng man rợ, duy nhất trong lịch sữ, nhất là sự trả thù đối với kẻ thù củ là Tây Sơn:
- Chém bêu đầu, treo đầu giửa chợ cho ruồi nhặng đục khoét …!
- Ngựa xé: Tứ chi của kẻ xấu số bị cột vào 4 con ngựa để xé ra từng mảnh, trước khi chết trong khoảnh khắc còn thấy mình bị phanh thây!
- Voi dầy, dùng voi dậm cho thân thể dập nát ra như hành hình nữ tướng Bùi Thị Xuân!
- Xử lăng trì, lột da người đang sống, rồi lóc từng miếng thịt cho chó ngao ăn (loại chó săn), như hành hình tướng Trần Quang Diệu!
- Người chết rồi cũng không yên, quật mồ lấy hài cốt tán nhỏ trộn với thuốc súng bắn ra biển. Lấy cái đầu lâu làm dụng cụ phóng uế cho lính, như trường hợp đối với vua Quang Trung! Những hình phạt trả thù hết sức rùng rợn đó chẳng có chút tính người chút nào nói chi đến tình người!
Một người ở gần Huế, chán nhà Nguyễn; Một người ở Qui Nhơn chán Tây Sơn, rồi họ cũng có cơ duyên gặp nhau để cùng nhau lập nên vùng đất như họ hằng mơ ước. Có lẽ chính những điều này là nguyên nhân sâu xa nhất để họ đặt tên là làng Nhơn Ái – làng Nhơn Nghĩa, một cách đặt tên làng độc đáo, độc nhất vô nhị trên đất nước Việt Nam.
Đất Nhơn Nghĩa còn đó, sông Nhơn Ái còn đây! Muôn đời chứa chan tình nghĩa con người, ai ơi còn nhớ không?
LÀNG NHƠN ÁI, MỘT MẢNH ĐẤT HAI CHIẾN TRƯỜNG
Năm 1946, Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ đặt tại làng Nhơn Ái, Bộ Tư Lệnh Quân Khu 9 do Tướng Huỳnh Phan Hộ cũng đặt Bộ Tư Lệnh tại đây, ở vàm rạch Cai Cẫm. Ủy Ban Kháng Chiến cho làm 3 cái cảng: Một cảng xóc nọc bằng cây sầu riêng, cau, dừa dưới bến sông nhà ông Hội Đồng Quí, ở cuối ngọn sông Cần Thơ. Cảng thứ hai cũng xóc nọc bằng cây có nhận chìm 2 chiếc ghe chài chở đầy gạch ở sông Phong Điền, dưới bến sông nhà ông Lê Quang Toại. Cái cảng chính là cảng Gạch, gồm 9 chiếc ghe chài chở đầy gạch lấy từ các ngôi nhà trong vùng nhận chìm xuống sông để làm cảng, tại Ba Cây Sao, dưới bến sông nhà ông Lê Đức Thiệu (ông Cả Neo) để ngăn tàu Tây đánh thọc sâu vô vùng kháng chiến, do đó nơi đây là bải chiến trường. Làng Nhơn Ái bị tàn phá, điêu linh … Tàu Tây “phum”, loại tàu đổ bộ LCM và LCVP có tháp cao bố trí đại liên 30 hoặc 12, 7 mm để khi nước ròng mực nước sông xuống thấp hơn bờ đất có thể từ tháp cao bắn xuống mục tiêu. Cái tháp đó giống như cái chuồng gác chim cu nên dân ta gọi là “Tàu Chuồng Cu”. Mấy chiếc máy bay “Cồng Cộc” loại khu trục T.28 chúi mủi xuống bắn đại liên hay đại bác 20 mm, giống như con chim cồng cộc chúi mủi xuống bắt mồi nên gọi là máy bay cồng cộc. Dưới sông là tàu, trên trời máy bay, từng tràng đại liên xối xả trút xuống thôn làng. Cau dừa xác xơ gảy gục, khắp nơi mịt mù khói lữa. Người con gái làng Nhơn Ái dắt mẹ bồng em chạy giặc, ngoảnh nhìn cảnh tan hoang của xóm làng mà rưng rưng ngấn lệ:
“ … Còn em giửa tuổi trăng thề ước,
Lữa cháy thôn làng, cau xác xơ …!”
N.X.H.Q.
Đó là chiến trường với giặc Pháp.
Còn cái chiến trường thứ hai là giửa các phe phái người Việt với nhau cũng vô cùng thê thảm! Chủ trương “giết lầm hơn thả lầm” của Việt Minh làm ban đêm chó không dám sủa. Rồi thì sáng hôm sau có cái xác trong bao bố lềnh bềnh trôi tấp vào cảng Gạch, đó gọi là “bịt miệng bao”. Còn cái xác cột vào cục đá chìm xuống đáy sông thì gọi là “đi mò tôm”. Đôi khi trôi tấp vào cảng Gạch không phải một hai xác mà cả chục xác bị xỏ xâu! Ở nhượng nơi gót chân bị cọng dây chì gài xỏ qua, hai tay trói thúc ké ( hai tay trói quặp ra phía sau) rồi luồn vào cây tre, đó gọi là “khất nhượng xỏ xâu”. Ai mà biết được những xác đó là những ai? Nước lớn trôi vô, nước ròng trôi ra! Cá tôm rỉa tưa tải hết đâu còn nhận diện được. Nhưng có điều chắc chắn họ đều là người Việt Nam: Đảng phái Quốc Gia? Đảng viên Cộng Sản? Hòa Hảo ? Cao Đài ? Việt gian? Hay họ chỉ là những nông dân chất phát không can dự gì đến chính trị? Có trời mà biết ! Có oái oăm, oan trái không khi con người đối với con người tàn tệ dã man như thế trên vùng đất được mệnh danh là tình người?!
Đến năm 1954, thanh bình trở lại sau chín năm khói lữa ngút trời, hoang tàn đổ nát. Lau sậy mọc dầy đặc khắp nơi. Dân làng Nhơn Ái một số tản cư ra Cần Thơ hay lên Sài Gòn rồi không trở lại. Một số vì mồ mả ông bà mà họ đổ mồ hôi, sót con mắt lần nữa như tổ tiên đi khai hoang cũng bằng cái dao phay, cái rựa quéo ngày xưa đốn cây ruồng cỏ. Sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, cam … lần hồi đâm hoa kết quả. Rồi cái phảng, cái cù nèo, bừa cào dọn đất, cái nọc cấy những cây mạ xanh để ruộng đồng phục hồi sức sống.
Làng Nhơn Ái, một mảnh đất hai chiến trường khốc liệt! Tàn phá quá nặng nề, sâu xa. Mặc dù vẫn là một làng trù phú, nhưng hơn phân nửa thế kỷ qua không thể nào phục hồi sự phồn thịnh như xưa!
NHÌN LẠI CON ĐƯỜNG ĐÃ QUA
* Đầu thế kỷ 19:
Hơn hai trăm năm trước những người đi khai khẩn làng Nhơn Ái, họ đi trên chiếc xuồng độc mộc hay chiếc thuyền nan. Họ chống lần qua mấy dề lục bình, thỉnh thoảng gặp cá sấu lờ đờ ngâm mình dưới nước. Mấy bầy khỉ nghe động kêu lé ché, khèn khẹt trên mấy đục bần rồi tuộc xuống túa chạy, xa xa văng vẳng tiếng voi kêu, cọp rống … Họ phải quyết liệt phấn đấu với thiên nhiên, thú dử … đốt rừng, đốn cây làm ruộng, lập vườn. Từng tất đất không biết bao nhiêu là mồ hôi đã tưới xuống cho mầm xanh vươn lên.
Khoảng năm 1820 đầu đời Minh Mạng, Nhơn Ái có nhiều dân đến khai khẩn nên thành lập Nhơn Ái thôn.
* Giửa thế kỷ 19:
- Năm 1853 đời vua Tự Đức, chính sách nhà Nguyễn cho lập đồn điền chiến lược và dinh điền trở lại để củng cố quốc gia sau những năm loạn lạc. Khuyến khích mạnh mẻ dân Ngủ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) vào Nam lập nghiệp. Từng đoàn trên các chiếc ghe bầu tiếp nối công trình của người đến trước khai khẩn đất đai rộng lớn, trù phú hơn.
- Thời Pháp xâm lăng (1862), Pháp chiếm miền Đông, một số dân không chịu sống dưới chế độ cai trị của ngoại bang nên tản cư về làng Nhơn Ái. Đến năm 1867, miền Tây cũng lọt vào tay giặc, dân tản cư về đây ngày càng đông hơn. Rất nhiều ghe xuồng đậu dọc theo bờ sông, trên bờ mấy cái chòi lá cất tạm bợ che mưa nắng qua ngày rải rác khắp nơi. Phần lớn là nghĩa quân chống Pháp thất trận và các gia đình không chịu hợp tác với Pháp. Lý do mà họ đến đây là vì:
- Làng Nhơn Ái cách xa ảnh hưởng của giặc,
- Làng dân cư đông đúc có nguồn nhân lực,
- Làng trù phú là có nguồn tiếp tế lương thực,
- Hội Tề làng không tích cực hợp tác với Pháp, nói một cách khác là bao che cho nghĩa quân,
- Làng lại tiếp giáp với rừng kéo dài đến U Minh, địa bàn rất thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Cuối thế kỷ 19, làng Long Tuyền có 11,939 cư dân, làng Nhơn Ái có 10,464 cư dân, tương đương với làng Tân An là tỉnh lỵ Cần Thơ lúc bấy giờ với 10,000 cư dân (theo Guide annuaire illustré de la Cochinchine pour 1899 claude et cie … Saigon).
* Đầu thế kỷ 20:
- Năm 1908, đánh dấu sự thành công của hệ thống kinh đào, một công trình to lớn nhất của nhà nước thuộc địa tạo nên những cánh đồng mênh mông bát ngát. Bắt đầu sự hưng thịnh vượt bực của làng, dư ăn dư để. Làng Nhơn Ái chỉ có vài người mới có ruộng đất “thẳng cánh cò bay”, “chó chạy vẹo sườn” là ông Lê Bá Cang và ông Huỳnh Ngọc Bỉnh, nhưng đất đó ở nơi khác. Phần lớn cơ bản vẫn là ruộng, sau đó là vườn đặc sản cam, quit, sầu riêng … Họ còn kinh doanh mua bán lúa gạo, lập nhà máy xay lúa, cất phố để buôn bán hoặc cho thuê, không phải chỉ ở trong làng mà còn ra tỉnh hay lên Sài Gòn làm ăn. Cho nên “thả cầm thi”, “đờn ca”, “đá gà”, “đá banh” … là những sinh hoạt rất sôi nổi là chuyện đương nhiên.
- Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929, ruộng đất trúng mùa liên tiếp 4-5 năm, giá lúa tăng vọt, giàu lại giàu thêm! Họ đua nhau cất nhà Tây, một số đã có từ trước. Từ đầu làng đi vô có nhà của các ông Lê Quang Diên, Hội Đồng Quí, Hội Đồng Chân, Nguyễn Bá Chưởng, ông Cả Đính, Trần Văn Thống, Trần Văn Luyện, Lê Quang Xáng, Trần Ngọc Huấn, Trần Ngọc Điển, Lê Quang Diệm, Lê Quang Hinh, Lê Quang Dệ, ông Cả Phúc, Thái Văn Nhiêu, Thái Văn Mười, Thái Văn Chư … dài vô hướng Cầu Nhiếm có nhà các ông Lê Bá Cang, Hồ Viết Nghị, Lê Đức Thiệu (Ông Cả Neo), Lê Quang Hiển, Lê Hữu Thành, ông Mười Thiệu, Lê Văn Ký, ông Giáo Tiến… và cuối cùng ngang chợ Cầu Nhiếm là nhà ông Cai Tổng Nguyễn Văn Vĩnh (còn một số không nhớ hết). Thường một làng thuở đó có 5-7 nhà như thế là làng giàu có lắm rồi. Chưa hết, họ sắm ca-nô có Bác Sĩ Lê Văn Hoạch, ông Lê Bá Cang, ông Lê Quang Xáng. Xe hơi thì BS Hoạch có chiếc xe đua hiệu Amica là loại xe đắt tiền nhất thời bấy giờ, ông Mười Thiệu có chiếc xe hiệu Ariès, các ông Lê Bá Cang, Hội Đồng Giáp, Ông Trần Ngọc Điển có xe Traction hiệu Citroen. Nhà ông Điển ở bên kia sông nên phải cất nhà để xe phía bên lộ ở gần lò vôi. Nhưng đó cũng là thường thôi, có máy bay nữa! Đầu tiên là ông Lê Bá Cang, loại thũy phi thoàng cánh đôi có dây sắt chằng chịt, đáp dưới nước. Có lần ông Cang cho máy bay chạy cất cánh dưới sông, ông Hoạch lấy ca-nô chạy rượt theo bị sóng làm lật úp ca-nô. Về sau, ông Hoạch mua máy bay, thỉnh thoảng bay về thăm Phong Điền, trước khi đi ông bay vài vòng đưa tay chào bà con …! Đó là thời cực thịnh của làng Nhơn Ái! Năm 1943, làng Nhơn Ái là làng giàu có nhất Nam Kỳ, được Thống Đốc Nam Kỳ đến kinh lý.
* Giửa Thế Kỷ 20:
Qua hai thời kỳ chiến tranh, làng Nhơn Ái bị “tàn phá quá nặng nề”tàn phá rất sâu xa”!
- Thời chiến tranh Việt-Pháp (1945-1954):
Tất cả chợ, phố, cơ sở công nghiệp, những ngôi nhà đồ sộ …hoàn toàn bị phá hủy, chỉ còn lại cái nền đúc. Bến chợ thì còn cái cầu tàu đúc bê-tông bằng đá trứng dưới bờ sông. Đến ngôi đình làng (tương đương ngôi Đình làng Long Tuyền, Bình Thũy ngay nay) cũng không còn dấu vết. Sự phồn thịnh của làng ở tiền bán thế kỷ 20 chỉ còn lại trong ký ức của các cụ (70 tuổi), nhưng trong số này ngày nay không còn mấy ai.
Mọi kiến trúc trước năm 1945 đều thành bình địa, có đến mấy trăm đàn ông, con trai dân làng bị giết thả trôi sông hay rải rác khắp ruộng đồng! Đó là sự “tàn phá quá nặng nề”!
- Tiếp theo là cuộc chiến tranh Quốc Cộng (1954-1975)
Tuy thiệt hại về vật chất và thương vong không nhiều, nhưng đó là sự tàn phá độc hại nhất! Không phải chỉ đối với làng, mà còn trong từng giòng họ, từng gia đình anh em ruột thịt với nhau … Giòng họ nào mà không có người ở bên này (Quốc Gia) hay người ở bên kia (Cộng sản)? Cả hai phe đều có cùng mục đích muốn làm cho dân giàu nước mạnh, độc lập tự do: một theo con đường vô sản chuyên chính - một theo con đường tư sản tự do, nó lại trở thành một thảm nạn!
Anh Lê Cần Thơ kể lại trong “ Quê Hương xa mãi ngút ngàn” tấn kịch bi thương trong một gia đình:
Anh Đổ Thành Tây là Thiếu Úy Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh (Quốc Gia).
Anh Đổ Văn Bảy, tự Đổ Quang Trung tức Bảy Trung làm Tiểu đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Tây Đô (Cộng Sản).
Lần đó đóng quân tại Kinh Cùng thuộc tỉnh Chương Thiện. Đơn vị pháo binh của Thiếu Úy Tây chỉ huy hướng nòng đại bác bắn vào khu Nhà Máy Cháy, lên đầu đơn vị của đứa em mình đang chỉ huy.  Hôm đó bà mẹ của hai anh lặn lội vào thăm con mình trong vùng sâu, được anh Bảy đưa ra một khoảng cho bà quá giang xuồng về Cần Thơ qua ngả Kinh Cùng.Tới Kinh Cùng bà gặp thằng con trai lớn đang hướng đại bác bắn vào em ruột của nó, bà mẹ chỉ lặng khóc mà không thể nói được gì!
Sau 30 tháng 4 năm 1975, Bảy Trung về thăm gia đình gặp anh mình trước khi có lệnh gọi các Sĩ Quan và viên chức chánh quyền Sài Gòn tập trung cải tạo. Hai anh em tranh luận với nhau thế nào không biết mà anh Tây đã tự sát! Niềm đau này chính bà mẹ của hai người bạn cùng lớp gánh chịu cho đến khi bà nhắm mắt xuôi tay …! (Anh Lê Cần Thơ, anh Đổ Thành Tây, anh Đổ Văn Bảy và tôi - tác giả bài viết - trước kia đều là những người bạn cùng lớp: Trường Tiểu Học Phong Điền, và Trường Trung Học Phan Thanh Giản, Cần Thơ).
Những oan khiên nghiệt ngã là sự thù hận, chia rẻ … nỗi đau thương và mặc cãm mất mát trong lòng dân làng tôi bao giờ mới nguôi ngoai ?! Đó là sự “tàn phá rất sâu xa!”.
Để tạm ngưng bài viết ở đây, xin quý bà con hãy nghe anh Lê Quang Diệp (San José, CA) kể một câu chuyện “Bánh Hỏi Mặt Võng”:
- “ … Những người làm bánh hỏi mặt võng là quí bà Lê Quang Thưởng, Lê Thị Kim Chi, Lê Kim Xinh, Bà Chín Nu ở gần vàm Cai Cẩm, khi có ai đặt thì họ mới làm.
Bánh hỏi mặt võng chào đời vào giửa thập niên 1950, đoạt giải Danh Dự trong cuộc thi kỳ lễ Hai Bà Trưng 1958 tại Cần Thơ. Bánh Champagne kỳ đó của các bà Lê Thị Hoa và bà Lê Thị Thành đoạt giải Vô Địch. Họ “trúng rùa” như  ông Archimètre …! Lúc rê họ ngủ gục nên rê không đều thành hình mặt võng nhưng vụng về, thấy hay hay nên các bà mới chỉnh lại cho khéo. Các bà không có giấu nghề, nhưng không phải ai muốn làm cũng được. Làm phải có đồ nghề, khuôn và bàn ép, lại còn nồi hấp rồi mới tới khéo tay … Đâu phải là chuyện đơn giản …!”
Kể từ lúc tổ tiên đi khai hoang lập ấp, làng có nhiều sáng kiến hay:
- Chuyển hóa từ “đờn ca ra bộ”thành ca kịch “Cải Lương” ngày nay.
- Trồng cam trái mùa .
- Bánh hỏi mặt võng …
Đó là một số sáng kiến mới lạ của dân làng ở các đời sau.
Và sáng kiến nào để làm cho Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái là vùng đất muôn đời chứa chan tình nghĩa con người?
(Tập sách LÀNG NHƠN ÁI 200 NĂM KHAI KHẨN- 2005, của Lê Hữu Uy. Tái bản lần thứ hai tại Phoenix, Arizona, Hoa Kỳ. Gồm 3 thứ tiếng Việt-Anh-Pháp) 

trích
 http://www.ptgdtdusa.com/id1629.html
đọc thêm 
 http://www.ptgdtdusa.com/id1623.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire