http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/04/nhung-ieu-ghi-nho-mai-tren-at-bac-tac_24.html
Những Điều Ghi Nhớ Mãi Trên Đất Bắc
“Nhớ Đào Quốc Đương, Hiến và Tiến”
- Phần cuối -
Mạc Thiên
Mấy ngày nay trời đã bắt đầu
lác đác những trận mưa đầu mùa, nhưng trận mưa buổi sáng hôm nay quá lớn. Nước
từ núi cao tràn xuống ào ào như thác vỡ, mực nước hồ Thác Bà dâng lên cao tràn
vào cả sân trại, ngập đến gần đầu gối. Cả trại được nghỉ, nhưng được triển khai
thành buổi sinh hoạt học tập. Khởi đầu buổi sinh hoạt nào cũng giống nhau: quản
giáo chủ tọa, đội trưởng khai mạc buổi sinh hoạt bằng ba bài hát của tập thể
đội do một anh trại viên được chỉ định “cầm càng” (chữ của thiếu úy quản giáo
Đặng Quang Ba: “Anh Ích đứng dậy cầm càng cho tập thể đội làm vài bài...”). Sau
này, không biết do ai khởi xướng mà “làm vài bài” đã biến thành “làm vài bãi...”
Sinh hoạt đội có nghĩa là phê bình, bới móc nhau, rồi tự bới móc mình, nhận
khuyết điểm, ưu điểm, tự đánh giá thái độ cải tạo, đồng thời hạ quyết tâm định
“phương hướng tới”. Tôi được Đặng Quang Ba chỉ định phát biểu đầu tiên:
- Thưa cán bộ, thưa tập thể đội, tuần vừa qua, tôi phạm nhiều khuyết điểm, một là tôi đã làm thơ ủy mị khiến cán bộ trên đoàn phải xuống “làm việc”. Cán bộ đoàn đã chỉ vẽ cho tôi những sai phạm. Tôi hoàn toàn thành khẩn nhận lỗi và được cán bộ ghi nhận những nhận thức mới của tôi là có tiến bộ. Khuyết điểm thứ hai là phải nghỉ mất ba ngày để “làm việc”, nên không đảm bảo ngày công trong tháng, trong tuần. Tôi thành khẩn nhận khuyết điểm trước đội và rút kinh nghiệm để sửa chữa. Tôi xin hết!”. Đặng Quang Ba can thiệp liền:
- Không được nhận khuyết điểm chung chung như vậy! Thơ phải đọc lên, chỉ rõ những nhận thức sai trái của mình trước đội, có như thế mới nhận ra những sai lầm. Riêng phần kỷ luật là do trên quyết định sau.
Tôi nhẫn nhịn:
- Vâng, tôi cũng muốn đọc lên, nhận khuyết điểm trước cán bộ và tập thể, nhưng vị cán bộ đoàn cấm tôi không được nhớ, không được đọc những bài thơ sai trái đó, giờ quản giáo ra lệnh, tôi xin tuân theo!
Đặng Quang Ba nghe tôi nói như vậy, vội vã giơ tay ngăn:
- Thôi, đồng chí cán bộ cấp trên đã chỉ thị như thế thì chúng ta phải tuân hành thông qua, các anh đồng ý không?
Như những chiếc máy, 50 cái miệng gào lên thật lớn: “Đồng ý!” để khỏi bị bắt gào đi, gào lại mấy lần.
Cũng chiều hôm ấy, tôi lên cơn sốt, có lẽ vì thấm mưa chiều hôm trước, và do hơi đất ngột ngạt bốc lên. Cũng tối hôm đó, tối thứ 5, toàn trại phải lên hội trường học hát, trời vẫn mưa lác đác, nước rút đi để trơ lại bùn lầy, tôi cáo bệnh, xin đội trưởng ở lại lán. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, trại có lệnh cho tất cả phải lên hội trường, dẫu đau ốm, miễn là còn sống. Tôi thấy Đặng Quang Ba gọi “Bẩy Xe Lửa” và Lữ Văn S, tổ trưởng tổ 3, và đội phó Nguyễn Văn X ra nhỏ to, chắc là có chỉ thị gì đặc biệt.
Đến 9 giờ 30 tối, tất cả về lán, lán tối đen và lầy lội những bùn. Bỗng có 7 người bỗng dưng hô hoán là mất đồ để trên “dàn giá ba lô”. Cuộc điều tra khởi đầu ngay tức khắc, phát hiện ra 7 chiếc ba lô “quân từ trang” của 7 anh em bị mất. Hàng rào tre nứa bị vẹt ra, vết giày ba ta còn in trên nền đất. Kết luận được đưa ra là nhân lúc toàn đội lên học hát, kẻ gian đã xâm nhập, ăn cắp đồ của trại viên. Tất cả thật rõ ràng. Sáng hôm sau, đội trưởng, đội phó và 5 tổ trưởng được lệnh ở lại trại để “sinh hoạt lãnh đạo đội.” Tối hôm đó, trời lại đổ mưa, sinh hoạt đội được triển khai rất sớm. Dưới ánh đèn dầu tù mù, mọi thủ tục được lập lại, Đặng Quang Ba đứng giữa lán, vẻ mặt gian ác. Trong lán không một tiếng động, chỉ còn lại âm thanh của những giọt mưa gõ trên mái nứa. Gã nhìn từng người, ánh mắt chứa đựng vẻ uy hiếp và cất cao giọng, hai hàm răng xít lại làm tôi nhớ đến tấm bia trên bãi tác xạ ngày mới vào quân trường:
- Sự việc xẩy ra tối hôm qua, bẩy trại viên đã bị “âm mưu đen tối của thế lực thù địch” ăn cắp với mưu đồ nghiêm trọng. Làm thế nào người ngoài biết được trong các ba lô để trên “sự nghiệp dàn giá ba lô” chứa quần “gan”, quần “tẹc”, vậy thì phải có sự tiếp tay “nội bộ tổ chức”, ý đồ thâm độc là móc ngoặc với dân để “âm mưu trốn trại”. Sự việc ấy đã rõ ràng. Hôm nay ta phải tìm ra kẻ địch “trong lòng dân tộc, tổ chức” để “ngăn chận kịp thời âm mưu đen tối phát sinh từ những ý đồ xấu xa.” Ban chỉ huy trại và hội đồng cán bộ dưới ánh sáng vinh quang của đảng, đã tìm ra kẻ đó là ai. Tuy nhiên, để thực hiện tính dân chủ, tổ chức đội lấy biểu quyết, nếu quá bán thì kẻ đó có tội và bị thi hành kỷ luật, nếu không đủ quá bán, kẻ đó vô tội. Thủ phạm gian tham phản động hôm nay được đưa ra trước tòa án của tập thể đội, đó chính là tên “Mạc Thiên”, và hắn phải đền tội.
Tôi đã dự đoán được âm mưu này, vì chiều nay, ánh mắt của tên Bẩy nhìn tôi khác lạ. Tôi biết số mạng của tôi đã được quyết định thông qua bàn tay của anh em. Tôi giơ tay xin phát biểụ Đặng Quang Ba chặn lại:
- Không cho phép mày phát biểu!
Tôi phản ứng quyết liệt:
- Tôi xin phát biểu để thể hiện tính dân chủ mà cán bộ vừa nói!
Tôi nhìn thẳng vào mắt y, y có vẻ bối rối:
- Cho phép mày nói 5 phút!
- Tôi chỉ cần 2 phút!
- Được, cho phép!
Tôi vẫn ngồi im tại chỗ, nhìn khắp lượt anh em. Nhiều người cúi đầu hoặc rút vào bóng tối. Giọng tôi đanh lại nhưng chứa đầy tình cảm. Tôi biết sự sống chết của tôi là lúc này:
- Thưa anh em toàn đội! Các anh, tất cả chúng ta đều có học, biết phán đoán đúng, sai. Tôi chấp nhận sự phán quyết của anh em, và sinh mạng tôi đặt trong tay anh em. Các anh phán quyết tôi theo lương tâm của mình. “Các ngươi đong cho ai bằng đấu nào, ta sẽ đong cho các ngươi bằng đấu đó!” Lời của Thượng Đế đã phán truyền, máu của kẻ vô tội sẽ chảy trên đầu con cái chúng ta. Tôi xin hết!
Cuộc biểu quyết lập đi lập lại câu hỏi “ai cho rằng tên Mạc Thiên có tội hãy giơ tay biểu quyết!”. Cả đội im phăng phắc. Một vài cánh tay ngập ngừng rồi bỏ xuống, trừ tên Bẩy, tên Xuân là giơ thẳng cánh. Đặng Quang Ba tím mặt, giọng hắn rít lên:
- Ai cho thằng Thiên không có tội, giơ tay lên!
Tất cả những cánh tay giơ cao, trừ hai tên Bẩy và tên Xuân.
Tên quản giáo hùng hổ hét lớn:
- À, thì ra chúng mày toa rập! Ông cho mục xương, mục xương!
Nói xong, y vội vã bước ra khỏi lán.
Bỗng dưng tôi cảm thấy một khoảng không mở ra trong lòng tôi, một cơn mệt lạ lùng dìm tôi xuống trong một cảm giác mơ hồ.
Cùng lúc đó, ngoài trời đêm, nhiều ánh đuốc bập bùng, một đoàn người khá đông tiến vào trại áp giải theo một người bị trói thúc ké, thủ phạm ăn cắp đã bị bắt ở chợ, khi y đem quần áo, tư trang ăn cắp của 7 trại viên ra chợ bán và bị công an tóm giải về trại.
Hắn chính là tên bộ đội quản chế trêu chọc Mận hôm trước, và hắn cũng chính là tên gác đêm hôm qua lúc chúng tôi lên hội trường học hát. Sự việc vỡ lở, cả trại xôn xao, ban chỉ huy trại không thể dấu nhẹm được. Ba ngày sau, tên Bẩy bỗng thổ huyết. Ôi, “Chúa có bàn tay của Chúa!”...
*
Lần đầu tiên tôi nếm mùi “kỷ luật” cũng do một bài thơ. Để chào mừng “quốc khánh” 2975, tất cả mọi trại viên phải tham gia “viết báo tường” với chủ đề “học tập tốt, lao động tốt”. Thời hạn nộp bài là ba ngày. Ngày ấy mới vào Long Giao, lao động chỉ quẩn quanh trong khu vực doanh trại, dọn dẹp vệ sinh, tu sửa nơi ăn chốn ở, làm cỏ và trồng tỉa. Mùa mưa đã đến được trên ba tháng, đám lau sậy đã cao hơn đầu người, mà cuốc xẻng chỉ là những cọc sắt đập dẹp đầu và uốn cong lại, do đó, những bàn tay phồng rộp, xây xát, cả đội cũng đã khẩn hoang được một khu đất rộng gần chừng một mẫu, chia cho 5 tổ đảm trách việc trồng trọt, ai muốn trồng gì cũng được, miễn là cho kín khu đất. Từ cảm hứng ngậm ngùi ấy, tôi đã viết bài thơ “Một ngày lao động tốt”:
Này luống khoai xanh, luống đất hồng
Đây vòm sắn mượt cụm rau non
Mồ hôi nhỏ xuống từng vuông cỏ
Ý đất, lòng khoai có biết
không?
Mạch sống nhen theo mạch núi rừng
Chòm cây lối cỏ nhớ sương
trong
Mưa nguồn chớp bể đêm qua đó
Chắc hẳn chưa tàn nụ hướng
dương.
Nhát cuốc ta phăng bụi cỏ này
Ngại gì không mạnh sức đôi tay
Mai kia nắng dạt chiều đông
xám
Và gió hừng đông lả bóng cây.
Ôi, đó đời ta, mảnh đất này
Bụi cà chen chúc cụm rau đay
Vui buồn trộn lẫn vài công đất
Ý lá, lòng hoa, hương cỏ may.
Bẩy ngày kỷ luật hưởng theo tiêu chuẩn trại giam. “Trại giam” là một cái thùng conex được chôn trong lòng đất, chằng chịt kẽm gai bao quanh. Trời nắng thì van trời, đêm mưa thì lạy đất.
Lần thứ hai, tai họa đến từ buổi học tập “nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là ưu việt”. Mọi người phải phát biểu ý kiến, triển khai ca ngợi đảng và xã hội chủ nghĩa, sau đó viết bài thu hoạch. Tôi ngồi khuất vào góc phòng, lơ đãng nghe anh em moi óc tìm cho ra những từ ngữ có thể tìm được để ca tụng “xã hội chủ nghĩa ưu việt”. Vẻ lơ đãng của tôi lọt vào mắt cú vọ của tên quản giáo Đặng Quang Ba, và hắn yêu cầu tôi đứng lên phát biểu. Hắn bảo:
- Anh hãy nhận xét những ưu và khuyết điểm của nền kinh tế ưu việt của xã hội chủ nghĩa!
Không lẽ tôi lập lại những “lời hay ý đẹp” mà anh em trong đội nặn óc nghĩ ra, và sẽ bị đánh giá là không chịu “động não”, là chung chung, là thiếu sâu sắc. Thôi vậy, tôi phải nói những điều tôi đã nghĩ, đã được đọc:
- Thưa cán bộ quản giáo, thưa anh em, trong tác phẩm vĩ đại “Công cuộc cách mạng nhân dân” của “cụ” Tổng Bí Thư Lê Duẩn, trang 506, dòng 14 có một đoạn viết rằng, “nhân một lần về thăm một xã nghèo thuộc tỉnh Nam Hà, “cụ” Tổng Bí Thư đã nói với lãnh đạo của xã ấy như sau:
“Nếu xã viên không có trên 3 sào ruộng đất, thì không nên vào hợp tác xã, cứ để cho họ làm ăn riêng lẻ, như vậy thành quả sẽ cao hơn, mới đủ sống.” Tại sao như thế? Tại sao làm ăn riêng lẻ lại có kết quả tốt hơn vào hợp tác xã? Chúng ta vẫn thường nghe các cụ, tổ tiên chúng ta nhắc đi nhắc lại câu nói “cha chung không ai khóc”, vì vào hợp tác xã, chẳng ai muốn tận lực ra sức làm việc, do dó thành quả sẽ thấp hơn canh tác cá nhân. Chẳng ai vạ gì đổ mồ hôi tận lực, trong khi những người khác lơ là, làm chiếu lệ. Tuy nhiên, tôi được biết, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng con người chủ nghĩa xã hội.” Cái khuyết điểm về yếu tố tâm lý dựa dẫm ấy, đã được Hồ Chủ Tịch nhìn thấy, nên mới quan tâm đến nhân sự, đến “con người chủ nghĩa xã hội”. Do đó, tôi xét thấy rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng có mặt hạn chế của nó!”
Gương mặt tên quản giáo xạm lại, mọi người nín thở, và tôi tự trách mình dại dột, dù đã mang hai nhân vật “vĩ đại” ra làm cái khiên che chắn, thế nhưng, chỉ ba ngày sau, tôi lại phải vào trại kỷ luật.
Chưa đầy hai năm, kể từ lần cùm đầu tiên, lần này là lần thứ ba, và cũng như lần đầu, tai họa đến từ những vần thơ. Theo tử vi, cặp văn xương, văn khúc, gọi tắt là văn khúc, là cát tinh riêng đối với tôi, nó đúng là hung tinh số một (và 14 năm sau, tôi lại bị “hạn” xương khúc lần nữa, và lần này nặng hơn nhiều).
Lần thứ 3 xẩy ra hơn một tháng sau ngày chấm dứt buổi “làm việc” với viên đại tá. Không một ai trong trại biết tôi bị kỷ luật. Lần này không hề đọc lệnh bắt giam, lệnh thi hành kỷ luật đối với trại viên phạm lỗi, bởi vì cái tội của tôi khó viết thành văn tự.
“Con ạ, từ khi bố vắng nhà
Đến nay, thắm thoát mấy năm
qua
Khi đi con hãy còn măng sữa
Thơ dại nào hay buổi thiếu cha
Người ta bảo bố phải yên lòng
Hài tội mình ra giữa đám đông
Con ơi, tội bố nhiều ghê lắm
Nặng nhất là vì tội nhớ con!
...
Tôi bị cùm hai chân trong nhà ngục chìm một nửa trong lòng đất, tường xây bằng đá tảng với muối, không một chút ánh sáng, buổi trưa ngày nắng dội, trong ngục cũng chỉ lờ mờ một thứ ánh sáng như đêm trăng suông. Hai bên bệ xi măng cao chừng 30 cm (hoàn toàn giống như một ngôi mộ) là hai trụ đá, xuyên qua hai trụ đá là một thanh sắt lớn. Hai chiếc cùm chữ U lồng vào hai cổ chân, và thanh sắt dài xuyên qua hai vòng khuy của mỗi thanh sắt chữ U, xiết hai cổ chân rồi xuyên qua bức tường khóa cứng ở bên ngoài.
Viên cán bộ có cặp chân mày sâu róm và ánh mắt hung bạo lấy làm thú vị khi hai thanh sắt chữ U nịt chặt lấy cổ chân của tôi. Y cười gằn, vung vẫy chùm chìa khóa:
- Chết cha mày nghe con, đây là mồ chôn của mày, mày sẽ cạp cứt mà chết, chuyên chính sẽ nghiền nát mày như cám bụi!
Nói xong, y vung chùm chìa khóa quật vào mặt tôi, cũng may, tôi tránh kịp, nhưng tôi lại không thể tránh được những cú đạp túi bụi vào người, tôi phải gồng mình lên mà chịu đựng. Khi cửa hầm sập lại, căn hầm tối đen. Tôi ngồi im trong bóng tối mịt mùng, đầu óc trống rỗng. Bầy muỗi đói ào ra, trong im lìm, tiếng muỗi bay lớn dị thường. Cũng may, bộ đồ tù tôi mặc trên người là bộ đồ trận của Biệt Động Quân, tuy thế, cũng không cản được những cái vòi như kim châm của bầy muỗi đói. Đó là ngày 19/5/1977, ngày sinh của ông Hồ (?). Đó là ngày thứ nhất và ngày sau cùng, làm sao biết được là bao giờ, vì lần này không có lệnh kỷ luật, nên không có thời hạn.
Tôi ngồi im như thế không biết
là bao lâu. Khi hai nhượng chân gác đè lên thanh sắt, đôi chân từ cảm giác tê dại
đã chuyển thành nhức buốt. Cũng may, đôi dép râu của tôi y đã quên không tịch
thu, do đó, tôi dùng nó đỡ cho hai gót chân hổng lên, để khỏi đè lên thanh sắt.
Cũng nhờ thế mà sau này tôi còn đi lại được. (Ôi, đôi dép sống mãi trong sự
nghiệp của chúng ta!)
Dẫu trong hoàn cảnh nào cũng phải sửa soạn cho cuộc đầy ải, bằng tất cả những gì có thể có được. Tôi cởi áo lót trùm kín lên đầu, xé chiếc quần đùi đang mặc bao lấy đôi bàn chân, phòng thủ cuộc tấn công hung bạo của bầy muỗi. Tôi ngả lưng xuống và thiếp đi. Mỗi một ngày, cửa hầm chỉ mở một lần vào buổi chiều để mang cơm cho tù. Trong phòng, ngoài trừ một ống vầu để tiểu tiện, một để đại tiện, còn một ống vầu cắt ngắn để đựng vừa đủ hai giá cơm, khoảng hơn một chén, và một ống vầu chứa một lít nước uống. Gọi là cơm, thật ra, từ ngày ra Bắc, lương thực của chúng tôi quẩn quanh chỉ toàn là bo bo, sắn lát, và cao cấp nhất là bắp xay. Tội thay, có hôm nhà bếp quên muối, có hôm lại bỏ muối mặn chát, phải bốc mà ăn, hai bàn tay lép nhép chùi đại vào quần áo, mùi hôi kết hợp từ mọi thứ, nồng nặc, song rồi mãi cũng quen.
Tôi đã qua đi được mùa hè, một mùa hè lửa đổ trong căn hầm đá được xây bằng muối, ban ngày nóng đến độ “lè lưỡi như chó tháng sáu”, ban đêm lạnh buốt như cứa da. Bộ quần áo đã dày cứng như mo nang, do hai bàn tay lép nhép. Sau đó, tôi đã thầm cám ơn Thượng Đế đã cho ta mái tóc. Tóc dài xòa xuống cổ, hai bàn tay được “chùi rửa” trên mái tóc. Ôi, cảm giác sạch sẽ của bàn tay được tóc lau đi sung sướng làm sao! Rồi mái tóc cũng bết lại, xòa xuống, che được cần cổ, phòng chống hữu hiệu bầy muỗi bạo tàn...
Chỉ sau khoảng một tháng, vòng sắt chữ U đã rộng ra do hai cổ chân teo lại. Sang tháng thứ ba, chỉ còn bị cùm một chân. Hạnh phúc thật vô ngần khi một chân được tự do!
Hàng ngày, để giết thì giờ, tôi kể cho tôi nghe tất cả những bộ truyện mà tôi đọc được như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xa Điêu, Lục Mạch Thần Kiếm, Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ, kể cả bộ Lộc Đỉnh Ký. Tôi cố nặn óc, cố nhớ lại. Kỳ lạ thay, trong cơn đói khổ tận cùng, trí nhớ của tôi dường như lại tốt hơn lên. Những nhân vật trong toàn bộ tác phẩm của Kim Dung tôi nhớ gần như nguyên vẹn, nhờ đó mà sau này tôi được tấn phong ngôi Giáo chủ, Lệnh Hồ Công Tử...
Tôi tự nhủ tôi không được nhớ thương, không được buồn khổ..., nhưng rồi, cho đến một ngày, tôi biết mình sắp chết, cái chết lảng vảng quanh tôi. Nhiều lần tôi đã phải cố gắng vùng vẫy để thoát ra khỏi cái hố thăm thẳm của cái chết, và tôi cũng biết rằng sự cố gắng ấy chẳng còn kéo dài được bao lâu nữa.
Đã qua một mùa đông phải phấn đấu chống chọi với cái lạnh, tôi mơ hồ cảm thấy trái tim tôi như đứng lại, ngập ngừng từng nhịp rã rời. Tôi phải dùng tay mình xoa nóng cho nó, vỗ về nó, van xin nó đừng ngừng lại. Rồi một mùa hè nóng ngộp lại tới. Tôi há miệng thở dốc từng cơn. Tôi không thể, vâng, tôi biết tôi không thể vùng vẫy ra khỏi cái hố tối tăm đang mở lớn, từng lúc, từng lúc nhận chìm tôi xuống cõi miên viễn. Cho đến một hôm, tôi không thể nào nuốt trôi được hai củ sắn luộc đã có mùi thiu và trơn nhợt. Miệng tôi đắng ngắt, khô lại, cùng một lúc tôi nghe tiếng gió thổi lạnh buốt từ đốt xương sống dâng lên. Tôi nghe ở xa lắm tiếng gọi mơ hồ trong chính thân thể mình, và trong óc tôi, sự lịm tắt của sự sống dường như đã khởi đầu, mù mờ, sương khói trong đôi mắt nặng nề, và bóng tối kỳ dị của sự chết đang bước tới. Tôi cố gắng vùng vẫy để thoát ra. Tôi không sợ hãi, không kinh hoàng, nhưng thoáng chút ngậm ngùi hình ảnh mơ hồ của đứa con chưa biết mặt. Đứa bé ấy là trai hay gái, vì khi nó được sinh ra, tôi không được tin tức mảy may nào của Mẹ con nó...
... Con ra đời giữa lúc đời tan tác
Mà đau thương còn quặn đến hôm
nay
Trời tháng Tư lấp đầy cơn ác
mộng
Biển nghìn năm còn vọng nỗi
đau này.
Không! Ta không thể nào chết được! Không! Lạy Chúa! Và tôi chìm đi trong hố sâu thăm thẳm của vô cùng. Tôi thấy một vùng sáng như sữa bao bọc quanh tôi, một cảm giác nhẹ nhàng như sương khói...
Bỗng dưng tôi cảm thấy giá buốt. Tôi nghe thấy có tiếng động xào xạt, tôi mở mắt, ánh lửa bập bùng hắt lên tàng cây cao, dường như tôi cất tiếng rên... Tôi bỗng nghe có tiếng người nói lớn:
- Báo cáo anh bộ đội, anh T còn sống! Hãy còn sống...
Có tiếng hỏi vọng tới, dường như từ phía dưới ngọn đồi:
- Sao? Cái gì? Khẩn trương lên mà về!
- Anh T còn sống!
- Sống đếch gì được mà sống, cùng lắm là sáng mai nó cũng chết, chôn mẹ nó đi, khỏi mất công khiêng đi khiêng lại!
Thì ra lịm đi. Họ nghĩ rằng tôi đã chết và mang đi chôn, nhưng giữa chừng, tôi đã tỉnh lại. Ôi, tỉnh lại mà làm gì! Nỗi cay đắng đầy ắp trong tôi. Tôi sẽ bị chôn sống!? Cuộc đời tôi đến thế này sao?
Bỗng có tiếng gọi thất thanh từ phía dưới:
- Chết mẹ rồi, trại cháy! Bỏ mẹ nó đấy, về chữa cháy, mau lên!
Hai người tù tự giác, là những tù biệt kích bị bắt năm xưa, quẳng xẻng cuốc lao đi. Cảnh vật yên tĩnh, tôi cố gắng, sự cố gắng lạ thường, và tôi đã ngồi dậy được. Bó đuốc còn cắm gần đó, huyệt mộ đã đào gần xong. Tự nhiên, như một thôi thúc bí mật của sự sống, tôi cố gắng bò lết và đã bò chui vào được một bụi rậm. Tôi dựa lưng vào một tảng đá và thiếp đi... Không biết bao lâu, tôi lại nghe tiếng chân đi lạo xạo, và một giọng hốt hoảng:
- Chết mẹ, thằng chả biến đâu mất rồi?!
Một giọng khác thì thầm:
- Hay là chả trốn rồi?
- Trốn sao được, ngáp ngáp rồi còn trốn với chạy thế đếch nào được!
- Hay là... bị cọp tha mất xác rồi!
- Bây giờ làm sao?
- Hay là mình báo cáo cho thằng cớm nhí?
- Báo cáo lại mang khổ vào thân, thôi cứ coi như mình đã chôn rồi, cọp xơi cũng vậy, đất nuốt cũng vậy!
Tiếng động của một tảng đá được lăn xuống, tiếng lấp đất. Một lúc sau có tiếng vọng từ xa:
- Xong chưa?
- Xong rồi!
- Thôi về! Mất mẹ nó một đêm!
Ánh đuốc mờ dần dưới triền đồi, và tôi lại thiếp đi. Tôi bỗng mơ thấy một người, một lão ông râu tóc bạc, vỗ vào vai tôi:
- Dậy đi con, ráng bò lại bên ánh lửa, con sẽ tìm được sự sống!
Tôi giật mình mở mắt, qua tàn lá rợp, tôi thấy có ánh lửa thoắt bùng lên, thoắt tắt ngấm, ở một nơi cách chỗ tôi nằm chừng vài chục mét. Trong đêm sương lạnh, ánh lửa nồng ấm có một sức mạnh kỳ lạ lôi kéo tôi, dựng tôi lên. Tôi bò lết từng tấc đất về hướng lửa. Khoảng vài chục mét, với tôi lúc này như ngàn dậm, một sự phấn đấu vượt qua sức còn lại của tôi. Tôi ngừng lại nghỉ. Không khí trong lành của đêm khuya trên đồi cao đã giúp tôi tỉnh táo. Tôi tự thúc giục mình: “Ráng đi! Ráng đi! Phải sống! Cuộc đời còn phía trước, kẻ thù còn phía trước, ráng lên!...” Tôi tự khuyến khích mình trong sự rã rời của chân tay, và tiếp tục lết bò đi từng chút một. Cỏ gai cứa lên mặt tôi, đất sỏi xiết chà trên thân thể rã mục. Tôi lết đi, cho đến một lúc thể xác không thể tuân theo mệnh lệnh của ý chí... thì tôi đụng phải một vật, rồi tôi nhận ra tôi đang bò lết trong khu nương rẫy của người Dao, và cái vật mà tôi vừa đụng phải là một trái bí đỏ còn non. Trong suốt cuộc đời tôi, từ quá khứ cho đến khi nhắm mắt, sẽ không có một loại trái cây nào có thể sánh bằng với trái bí đỏ non đêm hôm đó. Tôi không thể tả được nó ngon đến dường nào, và cũng từ đó, tôi không hề muốn ăn bất cứ loại trái cây nào khác. Và cho đến hôm nay, trên đất Mỹ này, những người thân yêu thường cho tôi là kẻ dại dột, không biết ăn trái cây. Tôi không biết nói làm sao cho phải, thường cười mà đùa rằng “Tôi tuổi Tỵ, mà lại là Tân Tỵ, cầm tinh Mãng Xà Vương, các vị có thấy con rắn nào ăn trái cây bao giờ không”. Có ai biết đâu rằng, đối với tôi, ngay cả loại đào tiên trong truyền thuyết của Tây Vương Mẫu cũng chẳng thể sánh bằng được “trái bí đỏ non” đã cứu mạng tôi đêm đó.
Tôi ăn hết ba trái bí non bằng nắm tay. Kỳ diệu thay, một nguồn sống mới đã nhen nhúm lại trong tôi, và tôi đã bò đến được bên đống lửa trong một chòi lá giữa rừng núi hoang dại. Đây là chòi lửa của dân tộc Dao dựng lên giữa khu nương rẫy để canh phòng thú rừng phá hoại hoa mầu... Mỗi lần cơn gió thổi qua, tàn tro tung bay, và ngọn lửa lại bùng lên. Lửa âm ỉ ngày đêm ngúm mãi trong những thân gỗ lớn. Tôi bỗng chợt phát hiện một trái bí già vùi giữa đống than tro, có lẽ của chủ nhân khu rẫy này nướng sẵn và bỏ quên. Tôi ăn hết trái bí đỏ nướng, ngọt như mật, cho đến khi bao tử không còn chỗ nào nhét thêm được, mà miệng thì vẫn cứ muốn ăn, tôi hiểu được tại sao trong trận đói tháng Ba năm Ất Dậu, người ta chết vì đói, và sau đó lại chết vì quá no!
Trời đã gần sáng, tôi bò vào một lùm rậm, cạnh một thân cây lớn, ngả mình giữa hai chiếc rễ khổng lồ và ngủ thiếp đi.
Tôi bừng mắt dậy, tuy không phải là ánh nắng, lần đầu tiên sau 419 ngày trong hầm tối, tôi chạm phải ánh sáng ban ngày, đôi mắt tôi nhức buốt như kim châm, nhưng theo tiếng động, tôi cũng kịp nhìn thấy nòng súng chĩa vào đầu tôi. Hai người Dao, người đàn ông cầm súng săn có lẽ nghĩ rằng tôi là một con quái thú, toan bóp cò, và nhanh tay hơn, người đàn bà đã kịp đẩy nòng súng lên cao, súng nổ, viên đạn cắm vào thân cây sát trên đỉnh đầu tôi. Tôi lấy hai tay ôm mặt, che bớt ánh sáng ban ngày của ngày tàn hạ. Tôi không hiểu được hai người Dao đã trao đổi gì với nhau. Sau đó, người đàn ông lấy một cành khô gạt bàn tay tôi ra, vén mớ tóc dài lòa xòa phủ trên mặt tôi và quan sát. Ông ta gật gù như nhận ra tôi là một con người, một con người khốn khổ.
Có lẽ mùi hôi thối từ người tôi tỏa ra khiến ông ta nhăn mặt, mũi ông ta chun lại và hắt hơi. Người đàn bà, áng chừng là người vợ, đưa cho chồng chiếc khăn quàng. Ông ta bịt khăn quanh mũi, đưa súng cho vợ và xốc tôi lên, cõng tôi trên vai. Tôi xúc dộng đến trào nước mắt. Lòng thương xót của một con người với một con người, và đó là bản năng không chỉ của con người với nhau, mà cả đến loài ác thú cũng có trong đồng loại. Tôi tự hỏi, lòng nhân ái của con người đối với đồng loại mình. Đôi khi không bằng loài cầm thú, chẳng lẽ những người cộng sản đã không còn bản chất người, bản chất của các loài động vật? Tôi thiết tha hy vọng là tôi đã nghĩ sai, nhưng ý nghĩ ấy không lúc nào rời bỏ tôi từ ấy... Tôi ngủ thiếp trên vai người chồng, lên dốc, xuống đèo, không biết bao lâu thì tôi được đặt xuống. Ánh nắng đã lên cao. Đôi mắt tôi nhức buốt khi mở ra. Tôi được đặt nhẹ nhàng xuống bên một tảng đá. Người vợ đưa cho chồng chai dầu mùi ngãi cứu, đổ lên đầu tôi. Một thoáng sau đó, mùi hắc đã không còn, chỉ còn lại mùi thơm tỏa quanh người. Ông chồng lấy chiếc kéo cắt mớ tóc của tôi, những bệt tóc hơn một năm không được tắm gội rơi xuống lả chả như vỏ cây. Ông ta cắt tóc như một người nhà nghề, dĩ nhiên là “cắt bốc” theo kiểu “tiền văn minh - hậu sư cụ”. Sau đó, người vợ đưa cho tôi một nắm xôi bắp nếp đã nguội và ra dấu cho tôi ăn. Tôi gọi là xôi bắp, thật ra, đó chỉ là loại cơm ngô dẻo quánh. Tôi ăn thoáng đã hết. Tôi liếm sạch sẽ mảnh lá chuối khô cho đến khi không còn hạt bắp nào dính lại. Người chồng trao cho tôi ly nước nóng, nước chát quánh như trà quặn. Một lúc sau, ông chồng đỡ tôi đến một vòi nước; nước được truyền xuống từ một dòng suối trên cao, chảy theo những chiếc máng làm bằng thân cây vồi được bổ đôi, từ cao hạ thấp từ từ và chuyền đến tận nhà. Nước trong vắt và mát lạnh, nước xối xả lên đầu, lên vai, lên cổ tôi. Bộ quần áo mục rách ngấm nước mủn ra khỏi thân thể, và nước từ trong vắt biến dần thành đen sậm khi chảy qua người tôi. Tôi chà xát, kỳ cọ và da tôi hiện ra trắng nhợt như xác chết, người còn da bọc xương với những đường gân xanh nổi lên chằng chịt.
Người đàn ông, sau một lúc tần ngần, đã lấy ra một cục sà bông “đế” được bọc cẩn thận trong tấm giấy dầu, chà lên đầu, lên cổ tôi, giúp tôi kỳ cọ sau lưng. Ông nhìn thân hình tôi và lắc đầu ái ngại, rồi ông đem cho tôi một bộ quần áo màu xanh lam với nhiều chỗ vá. Dù trong suốt thời gian bị cùm, tôi vẫn thường xuyên luyện tập đôi chân, vậy mà tôi không thể tự mình đứng dậy nổi. Ông chồng đưa cho tôi cây gậy chống, khuyến khích tôi tập đi. Tôi đi run rẩy và loạng choạng như một ông già trăm tuổi. Nếu cứ tính “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” thì ít ra tôi đã có tuổi hàng triệu năm, vậy thì có gì làm lạ khi tôi như một ông già trăm tuổi!
(Tôi ở trong tù trước sau gần tròn 20 năm, tức là 7 ngàn đêm lẻ chốn lao lung, nhân với thiên thu, là nhân với một ngàn, tính ra tôi đã thọ được 7 triệu tuổi! Xin cám ơn người anh em “vô sản”!)
***
Tôi được vợ chồng người Dao cưu mang khoảng một tuần lễ, tuy nhiên, tôi không được xuống “dưới nhà”. Trong suốt tuần lễ ấy, họ dấu tôi trên gác. Gác thật ra chỉ là những tấm ván được gác ngang qua hai đà ngang. Tôi chỉ được xuống nhà dưới khi đêm xuống để làm vệ sinh cá nhân. Ngày hai lần, cơm là bắp nếp được xay ra và nấu như gạo, ngon ngọt vô cùng, đôi lúc được ăn với mật ong. Sức khỏe của tôi dần dần hồi phục. Tôi cố gắng xoa bóp đôi chân bằng loại thuốc nước của rễ cây nào đó mà ông người Dao đưa cho. Gân cốt cứng cáp trở lại và tôi đi được không cần đến gậy chống, dù còn yếu...
Một hôm, hai vợ chồng người Dao nhỏ to với nhau và chỉ chỏ lên chỗ tôi nằm. Rồi một buổi sáng sớm, họ đưa tôi xuống và dìu tôi đi. Họ đưa tôi trở lại chốn cũ, nơi chòi lửa và bảo tôi ngồi đợi... Khoảng hơn một giờ sau, một viên thượng úy và hai vệ binh đi tới. Tôi nói với viên Thượng úy:
- Xin cứ việc giết tôi, tôi không hề oán trách, trước sau gì tôi cũng chết!
Tôi hình dung đến căn hầm kỷ luật và quả thật, cái chết chính là một ân huệ. Gã thượng úy cười hiền lành, nhưng nụ cười lại làm tôi rợn tóc gáy. Tôi bỗng nhớ đến viên đại tá đã làm việc với tôi ngày trước. Gã bảo:
- Sao anh lại nói thế? Chúng tôi rất tiếc vì sự lầm lẫn của đồng chí y sĩ khám nghiệm nói rằng anh đã chết. Chúc mừng anh đã hồi sinh! À này! Làm sao anh ra khỏi huyệt mộ?
- Thưa ông, huyệt đào rất cạn, tôi moi đất chui lên và sau đó được vợ chồng người Dao cứu vớt.
Tôi được dẫn về trại, cách ly với các phạm nhân khác và được bồi dưỡng 3 ngày (mỗi ngày 2 chén cơm độn bắp và một chén canh rau, tiêu chuẩn của vệ binh). Ngày thứ ba, tôi được đưa đi cân. Viên y sĩ (?) bảo tôi:
- Cho anh ba mươi bẩy ký! (Có nghĩa là tôi chưa được 37 kg)
- Xin cám ơn tấm lòng rộng lượng của cán bộ!
Tôi nhìn y. Y thản nhiên nhận lời cám ơn châm biếm của tôi. Ba ngày sau, tôi được chuyển về trại Nam Hà (tức trại Ba Sao). Tôi được dặn đi nhắc lại là không được nhắc đến bất cứ điều gì về những ngày tôi được “an dưõng”.
Cho đến hôm nay, tôi cũng không biết nơi tôi đã được “an dưỡng” suốt 419 ngày đêm là đâu, và điều ray rức nhất là tôi chẳng biết tên vợ chồng người Dao đã cứu tôi ngày đó. Hình ảnh cặp vợ chồng đầy lòng từ tâm ấy mãi mãi không phai mờ trong lòng tôi, cho đến lúc lìa đời...
Bao nhiêu đêm muộn bấy nhiêu ngày
Ta sống hay là đang chết đây
Ngục tối khác chi lòng huyệt tối
Nghìn trùng ngay tự lúc chia tay.
(Trần Thúc Vũ)
Tám trăm trại tù được đánh số từ AH.1 đến AH.800 thống thuộc đoàn 776, chia thành nhiều liên trại, nằm rải rác trong rừng sâu suốt một giải biên thùy Hoa - Việt. Những Cổng Trời, Nghĩa Lộ, Văn Bàng, Sơn La, Yên Bái... Con số 800 trại tù chỉ được tính bằng ký hiệu AH, đó là ký hiệu thuộc thẩm quyền quản lý của quân đội, chưa kể đến các trại thuộc Trung Ương do công an quản lý, hay đúng hơn, đó chỉ là các trại tù dọc theo biên giới cực Bắc.
Trên toàn quốc Việt Nam, còn vô số những trại tù của từng địa phương mang những ám số khác nhau, dưới quyền sinh sát của các bạo chúa khác nhau. Đoàn 776 dưới tay bạo chúa Đàm Quang Trung, trung tướng tư lệnh quân khu Tả Ngạn. Mỗi trại thuộc đoàn 776, số tù nhân xê dịch từ 400 đến 500, tính đổ đồng tổng cộng chừng 35 ngàn người. Nếu tính theo số thì tù nhân hiện nay trên toàn cõi Việt Nam có khoảng chừng 2 triệu người (Đây là con số mà một viên thiếu tá công an vô tình nói với tôi vào cuối năm 1997). Đây là một con số khủng khiếp, tỷ lệ 1/35 người dân Việt Nam bị đày trong ngục tối, ấy là chưa kể đến số dân còn lại, cuộc sống cũng chẳng khá gì hơn số phận của những tù nhân.
Tôi đã làm một con tính nhẩm, chỉ riêng với số tù nhân 2 triệu với mỗi ngày nửa ký lô gạo lương thực và nửa ký lô qui ra tiền thực phẩm không thôi, thì mỗi ngày phải tiêu phí 2.000 tấn gạo, chưa kể đến ngân sách nuôi dưỡng, cung cấp cho hệ thống kềm kẹp này, cùng những chi phí điều hành cho 2 cục quản lý trại giam... thì con số có thể lên tới 720 ngàn tấn gạo hàng năm, tính đổ đồng tiền gạo đổ ra để duy trì, điều hành toàn bộ hệ thống nhà tù ở Việt Nam... Tất cả chi phí này đều do nhân dân Việt Nam è cổ ra gánh vác để tạo điều kiện cho sư thu nhập của đảng. Thành quả sức lao động của hai triệu tù nhân là một món béo bở, vô tội vạ. Mỗi tù nhân phải lao động mỗi ngày 8 giờ chật vật, chưa kể những ngày Chúa nhật bị trưng dụng cho cái gọi là “ngày lao động xã hội chủ nghĩa”. Con số ấy vẫn chưa dừng tại đó, vì rằng, những mánh khóe bóc lột tù nhân một cách tinh vi chưa đề cập tới. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên gì khi nhà tù càng ngày càng đông thì đảng càng béo bở, càng giầu xụ, và luật pháp càng ngày càng khắt khe, tạo cho xã hội càng ngày càng băng hoại. Bề ngoài đảng cộng sản khoe khoang đang cải tiến chế độ lao tù, cho thăm nuôi, cho tự túc, song thực chất chỉ là để tạo điều kiện vơ vét, bóc lột xương máu của thân nhân những người tù. Và việc “chống tham nhũng” cũng nằm trong mục đích ấy. Tôi xin nói rõ để minh chứng điều này:
Trong mỗi trại, cán bộ thăm nuôi, “giáo dục” và điều tra hoàn cảnh của từng tù nhân, khuyến khích các tù nhân thuộc gia đình khá giả ra “tự túc”, và những thành phần này được ưu đãi, nghĩa là được tự do tương đối. Diện “tự túc” được chia làm nhiều loại. Mỗi trại viên muốn ra tự túc phải nộp cho trại hàng tháng 200.000$ (hai trăm ngàn đồng), chưa kể những món tiền dấu mặt đút lót riêng cho cán bộ quản giáo, cán bộ thăm nuôi, cán bộ giáo dục và bày tỏ lòng tri ơn bằng những giá trị vật chất khác mỗi lần thăm gặp gia đình. Cán bộ trực trại cũng không được lãng quên, rồi đến cán bộ quản giáo, quản chế phải cung phụng hàng ngày, kể cả việc chưa kể nếu muốn được thăm nuôi “24” hay “48”, nghĩa là gia đình được ở lại với tù nhân trong khu vực thăm nuôi, thiết kế từng phòng như “nhà chứa”. Muốn được ở lại, thân nhân phải trả tiền phòng, tiền đủ thứ, ủng hộ cái này, đóng góp cái khác, và nếu muốn ở lại lâu hơn, cứ có tiền bỏ ra là được. Tuy nhiên, đối tượng phạm nhân phải được đánh giá là tiến bộ, và việc đánh giá này hoàn toàn nằm trong tay cán bộ quản giáo. “Tiền là tiên, là Phật, là sức bật con người, là nụ cười của tuổi trẻ... Tiền hết ý!” Tù nhân bình thường là thế, còn tù nhân kinh tế thì sao? Và điều này khiến cho tham nhũng càng ngày càng nhiều, càng chống càng đông.
Một gã tù kinh tế với án tù chung thân, vốn là giám đốc một đại công ty, đã nói với tôi: “miễn là đừng bị án tử hình là đủ!”. Y ở trong một cơ ngơi riêng cách trại khoảng 500 mét, bên cạnh một hồ nước lớn, có TV, tủ lạnh, kể cả máy lạnh và những tiện nghi rất hiện đại khác. Vợ con y, người tình nhí, với xế hộp bóng lộn, muốn đến lúc nào thì đến, muốn ở bao lâu thì ở, ăn uống như một ông hoàng, hàng tuần cưỡi xế hộp về Sài Gòn dong chơi, không bao giờ mặc đồ tù, thong thả ra vào, không bị chi phối bởi những điều nội qui trại, nghênh ngang, láo xược. Y cho biết, nếu biết điều thì dù tù chung thân khổ sai, cũng chỉ sau 10 đến 13 năm là được ân xá. Và những dịp ân xá hàng năm là cơ hội thu nhập khổng lồ cho đảng.
Y bị kết án vì tội biển thủ 40 tỷ đồng Việt Nam, đó chỉ là con số bề ngoài, thực chất thì có thể nhiều hơn thế. Sau một thời gian giam giữ để điều tra, trong khi giam giữ, phòng giam của y có giường nệm, quạt máy, ăn uống, thăm gặp gia đình thả dàn nếu biết tung tiền ra. Khi tòa tuyên án xong, gia đình y đi “mua đất”, nghĩa là mua nơi giam giữ, mua trại - hoàn toàn đúng với nghĩa đen của nó - bỏ tiền ra xây nhà. Tiền càng nhiều, tự do càng mở rộng. Và dĩ nhiên, sau một thời gian, khi hắn ra khỏi tù, cơ ngơi và mọi thứ xây dựng trên đất của trại đều thành tài sản của trại. Khi y được chuyển đến trại giam thì mọi thứ đã sẵn sàng. Y được giao cho một cái ao mênh mông, để “lao động tự túc”, y thả cá tùy ý, mỗi năm phải đóng góp cho trại 100 triệu đồng Việt Nam, y phải bỏ vào ao vài chục ngàn con cá giống, phải mua thực phẩm cho cá và giao cho trại toàn quyền thu hoạch lợi tức. Những cam kết ấy, y phải tự động ngầm dâng hiến. Trại cho y 2,3 tù nhân làm việc nuôi cá, cắt cỏ, bỏ mồi và hầu hạ y, bù lại, y phải trả cho trại hàng tháng 200.000 đồng Việt Nam cho mỗi tù nhân phục dịch, và phải nuôi ăn cho những người phục dịch này. Y phải gánh vác những chi phí đột xuất cho trại, tuyệt đối giữ kín, đồng thời cũng phải quà cáp, tiền bạc, biếu xén cho những “yếu nhân” trong trại. Đối với cán bộ cấp thấp hơn, y phải là một người rộng rãi về ăn uống, hút sách, trà lá. Hàng tháng sinh hoạt đội bình bầu, y phải lấy được điểm “tốt”, hay tệ nhất cũng phải loại “khá”. Nếu bị điểm “trung bình” hoặc xấu, có nghĩa là y không biết phải quấy, là “vứt đi”, là bị đưa vào trại, và mọi thứ thành trắng tay.
Sau 7 năm đầu, y được “vỡ án”, và nếu biết lo 2 cây vàng cho một năm ở trại, 3 cây cho tào án, y sẽ được giảm 2 năm, nhưng tối đa cho hạn ân giảm là 5 năm. Vậy là khi “vỡ án” vào năm thứ bẩy, y đã được coi như ở tù 12 năm, qua năm sau thứ 8, giảm thêm 4 năm nữa, rồi năm sau kế là y coi như y đã “chấp hành xong án phạt tù” với toàn bộ chi phí chừng 10 tỷ đồng. Khi ra về, sau 9, 10 năm “buôn bán”, y lời đứt 30 tỷ đồng và thảnh thơi phủi tay, xóa hết ân oán, giang hồ.
Do đó, chúng ta hiểu tại sao, đảng càng chống tham nhũng, tham nhũng càng nở rộ, và tại sao nhà tù càng rộng mở, đảng cộng sản Việt Nam lại càng béo bở giàu to. Nhà tù là một phương tiện bắt nhân dân gánh vác mọi chi phí, còn đảng thì ních cho đầy túi tham một cách tinh vi. Tuy nhiên, xin nói rõ là những “ưu đãi” này rất khó mà “ban cho” những tù nhân chính trị. Trong thời gian tù cải tạo trước đây, sức lao động đảng vắt cho kiệt lực là nguồn thu nhập của đảng, bởi đó mà số trại viên dần dần giảm hẳn...
“... Sáng ra chỉ có dăm người chết
Chẳng biết bao lâu đến lượt
mình
Căm uất sinh ly thà tử biệt
Oán hờn thấu tận mấy trời
xanh...”
Có hàng chục nỗi chết uất ức khác nhau: tai nạn lao động, cây đè, đá nghiến, vực sâu nát thân, đáy hồ chìm khuất, đói khát, bệnh tật, hành hạ, đánh đập, bọn vệ binh háo sát, lấy cái chết của tù nhân làm trò giải trí, trả thù... Không biết hàng bao nhiêu nỗi chết cay đắng, nhục hình.
*
Mùa đông năm 1977, nhiệt độ xuống thấp 1 độ 7, mặt hồ Thác Bà se lại như muốn đóng băng, gió Bấc thổi thấu xương, tên quản giáo đội 4 bắt hai tù nhân uống 2 tô nuớc muối để lặn xuống nước mò cá trong “đăng”, cả hai đều vỡ tim, hộc máu mà chết. Vậy mà vẫn chưa yên, xác bị bỏ lại bên hồ qua đêm, sáng sớm hôm sau, tập họp trại viên, tên trưởng trại đọc lệnh cảnh cáo đối với hai xác chết vì “đã thiếu an toàn lao động” rồi sau đó mới cho đi chôn. Tất cả mọi xác chết đều để lại qua đêm, đều giống nhau ở một điểm: hai con ngươi bị móc, tai, mũi, môi biến mất, cả đến tay và chân, lũ chuột đói cũng không từ. Chúng chui vào quần gậm nhấm, rút rỉa. Trên khuôn mặt nát bét, hai hố mắt sâu thẳm, đọng máu khô, chập chờn bóng tối.
“Từ giã từng nỗi sầu trong mắt anh
Ngậm ngùi đời đưa anh về theo
đất
Sương đẫm những đêm ru anh ngủ
vùi
Từ đây rừng ôm ấp anh ngàn năm
Bao nhiêu những oan hồn
Giờ đã về mãi đâu
Vực sâu xót thân lưu đày
... Mắt nhắm còn đắng cay
Những ngày đói rét bầm tím
thân
Từng chiều mưa gió căm căm
Buồn đau đến bao lâu
Ôi đời! Giá buốt đắng chát
Ôi! Hồn chất chứa uất ức
Hãy xin nguôi dần đi
Nhớ thương thêm đau lòng... mà
thôi
Đêm nay rừng khuya hiu hắt
Thương ôi! Từng cơn giá buốt
Đưa anh vào canh khuya
Ngấn nước mắt bao ngày
Còn vương lối đi
Vàng võ hồn anh
Sầu vỡ hồn anh đêm đêm...”
Bài hát ấy, tôi thường hát, như lời kinh chiêu hồn, những lần vuốt mắt cho những người anh em bất hạnh... và ôi, máu tươi ộc ra từ chiếc - miệng - không môi, tôi nghe như có tiếng nấc từ lồng ngực, từ hốc mắt hun hút những nghìn thu, máu tươi cũng ứa ra, từ đó, ôi, những dòng huyết lệ!....
Nhìn những cái chết thê lương ấy, ngẫm dến phận mình, và trong giấc ngủ, những cơn ác mộng kinh hoàng kéo dài suốt đời người còn lại.
“... Cả đến chiêm bao cũng hãi hùng
Tỉnh ra còn thảng thốt hư
không..”
Ấy thế mà trong tất cả những nhục hình đày dọa thân xác, nếu đem so với thủ đoạn đày đọa tinh thần thì nào có thấm vào đâu! Cho đến tận hôm nay, những đêm “sinh hoạt”, “phê bình, kiểm điểm” diễn ra thường xuyên mỗi tối, đã làm cho thần kinh người tù như lịm tắt, rã rời hơn cả một ngày cực nhọc. Cho mãi đến tận sau này, được thả ra, rời Việt Nam sang đến đất người, mà nó còn theo đuổi khiến cho một số anh em HO... vẫn còn như nửa khùng, nửa điên, nửa ngơ ngẩn, nửa dại khờ... và không ít anh em đã bị chết dần mòn bởi những ám ảnh từ quá khứ kinh hoàng không thể khuây lãng được. Nỗi đau thương ấy gậm nhấm hao mòn anh em suốt quãng đời còn lại. Khi chiến tranh nổ ra giữa cộng sản Việt Nam và người anh em Trung quốc vĩ đại của họ, lần lượt hàng ngàn trại viên từ những trại dọc theo biên giới Hoa Việt đều được di chuyển, phân tán về các trại Trung Ương do công an Bộ Nội Vụ quản lý. Tôi là một trong số 500 tù nhân trong số những thành phần được coi là nguy hiểm, có nợ máu với nhân dân... như tình báo, chiến tranh chính trị, cảnh sát đặc biệt gom lại từ các trại thuộc đoàn 776 áp giải về trại Nam Hà.
Từ đoàn xe Molotova bịt bùng, khởi hành từ Tuyên Quang, bỏ lại sau lưng núi rừng, bỏ lại những tháng ngày rét mướt, đói khát... và những con vắt rằn ri khủng khiếp. Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, SQ /CTCT Cục Công Binh, người anh em đôi con Dì của tôi, mấy năm trước tóc còn xanh, mà nay, mái tóc trở thành xác xơ, bạc trắng như cước... thở dài:
- Thế nào cũng được! Đi đâu thì đi! Miễn là rời khỏi vùng độc hại này! Muỗi hút máu người, vắt hút máu ngưòi, người hút máu người! Trời ơi!
Tiếng kêu than xé ruột. Bây giờ, ở bên kia thế giới, liệu linh hồn anh có còn bị ám ảnh những tháng ngày trong cõi a tỳ của trần thế hay không?
Đoàn xe chở chúng tôi đi ngang Hà Nội. Hà Nội của tôi năm xưa mà nỗi nhớ quặn thắt trong suốt hơn hai mươi năm chia lìa, những lần Sài Gòn chớm lạnh... Hà Nội đó, cột đồng hồ năm xưa còn kia, phố xá vẫn còn đấy, rêu xanh, hoang phế, điêu tàn, già nua và tệ hại hơn ngày tôi rời bỏ Hà Nội năm nào. Những khung cửa sổ không còn cửa kính được bít bùng lại bằng những miếng ván chấp vá, những đôi mắt ngơ ngác, thẩn thờ trên đường phố loang lổ và rác rưởi... Lòng tôi ngậm ngùi, đắng chát như kẻ bỗng dưng gặp lại người tình ngày niên thiếu, tả tơi vàng võ trong nhà chứa; cùng một lúc, nỗi căm hận bùng lên làm tôi nghẹt thở. Thủ đô của nước “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” đã xuất hiện như thế qua khe hở của tấm vải bạt bít bùng...
Mạc Thiên
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire