caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 3 mars 2013

Châu Đình An / NHĐính sưu tầm



CDA-giang-ngoc
Châu Đình An
Nghe nhạc là một câu chuyện nói mãi không hề dứt, bởi vì tùy theo cảm nhận của từng cá nhân khi nghe một bài nhạc. Có người rung động ngay, có người phải chờ lâu hơn… có khi vài năm mới thấy cái hay của ca khúc. Có khi lại chẳng bao giờ quan tâm đến bài hát này nữa!
Tại sao lại có tình trạng này, đang khi có người đồng cảm ca khúc một cách chóng vánh với người hát, với người viết ca khúc. Khi có kẻ mang trái tim hơi bị cứng (nói cho vui) hoặc khi có kẻ nghe nhạc theo một cách riêng để ăn ý hợp rơ với ca khúc.

Thực ra, khi một nhạc sĩ viết xong bài hát, là viết nên một câu chuyện. Dù là chuyện tình, chuyện thời sự, chuyện lứa đôi hay chuyện xã hội, tựu chung ca khúc gửi đến cho người nghe cái thông điệp của tác giả muốn gửi gấm điều gì. Muốn cho chúng ta nhìn thấy được từng nhân vật, từng lời nói, từng cử chỉ… nó như một cuốn phim chiếu lại từng chi tiết. Và điều này thực là khó, vì viết một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang giấy thì có thời gian để mở đầu và kết thúc. Nhưng viết một ca khúc khi hát dài nhất là 5 phút, ngắn nhất là 3 phút thì cách nào để người nghe rung động và nắm bắt ý chính của câu chuyện.
Tôi xin chia sẻ về câu chuyện viết nhạc của tôi. Khi có bạn hỏi là viết nhạc soạn lời trước hay là viết phần nhạc trước khi viết lời. Xin thưa tuỳ theo từng trường hợp, và tuỳ theo cái cách viết nhạc của từng nhạc sĩ khác nhau. Tuy nhiên, một khi sự “hưng phấn”, xúc cảm do bởi hình ảnh cảm nhận từ bên ngoài, người viết ca khúc sẽ viết luôn “một lèo” vì lúc đó, giòng nhạc đã đến trong đầu của anh ta.
Ví dụ như tôi viết Đêm Chôn Dầu Vượt Biển ngay trong đêm đặt chân đến trại tị nạn Hồng Kong, với một tâm trạng vừa thoát ra khỏi cái chết bủa vây. Từ những cảm nghĩ về hình ảnh sợ hãi chế độ mới khi vượt thoát gian nan để xuống ghe trong đêm tối mịt mùng, đến những ngọn sóng bạc đầu bủa vây, đến những khuôn mặt của người thương im lặng cúi xuống, nước mắt của chia ly, giọt lệ của nuối tiếc, núi chập chùng, sóng mênh mông, sự tự do đón chào trong xót xa… Tất cả là hình ảnh có thật vừa qua nhưng không mất, và bây giờ vụt hiện trong trí nhớ, rồi lan man theo giòng nhạc ngũ cung hò ơi vang vọng lời mẹ ru từ bé, chợt đến và thành ca khúc trong đêm tị nạn đầu tiên.
Dĩ nhiên khi người soạn ca khúc viết bài hát là nói lên những cái cảm nhận của mình, những rung động từ tim mình, tuy nhiên, sự rung động riêng tư đó sẽ trở thành của chung, của tất cả nếu câu chuyện trong ca khúc là hình ảnh của tất cả chúng ta đã và đang sống, đã và đang đối diện, đã và đang nếm trải thì chắc chắn ca khúc đó, sẽ được đón nhận nhanh chóng. Nhưng, còn tuỳ theo điều kiện, ca khúc làm nên tên tuổi của tôi, phải đến năm 1983 mới được mọi người biết đến. Nghĩa là tôi phải mất 3 năm từ 1980 đến 1983.
Trở lại chuyện nghe nhạc như thế nào để ca khúc thành công. Đây là câu hỏi cho những người viết nhạc. Trước hết người viết nhạc phải biết lắng nghe. Lắng nghe chính mình, lắng nghe tha nhân nói với mình, và lắng nghe từ trong trái tim của chúng ta với nhau để viết. Có người thích nghe nhạc đấu tranh, có người thích nghe nhạc tình yêu, có người thích nghe nhạc triết lý. Nhưng, cuối cùng điều quan trọng là ca khúc như tôi đề cập ở phần trên, đấy là bạn muốn gửi gấm thông điệp gì đến với người nghe nhạc.
Viết nhạc theo hứng khởi của mình, nhưng nhiều lúc cái hứng khởi đó, chưa hẳn là xuất thần nên ca khúc. Điều cần nhất người sáng tác phải nếm trải và sống thực, đi nhiều, sống nhiều, lăn lóc gió sương và phải “chịu chơi” với bất cứ hoàn cảnh nào, thì ca khúc sẽ có nhạc và lời hay.
Do vậy phải nhìn nhận nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lời hay, nếu người nghe nhạc muốn tự tìm hiểu, tự suy nghĩ về cách viết lời của ông. Tuy nhiên, có những khi, ông viết giản dị, nhưng vẫn lôi cuốn về hình ảnh trong nhạc. Có lần, tôi ký âm bài hát của ông gửi qua cho ca sĩ Khánh Ly, giọng hát nam Thanh Hải hát nghe lạ. Có những câu thật dễ thương:
“Người ra đi có đôi giòng lệ. Cỏ xanh rì, cỏ mướt chân đi. Miệng môi kia ốm o lời thề. Chân đi xa trái tim bên nhà. Thềm đá nằm thềm đá nghe mưa…”
Nghe thật là bình thường và giản dị như người ta đang kể chuyện. Nhưng càng suy nghĩ thì mình sẽ bị cuốn hút vào nhạc của ông từ lời ca cho đến nhạc điệu.
Người soạn ca khúc đừng quá chú trọng vào kỹ thuật nhạc lý quá đáng. Tôi vẫn biết, có vài nhạc sĩ xem nhạc lý quan trọng và khi ngồi chơi với nhau thường hay nói về kỹ thuật nhạc lý như cách chọn và dùng “ác co”, nói về cung bậc, về tiết tấu, về Jazz Style, các kiểu dáng của nhạc, và cho rằng, khi trình độ hiểu biết của mình về nhạc như thế, có lẽ mình đã đứng trên cõi nhạc bình thường?
Người soạn nhạc khác hẳn với người dạy nhạc. Đây là điều cần nhớ khi bạn muốn trở thành nhạc sĩ viết nhạc. Nếu bạn có khả năng chơi một vài nhạc cụ, ví dụ như Piano hoặc Guitar, thì nhạc của bạn có thể phong phú và nhiều mầu sắc hơn. Người dạy nhạc tất nhiên là giỏi về nhạc lý, nhưng cả đời họ chỉ là người truyền dạy sư phạm chuyên nghiệp về nhạc lý, tuyệt nhiên, họ ít khi nào có một sáng tác hay.
Thêm nữa, người soạn nhạc phải có một cái đầu óc tưởng tượng thật phong phú. Bạn phải nghĩ và thấy trước, thấy rõ, thấy nhiều trong câu chuyện, nhiều mầu sắc hơn người bình thường, có như thế, ca khúc mới chứa nhiều chất liệu phong phú. Và khi ca khúc có nhiều mầu sắc, nhiều hình ảnh thì chắc chắn sẽ làm cho người nghe rung động. Những đề tài về thiên nhiên, nắng, mưa, gió, trăng, mây, cây lá, giòng sông, con suối… là những hình ảnh gần gũi để bạn khai thác. Ví von rất cần thiết, ví dụ “nắng có hồng bằng đôi môi em?”. Làm cho người nghe đối chiếu và cảm thấy thích thú ngay.
Nghe nhạc cũng thế, cũng cần có một trí tưởng tượng phong phú và một trái tim tình cảm, người nghe nhạc muốn biết mình thưởng thức như thế nào về một ca khúc thì, theo tôi, trước hết cần phải tự hỏi chính mình là, ta để ý giọng hát của ca sĩ, ta chú trọng đến ca từ, hay là ta để ý đến nét nhạc hoặc là cả hai. Tuy nhiên, muốn nghe nhạc gọi là biết thưởng thức, ta phải nghe hoà âm và phối âm bên cạnh lời và nhạc. Một điểm hết sức quan trọng là âm thanh của ca khúc đi liền với hoà âm (arrange) là phối hơp lại các nhạc cụ với nhau. Nhạc cụ có những nhạc cụ chính yếu như đàn Piano, đàn Guitar, Bass, Trống. Những nhạc cụ phụ theo như Sáo, đàn Cello, Violin, Pad String… Người làm hoà âm tất nhiên phải biết phối âm, nghĩa là chọn các nhạc cụ để pha trộn lẫn lộn nhằm chắp cánh cho ca khúc bay cao. Phối âm sai thì ca khúc sẽ hỏng, ví dụ nếu dùng đàn tranh, đàn bầu cho vào dòng nhạc trữ tình sang cả Tây Phương, chắc chắn là nghe sẽ bị “lạ” tai.
Người soạn nhạc nên để ý đến cung bậc của “ác co”, ta gọi là “gam”. Chọn những “gam” theo cung bậc có tính cách họ hàng liên hệ, ví dụ sự liên hệ gia đình như “chồng, vợ, con cái” xa hơn một chút “cô, dì, chú, thím” thì trong ca khúc cũng có các “gam” liên hệ máu mủ như thế, nếu biết sử dụng, sẽ làm cho ca khúc rất phong phú. Tuy nhiên một ca khúc nhồi nhét quá nhiều hình ảnh, quá nhiều “gam”, quá nhiều ý tưởng sẽ giống như một bức tranh có quá nhiều màu, sẽ không có màu phụ làm nổi bật cho màu chính. Đây là trường hợp mà người ta hay bị vướng phải ngoại trừ các hoạ sĩ nổi tiếng biết dùng màu. Một ví dụ dễ hiểu đèn cho sân khấu, có bao nhiêu màu là chơi hết, chói mắt, không còn đẹp nữa. Do vậy, trong ca khúc nếu “chơi” hết theo cách ví dụ vừa nêu, người nghe nhạc, chắc là không cảm nhận cũng vì ta cho quá nhiều khiến họ bị bội thực. Nhạc cũng thế, ca từ quá nhiều hình ảnh, nét nhạc không bất ngờ khiến người nghe mau chán.
Nói về “cân phương” là luật trong nhạc. Trong luật cân phương cốt làm cho thăng bằng. Ví dụ như thơ lục bát là luật câu sáu và câu tám. Không thể đang câu sáu nhảy đến câu chín. Các đoạn trong nhạc ta gọi là “bar”, từng đoạn nhỏ nếu chẵn thì 8 hoặc 12 hoặc 16 đoạn. Đó là luật cân phương. Tuy nhiên dù là “luật” nhưng không có bắt buộc, và ta có thể “phá luật”, nhạc Pop, Rock, Rap, Hip & Hop của Tây Phương không hề bị gò bó vào luật cân phương. Vì cân phương có cái hay, nhưng cũng dễ bị nhàm tai. Những bài thơ phổ nhạc thường là những bài luôn cân phương. Nhạc sĩ Phạm Duy tài tình phổ nhạc với bài thơ lục bát của nhà thơ Huy Cận mang tựa Ngậm Ngùi, nghe đều đều, nhưng không chán, và ca khúc này đến hôm nay nếu hát hoặc nghe thì ta có cảm tưởng bài hát này vẫn hay, vẫn mới vì không “quá đát”.
Một điểm quan trọng nữa là, khi soạn hoà âm cho một ca khúc không cân phương, người ta thường thêm đoạn vào sau câu cuối cho cân phương, nhằm giữ thăng bằng, nhằm dễ nhớ, dễ chơi cho giàn nhạc, nhất là khi trình diễn, cần nhạc cụ trống báo hiệu để ca sĩ hát vào.
Nói tóm, cách thưởng thức một ca khúc để biết rằng bài hát có lôi cuốn không, theo tôi:
Ta nghe Intro, nhạc dạo đầu, nghe âm thanh có hay không (điều này tuỳ thuộc vào Mix, Mastering của phòng thu âm). Xong ta nghe tiếng hát của ca sĩ, nghe ca từ, lời lẽ ý tứ, nghe nhạc đệm trầm bỗng, lúc mạnh lúc nhẹ, nghe tiếng hát của ca sĩ như là một người bạn của ta, đang tâm sự với ta. Và ta theo dõi câu chuyện của ca khúc đang dẫn ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ kia. Cuối cùng ca khúc chấm dứt sẽ để lại trong ta suy nghĩ cái gì?
Nếu đang yêu thì ta nhung nhớ. Nếu đang buồn thì ta chán nản. Nếu đang giận thì ta bớt căng thẳng. Tuỳ trường hợp, có những người thiếu hạnh phúc hoặc không có hạnh phúc thường ít khi nào thích nghe tình ca lứa đôi.
Tôi có một cô khách quen thuộc, cô ta trẻ đẹp, mỗi khi vào tiệm của tôi thường hay yêu cầu đổi nhạc khác, vì không thích nghe tình ca. Tôi hỏi cô ta tại sao, thì cô mới thổ lộ với tôi là… mới ly dị!
Châu Đình An

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire